SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY_B

04-03-2021 1,594 lượt xem

[Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25]

Mục Lục

CANH TÂN CÁCH THỰC HÀNH ĐỨC TIN+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỀN THỜ TÂM HỒNLm. Giuse Nguyễn Hữu An

LẠM DỤNGTrầm Thiên Thu

GIAO ƯỚC MỚI TRONG ĐỨC GIÊSULm. Anphong Vũ Đức Trung, O.P.

NHÀ CẦU NGUYỆN VÀ THÁNH GIÁ CHÚA KITÔBs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD

HÃY THANH TẨY TÂM HỒN LÀ ĐỀN THỜ CHÚALm. Antôn Nguyễn Văn Độ

CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CHÚA NGỰ?Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

HÃY GÌN GIỮ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA CHO SẠCH ĐẸP!Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

PHÁ HỦY CŨNG CẦN MÀ TU SỬA CŨNG CẦN - Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

Thơ: NHIỆT THÀNH VÌ NHÀ CHÚA(Thế Kiên Dominic)

Thơ: TẨY UẾ - Viễn Dzu Tử

CANH TÂN CÁCH THỰC HÀNH ĐỨC TIN

+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Cứ mỗi độ Xuân về, người dân Việt chúng ta, sau khi đón Xuân mới, là khởi đầu chiến dịch đi lễ hội đầu năm. Từ một hai thập kỷ trở lại đây, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, những lễ hội truyền thống sau một giấc ngủ dài trong thời bao cấp, được khôi phục khắp nơi, đua nhau nở rộ như nấm mọc sau mưa. Nhìn chung, những lễ hội này diễn tả truyền thống văn hoá phong phú của người Việt, và đều góp phần tích cực giúp con người hướng thiện. Tuy vậy, khá nhiều lễ hội bị nhuốm màu thương mại và mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp do cách hành xử thiếu văn hóa, như cướp giật, đánh nhau đến đổ máu. Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.

Vào thời Chúa Giêsu, Đền thờ Giêrusalem là nơi thiêng thánh cũng bị lạm dụng. Người ta buôn bán chiên bò, chim câu và đổi tiền. Tất cả những dịch vụ này cũng núp dưới danh nghĩa phục vụ khách hành hương, nhất là vào dịp lễ trọng của người Do Thái là lễ Vượt qua. Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh này. Người đã nghiêm khắc xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Cả bốn thánh sử đều ghi lại sự kiện này, nhưng Thánh Gioan là người diễn tả hành động của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ quyết liệt nhất: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ”. Tuy vậy, nếu ba tác giả của Tin Mừng nhất lãm đều nói đến việc Đức Giêsu “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ”, thì thánh Gioan lại cho biết, Chúa chỉ yêu cầu mang các loại hàng hóa trần tục xâm nhập Đền Thờ và làm cho nơi thánh trở thành chốn thương mại. Phải chăng Thánh Gioan muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu không xua đuổi con người tội nhân, nhưng xua đuổi những hành động tội lỗi, và như thế, Người mời gọi chúng ta hãy canh tân cách thực hành Đức Tin.

Từ đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã mời gọi chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời. Canh tân để làm cho trái tim, tâm hồn và cuộc đời của chúng ta được đổi mới. Chúa nhật thứ Ba của Mùa Chay, Phụng vụ dạy chúng ta hãy xem xét lại cách tôn thờ Chúa của mình. Nói cách khác, mỗi chúng ta là người tin vào Chúa. Đức tin ấy phải được thể hiện qua tâm tình thờ phượng Chúa. Có nhiều người tin Chúa mà không thực hành các bổn phận của đức thờ phượng. Thờ phượng Chúa là nhận ra quyền năng vô biên và tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đồng thời dâng lời tạ ơn, ca tụng và cầu nguyện với Ngài. Đối với một số tín hữu, đức tin của họ mang tính vụ lợi, tức là chỉ chạy đến nài van Chúa khi gặp hoạn nạn gian nan, còn những lúc khác thì không cần biết Chúa là ai. Nhiều người khác coi Chúa như Bà Chúa Kho, đến để xin lộc và vay tiền lúc đầu năm với hy vọng năm mới phát tài.

Hành động của Chúa Giêsu khi xua đuổi chiên bò ra khỏi Đền thờ được gọi là “thanh tẩy Đền thờ”. Quả thật, Chúa muốn khôi phục tinh thần thờ phượng đích thực, không nhuốm màu thương mại và cạnh tranh vật chất. Mùa Chay cũng giúp ta thanh tẩy đời sống đức tin và tâm tình thờ phượng Chúa. Những thực hành đạo đức của cộng đoàn cũng như cá nhân phải dẫn đưa người tín hữu đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Đức Kitô đang sống như sau: “Chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm. Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta. Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta đang sống. Người là Đức Kitô phục sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn” (số 124). Những lời trên đây của Đức Thánh Cha giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hiện tại. Nhiều người tín hữu chỉ coi Người như một vĩ nhân đã lùi vào dĩ vãng. Không phải như vậy. Người đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Nếu ý thức được điều ấy, lời nói, cử chỉ và cách sống của chúng ta sẽ thận trọng hơn. Lời cầu nguyện và việc thờ phượng Chúa sẽ thấm đượm tâm tình mến yêu hơn. Xác tín điều đó, người tín hữu cảm thấy như được chạm tới Chúa, được Người hướng dẫn và soi sáng đường đi nước bước trong cuộc đời.

Gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đang sống, sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bài sách thánh trích sách Xuất hành ghi lại luật Giao ước Thiên Chúa ban cho dân Israel qua ông Môisen mà chúng ta vẫn gọi là Mười điều răn. Có thể nói Mười điều răn trong sách Xuất hành là bộ luật đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Vì dân tộc Do Thái là một dân được tuyển chọn, nên phải có một bộ luật làm tiêu chuẩn và để duy trì trật tự trong việc điều hành cai quản, làm chuẩn mực chung cho mọi nền văn hoá và mọi dân tộc. Rất tiếc, nhiều Kitô hữu, nhất là những bạn trẻ, không thuộc kinh Mười Điều Răn, vì vậy, họ không định hướng được cuộc đời của mình. Họ nói tin vào Chúa mà không biết Chúa là ai và phải làm gì để thực hành Đức Tin.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Người cũng dùng máu Người đổ ra trên thập giá để thanh tẩy tội lỗi của nhân loại. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng rao giảng mầu nhiệm thập giá, “điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (Bài đọc II). Trái lại với sự xét đoán của thế gian, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có những lúc, người tin vào Chúa bị coi như những người điên rồ hoặc những người đi ngược dòng. Tuy vậy, cũng như sự điên rồ của thập giá đã cứu vớt nhân loại, những ai theo Chúa Giêsu, dù có thể bị coi là ngu dại, chắc chắn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm vui của Đấng phục sinh. Mùa Chay cũng là mùa suy niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu. Thập giá là một huyền nhiệm của tình thương Thiên Chúa. Thập giá không phải là câu chuyện của quá khứ, nhưng là câu chuyện của hiện tại. Thập giá đang đi ngang qua những mâu thuẫn gia đình, những khó khăn về tài chính tiền bạc, những xung khắc trong mối tương quan với người xung quanh, những thất bại trong học vấn, những bế tắc trong nghề nghiệp. Đó là những thập giá mà chúng ta đang phải vác đi. Vác thập giá không phải là cam chịu, nhưng là đón nhận và hoá giải những thất bại và khúc mắc thành kinh nghiệm, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt lên những khó khăn, biến gian khổ thành niềm vui và biến nước mắt thành nụ cười. Quả vậy, khi có lòng bao dung, sự kiên nhẫn và nhất là tình yêu quảng đại, chúng ta sẽ có thể hoá giải mọi thương đau trong cuộc đời.

Đức tin của người Công giáo không phụ thuộc vào mùa lễ hội và những cạnh tranh. Lòng yêu mến Chúa và tâm tình thờ lạy tôn vinh Ngài như hơi thở, như cơm ăn nước uống đối với người tín hữu. Con người cần có Chúa để hiện hữu, để hoạt động và để nên trọn lành. Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, dâng lên Chúa tâm tình yêu mến và cầu xin Ngài trợ lực để vượt lên mọi khó khăn thử thách, những điều này làm cho đức tin của chúng ta nên vững mạnh.

Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới. Canh tân cách thực hành Đức Tin là điều kiện thiết yếu để chúng ta đổi mới cuộc đời. Bởi lẽ, nhờ Đức Tin tinh tuyền, chúng ta mới có thể sống Đạo chân thành trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. mục lục

ĐỀN THỜ TÂM HỒN

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Phụng vụ Lời Chúa qua hai Chúa Nhật Mùa Chay cho thấy Đức Giêsu vừa là con người phải chịu cám dỗ trong sa mạc, vừa là Con Thiên Chúa nơi biến cố Hiển Dung trên núi Tabor.

Phụng vụ Lời Chúa tuần 3 Mùa Chay trình bày Đức Giêsu là Đền Thờ của Thiên Chúa qua sự kiện thanh tẩy đền thờ Giêrusalem.

1. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ. Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này. Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời. Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng. Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều có giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ. Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1 đồng. Cứ 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ. Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua được các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tì vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). “Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” ( Mt 21,12-13). Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy. “Nơi buôn bán“, “Hang trộm cướp“, Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x. Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ: “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).

2. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính. Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng. Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả, tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy. Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận” ( Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính. Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện“

Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.

3. Xây dựng đền thờ tâm hồn.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn của mình.

Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của mọi nhà thờ trên thế giới này đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như dòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác; Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen. mục lục

LẠM DỤNG

Trầm Thiên Thu

Lạm dụng là sử dụng quá giới hạn được phép: lạm dụng lòng tốt của người khác, lạm dụng rượu bia, lạm dụng chức quyền, lạm dụng từ ngữ,... Lĩnh vực nào cũng có tác hại.

Về cơn giận, Francis Quarles nói: “Hãy cẩn thận người ít nổi giận; bởi nỗi giận càng chậm chạp kéo đến, càng trở nên mạnh mẽ và càng khó dứt. Sự kiên nhẫn bị lạm dụng sẽ hóa thành cơn thịnh nộ.” Về quyền hạn, La Fontaine nói: “Bất cứ ai được trao quyền lực sẽ lạm dụng nó nếu không có động lực là tình yêu sự thật và đức hạnh, cho dù kẻ đó là hoàng tử hay dân thường.” Về ngôn ngữ, John Adams nói: “Sự lạm dụng ngôn từ là công cụ lớn nhất của lối mánh khóe và ngụy biện, của các đảng phái, bè lũ và phe cánh trong xã hội.”

Có lẽ đáng sợ nhất là lạm dụng tự do. Thật vậy, ngay từ thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã trao quyền tự do cho con người nhưng Ngài cũng lập luật: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác thì ngươi KHÔNG được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (St 2:16-17) Cây này gọi là “cây cấm” và ở giữa Vườn Địa Đàng. (St 3:3) Tự do liên quan lề luật.

Cái gì cũng có giới hạn nhất định, tự do cũng vậy. Ai cũng có quyền tự do ăn uống, nhưng phải có giới hạn. Ăn để sống – nói chung, nhưng có thứ ăn vào thì sống, có thứ ăn vào thì chết. Cuộc sống đời thường cũng vậy, không phải ẩm thực nào cũng tốt. Có thứ ăn vào thì tốt, có thứ ăn vào thì hại, có thứ ăn vào thì khỏe, có thứ ăn vào thì bệnh. Đó là quy luật về ẩm thực, về dinh dưỡng. Cẩn tắc vô ưu, vì cái miệng có thể hại cái thân. Tất nhiên là “lỗi tại tôi” mà thôi.

Để ngăn chặn lạm dụng thì phải có luật, giúp cuộc sống bình yên. Có nhiều loại luật – luật tự nhiên, luật môi trường, luật hôn nhân và gia đình, luật giao thông, luật dân sự, luật quân sự,... Nhà có gia phong, nước có quốc pháp, tổ chức dù lớn hay nhỏ đều có quy luật. Đời và đạo cũng có luật riêng. Như chiếc hàm thiếc hoặc chiếc dây cương để điều khiển con ngựa, luật giúp con người sống đàng hoàng hoặc chấn chỉnh cách sống. Lề luật cần thiết nhưng không quan trọng bằng con người. Người Pharisêu thấy các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sa-bát, họ liền chê trách và cho đó là phạm luật, nhưng Chúa Giêsu thẳng thắn nói với họ: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2:27) Luật vị nhân sinh. Luật vì con người, con người khôn nên quá câu nệ vào luật.

Bất cứ luật nào cũng có những điều khoản khác nhau. Vi phạm luật là phạm pháp, là có tội, nhưng mức độ phạm tội cũng khác nhau. Người áp dụng luật để xét xử phải dựa trên tình yêu thương mà xét xử, để tránh hàm oan.

Có đủ thứ luật trong cuộc sống, từ hội đoàn tới làng xã, từ quốc gia tới quốc tế, nhưng các luật đó vẫn chỉ là nhân luật – luật của con người, quan trọng nhất vẫn là Thiên Luật, và mọi lề luật đều phải dựa vào Luật Trời, Luật của Thiên Chúa – Thánh Luật. Luật Tân Ước tóm gọn còn 2 điều là Mến Chúa và Yêu Người. Còn Luật Cựu Ước có hơn 600 điều. Đạo Công giáo có Mười Điều Răn (Thập Giới) do chính Thiên Chúa thiết lập và bất biến, Giáo Hội có Giáo Luật và có thể thay đổi – trước có SÁU Điều Răn Năm, nay là NĂM Điều Răn. Buồn thay, một số nơi vẫn dùng Sáu Điều Răn. Như vậy thiếu tính duy nhất của Giáo Hội.

Văn sĩ, sử gia và triết gia Will Durant (1885-1981, Hoa Kỳ) có triết lý sống rất lạ: “Con người trở nên tự do khi nhận ra mình bị luật lệ ràng buộc.” Lề luật như sợi dây “trói buộc” người ta, nhưng chính sợi dây đó lại làm cho người ta được tự do. Thật là kỳ diệu vô cùng!

Qua trình thuật Xh 20:1-17, chúng ta thấy Thiên Chúa đã truyền ban các khoản luật để con người theo đó mà sống. Trước tiên, Ngài nói: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.”

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự. Luật tự nhiên chính là luật do Ngài thiết lập, không có gì trái ngược. Ngài cho biết thêm: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.” Phần này, nghe có vẻ dài dòng, nhưng là những điều có trong Năm Điều Răn Hội Thánh. Không xa lạ, vì rất các nhà thờ thường đọc kinh Mười Điều Răn và Năm Điều Răn Hội Thánh vào các ngày Chúa Nhật. Nhưng có thể vì chúng ta thuộc lòng, đọc quen quá rồi, thế nên có thể chỉ đọc mà quên suy xét.

Mệnh lệnh được Thiên Chúa ban ra tiếp theo: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” Chúng ta thần này có trong Mười Điều Răn, cũng là những điều quen thuộc trong cuộc sống đời thường, bắt đầu từ gia đình.

Luật Cựu Ước sử dụng cách nói tiêu cực: Cấm, đừng, chớ, không được,… Luật Tân Ước sử dụng cách nói tích cực: Phúc cho ai… Cách nói thay đổi theo sự phát triển của xã hội, của con người, cách nghĩ cũng thay đổi theo cho phù hợp. Thích nghi là chuyện thường tình nhưng cần thiết. Như chúng ta biết, tất cả mọi sự đều thay đổi theo thời gian, kể cả luật pháp, cũng chỉ vì muốn con người sống tốt, hy vọng con người càng ngày càng hoàn thiện hơn. Mình sống tốt thì không chỉ lợi cho mình mà còn lợi cho tha nhân, ích cho xã hội và Giáo Hội, tất nhiên điều đó cũng đẹp lòng Thiên Chúa. Điều gì hợp Ý Chúa thì tốt lành, tạo công phúc cho chính mình.

Tại sao cần giữ luật? Vì chúng ta vốn là người xấu. (Mt 7:11) Luật có thể giúp con người hoàn thiện. Với kinh nghiệm giữ Luật Chúa, tác giả Thánh Vịnh đã vui mừng thốt lên: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.” (Tv 19:8-9) Rõ ràng lợi ích nhiều.

Trong sinh hoạt đời thường, con người thường ưa dùng lối tỷ giảo (so sánh) để diễn tả, có lẽ vì con người thích những gì cụ thể để dễ hiểu: Sắc như dao cau, đen như mực, trắng như bông, đẹp như tiên, xấu như ma, ác như quỷ,… Với những gì siêu phàm thì càng khó hiểu hơn, thậm chí là không thể hiểu. Tuy nhiên, Thánh Vịnh gia vẫn khéo léo giúp chúng ta dễ hiểu với lối so sánh thực tế: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh, thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.” (Tv 19:10-11)

Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến những điều trái ngược nhau: Người thích điều thiện, kẻ ưa điều ác. Quả thật, mỗi con người là một thế giới bí ẩn – chẳng ai giống nhau, người thế này, kẻ thế khác, từ thể lý đến tinh thần. Thật vậy, có những người thích làm điều ác, sẵn sàng sát hại nhau chỉ vì điều xích mích nhỏ hoặc món đồ không đáng giá. Có những người (cả trẻ và lớn) luôn có sẵn dao, gặp “sự cố” thì rút ra ngay, rõ ràng họ đã mưu tính trước. Nếu không thích điều ác thì tại sao lại như vậy?

Đề cập các sở thích khác nhau, Thánh Phaolô nói: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 1:22-23) Sở thích của Thánh Phaolô cũng là sở thích của những người muốn nên giống Đức Kitô, muốn hoàn thiện để nên thánh theo ý của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Tại sao vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1 Cr 1:24-25) Điên rồ mà lại khôn ngoan, yếu đuối mà vẫn mạnh mẽ. Đối với phàm nhân, điều đó hoàn toàn nghịch lý và không thể hiểu; nhưng đối với tín nhân, điều đó lại là thuận lý và có thể hiểu. Thập giá là đường dẫn tới cái chết ê chề, nhục nhã, nhưng lại hóa thành chìa khóa mở cửa Vương Quốc Trường Sinh. Vô cùng kỳ diệu, chắc chắn không thể hiểu nếu không có đức tin.

Chúa Giêsu thẳng thắn và cương quyết đề cập cách áp dụng luật qua trình thuật Ga 2:13-25. Thánh Gioan cho biết: Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Ngài thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Cả đám đông thế mà không ai dám cự nự gì, trong khi chỉ có một mình Chúa Giêsu. Chắc hẳn họ biết mình sai, biết Ngài làm đúng, thế nên họ mới sợ và tháo chạy. Người ta luôn sợ sự thật, kẻ xấu biết mình sai nên chỉ hành động lén lút, bị phát hiện thì bỏ chạy. Sợ sự thật xấu xa bị phơi bày nên mới chạy như thế.

Ngày xưa, người ta đã lạm dụng Nhà Chúa, thế nên Chúa Giêsu nói thẳng với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Ngày nay, không ai dám buôn bán trong nhà thờ, nhưng người ta có nhiều cách buôn bán tinh vi hơn – cả tinh thần lẫn vật chất. Thế nhưng người ta cũng có nhiều cách tinh vi để chống chế, để biện hộ, với nhiều chiêu thức “kỳ lạ” lắm. Người ta vụng chèo nhưng lại khéo chống lắm. Lạm dụng cũng liên quan máu Biệt Phái: giả hình và ưa hình thức.

Thời đó, những con buôn hành nghề trong Đền Thờ là dân thường. Thời nay, chắc chắn dân thường chẳng “có cửa” để làm như vậy, mà phải là người có chức, có quyền. Vậy những con buôn ngày nay là ai? Liệu chúng ta có dám nhìn thẳng vào sự thật? Ai dám nói ra, ai dám phanh phui, và ai dám phản đối? Nói theo ngôn ngữ ngày nay, ai dám thẳng thắn làm như vậy thì... “chết chắc.” Nghĩa là họ sẽ bị cô lập, bị mọi người xa lánh, bị ghét bỏ, ghét hơn ghét tội. Tiền bạc có ma lực khó cưỡng lại, vì đó là “sức mạnh của ma quỷ” mà. Thật đáng sợ!

Hôm đó, bọn con buôn tức lắm nhưng chưa thể làm gì, chắc chắn họ rất ghét Ngài, và tìm mọi cách cấu kết với nhau để triệt hạ Ngài. Hẳn là ánh mắt của họ lúc đó như những tia lửa, những cặp mắt mang hình trái lựu đạn, lòng họ hậm hực, miệng họ nguyền rủa,... Vì thế, các môn đệ của Ngài nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.” (Tv 69:10)

Cáy cú và ấm ức lắm, thế nên người Do Thái hỏi vặn Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Ngài vẫn thản nhiên: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Họ không thể hiểu nổi nên mới ngây ngô nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Giả sử chúng ta là người Do Thái lúc đó, chắc hẳn chúng ta cũng gãi đầu, bứt tóc mà cũng chẳng hiểu ất giáp gì hết. May thay, Thánh Gioan bật mí cho chúng ta biết: “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài.” Ôi, thế thì phàm nhân chẳng bao giờ nghĩ ra được.

Không chỉ người Do Thái hỏi ngớ ngẩn như vậy, mà ngay cả các môn đệ cũng ngớ ra, không thể hiểu Thầy nói gì. Mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều đó, họ mới thực sự tin vào Kinh Thánh và lời Thầy đã nói. Lời nói thì khó hiểu, thậm chí có vẻ mâu thuẫn, nhưng rồi những gì xảy ra đã chứng minh tất cả. Sự thật minh nhiên.

Cuộc sống phức tạp. Cuộc đời nhiêu khê. Kẻ thế này, người thế nọ; kẻ cố chấp, người phục thiện; kẻ xấu, người tốt. Trong số những người bị đánh đuổi ra khỏi Đền Thờ, không phải ai cũng khó chịu, ghen ghét, mà có những người đã nhận thức và tâm phục khẩu phục: “Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ TIN vào danh Ngài bởi đã CHỨNG KIẾN các dấu lạ Ngài làm.” Nhưng Thánh Gioan cũng cho biết thêm: “Chính Đức Giêsu KHÔNG tin họ, vì Ngài biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Ngài biết có gì trong lòng con người.” Có những người tỏ ra hiền từ nhưng lòng đầy mưu mô: “Sông sâu còn có thể dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.”

Mùa Chay đến rồi qua đi theo dòng thời gian. Không ai biết chắc mình còn được sống Mùa Chay năm tới nữa hay không. Thật vậy, ngày 21-02-2021, Chúa Nhật I Mùa Chay, tại nhà thờ xứ Thánh Tâm thuộc TP Mexico, ông Juan (khoảng 60 tuổi) đã cầu nguyện khoảng 45 phút trước bàn thờ rồi bất ngờ ngã ra chết. Không ai biết Chúa gọi lúc nào. Vì thế, Mùa Chay là dịp thuận tiện để sám hối, Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta biết phải làm gì: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119:105)

Lạy Thiên Chúa, “chúng con đã phạm tội, xin Ngài cứ xử với chúng con sao cho đẹp mắt Ngài; nhưng hôm nay xin cứu chúng con.” (Tl 10:15) Xin giúp chúng con biết hoán cải đúng theo cách Ngài muốn, xin giúp chúng con can đảm sống thật, nghiêm túc, không lạm dụng bất cứ điều gì. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục

GIAO ƯỚC MỚI TRONG ĐỨC GIÊSU 

Lm. Anphong Vũ Đức Trung, O.P.

Khi vào đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu nhận thấy giao ước cũ- mười điều răn, cũng như giao ước mới- hai điều răn Mến Chúa Yêu người, bị hoàn toàn phá bỏ: Thiên Chúa không được thờ phượng đích thực và Dân Chúa không được kính trọng: 

* Đền thờ- nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi con người đến gặp gỡ và cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa, bị biến thành “chợ trời”- nơi trao đổi buôn bán vì “lợi ích của một nhóm nhỏ” nhưng “nhóm lớn” người nghèo bị bóc lột; * Hay thành “hang trộm cướp” (Lc 19, 45)- nơi thiếu thờ phượng nội tâm, đích thực, chỉ hình thức bên ngoài của những kẻ áp bức nguời yếu hèn, trộm cắp, giả dối, giết người, ngoại tình... (x. Gr 7, 9-11).

Xem ra đền thờ bị biến thành “chợ trời” là chuyện bình thường lúc bấy giờ, không phải là vấn đề lớn lắm !? Cả những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như dân chúng quen thuộc, thuận theo, thậm chí tham gia vào việc buôn bán. Khi tâm hồn con người trở thành “ chợ trời” đầy lừa lọc, giả trá, thậm chí lưu manh, thì cuộc sống bất an, lo âu và sợ hãi là điều không thể tránh khỏi. 

Xem ra đền thờ bị biến thành “hang trộm cướp” là chuyện bình thường lúc bấy giờ, không phải là vấn đề lớn lắm !? “Hang trộm cướp” vốn là nơi dung túng những tham lam, những hành tung mờ ám, lén lút gây thiệt hại tài sản và sinh mạng người khác. Khi tâm hồn con người trở thành “hang trộm cướp”, thì tham lam, chiếm đoạt, cưỡng bức người khác, “che con mắt lương tâm” của họ, khiến họ không biết phân biệt đúng- sai, phải- trái.

Đức Giêsu muốn tẩy rửa và làm mới những tâm hồn “chợ trời” và “hang trộm cướp” để trở thành “Đền thờ Chúa Thánh Thần” (x. 1Cr 3,16; Rm 8,9.11): Tẩy rửa lối sống đạo hình thức, thiếu nội tâm, để con người thờ phượng Thiên Chúa trong “tinh thần và chân lý” (x. Ga 4, 24) và được sống trong bình an và hạnh phúc; Làm mới tâm hồn con người bằng Tình yêu và Ân sủng, để họ thêm nghị lực, can đảm sống theo lương tâm ngay thẳng, đồng thời yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và phục vụ yêu thương tha nhân như chính mình.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin tận diệt quyền lực sự dữ, sự ác đang thao túng tâm hồn con, đồng thời xây dựng Nước Chúa tràn đầy ánh sáng Tin, Yêu, Hy vọng trong cuộc đời chúng con. mục lục

NHÀ CẦU NGUYỆN VÀ THÁNH GIÁ CHÚA KITÔ

Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay có hai sự kiện đặc biệt. Chúa Giêsu thanh tẩy đền thánh Jerusalem và sứ điệp của Phaolô nói về Thánh Giá Chúa Kitô. Qua hai hình ảnh độc đáo này, chúng ta cùng nhau -trong mùa Chay Thánh- suy niệm về Chúa Giêsu Kitô để yêu mến Chúa nhiều hơn.  

NHÀ TA LÀ NHÀ CẦU NGUYỆN…. 

Câu chuyện Gioan nói về việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thánh đã làm nổi bật cảnh thê thảm tương tự như được diễn tả ở những Tin Mừng khác. Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, việc này xảy ra sau cuộc rước Chúa Giêsu đi vào đền thánh. Trên đường đi vào đền thánh, dân chúng reo mừng Chúa một phần để tỏ lòng kính mến, một phần để thách thức những vị lãnh đạo tôn giáo ở trong đền thánh. Đức Giêsu lật đổ những bàn đổi tiền, đuổi những người bán chim, chiên bò….ra khỏi đền thánh. Tại sao Chúa lại làm vậy? Chúa đã nhắc lại lời Kinh Thánh: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện…mà các ngươi biến thành nơi trộm cướp” (Mc 11:17; Is 56:6-7, Gr 7:11). 

Trong Tin Mừng Gioan, việc thanh tẩy đền thánh xẩy ra lúc Chúa Giêsu khởi đầu công tác mục vụ của Người, không phải lúc khởi đầu các biến cố xảy ra vào những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa. Lời nói và hành động của Chúa trong đền thánh được nhắc lại trong các Phúc Âm Nhất Lãm hay trong Tin Mừng Gioan, đều có một ý nghĩa mới đối với những thế hệ Kitô hữu về sau. “Mang những thứ này ra khỏi đây! Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!” Đền Thánh không phải là trung tâm thương mại, cửa hàng mậu dịch mà là Nơi Thánh của Cha Ta. Như các tiên tri đi trước, Chúa Giêsu muốn thức tỉnh tâm hồn dân Người nhớ lại mục đích của đền thánh….  

ĐỀN THỜ MỚI SỐNG ĐỘNG

Các môn đệ nhớ lại Chúa đã từng nói trong đền thờ lời Thánh vịnh 69:10 “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa đã xâm chiếm hồn tôi”, có nghĩa là “Lòng tôi tràn ngập tình yêu nóng bỏng vì nhà Chúa.” Khi đền thánh Jerusalem bị quân La Mã phá hủy thì cả dân Do Thái lẫn Kito giáo đều than tiếc. Những kẻ theo Chúa Giêsu nhớ lại cảnh huy hoàng rực rỡ trong đền thờ thời xa xưa. Bây giờ họ có thể hiểu theo một nghĩa khác. Đền thờ cũ đã qua đi, đền thờ mới đã được xây lại. Đền thờ mới này không phải bằng đá, gỗ hay vàng. Nó là đền thờ sống động của dân thánh (1 Pr 2:4-6; Ep 2:19-22). 

CHÚA GIÊSU, CON NGƯỜI CỰC ĐOAN 

Điểm đặc thù của câu chuyện Tin Mừng Gioan hôm nay là hình ảnh Chúa Giêsu nổi nóng khi thanh tẩy đền thánh. Việc này nói lên hai thái cực đối nghịch nhau của Chúa. Chúa là con người cách mạng cực đoan. Chúa là một người rất hiền hòa, không bao giờ biết giận hờn. Hai thái cực này không thể biện minh cho nhau được. 

Chúa Giêsu muốn cải đổi xã hội, không phải vì cực đoan tích cực hay cực đoan tiêu động. Người muốn tận hiến đến tuyệt đỉnh yêu thương vì Cha Người và mọi sự của Cha Người. Người muốn tạo dựng những con người mới, là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Người yêu thương và đem tình yêu đó cho muôn dân. Các Tông đồ và các môn đệ của Chúa đã nhận biết Chúa, coi Chúa là hình ảnh của đam mê cực đoan, nhất quyết hy sinh mạng sống mình vì Sự Thật và lòng Trung Tín. 

Chúng ta có chấp nhận hai thái độ cực đoan đó của Chúa Giêsu không? Chúng ta có đam mê điều gì trong đời không? Chúng ta có vì Chúa mà say mê tất cả mọi sự thuộc về Thiên Chúa và về con Người Đức Giêsu không?  

SỨ ĐIỆP THÁNH GIÁ, CHÚA KITÔ BỊ ĐÓNG ĐINH 

Trong thư gửi tin hữu Côrintô, thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến những bất ổn và gương xấu trong cộng đồng. Sự hiệp thông và tình đoàn kết bị đe dọa vì nạn bè phái và chia rẽ nội bộ đã gây tổn thương trầm trọng cho sự hiệp nhất của ‘thân thể’ Chúa Kitô. Thay vì dùng lời lẽ văn chương, triết học hay thần học để giải quyết những khó khăn đó, thánh nhân đã loan truyền Đức Kitô bằng sứ điệp: Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh. 

Thánh Phaolô không dùng sức mạnh của văn chương hấp dẫn, nhưng ở chính sự yếu đuối của ngài tin tưởng nơi “quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cr 2:1-4). Thánh nhân viết trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Sứ điệp về Thánh Giá là sự ‘điền rồ’ đối với những kẻ bị hư mất, nhưng với chúng ta là những kẻ được cứu rỗi thì lại là ‘quyền năng’ của Thiên Chúa” (1 Cr 1:18, 22-25). Thánh Giá là trung tâm điểm thần học của Phaolo. Thánh Giá là ơn Cứu Độ, là Hồng Ân mà Thiên Chúa ban cho loài người. 

Sứ điệp của Phaolô về Thánh Giá rất đơn giản, là gương xấu và sự điên rồ. Ngài nhấn mạnh: “Điên rồ đối với những kẻ bị hư mất, nhưng đối với chúng ta là những kẻ được cứu rỗi thì lại là quyền năng của Thiên Chúa. Dù chúng ta điên rồ, nhưng những ai có niềm tin thì Thiên Chúa cũng cứu rỗi. Đối với dân Do Thái họ đòi hỏi phải có điềm thiêng dấu lạ, với dân Hy Lạp họ ước mong có sự khôn ngoan, nhưng chúng ta tuyên xưng chúa Kito bị đóng đanh. Như vậy đối với dân Do Thái nó chẳng có gì là chắc chắn, đối với dân ngoại thì đó là một sự điên rồ, nhưng chúng ta Tin có sự cứu rỗi là điều chắc chắn….” 

“Gương xấu” và “điên rồ” của Thánh Giá -trong thực tế- rõ ràng là thất bại, nhưng ở đó lại thể hiện quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Thánh Giá là một hình thức diễn tả tình yêu, một tình yêu có sức mạnh và quyền năng vô biên, dù bề ngoài xem như có vẻ yếu đuối và thê thảm. 

Thánh Phaolô cảm nghiệm thấy điều đó trong chính thân xác ngài được thể hiện qua những hành trình thiêng liêng của ngài mà sau này đã trở thành những điểm khởi hành quan trọng cho những môn đệ của chúa Giesu. Ngài nói: “Người quả quyết với tôi, ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì quyền năng của Thầy được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối’. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô mãi mãi ở trong tôi” (2 Cr 12:9); và ngay cả “Thiên Chúa đã chọn những gì thấp hèn, chẳng đáng kể và những điều không có, để hủy giệt những điều đang có” (1 Cr 1:28). 

Người Tông đồ của dân ngoại đã xác tín như vậy với Chúa Giêsu Kitô đến độ dù có phải gặp gian nan thử thách đến đâu ông vẫn quyết sống vì niềm tin yêu nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã thương yêu ông và hy sinh thân mình vì tội lỗi của ông và của tất cả mọi người (Gl 1:4; 2:20).  

LỜI NGUYỆN CẦU  

Hôm nay, khi chiêm nghiệm tình yêu nóng bỏng của Chúa Giêsu đối với những mong đợi của Cha Người và mầu nhiệm cứu chuộc của Thánh Giá, chúng ta hãy cùng nhau đọc lời nguyện cầu sau đây: 

Lạy Thiên Chúa, 
đấng “điên rồ” nhưng khôn ngoan, 
yếu đuối nhưng mạnh mẽ. 
Vì sức mạnh ân sủng Chúa trong mùa Chay Thánh, 
Xin hãy rửa sạch đền thờ Hội Thánh Chúa 
Và thanh tẩy cung thánh tâm hồn chúng con. 
Chớ gì chúng con được tràn ngập tình yêu nóng bỏng 
…vì nhà Cha 
Và lòng vâng theo giới răn Chúa 
…thấm nhập bao vây chúng con 
suốt cuộc hành trình mùa Chay Thánh. 
Chúng con cầu xin Chúa 
Qua Đức Giêsu Kitô, 
Người của Thánh Giá 
…đấng đầy quyền năng và khôn ngoan, 
Thiên Chúa hằng sống và ngự trị với Người, 
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần 
Là Thiên Chúa đời đời chẳng cùng, Amen (*).

(*) xc. The prayer for the 3rd Sunday of Lent in Peter .Scagnelli, Prayers for Sundays and Seasons (Chicago:Liturgy Training Publications, 1996) 34.ons. mục lục

HÃY THANH TẨY TÂM HỒN LÀ ĐỀN THỜ CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hôn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69, 10).

Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy…

Đền thờ Giêrusalem

Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người cần phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì giúp những người từ xa đến mua lễ vật trong khu vực Ðền thờ cho tiện lợi, vì họ khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ: “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chúa quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo đồng lõa với một số người thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.

Chúa Giêsu là Đền Thờ

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quầy buôn bán, Người lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẫn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng Đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”  (Mc 2, 18) Chúa đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2, 19).

Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu : thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người là Ðền Thờ đích thực, nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để gặp gỡ và ngỏ lời với con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Chúng ta là Đền thờ

Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1 Cr 3,17).

Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân. 

Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh Chúa.

Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Chúa cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Chúa bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, đền thờ Con Thiên Chúa ngự, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay Thánh, giúp chúng con khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con. Amen. mục lục

CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CHÚA NGỰ?

Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

Anh chị em thân mến,

Sự kiện Đức Giê-su đuổi quân mua bán, đổi tiền, lật đổ bàn ghế của những kẻ bán bồ câu ra khỏi Đền thờ Giê-ru-sa-lem hôm nay đều được bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, việc sắp xếp biến cố này theo thứ tự thời gian sứ vụ của Đức Giê-su lại khác nhau. Tin Mừng Nhất Lãm đặt biến cố này vào lúc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Việc tẩy uế đền thờ coi như là giọt nước tràn ly, bởi vì sau biến cố này thì hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Do Thái quyết định tiêu diệt Người. Trong khi đó, Tin Mừng theo Thánh Gio-an lại đặt biến cố này nằm trong một loạt dấu lạ xẩy ra vào lúc Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ.

Theo như chúng ta được biết, các dấu lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an bao giờ cũng ám chỉ một ý nghĩa nào đó. Sự hiện diện cùng các dấu lạ kèm theo thường nói đến sự đổi mới, một sự bắt đầu lại mà Đức Giê-su đem đến. Thật vậy, trong Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn gửi đến một điều gì mới mẻ và sâu sắc, một sự thay đổi không để phá hủy nhưng kiện toàn những cái cũ. Việc Đức Giê-su lật đổ bàn ghế của dân buôn tại Đền Thờ nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa của Đức Giê-su muốn phá bỏ những rào cản, các qui chế, tập tục và thay vào đó một điều gì đó sâu sắc và mới mẻ hơn.

Như chúng ta được biết, đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm, giữ một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và phát triển đạo Do Thái. Đó còn là dấu chỉ nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa và với sự tồn tại của đền thờ, những người Do Thái còn hãnh diện được làm dân riêng của Thiên Chúa, dòng giống mà Thiên Chúa đã tuyển chọn.

Theo thông lệ, hàng năm, vào dịp lễ Vượt qua, mọi công dân Do Thái buộc lên đền thờ Giê-ru-sa-lem tham dự các nghi lễ theo luật dậy. Mỗi gia đình phải dâng tế phẩm cho Thiên Chúa, nộp vào đền thờ các phần hoa lợi trong năm, đồng thời thi hành các tục lệ và mừng Đại Lễ Vuợt qua, làm sống lại việc can thiệp của Thiên Chúa cứu thoát dân vượt qua Biển Đỏ.

Một điều đáng cho chúng ta lưu tâm là dân từ khắp nơi tuôn về, và các phương tiện di chuyển thời đó không nhanh chóng và thuận tiện như chúng ta ngày nay. Nói chung, họ phải đi bộ mấy ngày đuờng thì làm sao có thể mang theo của lễ theo như luật dậy. Vì thế, người ta buôn bán những vật liệu cần thiết cho việc tế tự và xử dụng các loại tiền riêng để nộp thuế đền thờ. Nghĩa là, dịch vụ buôn bán và đổi chác là các phương tiện cần thiết giúp cho dân thực hành việc tế lễ.

Nhưng, thay vì xử dụng chức vụ để phục vụ nhu cầu tế tự của dân chúng. Trái lại, để kiếm lợi, các thầy thượng tế và hàng ngũ lãnh đạo đã tổ chức các bàn đổi tiền ngay tại sân đền thờ, đồng thời buôn bán những con vật để làm của lễ như chiên, bò và chim câu. Họ độc quyền trong việc áp dụng bảng giá thật khắt khe để thu lợi nhiều hơn. Dân đen vẫn là đám thua thiệt và bị chèn ép.

Đó là điều Đức Giêsu không thể chấp nhận, Nguời nổi giận vì tâm địa tàn ác, óc não vụ lợi, xử dụng chức quyền vào mục đích riêng tư của cá nhân và phe nhóm họ. Khi xua đuổi những người đổi tiền và những người buôn bán ra khỏi đền thờ là lúc Đức Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi, uy danh của tầng lớp thế lực là các thượng tế và luật sĩ. Thiên Chúa không còn là đối tượng của việc thờ phượng cho nhóm họ, trái lại Thiên Chúa đã trở thành bình phong cho các mưu đồ riêng tư của cá nhân và phe nhóm họ.

Đức Giê-su đã không vì uy tín cá nhân, sự an toàn của bản thân mà làm ngơ trước hành vi sai trái của họ. Người còn biết rất rõ là họ sẽ chống đối và sẽ tìm cách tiêu diệt Người. Nhưng vì lòng yêu mến Thiên Chúa và những người dân vô tội, Đức Giêsu đã hành động quyết liệt: xô đổ bàn ghế, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò và còn ra lịnh cho họ: hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi nơi đây và đừng biến nhà Cha Người thành hang trộm cướp.

Thưa anh chị em,

Qua hành động rất quyết liệt của Đức Giêsu khiến chúng ta có thể nghĩ rằng: Người làm như thế không chỉ đơn giản là việc xua đuổi mấy con buôn; nhưng Người muốn thay đổi một quan điểm, lật nhào một hệ thống tôn giáo đã mất gốc và đem đến một luồng gió mới, phục hồi lại bản chất đích thực của việc thờ phượng, tái tạo một lối sống đạo, trong đó Thiên Chúa là gốc và cùng đích của mọi sinh hoạt. Và, không có một tà thần nào có thể thay thế Thiên Chúa. Không có một kiểu thờ ngẫu tượng nào thay thế một tâm hồn chân chính trong việc phụng thờ Thiên Chúa được. Điều này đã đuợc thể hiện thật rõ ràng qua Lời Người phán “các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người nói như thế để ám chỉ đến Đền Thờ mới là Thân Thể Người. Nhưng, họ đã không hiểu. Làm thế nào họ có thể hiểu đuợc khi con tim và đôi mắt của họ chỉ nhắm đến việc thu vén tiền của và củng cố uy quyền mà thôi.

Theo tinh thần của Đức Giê-su thì tôn giáo hay đạo không chỉ dựa trên một hệ thống giáo điều và các việc tế tự tập trung vào trong tay của giai cấp lãnh đạo đền thờ mà thôi. Đạo chính là con đuờng, là lối sống đuợc xây dựng trên các mối tương quan giữa những kẻ tin với nhau. Và trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta nhớ lại lời dậy bảo của Chúa: Người muốn việc làm của chúng ta được phát sinh bởi lòng mến, lòng thương xót đối với người khác chứ không bằng hy lễ hay các nghi thức tế tự mà thôi. Hy lễ tuy cần thiết, nhưng nếu các điều đó không được phát sinh bởi tình yêu và lòng thương xót thì các nghi thức tế lễ cũng chỉ có tính chất trình diễn, nặng về mặt hình thức và chúng ta vẫn bị luẩn quẩn trong các nghi thức chết và không có sức sống.

Đền thờ tuy cần thiết cho tôn giáo, nhưng nếu đền thờ không còn mang ý nghĩa là tụ điểm của yêu thương, không còn là nơi để con người thờ phượng Chúa và chia sẻ tình huynh đệ thì cho dù đền thờ có nguy nga, tráng lệ và bền vững đến đâu cũng chẳng còn ích lợi gì cho lối sống đạo của chúng ta nữa. Ngoài ra, nếu cách biểu lộ việc sống đạo của chúng ta chỉ còn được diễn tả bằng các hình thức tế tự tại các đền thờ và quên đi tình yêu và lòng thương xót mà Đức Giê-su đã làm gương, thì lối sống đạo hình thức đó còn đem lại giá trị và hậu quả gì nữa đây!

Thật vậy, lối sống của Chúa là lối sống mở ra để đón nhận mọi người. Người yêu thương đón nhận mọi người, không phân biệt một ai, nam hay nữ, giầu hay nghèo, da trắng hay da mầu. Như vậy, trong các sinh hoạt của Hội Thánh, Thân thể của Đức Ki-tô và cũng là đền thờ đích thật của Thiên Chúa, nơi không có sự loại trừ, chỉ có yêu thương và tha thứ. Tại nơi đó, con người không còn bị giới hạn hay bị trói buộc bởi hệ thống giáo điều, cơ cấu khi đến với nhau. Hãy buông bỏ thể chế, buông bỏ guồng máy điều khiển làm cho con người xa cách nhau. Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn sâu vào trong tâm khảm và cõi lòng của nhau để nhận ra rằng chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là anh em. Chúng ta hiện diện nơi đây, trong giây phút này, là vì Chúa và vì nhau.

Sau cùng, hãy học lối sống chia sẻ và ban phát của Đức Giê-su. Người đã sống cho và sống với người khác; đặc biệt là những ai bị bỏ rơi, những ai bị liệt vào hạng tội lỗi. Tất cả đều được mời gọi đồng bàn với Người; và khi đồng bàn với Người thì Người ban cho họ sức mạnh đổi mới, mời gọi họ chia sẻ con đường và lối sống của Người. Và một khi, chúng ta học được lối sống của Người là lúc chúng ta hãnh diện làm chứng rằng chính thật chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa vậy. Amen. mục lục

HÃY GÌN GIỮ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA CHO SẠCH ĐẸP!

 Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng Chúa Giêsu đã nổi nóng với bọn con buôn trong Đền Thờ, là bởi vì người ta đã biến Đền Thờ thánh thiêng trở thành nơi đổi chác, lừa bịp nhau và bóc lột lẫn nhau qua việc buôn bán và đổi chác.

Bạn thân mến, tôi khẳng định rằng dù là dân trí thức hay dân lao động, dù giàu hay nghèo, dù trắng hay đen, dù thông minh hay dốt nát…không có ai muốn nơi ăn chốn ở của mình bị dơ bẩn và ô uế, nhất là chẳng có ai muốn người khác làm cho nhà cửa, hay phòng ốc của mình bị hỗn loạn, mất trật tự và dơ bẩn cả! Bạn đồng ý không?

Vậy nếu căn nhà vật chất của chúng ta mà còn cần phải được giữ gìn và cần phải được thường xuyên quét dọn, lau chùi cho sạch sẽ ngăn nắp như vậy, thì huống hồ chi là những ngôi Thánh Đường, và thân xác của mỗi con người, là Đền Thờ mà Thiên Chúa ngày đêm đang ngự trị? Những ngôi thánh đường và những Đền thờ thiêng liêng ấy cần được chúng ta chăm sóc, gìn giữ cho sạch đẹp, và khang trang...hơn là những căn nhà vật chất mà chúng ta đang ở nhiều!

Qua bài Phúc Âm hôm nay, bạn học được gì? Tôi thì học được bài học quý giá này, đó là: TÔI PHẢI TÔN KÍNH VÀ GÌN GIỮ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA MỌI NƠI MỌI LÚC!

Thánh Phaolô đã nói, mỗi một người chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa, Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong [mỗi người] … [Và] Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là [mỗi một con người]” (1 Cor 3:16-17), vì thế tôi và bạn phải nỗ lực, phải cố gắng gìn giữ, làm mọi cách để nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, cũng như những Ngôi Đền Thờ thiêng liêng được sạch sẽ, đẹp đẽ và xứng đáng để cho Chúa ngự trị trong đó.

Trước tiên, đối với những ngôi thánh đường vật chất, được xây bằng xi măng cốt sắt, hay bằng gỗ đá … mà ta quen gọi là Thánh Đường, Nhà Thờ, Nhà Nguyện, Nhà Thờ Chính Tòa hay Vương Cung Thánh Đường...

• Khi bước vào những nơi đó, bạn và tôi hãy tỏ thái độ cung kính, trang trọng và lịch sự bằng cách bái quỳ hay cúi mình để thờ lạy Chúa, giữ gìn sự thinh lặng, không ăn uống, nói cười hay xả rác…vì đó là những nơi thánh thiêng, là nơi Thiên Chúa đang ngự trị.

• Bạn hãy tham gia với cộng đoàn trong việc trang trí, cắm hoa, lau chùi, hút bụi, chùi kiếng cửa sổ, làm vệ sinh…để Nhà Thờ, Thánh Đường của bạn thêm phần trang nhã, sạch sẽ, và xinh đẹp.

• Bạn hãy rộng rãi trong việc đóng góp tiền của, sức lực và tài năng trong các thánh lễ hay cho quỹ xây dựng hay quỹ bảo trì Thánh Đường của giáo xứ mà bạn đang sinh hoạt. Nhà Thờ là nhà của Thiên Chúa, việc bảo trì (điện, gas, nước, rác, bảo hiểm, máy lạnh, máy sưởi …), sửa chữa, xây dựng hay trùng tu là bổn phận và là trách nhiệm của tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, chứ không phải là riêng của một cá nhân nào, càng không phải là việc riêng của cha xứ hay cha phó!

Còn đối với ngôi Đền Thờ Thiêng Liêng, tức là linh hồn và thân xác của mỗi người chúng ta được chính Thiên Chúa xây dựng nên thì xin bạn:

• Hãy quét dọn, làm vệ sinh cho sạch sẽ Đền Thờ của Chúa bằng cách đi xưng tội mỗi tháng hay hai tháng một lần.

• Hãy tôn trọng và gìn giữ Đền Thờ của Chúa bằng cách đừng bao giờ nhìn xem những hình ảnh dâm ô, tục tĩu trên internet, báo chí…Mỗi lần xem những thứ bẩn thỉu này là mỗi lần mình đem rác đem bỏ vào Đền Thờ của Chúa đấy! Phạm sự thánh đấy chứ chẳng chơi đâu!

• Hãy tôn trọng Đền Thờ của người khác bằng cách tránh những tội xúc phạm đến thân xác của người khác, chẳng hạn như: ngoại tình, quan hệ tình dục, ăn chơi bừa bãi, đánh đập hành hung người…

Nếu bạn và tôi cố gắng hết sức để làm những công việc trên thì tôi bảo đảm, Thiên Chúa sẽ cư ngụ lâu dài trong tâm hồn của mỗi người chúng mình. Và khi có Chúa ngự trị trong tâm hồn, tôi và bạn sẽ không bao giờ phải sống trong lo âu, sợ hãi hay mất bình an bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu, là nguồn gốc của mọi sự lành bằng an, là nguồn sống vĩnh cửu và là cùng đích của muôn vật muôn loài, có Chúa trong ta rồi thì ta chẳng phải lo lắng hay sợ hãi gì cả.

Hãy ráng làm hết sức mình và hãy lo làm cho Đền Thờ của Thiên Chúa được xinh đẹp, lịch sự, trang nhã và sạch sẽ mãi bạn nhé! Chứ nếu để Đền Thờ trong tình trạng dơ dáy bẩn thỉu, hôi hám, hỗn độn, bất xứng và lôi thôi lếch thếch như vậy thì Chúa nào dám vào ngụ trong đó? Bạn đồng ý không? Phải dọn dẹp và lau chùi ngay đi thôi, nếu không, Ngài mà bỏ đi là…căng đấy nhé!

Cầu chúc bạn và những người thân yêu của bạn luôn siêng năng trong việc gìn giữ, bảo trì làm cho Nhà Thờ, và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần trong mỗi người được sạch đẹp, và khang trang. Như vậy, Thiên Chúa sẽ vui thích ở giữa dân Người. mục lục

PHÁ HỦY CŨNG CẦN MÀ TU SỬA CŨNG CẦN

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

Sau khi ghi lại khẳng định của Chúa Giêsu: “Hãy phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, thánh Gioan lập tức cho biết: "Người có ý nói Đền thờ là thân thể Người". Điều này mang hai ý nghĩa:

1. Chúa Giêsu là đền thờ đích thực.

Chúa mượn hình ảnh Đền thờ Giêrusalem để nói đến chính thân thể mình, thân thể bị phá hủy và được dựng lại, thân thể bị giết và được phục sinh.

Vì sao Chúa đồng hóa mình với Đền thờ? Vì Chúa là hiện thân của chính Thiên Chúa ngự giữa loài người. Thiên Chúa ngự nơi đâu, nơi đó là Đền thờ.

Bởi đó, việc Chúa Giêsu bị giết chết về thể xác, loan báo việc đền thờ bị phá hủy. Sự bị phá hủy này cho thấy lịch sử cứu độ bước vào thời đại mới, thời đại tôn thờ Thiên Chúa phải tôn thờ đích thực

“Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem nữa… Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4, 21-23).

Người Dothái không thể hiểu ý nghĩa phong phú của Đền thờ mà Chúa loan báo, càng không thể chấp nhận việc Chúa đồng hóa mình với Đền thờ, và là chính Con Thiên Chúa, là chính Đấng Cứu Thế. 

Họ không bao giờ hiểu nổi việc Chúa đòi phải thờ phượng Thiên Chúa trong lòng, đừng chỉ thờ ngoài môi miệng. Hoặc hành động Chúa tẩy uế và gọi Đền thờ là “Nhà Cha Ta” càng trở nên cớ vấp phạm cho người Dothái.

2. Chúa hướng chúng ta quy về Chúa.

Khi cho biết: "Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”, thánh Gioan cho thấy thánh ý của Chúa Giêsu, đó là: Khi nhìn đền thờ bằng đôi mắt, hãy chiêm ngắm chính Chúa là Đền thờ đích thực. Từ đó Chúa muốn hướng chúng ta đến chính bản thân Chúa. 

Chúa Giêsu là Đền Thờ sự sống, Đền thờ vĩnh cửu, không do tay người phàm, nhưng xuất phát từ Thiên Chúa, mang lại hoa trái cứu độ cho trần gian. 

Như xưa, hòm bia Thiên Chúa trú ngụ trong Nhà tạm, thì nay, nơi chính Đền Thờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa lưu trú và ở lại với loài người. Nơi Chúa Giêsu, từ nay nhân loại tôn thờ, ca tụng, dâng lễ tế lên Thiên Chúa. 

Cũng nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa chúc phúc, ban ơn lành, trao lề luật mới là Lời Thiên Chúa để giáo huấn loài người, đưa họ tiến về chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, để truất phế ý nghĩa đền thờ gạch đá, Chúa Giêsu phải bước vào tử nạn và sống lại. Đền thờ thân xác của Chúa cần được phá hủy, để sẽ được tái thiết trong ánh sáng huy hoàng của ơn Phục sinh. 

Đền Thờ Chúa Giêsu tiếp tục hành trình hiện diện giữa trần gian khi Hội Thánh không ngừng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Nơi đâu có Thánh Thể, nơi đó là bảo đảm sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Thể là dấu hiệu tình thương, ân phúc của Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ tràn đầy trên nhân thế. 

Đền Thờ Chúa Giêsu, cũng là chính Thánh Thể của Chúa, là dấu chỉ dẫn đường cho chúng ta tiến về Thiên Chúa, nếu chúng ta biết nương náu nơi Chúa, nương náu nơi Ngôi Đền Thờ tràn đầy sự sống này.

Liên kết với Đền Thờ Giêsu, Thiên Chúa cũng làm cho tâm hồn ta trở nên đền thờ. Nơi đền thờ tâm hồn mỗi người, Thiên Chúa yêu thích ngự vào, ban ơn cứu rỗi, ban sức sống thần linh, để mỗi ngày, đền thờ tâm hồn ta càng xứng đáng, càng thánh thiện, vươn lên chính sự thánh thiện của Đền Thờ Giêsu.

Bởi vậy, khi cử hành phụng vụ Chúa nhật thứ III mùa Chay, lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh về Đền thờ, chúng ta không quan trọng hóa việc xây nhà thờ gạch đá cho bằng thực tâm chỉnh đốn tâm hồn mình. 

Biết đâu trong lúc ta tưởng mình đang sống, nhưng thực ra đã chết; tưởng mình là đền thờ, nhưng có khi chỉ là căn chòi đổ nát thảm hại.

Chết chóc và đổ nát là do ta bị ảnh hưởng của không biết bao nhiêu sự nhơ uế và thói xấu ở đời. Ta bị ô nhiễm bởi ham tiền, của cải, dục tình, lạc thú, quyền lực, tiếng tăm… Biết bao nhiêu nhà tâm hồn đổ sập do lối nhìn, lối nghĩ, lối sống… ích kỷ, thực dụng, sống như không có Chúa…

Mùa Chay là mùa tu sửa đền thờ tâm hồn. Từng người hãy làm cho đền thờ của mình xứng đáng với Đền Thờ Chúa Giêsu, bằng cách tìm mọi phương thế, mọi cách thức mà Hội Thánh đề nghị để sống cho thật ý nghĩa. 

Ra công tu chỉnh tâm hồn, chính là lúc ta chết với Chúa Giêsu. Ta hy vọng, đến ngày Phục Sinh, sẽ cùng được phục sinh với Chúa.

Hãy phá hủy để tu sửa. Phá hủy sự hư hỏng, đổ nát để tu sửa thành đền thờ mới. MỤC LỤC

NHIỆT THÀNH VÌ NHÀ CHÚA

(Suy niệm từ Ga 2,13-25)

Tin Mừng Chúa dạy hôm nay

Suy rằng: tín hữu, điều này tỏ ra

Đền thờ Thiên Chúa trong ta

Phải lo dọn sạch để mà lãnh ân

Phục Sinh lễ trọng tới gần

Thiên Sai Cứu thế muôn dân tôn thờ

Chớ ai lãnh đạm, thờ ơ

Nhiệt thành, tích cực, Chúa chờ đợi ta

Chúa rằng: Đây chính nhà Cha

Đổi tiền, buôn bán phải xa chốn này

Hãy mau dọn sạch đi ngay!!!

Họ rằng: Ông lấy quyền ai… lộng hành???

Các ngươi phá hết tường thành

Ba ngày Ta dựng nguyên hình như y

Lời này: lời các tiên tri

Thiên Sai Cứu Thế chết đi, ba ngày

Tự quyền sống lại lập ngay

Quốc Vương vĩnh cửu ngày nay lưu truyền

Rô Ma Giáo Hội chuyển quyền. mục lục

(Thế Kiên Dominic)

TẨY UẾ

[Niệm ý Ga 2:13-25 ≈ Mt 21:12-13; Mc 11:15-17; Lc 19:45-46]

Những người sạch sẽ, vệ sinh
Chắc sẽ bực mình thấy bẩn, thấy dơ
Những người bẩn thỉu, bộn bề
Sống không ngăn nắp, bày bừa khắp nơi
Chỉ là chút rác mà thôi
Nhưng ruồi với muỗi sinh sôi thêm nhiều
Vi trùng tăng trưởng rất mau
Đến khi phát bệnh, khổ đau tại mình
Môi trường cơ bản gia đình
Phải luôn ý thức vệ sinh hằng ngày
Phải luôn sạch sẽ bên ngoài
Bên trong mới sạch, khỏi lây vi trùng
Tâm linh quan trọng vô cùng
Quét ngoài cũng phải quét lòng mình luôn
Lúc này dịch bệnh khắp miền
Càng cần ý thức nhiều hơn bao giờ
Khẩu trang cũng chẳng là gì
Nếu vô ý thức vẫn nguy cơ nhiều
Thời nào cũng có kẻ liều
Đền Thờ thành chợ, họ đâu sợ gì
Ngày nay cũng chẳng khác chi
Người ta buôn bán tinh vi hơn nhiều
Ngấm ngầm nhiều kiểu sống liều
Buôn thần bán thánh, ai nào biết chi
Ngày xưa Chúa đuổi họ đi
Ngày nay thiên hạ ù lì công khai
Nhưng Thiên Chúa thấu lòng người
Ngài biết rạch ròi ai dại, ai khôn
Mùa Chay là dịp ăn năn
Khôn thì tẩy uế cả thân lẫn hồn
Chúa ơi, xin sửa dạy con
Giúp con sống sạch dù đêm hay ngày. mục lục

Viễn Dzu Tử

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan