NĂM MỚI và TÂM LINH

06-02-2021 1,026 lượt xem

Mỗi dịp đón năm mới, nhiều người trong chúng ta tự hứa với nhiều điều quyết tâm cho Năm Mới – các điều này chủ yếu liên quan các mục đích như giảm cân hoặc tập thể dục nhiều. Nếu chúng ta thực sự cảm thấy có hứng thú, chúng ta có thể hứa viếng Thánh Thể hằng ngày hoặc đọc trọn bộ Kinh Thánh.

Không may thay, với đa số các quyết định năm mới, khả năng chịu đựng tinh thần chỉ kéo dài khoảng một tuần, và chúng ta thấy mình vẫn ở điểm bắt đầu, cảm thấy thất bại và thắc mắc: “Tôi có thể hứa cầu nguyện nhiều trong năm mới? Tôi có nên bỏ qua và bắt đầu lại?”

Kết hợp nhiều thời gian để cầu nguyện là điều không dễ thực hiện, để đến gần các mục đích tâm linh, đây là vài gợi ý thực tế có thể giúp bạn quyết định làm cho năm nay là năm tâm linh đặc biệt:

1. TIN TƯỞNG VÀO MỤC ĐÍCH VÀ TÍN THÁC VÀO THIÊN CHÚA

Bước thứ nhất này có thể mang vẻ hiển nhiên, nhưng chúng ta thường bỏ lỡ. Khi chúng ta nghĩ về việc cầu nguyện “nghiêm túc,” chúng ta thường có kiểu nói như thế này: “Tôi biết tôi sẽ thất bại, không thể làm được, vì tôi không thánh thiện đủ.” Nói thật, tư tưởng như vậy là lừa dối, nó ngăn cản bạn bắt đầu kế hoạch cầu nguyện. Nó thuyết phục bạn tin mình “chưa thánh thiện đủ” hoặc “quá bận” hoặc “không bao giờ theo đến cùng.” Satan có xu hướng ngăn cản bạn cầu nguyện hằng ngày và làm cho bạn tìm nhiều cách lừa dối xoay quanh ý tưởng rằng “bạn không thể đạt được điều bạn muốn.” Đừng nghe lời ma quỷ xúi giục!

Bạn là con cái của Thiên Chúa, và Ngài luôn ở bên bạn. Bạn có thể làm được điều đó! Nếu chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta và ban cho chúng ta có sức mạnh cần thiết. Chúng ta cần phải tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta và chúng ta có thể làm được điều không thể. Hơn mọi thứ khác, đức tin là tặng phẩm do Thiên Chúa trao ban. Hãy cầu xin tặng phẩm đức tin! Hãy xin Ngài gia tăng lòng yêu mến.

Chúa Giêsu đã nói: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17:20)

2. NHỚ LẠI ĐIỀU ĐÃ HOẶC KHÔNG TÁC DỤNG

Trong đời sống tâm linh, chắc chắn có sự thăng trầm; có những lúc bạn cảm thấy rất sung mãn, cũng có những lúc bạn cảm thấy như trong ao tù. Hãy nhìn lại quá khứ, xem điều gì tác động và khi nào cảm thấy “sung mãn.” Bạn có thể chú ý các kiểu nào đó hữu ích hoặc bạn muốn tái tạo trong hiện tại.

Thêm vào đó, chúng ta còn có những thói quen khác nhau. Đây có thể là cách chúng ta sẵn sàng vào buổi sáng theo cách riêng là gấp quần áo. Cầu nguyện cũng cần trở thành một thói quen. Khi chúng ta nghĩ về các thói quen mà chúng ta có liên quan, điều gì là điểm chung? Rất có thể đó là điều bạn học biết khi còn nhỏ và tiếp tục vẫn làm điều đó hằng ngày. Rồi điều đó ăn sâu vào cuộc sống và bạn chỉ nghĩ về điều đó. Việc làm cho cầu nguyện trở thành thói quen là điều RẤT QUAN TRỌNG nếu bạn muốn cầu nguyện nhiều trong năm mới này.

Đừng sợ bắt đầu một điều nhỏ, thậm chí nhỏ như việc bắt đầu và kết thúc một ngày bằng Dấu Thánh Giá và Kinh Sáng Danh. Từ những điều nhỏ như vậy mà xuất hiện những vị thánh.

3. BẠN LÀ “CON GÀ” HAY “CON CÚ”?

Đối với nhiều người, họ không thể kiểm soát cuộc sống trong khoảng từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Dù chúng ta có thể đi làm công sở, ở nhà chăm sóc con cái, hoặc đã nghỉ hưu, ban ngày vẫn đầy khả năng.

Điều này cho chúng ta hai cách chọn lựa đối với thời gian cầu nguyện: buổi sáng hoặc buổi tối. Hai khoảng thời gian này thường là “khoảng” chúng ta có thể kiểm soát những gì xảy ra. Có thể chúng ta phải lo cho con nhỏ, phải ăn tối, phải lo việc lặt vặt trong gia đình, nhưng hằng ngày chúng ta vẫn có cách chọn lựa những gì cần làm sau khi con cái đi ngủ và đã xong việc nhà. Bạn có vô internet hoặc facebook tới 1 giờ sáng, hay là bỏ mọi thứ để cầu nguyện? Hãy chân thật với chính mình, và đặc biệt là chân thật với Thiên Chúa.

Mặt khác, chúng ta có thể có nhiều thời gian vào buổi sáng và mau mắn thức dậy lúc 5 giờ sáng để cầu nguyện khoảng 30 phút. Đây là điểm quan trọng: bạn là “người buổi sáng” hay “người ban đêm,” là “con gà trống” hay “con cú,” việc tự biết mình như vậy sẽ giúp chúng ta biết lúc nào là lúc tốt nhất để chúng ta dành thời gian cho việc cầu nguyện.

4. SUY NGHĨ “NHIỀU PHÚT” CHỨ KHÔNG “NHIỀU GIỜ”

Tác giả Gary Jansen viết một cuốn sách có tựa là “The 15-Minute Prayer Solution: How One Percent of Your Day Can Transform Your Life” (Giải Pháp Cầu Nguyện 15 Phút: Một Phần Trăm Mỗi Ngày Sống Có Thể Biến Đổi Cuộc Đời Bạn), ông cho biết: “Bạn có biết rằng mỗi ngày có 1.440 phút? Đúng vậy. Tôi đã tính toán. Bạn có biết rằng 1% của số thời gian đó là 14 phút đối với 24 giờ? Điều gì xảy ra nếu hằng ngày bạn quyết định khôn ngoan để rèn luyện linh hồn bằng cách dành 15 phút cho Thiên Chúa? Chỉ 1% bé nhỏ của cuộc đời bạn mà thôi. Cuộc đời bạn có thay đổi không? Cuộc đời tôi đã thay đổi.”

Chúng ta thường có những mục đích cao ngất là làm một giờ thánh mỗi ngày, và rồi chúng ta thất bại, chúng ta cứ tưởng mình là người đáng thương. Thay vì đặt ra mục đích cao xa và thất bại, trước tiên chúng ta nên cố gắng áp dụng từng “bước nhỏ.” Nếu mỗi ngày chúng ta có thể dành 15 phút để cầu nguyện và kiên trì làm như vậy, chúng ta có thể tăng thêm thời gian và dần dần vượt qua những mục đích nhỏ để có thể đạt tới các mục đích cao hơn về sau.

5. THỜI KHÓA BIỂU CẦU NGUYỆN

Đầu óc của chúng ta đầy những thông tin nên dễ quên những gì “đã hứa” thực hiện. Đó là lý do chúng ta phải thận trọng và viết thời khóa biểu hằng ngày, quyết tâm làm cho việc cầu nguyện là việc chính. Chúng ta phải có khung thời gian hằng ngày. Hãy viết bằng CHỮ HOA, và có thể TÔ ĐẬM, để giúp củng cố trí nhớ. Nếu bạn có điện thoại thông minh, hãy dùng “chương trình nhắc nhớ” (Reminders App). Tóm lại, chúng ta phải cẩn trọng đối với việc dành thêm thời gian hằng ngày cho việc cầu nguyện.

Quả thật, cầu nguyện là việc rất cần thiết hằng ngày. Thánh Ephraem Syria xác định: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, ngăn chặn sự tức giận, ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ. Lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng.”

Cuối cùng, làm trọn các mục đích tâm linh của bạn trong năm mới này sẽ không dễ dàng, mà cũng chẳng bao giờ dễ dàng. Hôn nhân cũng không hề dễ dàng, nhưng chúng ta có sự chọn lựa cẩn thận để quyết định chung sống với người bạn đời của mình “trong mọi hoàn cảnh, và cho đến chết.” Điều chúng ta cần làm là quyết định, nhận biết những gì liên quan và cố gắng hết sức để đạt tới thành công.

Philip Kosloski

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ https://aleteia.org)

TÌM XUÂN KIẾM TẾT

Là con người bình thường, ai cũng mơ ước mùa Xuân – có liên quan Tết, nhưng người giàu mong nhiều, còn người nghèo mong ít vì có phần ái ngại nhiều thứ – cụ thể nhất là tiền bạc. Ai càng nghèo thì càng khổ, càng khổ thì càng “sợ” Xuân về, Tết đến. Sao lại như vậy? Đối với những người ta có của ăn, của để thì chẳng lo, cứ vô tư vi vút vui vẻ với Xuân, còn người nghèo cảm thấy tủi thân lắm.

Tục ngữ Việt Nam có vẻ chắc như đinh đóng cột: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có Ba mươi Tết mới hay,” hoặc: “Có, không: mùa Đông mới biết; giàu, nghèo: Ba mươi Tết mới hay.” Thế nên ngày 30 Tết được gọi là “chợ Tết nhà nghèo.” Có vẻ như mùa Xuân “vô tình” làm cho người nghèo càng khổ thêm. Ca dao than thở thật não nề: “Bây giờ tư Tết đến nơi, Tiền thì không có sao nguôi tấm lòng?” Ôi chao, Tết mà vẫn thở dài!

Thực sự rất đáng thương đối với những con người nghèo khổ. Ước vọng mùa Xuân bình an – bình an đúng nghĩa – dành cho tất cả mọi người, dù trong hoàn cảnh nào, không chỉ riêng ở Việt Nam hoặc ở các quốc gia Đông Nam Á, mà còn dành cho mọi người trên thế giới, ở bất kỳ quốc gia nào. Bình an không chỉ là không có chiến tranh bom đạn, mà bình an cả về hoàn cảnh sống, môi trường sống, mức độ sống,...

Đối với các Kitô hữu, cách riêng đối với tín nhân Công giáo, có một Mùa Xuân đặc biệt nhất, tuyệt vời nhất, và đáng mơ ước nhất, đó là Mùa Xuân Cứu Độ – Mùa Xuân Vĩnh Hằng. Mùa Xuân này chỉ có trên Thiên Quốc. Ai có thể tận hưởng Mùa Xuân này?

Các thánh là những người đang tận hưởng Mùa Xuân Vĩnh Hằng. Còn chúng ta đang lữ hành hy vọng. Trước tiên, tất nhiên ai phải sám hối vì ai cũng là tội nhân – kể cả người được gọi là chính nhân, nhưng họ “khá hơn” chúng ta: “Chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo đảo hoài trong cảnh tai ương.” (Cn 24:16) Thứ hai là phải tuyệt đối tin vào Thiên Chúa, vì nhờ đức tin mà người ta được công chính hóa. (x. Rm 1:17; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:1; Rm 10:6) Thứ ba là phải yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người hèn mọn, những người bị khinh miệt, những người bị xã hội ruồng bỏ,...

Rất ngắn gọn và đơn giản, nhưng hai tiếng “yêu thương” lại vô cùng phức tạp, không dễ thực hiện vuông tròn đúng Tôn Ý Thiên Chúa – cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tình yêu thương luôn được nhắc nhở rất nhiều, hầu như mọi nơi và mọi lúc. Luật Chúa chỉ bấy nhiêu thôi, như Thánh Gioan nói: “Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu.” (1 Ga 5:3)

Ngày Tết là dịp thuận tiện để soi lại mình qua vài câu Kinh Thánh, và cũng là tiếng Chúa nhắc nhở trong mùa Xuân này:

1. Ai XIN thì hãy CHO, ai muốn VAY MƯỢN thì ĐỪNG NGOẢNH MẶT ĐI. (Mt 5:42)

2. Anh em đã ĐƯỢC CHO KHÔNG thì cũng PHẢI CHO KHÔNG như vậy. (Mt 10:8)

3. Hãy MANG GÁNH NẶNG cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô. Thật vậy, ai TƯỞNG mình là gì mà kỳ thực KHÔNG là gì hết thì là LỪA GẠT CHÍNH MÌNH. (Gl 6:2-3)

4. KHÔNG một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là THỜ NGẪU TƯỢNG – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. (Ep 5:5)

5. Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5:23-24)

Tất nhiên còn có nhiều câu Kinh Thánh “chạm” đến điểm yếu (nhược điểm) của chúng ta. Tuy nhiên, co vấn đề quan trọng này: “Biết đúng mà không theo là dở, biết sai mà không sửa là mê.” (Dục Tử) Còn Thánh Phaolô chân thành chia sẻ và khuyên nhủ: “Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn.” (Cl 4:2) Nhờ vậy mà chúng ta có thể xác định: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu.” (Rm 8:39) Thế thì Tết thật tuyệt!

Chắc hẳn ai cũng cần phải tâm niệm như vậy. Thực sự mùa Xuân không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng mỗi chúng ta – không chỉ trong ba ngày Tết hoặc ba tháng Xuân, mà lúc nào cũng là mùa Xuân trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.

Về cách tìm kiếm, Chúa Giêsu cho biết bí quyết: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33)

Lạy Thiên Chúa nhân lành, Chúa Xuân Bất Diệt, xin tạ ơn Ngài ban thêm mùa Xuân này. Đâu đó còn biết bao người tìm không thấy Tết, thậm chí không dám tìm vì tìm cũng không thấy. Xin cho họ được hưởng chút hương vị Tết và cho họ gặp được Ngài. Xin Chúa trả công cho những người làm ơn cho con, và xin Ngài bù đắp cho những người đau khổ do con gây ra bằng cách nào đó, xin cho họ gặp được Ngài, và xin con cũng gặp được Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Trầm Thiên Thu

CHUYỆN VUÔNG TRÒN

Đã qua một năm đầy biến động, nhất là đại dịch corona. Tất cả là hồng ân. Dù sao thì con người cũng có dịp nhìn lại chính mình và ý thức hơn về nhiều thứ, đặc biệt là vấn đề tâm linh. Đau khổ lúc nào cũng có, chúng ta tạm gác lại mọi lo toan hoặc sợ hãi để tận hưởng thời gian đầu năm.

Đón Xuân, ăn Tết mà nói chuyện hình Vuông và hình Tròn, xem chừng “việt vị” vì có vẻ chẳng “ăn nhập” gì. Thế nhưng lại không phải như vậy đâu, vì có liên quan Đất Trời.

Thật kỳ lạ, hình vuông và hình tròn được coi là hai hình hoàn hảo nhất trong các hình. Thời xưa, những đồng tiền kẽm lưu hành trong triều Nguyễn có hình dáng mang ý nghĩa của Càn Khôn. Đồng tiền kẽm hình tròn, chính giữa có lỗ hình vuông, bốn góc có bốn chữ nho nằm bên mỗi cạnh hình vuông, còn để xỏ dây xâu vào cho tiện.

Đồng tiền xưa có hình tròn, bên trong có lỗ hình vuông, có vẻ không “khớp” nhau nhưng vẫn lô-gích. Người ta cũng chúc các thai phụ được “mẹ tròn, con vuông,” ý nói được an toàn khi sinh nở, mẹ con đều khỏe mạnh. Thai hình tròn tức là “mẹ tròn,” con ra đời khỏe mạnh tức là “con vuông.” Khi nói về điều gì tốt lành, xuôi xắn, trung thành,… người ta cũng dùng hình vuông và hình tròn để nói. Ví dụ: “Sống sao cho vuông tròn trước sau.”

Khi nói về chuyện trăm năm, cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.” (câu 1331-1332) “Cuộc vuông tròn” ở đây là chuyện hôn nhân, chuyện cả đời, phải suy hơn tính thiệt, không thể “nhắm mắt đưa chân.”

Nếu đem cách nói “vuông, tròn” của người Việt mà dịch nguyên văn ra ngoại ngữ, nhất là các ngôn ngữ Tây phương, hẳn là rất khó truyền đạt đầy đủ ý nghĩa “tốt lành” của nó đến người nghe. Đơn giản là người Tây phương không có chung khái niệm về văn hóa và triết lý với Việt Nam. Đối với họ, khái niệm “vuông tròn” không mang một ý nghĩa hòa hợp, thậm chí còn không thể dung nạp nhau. Về phương diện kỷ hà học, đó là những hình thể khác hẳn nhau. Nếu đặt cạnh nhau chỉ gợi ra ý tương phản, không “khớp” với nhau.

