Bạn có biết việc tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu bao gồm những gì không?

04-06-2021 1,961 lượt xem

Tháng 6 là thời điểm để chúng ta đặc biệt tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Lòng tôn sùng này được phổ biến rộng rãi bởi các thánh của mọi thời đại kể từ khi Chúa biểu lộ trái tim của Ngài như nguồn ân sủng và phúc lành dồi dào cho thánh Margherita Maria Alacoque.

Hôm nay chúng tôi muốn nói cách ngắn gọn về một thực hành đáng quý khi tận hiến cho Trái Tim Chúa Giêsu. Chúng tôi sẽ giải thích cho các bạn trong 3 điểm đơn giản.

1. Tại sao chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu?

Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu nghĩa là kết hiệp cách đặc biệt vào cuộc khổ nạn của Chúa, ngoài ra còn gắn kết những cảm xúc của Ngài với lòng nhiệt thành, bằng cách chia sẻ tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Để tôn thờ Chúa Giêsu, cần phải nhìn nhận rằng trái tim được nhiều tác giả khác nhau xem như ngai tòa của ý chí linh hồn. Vì thế, Thánh Tâm Chúa Kitô được hiểu như một địa điểm qua đó ta tìm thấy được ý muốn của Chúa Cha.

Vì vậy, khi chúng ta tự hỏi đâu là ý muốn của Chúa Cha đối với cuộc sống của chúng ta hoặc cách Thiên Chúa muốn chúng ta hành động khi đối mặt với một thực tại cụ thể, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời bằng cách nhìn ngắm và chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và trái tim đầy nhân hậu của Ngài.

Chúa Giêsu muốn tỏ ra cho chúng ta thấy con người sâu thẳm nhất của Ngài. Ngài muốn cho chúng ta biết rằng Trái tim Ngài là trung tâm của tình yêu Ngài dành cho con người.

Nhưng Ngài cũng muốn chúng ta lưu nhớ rằng nơi tình yêu thuần khiết rực nóng nhất sẽ bùng lên một vết thương thật lớn và thật sâu do sự vô ơn của chúng ta gây ra. Tôn thờ Trái tim Chúa là nhận ra rằng Thánh Tâm của Chúa Giêsu là của chính Chúa Kitô chứ không phải của người nào khác. Trái tim của Thiên Chúa làm người. Trái tim của Đấng đã hiến mạng sống mình trên thánh giá vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Sự hy sinh này không có gì có thể so sánh được.

2. Dâng hiến nghĩa là gì?

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, trong Kim Chỉ Nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ năm 2002, đã đề cập đến sự dâng hiến.

Ngoài việc coi đây là một thực hành thật đáng khen ngợi, nó còn mời gọi những người thực hiện lối đi này trong cuộc sống hãy thực thi nó với sự tự do và trưởng thành hoàn toàn, bằng cách nắm bắt được tầm quan trọng của hành động này và trách nhiệm phát xuất từ nó.

Ở số 204 cho thấy rõ rằng thuật ngữ “dâng hiến” được sử dùng với một phạm trù rộng lớn và không thích đáng: “chẳng hạn, người ta nói ‘dâng hiến con cái cho Đức Mẹ’, trong khi thực tế nó chỉ nhằm mục đích đặt những đứa trẻ dưới sự che chở của Đức Trinh nữ và xin Mẹ chúc lành cho chúng”. Nó cũng được xem như đề xuất của khá nhiều người để thay thế thuật từ “dâng hiến” bằng những từ khác, ví dụ như “phó dâng” hoặc “hiến tặng”.

Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng hành vi dâng hiến này là phương tiện để dâng mình cho Thiên Chúa cách tin tưởng và từ bỏ hơn, với lưu ý rằng chúng bao hàm một lối sống và còn là bằng chứng đích thực cho những gì ta tin tưởng.

3. Ai được kêu gọi dâng hiến và làm như thế nào?

Tất cả chúng ta đều được mời gọi để sống đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa, dựa trên thực tại của mỗi chúng ta, khi biết sống phù hợp với Tin Mừng, không ngừng tìm cách áp dụng ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống của mình và làm việc chăm chỉ để đạt được sự thánh thiện.

Mặc dù việc dâng hiến cho Thiên Chúa ngụ ý một sự chuẩn bị tinh thần mạnh mẽ, nó cũng làm gia tăng đức tin, cho phép mọi người luôn tuân giữ cách nghiêm túc và vững chắc vào con người của Chúa Chúa Giêsu, là con đường duy nhất để đến với Cha.

Đây là lý do tại sao tôi muốn chia sẻ một nguồn tài liệu tuyệt vời để tăng cường lòng sùng kính này trong bạn, cũng như chỉ dẫn cho các bạn sâu hơn về thực tế này.

Đó là cộng đoàn Dòng Tận Hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu nằm ở Hozana.

Ở đó, bạn có thể tiếp cận một loạt các bài suy niệm hằng ngày dựa trên những suy tư của Thánh Gioan Phaolô II, như một lộ trình chuẩn bị thực sự cho việc dâng hiến bản thân cho Trái Tim Chúa Giêsu.

Đề xuất cho lộ trình này:

- Suy niệm về kinh cầu Thánh Tâm Chúa hằng ngày.

- Thực hành một ý lực sống hằng ngày trong đời sống Kitô hữu.

- Thường xuyên cầu nguyện sẽ giúp đào sâu hơn những mầu nhiệm tình yêu chứa đựng nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đây là thời điểm đặc biệt để trò chuyện với Chúa Giêsu. Bạn tham gia được không?

Mauricio Montoya - https://catholic-link.com

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ - WQN

LÒ LỬA TÌNH YÊU

Trong Kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu, Giáo Hội xác định Thánh Tâm Chúa Giêsu là “lò lửa mến hằng cháy.” Lửa Thiêng Tình Yêu đó không ngừng cháy lên để sưởi ấm bất cứ ai đến nương náu. Trái tim là cơ phận rất đặc biệt trong cơ thể con người, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

¿Cómo consagrarse al Sagrado Corazón de Jesús?

Thánh Margaret Maria Alacoque cho biết về thị kiến: “Chúa đòi trái tim của tôi, rồi đặt nó vào Thánh Tâm đáng tôn thờ của Người. Chúa cho tôi nhìn thấy trái tim của tôi như một cái chấm nhỏ được thiêu đốt trong lò lửa bừng cháy ấy. Sau đó, Chúa lấy nó ra như một ngọn lửa bừng cháy có hình trái tim rồi đặt vào chỗ trước đó Người đã lấy ra.”

Khi còn tại thế, chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28) Và rồi Ngài cũng mặc khải cho Thánh Faustina biết: “Hãy tựa đầu vào vai Ta, hãy nghỉ ngơi và lấy lại sức. Ta luôn ở bên con.” (Nhật Ký, số 498)

Một điều tất yếu là tim có máu, và là trung tâm truyền máu đi khắp cơ thể để duy trì sự sống. Tim còn đập là dấu hiệu còn sống, tim ngừng đập là dấu hiệu không còn sống. Không ai thấy tim nhưng tim rất quan trọng, có thể nói rằng tim là “trung tâm phân phối sự sống”. Tim hoạt động âm thầm nhưng nuôi sống cả cơ thể. Mặc dù não là trung tâm điều khiển nhưng vẫn phải nhờ tim truyền máu. Người ta có thể chết lâm sàng chứ chưa chết thật, vì tim còn hoạt động, dù nhịp đập rất yếu. Những người bị chứng bại não, sống đời thực vật, không biết phân biệt điều gì, nhưng họ vẫn sống nhờ tim vẫn hoạt động. Chừng nào tim ngừng đập thì sự sống mới thực sự chấm dứt. Thế thì trái tim còn quan trọng hơn cái đầu.

Chúa Giêsu luôn mong muốn chúng ta trú ngụ nơi Thánh Tâm Ngài mãi mãi. Là phàm nhân, không ai lại không đau khổ, yếu đuối, mệt nhọc, tội lỗi,… thế nên luôn cần đến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch hồng ân cứu độ và thương xót, là dòng tình yêu thương, bởi vì từ Thánh Tâm đã tuôn trào Nước và Máu để tẩy rửa và cứu độ các tội nhân – trong đó có mỗi người chúng ta.

Được sinh ra làm người và được sống, ai cũng có món “nợ đời” rất lớn – trước là nợ Thiên Chúa, sau là nợ cha mẹ và tha nhân. Ơn cha mẹ mà chúng ta trả cả đời còn chưa cân xứng huống chi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Thật diễm phúc cho chúng ta vì Chúa Giêsu đã xác nhận: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5:32) Ngài đến thế gian để TÌM và CỨU những gì đã mất (x. Lc 19:10), chỉ cần chúng ta tin vào tình yêu cao cả của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng, nhưng phải nỗ lực không ngừng bằng cách “giặt” chính chiếc áo cuộc đời mình: “Phúc cho những ai giặt áo của mình trong máu Con Chiên, để được hưởng dùng cây sự sống, và được qua cửa để vào thành.” (Kh 22:14)

Để mặc khải những lời hứa, Đức Chúa là Chúa Thượng đã tuyên ngôn qua miệng lưỡi của ngôn sứ Êdêkien: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được” (Ed 34:11-13). Đó là lời hứa chắc chắn, vì Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong mọi lời nói và mọi việc làm, chính xác từng chi tiết. Ôi, thật tuyệt vời biết bao khi chúng ta nhận biết và tôn thờ một Đức Chúa như vậy. Độc nhất vô nhị!

Ngài không chỉ hứa mà còn thực hiện với lòng thưng xót bao la vô tận: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34:14-16).

Thật hạnh phúc khi được nương bóng cánh của vị mục tử như vậy. Thế nhưng lại thật bất hạnh nếu chúng ta cố chấp, như Chúa đã cảnh báo: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23:37; Lc 13:34). Không khôn ngoan nên hóa ngu si: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ” (Kn 13:1-2).

Cùng với Thánh Vịnh gia, chúng ta có thể xác quyết với niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi,” (Tv 23:1) và có thể tự hào nói: “Chúa là gia nghiệp đời tôi.” (Tv 16:5) Đó cũng là cách tuyên tín và công khai tôn thờ chỉ một mình Ngài mà thôi.

Đề cập vấn đề đức tin, Thánh Phaolô giải thích: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy” (Rm 5:2-4). Một chuỗi nối kết thật kỳ diệu, cái này “mở đường” cho cái kia, cái kia dẫn đến cái nọ, mối liên kết chặt chẽ, không thể tách rời nhau.

Chưa thể dừng lại, thánh nhân còn phân tích và giải thích thêm: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5:5-9). Chúng ta được “nên công chính nhờ Máu Đức Kitô” đổ ra từ Thánh Tâm Ngài.

Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành trọn cho mọi người, kể cả những tội nhân xấu xa nhất, thậm chí Ngài còn thí mạng vì họ – tức là chúng ta: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8). Theo thế gian, cách yêu như vậy bị coi là mù quáng, ngu xuẩn, điên rồ,... Chắc hẳn chỉ có người điên mới hành động như thế. Vậy mà Chúa Giêsu đã yêu như thế. Nếu Ngài không “si tình” như vậy thì chúng ta không có ngày hôm nay!

Quả thật, “nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5:10) Mà không phải chỉ có thế, Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5:11) Phàm ngôn không đủ từ ngữ để mô tả đúng mức “độ nóng” do Lửa Tình tỏa ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trình thuật Lc 15:3-7 rất ngắn gọn, bản dịch Việt ngữ chỉ có 128 từ. Đoạn Tin Mừng này là một trong các dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót.

Một lần kia, những người Pharisêu và các kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Những người Pharisêu và các kinh sư là ai? Là những nhà thông luật, giữ luật nghiêm túc hơn người, giỏi giang hơn người, đạo đức hơn người, nói năng lưu loát hơn người, sang trọng hơn người, địa vị hơn người, quyền lực hơn người,… thậm chí có thể có ngoại hình “dễ nhìn” hơn người và giàu có hơn người. Tuy nhiên, họ cũng “chảnh” hơn người, kiêu sa hơn người, thị uy hơn người, khinh người hơn người, kênh kiệu hơn người, hét to hơn người, nói nhiều hơn người, làm ít hơn người,… Nói chung, cái gì họ cũng hơn người. Các người Biệt Phái và kinh sư kia là ai mà “chảnh” vậy? Cũng chính là chúng ta chứ không là ai khác. Còn ai trồng khoai đất này nữa?

Biết họ đang “khó chịu” trong bụng, Đức Giêsu liền kể dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” Trúng tim đen!

Ôi chao, Chúa Giêsu lại gây “sốc” vì nói điều “nghịch nhĩ” quá chừng. Đúng là Ngài “điên” thật rồi! Có được 99 con chiên béo tốt mà lại bỏ để khổ sở đi tìm duy nhất một con chiên yếu đuối, bệnh hoạn, xấu xí,… Quả thật, phàm nhân không thể nào hiểu nổi. Nhưng cũng chính nhờ “tình cuồng si” đó của Chúa Giêsu mà chúng ta mới được phục hồi cương vị làm con cái và đồng hưởng thừa kế sản nghiệp Thiên Quốc. Trên mức tuyệt vời!

Trong sách Tháng Trái Tim Chúa Giêsu (Hiện Tại xuất bản, Saigon, 1969) có kể truyện tích này: Xưa có chàng thanh niên hư thân, đến nỗi những chàng xấu nết trong vùng cũng chẳng còn muốn làm bạn với chàng. Vì hoang đàng quá độ, chàng mắc bệnh thổ huyết, ốm đau kịch liệt.

Khi cha xứ đến thăm, khuyên bảo, chàng cũng chẳng nghe, lại còn nói phạm đến Chúa. Thương linh hồn chàng, cha xứ tìm mọi cách giúp chàng phần linh hồn. Ngài nhờ cha phó đến tận Paray le Monial, nơi người ta tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, nhờ những người ở đấy cầu xin cho chàng. Người ta dự lễ, rước lễ cầu cho chàng.

Khi cha phó trở về, cả hai cha tới thăm chàng thanh niên đau liệt ngay. Cha phó nói tới việc đi Paray và tặng cho chàng mẫu ảnh Trái Tim Chúa Giêsu làm quà. Chàng giơ tay đón nhận, hôn kính và nói lời cảm ơn, rồi nhờ người mẹ đeo ảnh Trái Tim Chúa Giêsu vào cổ mình. Đeo xong, chàng xin xưng tội ngay hôm ấy, cùng lãnh phép Xức Dầu bệnh nhân sốt sáng. Từ lúc đó, chàng năng than thở: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu đã quá thương con, con quyết lòng kính mến Chúa hết lòng con, suốt đời con.” Hôm sau, chàng từ giã cõi đời cách êm ái.

Trong Nhật Ký Thánh Faustina có lời động viên này: “Hỡi linh hồn mê mải trong bóng tối, đừng thất vọng. Mọi thứ chưa mất. Hãy đến và tín thác vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương và thương xót.” (số 1486) Hãy hy vọng, còn hy vọng thì hãy cầu nguyện, bởi vì “cầu nguyện là chiếc áo giáp tốt nhất mà chúng ta có, và cũng là chiếc chìa khóa mở cửa Thánh Tâm Chúa.” (Thánh Padre Pio)

Cầu nguyện làm gia tăng niềm tin, và tiếp tục hành động. Thánh Philip Romolo Neri khuyên: “Hãy gieo mình vào vòng tay Thiên Chúa và hãy vững tin, nếu Người muốn anh em làm gì thì Người nhất định sẽ làm cho anh em thích hợp với công việc ấy và sẽ ban sức mạnh cho anh em.”

Thiên Chúa có thể biến đổi tất cả, hãy để Ngài hành động. Ước gì chúng ta cũng có thể nói điều này: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20:7).

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu – lò lửa tình yêu mến, xin thiêu đốt “cái tôi” với mọi tính hư nết xấu của chúng con. Xin cho chúng con hiểu được lời “Ta khát” của Ngài trên Thập Giá, xin cho chúng con biết Ngài và biết chính mình để chúng con có thể yêu mến Ngài trọn vẹn. Xin thương xót mà tha thứ những thiếu sót của chúng con, lạy Đấng giàu lòng thương xót! Xin Nước và Máu Thánh Ngài tẩy rửa chúng con, đồng thời cho chúng con suốt đời được trú ẩn nơi Thánh Tâm Ngài – Đấng hằng sống, hiển trị cùng Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen.

LỬA GIÊSU

Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su
Là lò lửa chẳng bao giờ ngừng đâu
Suối-Nguồn-Máu-Nước tuôn trào
Chẳng có khi nào cạn kiệt tình yêu
Hãy bao dung, chớ “bung dao”
Đó là thương xót, là yêu thương hoài
Chữ YÊU ngắn gọn, không dài
Mà sao học cả cuộc đời chưa thông
Thế nào là sống xót thương
Phải chăng là chuyện vô thường, khó khăn?
 
Tình yêu từ cõi Thánh Tâm
Muôn đời vẫn chảy suối nguồn yêu thương
Thánh tình vô thủy vô chung
Lửa Yêu ngày tháng cháy bừng tỏa lan
Thánh Tâm nguồn sống chứa chan
Xin cho con được trung kiên yêu Ngài
Lửa Giê-su chiếu soi hoài
Để trọn cuộc đời con nóng niềm yêu
Việt Nam lắm nỗi thương đau
Xin thương nâng đỡ sớm chiều, Chúa ơi!

TRẦM THIÊN THU

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan