SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH_A (2023)

[Cv 6:1-7; 1 Pr 2:4-9; Ga 14:1-12]
ĐỪNG XAO XUYẾN - + ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên
HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
CHÚA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG - Nguyễn Tiến Cảnh.
HÃY YÊU! TÌNH YÊU CHO BIẾT PHẢI LÀM GÌ - Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
CHÚA GIÊSU NGUỔN MỌI SỰ AN ỦI - Phêrô Phạm Văn Trung.
ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
CON ĐƯỜNG CHÚA ĐI - Anna Cỏ May
CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐẾN THIÊN QUỐC - Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD
THEO CHÚA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA - Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Thi ca: DUY NHẤT ĐƯỜNG GIÊSU - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
Thi ca: THẦY LÀ ĐƯỜNG - (Thế Kiên Dominic)
Bài Tin mừng Chúa nhật V Phục sinh đưa chúng ta trở lại với phòng tiệc ly. Trong bầu không khí trầm buồn, các môn đệ đã cảm nhận được cuộc thương khó của Thầy mình. Trả lời cho câu hỏi của ông Phê-rô: Thày đi đâu vậy?”, Chúa Giê-su nói: “Nơi Thầy đi bây giờ, anh không thể theo đến được”. Dường như giữa thày trò có điều không hiểu nhau. Một đàng là Phê-rô dứt khoát đoan hứa trung thành, đàng khác Chúa lại báo trước ông sẽ chối Người. Chính trong bối cảnh này, Chúa Giê-su trấn an các môn đệ: Lòng các con đừng xao xuyến.
Xao xuyến là tâm trạng của người đang lo lắng sợ hãi và bất an. Xao xuyến làm cho người ta mất ăn mất ngủ, đôi khi vì nỗi sợ mơ hồ khó định hình. Tâm trạng của các môn đệ trong phòng tiệc ly là sợ hãi và hoang mang. Độc giả hôm nay cần lưu ý rằng, các Tin mừng đều được viết sau biến cố phục sinh, khi những gì Chúa tiên báo đã được thực hiện. Vì thế, chúng ta phải đặt mình vào tâm trạng của các môn đệ trước Phục sinh. Các ông thực sự chưa hiểu những gì Chúa nói. Có nhiều dẫn chứng trong Tin mừng cho thấy điều ấy.
Để trấn an các môn đệ, Chúa Giê-su mặc khải cho các ông những giáo huấn quan trọng. Những giáo huấn này làm nên cốt lõi đức tin Ki-tô giáo.
Bài học thứ nhất: Đừng xao xuyến, vì Chúa Giê-su ra đi là về nhà Cha. Khái niệm “về nhà Cha” chúng ta thường dùng để diễn tả một tín hữu vừa qua đời. Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Cha, nhờ mạc khải của Đức Giê-su. Chúa Cha là nguồn gốc mọi sự, và là đích điểm mọi loài. Chúa Giê-su từ Chúa Cha mà đến, nay Người lại trở về với Chúa Cha, như trở về với nguồn cội của mình. Việc về với Chúa Cha, khẳng định Người là Con Thiên Chúa. Người đến trần gian để thi hành sứ vụ cứu độ con người. Nay sứ vụ ấy đã hoàn tất, Đức Giê-su như vị tướng lãnh chiến thắng huy hoàng, trở về trong vinh quang và trong lời tung hô của các thiên thần.
Bài học thứ hai: Đừng xao xuyến, vì Chúa cho chúng ta biết tương lai và đích điểm của đời người. Như Chúa Giê-su đã về với Chúa Cha, người tin vào Người cũng được về với Chúa Cha như vậy. “Nhà của Cha Đức Giê-su” cũng là nhà của Cha chúng ta. Giáo lý của Giáo hội dạy chúng ta: chết không phải là hết. Chết là ra đi, là biến đổi. Chết là bước vào cuộc xuất hành mới. Cuộc xuất hành này có đích điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi. Những ai trung tín với Chúa, sẽ được hưởng vinh quang nơi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, trong hạnh phúc viên mãn. Bài Tin mừng này thường được đọc trong Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn, để hướng tín hữu đến niềm hạnh phúc vĩnh cửu, ngay trong lúc thương đau mất đi một người thân. Được soi sáng bởi Lời Chúa, chúng ta là người còn sống, tin rằng người thân của chúng ta ra đi là về với Chúa.
Bài học thứ ba: Đừng xao xuyến, vì chúng ta có Chúa Giê-su là Đấng dẫn đường. Từ cổ chí kim, chưa ai có thể tuyên bố như Đức Giê-su: “Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Đức Giê-su có thể khẳng định điều này vì Người là Thiên Chúa, Đấng Hằng sống và Đấng ban sự sống cho loài người. Nếu con đường về nhà Cha đầy gian nan thử thách, thì chúng ta có Chúa Giê-su là Đường dẫn chúng ta đi. Nếu tư tưởng và lý trí con người dễ lầm lạc, thì chúng ta có Chúa là nguồn Chân lý, giúp chúng ta nhận ra lẽ phải. Nếu con người tự bản tính phải chết, thì Chúa Giê-su, Đấng Phục sinh, sẽ ban cho chúng ta sự sống mới qua nghi thức Thanh tẩy. Nhờ Chúa Giêsu chỉ đường, chúng ta sẽ tiến bước bình an và không sợ lạc lối. Chúa Giê-su khẳng định với các môn đệ: ngay từ bây giờ anh em đã biết Chúa Cha và đã thấy Chúa Cha. Phải hiểu điều này thế nào? Chúa Cha là Đấng vô hình, nhưng con người có thể gặp gỡ Chúa Cha, khi gặp gỡ Chúa Giê-su, bởi lẽ “Ai thấy thầy là thấy Cha”. Đây quả là một huyền nhiệm. Qua Đức Giê-su, con người có thể gặp gỡ Chúa Cha và tâm sự với Ngài.
Bài học thứ tư: Đừng xao xuyến, vì chúng ta được trở nên dân tư tế nhờ Đức Giê-su. Ý niệm “dân tư tế” đã được đề cập trong Thánh lễ Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh. Phụng vụ Chúa nhật V Phục sinh mượn lời trong thư của thánh Phê-rô để nhắc lại vinh dự cao quý này. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, tất cả các Ki-tô hữu đều được chia sẻ ba chức năng của Đức Giêsu: đó là chức năng Ngôn sứ, chức năng Tư tế và chức năng Vương đế. Chức năng tư tế nơi người tín hữu giáo dân khác với nơi các linh mục có chức thánh. Công đồng Vatican II định nghĩa chức năng tư tế của người giáo dân là chức tư tế cộng đồng. Toàn dân Ki-tô giáo đều có chức năng tư tế, để tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa và dâng chính đời sống của mình làm của lễ thơm tho ngọt ngào lên Thiên Chúa. Ba chức năng cao quý này làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su, để cộng tác với Người, đem ơn Cứu độ cho thế giới.
Bài học thứ năm: Đừng xao xuyến, nhưng hãy tin vào sự hiện diện của Chúa Giê-su và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mặc dù Đức Giê-su đã về trời, nhưng Người vẫn hiện diện trong Giáo hội. Bài đọc thứ nhất, trích sách Tông đồ Công vụ nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và tác động của Ngài nơi cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi. Cũng như Chúa Thánh Thần luôn ở với Chúa Giê-su trong sứ vụ loan báo Tin mừng, Chúa Thánh Thần cũng luôn ở với Giáo hội là thân thể huyền nhiệm của Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần là sức sống và là linh hồn của Giáo hội. Nhờ Ngài soi sáng mà Giáo hội kiên vững trước mọi biến cố thăng trầm. Ngay từ ban đầu, các tông đồ đã ý thức được tác động soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm cho các ông nên mạnh mẽ phi thường khi phải điệu ra trước Thượng Hội đồng Do Thái. Tác vụ của bảy vị phó tế đầu tiên, cùng với nghi thức đặt tay xin ơn Chúa Thánh Thần, đã chứng minh điều ấy.
Giữa một cuộc sống đầy bon chen tính toán và bất an bất ổn, Chúa vẫn đang khích lệ chúng ta: đừng xao xuyến. Lời Thánh vịnh 32 trong phần Đáp ca nói với chúng ta: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương; hầu cứu họ khỏi tay thần chết, và nuôi sống trong cảnh cơ hàn”. Như thế, một điều kiện quan trọng để được Chúa gìn giữ khỏi mọi tai hoạ và âu lo, đó là sống công chính. Nơi khác Chúa nói với chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6,35). Những ai tin vững vàng nơi Chúa, sẽ có thể tự tin khẳng định như tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4). mục lục
+ ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên
Thế giới hiện nay chúng ta đang sống súng chưa ngừng nổ, đạn tiếp tục rơi, vũ khí giết người hàng loạt đang rình rập đe dạo con người, khiến cho lòng người xao xuyến, đức tin bị thử thách. Giống như các môn đệ, chúng ta thấy đức tin của mình bị lung lay vì chẳng những cá nhân mình mà cả thế giới đều lo âu, sợ hãi. Lo cho bản thân, lo gia đình, người thân, ông bà cha mẹ và con cái. Sợ loạn lạc, sợ đói khổ, sợ chết.
Lời Chúa Giê su nói: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy " (Ga 14,1), đúng là một tiếng chuông vang thức tỉnh niềm tin của cả nhân loại và trấn an thế giới, một liều thuốc thần tiên giúp chúng ta bớt sợ hãi, an tâm, tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa. Lời ấy đã từng vang vọng bên tai các tông đồ khi tình thầy trò chuẩn bị đôi ngả đôi nơi. Từ giã Thầy yêu quí, tâm trạng các môn đệ không khỏi " xuyến xao", vì họ hiểu rằng con đường Thầy đi qua sẽ là cái chết ; họ lo cho sự sống của chính mình, Thầy chết thì trò chắc gì sống. Thấu hiểu lòng trò, Thầy trấn an: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14, 1). Khi nói thế, Chúa Giêsu không chỉ quả quyết rằng cái chết không thể cầm giữ được Người nữa, Người còn cho các môn đệ biết Người sẽ làm một cuộc xuất hành với các ông để mở lối đi cho dân mới của Thiên Chúa.
Quả thật, Chúa Giêsu là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống. Người chính là Con Đường dẫn đến Chân Lý và Chân Lý ấy dẫn đến Sự Sống đời đời. Đó là việc Chúa Giêsu đang làm cho chúng ta. Người không chỉ đưa ra những lời khuyên dạy, chỉ hướng đi mà thôi, nhưng Người nắm lấy bàn tay và dẫn chúng ta đi. Người cùng đi với chúng ta, đích thân Người thêm sức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Chính Người là Đường dẫn đến Chúa Cha, vì chính Người đã mạc khải Chúa Cha (x.Ga 12,45), tuy Người bởi Chúa Cha mà đến và về với Chúa Cha (x.Ga 7,29-33), nhưng Người lại là một với Chúa Cha (Ga 13,30) vì chính Người là chân Lý và là Sự Sống (x.Ga 3,15).
Chúng ta có thể tóm tắt điều Chúa Giêsu muốn nói: nếu không nhờ Thầy, không ai đến được với Chúa Cha. Chỉ một mình Thầy là Đường đến với Thiên Chúa. Chỉ trong Thầy nhân loại mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Thầy đưa chúng con đến với Thiên Chúa Cha mà thôi.
Chiến tranh leo thang bao nhiêu sinh mạng bị ngã xuống, vũ khí hạt nhân được nhắc đến, gây ra bao lo âu, sợ hãi, không biết rồi sẽ ra sao! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của Israel, Đấng đã cứu dân Ngài vượt qua Biển Đỏ, nay hãy tiếp tục tin vào Ngài và tin vào Đấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô, Người cũng sẽ cứu chúng ta vượt qua dòng nước của sự chết, bởi chính Người: "là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Ai bước đi trên đường Giêsu, thì sẽ về được với Chúa Cha, vì không có con đường nào khác để về cùng Chúa Cha, để đạt tới mục cùng đích của kiếp người, ngoài con đường Giêsu, như Người tuyên bố: "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 6).
Chúa Giêsu là Sự Thật, là Chân Lý; Nhờ Chúa Giêsu chúng ta biết rõ Thiên Chúa đích thực là ai và con người là ai, sinh ra ở trần gian để làm gì và chết rồi sẽ đi đâu. Người mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu, ai yêu thương thì sẽ giống như Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là Sự Sống; Người đến thế gian trao ban sự sống cho con người, để con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Người là Đấng cứu tinh, Người đến giải thoát chúng ta khỏi mọi lỗi âu lo, khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi, nhất là khỏi chết đời đời.
"Thầy đi để dọn chỗ cho các con " (Ga 14,2). Người đi chuẩn bị cho mỗi người một chỗ, đích thân Người sẽ trở lại đón chúng ta đi. Chúa Giêsu đến thế gian ấp ủ trong lòng sự khắc khoải là một ngày nào đó đón được chúng ta về nhà "Cha của Người và cũng là Cha chúng ta, Thiên Chúa của Người cũng là Thiên Chúa của chúng ta" (Ga 20,17) để chia sẻ sự sống thần linh với Thiên Chúa và sẽ sống với Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Chúa Cha.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cứu chữa và giải thoát chúng con khỏi xuyến xao, lo âu, sợ hãi và cái chết hôm nay. Lạy Mẹ Maria, giữa bao nghịch cảnh của cuộc đời, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa như Mẹ. Amen. mục lục
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
CHÚA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
Chúa Giêsu đã nói “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” Cách nói này đã diễn tả một cách rất vắn gọn ý nghĩa thực của Đạo. Đi đúng “đường”, hiểu biết đúng “sự thật” thì sẽ có “đời sống thực sự”. Hai bài đọc 1,2 và bài Tin Mừng Phúc Âm Gioan của Chúa Nhật này là những bổ túc cho ý nghĩa thâm sâu đầy súc tích ấy về đạo.
Bài đọc 1 (Cv 6:1-7) nói về cuộc tranh luận giữa người Hellenist và người Do Thái. Người Hellenists được kể như là dân Do Thái theo Kitô giáo nói tiếng Hy Lạp, người Do Thái thì nói tiếng Aramaic. Người Hellenists cảm thấy có sự khác biệt trong cách đối sử ở những bữa ăn chung trong cộng đồng.
Sách Công vụ Tông đồ trình bày câu chuyện kêu gọi các môn đệ và truyền chức phó tế đầu tiên trong Giáo Hội. Câu chuyện ngắn này nói về nỗi buồn phiền đã xẩy ra trong một Giáo Hội còn non trẻ. Sách Công vụ Tông đồ cho thấy Giáo Hội sơ khai lúc đó đã cố gắng xây dựng đoàn kết trong đời sống cộng đồng và tình nghĩa môn đệ, để rồi vươn tới một tình bác ái (x. Cv 2:42-47). Tuy nhiên ở đây có điều bất ổn vì một số người than phiền là nhu cầu của họ không được đặc biệt để ý tới như những người khác. Nhất là những thành viên nói tiếng Hy Lạp, là những góa phụ bị quên lãng “không được phân phát thức ăn hằng ngày”. Niềm đau này đã có trong Giáo Hội dưới nhiều hình thức. Người Hellenists thì có hai khác biệt rõ ràng về văn hóa và ngôn ngữ. Tình trạng thiên kiến này đã xẩy ra ở Giáo Hội sơ khai tại Jerusalem rồi lan tới các Giáo Hội truyền giáo ở những nơi khác.
Cũng cần phải để ý là bảy người được chọn làm phó tế lúc đó đều là những người Hy Lạp. Họ là những người Hellenists và phải phụ thuộc vào các tông đồ là những người giữ truyền thống để được trao cho một phần quyền hành qua lời cầu nguyện và đặt tay trên họ. Sách công vụ tông đồ thì nói rõ ràng về những trách nhiệm của các tông đồ: Họ là những thừa tác viên có nhiệm vụ cầu nguyện và giảng Lời Chúa. Trách nhiệm của bảy người phó tế được chọn này thì không rõ ràng nhưng coi như là để tham dự vào việc phục vụ cho những nhu cầu của những người thường bị quên lãng, cụ thể là những góa phụ là những người mà Thiên Chúa hứa phải bảo vệ và cần được giúp đỡ (x. Jeremiah 49:11). Thánh Luca cho thấy việc mở rộng quyền lãnh đạo của các Tông đồ đã rất thành công vì các Tông đồ được rảnh rang để loan truyền Lời Chúa giúp cho Giáo Hội tiếp tục lớn mạnh. Việc xung đột nội bộ này đã giúp cho Luca thấy được nhu cầu cần phải mở rộng nhiều mục vụ khác nhau khi mà Giáo hội lớn mạnh và trưởng thành.
Với bài đọc 2 (1 Pr 2:4-9) thánh Phêrô đã dùng Kinh Thánh làm ẩn dụ để nói về cách xây dựng ngôi nhà Giáo Hội được xây bằng những viên đá sống động là những giáo dân mà nền nhà là một tảng đá lớn là Chúa Giêsu.
Trong thư thứ nhất, thánh Phêrô nói về một nhóm Kitô hữu ở Tiểu Á bị hy sinh vào thời Neron và thị trấn Roma bị đốt cháy vào năm 64 AD. Đây là một trong bảy thánh thư của các Tông đồ -còn gọi là thư phổ quát- nói về quyền bính của Phêrô để khuyến khích người Kitô hữu nên kiên trì với hy vọng cứu chuộc qua Chúa Kitô dù cho bị thế gian chối bỏ và truy nã đắng cay.
Với một ngôn từ sống động, bức thư diễn tả sức mạnh cá nhân và niềm tin cộng đồng của những người đến với Chúa Kitô. Người Kitô hữu được miêu tả như những “viên đá sống động” xây thành ngôi nhà tâm linh mà nền nhà là Chúa Kito là một đá tảng. Dù Chúa bị loài người chối bỏ nhưng Thiên Chúa Cha đã chọn Người. Với “đá tảng sống động” này, đền thờ Giáo Hội sẽ vững chắc và không thể bị phá hủy. Theo Isaiah 28:16, Chúa Kitô chính là đá tảng của Giáo Hội, một loại đá “quí báu đã được chọn.”
Do đó, niềm tin vào Chúa Kitô được coi như là một tặng phẩm có giá trị. Đối với những người không có niềm tin, dĩ nhiên họ có lý khi từ chối tặng phẩm đó, bởi vì họ không có hay không biết cách để nhận ra cái giá trị ấy. Lại nữa, theo tiên tri Isaiah, thì tảng đá bị từ chối này đã trở thành vấn đề lớn đối với chính dân của Người. Chúa Kitô là Đá này“sẽ làm cho nhiều người sa ngã” đối với những ai không tin (x. Isaiah 8:14). Không tin thì bị quở trách vì không vâng lời.
Sau cùng, kết luận của bức thư nói lên giá trị của việc những hòn đá sống động cùng nhau xây dựng. Người Kitô hữu vui hưởng sự chọn lựa của mình vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô. Tuy nhiên, như trong sách Xuất Hành (Exodus) mà Phêrô đã nêu ra, khi Thiên Chúa chọn dân Israel làm “dân riêng của Người” thì Người cũng đặt họ vào hàng “tư tế vương quốc hay một quốc gia thánh” (x. Xh 19:6). Chỉ định này cũng đi theo với trách nhiệm. Khi bị truy tố tù đầy, người Kitô hữu không được trốn tránh và che dấu, nhưng phải tuyên xưng lời ngợi khen Thiên Chúa. Đến với Chúa Kitô là buộc phải từ chối bóng tối của vô minh, của không hiểu biết và tội lỗ, đồng thời phải ngụp lặn trong “ánh sáng kỳ diệu của Chúa.”
Qua bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay (Ga 14:1-12), Chúa Giêsu đã bảo đảm với các Tông đồ là “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” Thiên Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha. Ai tin vào Chúa Giêsu thì sống và hành sử theo cách của Thiên Chúa.
Chương 14 của Tin Mừng Gioan là một phần của bài nói chuyện của Chúa Giêsu với các Tông đồ vào bữa tiệc ly. Gioan cho thấy Chúa Giesu đã biết rất rõ về niềm tin của các Tông đồ lúc đó thì rất yếu khi mà họ phấn đấu để cố tìm ra một đường hướng phải theo khi Chúa không còn ở với họ để hướng dẫn họ nữa. Chúa bảo các môn đệ đừng có sợ, là Người ám chỉ đến cái chết và phục sinh của Người, ngay cả khi Người trở lại. Vào thời Gioan viết Tin Mừng của ông thì sự hiểu biết về việc Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai không có thay đổi nhiều kể từ lúc một vương quốc đầy quyền uy được thiết lập cho đến khi mọi người đều tin vào việc Chúa Kitô sẽ trở lại để tụ họp tất cả những ai tin vào Người. Vì lý do đó mà Chúa Giêsu đã nói về việc phải chuẩn bị trước “nhiều chỗ ở” cho tất cả mọi người đang chờ mong ngày giờ Chúa trở lại.
Để trả lời việc Chúa nói về sự ra đi của Người, ông Tôma đã nói lên những lo lắng và ưu tư chính của tất cả các môn đệ là “Chúng con không biết Thầy sẽ đi đâu.” Chúa Giêsu đã trả lời:“Ta là đường, là sự thật và là sự sống.” Người Kitô hữu cũng được gọi là“đường” (Cv 9:2). Những từ “sự thật” và “sự sống” cũng được hiểu là đường. Rất đơn giản, theo Tin Mừng Gioan, có niềm tin là có suối nguồn của sự thật và sự sống. Đôi lúc niềm tin của người Kitô hữu bị lung lay và suy giảm là vì Chúa Giêsu chưa trở lại. Cách Chúa tự diễn tả về mình là có ý giúp cho niềm tin đó của họ được vững mạnh.
Chúa Giêsu nói: đi sát và hành sử theo cách của Người là con đường duy nhất để mọi người có thể đến được với Thiên Chúa. Tuy nhiên các môn đệ vẫn còn bối rối và ưu tư chưa thỏa mãn vì chính mắt họ vẫn không “nhìn thấy” được Thiên Chúa. Khi Phillíphê đặt vấn đề này ra thì Chúa Giêsu bèn quở trách tất cả các ông là đã không nhìn ra và chẳng hiểu gì cả về sự thiết thân giữa Chúa và Cha Người. Sự thân mật này đã được nói đến xuyên suốt trong Tin Mừng Gioan, bắt đầu ngay ở lời mở đầu nói về Kito học, diễn tả Chúa Giêsu là LỜI ở cùng Thiên Chúa từ trước khi có trời đất vũ trụ (x. Ga 1:1). Đối với những ai đọc Gioan mà không thể nhìn thấy Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt thì phải dựa vào niềm tin của mình và hoàn thành những việc lớn lao vì danh Người thì đã là những dấu chỉ đủ để biết Con Người và Cha Người là một. Những ai đã nhìn thấy Chúa bằng con mắt niềm tin thì cũng nhìn thấy “đường, sự thật và sự sống.” Thị kiến này còn vĩ đại hơn bất cứ một một cái gì có được do nhận thức, ý thức hay cảm thấy của một người thường trần tục. mục lục
Nguyễn Tiến Cảnh.
HÃY YÊU! TÌNH YÊU CHO BIẾT PHẢI LÀM GÌ
Tuần rồi, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành đã và vẫn chăn dắt đàn chiên của Người là chính chúng ta trong tình yêu. Nhưng mối tình ấy không đơn thuần là tình của những người yêu nhau (bạn bè, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em… chẳng hạn), trao tặng cho nhau. Nó không đơn thuần là tình yêu trên phương diện con người. Nhưng là tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên Chúa đã làm người. Tình yêu của Chúa Kitô, vì thế, là thứ tình quý giá vô cùng.Đó là thứ tình yêu có một không hai, ngoài Chúa Kitô, ta không thể có được, càng không thể tìm kiếm bất cứ nơi đâu.
“Thiên Chúa làm người”, nói thì đơn giản, thực tế đó là cả một triết lý cao sâu, nhưng không thuộc về lý trí, lại vượt lên trên tất cả những gì mà lý trí có thể nắm bắt.
Đó là chân lý tuyệt đối, chân lý thuộc về mầu nhiệm đức tin, một mầu nhiệm lớn mà con người chỉ có thể sống bằng sự cảm nghiệm và lòng tin.
Vừa là triết lý nhưng không thuộc về lý trí, lại là mầu nhiệm của đức tin, bởi ta không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng nổi vì sao lại có một tình yêu vĩ đại đến thế, tình yêu của Đấng quyền năng, cao trọng vô cùng, vượt trên tất cả mọi loài, mọi sự, còn hơn thế, là chủ tể của mọi loài, mọi sự, lại có thể hạ mình để nên một trong những thụ tạo do chính mình dựng nên.
Nhưng điều mà loài người không một chút mảy may hiểu được, càng không bao giờ dám nghĩ tới, lại là sự thật. Thiên Chúa đã làm nên và đã trao ban sự thật rất đỗi kỳ diệu để làm bằng chứng hùng hồn, chứng minh tình yêu quá sức lớn lao của Người.
Bởi vậy, nhìn vào tình yêu cuồn cuộn và mãnh liệt, không bờ bến của Thiên Chúa, ta hãy đặt bước chân đời mình vào những bước yêu thương của Thiên Chúa để sống với nhau, sống cho nhau, hiến thân vì nhau.
Với kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu, chúng ta dám khẳng định, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khăn đó lớn đến đâu đi nữa, để chỉ thỏa mãn một điều kiện duy nhất: làm cho người mình yêu hạnh phúc.
Cả cuộc đời Chúa Giêsu là thế: Chúa chấp nhận trao hiến chính mình để mưu cầu hạnh phúc cho ta. Bởi khi sinh ra làm người trong thân phận một bé thơ, người san sẻ đến cùng thân phận cùng cực, mong manh, yếu đuối của ta. Suốt ba mươi năm sống thầm lặng trong gia đình Nadarét, bên cạnh Đức Maria, thánh Cả Giuse, Chúa Giêsu đã cùng đồng hành với những người nghèo hèn, chấp nhận sống nghèo, sống vất vả.
Ba năm rao giảng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ, loan báo Nước trời cho trần gian. Chúa chấp nhận chết đau thương, ai oán vì lợi ích phần rỗi của chúng ta. Sự sống sau phục sinh của Chúa, không phải chỉ vì vinh quang của chính Chúa mà thôi, nhưng Chúa sống lại là để ta được sống đời đời.
Rồi hôm nay, chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người ấy, trước khi từ giã các môn đệ đã nói những lời hết sức cảm động, những lời yêu thương tràn đầy, mang dáng dấp của sự lưu luyến thẳm sâu: “Thầy đi dọn chỗ cho các con, rồi Thầy sẽ trở lại mang các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy”.
Những lời hết sức tâm tình, ấm áp, chất chứa một tình mến không gì sánh nổi ấy, cũng là lời đầy an ủi không chỉ riêng cho các tông đồ ngày xưa, nhưng còn cho mỗi môn đệ của Chúa hôm nay.
Lắng nghe lời trăn trối chất chứa nỗi lòng yêu thương và an ủi của Chúa Giêsu, ta chấp nhận cuộc sống của chính mình, dẫu còn đó nhiều long đong, khổ ải, để như Chúa Giêsu, khi đã đi qua cuộc đời này, chúng ta được cùng Người đến nơi mà chính Người đã đến và đã dọn sẵn cho ta.
Hóa ra cũng giống như cả cuộc đời trần thế để hiến thân, để ban tặng, sau khi phục sinh, Chúa về trời, thì sự được tôn vinh trên trời ấy cũng lại quy về chúng ta. Ra đi, nhưng không phải vĩnh biệt mà là chuẩn bị, là “dọn chỗ” để “Thầy ở đâu, các con cũng ở đó”.
Hạnh phúc quá đỗi, vinh dự quá đỗi cho loài người. Tưởng chừng bản thân mỗi người chỉ là mong manh, là nhỏ bé, là khó có thể hoàn thiện, lại được chính Thiên Chúa là Chúa của mình yêu thương cúi xuống để cứu chữa, để nâng đỡ, để phục vụ mình. Một tình yêu không thể tưởng tượng, chỉ còn có thể lặng đi mà chiêm ngưỡng, mà cảm nghiệm.
Cả cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra, lớn lên, đi rao giảng, chịu đóng đinh, chết, sống lại, lên trời, đều vì chúng ta, vì hạnh phúc vĩnh cửu của loài người.
Chỉ có một tình yêu lớn lao như tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên Chúa đã làm người, mới có thể mạnh mẽ, mãnh liệt như thế, mới trở nên quá đỗi kỳ diệu và tuyệt vời như thế.
Chúng ta nói với nhau, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khắn đó lớn đến đâu, để làm cho người mình yêu hạnh phúc. Thì đây, Chúa Kitô là như thế. Tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu vượt thắng, vượt lên trên mọi khó khăn, mọi thách đố để mang lại hạnh phúc cho ta, những kẻ được Người yêu mến vô cùng.
Hôm nay Chúa vẫn đang mời gọi hãy yêu thương, hãy bắt chước chính Chúa mà sống đời sống yêu thương.
Không có mẫu số chung để bày tỏ lòng yêu thương cho hết mọi người, mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy yêu. Tình yêu sẽ dạy ta biết phải làm gì để bày tỏ lòng yêu thương và sống lòng yêu thương suốt đời mình.
Người ta kể rằng, Helen Keller là một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở nên không còn xa lạ với thế giới. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh trở thành mù lòa và câm điếc suốt đời. Thế giới âm thanh và màu sắc đã đóng chặt cánh cửa lại với cô.
Làm sao để có thể truyền đạt kiến thức cho một người vừa câm, vừa điếc, lại mù lòa? Helen Keller và cả cha mẹ cô đều chịu thua, hầu như cô và mọi người đã đầu hàng số phận.
Nhưng có một “thiên thần”, bằng tình yêu, sự hy sinh của bản thân đã “làm phép lạ” để giúp đỡ cô. Vị thiên thần có cái tâm cao cả đó chính là cô giáo Anna Sullivan. Anna đã không chạy trốn khi đến với người học trò quá bất hạnh của mình. Hy vọng duy nhất mà cô có thể truyền thông kiến thức và liên lạc với Helen Keller là tiếp xúc với đôi bàn tay của cô gái này.
Đúng là phép lạ cả thể. Chỉ với ngôn ngữ tiếp xúc trên đôi bàn tay, Helen Keller đã có thể học xong đại học, lấy bằng tiến sĩ, và trở thành nhà văn nổi tiếng khắp thế giới.
Chính trong nỗi bất hạnh tưởng như tột cùng của mình, Helen Keller lại là người hạnh phúc. Bởi cô có được một người thầy đẹp quá, đáng yêu quý, đang trân trọng, đáng cho tất cả mọi người noi gương biết bao nhiêu.
Chỉ có tình yêu chân thực, người ta mới có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Chúa Kitô, chính vì yêu, đã cúi xuống cho ta.
Chúa sống lại để trả lại hạnh phúc đời đời do chính ta đã đánh mất trong tội. Nay Chúa về cùng Cha để hạnh phúc của ta nên trọn, đúng như lời Chúa: “Thầy đi dọn chỗ cho các con…”.
Bởi vậy, như Chúa Giêsu, ta cũng được mời gọi mang lại hạnh phúc cho anh chị em quanh mình. Câu chuyện về cô giáo Anna Sullivan và người học trò bất hạnh Helen Keller là một điển hình để bạn và tôi có thể lấy làm bằng chứng sống mà tìm ra đáp số củng cố lòng yêu thương nơi chính mình. mục lục
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Một trong những điều Chúa muốn chúng ta cảm nghiệm là sự bình an nội tâm. Thay vì lo âu, Chúa muốn chúng ta biết tĩnh lặng nội tâm. Khi cuộc sống bên ngoài khó khăn, Chúa muốn chúng ta bình an trong lòng.
Thánh vịnh 131:2 có viết: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.” Thay vì khó chịu và tức giận vì những điều thực sự không quan trọng, hãy lặng lẽ an vui.
Châm ngôn 17:27 có viết “Người nói năng dè dặt là người hiểu biết, kẻ giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan.” Một trong những lý do tại sao chúng ta để cho những điều như lo lắng, tức giận, sợ hãi và cay đắng xâm chiếm mình là vì có một số điều chúng ta không hiểu về hoàn cảnh, về bản thân hoặc về người khác, nhất là không hiểu về Thiên Chúa. Do đó chúng ta không có vũ khí chống lại cuộc tấn công của Satan nhằm hạ gục chúng ta vì lo lắng hoặc sợ hãi. Chúa nói với bạn và tôi hôm nay: “Cứ bình tĩnh và im lặng.”
Nhưng làm thế nào để để lớn lên trong sự hiểu biết và cảm nghiệm sự bình an nội tâm mà Kinh thánh nói đến? Chúa Giêsu giải thích điều này trong bài Tin mừng hôm nay.
Chúa Giêsu bắt đầu nói: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14:1). Hôm nay chúng ta có gặp rắc rối không? Rắc rối về đời sống hôn nhân của mình? Về tài chính của chúng ta? Về sức khỏe của mình? Về những gì mọi người sẽ nghĩ? Về những gì đã được thực hiện và còn có thể được thực hiện? Đây là những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta. Ngài nói: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:4).
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài và chúng ta, hãy đặt niềm tin vào những gì mà Ngài hứa sẽ mang lại sự can đảm và sức mạnh mới cho cõi lòng đang xao xuyến của chúng ta.
Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tin vào một con người.
Đầu tiên, Chúa Giêsu bảo chúng ta tin vào một con người. Khi một đứa trẻ sợ hãi trong đêm tối, nó tìm đến cha mẹ để được che chở. Đứa trẻ sẽ bám lấy bố hoặc mẹ và bắt đầu cảm thấy an lòng. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tìm đến Ngài như con trẻ. Ngài nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Ngài muốn nói với các môn đệ: “Như anh em tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy tin tưởng vào Ta, bởi vì Thiên Chúa và Ta là Một. Ngài là Chúa Cha và Ta là Chúa Con, là một Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã chứng minh điều này bằng cách đi bộ trên mặt nước, dẹp tan bão tố, chữa lành người bệnh, khiến người chết sống lại và những phép lạ khác mà chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được. Chúa Giêsu đang yêu cầu các môn đệ tin vào một Con Người, chính là Ngài.
Chúng ta tự hỏi: “Tôi có tín thác vào Ngài không?” Tôi có tin Chúa Giêsu là Đấng đầy quyền năng và đầy lòng xót thương như Chúa Cha không: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14: 10-11). Lời này của Chúa Giêsu được chính Ngài công bố hai lần liên tiếp, một lần dưới dạng câu hỏi dành riêng cho Philíphê: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14: 10), lần thứ hai dưới dạng một lệnh truyền nhưng mang tính khuyến khích cổ võ: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Tôi có tin những gì Ngài làm là chính Chúa Cha làm không: “Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Ngài làm những việc của mình” (Ga 14: 11)? Tôi có đặt niềm tin vào Chúa Giêsu để được hướng dẫn vượt qua những âu lo xao xuyến và đến với những việc lớn lao mà Ngài đã hứa không: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa”? (Ga 14:12).
Chúa Giêsu bảo chúng ta tin vào một nơi ở
Để giúp chúng ta mạnh mẽ khi gặp khó khăn, Chúa Giêsu bảo chúng ta tin vào một nơi. Chúa Giêsu nói: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14:2). Không có minh họa hay ví dụ nào có thể thực sự ngang bằng với những gì Chúa Giêsu đang thực sự nói ở đây. Chúng ta hãy tưởng tượng, một người đàn ông nhận một công việc mới ở một thành phố mới. Ông bắt đầu chuyển gia đình đến đó, nhưng ông ấy phải đi trước họ, bắt đầu công việc của mình và mua một ngôi nhà. Các con ông không hiểu tại sao ông phải ra đi và tại sao phải mất một thời gian dài như vậy chúng mới có thể gặp lại người cha thân yêu. Ông bế một đứa con lên và nói: “Bố sẽ đi trước các con. Bố sẽ xây ngôi nhà mà chúng ta đã nói đến, chuẩn bị phòng cho các con. Bố sẽ trở về đón các con đến đó, các con sẽ có một khoảng sân rộng để đi xe đạp, một khu vườn đầy hoa.” Đây là điều mà Chúa Giêsu đang làm cho chúng ta, nhưng một cách lớn lao và sâu sắc hơn. Ngài đang khuyến khích chúng ta, con cái của Ngài, suy nghĩ về tương lai tuyệt vời mà Ngài đang hoạch định cho chúng ta trong ngôi nhà mới là thiên đàng.
Chúng ta có bao giờ căng thẳng trong công việc và nghĩ về kỳ nghỉ trong hai tuần không? Ý nghĩ về kỳ nghỉ đó mang lại sự nhẹ nhõm và niềm vui để vượt qua căng thẳng trong cuộc sống. Thiên đàng cũng sẽ tương tự như vậy cho chúng ta. Thiên đàng khởi đầu từ đây và bây giờ, nơi Chúa Giêsu gọi là “nhà của Cha Thầy.” Nhà của Cha Trên Trời thì hoàn toàn khác các ngôi nhà trần gian. Đó là một ngôi nhà luôn có sự hiện diện của Cha, của bình an, tình yêu, niềm vui và sự đón nhận nhau. Khi nghĩ về “ngôi nhà” này mà chúng ta đang hướng đến, tâm hồn chúng ta được xoa dịu và đem lại chúng ta bình an trong một thế giới không như mong đợi hiện nay. Mọi thứ và con người trên thế giới này sẽ khiến chúng ta đau đớn, tổn thương và thất vọng, nhất là khi chúng ta mất đi một người thân yêu. Biết có thiên đàng ở đích đến giúp chúng ta tiếp tục leo núi và không bỏ cuộc. Có nhiều thứ thiện hảo Thiên Chúa dành sẵn cho cuộc sống mà chúng ta chưa thể thấy bây giờ, ở nơi Chúa Giêsu gọi là “Nhà của Cha”.
Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tin vào một lời hứa.
Chúa Giêsu bảo chúng ta tin vào một lời hứa: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).
Chúa Giêsu nói: “Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy.” Không ai biết khi nào, nhưng Chúa Giêsu sẽ trở lại. Đó là một lời hứa. Ngài đã giữ mọi lời hứa trong Lời Ngài và Ngài sẽ giữ lời hứa này. Chúng ta không nghi ngờ gì, nhưng trong khi chờ Ngài trở lại, chúng ta cần phải sống cho Ngài. Vì Chúa muốn ở với chúng ta. Chúa muốn đi chơi với chúng ta. Chúa muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi. Thật tuyệt vời khi chúng ta được ai đó muốn như vậy phải không? Vợ tôi/ chồng tôi muốn tôi ở bên. Các con tôi muốn tôi ở bên. Những đồng nghiệp cũng muốn tôi ở bên. Chúa muốn chúng ta ở bên Ngài: “Để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Bạn và tôi không cảm thấy vui mừng hoan hỉ và hạnh phúc tràn đầy khi ngẫm nghĩ về lời Chúa Giêsu vừa nói sao?
Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tin vào một kế hoạch.
Chúa Giêsu nói: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:4). Có thể chúng ta cũng sẽ hỏi như ông Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14:5). Vậy thì hôm nay chúng ta hãy nghe và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
Điều đó nghĩa là gì và làm thế nào để đạt tới đó? Cha Anthony de Mello, một linh mục Dòng Tên người Ấn Độ và nhà trị liệu tâm lý, có viết một câu chuyện như sau: “Một hôm lang thang trên phố, tôi thấy một cửa tiệm với hàng chữ: Tại đây có bán chân lý”. Tò mò tôi bước vào. Cô bán hàng niềm nở đón tiếp tôi và hỏi: “Ông muốn mua loại chân lý nào? Chân lý từng phần hay chân lý toàn diện?”. Tôi cho cô biết dĩ nhiên tôi đang đi tìm thứ chân lý toàn diện, thứ chân lý không pha trộn giả dối, thứ chân lý mà lý trí tôi phải đầu hàng vô điều kiện.
Cô bán hàng nhìn tôi lắc đầu rồi chỉ sang một cửa tiệm khác, nơi có bán thứ chân lý mà tôi đang đi tìm. Ông bán hàng nhìn tôi với lòng thông cảm. Ông chỉ cho tôi xem giá cả của món hàng mà tôi muốn mua, rồi nói với tôi: “Thưa ông, giá của món hàng rất cao”. Đã cương quyết mua cho được chân lý toàn diện, tôi liền hỏi: “Giá bao nhiêu, xin cho tôi biết”. Người bán hàng trả lời: “Nếu ông muốn mua thứ chân lý này, ông phải trả bằng cả cuộc sống của ông”. Tôi bước ra khỏi cửa tiệm, lòng buồn rười rượi.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta, giống như người đi tìm chân lý trong câu chuyện, chưa tin tưởng đầy đủ và sống trọn vẹn đời mình cho Đấng tự xưng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Giêsu, chứ không phải luật lệ hay nghi lễ, là con Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống. Mỗi người chúng ta có quyết định tin tưởng nơi Ngài và tín thác đời mình cho kế hoạch của Ngài không?
Căn tính, sứ mạng và mục đích sau hết của cuộc đời chúng ta là gì nếu không phải là những lời thánh Phêrô nói trong bài đọc thứ hai: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2: 9). mục lục
Phêrô Phạm Văn Trung
Cha phó có dáng người cao, hơn 1m8, thân hình vạm vỡ như một lực sĩ. Người đang đứng ở tiền sảnh nhà thờ, chào hỏi các tín hữu dự lễ xong ra về. Một em gái bước ra. Em cao chưa tới 1m, trông thật dễ thương. Em ngước nhìn lên vị linh mục khổng lồ và nói điều gì đó mà ngài không nghe được. Ngài cúi xuống và bảo em nhắc lại điều vừa nói. Với một giọng lanh lảnh, em hỏi : “Thưa cha, mắt Thiên Chúa màu gì ?” Do dự một lúc, vị linh mục đáp : “Đen, như mắt con vậy.” Em bé tí hon được thỏa mãn, chớp mắt mỉm cười, và rồi chạy đi kể cho mẹ nó.
1. Thầy là Đường.
Một số lớn chúng ta cũng giống như em bé gái. Có lẽ chúng ta không hỏi xem mắt Thiên Chúa màu gì, nhưng nhiều người lớn cũng như nhỏ muốn biết : “Thiên Chúa giống như cái gì ?” Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho chúng ta một manh mối khi Người công bố: “Ai xem thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha”, đồng thời còn mạc khải cho ta nhiều khía cạnh khác trong mầu nhiệm phong phú của Người mà mỗi cuộc gặp gỡ Người đều giúp ta khám phá ra thêm.
Trước hết, Người mời gọi chúng ta du hành để khám phá ra Người là đường. Du hành là chủ đề của chương 14, với động từ chính yếu là “đi” (cùng hai từ tương đương: “đến”, “trở lại”) và với danh từ chính yếu là “đường” : “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” - “Thầy đi đâu, Tô-ma hỏi, cho chúng con biết đường nào!” - “Thầy là Đường”. Hình ảnh thật đẹp, nhưng muốn nói điều gì đây? Một người có thể làm hướng đạo, nhưng không bao giờ là con đường cho chúng ta cả ! Đức Thích Ca từng nói với môn đệ mình chỉ là kẻ hướng dẫn, ngón tay chỉ mặt trăng. Mọi nhà sáng lập tôn giáo khác (trừ Đức Giê-su) cũng chỉ như vậy.
Một khẳng định khác rất cô đọng sẽ giải thích hết thảy : “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Câu này ám chỉ Hội Thánh là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô Phục sinh mà tất cả mọi phàm nhân phải đi vào, để kết hợp với Người như chi thể với đầu, ngõ hầu có thể tiến đến Chúa Cha mà hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Khẳng định “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu rỗi” phải được hiểu trong viễn ảnh như vậy. Tiếp theo là một chuỗi những từ quen thuộc của thánh Gio-an: biết, thấy, tin, ở lại… Đi đến với Cha chính là nhận biết Cha, “các chỗ ở” của Thiên Chúa nằm ngay trong con người. Chúng ta được kêu mời tham gia một cuộc du hành bất động.
“Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”, Phi-líp-phê nói thế, tưởng đã hiểu. Thánh Gio-an thích trình bày những lối hiểu nông cạn như vừa thấy, chúng tạo dịp cho Đức Giê-su đưa thính giả mình đến “chỗ khác” của mầu nhiệm. Người quở mắng Phi-líp-phê bằng một lối hài hước hơi nhuốm vẻ chán nản: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!? Anh muốn Thầy làm cho Người xuất hiện ư? Còn Thầy thì sao? Đã lâu thế mà anh vẫn không nhận biết Thầy à?” Người ta cảm thấy có một mạc khải lớn lao đang đến. “Phi-líp-phê, anh không tin Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Cuộc du hành của chúng ta là thế: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Đơn giản, vắn gọn! Điều đó có nghĩa nếu chúng ta muốn có một vài ý tưởng về Thiên Chúa, thì hãy ngắm nhìn Đức Giê-su, Đấng Thiên Chúa làm người. Điều Người nói và việc Người làm tỏ cho chúng ta biết và thấy Thiên Chúa.
2. Thầy là đích.
“Thấy” Đức Giê-su là thấy Thiên Chúa ! Nhờ thánh Gio-an, ta biết “thấy” chính là đi suốt hành trình đức tin, là khám phá và tin yêu Người ngày càng sâu xa, mạnh mẽ. Lúc ấy, điều ta “thấy” trong Đức Giê-su chính là mầu nhiệm Người kết hiệp với Cha Người, mầu nhiệm Ba Ngôi. Kết hiệp không phải theo lối cận kề, song là đồng bản tính và nhất là đồng bản thể. Nhưng biết diễn tả cái không thể diễn tả với những từ nào đây? Thánh Gio-an dùng từ “ở” vậy: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Tất cả những gì Đức Giê-su có, tất cả những gì Đức Giê-su làm, tất cả những gì Đức Giê-su biểu lộ, có thể nói đều giúp chúng ta sờ được Chúa Cha. Vì thế chính Đức Giê-su vừa là đạo (đường) dẫn về với Cha, vừa là đích ta sẽ đạt tới cuối và trong cuộc lữ hành: “Thầy cũng là sự sống”.
Thật thế, mỗi hành vi tin kính Đức Giê-su không chỉ là một bước về với Chúa Cha mà đã là kết hiệp với Chúa Cha rồi. Tin chính là cuộc hành trình nội tâm đưa chúng ta xâm nhập vào Thiên Chúa trong Đức Giê-su: “Thầy ở đâu thì Thầy muốn anh em cũng ở đó nữa.” Khi kết hợp với Người là chúng ta sống ngay bây giờ trong các Chỗ ở ấy. Chính Đức Giê-su nói với chúng ta như thế, bằng không làm sao dám mơ tới những chuyện như vậy? Hóa ra mục đích của phàm nhân chẳng nằm ở trong phàm nhân, nhưng trong Thiên Chúa! Nhân loại đi về “nơi” Đức Giê-su ở. Con người được “lập trình” để trở nên “như Thiên Chúa” trong Đức Giê-su. “Anh em đừng xao xuyến” là vì vậy. Và đó là tất cả sự thật về Thiên Chúa và về con người. Thảo nào Đức Giê-su gộp cả 3 thực tại làm một nơi bản thân mình: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Thần học gia Schnackenburg đã tóm kết như sau: “Vì Đức Giê-su mạc khải sự thật dẫn đến sự sống và vì Người cung cấp sự sống đích thực cho kẻ chấp nhận sự thật ấy trong đức tin rồi đem ra thực hành, thì Người dẫn kẻ tin vào Người đến cùng đích cuộc sống đương sự, tức Chúa Cha, và như thế Người trở nên con đường”.
“Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai yêu mến Thầy, thì sẽ tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,20.23). Mỗi khi đứng trước những lời này, chúng ta nên tự hỏi: trong lúc có thể sống điều ấy, thì chúng ta đã sống cái gì ? sống ra sao ? Chúng ta làm gì để tâm hồn chúng ta trở nên Chỗ ở cho Thiên Chúa? Hay đã miệt mài để nó trở nên chỗ ở của ham muốn, đam mê, dục vọng? Con đường và đích điểm bạn đang chọn nằm ở đâu? mục lục
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Khi muốn đến với ai đang ở xa hay đến một nơi nào đó, trước tiên chúng ta phải biết đường đi và địa chỉ nơi ở. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc tìm đường. Vì chúng ta đã có phương tiện hữu ích là Internet. Chúng ta chỉ cần gõ tên đường, địa chỉ nơi ở là sẽ được hướng dẫn đi đến tận nơi. Đó là việc tìm đường đi ở thế gian. Còn đường đi đến Nước Trời thì sao?
Ông Tôma, sau khi nghe những lời nhắn nhủ yêu thương của Thầy, đã nói: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). Câu hỏi của ông không hẳn là sai, vì ông thuộc về thế gian nên chỉ biết hỏi chuyện ở thế gian (x Ga 3,31). Ông nghĩ rằng muốn đến với Thầy phải biết đường đi và chỗ ở của Thầy. Ông chỉ dừng lại ở việc nghe lời Thầy nói nhưng chưa hiểu ý cũng như ước mong của Thầy. Chúa Giêsu không lấy vậy làm buồn. Ngài đáp lại ông: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6a). Con đường Chúa Giêsu nói tới là con đường cuộc đời của Ngài. Ngài mời gọi các ông hãy sống lại cuộc đời của Ngài, là sống trong sự thật và tiếp nối con đường Ngài đi, đó là con đường tình yêu. Vì không ai đến với Chúa Cha mà không qua Ngài (x. Ga 14,6b). Con đường của Ngài không có địa chỉ, vì Ngài đi khắp nơi, đến tận cùng trái đất rao giảng Tin Mừng và yêu thương hết mọi người. Con đường của Ngài cũng không có ngã ba hay ngã tư, mà chỉ một con đường thẳng, không xen đường gian dối. Tên con đường của Ngài là con đường tình yêu, tình yêu thì luôn có sự đau khổ và sự hy sinh, hy sinh cả tính mạng của mình. Chính Ngài đã yêu Chúa Cha và nhân loại bằng việc đón nhận sự sỉ nhục cho đến chết và chết trên thập giá. Bài hát “Đường thập giá” của tác giả Giang Ân đã nói về con đường Ngài đã đi qua. Đó là con đường mang tên thập giá. Những ai yêu Chúa và theo Chúa cũng phải đi qua con đường đó mới có thể vào Nước Trời mà đến với Chúa Cha.
Ngày nay, chúng ta không thấy Ngài bằng con mắt xác phàm để đi theo và sống lối sống của Ngài. Chúng ta sẽ dùng đôi mắt đức tin để gặp thấy Ngài trong Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác. Chúng ta dùng đôi tai đức tin để nghe lời Ngài qua Kinh Thánh và để Thần Khí Chúa hướng dẫn chúng ta sống cuộc sống của Chúa qua các mối phúc, các điều răn và các giáo huấn của Hội Thánh. Đó là những kho tàng và đường lối Chúa Giêsu đã để lại cho tất cả mọi người bước đến Nước Trời.
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã gửi một Bức Tâm Thư cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Trong thư ngài viết: “Mục đích chính của Tu hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và các hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ăn năn trở lại. Nhưng điều hết sức quan trọng là phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giêsu Kitô” (Btt 8-9). Là Kitô hữu, đã chịu Bí tích Rửa tội, chúng ta đã từng nghĩ đến con đường của Chúa chưa? Chúng ta đã và đang bước đi trên con đường như thế nào? Nếu chúng ta chưa để ý hay chưa bước đi trên con đường của Chúa thì đây là lúc chúng ta bước đi, đặc biệt là trước đại dịch Corona này. Chúng ta sẽ bước đi trong lời mời gọi yêu thương của Chúa là anh em hãy yêu thương nhau (x.Ga 15, 12). Chúng ta hãy chia sẻ của cải cho nhau và cùng nhau cầu nguyện. Chúng ta hãy tha thứ và nâng đỡ nhau vượt qua khó khăn, cùng bảo vệ mội trường mà chúng ta đang hiện diện. Nhờ đó, không chỉ có chúng ta bước đi trên con đường của Chúa mà cả những người nhận được sự yêu thương từ chúng ta, chính họ cũng đang tiến bước đến cuộc sống hạnh phúc trong Nước Trời.
Lạy Chúa! Chúa là con đường để chúng con bước đi. Xin cho mỗi người chúng con luôn vững tin vào Chúa trên con đường tình yêu, một con đường không thiếu những đau khổ nhưng đích đến là cuộc sống vĩnh cửu. Amen. mục lục
Anna Cỏ May
CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐẾN THIÊN QUỐC
Trong đời sống thường nhật, đường đóng một vai trò rất quan trọng. Muốn ĐI đến bất cứ một nơi nào, dù xa hay gần, người ta cần phải có ĐƯỜNG: đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, đường sắt…Không có ĐƯỜNG thì không thể nào ĐI ĐẾN NƠI được.
Trong đời sống tâm linh cũng vậy, để có thể ĐI ĐẾN THIÊN QUỐC, người ta cũng cần phải có ĐƯỜNG. Hầu hết các tôn giáo đều chỉ cho các tín hữu của mình ĐƯỜNG để họ đi về miền Cực Lạc, về chốn vĩnh hằng… sau khi lìa cõi thế này. Thế nhưng trong tất cả những ĐƯỜNG đó, cá nhân tôi, và hơn 2.3 tỉ Kitô Hữu trên thế giới này đã thấy, và tin rằng, chỉ có ĐƯỜNG GIÊSU là rõ ràng, minh mạch và có sức thuyết phục nhất. Tại sao? Xin thưa là vì ba lý do sau đây:
1. Đức Giêsu Kitô, Đấng thiết lập nên ĐẠO Công Giáo, Ngài chính là CON ĐƯỜNG. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
2. Đức Giêsu BIẾT rất rõ về Thiên Quốc, bởi vì Ngài xuất phát từ nơi đó, và chính Ngài đã tuyên bố rất rõ ràng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống … Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 3:13; 20:17).
3. Đức Giêsu là Đấng đã CHỈ cho chúng ta thấy ĐƯỜNG để đi, và chính Ngài là Đấng đi trước để chuẩn bị cho chúng ta chỗ ở trên Thiên Quốc. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở … Thầy đi dọn chỗ cho anh em … [Rồi] Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:2-3)
Bạn thân mến, ĐƯỜNG đi về chốn vĩnh hằng của Kitô Giáo thì rõ ràng, minh bạch và có sức thuyết phục như vậy đấy, nhưng không phải là dễ đi đâu. Không dễ là bởi vì con đường dẫn về Thiên Đàng của Kitô Giáo là con đường hẹp (Mt 7:14); là con đường của hy sinh, từ bỏ, dấn thân và quên mình phục vụ (Lc 9:23-26).
Đi trên con đường của Giêsu, người ta phải chịu khó (chứ không phải là khó chịu!), phải chấp nhận khép mình vào kỷ luật, phải kiêng khem, phải chịu đựng nhiều khó khăn vất vả lắm, chứ không dễ dãi và thoải mái. Đi trên con đường Giêsu, người ta phải hy sinh, phải hãm mình, phải kiên trì, phải từ bỏ, và phải tuân giữ nhiều luật lệ lắm! Ví dụ như:
• Phải "Yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức và yêu tha nhân như chính mình" (Mc 12:30-31)
• Phải sống ngay thẳng, thật thà: “… hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5:37)
• Phải trung tín với người bạn đời: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19:6).
• Phải yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ thù: "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:27-28).
Bạn thấy ĐƯỜNG GIÊSU có dễ đi không? Không dễ chút nào cả! Chúa Giêsu biết rất rõ điều đó, vì thế cho nên Ngài đã hứa sẽ không bao giờ bỏ mặc chúng ta cô đơn, nhưng luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường: “Thầy ở cùng với anh em mọi ngày cho đến tận thế!” (Mt 28:20); và luôn nâng đỡ, bổ sức cho chúng ta: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!” (Mt 11:28).
Với sự trợ giúp của Chúa Kitô Phục Sinh, và với sự nỗ lực của chúng ta, tôi tin chắc rằng bạn và tôi sẽ có đủ sức vượt qua những khó khăn thử thách, và sẽ đủ sức can đảm đứng lên và trung thành bước trên con đường Giêsu. Xin đừng chán nản bỏ cuộc, cũng đừng rời con đường Giêsu để tách sang một con đường khác, không có con đường nào khác dẫn đưa bạn và tôi tới đời sống vĩnh cửu đâu, chỉ có duy nhất một con đường của Chúa Giêsu Kitô mà thôi.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau, xin Chúa Kitô Phục Sinh củng cố niềm tin của chúng ta. Và xin Ngài ban cho chúng ta ơn khôn ngoan và can đảm, để bạn và tôi luôn trung thành bước đi trên con đường Giêsu, và nhất là biết cố gắng nỗ lực vượt qua tất cả những khó khăn thử thách, vượt qua những chướng ngại ở trên con đường về Thiên Quốc. Nhờ vậy, chúng mình sẽ đến nơi mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn chỗ cho chúng ta, ở đó chúng mình sẽ được vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu cùng với Mẹ Maria và các chư thánh.
Cầu chúc bạn một cuối tuần khỏe mạnh, vui vẻ và bình an bên những người thân yêu, và hy vọng bạn và gia đình cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống. mục lục
Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD
Anh chị em thân mến,
Sự sống của đoàn chiên và tương lai các môn đệ là những điều mà Đức Giê-su rất mực quan tâm. Người không muốn các môn đệ sống trong hoang mang và lo sợ khi vắng bóng Người. Người đi về với Cha không phải để rời xa họ, nhưng để kết nối với họ một cách bền chặt hơn. Đó là tâm tình của Chúa khi Người phán: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Yn 14: 1-4)
Với những lời khuyên bảo và trấn an như thế, khi nghe xong các môn đệ và chúng ta cảm thấy được an ủi, thư thái và an bình hơn! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng mất mát, hoang mang, thất vọng và lo sợ của các môn đệ khi phải đối diện với sự chết mà Người vừa loan báo; cho nên Người mới giúp cho các môn đệ biết rằng tuy các ông sẽ xa cách Người về mặt thể lý, nhưng trong niềm tin các ông sẽ nhận ra rằng Người không hề bỏ rơi họ. Người vẫn hiện diện đồng hành với các ông, nhất là tiếp tục dìu các ông đi vào cõi vinh quang mà Người đang có ở bên Cha. Muốn được như thế, các môn đệ và những kẻ theo Người phải có niềm tin vào Chúa.
Trên thực tế, mang trong mình thân phận mỏng dòn của kiếp người chúng ta thường đối diện với nỗi bấp bênh và các sự cố đã và đang xẩy ra ngoài tầm khống chế và kiểm soát của chúng ta. Vì thế, sẽ có một số người chai lỳ và đông cứng, mặc cho dòng đời đưa đẩy đến đâu hay đến đó. Lại cũng có một số người không chấp nhận được nên đã tìm lối thoát riêng. Đại đa số sống trong lo âu và sợ sệt. Đứng trước một tình trạng không theo ý mình như thế, con người cần tin vào Thiên Chúa và tin vào Lời của Đức Giê-su khuyên bảo hôm nay hơn.
Tuy nhiên, giống như các môn đệ, chúng ta luôn muốn mọi sự được xẩy ra trước mắt chúng ta, trong tầm kiểm soát của chúng ta. Sự việc Đức Giê-su đón chúng ta ‘đi về nhà Cha’ là việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Nhưng trong giây phút này, nhất là những phút giây mà chúng ta hay gọi là ‘đêm đen, hay tình trạng không lối thoát’ con người cần đến sự can thiệp của Chúa hơn bao giờ hết.
Làm sao chúng ta biết mình không bị bỏ rơi? Làm sao chúng ta nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su đang cùng đi với chúng ta. Thật chí lý khi nghe Tô-ma nói thay cho chúng ta rằng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”
Đức Giê-su đã trả lời rằng Người là đường là sự thật và là sự sống. Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Người. Truớc thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Phi-líp-phê cũng không hơn gì Tô-ma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đuờng sự sống dẫn các ông vào sự sống phong phú và dồi dào của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. (Gioan 14:9)
Nhìn vào thực trạng của thế giới, biết bao nhiêu người chưa nhìn thấy Chúa, chưa nhận ra “Người là đường, là sự thật và là sự sống”. Tôi còn nhớ đã đọc được ở đâu đó một bản thống kê, trong đó người ta ghi nhận rằng nước Nhật là nước có số người chết vì tự tử cao nhất thế giới. Một điều khó hiểu nữa là đa số những người chết vì tự tử ở Nhật Bản lại là những người trẻ, có việc làm ổn định và có địa vị cao trong xã hội. Như vậy, đâu phải nghèo khổ, già nua, bệnh tật là bất hạnh lớn nhất của đời người. Hoá ra cái làm cho con người ta trở thành kẻ khốn cùng nhất trong cuộc đời này là họ không thấy được ý nghĩa và giá trị thật của cuộc sống. Họ không tìm thấy đường nào để đi.
Trong lúc con người bị bế tắc, không lối thoát, không biết đi về đâu, thì Đức Giêsu trong bài Tin Mừng đã nhắc cho chúng ta nhớ lại rằng Thầy là Đường, là sư thật và là sự sống. Người chỉ cho con người con đường để đi đến sự sống và hạnh phúc. “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.
Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện trở thành đường đi, dẫn con người về với Chúa Cha, về quê hương đích thực. Đồng thời, Người cũng là người chỉ đường và là người đồng hành với chúng ta trên con đường sự sống dẫn về quê hương chân thật đó. Người đã chỉ cho con người thấy tất cả những viễn tượng tốt đẹp và huy hoàng ở cuối của con đường ấy. Nơi đó, có một Thiên Chúa toàn năng là Cha đang mở rộng vòng tay đón chờ ta.” . . . Còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ ông ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Rồi mở tiệc ăn khao.
Đây là mạc khải do Đức Giêsu, Đấng hôm nay phán “Thầy là Đường, Sự thật và Sự sống.” Hãy bước trên con đường của Người. Con đường hy sinh, gian khổ và yêu thương. Con đường dẫn đưa con người đến sự sống đích thật. Đó là chân lý mà các môn đệ đã noi theo và đã sống.
Thật vậy, con đường là cách diễn tả nói lên lời mời gọi mà Chúa muốn chúng ta đi vào cuộc sống của Chúa là. Đó chính là: Con đường từ bỏ. Từ bỏ đến cùng như lời thánh Phaolô: “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….” (Phi-lip-phê 2:6-11).
Từ bỏ là bước vào con đường yêu thương. Yêu như Chúa yêu! Người yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. Trong Tình yêu của Chúa thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu hay người nghèo, kẻ sang hay người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Người. Tình yêu của Chúa là con đường đưa tất cả đến với nhau và những ai đến với Người đều không bị khuớc từ.
Và sau cùng, yêu thương gắn liền với tha thứ, không phải chỉ tha bẩy lần nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy; có nghĩa là tha liên tục và tha đến cùng như trên Thánh giá Chúa đã tha cho cả những kẻ làm hại mình; Lậy cha xin tha cho chúng…
Vì thế, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bước vào con đuờng của Chúa. Và con đường dẫn chúng ta đến với Chúa cũng là con đường dẫn chúng ta đến gặp tha nhân. Do đó, muốn đến và gặp gỡ Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến gặp Người nơi tha nhân. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa.
Ước gì chúng ta biết soi mình vào tấm gương là chính Đức Giêsu để thấy được chân lý, thấy được đường đi và thấy được Cha chúng ta là một Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa, sống lối sống của Người. Amen! mục lục
Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
[Niệm ý Ga 14:1-12]
Chúa đi nhưng chẳng đi luôn
Mà Ngài trở lại ngày gần đây thôi
Thế nên đừng có bồi hồi
Đừng xao xuyến, hãy tin Ngài sớm khuya
Ngài đi dọn chỗ đó mà
Có nhiều chỗ ở nhà Cha trên trời
Con Đường là Chúa Ngôi Hai
Sự Thật, Sự Sống là Ngài đấy thôi
Đến cùng Cha ở trên trời
Phải đi qua Đấng Ngôi Lời Giê-su
Nếu ai cố chấp chối từ
Tất nhiên không thể đi về Thiên Cung
Chỉ duy nhất một con đường
Chẳng có đường vòng hoặc lối thứ hai
Xin luôn đi đúng Đường Ngài
Miệt mài thẳng hướng dù ngày hay đêm. mục lục
Trầm Thiên Thu
(Cảm nhận, suy niệm từ Ga 14.1-12)
(Thế Kiên Dominic)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.