Nghịch lý đó vẫn có ý nghĩa tích cực khả dĩ giải thích. Hẳn là điều đó bắt nguồn từ khái niệm cơ bản xuất phát từ dân gian, được người đời chấp nhận như các yếu tố cấu thành tốt đẹp. Văn hóa Việt ảnh hưởng sâu đậm từ “tam giáo” (Phật, Lão, Khổng) hiện hữu lâu đời trong đời sống dân chúng. Ảnh hưởng tiềm ẩn trong nền nếp sinh hoạt, trong ngôn ngữ dân gian, thấm vào da thịt, và lưu chuyển trong huyết quản người Việt. Luật “nhân quả” theo Phật thuyết được chấp nhận như một tiền đề của nhiều quan niệm sống trong dân gian. Do đó, từ những nhân tố được thừa nhận là tốt đẹp dẫn đến yếu tố tốt lành theo luật nhân quả như lẽ tất nhiên: “Cây nào quả nấy,” “rau nào sâu nấy,” “cha nào con nấy,” hoặc “thầy nào trò nấy.”

Nhưng trong văn hóa Việt Nam, hình vuông và tròn đi đôi trong nhiều trường hợp, chúng gắn liền với nhau để biểu thị cho sự kết hợp thuận lẽ trời, và tạo kết quả tốt lành. Khái niệm vuông tròn dựa trên chứng cứ đầu tiên từ sự tích bánh chưng và bánh giày. [1]

SỰ TÍCH

Chuyện xưa kể rằng, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại và bảo: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, ta sẽ truyền ngôi vua cho.” Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng được ngự trên ngai vàng.

Khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu [2] bản tính hiền hậu, đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Hoàng tử nghĩ rằng chẳng thà không được làm Thái tử, chứ bỏ cha mẹ không người thần hôn định tỉnh, lòng Hoàng tử không đành. Không rời cha mẹ, nhưng Hoàng tử cũng không dám trái lời Vua cha, vẫn nghĩ tìm của ngon vật lạ để dâng tiến Vua cha và Hoàng hậu khi kỳ hạn tới. Và lòng hiếu của Hoàng tử đã động tới thần linh.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tượng trưng Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng trưng Cha Mẹ sinh thành.”

Tiết Liêu tỉnh dậy và vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng Đất, bỏ vào chõ chưng chín, gọi là Bánh Chưng. Ông giã xôi làm bánh tròn, tượng trưng Trời, gọi là Bánh Giày. Còn lá xanh bọc ngoài và nhân trong ruột bánh tượng trưng cha mẹ luôn yêu thương và đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các Hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm. Có đủ sơn hào hải vị, nhiều món ngon. Hoàng tử Tiết Liêu chỉ có bánh giày và bánh chưng. Vua Hùng lấy làm lạ nên hỏi, Tiết Liêu thuật lại chuyện Thần linh báo mộng, đồng thời giải thích cho Vua cha về ý nghĩa của bánh giày và bánh chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon và khen ngợi về ý nghĩa.

Vua cha rất hài lòng bảo Hoàng hậu: “Các sơn hào hải vị của các Hoàng tử khác, tuy ngon nhưng duy chỉ một mình ta được hưởng, còn hai thứ bánh chưng và bánh giày, làm bằng gạo của Trời Đất sinh ra, ta chỉ việc phổ biến cách làm là toàn dân đều được thưởng thức cái ngon có ý nghĩa của bánh.” Thế là Vua cha bèn truyền ngôi cho Tiết Liêu.

Tết năm đó, nhà Vua dùng ngay bánh chưng bánh giày làm đồ lễ cúng Trời Đất, và cũng truyền dạy cho nhân dân cách làm bánh để dùng trong việc cúng tế. Từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, dân chúng đều làm bánh chưng và bánh giày để tế Trời Đất và cúng Tổ tiên.

Ý NGHĨA

Bánh giày và bánh chưng tượng trưng Trời Đất, mang ý nghĩa nguồn gốc sự sống. Trời là Cha, Đất là Mẹ – song thân tạo nên chúng ta. Khi gặp nguy biến hoặc đau khổ, người ta nghĩ ngay đến song thân Phụ Mẫu. Có khi chúng ta gọi Trời: “Trời ơi!” có khi gọi cả Trời và Đất: “Trời Đất ơi!” có khi gọi Cha Mẹ: “Cha Mẹ ơi!” có khi gọi cả Trời đất và Cha Mẹ: “Trời Đất, Cha Mẹ ơi!”

Trong vũ trụ quan của người Á Đông, khái niệm vuông tròn chính là khái niệm về Trời Đất, về Càn Khôn, về Âm Dương. Trong kiến trúc Đông phương, bao giờ cũng là những đường nét pha trộn Âm và Dương. Ngoài những đường thẳng cần thiết phải có, bao giờ người ta cũng đưa vào thêm những đường cong và vòng tròn, tạo nên một tổng-thể-hài-hòa-Âm-Dương. Mái ngói cong, cửa sổ tròn, đó là cách kết hợp tạo sự hài hòa Âm Dương. Trong kiến trúc Tây phương ít khi có những đường nét như vậy.

Hình tròn còn tượng trưng Âm tính, hình vuông tượng trưng Dương tính. Sự kết hợp hài hòa Âm Dương được xem là một kết hợp thuận tự nhiên. Sự kết hợp đó luôn luôn mang lại kết quả tốt đẹp. Đó là một “khái niệm thiện.” Người Việt có câu tục ngữ: “Đầu tròn, gót vuông.” Theo Đông y, cơ thể con người nửa phần trên, tận cùng là cái đầu mang tính Âm (đầu tròn). Phần dưới tận cùng là đôi chân mang tính Dương (gót vuông). Khi khám bệnh, thầy thuốc sờ đầu và sờ chân, thấy đầu mát (Âm) và chân ấm (Dương) là tốt vì thuận Âm Dương, không đáng lo. Ngược lại (đầu ấm, chân mát) là bất ổn. Nên giữ đầu mát và đôi chân ấm thì sẽ khỏe mạnh. Triết lý của người Á Đông hay thật!

Nếu hình vuông đứng một mình thì chỉ là vuông, nếu hình tròn đứng một mình thì chỉ là tròn. Nhưng kết hợp hình vuông và hình tròn sẽ tạo khái niệm về Trời Đất, Âm Dương hài hòa, mang tính thiện, luôn trường cửu.

Bánh chưng và bánh giày là các loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tiền nhân và Đất Trời. Bánh chưng hình vuông và màu xanh, tượng trưng cho Đất; bánh giày hình tròn và màu trắng, tượng trưng cho Trời. Điều đó thể hiện triết lý Âm Dương, biện chứng Đông phương – nói chung, và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam – nói riêng. Bánh giày là Dương dành cho Cha, bánh chưng là Âm dành cho Mẹ. Bánh chưng và bánh giày thể hiện nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn,” nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục bao la như Trời Đất của Cha Mẹ.

Sự tích bánh chưng và bánh giày cho thấy lòng hiếu thảo (một trong những tính thiện của con người) của Hoàng tử thứ tư đã làm Thần Linh cảm kích mà chỉ dạy cách sử dụng hạt gạo quý giá như ngọc để làm món ăn ngon dâng Vua cha. Lòng yêu dân thương nước của Vua Hùng đã làm cho món ăn quý giá này được đời đời lưu truyền. Điều đó cho thấy rằng những gì thuận ý Trời, theo “tính bổn thiện” mà Trời ban cho con người thì trường tồn bất biến – dù hoàn cảnh có biến đổi.

Chắc chắn rằng bất cứ điều gì không thuận ý Trời như gian tà, độc ác, ích kỷ, đố kỵ,… thì sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử thế giới, từ cổ chí kim,  đã và đang chứng minh chân lý bất biến: “Thiện luôn thắng ác.” Nơi nào có ánh sáng, nơi đó không thể có bóng tối.

TƯ DUY TÂM LINH

Hoàng tử Tiết Liêu chẳng thà không được làm Thái tử, chứ không đành bỏ mặc cha mẹ. Con người này quả là người nhân đức, đủ bản lĩnh nội tâm. Những con người biết sống vì người khác, không tham quyền cố vị, không kèn cựa tranh giành, không ích kỷ, không tham lam, không chuộng bề ngoài, chỉ một mực thể hiện đức yêu thương, chắc chắn cuộc sống luôn thanh thản và bình an. Một tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.

Kinh thánh xác định: “Tất cả chỉ là phù vân,” (Gv 1:2) và biết chắc khi chết thì ai cũng “buông xuôi tay trắng,” thế mà người ta và giành giật nhau từng chút, ngay cả miếng ăn cũng vậy, kém một chút là “khó chịu ra mặt.” Khốn nạn thật!

Về quyền hành, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9:35) Thế nhưng thực tế khác hẳn, thậm chí là trái ngược, ngay cả trong tôn giáo cũng chẳng khá hơn. Và còn bao chuyện đời khác nữa mà Đức Kitô đã mạnh mẽ lên án gắt gao!

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng Trời và Đất, Ngài có quyền trên tất cả mọi sự. Khi nói về chuyện thề thốt, Chúa Giêsu có nhắc tới Trời và Đất, đồng thời khuyến cáo: “Đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.” (Mt 5:34-35)

Chúa Giêsu cũng nhắc tới Đầu: “Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5:34-37) Quá minh nhiên!

Chúa Giêsu còn nói thẳng thừng hơn: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời.” (Mt 18:8) Cách nói chân thật của Ngài luôn khiến chúng ta cảm thấy “nghịch nhĩ.” Nhưng sự thật mãi mãi là sự thật, chúng ta học mãi mà chưa thông, chưa khôn, chưa can đảm!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống vuông tròn với Ngài và với tha nhân. Xin chúc lành và gìn giữ chúng con trong năm mới này, xin giúp chúng con luôn mau mắn thi hành Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Trầm Thiên Thu

[1] Chưa thống nhất cách viết, có khi viết là bánh Giày hoặc Dày. Bánh này không dày nên chắc không là bánh Dày. Ngày xưa, khi giã bột làm bánh, người ta thường đi ủng (giày) để giã, thế nên rất có thể đúng là bánh Giày.

[2] Còn gọi là Lang Liêu, Lang Lèo.

XÓT TẾT THƯƠNG XUÂN

Tại sao lại xót xa khi Tết vui tưng bừng, Xuân mừng khấp khởi, và ai cũng có thể cảm nhận sự rộn rã, nhộn nhịp? Nếu là thương mến hoặc thương yêu thì không gì đáng nói, đáng quan tâm ở đây là “đáng thương,” là “tội nghiệp.”

Người ta đón Xuân và ăn Tết vì người ta có những niềm vui, cuộc đời đầy may mắn, luôn xuôi chèo mát mái và hanh thông mọi bước đời. Họ là những người “đẻ bọc điều” hoặc “có tràng hoa quấn cổ.” Họ may từ khi chào đời, lớn lên cũng chưa phải nặng đầu suy nghĩ, hầu như chưa biết thế nào là nỗi khổ – cả tinh thần và vật chất.

Trong khi trời đất vào Xuân, phố xá nhộn nhịp, bước chân người như trẩy hội, thì còn có bao người phải lầm lũi “đi bên cạnh cuộc đời,” họ không mong Tết, vì Tết có về thì họ cũng chẳng thấy mùa Xuân ở đâu, thậm chí họ không hề muốn Xuân về! Không phải họ không thích vui, mà họ không thể an tâm mà vui. Lòng họ trĩu nặng ưu sầu, lo toan chật tháng ngày, hình như họ đã quên cười từ lâu rồi!

Khi bạn đang nô nức nói cười, cụng ly chúc mừng nhau, cùng nhau ăn những miếng ngon trên bàn tiệc Xuân,… bạn có bao giờ chợt nghĩ đến họ và cầu nguyện cho “những người không có Tết” hay không? Và họ là ai?

Rất đa dạng, cả tinh thần và vật chất. Khôn xiết kể! Chẳng hạn đó là…

+ Những người nghèo rớt mùng tơi, lụi đụi suốt năm, làm nhiều mà chẳng có dư tiền sắm Tết. Họ nghèo lắm, ăn bữa nay đã phải lo bữa mai, khổ vô cùng, hầu như chưa có thời gian rảnh, mở mắt ra đã tìm kế sinh nhai cho đến khuya, chân lấm tay bùn, áo đẫm mồ hôi, thế mà họ vẫn không có được giấc ngủ bình an!

+ Những người sớm tối thui thủi một mình, lạc loài giữa rừng người, bơ vơ giữa chợ đời. Có thể đó là những người mồ côi cha mẹ – nhất là những trẻ thơ, những người đổ vỡ hôn nhân, những người có tang vào những ngày “năm hết, Tết đến,” những người phải ăn nhờ ở đậu vì tha phương cầu thực, sớm tối rối bời lắng lo,… Đôi khi họ muốn bật khóc nhưng cũng chẳng còn nước mắt mà khóc!

+ Những người không cửa, không nhà, nay đây mai đó, sống kiếp người chẳng khác dân du mục, thuê nhà trọ cũng chẳng yên, chủ lúc nào cũng “đe” tăng giá. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, bệnh cũng ráng chịu chứ cũng không dám mua viên thuốc uống cầm chừng!

+ Những người thua lỗ trong công việc làm ăn, bị phá sản công ty,… khi không họ bỗng thành nợ như Chúa Chổm, thậm chí còn phải trốn chui trốn nhủi hết chỗ này đến chỗ kia, ăn không ngon mà ngủ cũng chẳng yên. Không chỉ vậy, có khi chính những người thân thuộc nhất – dù là vợ chồng, cha mẹ hoặc con cái – cũng tránh xa họ như tránh xa dịch bệnh!

+ Những người bị bệnh nọ tật kia – nhất là những người bị chứng ung thư quái ác, họ phải nằm co ro một mình, muốn uống miếng nước cũng không thể tự thân vận động, mà phải nhờ người khác. Gặp những đứa con ngoan, đứa cháu tốt thì còn đỡ tủi thân, không may mà gặp những nghịch tử và ác tôn thì thật bất hạnh, chỉ còn biết khóc và chỉ mong mình được mau chết!

+ Những người thất vọng vì điều này hoặc lẽ nọ, ưu tư chồng chất, khổ tâm tột cùng. Họ muốn có ai cùng tâm sự để họ trải tấm lòng cho nhẹ bớt, nhưng đâu ai muốn gần người u buồn, vì sợ xui xẻo trong năm mới. Đôi mắt xa xăm, ý nghĩ mông lung, ngồi ủ rũ như chó xích, có ai thọc lét chắc họ cũng không thể cười nổi, thế thì làm sao họ có được niềm vui Xuân?

+ Những người phải chịu cảnh tù đày và những người phải di tản chỉ vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bị áp bức, bị bóc lột, bị hắt hủi, bị khinh miệt, bị hành hạ,… Đời họ chỉ còn hiện tại, tương lai mù mịt coi như không có!

Và còn biết bao những cảnh đời đáng thương khác vẫn hằng ngày ở ngay bên chúng ta.

Trăm người trăm cảnh đọa đày

Những người không Tết, biết ai bạn cùng!?

Cố Ns. Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Tấm lòng đó là yêu thương, là cảm thông, là động lòng trắc ẩn và thể hiện lòng thương xót. Thật vậy, ai có lòng yêu thương đồng loại thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người. Là Kitô hữu thì điều đó càng phải được ưu tiên hơn, có vậy mới xứng đáng là môn đệ của Đại Sư Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Chúa Giêsu đã luôn cảm thông nên mới “chạnh lòng thương” những con người khốn khổ mà Ngài gặp ở bất cứ nơi nào, (x. Mt 9:36; Mt 14:14; Mt 15:32; Mt 18:27; Mt 20:34; Mc 1:41; Mc 9:22; Lc 7:13) Ngài cũng BẮT BUỘC chúng ta phải sống trọn Luật Yêu Thương, và phải trả cho đến “đồng xu” cuối cùng. (Mt 5:26)

Thánh Phaolô xác định: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13:8)

Ngày Xuân, có thể trong chúng ta có nhiều người còn may mắn được hưởng những ngày tết cổ truyền một cách thoải mái. Xin hãy dành một vài phút để cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những người xấu số hơn mình, xin cho họ cũng được chút vui khi Tết đến, Xuân về.

Cũng rất có thể nỗi bất hạnh của họ là do lỗi của chúng ta, vì tất cả đều có mối liên đới – dù đó là tội lỗi. Vả lại, có thể họ chịu bất hạnh để chúng ta được hạnh phúc. Nếu vậy, chúng ta có liên quan và phải có trách nhiệm.

Lạy Chúa giàu lòng xót thương, xin bớt gánh nặng khổ đau cho những con người đau khổ đang ở khắp nơi, đặc biệt trên quê hương Việt Nam của chúng con, để họ có thể nở nụ cười trong những ngày Xuân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Trầm Thiên Thu

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan