SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

03-12-2020 1,457 lượt xem

ĐỨC MẸ ĐƯỢC CHÚA YÊU

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã nhìn thấy Đức Maria. Người đã hiện diện ngay trong tình yêu của Chúa trước khi thành một con người. 

Chính xác hơn, nơi ý muốn của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã hiện diện từ khởi đầu của chương trình cứu độ, vì Đức Mẹ đã được tiền định từ ngàn đời để làm Bà Hoàng, Mẹ của Con Thiên Chúa: 

"Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian. Nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nazaret xứ Galilê, 'một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõ Đavit, trinh nữ ấy tên là Mria' (Lc 1, 26-27) để làm mẹ của Con mình" (GLCG, số 488).

Từ những trang khởi đầu của Thánh Kinh, Đức Mẹ được vinh dự nhắc đến như một Bà Hoàng quyền uy, cộng tác xây dựng lại công cuộc cứu chuộc mà Nguyên tổ đã phá đổ: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi (kẻ chủ mưu của tội lỗi) và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy. Dòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3, 15).

Theo thời gian, ánh sáng của mạc khải càng tiệm tiến rõ nét, hình ảnh một Bà Hoàng của thời cứu chuộc cũng sáng dần lên và rõ nét hơn. Đó là một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con. Chính tiên tri Isaia đã gọi tên người con của Đức Trinh Nữ: "Này đây một Trinh Nữ sẽ mang thai, sinh con trai, và đặt tên là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7, 14; Mt 1, 23).

Còn tiên tri Mikha nhấn mạnh đến quyền uy của Thiên Chúa nơi Người Con ấy: "Cho đến thời một Trinh Nữ sẽ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của Người Con đó sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ" (Mk 5, 2-3).

Uy quyền của Người Con ấy, làm cho Đức Maria thật xứng danh Bà Hoàng, vì vinh quang và thế giá của Người Con lớn bao nhiêu, danh dự của Người Mẹ được nâng lên bấy nhiêu. Công đồng Vatiacan II không quên nhắc đến tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho Nữ Hoàng Maria "trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa" (GH, số 55).

Đến lúc khởi đầu của triều đại Tân Ước, nhận lấy lời chào hết sức kính phục, đầy nghĩa cử yêu thương của thiên thần: "Mừng vui lên, hỡi Đấng Đầy Ân Sủng, Đức Chúa ở cùng Bà" (Lc 1, 28), Đức Maria đã thật sự làm cho lịch sử cứu độ sang trang mới.

Mẹ chính là Eva mới hiệp công với Con mình tiêu diệt sự chết, trao ban sự sống. Vì Nếu Eva là người phụ nữ đầu tiên bước vào dòng lịch sử của nhân loại, lại mang đến sự chết, thì Nữ Hoàng Maria, nhờ lòng Chúa yêu thương, lại là người phụ nữ đầu tiên bước vào dòng lịch sử mới, dòng lịch sử thấm đẫm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ làm cho sống. 

Nếu Eva đã buộc lại nút dây cứu độ bởi cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ  tháo cởi nhờ lòng tin. Đức Mẹ xứng đáng được gọi là "Mẹ kẻ sống" (GH, số 56). 

Ngoài những đặc ân: làm Mẹ Thiên Chúa, sinh con mà vẫn trinh tiết trọn đời, được trực tiếp cộng tác với Chúa Giêsu ban ơn cứu chuộc cho trần gian, Chúa còn yêu thương trao cho Đức Maria những đặc ân khác, quý giá không kém: được gìn giữ nguyên tuyền từ khi thành thai trong lòng mẹ; được cất về trời hồn xác. Giờ đây, trong vinh quang của Thiên Chúa, Đức Mẹ được Chúa đặt làm Nữ Vương trời đất, trung gian giữa Chúa Kitô và loài người. 

Bà Hoàng Maria còn là tuyệt tác lộng lẫy của Chúa Thánh Thần. Chính Tin Mừng minh xác điều đó nhờ lời thiên thần: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1, 35). 

Thánh Thần thánh hóa cung lòng trinh khiết của Đức Mẹ, làm cho Đức Mẹ thụ thai Con hằng hữu của Chúa Cha, "trong một nhân tính bắt nguồn từ nhân tính của Mẹ" (GLCG 485).

Lòng yêu thương của Thiên Chúa làm nên sự cao cả của Bà Hoàng Maria, khiến thánh Công đồng không tiếc lời ca ngợi: "Theo chương trình của Chúa quan phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta" (GH, số 61). 

Tuyên dương Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta kêu nài Đức Mẹ tiếp tục ở lại trong Hội Thánh, để Người tiếp tục là Mẹ của Hội Thánh và Hội Thánh được tiếp tục ở lại trong Người, mà hoàn thành sứ mạng trần thế của mình như chính Người.

Còn chúng ta, tôn kính, mến yêu Đức Mẹ, dù là cách đặc biệt, vẫn chưa đủ. Chúng ta cần tiến xa hơn trong sự tận hiến thời gian, sức lực, trí khôn, của cải, sự sống, toàn bộ cuộc đời và tấm thân ta để cùng đi chính con đường Chúa Kitô và Mẹ Người đã đi xưa, mà tận hiến chính mình như của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa. Đó mới chính là thể hiện lòng yêu mến, tôn sùng Đức Mẹ cách thiết thực và cần thiết nhất, phù hợp thành ý Chúa.

ĐỨC MARIA và ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

Khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ mười bốn vào ngày 3-3-1858, sau khi lần Chuỗi Mân Côi, Bernadette thay mặt Lm Peyramale hỏi Đức Mẹ tên gì. Đức Mẹ chỉ tươi cười. Đến ngày 25-3, lễ Truyền Tin, Bernadette cho biết: “Đã ba lần tôi hỏi bà là ai. Bà chỉ mỉm cười thôi. Tôi lại hỏi lần nữa. Lần này Bà ngước mắt lên trời, chắp tay như cầu nguyện, và nói: Ta là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Vô nhiễm Nguyên tội. Danh xưng tuyệt vời biết bao! Bernadette không thể biết rằng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là tín điều sẽ được ĐGH Piô IX tuyên bố vào 4 năm sau đó! Bernadette cố gắng ghi nhớ từ ngữ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” nên cứ lặp đi lặp lại để về nói với Lm Peyramale. Lần này, Lm Peyramale đã tin. Ngài xúc động vì sự giản dị và khiêm nhường của Bernadette. Lm Peyramale nói: “Bụi hoa hồng không trổ bông, nhưng nước đã vọt lên.”

1. VÔ NHIỄM LÀ GÌ?

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhiều người, kể cả người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền Tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng Sinh 9 tháng).

Vô Nhiễm nói đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên Tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna. Chúng ta mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, nghĩa là 9 tháng trước ngày 8-12 (lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm).

Linh mục John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong quyển Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các Giáo phụ Hy Lạp hoặc Latin dạy rõ ràng về Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên.” Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 ĐGH Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

Trong Hiến chế “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa bất khả ngộ), ĐGH Piô IX viết: “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên Tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.”

Linh mục Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên Tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được.”

2. KHÁI NIỆM SAI LẦM VỀ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên Tội không bị truyền qua Đức Kitô. Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hơn nữa, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô Nhiễm Nguyên Tội không là điều kiện tiên quyết để công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ. Đó là cách giải thích cụ thể về Tình Yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

3. LỊCH SỬ

Lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng Thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng. Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học. Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên Tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên Tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên Tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “Vô Nhiễm”). Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên Tội.

Để trả lời cách phản đối của Thánh Thomas Aquinas, như Chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô. Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

4. PHÁT TRIỂN LỄ Ở TÂY PHƯƠNG

Sau khi Chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ Thai của Thánh Anna (tức là Sinh Nhật Đức Mẹ). Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, ĐGH Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khoảng giữa thế kỷ  XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

THỤ TẠO ĐẶC TUYỂN

Trầm Thiên Thu

Đức Maria là thụ tạo được Thiên Chúa đặc tuyển để cộng tác trong công cuộc cứu độ của Ngài dành cho nhân loại. Một trong bốn đặc ân của Đức Mẹ là ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày 08/12/1854, Đức Piô IX (triều giáo hoàng thứ 255 từ 1846-1878) đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” – Thiên Chúa Bất Khả Ngộ.

Kính mừng Mẹ Vô Nhiễm là dịp để chúng ta ý thức hơn về vấn đề nhiễm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa đời thường và nghĩa tâm linh, nhất là trong tình trạng đại dịch vẫn có xu hướng gia tăng khi bước vào mùa Đông. Suốt năm qua mà virus vẫn hoành hành, cũng như ma quỷ không ngơi nghỉ, nó thua keo này lại bày keo khác. Ý thức là tiêu chí hàng đầu, đó là biết thương chính mình và thương người khác.

Theo ngữ nghĩa, “nhiễm” là “nhuộm” – nghĩa bóng là lây lan, thấm sang, vương vào, vướng phải, dính líu,... thường được hiểu theo nghĩa ở thể thụ động và với nghĩa xấu. Nói đơn giản, vô nhiễm là không bị nhiễm.

Có rất nhiều dạng “nhiễm” trong cuộc sống đời thường: Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,... Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó, với mức độ khác nhau. Một dạng mất khả năng miễn nhiễm của cơ thể là bệnh AIDS – quen gọi theo Pháp ngữ là SIDA, tác nhân là HIV ma quỷ.

Ngày 25/03/1858, chính Đức Mẹ đích thân hiện ra với Thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức và xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Thật kỳ diệu, vì điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần thực sự tác động mạnh mẽ trong đời sống Giáo Hội và minh chứng ơn bất khả ngộ của Đấng kế vị Thánh Phêrô, vì lúc đó Giáo Hội mới công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm mới được gần 4 năm mà thôi.

Có một cuộc “xưng tội công khai” của Ông Bà Nguyên Tổ trước Tôn Nhan Thiên Chúa. Trình thuật St 3:9-15 cho biết: Thuở hồng hoang, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Ôi chao, con người chua ngoa và tồi tệ quá! Đó là chuỗi dây chuyền tội lỗi: Ông đổ lỗi cho bà, bà đổ lỗi cho con rắn. Người ta “chết” vì những cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ, GIẢ DỤ,… chứ không phục thiện. Thật là nguy hiểm, ai cũng nhận mình đúng, không ai nhận mình sai. Chiến tranh cứ leo thang, vắng bóng hòa bình vì không chịu hòa giải. Xã hội và gia đình cũng vậy thôi.

Ngày đó, vì không muốn chàng Adam sống đơn độc, Thiên Chúa đã ban cho một mỹ nữ. Chàng Adam vui mừng lắm, và đặt tên cho vợ yêu là Eva – nghĩa là “mẹ của chúng sinh.” (St 3:20) Như một chuỗi lô-gích liên quan lẫn nhau, người ta có một câu danh ngôn thú vị thế này: “A-xít làm CHÁY tiền, tiền làm CHÁY tim đàn bà, nước mắt đàn bà làm CHÁY tim đàn ông.” Nghe lý thú mà cay cú, nhưng cũng chí lý vì đúng ý.

Mệnh danh là “liễu yếu đào tơ,” phụ nữ mềm mà cứng, yếu mà mạnh. Chính sự yếu đuối của họ là sức mạnh vô địch của họ. Đừng có ảo tưởng! Quả thật, đôi “chân dài” nó “khoèo” một cái là lũ đàn ông té hàng loạt như bão dữ thổi tung mọi thứ. Chẳng lạ gì, giọng cô ả chỉ “nhựa” một chút và ẻo lả một chút thì chàng mềm nhũn như bún thiu ngay thôi. Chàng Samson khỏe vậy mà cũng “chết” vì một phụ nữ nham hiểm, đường đường là một quốc vương như Đa-vít mà cũng “tiêu” vì một phụ nữ, rồi gã Hêrôđê cũng sẵn sàng “làm liều” vì một phụ nữ, dám “bố thí” nửa nước như một món đồ chơi, không khác gì những kẻ bán nước ngày nay, bất chấp tất cả. Thật là khủng khiếp, đáng sợ lắm!

Người ta ví von: “Phụ nữ muốn là trời muốn.” Và người ta thường so sánh: “Nhất vợ, nhì trời,…” Trời còn đứng hàng thứ chứ nói gì phàm phu tục tử. Đáng sợ là khoảng giữa “cái có” và “cái không” ở phụ nữ thì dù một sợi tóc cũng không thể lọt vào. Thảo nào Chúa Giêsu khuyến cáo “phải tỉnh thức” với nhiều ý nghĩa.

Thiên Chúa nhân lành và xót thương, không làm ngơ trước cái xấu, sự dữ. Vì một phụ nữ tội lỗi mà nhân loại chịu kiếp đọa đày – đó là Bà Eva, nhưng nhờ một phụ nữ thánh thiện, nhu mì và tuân phục, mà nhân loại được giải án tuyên công – đó là Đức Maria. Vô cùng diễm phúc cho chúng ta, các phàm nhân và tội nhân!

Chắc chắn người ta không ngừng tạ ơn chân thành một khi đã nhận biết “cái may” quá to lớn như thế. Thật vậy, Thánh Phaolô đã bày tỏ tâm tình đó: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” (Ep 1:3) Và không chỉ như thế, Thánh Phaolô còn xác định và giải thích: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.” (Ep 1:4-6) Rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu vì đầy đủ chi tiết.

Quả thật, hồng ân Thiên Chúa quá bao la, cao vời và khôn ví. Chúng ta chỉ còn biết suốt đời cúi đầu mà cảm tạ liên lỉ từng phút, từng giây, trong suốt cuộc đời này, như Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.” (Ep 1:11-12)

Ân huệ là ân huệ, ân sủng là ân sủng, hồng ân là hồng ân, chúng ta không thể xác định ơn nào to hay nhỏ – đại ân hoặc tiểu ân. Chỉ có Thiên Chúa mới là người xác định mức độ, vì chỉ một mình Ngài là người thi ân giáng phúc. Đức Mẹ và các thánh chỉ là những người cầu thay nguyện giúp, chuyển cầu cho chúng ta – bởi vì các ngài “uy tín” hơn chúng ta, họ là “ống dẫn” để chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa tới chúng ta. Tính liên đới tâm linh thật tuyệt vời, và đó cũng là bằng chứng về lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Lc 1:26-38 là trình thuật đề cập cuộc Truyền Tin – sự khởi đầu quan trọng đối với công cuộc cứu độ. Thánh sử Luca kể: Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ Thần liền nói ngay khi gặp Trinh Nữ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, Trinh Nữ Maria rất bối rối và không hiểu lời đó có nghĩa gì. Thấy Trinh Nữ Maria quan ngại nên Sứ Thần trấn tĩnh: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Mèn ơi, sao lại nói chuyện mang thai và sinh sản với một người đã khấn giữ đồng trinh như vậy? Khó hiểu ghê đi! Thế nên Trinh Nữ Maria thưa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ Thần liền giải thích cặn kẽ và minh chứng cụ thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Ồ, thì ra là thế!

Đã nói đến quyền phép Thiên Chúa thì miễn bàn, vì Trinh Nữ Maria trọn niềm tin kính Ngài. Hai năm rõ mười. Tỏ rõ khúc nhôi. Thở phào nhẹ nhõm. Và rồi Trinh Nữ Maria nói ngay với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa CỨ LÀM cho tôi như lời sứ thần nói.” Đức Maria có quyền tự do chấp nhận hay từ chối, thế nên mà lời “xin vâng” đó vô cùng quý giá. Công cuộc cứu độ bắt đầu: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta…” Ngôi Lời nhập thể, Ngài là Đấng Thiên Sai, mệnh danh là Emmanuel. (Is 7:14; Mt 1:23) Alleluia!

Tín thác và tuân phục với lòng khiêm nhường, đó là động thái tuyệt vời của Đức Mẹ. Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn tín thác vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa để có thể mau mắn “xin vâng” như Mẹ, vâng lời ngay trong những lúc khó khăn nhất, bởi vì vững tin có Thiên Chúa luôn ở với chúng ta.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin gia tăng hệ miễn nhiễm để chúng con đủ sức đề kháng tâm linh và dịch bệnh trong thời đại ngày nay. Xin cho chúng con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ. (Tv 119:34) Lạy Mẹ Vô Nhiễm, xin chở che chúng con mọi nơi, mọi lúc, xin giúp chúng con nỗ lực noi gương Mẹ, càng ngày càng tiến tới trên đường nhân đức để hoàn thiện. Xin Mẹ dẫn chúng con đến với Con Yêu của Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

NHIỄM

[Niệm ý Is 64:5-7 và Tv 139:16]

Chúng con như nhiễm uế

Nên việc thiện, việc lành

Như chiếc áo dơ bẩn

Lại đem khoác vào mình.

Chúng con như lá úa

Sống tháng ngày héo khô

Bao tội ác đã phạm

Tựa cơn gió cuốn đi.

Chúng con là đất sét

Còn thợ gốm là Ngài

Chính tay Ngài tạo tác

Tất cả chúng con đây.

Chính mắt Ngài đã thấy

Ngay từ trong bào thai

Đời chúng con đã rõ

Khi bắt đầu làm người.

Thế gian nhiều ô nhiễm

Bám vào cả xác hồn

Chúng con phải tẩy uế

Suốt đời – ngày và đêm [*]

[*] Mt 3:2; Mt 4:17 – “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.”

ĐẤNG NGUYÊN TUYỀN

Nữ Tỳ Ma-ri-a

Là Mẹ vĩ đại nhất

Đấng nguyên tuyền, tinh khiết

Viên ngọc bích diệu kỳ.

Trinh Nữ Ma-ri-a

Trọn đời sống khiết tịnh

Khiêm nhường và công chính

Không một chút bợn nhơ.

Thục Nữ Ma-ri-a

Sống đơn sơ giản dị

Chúa ban đặc ân lạ

Không vương Nguyên Tội kia.

Kính mừng Mẹ nhân từ

Xin cầu thay nguyện giúp

Để chúng con đủ sức

Chống mưu quỷ chước ma.

Trầm Thiên Thu

ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI *

[St 3:9-15, 20; Ep 1:3-6, 11-12; Lc 1:26-38]

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Năm nay Giáo Hội mừng lễ trọng ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI vào ngày 8 tháng 12. Giáo Hội Công Giáo tin rằng Đức Mẹ không vướng tội tổ tông ngay từ lúc Mẹ hiện hữu và đức Pio IX năm 1854 đã tuyên bố việc này thành tín điều.

THẾ NÀO LÀ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI? 

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội là một quan niệm khá phức tạp đã lôi cuốn nhiều nhà thần học hơn là giáo dân vào cuộc nghiên cứu và suy niệm. Nhiều người hiện nay vẫn còn lẫn lộn, đồng hóa việc Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội với việc Đức Mẹ Đồng Trinh, nhĩa là thụ thai chúa Kito mà vẫn còn đồng trinh. Thực sự điều đó có nghĩa là, -nhờ ơn đặc biệt Thiên Chúa ban- chúng ta tin rằng Mẹ Maria hoàn toàn không vướng tội lỗi từ lúc Mẹ thụ thai. Phân vân thắc mắc chính của nhiều người công giáo là tội tổ tông. Và ngày nay người ta càng ngày càng ít biết và nói về tội tổ tông. Vì không biết nên quan niệm về vô nhiễm nguyên tội mất hết ý nghĩa. 

Năm 1974, một Giám mục Hoa Kỳ, Đức cha Fulton Sheen đã trình bày tội tổ tông theo một cách thức khác; khi ngài nói về việc người ta không còn ý niệm về tội tổ tông nữa, ngài nói: “Thường thì chỉ có người công giáo tin là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng bây giờ thì tất cả mọi người đều tin là Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội từ lúc thụ thai.” 

Đức Piô IX tuyên bố tín điều này năm 1854, nhưng ý tưởng Đức Mẹ sinh ra không vương tội (trinh thai), chỉ được hình thành sau nhiều tranh cãi rất lâu dài và phức tạp về thần học, thậm chí ngày nay, về môt số phương diện, vẫn còn đang tiếp tục bàn cãi. Vào thời Kitô giáo sơ khai, Đức Mẹ chỉ được coi là một gương mẫu thánh đức lý tưởng. Cho đến khoảng thế kỷ VIII người Kitô hữu mới bắt đầu mừng kính lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. 

Qua nhiều thế kỷ, các nhà thần học vẫn còn ngần ngại khi nói Đức Mẹ hoàn toàn không vướng tội tổ tông, vì nghĩ nó trái với giáo lý đức tin là một ơn cứu độ phổ quát. Vào thế kỷ XIII, thầy dòng Phanxico Duns Scotus đã nghĩ ra cách suy tư khác về vấn đề vô nhiễm nguyên tội. Thầy nói rằng ơn đặc biệt của Mẹ Maria không phải là Mẹ không cần ơn cứu chuộc, mà Mẹ là đấng làm trung gian giữa Chúa Kitô và loài người.

Khi Đức Piô IX tuyên bố thành tín điều thì ngài chứng minh bằng câu chuyện thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ đã được nói trong Tin Mừng Luca. Thiên thần Gabriel kính chào Mẹ Maria “đầy ân phúc” (Lc 1:28) thì phải hiểu là Đức Mẹ không hề vướng mắc tội lỗi gì cả; và chỉ có Đức Maria là loài người - không ai khác ngoài Mẹ - được chọn làm cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu chuôc nhân loại. Giáo Hội sơ khai đặt vấn đề làm sao có thể cắt nghĩa một cách chính đáng và hữu lý về Con Một Thiên Chúa “hoàn toàn là con người mà lại không có tội”. Câu trả lời vì Mẹ Thiên Chúa phải không hề vương tội. 

BA TƯỚC VỊ CỦA ĐỨC MẸ

Trong truyền thống Công Giáo La Mã, Đức Mẹ được truy tặng nhiều danh hiệu và tước vị vì lòng yêu mến và tôn kính Mẹ. Chúng ta cũng mừng ba giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Mẹ mà chúng ta biết là nó tương ứng với các giai đoạn của cuộc đời chúng ta. Qua tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Ngyên Tội, Thiên Chúa hiện diện và di động trong đời sống của Mẹ ngay từ những thời khắc đầu tiên trong đời Mẹ. Hồng ân Thiên Chúa thì rất to lớn, vượt quá sức mạnh của cả tội lỗi lẫn tử thần. Qua màu nhiệm vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Maria đã được mời gọi giữ một sứ mệnh đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa. 

Giai đoạn hai của cuộc đời Mẹ Maria là giây phút Chúa nhập thể. Qua việc sinh Chúa Giesu mà Mẹ vẫn còn đồng trinh, Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta ý thức được là Thiên Chúa cũng di động trong cuộc sống của chúng ta rất mạnh mẽ. Để đáp trả cho những giờ phút này, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn, khiêm tốn, cởi mở cũng như kính trọng phẩm giá con người qua mọi giai đoạn của cuộc sống, từ lúc thụ thai cho đến lúc hồn lìa khỏi xác. Qua giây phút nhập thể, Mẹ Maria được ban tặng Lời trở thành Máu Thịt Chúa như chúng ta. 

Giai đoạn ba, Giáo Hội mừng kính cuộc hành trình sau cùng của Mẹ đi về thiên quốc với tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cống bố bởi Đức Piô XII năm 1950. Từ lúc khởi đầu cho đến giờ phút chót của cuộc đời Mẹ, Thiên Chúa đã hoàn thành trọn vẹn nơi Mẹ tất cả mọi lời hứa như Người đã hứa ban cho chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta cũng sẽ được lên trời như Mẹ. Trong Mẹ Maria, chúng ta có hình ảnh loài người và Thiên Chúa. Thiên Chúa cảm thấy thoải mái trong chúng ta, và chúng ta thấy sung sướng trong Thiên Chúa. Ở trên trời, mẹ Maria sẽ có một địa vị danh dự đặc biệt, xứng đáng nơi  Thiên Chúa.

ĐÔI LỜI KẾT

Điều gì xảy ra cho Mẹ Maria thì cũng sẽ xẩy ra cho chúng ta là người Kitô hữu. Chúng ta được gọi, được ban tặng và được chọn ở cùng với Chúa Giêsu. Khi chúng ta vinh danh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa dưới danh hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, là chúng ta nhân thức rõ ràng Mẹ là gương mẫu về trinh khiết, vô tư, tin cậy, đơn sơ như con trẻ, có lòng tôn kính và cuộc sống an bình thanh thản trong khi đời người thì quá phức tạp. Thật khó có thể thấy nơi cùng một người như Mẹ Maria cả hai đức tính tôn kính và chính xác, lý tưởng và thực tế, trinh khiết, vô tội và lòng trắc ẩn yêu thương. Phần chúng ta, chúng ta thường mong ước có được vẻ vô tội, đơn sơ, trinh khiết, tươi mát và tín cậy. Nếu chúng ta đánh mất chúng, chúng ta cảm thấy chua cay, bối rối và hụt hẫng làm chúng ta mất vui với cuộc sống chung quanh, buộc chúng ta mở to đôi mắt tò mò xăm so dòm ngó mọi người quanh ta chẳng còn gì là đơn sơ vô tội cả. Chúng ta cần giữ cho lòng mình được thanh thản vô tư để cảm nghiệm được những bất trắc trong cuộc sống đầy căng thẳng của thời đại phức tạp và lắm chuyện như ngày nay. Xin Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa chỉ dạy chúng ta bắt chước những đức tính của Mẹ.

-----------------------------------------------
NB- Viết về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội quả là khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có đức tin mạnh mẽ đủ và dồi dào, cộng với những hiểu biết về Kinh Thánh và thông suốt giáo huấn của Giáo Hội cùng với lòng đạo thâm sâu, đặc biệt về Đức Mẹ. Người viết cảm thấy vẫn còn thiếu sót, nên quí vị độc giả, nhất là các đấng bậc, nếu thấy có gì sai trái và thiếu sót , xin vui lòng chỉ giáo. Rất đa tạ.
 

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan