LỢI ÍCH CỦA VIỆC XƯNG TỘI THƯỜNG XUYÊN

13-08-2022 1,884 lượt xem

“Lợi ích” của việc xưng tội nhẹ đến từ thực tế là chúng ta lãnh nhận bí tích. Sự tha tội xảy ra bởi sức mạnh của bí tích, tức là bởi quyền năng của chính Chúa Giêsu Kitô. Công Đồng Trentô cho biết: “Trong bí tích Hòa Giải, công nghiệp của Đức Kitô chịu chết được áp dụng cho những người đã phạm tội sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.” Cũng cần lưu ý rằng không phải do các tội đã phạm mà có sự tác động bí tích, đúng hơn là do sự ghét tội trong chúng ta; chính điều này mà sức mạnh của bí tích xảy ra, và được nâng lên để hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa qua ân sủng.

Vì ở đây chỉ nói đến tội nhẹ, ân sủng được ban bởi việc xưng tội, nên không là vấn đề như trong trường hợp tội trọng được thú nhận, một đời sống ân sủng mới, gọi là “tình trạng ân sủng,” đúng hơn thì đó là sự củng cố và đào sâu đời sống siêu nhiên hiện hữu trong linh hồn và gia tăng tình yêu Thiên Chúa. Trong những trường hợp này, bí tích chủ yếu có tác dụng tích cực: củng cố đời sống siêu nhiên của linh hồn, gia tăng ơn thánh hóa, ban ân sủng thực sự kích thích ý chí của chúng ta đối với việc yêu mến Thiên Chúa và việc ăn năn tội. Những tình cảm yêu mến như vậy có xu hướng xóa các tội nhẹ và loại chúng ra khỏi linh hồn, như ánh sáng xua tan và loại trừ bóng tối.

Giá trị của việc xưng tội nhẹ: Bí tích không chỉ xóa sạch các tội này mà còn xóa những hậu quả xấu của chúng trong tâm hồn một cách trọn vẹn hơn so với trường hợp những tội được tha ngoài việc xưng tội. Vì vậy, ví dụ, khi các tội nhẹ được tha khi xưng tội, phần lớn hình phạt tạm thời do chúng được tha hơn là ngoài việc xưng tội với cùng một cảm xúc đau khổ. Nhưng đặc biệt, bí tích Hòa Giải chữa linh hồn khỏi sự yếu đuối theo sau tội nhẹ, khỏi sự mệt mỏi và lạnh lùng với những điều của Thiên Chúa, khỏi xu hướng hướng về thế gian mà tội nhẹ đem lại; nó giải thoát linh hồn khỏi những xu hướng và bản năng vô định được đánh thức lại và khỏi sự thống trị của sự ham muốn trần tục.

Tất cả những điều đó bởi sức mạnh của bí tích, tức là bởi quyền năng của chính Chúa Kitô. Hơn nữa, việc xưng tội nhẹ đem lại cho linh hồn sự tươi mới nội tại, niềm khát khao mới và sự thúc đẩy để tự nguyện phục vụ Thiên Chúa và hướng tới việc nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên: kết quả này thường không được tạo ra khi tội nhẹ được tha ngoài việc xưng tội.

Một mối lợi rất quan trọng của việc xưng tội nhẹ: việc chúng ta xét mình và nhất là việc ăn năn, mục đích hoán cải, và quyết định chuộc tội và đền tội được thực hiện cẩn thận khi chúng ta đi xưng tội hơn là trường hợp tội nhẹ được tha ngoài việc xưng tội, ví dụ, bằng nguyện vọng hoặc thành tín sử dụng nước phép. Chúng ta biết khá rõ cần nỗ lực như thế nào để linh mục ra việc đền tội. Chúng ta phải ý thức và thực hiện tốt việc đền tội.

Thật vậy, đúng là chúng ta nên nhận sự rắc rối này. Vì sự ghét tội trong lòng chúng ta không chỉ đơn thuần là xu hướng tâm lý đối với việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải, đó là những bộ phận cấu thành thiết yếu của bí tích. Những điều đó cần thiết cho sự tồn tại của bí tích, và phương cách hiệu quả của bí tích – của việc gia tăng sự sống thiêng liêng và sự tha tội. Ngoài bí tích Hôn Phối, bí tích Hòa Giải là bí tích riêng tư nhất trong các bí tích. Sự sắp xếp riêng của hối nhân – biểu hiện riêng về nỗi buồn, sự ghét tội, và ước muốn chuộc tội – là điều hoàn toàn cần thiết cho bí tích này.

Hiệu quả bí tích tùy thuộc thái độ riêng của chúng ta đối với tội lỗi chúng ta đã phạm và tùy thuộc việc chúng ta trở về với Đức Kitô và Thiên Chúa. Trong bí tích Hòa Giải, việc sám hối cá nhân của chúng ta được nâng lên, không còn thuần túy cá nhân nữa nhưng được liên kết với sự đau khổ và cái chết của Chúa Kitô, từ đó sức mạnh của bí tích phát xuất. Chúng ta thực sự thấy rõ giá trị và lợi ích to lớn của bí tích Hòa Giải.

Điều mà chúng ta gọi là ân sủng bí tích của bí tích Hòa Giải – ân sủng thuộc về bí tích này, không được ban và cũng không thể ban bởi bí tích nào khác – là ơn thánh hóa với quyền năng và chức năng đặc biệt để khắc phục sự yếu đuối của tâm hồn, sự thiếu thốn nhiệt huyết, lòng can đảm và nghị lực do tội nhẹ, đồng thời củng cố linh hồn và loại bỏ những trở ngại mà sự tác động của ân sủng gặp trong đó.

Một giá trị và lợi thế quan trọng khác của việc xưng tội thường xuyên là các tội nhẹ được thú nhận với linh mục, đại diện Giáo hội, do đó mà như thú nhận với chính Giáo hội và với cộng đồng Kitô hữu.

Người phạm tội nhẹ vẫn là thành viên sống động của Giáo hội. Nhưng vì tội nhẹ, người đó không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa và Đức Kitô, cũng chống lại sự tốt lành của linh hồn; người đó cũng hành động chống lại lợi ích của cộng đồng Kitô giáo là Giáo hội. Tội của họ là vết nhơ và vết nhăn trên áo Hiền Thê của Đức Kitô, (x. Ep 5:27) là chướng ngại ngăn cản tình yêu Thiên Chúa tuôn chảy tới mọi người, bởi Chúa Thánh Thần. (x. Rm 5:5)

Tội nhẹ là làm điều sai trái đối với cộng đồng Kitô giáo và là sự thất bại trong đức ái đối với Giáo hội, nguồn sống và nguồn cứu rỗi đối với Kitô hữu. Vì vậy, không có cách nào tốt hơn là xưng tội với người đại diện của Giáo hội, để được tha thứ, được chuộc tội bằng việc đền tội.

LM. BENEDICT BAUR, O.S.B. (Dòng Biển Đức)

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ https://catholicexchange.com

VẬT LỘN VỚI HÌNH BÓNG ĐEN TỐI

Trình thuật St 32:23-33 cho biết: Đêm đó, ông Giacóp dậy, đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Giápbốc. Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. Ông Giacóp ở lại một mình.

Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Giacóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. Người đó nói: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi." Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là Giacóp.” Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” Ông Giacóp hỏi: “Xin cho tôi biết tên ngài.” Người đó nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?” Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy.

Ông Giacóp đặt tên cho nơi đó là Pơnuên, “vì – ông nói – tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng.” Khi mặt trời mọc, ông đi qua Pơnuên; ông đi khập khiễng vì bị trật xương hông. Bởi thế, con cái Israel, cho đến nay, không ăn cái gân đùi ở khớp xương hông, vì người đó đã đánh vào khớp xương hông của ông Giacóp, vào gân đùi.

* * *

Ngày Sara sinh ra, tôi đã biết ý nghĩa của việc chiến đấu trong cuộc chiến nội tâm giữa ý muốn của tôi và của Chúa. Từ đó, việc vật lộn với những hình bóng đen tối của tôi đã trở nên phổ biến, nhưng không dễ dàng hơn. Thật vậy, nó ngày càng trở nên thách thức – bởi vì Chúa đang kêu gọi tôi đến những nơi sâu thẳm hơn, tăm tối hơn trong tôi mà trước đây tôi không đủ can đảm để đối mặt.

Bóng tối là một khái niệm kỳ lạ. Chúng ta nghe nói về nó như một cái gì đó để tránh né bằng mọi giá. Khi còn nhỏ, chúng ta đã được nghe những câu chuyện đáng sợ về những gì xảy ra trong bóng tối, thường bao gồm những quái vật, yêu tinh, và các loại ma cà rồng. Những cách tiêu biểu mà chúng ta tổ chức lễ Halloween cũng liên quan những thứ rùng rợn chỉ xuất hiện khi trời tối. Ma quỷ cũng vậy, nó có xu hướng ẩn náu như những con gián giữa ban ngày.

Đồng thời, nhiều sự phát triển – thường là nhiều nhất – xảy ra trong bóng tối. Thật vậy, chỉ trong bóng tối mà thôi. Sự giằng co giữa nỗi sợ hãi và việc làm sáng tỏ ý nghĩa của việc tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa là một cuộc chiến nội tâm mà mỗi chúng ta phải đối mặt vào những khoảng thời gian khác nhau trong suốt đời mình: khi chúng ta tự hỏi cuộc hôn nhân của mình sẽ tồn tại hay thất bại; khi chúng ta mất một đứa trẻ do thai lưu hoặc tự tử, hoặc ung thư; khi chúng ta mất việc làm và thấy mình bị hủy hoại về tài chính.

Những hình bóng đen tối này là những phúc lành bí ẩn, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy chúng như vậy vào thời điểm đó. Nhân vật đen tối trong sách Sáng Thế được cho là một thiên thần hoặc chính Thiên Chúa. Dù thế nào, Giacóp vẫn không nhận ra đó là một nhân vật từ trời, cho đến khi bị thương tích. Vết thương mà ông bị ở xương hông vẫn còn với ông – ngay cả khi nhân vật đó đã làm theo yêu cầu của ông và chúc phúc cho ông.

Nhiều vị thánh thần bí đã mạnh dạn tuyên bố rằng Thiên Chúa làm chúng ta bị thương. Một lần nữa, một khái niệm nghịch lý đối với chúng ta, những người đã được dạy để tin rằng tình yêu Thiên Chúa chỉ chữa lành và không bao giờ gây tổn thương. Nhưng loại vết thương xảy ra trong tâm hồn dễ tiếp nhận nó thực sự là vết thương của tình yêu. Đó là sự tham gia về thể lý và thần bí vào các Vết Thương của Đức Kitô.

Tất cả các vết thương đều đau đớn. Tình yêu Thiên Chúa, khi được trải nghiệm một cách sâu sắc và liên tục, là loại đau đớn giống như đau ngực hoặc đau lòng. Nó gây chú ý đến mức người trải qua nó mới đầu tin rằng đó là một hình phạt thay vì ơn phúc. Nó đau dữ dội lắm!

Tại sao vết thương thần bí này lại tiết lộ tình yêu? Bởi vì trái tim được trao cho sự đau khổ nào đó, nhưng lại trao cho Chúa Giêsu kinh nghiệm tột cùng về sự đau khổ đó, là trái tim đang phát triển thành tình yêu lớn hơn, thuần khiết hơn.

Bóng tối không phải lúc nào cũng là nơi cái ác ẩn náu. Hãy nhớ rằng Chúa đã tạo ra bóng tối. Ngay cả tác giả Thánh Vịnh cũng đã nói một cách khôn ngoan: “Đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau.” (Tv 139:12) Điều này là do Thiên Chúa cũng ngự trong bóng tối. Ngài chờ đợi chúng ta gặp Ngài trong bóng tối của chúng ta, bằng cách đối mặt với những vết thương mà chúng ta muốn che giấu, bằng cách trực tiếp đối mặt với nỗi đau và nỗi buồn của chúng ta.

Tôi nghĩ rằng bây giờ tôi dễ dàng nhận ra điều này hơn khi Sara được 9 tuổi và tôi đã vật lộn với hình bóng đen tối của mình trong nhiều năm. Đôi khi tôi tin rằng nó đã đến để làm hại tôi, nhưng khi tôi có một khoảng cách nào đó giữa trải nghiệm dữ dội về nỗi đau của tôi và sự xoa dịu mà thời gian đem lại cho tôi, thì tôi có thể thấy phúc lành của nó rõ ràng hơn.

Trẻ sơ sinh lớn lên trong bóng tối của tử cung người mẹ. Hạt giống nảy mầm dưới đất trong khoảng tối của nó. Sâu bướm chờ đợi để trở thành sinh vật có cánh trong cái kén. Tên của Giacóp được đổi thành Israel sau khi ông yêu cầu nhân vật đó chúc phúc cho mình, ngay cả khi người đó làm ông bị thương, và điều này tượng trưng cho sự biến đổi xảy ra trong mỗi lần hoán cải và biến hóa.

Khi tôi đang chiến đấu với những hình bóng đen tối của mình, tôi có xu hướng khóc lóc, nức nở và cầu xin Chúa trong tuyệt vọng như thể tôi là người ăn mày xin cứu nguy, giải thoát tôi khỏi nỗi thống khổ của tôi, để kết thúc sự giày vò dằn vặt dường như không bao giờ chấm dứt này. Thật ra là tôi nói cho hình bóng đen tối của tôi chúc phúc cho tôi. Tôi đã biết vết thương giáng xuống tôi, nhưng đó không phải là vết thương gây thương tật. Đó là một vết thương những gai nhọn mà Chúa Giêsu đã ban cho tôi như một phúc lành.

Những khoảng thời gian vật lộn này là những hình bóng đen tối khiến tôi mệt mỏi, khô khan, không thể hình thành bất kỳ lời cầu nguyện nào sâu xa hơn lời này: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con.” Dường như giữa những đêm dài của tâm hồn mà Ngài không trả lời. Những thập giá của đời tôi trở nên không thể vượt qua, ngay cả khi tôi phó thác tất cả cho Chúa Giêsu hết lần này đến lần khác.

Nhưng rồi điều kỳ diệu xảy ra khi tôi ở cuối những gì tôi có thể chịu đựng, đôi khi vượt quá những gì tôi có thể chịu đựng. Một phần của tôi được thay đổi. Tôi có thể làm theo một động thái trắc ẩn hơn đối với một vấn đề mà trước đây tôi đã sẵn sàng. Tôi có thể mở rộng trái tim hoặc ngôi nhà của mình với người mà tôi từng coi thường hoặc xét đoán. Tôi nhận thấy sự mềm mại của trái tim, nhưng cũng có sức mạnh mới của trái tim.

Đó là sự kết hợp của sức mạnh và sự dịu dàng xảy ra trong tôi dần dần, nhẹ nhàng. Thiên Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta biến đổi. Ngài chỉ ra dấu bảo chúng ta ngày mai trở nên tốt hơn hôm nay. Can đảm đối mặt với những gì khủng khiếp, khó khăn và thậm chí không thể chính xác là những thứ biến vết thương của chúng ta thành những phúc lành kỳ lạ, dẫn chúng ta đến vùng mới của những gì cuộc sống đang tồn tại trong thời điểm hiện tại. Đó là sự mở rộng đầy phúc lành của niềm hy vọng.

Đây là bài học kinh nghiệm của tôi khi chiến đấu với các hình bóng đen tối: CUỘC SỐNG MỚI LUÔN XẢY RA TRONG BÓNG TỐI.

JEANNIE EWING - https://catholicexchange.com

TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.