SUY NIỆM CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN - A

19-06-2020 1,928 lượt xem

(Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-38)

Mục Lục

ĐỪNG SỢ+ ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỪNG SỢLm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

CAN ĐẢM, TRUNG THÀNHGiuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

VƯỢT QUA NỖI SỢLm. Giuse Nguyễn Hữu An

ĐỂ GIÚP NHAU ĐỪNG SỢ Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

CHIM SẺ ĐÁNG YÊUTrầm Thiên Thu

HÃY CAN ĐẢM GIỮ VỮNG NIỀM HY VỌNGLm. JB. Nguyễn Minh Hùng

CHẲNG CÓ GÌ CÓ THỂ QUA KHỎI MẮT CHÚABác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

ƠN CHÚA QUAN PHÒNG(Thế Kiên Dominic)

ĐỪNG SỢ

+ ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên

Cuộc sống xung quanh chúng ta có biết bao nỗi sợ. Từ trong nhà ra ngoài phố, chúng ta có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Nguy hiểm do thiên tai, do bạo lực, do tai nạn giao thông. Ngoài những nỗi lo cơm áo gạo tiền, con người còn phải lo sợ trước sự bon chen, mưu mô, thủ đoạn của người đời. Trước những lo sợ bủa vây tứ phía, người ta đối phó bằng nhiều cách khác nhau: có những người buông xuôi phó mặc cho dòng đời trôi dạt, hoặc thỏa hiệp với sự dữ, làm điều bất chính. Có những người can đảm vững tâm, vượt thắng mọi sợ hãi, thanh thoát giữa đời. Giữa bối cảnh đầy lo âu này, người tín hữu được Chúa Giêsu trấn an khích lệ: "Đừng sợ!".

Ông Bà ta thường nói: "Cây ngay không sợ chết đứng". Điều này có nghĩa là chúng ta cứ sống theo sự thật, vì sự thật sẽ giải thoát và minh oan cho chúng ta. Một cuộc sống gian dối, bao che sẽ đến lúc phơi bày ra ánh sáng. Ngôn sứ Giêrêmia là một người công chính, nhưng ông bị bách hại, đe dọa và vu khống đủ điều. Những kẻ thù ghét ông đã gọi ông là "Lão tứ phía kinh hoàng". Tuy vậy, ông vẫn một lòng cậy trông vào Chúa. Ông tin rằng, Chúa sẽ phù trợ ông. Ngài cũng sẽ minh oan cho ông, vì ông sống ngay thẳng. Bài đọc I là lời cầu nguyện của ngôn sứ Giêrêmia trong cơn bách hại. Đó cũng là lời khuyên những ai sống công chính mà bị ghen ghét, hãy cậy trông vào Chúa và hãy sống ngay lành trong bất kỳ hoàn cảnh nào. "Đức Chúa hằng ở bên con, như một trang chiến sĩ oai hùng…". Thiên Chúa là Đấng phán xét công minh. Ngài thấu hiểu lòng dạ con người. Ngài thương xót và cứu vớt những ai sống ngay lành thánh thiện. Những ai cậy trông Chúa, Ngài chẳng bỏ rơi bao giờ.

Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước. Người khuyên chúng ta đừng sợ những người chỉ giết được thân xác mà không giết được tâm hồn. Chúa nhắc chúng ta, "hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục". Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Tuy vậy, sự "sợ hãi" này không giống như sợ hãi trước sự đe dọa khủng bố hoặc bách hại. Sự sợ hãi mà chúng ta dành cho Chúa đi kèm với sự "kính mến", nên chúng ta còn gọi đó là sự "kính sợ". Sự kính sợ này không làm cho chúng ta xa cách Chúa, trái lại, giúp chúng ta vững chí cậy tin. Vì vậy, liền sau đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời phó thác trọn vẹn cuộc sống của chúng ta nơi Ngài, để Ngài dẫn dắt và che chở chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Hai hình ảnh được Chúa Giêsu nêu để chứng minh sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, đó là con chim sẻ và sợi tóc trên đầu. Những vật xem ra là tầm thường và vô giá trị, mà cũng được Chúa quan tâm. Con người chúng ta đáng giá bội phần, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, có ý chí, tự do và trách nhiệm về những hành vi cử chỉ của mình.

Sự kính sợ Chúa còn dẫn chúng ta đến việc mạnh dạn tuyên xưng đức tin nơi Ngài. Người tín hữu là người tuyên xưng đức tin trong mọi lãnh vực, mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Việc mạnh mẽ can đảm tuyên xưng đức tin như một điều kiện cần thiết cho hạnh phúc đời sau. Bởi lẽ, nếu chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, thì chính Người sẽ "bảo lãnh" cho chúng ta trước tòa Chúa Cha. Thánh Phaolô quảng diễn điều này khi so sánh Đức Giêsu với ông Ađam. Do ông Ađam mà sự chết thống trị. Nhờ Đức Kitô mà thế gian được sống. Đức Kitô là nguồn ân sủng dồi dào của Thiên Chúa. Những ai đón nhận Người, thì được ngụp lặn trong nguồn ân sủng phong phú đó. Nhờ đó, họ không còn sợ hãi, nhưng vững lòng cậy tin (Bài đọc II).

Một vấn nạn thường được đặt ra: tại sao có nhiều người làm điều ác mà vẫn phát đạt và vẫn cứ nhởn nhơ? Người Á đông chúng ta tin vào thuyết nhân quả, “gieo gió gặt bão”; Giáo huấn của Cựu ước khẳng định “Sống làm sao, Chúa sẽ trả cho như vậy”; Chúa Giêsu dạy “đong đấu nào sẽ nhận đấu ấy”. Đây là điểm gặp gỡ chung giữa các tôn giáo và một số nền văn hóa. Mỗi chúng ta, thay vì bức xúc trước những vấn nạn trên, thì hãy chuyên tâm làm việc lành. Bởi lẽ, người làm việc lành chắc chắn được Thiên Chúa ghi nhận và ban ơn. Thực tế đã chứng minh điều ấy. Hơn nữa, người tín hữu vững tin nơi Đức Giêsu là Đấng Cứu độ trần gian. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Người.

Giữa bao nỗi sợ của cuộc sống hằng ngày, người tín hữu sẽ tìm được nơi ẩn náu nhờ sự phó thác cậy trông vào Chúa. Nhờ ơn nâng đỡ của Ngài, chúng ta không còn sợ hãi. Nhờ phúc lành của Chúa, những lo lắng ưu sầu của cuộc sống sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta, người tin tưởng vào Chúa luôn lạc quan, vì họ xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với họ trên mọi nẻo đường. Khi khích lệ chúng ta: Đừng sợ! Chúa cũng sai chúng ta lên đường để kể lại những điều lạ lùng Chúa đã và đang làm cho mỗi chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ góp phần giảm thiểu những nỗi sợ hãi đang ám ảnh nhiều người trong cuộc đời.

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Israel ơi!

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,2-3).

Sống ngay lành và thánh thiện; vững vàng phó thác và cậy trông nơi Chúa quan phòng, đó chính là thông điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta. mục lục.

ĐỪNG SỢ

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Trên đời con người có nhiều thứ bủa vậy, một trong những thứ đó là cái “sợ”. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui... Nỗi sợ có vẻ gắn liền với sự mong manh của phận người. Người ta sợ nhiều thứ: sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ bệnh hoạn, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết... Xem ra, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh con người và dù muốn dù không con người vẫn bị bủa vây bởi trăm ngàn mối hiểm nguy. Thấu hiều điều đó, nên khi dạy dỗ cho các môn đệ, Chúa Giêsu khuyên: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn... Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10, 28-31).

Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ sau, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội đã lặp lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:

“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.

“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.

“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Thái độ “không sợ” được Thánh Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II nói đến vượt trên ý nghĩa thông thường là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Không sợ là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co về mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng Cứu độ và cũng không đủ nghị lực và sự kiên trì đưa Tin Mừng trở thành hiện thực nơi trần gian, xây dựng Nước Chúa ngay trong thực tại trần thế.

Từ “Đừng sợ” lại vang lên trong bài giảng thứ hai trên cương vị giáo hoàng, khi cử hành việc tiếp nhận ngai tòa giám mục giáo phận Rôma, ngày Chúa nhật 12-11-1978, tại nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô, Đức Gioan Phaolô nói rõ thêm về lời kêu gọi “Đừng sợ”.

Đừng sợ đón lấy và thực thi lối sống Tin Mừng. Đó là sống yêu thương, không hận thù, như chính Đức Kitô yêu thương và đã tha thứ cho kẻ bách hại mình: “Tình yêu thì kiến tạo. Chỉ có tình yêu mới có thể kiến tạo được. Còn thù hận thì phá hủy. Lòng hận thù không kiến tạo được gì hết. Nó chỉ gây đổ vỡ. Nó làm tan nát đời sống xã hội. Nó chỉ có thể gây sức ép đối với những người yếu đuối và chẳng xây dựng nổi một điều gì” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ nhận nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô của Giám mục Rôma)

Đừng sợ sống yêu thương trong thế giới còn đầy tràn lòng thù hận. Đó là tín thư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Một tín thư xụất phát từ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô. Sứ điệp của niềm Hy vọng: “Hãy làm cho những Lời hằng sống của Đức Kitô đến được với mọi người để họ nghe được Lời của Chúa, sứ điệp của niềm Hy vọng” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Tiếp nối đường hướng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày lên ngôi, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thắp lên lời hy vọng: “Hãy tiến lên phía trước, vì có Chúa ở cùng”. Nếu một phần tư thế kỷ trước là “Đừng sợ”, thì một phần tư thế kỷ sau lại là: “Hãy tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Mẹ Chí Thánh của Người ở ngay bên cạnh chúng ta...”. Và trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ phải liều mạng mình cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đó là phương cách tìm được bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực”.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều lần dùng kiểu nói “đừng sợ”.

Thật vậy, sống ở đời làm sao tránh khỏi những căng thẳng, lo âu, sợ hãi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu cũng có những lúc bàng hoàng xao xuyến. Khi bảo “anh em đừng sợ” Chúa Giêsu muốn ta đừng để cảm xúc sợ hãi làm tê liệt đời sống chúng ta. Người bảo chúng ta: “đừng sợ”. “Đừng sợ” ngay trong mọi biến động, “đừng sợ”, vì “Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ” (Gr 20,13). “Đừng sợ”, khi phải đối diện với đau khổ hay sự chết bởi vì Thiên Chúa, Đấng yêu thương quan tâm chăm sóc chúng ta, vì Ngài là Cha nhân từ, trung tín, thấu hiểu chúng ta cần gì, vì đối với Ngài, chúng ta “quý hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10,31). Ta hãy sống như con thơ phó thác cách đơn sơ trọn vẹn cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.

Lạy Chúa, nỗi sợ làm cho con chùn bước, rụt rè trong đời sống đức tin của con, xin cho con thêm sức mạnh để con không còn sợ hãi Chúa ơi. Amen. mục lục.

CAN ĐẢM, TRUNG THÀNH

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Trong giây phút đầu tiên đăng quang ngôi Giáo Hoàng, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại lời hiệu triệu và có âm hưởng mạnh trên toàn thế giới, ngài nói: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô”. Lời mời gọi này được gợi hứng từ chính lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Vậy anh em đừng sợ người ta [...] Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” ( Mt 10, 26. 28 ).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách. Ngược lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đón nhận mọi hiểm nguy và ngay cả cái chết khi loan báo Tin Mừng Nước Chúa.

1. Đừng sợ!

Trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhắc tới 365 từ ngữ “đừng sợ”. Như vậy, hàm ý cho thấy rằng: trong một năm với 365 ngày, tương ứng với 365 từ ngữ “đừng sợ”, tức là con người ngày nào cũng phải đối diện với sự sợ hãi. Vì thế, lời trấn an “đừng sợ” của Đức Giêsu chính là lời làm cho người môn đệ được an ủi trước những sợ hãi, thử thách, đau khổ trong cuộc đời.

Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước cho các môn đệ về những đau khổ và hệ lụy xảy đến khi các ông loan báo Tin Mừng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10, 28).

Đi thêm một bước nữa, như một lời đảm bảo, Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ biết trước những công khó của các ông sẽ không bị rơi vào quên lãng, ngược lại sẽ được Thiên Chúa ghi dấu và thưởng công xứng đáng, Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 29).

Tuy nhiên, như một điều kiện cần và đủ, đó là: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33).

Khi nói như thế, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của các Tông đồ và tất cả những ai tiếp bước trên con đường sứ vụ ấy.

2. Đặc tính của người môn đệ

Khi tiếp nhận lệnh truyền của Đức Giêsu về sứ vụ truyền giáo, Giáo Hội đã xác định rất rõ bản chất của mình, đó là truyền giáo. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta không có lý do gì để khước từ sứ mạng cao quý này.

Tuy nhiên, nếu đã cùng một sứ vụ với Đức Giêsu, thì chúng ta cũng cùng chung số phận với Thầy của mình. Nếu Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang, thì người môn đệ cũng không có con đường nào khác nếu muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Nếu đường của Thầy là đường của trò. Số phận của Thầy cũng là của trò. Và nếu Đức Giêsu trước kia đi đến đâu cũng có một số người ủng hộ; một số người dửng dưng; và một số người quyết giết chết Ngài cho bằng được, thì đến lượt chúng ta, con đường êm xuôi, bằng phẳng, nhưng lụa, hoa hồng chắn chắn là qua xa lạ. Ngược lại, thử thách, đau khổ, xỉ nhục, bắt bớ và giết chết lại là điều chắc chắn sẽ đến với những ai đi trên con đường ấy, bởi vì: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10,24).

Đứng trước những hệ lụy đó, để được thành công với sứ vụ, người môn đệ cần có những đặc tính sau:

-  Trước tiên là dấn thân:

Nếu vì sợ mà không dám dấn thân thì chưa phải là môn đệ. Đã là môn đệ thì phải dấn thân, mà dấn thân đồng nghĩa với cái chết.

Người đời thường nói: “Nếu sợ mà không dám vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con”; hay “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”  (Nguyễn Bá Học).

Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu chính là phải vượt ra khỏi sự an toàn, bảo đảm cho bản thân, để: “Như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16). Nên chúng ta chấp nhận ngay cả khi bị tổn thương, bắt bớ, tù đầy và cái chết, để miễn sao Tin Mừng được loan báo.

- Thứ đến là không sợ hãi

Chúng ta cũng đọc thấy đây đó những câu chuyện nói về sự gương kiên trì hay vượt khó của các vĩ nhân. Có những người chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ quan điểm, lý tưởng và lẽ sống của mình.

Cũng vậy, người môn đệ của Thầy Giêsu khi đã chọn Ngài làm chân lý, sự thật, lẽ sống và cùng đích cho cuộc đời, thì lẽ đương nhiên, chúng ta phải đánh đổi và chấp nhận mọi sự, để bảo vệ và đạt được mục đích ấy.

Cảm nghiệm về vấn đề này, Giáo Phụ Tertullianô đã viết như sau:

“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa. Câu :”Kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình.  Hèn gì mà trên pháp trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.

- Cuối cùng là biết cậy trông vào Chúa

Thật là mầu nhiệm! Nếu bình thường, bản tính con người ai cũng rất sợ đau khổ và chết chóc, thế nhưng tại sao những môn đệ của Đức Giêsu lại vững tâm, can trường và liều mạng đến như vậy? Thưa đơn giản, đó là vì các ngài đã “Tín thác đường đời cho Chúa và tin tưởng vào Ngài” bởi vì: “Ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9); và “ hằng ở với con” (Gr 1,10) “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 26,20).

Chính bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói đến sự an bài quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời của người môn đệ nếu biết cậy trông, phó thác nơi Chúa, Ngài nói: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30) .

3. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, dấn thân lên đường thi hành sứ vụ đến với muôn dân. Hãy đón nhận mọi thử thách gian khổ trong cuộc đời như một điều kiện cần để đạt được sự sống đời đời. Luôn biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, vì chẳng lẽ chúng ta xin Chúa con cá mà Ngài lại cho con rắn, hay xin bánh lại cho đá? Không đời nào! Cũng vậy, những lúc nguy biến và khổ đau, Ngài thường vác chúng ta trên vai; hay trước những thử thách, bất trắc, thất bại trong cuộc đời, chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa đóng của chính thì Ngài sẽ mở ra cho chúng ta cửa sổ; Chúa đóng đường chính, Ngài sẽ mở đường phụ, và biết đâu, cửa sổ hay đường phụ lại tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho chúng ta???

Tin tưởng điều đó, chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trung thành với sự thật như lời Ngài đã phán: "Anh em đừng sợ người ta [...].  Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 26-27).

Như vậy, không thể vì bất cứ mối lợi gì mà đánh đổi sự thật. Mất đi sự thật, ấy là chúng ta mất đi căn tính, bởi sự thật thuộc về Thiên Chúa, còn gian dối thuộc về ma quỷ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con trung thành với sứ vụ và đón nhận mọi thử thách đau thương trong cuộc đời. Amen. mục lục.

VƯỢT QUA NỖI SỢ

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Một trong những điều rất thông thường thuộc bản năng của con người là biết sợ hãi. Bản năng biết sợ hãi là do Thiên Chúa đặt để ngay trong bản tính con người, nhờ đó con người và cả loài vật nữa mới biết tự vệ và tránh được những khó khăn, bất lợi, tai nạn, đau khổ, chết chóc có thể xảy đến với mình. Tuy nhiên, người có bản lãnh, có trí tuệ, mặc dù biết sợ, nhưng luôn luôn làm chủ được bản năng biết sợ của mình để can đảm chấp nhận những tệ hại nhỏ hơn trước mắt hầu tránh được những tệ hại lớn hơn; hoặc can đảm chấp nhận những tệ hại cho cá nhân mình hầu tránh những tệ hại lớn hơn cho tập thể hay xã hội. Một khi đã nhận thức và chấp nhận điều tệ hại nhỏ hơn, thì ta không còn sợ hãi nó nữa (NCK).

Sống ở trên đời, ai mà không một đôi lần… sợ? Bé thì sợ ma, lớn lên một tí ngoài sợ ma, còn sợ nhiều thứ khác như sợ chuột, sợ gián, sợ thạch sùng, sợ rắn và cả… sợ roi vọt nữa! Trở thành người lớn, hầu như đã bớt sợ mấy thứ đó, nhưng lại có cái sợ khác, như sợ “sếp”, sợ mất việc, sợ không được lên lương…

Cái sợ của trẻ con chủ yếu là sợ vu vơ, lặt vặt, do không hiểu mà sợ như sợ ma, do chưa thấy bao giờ hoặc ít thấy, hoặc thấy hình dạng nó kì quái, bẩn thỉu quá mà sợ như sợ gián, sợ chuột, sợ thạch sùng, do đau thể xác mà sợ như sợ rắn, sợ rết, sợ đòn roi của người lớn!.. Còn cái sợ của người lớn thì khác. Đó là cái sợ thấy được, trực tiếp và cụ thể; sợ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó cái sợ tinh thần chiếm tỉ lệ rất cao. Có cái sợ tránh được, như không bao giờ làm việc xấu, không vướng vào những vụ vi phạm pháp luật,.. thì chẳng việc gì phải sợ. Nhưng có cái sợ không tránh được, như bị cướp, bị bắt cóc, bị khủng bố, bị tống tiền, bị doạ cho thôi việc, bị thuyên chuyển công tác, bị sếp ghét bỏ,… Không may gặp những chuyện như thế mà không sợ, thì ai đó phải có thần kinh …thép! Làm điều sai trái, sợ pháp luật, là cái sợ bình thường. Ra đường sợ kẻ cắp, là cái sợ tuy không bình thường nhưng còn chấp nhận được. Chứ “ra đường sợ công an”, “lên phường sợ… thủ tục” thì đó lại là cái sợ hoàn toàn không bình thường chút nào. Cánh đàn ông lại có kiểu sợ đặc thù này: Sợ vợ! Đến vua chúa oai phong vậy mà còn sợ hoàng hậu, huống nữa là dân thường! Sợ có nhiều cách biểu hiện lắm: sợ run cầm cập, sợ hết hồn hết vía, sợ tái xanh tái xám, sợ lạnh cả xương sống, sợ dựng tóc gáy, sợ toát mồ hôi, sợ rụt vòi, sợ vãi linh hồn, sợ bóng sợ vía... và có cả loại “điếc không sợ súng”. Nỗi sợ cứ quấn lấy đời người. Nỗi sợ làm người ta mất vui, mất bình an và tự do. Thế mà Lê Quý Đôn lại khuyên nhủ: “Phải biết sợ mới nên người”.

Trang tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu khuyên các môn đệ “đừng sợ”. Ðừng sợ người đời, cứ mạnh dạn nói Lời Chúa. Ðừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác thôi. Ðừng sợ vì chúng ta có giá trị trước mặt Chúa.

Sợ sệt có thể làm con người chùn bước trước muôn vàn nghịch cảnh đang giăng mắc và xảy ra trong đời sống thường ngày. Chính vì thế, Chúa luôn cảnh tỉnh các tông đồ hãy tỉnh thức, đừng sợ, sao nhát đảm đến thế! Chúa có đó và luôn can thiệp kịp thời những biến cố xảy ra trong lịch sử cứu độ, trong đời sống riêng tư của con người. Khi Chúa ngủ ở đầu mạn thuyền, sóng to, gió lớn trổi dậy, các môn đệ cuống cuồng, lo âu sợ sệt. Chúa nói:" Sao các con nhát đảm thế", và Chúa khiến gió bão im lặng.

Biết bao vị Thánh Tử Đạo đã không sợ roi đòn gông cùm tù tội và ngay đến cả cái chết. Thánh nữ Anê Lê Thị Thành bị bắt chính vì bà đã cho các thừa sai trú ẩn nơi nhà mình. Bà đã hành xử giống như nhóm phụ nữ cùng với Nhóm Mười Hai và đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu cùng các môn đệ (Lc 8,1-3). Tại Nam Định, quan tòa bắt bà Anê Thành chối đạo, bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời”. Các quan truyền đánh đòn bà, lúc đầu bằng roi, sau bằng thanh củi lớn quật vào chân bà. Dịp chồng bà đến thăm, bà đã giải thích lý do tại sao bà chịu đựng nổi cơn đánh đập hung bạo đó: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn”. Dã man nhất là màn thả rắn độc vào trong áo bà Thành đang mặc. Họ đã túm lấy tay áo bà, có ý để rắn bị bức xúc sẽ cắn vào người bà. Nhưng bà Thành bình tĩnh lạ thường, không nhúc nhích, nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Con út của bà Thành là Lucia Nụ tới thăm mẹ và thấy y phục mẹ đầy vết máu nên khóc nức nở. Bà Thành an ủi con: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Bà còn nói với con gái: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Trong thời gian ngồi tù, bà Thành không những chịu cực hình tra tấn, chịu đói, chịu khát, mà còn chịu khổ vì bệnh kiết lị hành hạ. Nhưng bà được an ủi nhiều vì có hai nữ tu cùng bị giam, săn sóc và giúp đỡ bà. Các linh mục cũng gởi thuốc, đến thăm và ban bí tích hòa giải, xức dầu. Cuối cùng bà đã phó linh hồn trong tay Chúa theo gương Thầy Chí Thánh ngày 12 tháng 7 năm 1841, sau ba tháng bị giam, hưởng thọ 60 tuổi, và được Thánh Gioan Phaolô II phong hiển thánh năm 1998.

Có ai làm người mà không một lần sợ hãi. Ðức Giêsu khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (Ga 14,1) nhưng chính Ngài cũng xao xuyến trước cuộc khổ nạn. Tin Mừng Gioan hai lần nhắc đến điều đó (Ga 12,27; 13,21). Ðức Giêsu xao xuyến đến tột cùng trong Vườn Dầu: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" (Mt 26,37-38), và có lẽ Ngài cũng bị xao xuyến trên thập giá: "Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?" (Mt 27,46). Sợ hãi, xao xuyến không phải là một tội. Kitô hữu không phải là người không biết sợ, hay không dám khiêm tốn thú nhận là mình sợ. Nhưng họ là người không để nỗi sợ chi phối đời mình, không vì sợ mà không dám sống cho chân lý.Ðức Giêsu nói tiếng Xin Vâng ngay trong lúc sợ hãi và đã uống cạn chén đắng Cha trao.

Con người hôm nay an toàn nhờ đủ thứ bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cũng bắt nguồn từ nỗi sợ cái bất trắc. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ riêng. Cần đối diện và vượt qua bằng lòng tín thác, để rồi được an tĩnh và tự do. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, chăm lo đến từng sợi tóc cho ta, và chúng ta có giá trị lớn lao trước mặt Ngài. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào đời sau. Cái chết thân xác không là dấu chấm hết của đời người. Cuối cùng, chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng không bị sợ hãi nuốt chửng và đã đi tới cùng.Ðấng phục sinh vẫn mời gọi chúng ta hôm nay: "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).

Tình yêu giải phóng con người khỏi sợ hãi. Thánh Gioan viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18). Tình yêu giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của chúng ta càng chứng tỏ được là lớn lao bấy nhiêu. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm.

Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và tha nhân mà biết bao người dám chấp nhận tất cả cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che. Chúa Giêsu nói: loài chim sẻ chẳng đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng. Con người quý giá trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); và “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5,8; x. 1Cr 15,3). Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119;105). Có Lời Chúa dẫn đường, chúng ta không thể sa hầm sập bẫy trần gian. Lời Chúa không lừa dối, nhưng xua tan mọi ảo tưởng và phơi bày mọi sự thực trần gian. Hơn nữa, có điểm dựa nào vững chắc bằng Tin Mừng? Chính Chúa quả quyết: “Ai nghe những lời Thày nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24). Ðược Lời Chúa làm nền tảng, bản lãnh chúng ta sẽ vững chắc và đủ sức đương đầu với bất cứ thách đố nào trong cuộc đời. Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta thấy “núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.” (Tv 31,4) Ðó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô dám nhắc lại lời Thầy chí thánh để kêu gọi Giáo hội “Ðừng sợ!” ngay từ lúc mở đầu triều đại giáo hoàng. Đức Giêsu quả quyết: “Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Giữa bao nhiêu thách đố, Kitô hữu có thể tìm được nơi Lời Chúa một nền tảng vững chắc và một nơi ẩn trú bình an. Ðó là tất cả bí quyết giúp Kitô hữu vượt qua mọi cơn sợ hãi và vận dụng mọi khả năng biến đau khổ thành phương tiện làm chứng cho Ðức Kitô.

Lạy Chúa, xin tăng cường sức mạnh đức tin cho chúng con, để chúng con có thể can đảm làm chứng cho Chúa giữa lòng dân tộc và nhân loại hôm nay. Amen. mục lục.

ĐỂ GIÚP NHAU ĐỪNG SỢ

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Một trong những lời khuyên bảo của Chúa Kitô dành cho các môn đệ, trong thời gian ba năm rao giảng Tin Mừng lẫn sau khi từ cõi chết phục sinh, đó là “anh em đừng sợ !”. Bài Tin Mừng Chúa Nhật XII TN A một lần nữa cho ta nghe sứ điệp này. Hẳn không là vô cớ khi Chúa Kitô thường lặp đi lặp lại sứ điệp ấy : Đừng sợ ! Là con người, chúng ta khó tránh nhiều nổi sợ hãi, có nguyên nhân cũng nhiều mà vô cớ cũng không thiếu : sợ đói, sợ khát, sợ khổ, sợ thất bại, sợ thiên tai, sợ dịch bệnh, sợ gặp phải những điều xúi quẩy, không may… Phúc bất trùng lai mà họa vô đơn chí. Chính vì thế người ta thường hành xử kiểu khôn ngoan, tìm sự an toàn bằng cách không kiêng thì cũng dè. Những hình thức kiêng cử, úy kỵ trong dân gian là một minh chứng về nổi sợ hãi ít nhiều đã và đang hiển hiện. Là Kitô hữu, chúng ta có thoát ra ngoài cái vòng lẩn quẩn của sự bất an ấy không ? Là Kitô hữu, hy vọng rằng ít có ai để cho nhiều nổi sợ hãi “vu vơ” khiến mình dây vào những chuyện mê tín. Tuy nhiên thử hỏi có ai dám vổ ngực xưng mình không hề sợ hãi bất cứ điều gì. Có nhiều nổi sợ như sợ đói, sợ khổ, sợ chết…mang tính tự nhiên dễ chấp nhận với kiếp nhân sinh. Tuy nhiên có những nổi sợ thiếu chính đáng cần loại bỏ. Được gợi ý từ ba bài đọc Lời Chúa ngày Chúa Nhật XII TN A, xin được chia sẽ một vài nổi sợ mà ta phải biết nói “không”hay là“ đừng sợ !”. 

1. Đừng sợ sống trong sự thật:

Xét về bình diện hữu thể, thì chỉ có một “sự thật” duy nhất đúng nghĩa đó là Đấng “có sao, có vậy” ( Xh 3,14 ). Tất cả mọi sự hiện hữu khác khi chúng hiện hữu như chúng là, thì chúng chỉ tham gia hay thông phần vào “sự thật viên mãn” là chính Đấng sáng tạo. Xét về phưong diện luận lý hay tư duy thì sự thật là sự phù hợp giữa nhận thức với thực tại khách quan. Trên bình diện này thì nhận thức của “chiếc bình gốm” quả là có nhiều hạn chế về cả chính nó, đừng nói gì đến các chiếc bình khác hay đến người thợ gốm. Duy chỉ người thợ gốm mới hiểu rõ sản phẩm do mình làm nên. 

Không sợ sai lầm khi khẳng định rằng duy chỉ có Thiên Chúa mới là sự thật viên mãn. Vì thế khi ở trong sự thật là ta đang ở trong Thiên Chúa, Đấng chăm sóc chúng ta từ đường đi nước bước đến cả số phận của từng sợi tóc trên đầu chúng ta (x.Mt 10,30 ). Xác tín được điều này thì lẽ nào ta lại sợ sống trong sự thật. 

2. Đừng sợ đón nhận sự thật:

Sự thật thì dễ mất lòng nhưng sự thật lại giải phóng chúng ta. Có nhiều khi ta biết sự thật nhưng không muốn đón nhận. Vì sự thật thường đòi hỏi ta phải thay đổi, thay đổi cái nhìn, thay đổi lối sống, đặc biệt khi sự thật lại đến từ những con người vai vế nhỏ hơn ta, chức vụ kém hơn ta. Hơn nữa, khi sự thật đòi hỏi ta phải từ bỏ một kiểu sống, một mối quan hệ hay một mối lợi nào đó. Có thể chần chừ, có thể lần lữa một thời gian, nhưng rồi sẽ có lúc ta phải trực diện với sự thật đó là lúc ta phải giả từ trần thế này. 

Một trong những sự thật ta cần đón nhận đó là sự hiện hữu của tội và đầu mối của nó là thần dữ. Tội lỗi ở trong ta, ở giữa chúng ta. Thần dữ luôn rảo quanh ta như “sư tử rình mồi chờ cắn xé” ( 1P 5,8 ). Tuy nhiên Thánh Phaolô khẳng định : ở đâu tội lỗi càng lan tràn thì ở đó ân sủng càng chan chứa. Vì sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa qua công trình cứu độ của Đức Kitô ( x. Rm 5,15 ). Đón nhận sự thật này thì thái độ của Kitô hữu chúng ta là sẽ không bi quan yếm thế và cũng không chểnh mảng coi thường nhưng sẽ luôn cẩn trong trong niềm hy vọng. 

3. Đừng sợ công bố sự thật:

“Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không só gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 26-27). Khi nói lên một sự thật là ta đã mặc nhiên nhìn nhận đồng thời đón nhận sự thật ấy. Và khi đã can đảm nói lên sự thật thì ta cũng đã chấp nhận nhữung hệ quả kéo theo. Ngôn sứ Giêrêmia là một trong những ngôn sứ cảm nhận điều này. Dù được đặt cho biệt danh “Lão tứ phía kinh hoàng”, Giêrêmia vẫn trung kiên nói lời Chúa dạy. Giêrêmia đã phải gánh bao truân chuyên khốn khó vì đã công bố sự thật. Số phận của Vị Ngôn sứ trên các ngôn sứ là Đức Kitô còn bi thảm gấp bội. “Để làm chứng cho sự thật” (x.Ga 18,37), Đức Kitô đã phải gánh lấy án hình thập giá đau thương. 

Cớ sao, đôi khi, đôi lần chúng ta ngại ngần nói lên sự thật ? Dĩ nhiên là phải loại bỏ việc “không được nói” những gì theo luật dạy như những sự việc mang tính bí mật an ninh quốc gia, như bí mật tòa cáo giải, bí mật chuyện lương tâm cá nhân…hay “được nói không” tức là từ chối nói sự thật khi gây phương hại đến đức ái… Tuy nhiên, cần thú nhận rằng vẫn có không ít trường hợp “nói không được”, tức là không dám nói sự thật vì những nguyên cớ thiếu trong sáng và thậm chí là mờ ám, đen tối. Chúa Kitô đã tự xưng Người chính là Sự Thật ( x.Ga 14,6 ). Và chúng ta đừng quên Người đã minh nhiên khẳng định : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thẩy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33). 

Ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta, ai ai cũng dẫy đầy lầm lỗi với kiếp người “đa thọ đa nhục”, càng sống lâu càng nhiều tội lỗi. Một trong những chiêu bài của thần dữ và những người xấu, những thế lực đen tối, để kìm giữ con người trong sự nô lệ, đó là gieo rắc nổi sợ hãi bằng nhiều hình thức. Một vài hình thức thông dụng chúng thường dùng đó là trấn áp, lên án, kết án, loại trừ… Nếu như chúng ta tích cực cộng tác với ơn Chúa dệt xây một môi sinh ắp đầy tình khoan dung, sự tha thứ, ắp đầy tình yêu thương đón nhận nhau, thì chắc chắn ta đã giúp cho tha nhân và cả chính bản thân mình, thêm can đảm ở trong sự thật, đón nhận sự thật và loan báo sự thật. Chính lúc này vương quốc Nước Trời đang trị đến, một vương quốc không hề có bóng dáng của sự sợ hãi. mục lục.

CHIM SẺ ĐÁNG YÊU

Trầm Thiên Thu

Chim sẻ là loài động vật quen thuộc xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới, ở cả thành thị và nông thôn, nhất là ở vùng quê vào mùa lúa chín. Ngày xưa còn nhà tranh vách đất, chúng làm tổ ngay trong nhà. Trong các nhà thờ cũng thấy chúng thường xuất hiện. Đất lành, chim đậu.

Chim sẻ bình thường, vừa nhỏ vừa không giá trị cao. Chúa Giêsu nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” (Mt 10:29, Thánh Luca nói “năm con” – Lc 12:6) Và Ngài động viên “đừng sợ,” bởi vì chúng ta còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

Rất nhiều lần Kinh Thánh đã đề cập mệnh lệnh “Đừng sợ!” (vì dụ: St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18) Mệnh lệnh đơn giản và ngắn gọn, nhưng thực sự không dễ thể hiện. Và đó cũng là “nỗi lo” của mỗi chúng ta, những người lữ hành trên đường đời đầy chông gai này.

Người ta đã biết rằng đời là bể khổ. Chắc chắn ai cũng có những tâm sự buồn, buồn thực sự chứ không vu vơ, vô cớ – nỗi buồn đó không to thì nhỏ, không dài thì ngắn, không dày thì mỏng,... Đủ dạng buồn, đủ kiểu khổ, loại nào cũng “dai nhách” dù chỉ là “sợi buồn” mà thôi. Có những nỗi niềm thầm kín không thể tâm sự với ai. Cứ một mình gặm nhấm. Khổ thật chứ chẳng chơi! Chỉ có Thiên Chúa biết, bởi vì Ngài thấu suốt mọi sự. (Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) Thế nên đừng ngần ngại tâm sự với Ngài về khúc nhôi của riêng mình. Vì cũng chỉ một mình Ngài mới có thể “giải cứu” chúng ta thoát khỏi vòng kim cô đó.

Tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia được đề cập trong trình thuật Gr 20:10-13. Nỗi niềm được ông bộc bạch: “Con nghe biết bao người vu cáo: ‘Kìa, lão Tứ-Phía-Kinh-Hoàng! Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!’ Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: ‘Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” Ông buồn vì bị người ta ghét và đặt cho cái nickname là “Tứ Phía Kinh Hoàng.” Cái lên nghe rất “kêu,” và chứng tỏ rằng thiên hạ ghét ông dữ lắm. Buồn sâu sắc, buồn ghê gớm!

Buồn thì buồn, chán thì chán, nhưng ông vẫn son sắt niềm tin: “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.” Cây ngay không sợ chết đứng. Có ít người ta xít ra nhiều, thậm chí người ta còn đặt điều, bịa chuyện để làm hại người khác. Có những người không ngại miệng “dựng đứng” câu chuyện gì đó, đúng là giết người không cần dao, cái lưỡi thật đáng sợ. Chỉ đâu mà buộc ngang trời, tay đâu mà bịt miệng người thế gian…

Là con người với bản tính nhân loại, chắc chắn ai cũng cảm thấy buồn khi bị người ta xa lánh, nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua tất cả để có thể mãi là chính mình, và không thù hận kẻ đã ghét mình. Ông Giêrêmia cũng có cảm giác như vậy, nhưng ông đã chiến thắng và tín nguyện: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.” Giữ được niềm tin khi mọi người ủng hộ mình là điều không khó, nhưng giữ được niềm tin khi người khác ghen ghét mình là điều không dễ chút nào. Sự đời không chỉ phức tạp mà nhiêu khê lắm.

Cũng là phàm nhân mang tâm trạng sầu khổ, Thánh Vịnh gia đã phải thốt lên: “Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.” (Tv 69:8-10) Độc ác bị hành, hiền lành bị ghét. Chẳng làm sao vừa lòng hết mọi người. Chuyện đời chỉ có thế. Chấp nhận thực tế đó thì cõi lòng thanh thản. Buông để bỏ, bỏ để nhẹ mình.

Khôn thì cứ tâm sự với Thiên Chúa, như Thánh Vịnh gia bày tỏ: “Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.” (Tv 69:14) Đừng lo thì khỏi sợ, tất cả không ngoài ý Chúa: “Chính Người đánh phạt rồi lại xót thương, đẩy xuống tận âm ty trong lòng đất sâu thẳm, rồi kéo ra khỏi đại họa tiêu vong, chẳng có chi thoát khỏi tay Người.” (Tb 13:2) Thiên Chúa không tạo cái xấu, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra để tôi luyện chúng ta. Sợi tóc đen hay trắng còn không ngoài Ý Chúa kia mà.

Cầu nguyện là linh khí hiệu quả được Thánh Vịnh gia tiếp tục sử dụng: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.” (Tv 69:17) Ai cũng là tội nhân nên luôn cần được tha thứ. Cứ kiên tâm cầu nguyện, Chúa vẫn lắng nghe, vẫn biết nỗi lòng của chúng ta, Ngài chưa ra tay vì “giờ Ngài chưa đến” mà thôi. Sự thật mãi mãi là sự thật, không thể khác hơn, bởi vì Thiên Chúa là chân lý, là nguồn sự thật: “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm. Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp, hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!” (Tv 69:33-35) Tín nhân có cái lạ là họ vẫn bình an ngay trong nỗi buồn, thậm chí là đau khổ.

Có hai hình ảnh tương phản được Thánh Phaolô đề cập: Ông Ađam và Đức Kitô Giêsu – một vị gieo mầm tội, một vị diệt gốc tội. Hai hình ảnh tương phản nhưng vẫn cùng một tổng thể, như đầu mở và đầu khép của vòng tròn. Tội Nguyên Tổ là “Tội Hồng Phúc” (Felix Culpa – Happy Fault) mà Giáo Hội xác định khi công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exultet). Thật kỳ lạ vô cùng!

Tại sao như vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới.” (Rm 5:12-14) Vì sai lầm mà cần có luật. Luật như dây cương kiềm chế con ngựa bất kham. Tất cả chúng ta đều là những con ngựa chứng đối với Thiên Chúa, rất cần có hàm thiếc và dây cương trên đường đua về đích là Nước Trời. Có khổ mới nên khôn.

Thánh Phaolô giải thích thêm: “Sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5:15) Vẫn là hai hình ảnh tương phản – một bên sa ngã và phải chết, một bên giải thoát và cứu sinh. Đó là dạng độc đáo: Nghịch Lý Thuận.

Với kinh nghiệm ít nhiều, chúng ta biết rằng kiếp phàm nhân là những chuỗi giằng co giữa thiện và ác, lành và dữ, yêu và ghét, tội và phúc,… Sự giằng co đó như những con sóng vỗ không ngừng, liên tục xảy ra mọi nơi và mọi lúc, phải thực sự can đảm và mạnh mẽ mới khả dĩ vượt qua chính mình. Đó là nỗi niềm chung của phàm nhân chúng ta, những người lữ hành trần gian. Thật không hề đơn giản, nghĩa là vô cùng nhiêu khê, vì thế mà chúng ta luôn phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn để chúng ta chiến thắng mọi mưu ma chước quỷ – trước tiên là phải chiến thắng chính mình, vì chính mình là nội gián nguy hiểm nhất. Đúng như tiền nhân dạy: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Mọi thứ phải bắt đầu từ chính mình. Muốn thay đổi người khác cũng phải thay đổi chính mình trước, trách người cũng vậy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.”

Trình thuật Mt 10:26-33 (≈ Lc 12:2-9) là lời động viên của Chúa Giêsu. Chính Ngài khuyến khích chúng ta can đảm và công khai nói sự thật – nghĩa là không sợ ai và chẳng sợ gì. Trong đó, Ngài đưa ra ba cái “đừng” và muốn chúng ta phải cố gắng thực hiện.

1. Anh em ĐỪNG SỢ người ta.

Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

Wow! Cây kim để trong bọc lâu ngày còn bị lòi ra. Thế thì chắc chắn chẳng có gì giấu nổi, mọi bí mật sẽ được bật mí – bằng cách này hay cách nọ. Thẳng thắn thì chẳng làm gì phải sợ ai, chỉ những ai “cong queo” thì mới lén lút vì sợ người khác biết. Không sợ người khác nên mới dám ăn to nói lớn, nói công khai, nói rõ ràng, nói toạc móng heo. Có sao nói vậy là thượng sách, bởi vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát chúng ta. (x. Ga 8:32)

2. Anh em ĐỪNG SỢ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.

Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

Rõ ràng Chúa Giêsu bảo “đừng sợ” những kẻ-không-đáng-sợ, mà hãy sợ Đấng-đáng-sợ. Ngài giải thích và dẫn chứng cụ thể, với lối so sánh thú vị. Con chim bé nhỏ chẳng đáng chi mà Ngài còn lo cho nó sống thoải mái thì chắc chắn Ngài không bao giờ làm ngơ chúng ta, những người được tạo dựng giống hình ảnh Ngài. (x. St 1:26-27) Sợi tóc mong manh còn được Ngài đếm rạch ròi trên đầu mỗi người, nó còn hay rụng là quyền của Ngài. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta về lòng tín thác, vì Thiên Chúa là Đấng quan phòng và tiền định mọi sự.

3. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Ôi, sao lạ vậy? Cái “đừng” thứ ba này không thấy có chữ “đừng.” Theo ý nghĩa thì Chúa Giêsu bảo “đừng” khước từ Ngài. Ai không sợ thì mới không chối Ngài – tức là tuyên xưng Ngài, còn ai sợ thì chối ngay. Không hẳn là nói rằng “tôi không tin,” nhưng qua động thái có thể chứng tỏ sự chối bỏ Ngài. Không nói đừng mà vẫn đừng, không nói chối mà vẫn chối đấy thôi!

Và rồi còn “dính líu” tới cái khác nữa: chết lần thứ hai. Ai hèn nhát mà chối bỏ Thiên Chúa sẽ bị chết lần thứ hai: “Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai.” (Kh 21:8) Đó là hồ lửa được mệnh danh là “cái chết thứ hai,” nơi dành cho Tử Thần và những người “lọt sổ” – không có tên trong Sổ Trường Sinh của Thiên Chúa. (x. Kh 20:14-15)

Chim sẻ đáng yêu và đáng giá hay không là điều hoàn toàn tùy mỗi tín nhân. Hoàn toàn tự do!

Lạy Thiên Chúa toàn năng và toàn tri, Ngài thấu suốt mọi sự, dù là điều bí ẩn và khó thổ lộ nhất từ đáy lòng của con. Xin giải thoát và che chở con khỏi mọi mưu thâm chước độc của ba thù – dù ngày hay đêm, xin giúp con nói với Ngài và nói về Ngài theo khả năng của con, do Ngài ban. Con bất túc và bất trác, xin định hướng con, giúp con can đảm đón nhận mọi thứ theo Thánh Ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục.

HÃY CAN ĐẢM GIỮ VỮNG NIỀM HY VỌNG

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

Bài Tin Mừng hôm nay có đến ba lần Chúa khuyên "đừng sợ":

- Đừng sợ người ta (Mt 10,26).

- Đừng sợ kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10,28).

- Đừng sợ, anh em thật quý giá... (Mt 10,31).

Giả thiết của thái độ không biết sợ là một tinh thần thép, một tâm hồn quật cường không chút suy suyễn, không chút nao núng, không chút e dè trước bất cứ tấn công nào dù đe dọa nhất, nguy hiểm nhất, thậm chí ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống, ảnh hưởng trực tiếp trên chính sự sống của mình.

Dù biết trước chính mình sẽ bị bắt, bị áp bức, bị sỉ nhục, bị đánh đập dã man, bị vác thập giá, bị đội mão gai, cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá cho đến chết, Chúa Giêsu vẫn can đảm đi đến cùng con đường tử nạn, chỉ một lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa để mang ơn cứu độ cho trần gian.

Đặc biệt, trước khi lịm tắt, Chúa thấy gì xung quanh thập giá? Đó là những con người đằng đằng sát khí, những kẻ chiến thắng vì đã loại trừ Giêsu, những khuôn mặt người nhưng trái tim hoàn toàn vô cảm, vô cảm đến tàn độc, những thái độ hả hê cho thấy lòng chất chứa đầy sự ác, sự dữ. Họ đã giết Giêsu rồi mà vẫn chưa buông tha, vẫn còn mở miệng thốt lên lời sỉ vả, thách thức: "Nó xuống khỏi thập giá đi". Ngay cả môn đệ thân thiết cũng bỏ chạy...

Nhưng chính giây phút tưởng như tuyệt vọng đó, Chúa Giêsu kêu lên "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” và “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha". 

Đó là tiếng kêu của hy vọng, cậy trông, phó thác, dù đang bị vây bọc bởi đau đớn, tuyệt vọng. 

Chỉ có tin tưởng mãnh liệt vào sự chiến thắng tối hậu của tình yêu mới làm cho người ta dám tha thứ cho những kẻ giết chết mình. 

Chỉ có tình yêu mãnh liệt cùng lúc tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, Đấng ban tặng sức mạnh mới có thể phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong giờ phút kinh hoàng.

Đau khổ, bị bách hại, sự chết, phải hy sinh thân mình..., toàn là những thứ gây bất an, làm nát tan thân xác, thậm chí khủng bố và đày đọa tinh thần, ai mà không sợ.

Chúa Giêsu, dù vẫn một lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha, cũng từng cầu xin cho khỏi uống chén đắng.

Nhưng Chúa vẫn nêu gương cho chúng ta về tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chính trong tình yêu, Người dám đi đến cùng của thập giá cứu độ.

Cũng vậy, để sống lời mời gọi "đừng sợ" của Chúa Giêsu, chúng ta cần bước theo Chúa, mang lấy chính tình yêu của Chúa dành cho Chúa Cha, nhờ đó, ta dám đặt hy vọng, sự cậy trông và niềm phó thác của mình vào Thiên Chúa, để chính hy vọng, cậy trông, sự phó thác trở thành sức mạnh giúp ta vượt lên trên tất cả sợ hãi mà sống chết cho Thiên Chúa, cho đức tin, quyết không xa lìa Chúa, không vương vấn tội lỗi, không tìm an thân mà quên lề luật Chúa.

Chính vì thế, đến muôn đời, thập giá của Chúa Kitô trở thành nguồn hy vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống, giúp ta mạnh mẽ mà tuyên xưng lòng tin của mình, nhằm chiến thắng sợ hãi. 

Và lịch sử Hội Thánh chứng minh, trùng trùng lớp lớp thế hệ tử đạo, bất chấp sợ hãi, nhìn lên thập giá của Chúa Kitô để múc lấy nguồn hy vọng. 

Chính các ngài thay cho đám đông hò la lên án trên đồi Tử nạn hôm ấy, đã, đang và sẽ hát lên đến ngàn đời: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

Tự hào là Kitô hữu, thừa kế kho tàng đức tin của mọi thế hệ tử đạo, bạn và tôi phải sống đức tin trung kiên như lời Chúa dạy: "Anh em đừng sợ". 

Cái "đừng sợ" của chúng ta hôm nay là ý thức đức tin từ những việc làm hết sức nhỏ nhặt hằng ngày. 

Ví dụ làm dấu thánh giá trang nghiêm. Thử đặt một vấn đề thật nhỏ: mỗi khi vào tiệm ăn, mình có dám tuyên xưng đức tin bằng dấu thánh giá trước khi bưng tô phở hay dĩa cơm không? Từ việc xem ra nhỏ nhặt, lại là hành động tuyên xưng đức tin quí giá! 

Sao có những việc lớn lao ta làm được, còn những việc nhỏ bé như thế lại không thể? Bao hàm trong cái không thể đó, là sự sợ hãi: sợ người khác thấy, sợ người khác biết mình có đạo, sợ bị chê cười… Những cái sợ không đáng sợ lại là thực tế của người Công giáo hôm nay. 

Ngày xưa tuyên xưng đức tin như thế, các thánh Tử Đạo đã trả bằng giá máu, nhưng các ngài vẫn kiên tâm, không sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ngày nay mạng sống không dễ bị tước đoạt, ta lại không giữ nổi những điều căn bản nhất mà cha ông đã làm? 

Ví dụ về dấu Thánh giá chỉ là đại diện cho biết bao nhiêu lời nói, việc làm, suy tư, hình thức biểu lộ đức tin của từng người Công giáo hôm nay. 

Chọn đức tin làm lẽ sống và chọn Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình. Đó là chọn lựa quan trọng và cần thiết. Giữa bao nhiêu cạm bẫy và cám dỗ trong đời, ta sẽ dễ mất phương hướng, nghi nan, chao đảo, có khi còn mất cả đức tin, nếu mình không có một chọn lựa dứt khoát đứng về phía đức tin chẳng những để bảo vệ mình khỏi ngã nhào mà còn đứng vững trong đức tin của mình. mục lục.

CHẲNG CÓ GÌ CÓ THỂ QUA KHỎI MẮT CHÚA

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Bài đọc I hôm nay diễn tả cảnh tiên tri Jeremiah bị dân chúng chế nhạo, lừa đảo, đe dọa làm ông quá kinh hãi. Dù mọi sự xẩy ra đều bất công đối với ông, nhưng ông vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa.“Hắn bị đánh tơi bời tứ phía!” là câu mà kẻ thù tung ra để chế nhạo ông vì những lời tiên đoán đầy bi thảm của ông. “Chúng ta hãy lột mặt nạ hắn ra!” cũng là câu mà ông luôn luôn diễn tả tư cách và hành động của nhiều người, ngay cả những người đã từng là bạn bè với ông. Chúng âm mưu: ‘Hãy gài bẫy hắn để lột mặt nạ hắn và trả thù hắn.’ Chúa Giesu cũng từng bị đối sử như vậy bời những người Pharisieu và luật sĩ luôn luôn tìm cách để tố cáo Chúa vi phạm luật. Chúng đem những người bệnh đặt trên đường Chúa đi vào ngày Sabah để xem Chúa hành sử ra sao, có chữa bệnh ngày sabah, có phạm luật ngày Sabah không? Chúng hỏi Chúa có nên đóng thuế cho Caesar không? Trả lời CÓ hay KHÔNG Chúa đều bị chúng bắt lỗi và tố cáo.

Sự tin tưởng của Jeremiah vào Thiên Chúa cho thấy những kẻ lừa đảo và tấn công ông sẽ bị lộ tẩy, không thể thắng được. “Nhưng Chúa ở với con như người lính chiến hùng dũng, vì vậy những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, chúng không thể thắng được. Chúng sẽ thất bại và xấu hổ ê chề, đó là nỗi nhục muôn đời không thể quên (Gr 20:11)

ĐỪNG SỢ

Chúng ta đã bao nhiêu lần nghe Chúa nói “Đừng Sợ”? Khi sai các môn đệ đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng, chúa Giesu đã khẳng định với các ông là “Đừng Sợ”  vì chẳng có gì có thể che dấu mà không bị lộ tẩy (Mt 10:26). Chúa cũng báo trước cho các ông biết là sứ mệnh mới của các ông sẽ gặp nhiều khó khăn, đau khổ và bị truy nã. Có những nỗi sợ không đáng sợ đối với môn đệ chúa Giesu nhưng cũng có những nỗi sợ nên sợ.

Nỗi sợ nào đáng sợ? Chúa Giesu cảnh báo những người theo Chúa về những kẻ có thể hãm hại linh hồn. Họ là ai? Là những người hay trường hợp có thể làm cho lòng ta trở nên khô khan nguội lạnh, giết chết hy vọng và niềm vui. Chối Chúa cũng là việc đáng sợ. Nhiều khi những người làm cho lòng ta khô khan không phải luôn luôn là những người xấu, họ có thể là những người tốt, những người của Giáo Hội. Chúng ta, đôi khi, cũng làm hại linh hồn người khác vì thiếu niềm tin, hy vọng và niềm vui. Thử tự hỏi đã bao nhiêu lần chúng ta chối từ chúa Giesu bằng cách ngần ngại không muốn nói và làm chứng về Chúa hoặc sợ làm tổn thương, mất lòng hay phải loại bỏ người khác, sợ mất địa vị, sợ mất cơ hội làm tiền và đạt danh vọng? Sợ có thể là một yếu tố chính của niềm tin. Chỉ có phấn đấu mới có được bằng an đích thực lâu bền và sống trong ánh sáng. Đừng để cho bất cứ ai hay cái gì khuynh đảo, cám dỗ chúng ta! Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúa Giesu khuyên chúng ta phải cởi mở và thành thật, vì cuối cùng mọi sự sẽ bị lộ ra ánh sáng, ngay cả những việc được dấu kín trong bóng tối tưởng như chẳng ai có thể biết. Do đó đừng cố gắng hoặc trả giá đắt để che đặy bất cứ cái gì!

Ý NGHĨA VIỆC CHÚA QUAN PHÒNG

Khi nói về sự quan phòng, chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên trời đất và mọi sự trong vũ trụ. Quan phòng ám chỉ hành động Thiên Chúa kiến tạo ra vũ trụ, trong đó mọi sự đều có lớp lang thứ tự lại được săn sóc tự nhiên như bông huệ ngoài đồng, chim trên trời…(Mt 6:26-30). Nhưng có những việc bất thường, những rối loạn, những bất ổn xẩy ra hoặc khi ta cảm thấy cô đơn trong một thế giới hỗn loạn.

Những lúc như vậy, chúng ta thường hay hỏi: Chúa ở đâu? Chúa có quan phòng chúng tôi không? Chúa quan phòng thế nào nếu ma quỉ thắng thế và những người vô tội phải đau khổ? Cựu Ước và Tân Ước đều nói rõ ràng về sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa điều khiển tất cả mọi sự, Thiên Chúa yêu tương tất cả mọi người, muốn cứu rỗi và gìn giữ quan phòng tất cả mọi người, mọi sự vật trong vũ trụ, trên mọi quốc gia.

Để hiểu rõ Thiên Chúa quan phòng, ta không thể cứ ngồi yên chờ đợi, nhưng phải nhận thức rằng tin tưởng vào Chúa chỉ là một đáp ứng để cuộc sống ở đời này được cân bằng giữa đời sống thiêng liêng và vật chất. Mà đời sống thiêng liêng thì quan trọng: “Tất cả những thứ đó, người ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ kia Người sẽ thêm cho. (Mt 6:32-33).

Ngoài giảng huấn về “vác thánh giá” và “vâng theo” ý định của Cha trên trời theo sự quan phòng của Thiên Chúa, chúa Giesu còn khuyên là đừng quá lo lắng về tương lai: “Có ai trong anh em quá lo buồn mà sống thêm được một giờ nữa không?”(Mt 6:27). 

Những người nhận biết có Thiên Chúa quan phòng là những kẻ khôn ngoan. Không như những người quyền quí giàu sang thích ăn của ngọn vật lạ, quần áo lượt là tơ lụa vàng ngọc kim cương óng ánh, các môn đệ và bạn của Chúa thì  trước tiên là đi tìm kiếm mối liên hệ với Thiên Chúa vì họ biết rõ ước muốn của Thiên Chúa đã cho họ đầy đủ hợp với mục đích của Người. Nếu tin là Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự quá quảng đại thì chúng ta cũng phải chia sẻ với tha nhân những thứ chúng ta có một cách quảng đại.

Trong tình liên đới đó, chúng ta vẫn có khuynh hướng che dấu con người thực của chúng ta và những điều chúng ta làm vì sợ. Nhưng vì lòng khoan dung tha thứ của Chúa Kito, và nhờ Người chúng ta được những người khác tha thứ cho ta, thì chúng ta phải lương thiện, thành thật với nhau. Tất cả chúng ta đều biết rằng hiểu biết là sức mạnh. Chúng ta không tin bất cứ ai mà họ biết quá nhiều về chúng ta vì chúng ta hiểu rõ sức mạnh bị lạm dụng ở chỗ nào. Mặt khác, một chính quyền thực sự muốn điều tốt cho chúng ta và hành động vì lợi ích của chúng ta thì sẽ bảo đảm an ninh cho chúng ta. Sức mạnh của Thiên Chúa nơi đức Giesu là một thực tế -vì lợi ích của chúng ta- đã tỏ ra rất khiêm tốn và hoàn hảo đến độ chúng ta cảm thấy hoàn toàn tự do  –một loại tự do thánh thiêng khả dĩ có thể xua đuổi mọi sợ hãi. Đồng thời nó là một sức mạnh hằng sống, bao phủ trên cả những người thờ ơ vô cảm hay chuyên miệt thị người, và dịu dàng săn sóc họ để chắc chắn rằng không một sợi tóc nào trên đầu họ bị mất.

Phán xét của Thiên Chúa thì chính xác, vì Chúa là đấng biết rõ từng sợi tóc trên đầu chúng ta và biết có bao nhiêu con chim sẻ trên mặt đất này. Chúa Giesu nói thêm: “Các con thì quí giá hơn cả đoàn chim sẻ.”  Chúng ta cũng biết đôi lần những thử thách và gian truân, đau khổ buồn phiền của chúng ta cũng không phải là vô ích. Rồi lần sau khi chúng ta có cám giác sợ hãi là cuộc sống của chúng ta không được như con chim thì hãy để ý và can đảm lên, tin tưởng vào sự quan phòng của Cha chúng ta ở trên trời. mục lục.

ƠN CHÚA QUAN PHÒNG

(Cảm nhận và suy niệm: Mt 10,26-33)

Hôm nay Chúa dạy các Tông đồ:

Đừng sợ những người cứ giả ngơ

Che giấu lòng gian, lòng đố kỵ

Rầy mai tiết lộ, sống bơ vơ..

Cũng đừng sợ kẻ giết người ta

Phần xác đời này cũng chóng qua

Giữ vững phần hồn về vĩnh cửu

Cùng Thầy hưởng phúc tại Nhà Cha.

Những điều Thầy dặn trong đêm tối

Phải được nói ra lúc rạng ngày

Nghe rỉ tai càng thêm sốt sắng

Tin Mừng rao giảng khắp đông tây.

Ơn Chúa Quan Phòng thật lạ lùng

Tin Mừng cứu độ mãi truyền thông

Tông đồ sứ vụ đầy can đảm

Sức mạnh thiêng liêng sáng cộng đồng... mục lục.

(Thế Kiên Dominic)

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan