SUY NIỆM CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN_B – KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

18-10-2018 2,338 lượt xem

Mục lục

CHÚA SAI TÔI ĐI

GIỚI TRẺ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO

NGÔN SỨ HAY TIÊN TRI?

CÙNG NGƯỜI TRẺ LOAN BÁO TIN MỪNG

VỊ ĐẮNG CUỘC ĐỜI

BAN MẠNG SỐNG MÌNH

CHÚA SAI TÔI ĐI

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

– Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.

– Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

– Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

– Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?

2) Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?

3) Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không? Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa? Về mục lục.

+ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

GIỚI TRẺ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO

Chủ đề Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay là “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ dấn thân trong sứ mạng mang Tin Mừng cho tất cả mọi người, cho đến “tận cùng trái đất”.

Đức Thánh Cha nói rằng, mỗi người chúng ta được mời gọi để phản ánh một sự thật là “tôi là một nhà truyền giáo nơi thế gian này”, đó là lý do chúng ta đang ở đây trong thế giới này. “Mỗi người, nam và nữ là một nhà truyền giáo. Để được thu hút và để được sai đi là hai động thái” của trái tim “vì triển vọng tương lai của chúng ta cũng như định hướng cho cuộc đời của chúng ta”.

Truyền giáo là một sứ mạng thiêng liêng cao cả, khởi nguồn từ Thiên Chúa. Qua mọi can dự vào lịch sử loài người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm tất cả “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”.

Sứ mạng truyền giáo đã được trao phó cho Giáo Hội. Khi lập Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu cho thấy ý định trao phó sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội sau này (x. Mc 3,13). Trước khi rời các Tông đồ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trực tiếp ban mệnh lệnh truyền giáo cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), “Anh em hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Chính các Tông đồ và những cộng sự của các ngài đã thừa hành mệnh lệnh này một cách xuất sắc. Trải qua bao khó khăn dọc dài lịch sử, các ngài đã đem Tin Mừng Phục Sinh tới nhiều miền và cho nhiều tâm hồn. Hơn hai ngàn năm qua, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các thế hệ tông đồ truyền giáo đã nối tiếp nhau mang Tin Mừng đi khắp địa cầu. Như vậy, truyền giáo xuất phát từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô sứ mạng này đã được trao cho Giáo Hội, nhờ Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trung thành và nhiệt thành chu toàn sứ mạng cho đến ngày tận thế.Thực thi sứ mạng truyền giáo là chia sẻ cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, yêu thương đến cùng, yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. Truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống.

NỘI DUNG TRUYỀN GIÁO

Nội dung truyền giáo có 4 công việc quan trọng.

- Truyền giáo là Rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Rao giảng là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Truyền giáo là “loan báo Tin mừng”.

- Truyền giáo là “thiết lập cộng đoàn các môn đệ”, cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô, cộng đoàn này chính là Giáo Hội. Chúa Giêsu nói rõ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

- Truyền giáo là “cử hành Phụng vụ và các Bí tích”. Chúa Giêsu cũng nói rõ: “làm phép rửa cho họ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Các Bí tích thuộc về Nhiệm cục Cứu độ của thời đại Tân Ước, được Chúa Giêsu thiết lập, để qua đó ban ơn cứu độ cho con người.

TRUYỀN GIÁO THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU

Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu.

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi với 4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Chúa Giêsu đến với họ, cho họ thấy, Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người. Chúa Giêsu hiến thân đến tột cùng vì tình yêu.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng hãy theo gương Thầy, đem Tin Mừng đến cho 4 hạng người đó.Đây cũng là sứ mạng truyền giáo của mỗi kitô hữu.Nói cách khác, truyền giáo là yêu như Chúa Giêsu yêu. Chúa dành tình yêu đặc biệt cho 4 hạng người: người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo.Yêu người ngoại, yêu người tội lỗi, yêu người nghèo và người bệnh tật như thế là truyền giáo theo gương Chúa Giêsu.

Truyền giáo hôm nay phải là giới thiệu, là trình bày, là minh họa, là thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho những anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày nơi môi trường mình sống và làm việc. Đời sống của giáo dân là phương tiện truyền giáo hữu hiệu hàng đầu. Muốn truyền giáo, giáo dân phải có lòng đạo nhất định. Việc tái truyền giáo giúp tẩy xóa hay giảm bớt những cách sống phản Tin Mừng nơi người đã có đức tin. Thực tế, chẳng ai lại đi theo một cái Đạo mà ngay cả tín đồ cũng không thực hành Đạo. Cũng chẳng ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Tái truyền giáo sẽ giúp giáo dân đong đầy hành trang là những giá trị Tin Mừng cho cuộc sống, thay cho những lối sống buông thả và thiếu cố gắng xưa nay. Muốn giới thiệu Chúa cho người chưa biết Chúa, người giáo dân phải thấm nhuần đạo lý, sống trong thế thượng phong về luân lý, về đức bác ái và sự công bằng. Như thế, từng cá nhân, từng nhóm và cộng đoàn, mới dấn thân vào việc truyền giáo. “Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình… Như Công đồng Vaticanô II nói: Giáo dân phải hợp tác vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh; là những chứng nhân và đồng thời là những công cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh” (Ad Gentes, 41)”.

GIỚI TRẺ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO

Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ hãy đi ra: “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày”.

Đức Thánh Cha hy vọng nhiều vào giới trẻ. Ngài nói: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”.

Trong Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2018, Ngài mời gọi: “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x.Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối với một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.

Trọng tâm của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là sự lây lan của tình yêu, nơi đó niềm vui và lòng nhiệt thành được diễn tả bằng ý nghĩa mới khám phá và đầy đủ trong đời sống. Việc lan truyền của đức tin qua “sự thu hút” đòi hỏi những con tim biết cởi mở và biết đưa vòng tay ôm rộng vì tình yêu. (x.Sứ điệp Truyền giáo 2018). Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

Cuộc đời thật cần gương sáng. Gương sáng để đẩy lùi điều xấu. Gương sáng giúp cho xã hội bớt cái xấu và giúp cho cái tốt, cái thiện phát triển mạnh hơn. Gương sáng ở nơi gia đình sẽ giúp cho mọi thành viên sống tốt hơn. Gương sáng nơi học đường sẽ giúp cho nhà trường rạng rỡ hơn. Gương sáng giữa bạn bè sẽ giúp nhau thăng tiến. Gương sáng ở nơi môi trường sống sẽ đẩy lùi những tệ nạn, những trào lưu văn hóa xấu.

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo, thiết tưởng chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều gương sáng sống đạo, hơn là những người giảng thuyết mà thiếu gương sáng giữa đời.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là người trẻ, luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen. Về mục lục.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

NGÔN SỨ HAY TIÊN TRI?

Nói tới truyền giáo là nói tới những người được sai đi loan báo Tin Mừng: Ngôn sứ. Những người được sai đi gọi là “sứ giả”, Tin Mừng là Lời Chúa mà “lời” là “ngôn ngữ”; tổng hợp lại (“sứ giả” + “ngôn ngữ”) thành một từ ghép: “ngôn sứ”. Ngôn sứ mang ý nghĩa: Người được sai đi loan báo Lời Chúa (Tin Mừng). Trong khi đó, Lời Chúa là Lời dạy cho biết chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm những sự việc đã xảy ra (quá khứ), đang xảy ra (hiện tại), đồng thời cả những sự kiện sẽ xảy ra (tương lai). Nói cụ thể thì “ngôn sứ” chính là người phát ngôn (phát ngôn nhân, phát ngôn viên) của Thiên Chúa.

Trước đây thường gọi những ngôn sứ” là “tiên tri”. Về mặt ngôn ngữ, tiên tri chỉ có nghĩa là “biết trước”, vậy khi nói “tiên tri Isaia” thì chỉ có nghĩa: một người có tên là Isaia là người biết trước những sự việc sẽ xảy ra. Như vậy thì chưa đúng với vai trò và sứ vụ của Isaia, vì thế lại cần phải hiểu ngầm (ngụ ý) ông Isaia là người loan báo Lời Chúa. Do đó, theo thiển ý của kẻ viết bài này, dùng từ “ngôn sứ” để dịch chữ “Prophet” (có gốc từ chữ Hi-lạp “Aprophetes”) là chính xác hơn.

Ca dao Việt Nam có câu "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", ngụ ý khuyên răn anh em trong nhà có cùng một huyết thống, cùng một cha mẹ sinh ra, phải thương yêu đùm bọc nhau, đừng nên tranh giành hơn kém rồi sinh ra cảnh "nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn". Lời khuyên răn ấy không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, mà còn mở rộng ra cả nước. Sự tích bà Âu Cơ đẻ 100 trứng nở ra 100 con, 50 con ở với mẹ trên núi, 50 con theo cha (Lạc Long Quân) xuống biển, cho thấy quan điểm toàn thể dân tộc Việt Nam đều chung một gốc là "con Rồng, cháu Tiên". Vì thế, nên phải biết "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng". Tuy vậy, nhưng vẫn xảy ra không ít cảnh “huynh đệ tương tàn”, “gà nhà bôi mặt đá nhau” (tiếm ngôi, cướp ngôi nhau, triều đình này hạ bệ triều đình kia, loạn 12 sứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh, cõng rắn cắn gà nhà v.v… và v.v…).

Xã hội loài người không chỉ có cảnh anh em tàn sát lẫn nhau, mà còn hơn thế nữa, xảy ra cảnh “phụ tử tương tàn” nữa kia. Ngay từ thời Cựu Ước đã có chuyện "tranh bá đồ vương" giữa cha con với nhau xảy ra ngay trong hoàng cung một triều đại danh tiếng: Đó là vua Đa-vít và hoàng tử Ap-sa-lôm. Trong những người con của vua Đa-vit, thì Ap-sa-lôm là một người đẹp trai, tài giỏi, được vua cha yêu mến, nhưng chính Ap-sa-lôm đã muốn tranh giành địa vị của cha, rồi tự phong mình làm vua ở Khép-rôn. Cuộc khởi loạn này đã làm cho vua Đa-vít và cả triều đình phải chạy trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem, và Ap-sa-lôm đã tiến chiếm kinh thành; nhưng sau này đã bị đại tướng của vua Đa-vit là Giô-áp đánh bại và bị giết chết tại khu rừng gần Ep-ra-im. Cuộc chiến tranh "phụ tử tương tàn" này đã khiến cho 20 ngàn quân lính bị thiệt mạng! (x. 2 Sm,15-18).

Quả thực từ cái tham vọng của người này nảy sinh ra cái ghen tức của người khác, đã làm cho loài người xung đột, gây hấn với nhau, để rồi thì khủng bố, chiến tranh bùng nổ khắp mọi nơi. Ôi chao! Tham vọng "tranh danh đoạt lợi, tranh bá đồ vương" vẫn là vấn đề muôn thủa của con người. Và cái "miếng đỉnh chung", cái "miếng giữa làng hơn sàng xó bếp" luôn luôn và mãi mãi là cái hấp lực khó lòng từ chối, dứt bỏ. Ngay đến các Tông đồ ở cận kề với Người Thầy luôn dạy dỗ môn đệ phải sống bác ái và khiêm nhường, vậy mà cũng có hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an muốn được "một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang" (Bài Tin Mừng CN XXIX/TN-B – Mc 10,35-45).

Tin tưởng khi Thầy mình được vinh quang sẽ làm Vua, mà lại xin được ngồi bên tả và bên hữu Người, thì chẳng phải đó là muốn được ngồi "cỗ nhất", được hưởng “miếng đinh chung” bảnh nhất là ”Tả hữu Thừa tướng” đó sao? Không phải chỉ có 2 môn đệ này thôi đâu, mà các môn đệ khác cũng tỏ ra tức tối ("Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an." – Mc 10,41). Tức tối tức là ghen tị, là mong muốn mình phải được coi trọng hơn, và "chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh" xảy ra cũng là điều tất nhiên ("Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau" – Gc 4,1-3).

Đức Giê-su quá hiểu tâm lý của con người ai cũng muốn mình có địa vị và được kính nể hơn người khác, ai cũng muốn làm ông chủ để được kẻ hầu người hạ và nếu có ai đó được hơn mình thì ngay lập tức ganh tị, thù hằn nhau. Vì thế, khi thấy Gio-an và Gia-cô-bê xin được ngồi “cỗ nhất”, Đức Ki-tô nói thẳng: "Các anh không biết các anh xin gì!", rồi đặt câu hỏi: "Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" (Mc 10, 38). Cứ tưởng chén của Đức Giê-su sắp uống là chén rượu mừng vinh thăng và phép rửa Người sắp chịu cũng kiểu như phép rửa mà thánh Gio-an Tẩy Giả thực hiện trên sông Gio-đan, nên các Tông đồ mau mắn trả lời: "Thưa được". Thực ra, ở vào trường hợp đó, ít ai có thể ngờ được Đức Giê-su nói chén Người sắp uống là chén đắng, là chén "ĐỨC CHÚA đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, Người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, Người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. " (Is 53,10-11).

Đó chính là chén "Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." (Mc 10, 33-34). Đồng thời cũng là chén mà Tông đồ Phê-rô cầu xin Chúa Cha cho Thầy khỏi phải uống để rồi được Thầy gọi là “Xa-tan!” (Mc 8, 31-33). Ngay cả đến chính người Thầy đã nói về chén đắng ấy, với bản tình loài người cũng kinh sợ mà thốt lên cùng Chúa Cha: "Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con.” Tuy nhiên, ngay lập tức, bản tính Thiên Chúa đã trỗi dậy, và Người nói tiếp: “Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14, 36). Thật không thể ngờ chén đắng ấy lại cũng chính là phép rửa thanh tẩy tội lỗi loài người để được sống lại từ cõi chết như Đức Giê-su đã sống lại. Chỉ đến khi biến cố Thương Khó và Phục Sinh xảy ra, mọi người mới hiểu được hết ý nghĩa sâu xa Lời Thầy Chí Thánh nói về Chén Đắng và Phép Rửa mà Người phải chịu để đền vì tội lỗi nhân loại.

Trước đây, vì chưa hiểu được ý nghĩa thâm thúy của Lời Chúa, nên các Tông đồ mới mạnh miệng nói là mình uống được chén mà Thầy sắp uống, nhưng tới lúc Thầy bắt đầu uống thì "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26,56). Chỉ đến khi các môn đệ được chịu phép rửa "trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3, 11) trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thì các ngài mới thật sự dũng cảm uống chén đắng ấy, và hiên ngang chịu phép rửa như Thầy mình đã tiên liệu: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu" (Mc 10, 39). Chính nhờ vậy mà Giáo hội và nói chung là toàn thể nhân loại được vui hưởng vinh quang Phục Sinh cho đến muôn ngàn đời.

Trải dài theo lịch sử Giáo hội, biết bao nhiêu thế hệ, biết bao nhiêu Ki-tô hữu đã uống chén đắng ấy. Chỉ riêng Giáo hội Việt Nam trong quá trình 5 thế kỷ truyền giáo, đã có tới 130.000 Ki-tô hữu anh dũng uống chén đắng. Chén đắng trong quá khứ do những thế lực thù địch hữu hình đưa tới cho sứ vụ truyền giáo, nó lại càng đắng hơn trong hiện tại và tương lai, vì thế lực thù địch ngày nay đã trở nên vô hình vô ảnh. Cũng vẫn những mũi giáo, lưỡi gươm, viên đạn xuyên phá khủng khiếp ấy, nhưng ngày nay tất cả chúng đều được bọc đường, một lớp đường hào nhoáng ngọt lịm. Chỉ đến khi chúng lọt vào thân thể và công phá mãnh liệt, lúc đó mới “à” lên một tiếng muộn màng!

Cho nên, công cuộc truyền giáo hiện nay đòi hỏi người Ki-tô hữu phải có một động lực dấn thân trong vai trò Ngôn sứ, đó chính là: “Động lực của việc dấn thân loan báo Tin Mừng của họ là do xác tín rằng những người Ki-tô hữu không được run sợ trước thế gian, mà đúng hơn phải mạnh dạn chia sẻ kho tàng chân lý đã được giao phó cho mình. Cũng vậy, người Ki-tô hữu ngày nay, đang khi cởi mở với các thực tại hiện thời và tán đồng tất cả những gì tốt lành trong xã hội, phải có can đảm mời gọi mọi người nam và nữ hoán cải tận căn, cuộc hoán cải gắn liền với việc gặp gỡ Đức Ki-tô và khởi đầu một cuộc sống mới trong ân sủng.” (Diễn văn của ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI trong “Cuộc gặp gỡ đại kết” tại Tòa TGM Praha - CH Séc - ngày 27/9/2009).

Trong Sứ điệp Truyền Giáo 2017 (số 6), Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô viết: “Việc truyền giáo của Hội Thánh được sinh động bởi một linh đạo của việc liên tục lên đường. Chúng ta được thách thức “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, số 20). Sứ mạng của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta liên tục lữ hành qua các sa mạc khác nhau của cuộc đời, qua các trải nghiệm khác nhau của sự đói khát sự thật và công lý. Việc truyền giáo khơi dậy một cảm giác bị đoạ đày triền miên, làm chúng ta ý thức rằng, trong cơn khát cái vô hạn, chúng ta là những kẻ lưu đày đang tiến về quê nhà cuối cùng của mình, đang đứng lơ lửng giữa cái “đã có” và cái “chưa có” của Nước Trời.”

Muốn cho công cuộc Truyền giáo đạt hiệu quả thì phải cần có thật nhiều những ngôn sứ, đúng như lời dạy của ĐGH Phan-xi-cô: “Hội Thánh cần có các ngôn sứ. Tôi nói cách mạnh mẽ hơn rằng: Hội Thánh cần tất cả chúng ta làm ngôn sứ. Ở đây, ngôn sứ không có nghĩa là nhà bình luận, nhà phê bình, không phải thế. Ngôn sứ có nghĩa khác thế. Một nhà phê bình thì luôn nhận xét theo kiểu: “Không, điều này không tốt, điều kia không hiệu quả, điều nọ không phù hợp… điều ấy phải như thế này mới đúng…”. Người như thế thì không phải là ngôn sứ. Vị ngôn sứ là người biết cầu nguyện, biết nhìn lên Thiên Chúa, biết nhìn tới người dân, biết cảm thấy đau khổ khi dân lầm lỗi, biết khóc thương dân chúng, có khả năng thương khóc trước những tội lỗi của dân chúng, và cũng biết cách nói sự thật cho dân biết. Nguyện xin cho Giáo hội luôn có sự hiện diện phục vụ của các ngôn sứ, để dân Chúa tiếp tục tiến bước.” (xc. “Đức Giáo hoàng nói về NGÔN SỨ” – nguồn: Đài Vatican).

Tóm lại, mọi Ki-tô hữu cần – rất cần – nhìn lại quá khứ, nhìn lại mình để thấy được hiện tại những kẻ thù địch là vô hình vô ảnh, với những chiêu thức vô cùng tinh vi xảo quyệt nhằm ngăn chặn, chống phá công cuộc truyền giáo của Giáo hội, “những viên đạn bọc đường” luôn luôn là tột cùng nguy hiểm. Nhìn lại mình để “không được run sợ trước thế gian, mà đúng hơn phải mạnh dạn chia sẻ kho tàng chân lý đã được giao phó cho mình” (ibid). Nhìn lại mình để tôi luyện đức tin, trui rèn ý chí, không chùn bước trước mọi thử thách, sẵn sàng “tham gia vào sứ mạng của Chúa Ki-tô”, sẵn sàng nhận lãnh chức vụ “ngôn sứ” lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo mà Thiên Chúa và Giáo hội đã trao phó. Hãy sống xứng đáng với vai trò “ngôn sứ” như ĐGH Phan-xi-cô mong muốn trong lời dẫn trên. Ước được như vậy.

Ôi! Lạy Chúa! Cánh đồng truyền giáo hiện nay trên thế giới cũng như tại quê hương chúng con quả là “lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” (Mt 9, 37). Cúi xin Chúa ban Thánh Thần Chân Lý cho chúng con, để chúng con đủ can đảm bước ra khỏi “cái tôi vị kỷ”, “cái tôi chỉ ham tranh danh đoạt lợi”, để chúng con có đủ dũng khí đối diện với mọi thử thách, luôn sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, ngõ hầu trở nên những “thợ gặt” đúng như lòng Chúa mong đợi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. Về mục lục.

JM. Lam Thy ĐVD.

CÙNG NGƯỜI TRẺ LOAN BÁO TIN MỪNG

Tháng 10 tháng Mân Côi, cũng là tháng truyền giáo, Giáo hội ngoài khám phá lại vẻ đẹp của lời Kinh này, khuyến khích con cái mình siêng năng đọc kinh Mân Côi, Giáo hội còn mời gọi chúng ta dấn thân cho việc truyền giáo.

Nhưng Chúa nhật truyền giáo để làm gì?

Để nhắc lại rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo ; mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo.

Ai phải truyền giáo?

Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảngTin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15). Thánh Phaolô kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.

Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa… trong ngày sau hết” (x. Is 2,1-5). Thánh Phaolô cho người con tình thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2,4-6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hộichứng tỏ bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.

Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”

Ðức Bác Ái là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.

Thánh Phaolô viết: “Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5,14). Đức Kitô thúc bách những người đã chịu phép Rửa tội nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể của Đức Ái. Truyền giáo là gì nếu không phải là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, Ngài còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó. Hơn thế nữa, Ngài mạc khải và nhập thể tình yêu đó nơi chính bản thân mình. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Nơi Ngài, tình yêu chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế, sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trở thành Tin Mừng Phục Sinh, Niềm Hy vọng cho toàn thế giới.

Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình…nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng khuyến khích mọi thành phần trong Giáo hội can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo Hội cần đến với con người… công việc cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô”(Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma).

Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay diễn ra trong bối cảnh THĐGM tại Rôma bàn về giới trẻ, nên Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chủ đề “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

Ngài nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết : “Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ‘hay lây’ của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”.

Nhắc đến lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất, Đức Thánh Cha cắt nghĩa : “Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Giáo hội chính là những khu ngoại ô tột cùng”, những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gửi đến từ Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở cùng (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó.

Ngài giải thích thêm rằng “Khu vực ngoại ô tiêu điều nhất của nhân loại đang cần Chúa Kitô chính là sự dửng dưng đối với đức tin hoặc thậm chí đó là sự oán ghét chống lại đời sống sung mãn trong Chúa. Mỗi sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, mỗi sự kỳ thị chống lại các anh chị em luôn luôn là hậu quả của sự từ chối Thiên Chúa và tình thương của Ngài”.

Ngỏ lời với các bạn trẻ Đức Thánh Cha viết : “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x. Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối vơi một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.

Lạy Mẹ Maria, Ngôi Sao truyền giáo, xin cầu thay nguyện giúp chúng con. Amen. Về mục lục.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

VỊ ĐẮNG CUỘC ĐỜI

ĐAU KHỔ THẾ TRẦN ĐẦY KHẮP CHỐN

PHÚC VINH THIÊN QUỐC CHỈ MỘT NƠI

Cuộc đời có nhiều mùi vị. Theo nghĩa bóng, không ai thích vi cay đắng, chua chát,… mà ai cũng thích ngọt bùi. Còn theo nghĩa đen, ai cũng ưa vị cay nồng, đắng chát,… Mà cũng lạ, những gia vị cay đắng lại tốt cho sức khỏe hơn so với vị ngọt ngào. Hảo ngọt là chết chắc – dù nghĩa đen hay nghĩa bóng. Phải chăng đó là một dạng tự mâu thuẫn của con người?

Kể ra cũng khó có thể xác định, nhưng chắc chắn không ai muốn “chạm trán” với đau khổ – nghĩa là ai cũng tìm mọi cách và bằng mọi giá để tránh né đau khổ, thế nhưng hầu như ngày nào chúng ta cũng phải đối mặt với đau khổ, dù ít hay nhiều, với đủ dạng và đủ mức độ khác nhau. Càng tránh khổ càng khổ thêm, càng diệt khổ càng tăng khổ. Vô ích mà thôi! Tại sao? Bởi vì “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).

Có lần chính Chúa Giêsu đã từng tỏ cho các môn đệ biết rõ rằng “Ngài PHẢI đi Giêrusalem, PHẢI chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi BỊ GIẾT CHẾT, và ngày thứ ba sẽ SỐNG LẠI” (Mt 16:21). Một câu ngắn mà có tới 2 từ PHẢI và 1 từ BỊ, cả hai đều ở thể thụ động. Não lòng quá! Đau khổ luôn có hệ lụy gần gũi với nước mắt, loại chất lỏng đặc biệt mang vị mặn đặc trưng khác hẳn với các vị mẳn khác.

Tuy nhiên, kinh nghiệm sống cho thấy rằng đau khổ như “phần cứng” được cài đặt mặc định trong mỗi con người, thậm chí còn như một chương trình “đóng băng” (DeepFreeze) về lĩnh vực máy vi tính, và người ta không thể thay đổi theo ý mình được. Thật vậy, đau khổ như một phần tất yếu của cuộc sống, không đau khổ cũng hóa “buồn tẻ” lắm, có đau khổ thì mới phải cố gắng, cố gắng khiến người ta vươn lên – tức là tự đổi mới chính mình. Chí lý lắm đấy chứ!

Chắc hẳn là thế. Này nhé, một đứa trẻ chưa hề nếm mùi đau khổ, thế mà vừa sinh ra đã bật tiếng khóc để chào đời. Vui sao lại khóc? Đứa trẻ nào không khóc là có vấn đề, cha mẹ lo sốt vó lên ngay. Như vậy, mặc nhiên người ta đã chấp nhận sự đau khổ là phần tất yếu. Người đời chia sẻ kinh nghiệm: “Đời là bể khổ”. Kinh Thánh đặt vấn đề: “Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời? Phải, đối với con người ấy, TRỌN CUỘC ĐỜI CHỈ LÀ ĐAU KHỔ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:22-23). Thật thê thảm!

1. VÌ KHỔ MÀ ĐAU

Việt ngữ thường ghép hai chữ Khổ và Đau thành Khổ Đau hoặc Đau Khổ – đảo qua đảo lại mà chẳng thấy khác chi ráo trọi. Đúng là khổ thật! Trình thuật Is 53:10-11 là một phần của bài thứ tư trong số các Bài Ca Người Tôi Trung: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”. Tình trạng thê thảm là “bị nghiền nát”, nhưng lại là để “được vĩnh tồn”. Thật lạ lùng và ngược đời quá! Đối với phàm nhân, tình trạng đó thật đáng sợ vì quá chua chát và cay đắng, có thể không còn nước mắt để than khóc nữa. Người Tôi Trung đó chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Và thật kỳ diệu, ngôn sứ Isaia giải thích: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”. Ôi, lòng thương xót của Thiên Chúa bao la vô tận, chúng ta không thể nào hiểu được!

Nhìn thấy người ta đau khổ mà rợn cả người rồi chứ nói chi chính mình phải chịu. Đau khổ nào cũng cay đắng, đắng đến tê lòng, thế nhưng đau khổ vẫn có vị ngọt bùi kỳ lạ. Thật diệu kỳ mầu nhiệm của sự đau khổ. Trong thực tế cuộc sống, khi chịu đau khổ vì tình yêu, có người gọi nỗi đau khổ đó là “thú đau thương”, là “nỗi đau dịu êm”. Vậy đó, đau thương mà vẫn thú vị, đau khổ mà vẫn dịu êm. Còn nước mắt lại được ví von là “giọt nước mắt ngà”. Thế mới lạ, thế mới cao thượng. Người đời con khả dĩ nhận thức như vậy huống chi những người tin nhận Đức Kitô là Thiên Chúa! Ai có khả năng cảm nhận được như vậy chính là người đã vượt lên trên nỗi đau khổ, đi xuyên qua nỗi đau khổ. Chắc chắn không ai có thể tránh đau khổ, nhưng muốn tránh đau khổ thì chỉ còn cách chiến thắng nó và làm chủ nó. Đó là cách độc đáo để tự “vượt qua số phận”. Vị đắng chợt hóa ngọt ngào.

Những người chấp nhận đau khổ là những người can đảm, họ can đảm nên không hề than thân trách phận, không so đo với những người may mắn khác, chắc hẳn người đó phải có chiều sâu tâm linh, luôn sống trong niềm tín thác vào Thiên Chúa quan phòng. Thật vậy, Thánh Vịnh gia bày tỏ: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin” (Tv 33:4). Nói được như vậy là xác định Thiên Chúa là ai và biết rõ Ngài như thế nào: “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33:9). Chúng ta không thể nào hiểu hết tình yêu Chúa, cũng không thể cân-đo-đong-đếm Lòng Chúa Thương Xót, vì tình yêu thương hoặc lòng trắc ẩn ấy vẫn triền miên hết ngày dài lại đêm thâu, suốt từ thuở hồng hoang trải dài từ đời nọ tới đời kia (x. Lc 1:50). Thật vậy, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sbn 16:34; 1 Sbn 16:41; 2 Sbn 5:13; 2 Sbn 7:3; 2 Sbn 7:6; Er 3:11; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4, 29; Tv 136:1-26).

Tiếp tục minh định về Đấng-Xót-Thương, Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33:18-20). Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng ngay cả khi chúng ta quên Ngài mà Ngài vẫn luôn nhớ đến chúng ta, thậm chí cả khi chúng ta hoàn toàn đối nghịch với Ngài mà Ngài vẫn miệt mài tìm chúng ta để đưa về hưởng an bình nơi “đồng cỏ xanh rì bên suối ngọt lành” (x. Tv 23). Vô tri bất mộ, “tri” rồi thì không thể không “mộ”. Ai đã nếm thử Chúa ngọt ngào thế nào rồi thì không thể giữ riêng cho mình, mà tự lòng mình sẽ thôi thúc chia sẻ với người khác về Ngài: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì” (Tv 33:20), đồng thời tin tưởng và vui mừng cầu nguyện liên lỉ: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).

Và như vậy, cho tới lúc đó thì sự đau khổ không còn vị đắng cay nữa mà lại hóa vị ngọt ngào và êm dịu. Nghĩa là người ta có thể cảm nhận sâu sắc thế nào là “thú đau thương”, là “nỗi đau dịu êm” hoặc “giọt nước mắt ngà”. Quả là điều kỳ diệu, là mầu nhiệm về sự đau khổ.

Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (Dt 4:14). Niềm tin luôn quan trọng trong cuộc sống đời thường, đức tin càng quan trọng gấp bội trong đời sống Kitô hữu, nhất là chúng ta đang sống trong Thời Cánh Chung, đồng thời còn phải lưu ý trách nhiệm chung là truyền giáo và tái truyền giáo.

Thánh Vịnh gia nói: “Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118:9). Thật vậy, Chân phước Linh mục Placid Riccardi (OSB, 1844-1915) cũng khuyên: “Đừng mong gì nhiều nơi những người quyền thế của thế gian này – vì hầu hết họ đều bỏ mặc những người nghèo khó trong cảnh bần hàn, họ vừa hèn hạ vừa thiếu quảng đại, giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu than của những người yếu đuối và bất lực”.

Vừa giải thích vừa khuyến khích, Thánh Phaolô cho biết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã CHỊU THỬ THÁCH về MỌI PHƯƠNG DIỆN cũng như ta, nhưng KHÔNG PHẠM TỘI. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của cả nhân loại” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 1485). Quả thật, nếu Lòng Chúa Thương Xót không lớn lao hơn mọi thứ xấu xa tồi tệ nhất trên đời này thì chúng ta chết ngay lập tức. Tại sao? Không khí là bằng chứng sống động về Lòng Chúa Thương Xót: Nếu không khí chỉ loãng hơn một chút hoặc đậm đặc hơn một chút, chúng ta đủ chết ngắc rồi chứ đừng nói chi đến thiếu không khí. Chỉ cần minh chứng đơn giản về không khí thôi, chúng ta cũng đủ để phải không ngừng tạ ơn Chúa rồi, đừng nói chi đến những thứ khác. Vì thế, “Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và ca tụng lời Người” (Tv 56:5 và 11).

2. VÌ ĐAU MÀ KHỔ

Người ta thường nói: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ, vậy thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Nhưng phải xác định được mình CẦN gì, MUỐN gì và LÀM gì. Yêu thì khổ, khổ thì đau. Ai cũng được quyền tự do chọn lựa và quyết định.

Trình thuật Mc 10:35-45 nói về chuyện “chạy chọt” chức vụ của hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan. Họ thưa với Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Rào trước đón sau, rất đúng “bài bản”, thậm chí còn như “ra điều kiện” với Chúa vậy. Tương tự, chúng ta cũng thường xuyên có cách “cầu xin” như vậy. Chúa Giêsu hỏi họ: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Họ khoái chí thưa ngay, không hề ngại ngùng chi cả: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Rất thẳng thắn, rất thực tế, rất rõ ràng. Nhưng đó là cách cầu nguyện vị kỷ và tìm tư lợi. Hai con trai ông Dêbêđê chắc mẩm Sư Phụ rất “ngon”, nổi tiếng như cồn, quyền phép vô song, uy tín quá chừng luôn, chắc chắn Sư Phụ sẽ lên ngôi báu trị vì thiên hạ, làm cận thần của Thầy mình thì còn gì oai hơn chứ? Thật là trên cả tuyệt vời! Nếu là chúng ta, có thể chúng ta không muốn làm cận thần như họ, vì như vậy vẫn “bèo” lắm, mà có thể chúng ta muốn làm phó nguyên soái hoặc thủ tướng, chí ít cũng phải xin làm bộ trưởng. Xin cho ra xin mới bõ công!

Thế nhưng Đức Giêsu thẳng thắn nói luôn: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Chén này không phải là chén mật hoặc chén sữa, cũng chẳng phải là chén cà-phê, dĩ nhiên không phải là chén mật ngọt, mà là chén mật đắng; phép rửa này không rửa bằng nước mà rửa bằng máu tươi. Có lẽ các ông không hiểu ý Chúa nên mạnh dạn đáp: “Thưa được” (Mc 10:39a). Nếu thế thì quá ngon. Rất OK!

Rất điềm đạm và thản nhiên, Chúa Giêsu ôn tồn: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy KHÔNG có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Vế thứ hai trong câu nói của Chúa Giêsu thật đáng lưu ý. Nghe Thầy trò họ đối thoại, mười môn đệ kia cảm thấy “nóng gáy” nên tỏ vẻ tức tối với anh em Giacôbê và Gioan. Đó cũng chính là động thái của chúng ta ngày nay, cũng ghen ăn tức ở chứ chẳng hơn gì họ ngày xưa, thậm chí còn kèn cựa nhau rất tinh vi theo dạng công nghệ “bốn chấm” ngày nay.

Sau đó, Chúa Giêsu gọi các đệ tử lại và nói: “Anh em biết rằng những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn LÀM LỚN giữa anh em thì phải LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ anh em; ai muốn LÀM ĐẦU anh em thì phải LÀM ĐẦY TỚ mọi người”. Và Ngài dẫn chứng: “Vì Con Người đến KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI TA PHỤC VỤ, nhưng là để PHỤC VỤ, và HIẾN MẠNG SỐNG làm giá chuộc muôn người”. Có thể tóm lại một câu ngắn gọn có vần điệu thế này cho dễ nhớ: “Làm đầu PHẢI hầu thiên hạ”.

Xưa cũng như nay, đối với con người, vấn đề phục vụ là chuyện rất tế nhị, dễ “chạm” vào “phần mềm nhạy cảm” của bất kỳ ai – dù đời hay đạo. Nhưng Lời Chúa quá rõ ràng, không bóng gió, không văn hoa, không tránh né. Tuy nhiên, trong sinh hoạt thường nhật, cái mà người ta nói là phục vụ người khác thì thực chất có thể lại chỉ là cung cách “phục vụ có điều kiện”. Rất đáng quan ngại!

Phục vụ là động từ, nghĩa là phải hành động cụ thể, chứ không là danh từ suông hoặc một mỹ từ để “trang trí” theo chức vụ, tất nhiên liên quan đau khổ. Hầu như mọi thứ đều liên đới với nhau, nối kết như mạng nhện vậy – không trực tiếp thì gián tiếp. Trên một tấm bảng đồng, người ta thấy khắc những dòng chữ tuyệt vời này:

Lạy Chúa, con cầu xin được Mạnh Mẽ để thành đạt trong cuộc đời, Ngài lại làm cho con ra YẾU ĐUỐI để biết VÂNG LỜI và KHIÊM HẠ.

Con cầu xin có Sức Khỏe để mong thực hiện những công trình lớn lao, Ngài lại cho con chịu TÀN TẬT để chỉ làm NHỮNG VIỆC NHỎ TỐT LÀNH.

Con cầu xin được Giàu Sang để sống sung sướng thoải mái, Ngài lại cho con NGHÈO NÀN để học biết thế nào là KHÔN NGOAN.

Con cầu xin có Uy Quyền để mọi người phải kính nể ca ngợi, Chúa lại cho con THẤP HÈN để con biết CẦN NGÀI.

Con cầu xin có Tất Cả để tận hưởng cuộc đời, Ngài lại cho con CẢ CUỘC ĐỜI để TẬN HƯỞNG MỌI SỰ.

Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết cầu xin, thế mà Ngài vẫn ban cho con THẬT DƯ ĐẦY từ lâu.

Lạy Chúa, hóa ra con lại là người hơn hết trên đời này, bởi con đã nhận được VÔ VÀN ÂN PHÚC của Ngài. Con xin lỗi Ngài, xin tha tội cho con!

Ôi chao! Toàn là những thứ trái ngược nhau. Tuy nhiên, qua đó chúng ta khả dĩ nhận thấy rằng đau khổ không là điều đáng nguyền rủa, mà ngược lại, đau khổ lại là điều đáng mơ ước, vì đó là “thánh giá Chúa trao” – như người ta thường nói với những người chịu đau khổ. Vui chịu đau khổ là sống đức tin, là bước qua cửa hẹp (Mt 7:13-14; Lc 13:24), là vác thập giá theo Chúa (Mt 10:38; Lc 14:27), là từ bỏ chính mình (Mt 10:39; Lc 14:33). Hợp lý lắm!

Chúa Giêsu đã chịu đau khổ tới mức tột cùng, với nhân tính thì Ngài cũng vô cùng đau đớn. Thiết tưởng rằng mỗi chúng ta đều phải nghiêm túc xem lại đức tin của chính mình: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10:32-33).

Cuộc sống hầu như luôn TRÁI Ý chứ KHÔNG NHƯ Ý của mình, thế nên Chúa Giêsu mới bảo “vác thập giá” mà theo Ngài. Nhiều vị thánh đã có những lúc phải sống trong vùng tăm tối của linh hồn, nhưng các ngài vẫn một lòng trung tín. Đấng đáng kính Charles de Foucauld nói: “Đôi khi Thiên Chúa để chúng ta chìm trong tăm tối đến độ bầu trời của chúng ta không có một vì sao chiếu sáng. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta sống trên trần gian để chịu đau khổ, trong khi vẫn bước theo Đấng Cứu Độ dịu hiền trên con đường tăm tối và chông gai. Chúng ta là những người lữ hành và những người xa lạ trên trần gian. Những người lữ hành ngủ trong những túp lều và nhiều lúc phải băng qua hoang mạc, nhưng khi nghĩ đến quê nhà là họ quên hết mọi sự khác”.

Lạy Thiên Chúa, chúng con thật là vô tích sự mà vẫn “chảnh”, xin biến đổi chúng con. Xin ban thêm đức can đảm và đức khôn ngoan để chúng con sống đức tin, không ngừng tuyên xưng Danh Thánh Ngài mọi nơi và mọi lúc, xin giúp chúng con biết dùng ánh mắt đức tin để nhận biết Thánh Ý Ngài trong mọi nghịch cảnh ở đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen. Về mục lục.

TRẦM THIÊN THU

BAN MẠNG SỐNG MÌNH

(Cảm nhận và suy niệm từ Mc 10,35-45)

Tin Mừng Chúa dạy hôm nay:

Tông đồ hai vị xin Thầy hứa ban,

Được ngồi tả hữu hai bên

Nơi toà vinh thắng tại thiên của Thầy.

Chúa rằng: hãy lắng nghe đây,

Các con sẽ uống chén Thầy nay mai.

Lại còn phép rửa bi ai,

Các con cùng chịu cứu đời tội nhân..

Về ngôi tả hữu quyền thần

Cha Thầy tiền định tới dần chẳng sai.    

Tông đồ mười vị đến ngay,

Chúa liền lên tiếng: Điều này phải thông:

Ai trong đoàn thể, cộng đồng

Muốn làm kẻ lớn, dốc lòng thực thi.

Sống như đày tớ ngại chi,

Sẵn sàng phục vụ, không vì lợi danh.

Thầy ban mạng sống của mình

Để làm giá chuộc tội tình thế nhân.

Các con quyết chí hiến thân,

Vượt qua khốn khó, lãnh phần vinh quang…

Thế Kiên Dominic

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan