SỐNG KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊSU VÀ ĐỨC MẸ

29-06-2020 1,565 lượt xem

Mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta là phát triển để nhận biết, yêu thương và theo chân Chúa Giêsu, Đấng đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Chúa Giêsu là mục đích thực sự của sự tồn tại của chúng ta. Ngài tạo ý nghĩa cho tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta – niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại, sự sống và sự chết của chúng ta. Đức Mẹ luôn gần gũi với Chúa Giêsu. Các thánh nhấn mạnh rằng Đức Mẹ là đường tắt đến Trái Tim của Thiên Chúa.

Dưới đây là 10 gợi ý ngắn gọn để hằng ngày chúng ta có thể phát triển trong tình thân thiết với Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài để sống hạnh phúc trong cuộc đời này cũng như cuộc sống mai sau.

1. TRÁNH XA TỘI LỖI

Kẻ thù nguy hiểm của tình thân thiết với Thiên Chúa là thực tại tội lỗi, nhất là tội trọng. Trong một bài suy niệm của sách Linh Thao, Thánh Inhaxiô nói rằng chúng ta nên sẵn sàng chết trước khi chịu thua tội trọng. Châm ngôn sống của Thánh Đaminh Savio trước khi rước lễ lần đầu là “Thà Chết Chẳng Thà Phạm Tội.” Thánh Maria Goretti thực sự đã từ bỏ cuộc sống của mình thay vì nhượng bộ tội lỗi chống lại đức khiết tịnh. Các thánh tử đạo cũng đã chọn cái chết chứ không chối bỏ Chúa Kitô. Giáo Hội đã bị bách hại và chúng ta được mời gọi đến vinh quang tử đạo. Nguyện xin ơn Chúa chiến thắng trong chúng ta!

2. NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA

Chúng ta không thể yêu mến Chúa nếu chúng ta không biết Ngài. Cách nào tốt nhất? Đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.” Hãy dùng phương pháp Lectio Divina mà ĐGH Benedict đã đề xuất trong một tài liệu của ngài về Lời Chúa: Lectio – đọc, Meditacio – suy niệm và suy nghĩ sâu sắc về Chúa, Contemplacio – tưởng tượng mình đang ở bên Chúa, Oracio – trò chuyện với Chúa, Accio – áp dụng những gì đã biết. Kết quả của việc thực hiện phương pháp cầu nguyện này sẽ là Transformacio – biến đổi. Như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20)

3. ĐỜI SỐNG CỦA CÁC THÁNH

Hãy tập thói quen đọc hạnh các thánh. Các thánh là những người bạn của Thiên Chúa, những người bạn tâm giao và những anh hùng của Ngài. Chúng ta tin có hiệp thông của các thánh. Giáo lý dạy chúng ta rằng các thánh có thể giúp chúng ta bằng nhiều cách, nhưng đặc biệt là hai cách này: 1) cầu thay nguyện giúp, 2) chuyển những lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa.

Các thánh giống như được sinh ra trong tội lỗi và là tội nhân, nhưng nhờ sự giúp đỡ của ơn Chúa, họ đã vượt qua sự yếu đuối phàm nhân và sống đời nhân đức tới mức anh hùng như tất cả chúng ta được kêu gọi. Thánh Inhaxiô Loyola đã nhận được nhiều ân sủng trên con đường hoán cải bằng cách đọc hạnh các thánh.

4. SỐNG TRƯỚC MẶT CHÚA

Bí mật của nhiều vị thánh trong việc phát triển tình thân thiết với Chúa Giêsu là hằng ngày nỗ lực sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi trong vũ trụ. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về điều này khi trích dẫn lời của thi sĩ Hy Lạp: “Trong Ngài, chúng ta sống và chuyển động, và có sự tồn tại.” Tu sĩ Lawrence nhấn mạnh rằng cố gắng luôn luôn sống trong Sự Hiện Hữu của Thiên Chúa là cách chắc chắn để nên thánh. Thánh Teresa Avila xác định sự thật này bằng cách quả quyết: “Chúng ta phạm tội vì quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa.”

5. TỰ ĐẶT VẤN ĐỀ

Liên quan việc sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là một hằng ngày nỗ lực noi gương Chúa Kitô và Mẹ Maria. Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất là cuốn “Gương Chúa Kitô” (Gương Phúc) của Thomas Kempis. Khát vọng và mơ ước hằng ngày của chúng ta là bắt chước cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Giới trẻ thường đeo một chiếc băng tay có bốn chữ WWJD? – What would Jesus do? (Chúa Giêsu sẽ làm gì?) Một câu hỏi hay! Chúng ta hãy chấp nhận thử thách. Và chúng ta hãy hỏi thêm WWMD? – What would Mary do? (Mẹ Maria sẽ làm gì?) Ước gì chúng ta luôn có cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria trước mắt chúng ta làm gương cho chúng ta!

6. ĂN NĂN ĐỀN TỘI

Mặc dù nó ngược lại tính xác thịt và bản chất con người sa ngã của chúng ta, nhưng chúng ta nên cố gắng sống đời sám hối. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ sẵn sàng từ bỏ chính mình vì yêu mến Ngài và vì sự cứu rỗi của linh hồn bất tử. Hãy đọc hạnh các thánh để noi gương các ngài. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 8:24) Nếu bạn không có thói quen ăn năn đền tội thì hãy bắt đầu với một cái gì đó nho nhỏ và dần dần làm điều lớn hơn.

Các vận động viên bắt đầu điều nhỏ, xây dựng sức mạnh và ý chí của họ, rồi tiếp tục bổ sung thêm. Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành vận động viên của Chúa Kitô, để chạy đua và nhận vương miện xứng đáng là vinh quang Nước Trời vĩnh hằng. Một cuộc sống thoải mái, nhàn hạ và lười biếng không thích hợp với việc theo Chúa Kitô! Khi vào một phòng của dòng kín, thấy có một cây Thánh Giá không có xác Chúa trên đó. Tại sao? Bởi vì nữ tu dòng kín được kêu gọi lên thập giá và sống đời từ bỏ mình vì yêu Đức Phu Quân bí nhiệm của mình – Đức Giêsu Kitô.

7. BIẾT ƠN VÀ BIẾT THA THỨ

Không thể sống trong cuộc đời này mà không bị người khác làm tổn thương. Có hai phản ứng khi bị người khác làm tổn thương: trả thù và cay cú hoặc tha thứ và thương xót. Nếu chúng ta muốn làm hài lòng Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tốt nhất hãy chọn con đường khó khăn của lòng thương xót và tha thứ mà Chúa Giêsu thử thách chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36) Thi sĩ Alexander Pope, người Anh, nhắc lại cùng một chủ đề: “Sai lầm là con người, tha thứ là siêu phàm.” Yếu tố quan trọng trong sự tha thứ là làm điều đó ngay lập tức. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: “Đừng để mặt trời trút lên cơn giận của bạn.” Điều này đặc biệt thích hợp cho người chồng và người vợ trong cuộc sống hôn nhân.

8. PHỤC VỤ THA NHÂN

Đừng tìm cách được phục vụ, nhưng hãy tìm dịp phục vụ người khác. Một lần nữa, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35) Mẹ Teresa Calcutta khuyến khích chúng ta làm điều tương tự qua lời nói ngắn đầy thách thức: “Hãy trao tặng cho đến khi thấy đau!” Dĩ nhiên, nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và suy niệm về những vết thương của Ngài là ví dụ cao siêu nhất về sự cho đi. Ngài đã cho tất cả đến giọt máu quý giá cuối cùng của Ngài vì yêu bạn và tôi! Chúng ta có thể tùy ý chọn sống phục vụ theo Kitô giáo hoặc sống ích kỷ. Hãy đọc Mt 25:31-46 để biết các công việc của lòng thương xót. Phải chăng Thiên Chúa đang thách thức chúng ta thực hiện những công việc của lòng thương xót ngay bây giờ?

9. TẠ ƠN

Một trong những tình cảm đẹp lòng nhất có thể tuôn trào từ trái tim con người là sự tạ ơn. Thánh Vịnh gia thường xuyên nói với chúng ta: “Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1 và 29; Tv 136:1) Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và tạ ơn. Thật ra, chữ Eucharist (Thánh Thể) nghĩa là “tạ ơn” trong tiếng Hy Lạp. Chúa Giêsu đã chịu bao nhiêu đau khổ sau khi chữa lành mười người phong cùi và chỉ có một người trở lại để tạ ơn Ngài? (Lc 17:11-19) Văn hào Shakespeare ở Macbeth đưa ra những lời khôn ngoan về sự vô ơn: “Đau hơn một con rắn cắn là một đứa trẻ vô ơn.” Văn sĩ nổi tiếng thời Trung Cổ là Meister Eckhart đã nói ngắn gọn: “Nếu lời cầu nguyện duy nhất mà chúng ta từng làm là tạ ơn Chúa thì đầy đủ rồi.” Do đó, không gì đáng ngạc nhiên khi Thánh Inhaxiô Loyola nói: “Bản chất của tội lỗi là sự vô ơn.” Nguyện xin Chúa tuôn đổ lòng biết ơn vào đầy trái tim của chúng ta.

10. ĐỒNG HÀNH VỚI MẸ MARIA

Khi cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, chúng ta kết thúc bằng kinh “Lạy Nữ Vương” với lời cầu xin: “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy… Chúng con là con cháu E-và ở chốn khách đày…” Thánh Bênađô xưng tụng Đức Mẹ là “Sao Biển” và khuyên chúng ta tin tưởng rằng Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua những cơn bão tố trên biển đời và đưa tới Thiên Đàng một cách an toàn. Do đó, là người lữ hành về Thiên Đàng, đừng đi một mình, mà hãy đi với Đức Mẹ, nói chuyện với Đức Mẹ, bắt chước Đức Mẹ và yêu mến Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ sẽ là cuộc sống của chúng ta, là sự ngọt ngào và niềm hy vọng của chúng ta.

Lm. Ed Broom, OMV

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

Nguồn: https://catholicexchange.com/10-ways-to-grow-in-friendship-with-jesus-mary-2

10 đoạn Kinh Thánh để giao phó mọi vấn đề của bạn cho Chúa

Những trích dẫn Kinh Thánh này thích hợp để tham khảo trong những lúc bạn gặp giông tố trong cuộc đời. Hơn bao giờ hết, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta tìm kiếm sự an tĩnh nơi Ngài. 

1 - Chúa là Đấng chở che và nơi trú ẩn an toàn

Thật tuyệt vời khi nhớ đến những điều sau đây trong mọi lúc: 

"ĐỨC CHÚA thật tốt lành, chính Người là thành luỹ chở che trong những ngày khốn quẫn. Người biết những ai ẩn náu bên Người” (Nakhum 1,7).

2 – Khi đối mặt với những vấn đề, chống đối và khó khăn

Trong cuộc sống chúng ta luôn có nhiều vấn đề. Chúng ta không thể nản lòng khi thấy những điều ấy xảy ra. Điều quan trọng là đừng để mình mất kiên nhẫn, hãy luôn tín thác vào Chúa:

“Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4,8-9).

3 – Tin chắc vào ơn cứu rỗi của Chúa

Thiên Chúa của sự sống và tình yêu không bao giờ để chúng ta đơn độc. Ngài hành động trong mọi nơi mọi lúc. Chúng ta hãy học cách nói như Thánh vịnh: 

“Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138,7).

4 - Niềm vui và niềm tin vào Chúa

Thiên Chúa toàn năng Ngài thấu suốt mọi sự nơi mọi người. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng Ngài sẽ rời bỏ chúng ta trong những lúc thử thách không? Không đâu! Các bạn hãy vui lên! Thiên Chúa luôn lưu tâm đến con cái của mình:

“Chính Chúa là nơi con ẩn náu, giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo. Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên những khúc ca mừng con được giải thoát” (Tv 31,7).

5 - Mọi sự đều chuyển động theo mệnh lệnh của Chúa

Nếu chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Ngài sẽ chuyển dời mọi tình huống theo cách mà chúng ta được hưởng nhờ ân sủng của Ngài:

"Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định" (Rm 8,28).

6 - Sự giúp đỡ thiêng liêng

Chúng ta hằng có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Ngài có một lộ trình cứu rỗi vĩ đại ẩn giấu trong những hoàn cảnh đầy phức tạp mà chúng ta đang sống: 

"Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120,1-2).

7 - Hãy dâng cho Chúa tất cả mọi sự

Bất kể điều gì, gánh nặng hay lo lắng đang đè nặng tâm hồn bạn, hãy đặt nó dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa, vì Ngài có thể làm được mọi sự:

“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em" (1 Pr 5,7).

8 – Hãy sống đúng với giây phút hiện tại.

Thiên Chúa hành động trong mọi hoàn cảnh, khiến cho bạn cảm thấy bồn chồn trong lúc này:  

“Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

9 – Bạn nhận được thế nào thì hãy cho đi như vậy

Trọn vẹn tình yêu mà thiên Chúa đã tuôn đổ tràn trề trên bạn phải được nhân đôi cho người khác nữa, đặc biệt đối với những người đau khổ, để họ có thể nhận biết Thiên Chúa tốt lành biết là dường nào: 

"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,3-4).

10 - Cầu nguyện mang lại bình an cho tâm hồn

Hãy van nài, nguyện cầu, khẩn xin Thiên Chúa nhân lành để Ngài ban cho chúng ta bình an trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Vì đối với Chúa, không có gì là không thể.

“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,6-7).

Trong văn kiện Aperuit Illis được giới thiệu vào ngày Chúa nhật Lời Chúa, Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng mối tương quan giữa Đấng Phục sinh, cộng đoàn các tín hữu và Thánh Kinh vô cùng quan trọng đối với căn tính của chúng ta.

“Không có Thiên Chúa hướng dẫn thì chúng ta không có khả năng hiểu sâu được Thánh Kinh; và điều ngược lại cũng tương tự như vậy: không có Thánh Kinh thì chúng ta vẫn không hiểu được những sự kiện liên quan đến sứ mạng của Chúa Giêsu và của Giáo hội trên thế gian. Thánh Giêrônimô đã nói cách chính xác rằng: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.

“Đó là mối liên hệ sâu xa giữa Thánh Kinh và đức tin của người tín hữu. Bởi vì đức tin xuất phát từ việc lắng nghe và lắng nghe là tập trung vào lời của Chúa Kitô, cho nên, lời mời gọi bắt nguồn từ mối tương quan đó thật cấp bách và quan trọng đến nỗi các tín hữu cần phải để tâm lắng nghe Lời Chúa, trong phụng vụ cũng như trong cầu nguyện và suy niệm cá nhân”.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ - WGPQN

Nguồn: https://it.aleteia.org/2020/06/26/10-passi-biblici-per-affidare-i-propri-problemi-a-dio/2/

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.