SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH_A (2023)

12-05-2023 137 lượt xem

[Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21]

Mục Lục

YÊU MẾN CHÚA, THÌ PHẢI GIỮ GIỚI RĂN THẦY - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

YÊU MẾN TRONG THẦN KHÍ - Anna Cỏ May

MỒ CÔI TỘI LẮM AI ƠI! - Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

LỜI HỨA NÊN TRỌN - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

THẦN KHÍ NGUỒN SUỐI YÊU THƯƠNG - Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

TIN TƯỞNG, HY VỌNG VÀ YÊU MẾN TRONG THÁNH THẦN - Phêrô Phạm Văn Trung

GIỚI RĂN VÀ TÌNH YÊU - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

ĐƯỢC THẦY YÊU MẾN - Bông hồng nhỏ

ĐẤNG BẢO TRỢ CHÍNH LÀ NGUỒN BÌNH AN NỘI TÂMLm. JB. Nguyễn Minh Hùng

CHÚA THÁNH THẦN LÀ DẤU ẤN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU - Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Thi ca: TUÂN LỆNH - Viễn Dzu Tử

Thi ca: ĐẤNG PHÙ TRỢ KHÁC - (Th. K. Dominic)

YÊU MẾN CHÚA, THÌ PHẢI GIỮ GIỚI RĂN THẦY

Khi thể hiện tình yêu, nếu không nắm bắt được tấm lòng của đối phương, mà lại thể hiện tình yêu bằng phương pháp chỉ có bản thân mình thích trong khi đối phương không vui mừng thì đây không phải là tình yêu chân chính.

Liên hệ đến tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta yêu theo kiểu của chúng ta thôi chưa chắc đã là yêu mến Chúa. Chính Thiên Chúa phán: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng của lòng người bấy nhiêu” (Is 55,9).

Trong bầu khí tình Thầy trò tâm sự, Chúa Giê-su phán: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15). Vậy, chúng ta nghĩ xem, chúng ta yêu mến Chúa với việc tuân giữ các giới răn của Chúa như thể nào?

Mến Chúa thì phải giữ các giới răn của Chúa

Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người vừa mở ra cho nhân loại con đường dẫn đến sự sống đời đời, vừa dạy người ta biết cách yêu mến Thiên Chúa. “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy… Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy, và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó” (Ga 14,15.21).

Cứ lời Chúa Giê-su nói ở trên thì có thể biết được rằng việc giữ các giới răn của Chúa là thể hiện lòng yên mến Chúa. Nếu ai yêu mến Chúa thì phải quý trọng và giữ các răn mà Chúa đã dạy và truyền phải giữ.

Những người giữ tập tục của loài người

Chúa Giê-su đã nghiêm khắc với những người không giữ các giới răn của Chúa lại còn tự phụ cho rằng mình yêu mến Chúa. “… như có chép rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng. Còn lòng chúng thi xa Ta… Các ông gạt bên lệnh truyền của Thiên Chúa, mà cố thủ lấy lệ truyền của loài người” (Mc 7,6).  

Việc giữ các giới răn của Chúa phải phát xuất từ đức tin tôn trọng lời của Chúa và tình yêu hướng tới Chúa. Tuy nhiên, rất nhiều người không có đức tin và tình yêu thương ấy nên mới dễ dàng gặt bỏ các giới răn của Chúa để giữ các tập tục của loài người. Dù họ tuyên xưng to tiếng ngoài môi miệng rằng họ kính mến Chúa thì Chúa, Đấng thấu suốt mọi tâm can cũng không công nhận cho.

Giữ các giới răn của Chúa là mến Chúa

Chúng ta yêu mến Chúa nên giữ các giới răn của Chúa. Giữ các giới răn của Chúa là yêu mến Chúa.

Lời của Chúa Giê-su nêu lên tương quan giữa các giới răn với tình yêu dành cho mình, nên Người kết luận: “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy” (Ga 14,21). Và Người cam kết: “Thầy sẽ xin Cha“. Nói thế là Người chịu trách nhiệm về những việc Người làm. Một cách chắc chắn và bảo đảm là;  nếu Chúa Giê-su bênh đỡ chúng ta, chúng ta còn sợ hãi gì?

Chúa Giê-su xin Cha điều gì? Người xin Cha “ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác” (Ga 14, 16). Khi nói Đấng Phù Trợ khác, Chúa Giê-su chứng tỏ sự lo lắng bảo vệ các môn đệ, và cho thấy Người là một Đấng Phù Trợ. Đó là lý do tại sao Người nói đến một “Đấng Phù Trợ khác“.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con nài xin Chúa xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, và ở trên chúng con như đã ở với các môn đệ Chúa, những người sống nhờ Thánh Thần Chúa và vui mừng nhận biết chỉ có Chúa là ơn cứu độ chúng con. Amen. mục lục

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

YÊU MẾN TRONG THẦN KHÍ

Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan có viết: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2,16). Chúa Giêsu cũng tự mình nói với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Ngài là Đấng Bảo Trợ cho các môn đệ và cho mọi người. Khi Ngài đi về với Chúa Cha, Ngài xin Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ khác cho các môn đệ. Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng vô hình, chỉ những ai có lòng khao khát tìm kiếm mới được nhận thấy.

Tuy nhiên trước những lời ấy, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về lòng yêu mến được thực hiện như thế nào. Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Thước đo về lòng yêu mến của Chúa Giêsu không dựa trên số lượng, cân nặng của vật chất hay lời nói mà ở hành động, hành động ấy là tuân giữ các điều răn của Ngài. Vì chỉ khi các môn đệ có lòng yêu mến, đồng nghĩa họ có lòng tin nơi Thầy. Khi có lòng tin vào Thầy, Thần Khí mới sẽ đến ở giữa và ở trong tâm hồn các ông. Thần Khí xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu mà đến với họ. Thần Khí sẽ giúp họ không còn sợ hãi hay mồ côi nữa, vì họ thấy Thầy trong chính họ (x. Ga 14,20).

Mỗi người Kitô hữu chúng ta đang được tiếp nối cuộc sống từ các môn đệ là sống trong Thần Khí khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức. Nhưng chúng ta có ý thức điều đó không? Chúng ta đã để cho mình sống trong tình yêu của Thiên Chúa không? Chúng ta có là người đang yêu mến Chúa hay chỉ yêu Chúa bằng cách thức chúng ta muốn? Đối với Chúa Giêsu, ai có và giữ các điều răn của Ngài, người ấy mới là kẻ yêu mến Ngài. Ai yêu mến Ngài thì sẽ được hưởng tình yêu của Chúa Cha và được Ngài yêu thương bằng việc Ngài tỏ mình ra cho người đó (x. Ga 14,21). Thánh Gioan cũng khẳng định: “Qủa thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 5,3). Vì những lời của Chúa Giêsu là ý của Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Giêsu là một (x. Ga 10,30).

Lạy Chúa Giêsu! Chúng con cảm tạ Chúa đã không ngừng yêu thương chúng con. Ngài không để chúng con mồ côi nhưng luôn hiện diện với chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu của Ngài và sẵn sàng tuân giữ các điều răn của Ngài trong sự soi dẫn của Thần Khí mới. Nhờ đó, chúng con được sống mật thiết trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen. mục lục

Anna Cỏ May

MỒ CÔI TỘI LẮM AI ƠI!

“Bạn có biết mồ côi cha, hay mồ côi mẹ, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ…thì cơ cực và khổ sở lắm không?

• Khi bị mồ côi, đứa trẻ phải thường xuyên đối diện với những sự thiếu thốn cả về cơm ăn, áo mặc, lẫn những sự nâng đỡ, ủi an, vỗ về, chăm sóc về tinh thần…vì thế cho nên nhạc sĩ Trần Long Ẩn mới viết trong bài Mừng Tuổi Mẹ rằng: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi! Đói cơm, lỡ bước biết người nào lo…”

• Khi sống cảnh mồ côi, đứa trẻ phải một mình chiến đấu với những nghịch cảnh và những sóng gió, bão táp của cuộc đời. Cuộc chiến đấu này vất vả, cơ cực và nguy hiểm vô cùng, cho nên ông bà ta mới nói: Thứ nhất mồ côi mẹ cha, thứ nhì gánh vả thứ ba ngược đò.

• Và khi sống trong cảnh mồ côi, con trẻ thiếu sự hướng dẫn, sự khuyên bảo cũng như những lời răn dạy của cha mẹ… cho nên đã không ít những trẻ mồ côi đã rơi vào những cạm bẫy đen tối của cuộc đời. Vì thế cho nên ca dao mới viết Mồ côi tội lắm người ơi! Lỡ chân ai đỡ, lỡ lời ai bênh?

Vì sợ con cái lâm vào cảnh mồ côi, thiếu sự chăm lo, săn sóc và dạy dỗ… cho nên Chúa Giêsu đã lo liệu và xin Chúa Cha… ban một Đấng Bảo Trợ đến ở với [các con] luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật (Ga 14:16-17). Chưa hết, Ngài còn nhờ luôn cả HAI NGƯỜI MẸ đảm đương công việc chăm sóc, đỡ nâng, và giáo dục cho đoàn con của Ngài.

• Người Mẹ thứ nhất là Đức Maria: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." (Ga 19:26- 27). Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria chăm sóc, hướng dẫn và lo lắng cho đoàn con của Ngài.

• Người Mẹ thứ hai chính là Mẹ Giáo Hội. Gọi Giáo Hội là Mẹ bởi vì chính Giáo Hội đã cưu mang và sinh ra những đứa con qua bí tích Rửa Tội, sau đó giáo dục và răn dạy cũng như nâng đỡ chúng qua việc dạy Giáo Lý, và qua những giáo huấn…Mẹ Giáo Hội còn nuôi dưỡng và chăm sóc cho con cái qua việc cử hành thánh lễ, băng bó những vết thương, và chăm sóc chúng qua việc ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân và bí tích Giải Tội.

Bạn thấy Chúa Giêsu chu đáo chưa? Ngài đã lo lắng và chăm nom cho đoàn con tận tình và chi tiết như thế đấy, nhưng mà con cái của Ngài đâu có quan tâm gì đến sự chăm lo của Ngài dành cho họ đâu! Thậm chí họ còn làm ngơ và khước từ sự chăm lo của Ngài nữa kìa!

• Họ từ chối những bữa ăn do chính tay Mẹ Giáo Hội chuẩn bị cho họ. Những bữa ăn đó là các bí tích: Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Thêm Sức, Xức Dầu Bệnh Nhân và Hôn Phối.

• Một số khác thì quay lưng, không nhìn nhận Mẹ Giáo Hội qua thái độ bất tuân lời giáo huấn và quyền lãnh đạo của Đức Giáo hoàng, và của các Giám mục, và tệ hơn nữa, họ ly khai và đoạn tuyệt khỏi Giáo Hội vì Giáo Hội cứng rắn trong những luật lệ có liên quan đến luân lý đạo đức, ví dụ như ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, trợ tử…

Bạn thân mến, nếu bạn nhận ra rằng, sống trong cảnh mồ côi mồ cút thì khổ sở lắm, nhất là mồ côi về mặt tâm linh, nghĩa là không có Mẹ Maria, không có Mẹ Giáo Hội chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng, thì xin bạn hãy cố gắng đừng để mình bị rơi vào cảnh mồ côi bằng cách:

• Hãy kính mến và tùng phục MẸ GIÁO HỘI, vì Mẹ Giáo Hội đã được chính Chúa trao cho quyền giáo huấn: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy” (Lc 10:16).

• Đừng thờ ơ, đừng làm ngơ, và cũng đừng chê bai những của ăn thiêng liêng, tức là các bí tích, mà Mẹ Giáo Hội đã chuẩn bị rất công phu cho bạn hưởng dùng, nhất là bí Tích Thánh Thể và Giải Tội. Không chịu lãnh nhận những thức ăn tinh thần bổ dưỡng của Mẹ Giáo Hội ban cho thì bạn sẽ chịu thiệt thòi nhiều lắm! “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20:23).

• Chú ý lắng nghe và tuân giữ những lời Giáo Huấn của Giáo Hội qua Đức Giáo hoàng, Giám mục và các Linh mục về những vấn đề liên quan đến đạo đức, luân lý và về mặt đức tin.

Tôi tin chắc rằng, khi kính mến, tùng phục, đón nhận tình yêu cũng như ân huệ của Chúa qua Mẹ Giáo Hội và qua Mẹ Maria, thì cuộc sống của chúng mình sẽ được an vui, bình an, và hạnh phúc ở cả đời này lẫn đời sau.

Hôm nay cũng là ngày Mother’s Day, tôi cũng cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, ban bình an, niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả các bà mẹ. Cầu chúc quý bà và quý chị luôn sống trong ơn nghĩa của Chúa. mục lục

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

LỜI HỨA NÊN TRỌN

Thánh Vịnh gia cho biết: “Lời hứa của Ngài được hoàn toàn chứng nghiệm.” (Tv 119:140) Thật vậy, Chúa Giêsu hứa ban Đấng Bảo Trợ đến ở với chúng ta luôn mãi, để chúng ta không bao giờ đơn độc hoặc mồ côi.

Nhưng cuộc sống luôn có những điều kiện cách như hệ lụy tất yếu. Được hay mất, tùy mình. Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14:15) Từ hệ lụy đó lại có mối liên kết khác: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14:16-17)

Chúa Giêsu biết mình sắp phải rời thế gian và xa những người thân thiết, Ngài hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.” (Ga 14:18) Và Ngài nói rõ: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14:18-20) Ngài nói “toạc móng heo” mà vẫn không dễ hiểu. Không phải vậy, Ngài muốn đưa chúng ta tới đức ái trọn vẹn, vì nhờ yêu mến mà chúng ta khả dĩ lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách viên mãn để đủ can đảm làm chứng sự thật về Thiên Chúa.

Dẫn chứng về chuỗi yêu mến, Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14:21) Thiên Chúa là tình yêu, trước sau gì cũng là yêu thương. Ngài tỏ mình cho mỗi người mỗi cách, mỗi người được nhận biết theo cách riêng, không ai giống ai, nhưng vẫn là MỘT Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất, vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” mà thôi. (Ep 4:5)

Thánh Gioan định nghĩa súc tích: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 & 16) Vì thế, ai yêu mến Ngài thì tuân giữ Luật Ngài – Luật Yêu, và chắc chắn rằng yêu Chúa thì phải yêu người. Yêu Chúa không khó bằng yêu người, chỉ cần thực hành “chuỗi yêu” trong 1 Cr 13 thì cũng đủ mệt rồi, vì yêu không thể nói suông mà phải thể hiện bằng hành động, qua từng động thái. Vả lại, tha nhân là huynh đệ của chúng ta và là những người có Thiên Chúa trong lòng. Ai sống yêu mến thì mới được lãnh nhận Thần Khí Sự Thật của Thiên Chúa.

Cựu Ước cho biết rằng, khi Thiên Chúa tuyển chọn Bơxanên, con của Uri, con của Khua, thuộc chi tộc Giuđa, Ngài đã hứa với ông Môsê: “Ta sẽ ban cho nó dồi dào Thần Khí của Thiên Chúa để nó thành người khéo tay, giỏi giang và lành nghề mà làm mọi công việc, để nó nghĩ ra những tác phẩm nghệ thuật làm bằng vàng, bạc hay đồng, mài ngọc đính áo, chạm gỗ và thực hiện mọi công việc.” (Xh 31:3-5) Điều gì Thiên Chúa đã hứa thì chắc chắn không bao giờ sai.

Ước gì mỗi chúng ta cũng được lãnh nhận Thần Khí Chúa để làm vinh danh Chúa bằng chính khả năng riêng mà chúng ta nhận được từ Ngài. Nhưng có điều quan trọng là chúng ta luôn phải “hết dạ tri ân.” (Cl 3:15) Con người sai lầm nên dễ ảo tưởng, thế nên rất cần ơn phân định thần khí để không tin lầm, như Thánh Gioan nhắn nhủ: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.” (1 Ga 4:1) Chúa Thánh Thần là Thần Khí Yêu Thương, là Đấng Ngôi Ba nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Hãy cầu nguyện liên lỉ với Ngài!

Cụ Nguyễn Công Trứ xác định: “Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông.” (Đi Thi Tự Vịnh) Có danh nghĩa để hành động, hành động vì chính nghĩa, vì công lý, chứ không để đàn áp hoặc chèn ép người yếu thế hơn mình. Làm người, ai cũng cần một danh nghĩa nào đó, nhưng phải là danh nghĩa chính đáng. Được làm người là một đại hồng ân, Đức và Tài cần để thực hiện điều tốt lành cho tha nhân. Với Đức và Tài, người ta có thể trở thành quân tử hoặc tiểu nhân, tùy vào “vị trí” của chúng: “Đức hơn Tài là quân tử, Tài hơn Đức là tiểu nhân.” (Khổng Tử) Lằn ranh rất mong manh giữa Đức và Tài: “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.” (Nguyễn Du)

Hằng ngày có nhiều loại đức cần phải trau giồi, càng phải trau giồi nhiều hơn đối với người Công giáo. Về đối nhân có rất nhiều nhân đức (chân thành, hòa nhã, bình dị, hòa đồng, nghiêm túc, vui vẻ,…), về đối thần có ba nhân đức: tin, cậy, mến. Đức mến là đức ái – lòng yêu thương, lòng thương xót. Đức mến cần thiết và quan trọng nhất, vì trên Nước Trời không còn đức tin và đức cậy, chỉ còn đức mến. (x. 1 Cr 13:13)

Thật vậy, cuộc đời này không có tình yêu thương thì cũng như cuộc sống không có ánh mặt trời. Vô tri bất mộ. Không biết thì không yêu mến, thậm chí có thể ghét, nhưng khi đã biết thì người ta cảm thấy yêu mến. Nhưng trước khi BIẾT thì phải MUỐN BIẾT và TÌM HIỂU cho thấu đáo chứ không thể hời hợt hoặc nửa vời. Khi biết rõ rồi thì sẽ nảy sinh yêu mến, và có thể say đắm – si tình.

Đạo Chúa mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Không yêu thương thì đừng nói là theo Chúa. Thánh Phaolô nói: “Ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22) Nhưng mến Chúa thì phải yêu người, vì yêu người là thước đo lòng mến Chúa. Đó là hệ lụy tất yếu. Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4:20)

Cũng có hệ lụy trong vấn đề này, như Thánh Sibyllina Pavia nói: “Ai không yêu mến anh em thì không thể trở thành người anh dũng tử đạo.” Có tình yêu thì người ta có thể làm được mọi sự, bất kể nhỏ hay to, đúng như Thánh Augustinô nhận định: “Cứ yêu thật đi rồi muốn làm gì thì làm.” Chính Thánh Augustinô đã từng nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới!” (Tự Thuật, số 10 & 27) Còn Mẹ Thánh Teresa Calcutta xác định: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể.” Chuỗi yêu thương kỳ diệu quá chừng!

Vì yêu Chúa – và yêu Chúa qua tha nhân, người ta có thể làm được mọi thứ. Sách Công Vụ kể: “Ông Philípphê xuống một thành miền Samari và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó. Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philípphê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm.” (Cv 8:5-6) Họ không chỉ “nghe đồn” mà còn “chứng kiến” các dấu lạ do tông đồ Philípphê đã làm. Vì họ đã biết nên họ không thể làm ngơ, không thể không chú ý. Thật vậy, “các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám, nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.” (Cv 8:7-8)

Vào thời đó, các Tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa nên cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ để họ nhận được Thánh Thần. Kinh Thánh cho biết: “Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 8:16-17)

Đó là Bí tích Thêm sức, bí tích làm cho chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần viên mãn. Xưa nay chúng ta vẫn quen với cách nói “bảy ơn Chúa Thánh Thần” – gồm các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, thông minh, đạo đức, và kính sợ Chúa. Tuy nhiên, đó là cách nói của Kinh Thánh, vì số 7 là con số kỳ diệu của Kinh Thánh, chứ Chúa Thánh Thần không chỉ “đóng khung” trong 7 ơn đó. Chúng ta thật hạnh phúc vì được biết Thiên Chúa, được yêu mến Ngài, và được lãnh nhận Chúa Thánh Thần: “Bình an cho anh em.” (Lc 24:36; Ga 20:19; Ga 20:20; Ga 20:26)

Rất sung sướng, nên Thánh Vịnh gia đã thốt lên: “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh!” (Tv 66:1-2) Hòa chung niềm vui đó, chúng ta cùng thân thưa với Thiên Chúa: “Vĩ đại thay, sự nghiệp của Ngài! Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm. Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh. Đến mà xem công trình của Thiên Chúa: hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng sợ!” (Tv 66:3-5) Thiên Chúa toàn năng, có Ngài thì người bình thường cũng trở nên phi thường, không có Ngài thì thiên tài cũng chẳng làm gì được, như Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)

Là Đấng hằng hữu và toàn năng, Thiên Chúa tạo thành mọi vật, cũng chính Ngài “làm cho biển khơi hóa đất liền và dân Ngài đi bộ qua sông, việc Ngài làm đó khiến ta hoan hỷ. Chúa uy dũng hiển trị muôn đời; đôi mắt Ngài theo dõi chư dân, quân làm phản chớ có hòng nổi dậy!” (Tv 66:6-7) Lịch sử đã và đang chứng minh điều đó, không một thần linh nào có thể làm được các vĩ công như Thiên Chúa của chúng ta. Thật là một hồng ân lớn lao đối với chúng ta khi được biết Ngài, yêu mến Ngài và tôn thờ Ngài, tuyệt vời hơn nữa là Ngài đã yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4:19) và yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1) – dù chúng ta chỉ là những kẻ bất lương và tội lỗi.

Chỉ là được hiện hữu trên đời này – dù chúng ta có thế nào – cũng đủ để chúng ta phải cảm tạ Ngài suốt cuộc đời. Không chỉ vậy, Chúa Cha còn thương xót kiếp khốn cùng của chúng ta mà bắt Con Một Yêu Dấu phải chết thay chúng ta, dù Người Con van xin nhưng Ngài vẫn “làm ngơ” vì Ngài muốn cứu độ chúng ta. Ơn cứu tử quá lớn! Chính Ngài chọn chúng ta từ trước khi vũ trụ được tạo thành chứ không phải chúng ta chọn Ngài. (Ep 1:4)

Chắc chắn không thần linh hoặc con người nào như Thiên Chúa, vì Ngài luôn hơn cả mức tuyệt vời: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa.” (Đnl 32:10) Chính tình yêu thương đó đã được đóng ấn tín bằng “lời thề độc” này: “Kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta.” (Dcr 2:12) Quả thật, chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi, và cũng chẳng bao giờ hiểu được, vì Ngài yêu thương chúng ta tới cùng nên Ngài cũng bảo vệ chúng ta tới cùng. Vì thế, chúng ta rất hãnh diện và phải mau mắn chia sẻ niềm vui đó với người khác: “Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.” (Tv 66:20)

Có kinh nghiệm được chia sẻ vui buồn cuộc sống với Chúa Giêsu, ông Phêrô chân thành nhắn nhủ: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống.” (1 Pr 3:15-16)

Tại sao phải “giữ thẳng” mà không thể du di “làm cong” – dù chỉ một chút? Ông Phêrô lý giải: “Bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác. Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh.” (1 Pr 3:17-18) Rất rõ ràng, thẳng thắn. Chính tình yêu mến đó đã được Chúa Thánh Thần tác động. Đó cũng là đặc cách của Thiên Chúa. Vì yêu, mọi lời hứa của Ngài đều được nên trọn.

Lạy Chúa giàu lòng thương xót, xin ban Thần Khí Yêu Thương để chúng con có thể sống trọn đức ái theo Lòng Thương Xót của Ngài, xin ban Thần Khí Chân Lý để chúng con thực hiện mọi lệnh truyền theo công lý của Ngài. Xin tiếp tục đốt lửa yêu mến để chúng con có thể yêu mến Ngài và chỉ yêu mến Ngài như Ngài muốn. Xin giúp chúng con biết đại lượng với mọi người, dù đó là ai, vì ai cũng được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, bình đẳng với nhau, đồng hưởng giá Máu Cứu Độ của Con Một Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

THẦN KHÍ NGUỒN SUỐI YÊU THƯƠNG

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay là một phân đoạn trong diễn từ cáo biệt của Đức Giê-su trước khi Người bước vào hành trình khổ nạn. Chúa biết rõ chương trình của Cha muốn Người thực hiện. Giờ ra đi đã gần kề.

Trước giờ ly biệt, Đức Giê-su bồi hồi và xúc động. Trong tâm tình đó, Người hiểu rõ tâm trạng mất mát, hoang mang, thất vọng và lo sợ của các môn đệ khi phải đối diện với sự chết mà Người vừa loan báo; cho nên Người mới giúp các môn đệ biết rằng tuy các ông sẽ xa cách Người về mặt thể lý, nhưng trong niềm tin các ông sẽ nhận ra rằng Người không hề bỏ rơi họ. Người vẫn hiện diện đồng hành với các ông, nhất là tiếp tục dìu các ông đi vào cõi vinh quang mà Người đang có ở bên Cha.

Muốn nhận biết được sự hiện diện mới này, các môn đệ cần có niềm tin, lòng mến, sự kiên trì trong vâng phục ý muốn của Chúa. Vì thế, trong câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nhắc các môn đệ rằng; “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ các điều răn của Thầy.” Đây là chân lý, là sự thật được mạc khải bởi Chúa Giê-su. Phần các môn đệ, chỉ có tiếp nhận. Sự tiếp nhận này là một hồng ân.

Chân lý và sự thật được trao ban để các môn đệ nhận biết và tuân giữ điều Thầy truyền. Chỉ có trong lòng mến, các môn đệ mới có thể tuân giữ các giới lịnh của Chúa. Tình yêu và tuân phục Lời Chúa là hành trang của người môn đệ.

Thật vậy, dựa trên kinh nghiệm sống, chúng ta nhận biết rằng khi đang yêu là lúc chúng ta đi tìm và hoàn thành sở thích và ý nguyện của người mình yêu. Cho dù chàng hay nàng không nói, nhưng qua ánh mắt chúng ta nhận biết người ta đang yêu muốn gì và lập tức chúng ta thực hiện ngay. Đó chính là tâm tình và thái độ sống của Đức Giê-su, tìm kiếm và làm vui lòng Cha. Yêu là thế đó.

Anh chị em thân mến,

Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ nhớ lại một chân lý căn bản, đó là khả năng yêu mến của các môn đệ phải được xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Người là Đấng mà Đức Giê-su sẽ xin Cha sai đến ở giữa họ, sống với họ, giúp họ tuân theo lời dậy của Người. Mà ai yêu mến Chúa, thì sẽ được Cha yêu mến và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Như vậy, yêu thương và lắng nghe tiếng Chúa là cẩm nang sống của người môn đệ. Những điều này cần được thể hiện bằng việc làm diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Đã có lúc nào chúng ta tự vấn lương tâm trả lời câu hỏi là tôi có yêu Chúa hay nhận biết rằng Chúa vẫn yêu tôi như thế nào?

Trong anh chị em, sẽ có một số người cho rằng câu hỏi này thật vớ vẩn. Cả đời tôi theo Chúa. Gia đình tôi thuộc đạo gốc. Tính theo tuổi đời tôi đã làm con Chúa bao nhiêu năm. Biết bao việc đạo đức kể sao cho hết! Nào là tham dự Thánh Lễ, tuân giữ luật Giáo Hội, ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, làm các việc bác ái, tham gia vào các sinh hoạt trong nhà thờ… cứ thế mà tuôn ra. Các việc làm như thế không là yêu Chúa thì còn yêu ai nữa đây!

Thật ra, câu hỏi nói trên không dễ trả lời chút nào. Thành thật mà nhìn nhận rằng tất cả các việc làm đạo đức mà chúng ta liệt kê ở trên chưa hẳn là các chứng từ nói lên tình yêu của mình với Chúa. Câu hỏi thật khó khăn và cũng cần có câu trả lời thỏa đáng.

Nói chung, chúng ta có thể diễn tả cảm giác yêu bố mẹ và những người thân trong gia đình như thế nào. Tình yêu của người chồng dành cho vợ hay là của người phối ngẫu dành cho nhau có thể diễn tả được. Họ biết mức cảm xúc trong tình nghĩa vợ chồng cần có cho nhau. Nhưng thành thật mà nói chúng ta lại ú ớ khi diễn tả cảm giác yêu Chúa. Bản thân tôi cũng thế, nói yêu Chúa thì nhiều; nhưng đã có lần nào tôi có cảm giác ấm áp trước tình của Chúa dành cho tôi hay chưa?

Tuy nhiên, có một sự thật, ít nhất đối với tôi, và xin phép chia sẻ đến anh chị em; đó là cho dù chúng ta không thể diễn tả bằng cảm xúc trước tình của Chúa dành cho mình thì cũng đừng lo; bởi vì tình yêu mà Chúa muốn chúng ta thực hiện không dừng lại ở cảm xúc. Người muốn là sự vâng phục, vâng phục trong yêu mến, vâng phục không chỉ một lần mà là luôn mãi. Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy.

Hơn thế nữa, khi nói đến tình yêu, Đức Giê-su muốn chúng ta hành động. Và điều trước tiên mà chúng ta cần ghi nhớ là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa là một tình yêu siêu thoát cần sự đầu phục và tôn thờ. Như vậy, tình yêu đích thật mà Chúa muốn chúng ta dành cho Người là cách sống vâng phục và tôn thờ Thiên Chúa.

Nhưng làm thế nào để có thể đầu phục Chúa hoàn toàn, làm thế nào để chúng ta có thể dâng hiến một đời cho Người. Chắc hẳn không thể dựa vào nỗ lực và những cố gắng của bản thân! Bởi vì, con người thì yếu đuối, dễ vỡ và mỏng dòn. Chúng ta cần trợ lực. Đó chính là điều mà Đức Giê-su nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Gio-an 14: 16-17)

Thật vậy, chúng ta chỉ có thể yêu Chúa và thương tha nhân khi để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động. Người chính là Thần Khí, hơi thở truyền ban sự sống của Thiên Chúa, thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta và kéo chúng ta lại gần Chúa hơn. Chúng ta chỉ cần học để buông bỏ chính mình, tập đừng kiểm soát và trao quyền kiểm soát và để Thiên Chúa hoạt động thì chúng ta sẽ càng ngày càng tận tụy và ngoan ngoãn hơn trong việc yêu mến Chúa.

Cuối cùng, thưa anh chị em.

Kinh nghiệm về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta là nền tảng tuyệt đối trong mọi trải nghiệm của đời sống. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đi vào nẻo chính đường ngay để mối quan hệ với Thiên Chúa càng ngày càng bền chặt hơn. Người chính là nguồn suối của mọi ân huệ. Người làm cho các hạt giống được triển nở và sinh hoa kết quả trong cuộc sống để chúng ta trở thành mẫu mực trọn vẹn theo ý định của Thiên Chúa. Chính Thần Khí của Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta đầu phục và bầy tỏ lòng sùng kính đối với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta hết mực tôn thờ và yêu thương. Đó chính là điều mà Đức Giê-su đã phán: “Thầy ra đi thì có lợi (hơn) cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Gio-an 16:7)

Đức Giêsu thể lý không còn ở đây nữa. Người đã ra đi và rời bỏ chúng ta: Hãy ngợi khen Chúa vì điều đó! Bởi vì nếu Chúa Giêsu vẫn còn ở với chúng ta, chúng ta dựa vào Người rồi ỷ lại, rồi lười biếng và sẽ không biết sức mạnh của Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta và chúng ta cũng không có cơ hội diễn tả thân phận và cuộc sống Kitô hữu nữa.

Chúa ở cùng anh chị em. Thánh Thần của Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là lời chào mà chúng ta gửi đến cho nhau qua các nghi lễ phụng vụ. Đó còn là tin vui trọng đại mà chúng ta trao gửi cho nhau. Đó cũng là kinh nghiệm mà các kẻ tin đã chứng thực qua mọi thế hệ về sức mạnh của Thánh Linh, Đấng đã biến đổi họ và chúng ta thành khí cụ yêu Chúa và thương người một cách trọn hảo hơn. Và, khi những người khác thấy việc Chúa Giêsu đã làm để thay đổi cách sống của chúng ta với Người và với nhau thì họ cũng muốn biết Chúa.

Chỉ có trong quyền năng của Thánh Thần mới biến đổi chúng ta thành khí cụ yêu thương của Người. Ước gì, cuộc sống của chúng ta sẽ là nhân chứng tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa cho gia đình, cho xóm đạo, cho cộng đoàn và thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay. Amen! mục lục

Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

TIN TƯỞNG, HY VỌNG VÀ YÊU MẾN TRONG THÁNH THẦN 

Đoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là một đoạn ngắn trong bài diễn từ dài, vốn có thể được coi như di ngôn của Chúa Giêsu trước khi Ngài từ biệt các môn đệ. Thánh Gioan thuật lại điều cốt lõi trong sứ điệp của Chúa Giêsu, trong đó hôm nay Thánh Gioan nhấn mạnh đến hai khía cạnh. 

Mối tương giao thân thiết với Chúa Giêsu và thực thi các điều răn của Ngài.

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14: 15). Khi nghe vậy, chắc chắn các môn đệ của Rabbi Giêsu, nhưng không hẳn tất cả chúng ta ngày nay, đều biết ngay giới răn của Thầy là gì. Vì trong đoạn 13 trước đó, thánh Gioan cho thấy câu trả lời rõ ràng của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Điều răn này được Chúa Giêsu đề cập một lần nữa trong đoạn 15 tiếp sau: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).

Hôm nay, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh thêm nữa khi nhắc lại ý tưởng trên kia: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14:21). Nhưng ở đoạn 14 này thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu chưa muốn nói đến mối tương quan giữa con người với nhau, vốn cũng cần thấm đượm tình yêu thương. Trên hết, Chúa Giêsu muốn nói đến mối tương quan mật thiết mà Ngài có với các môn đệ của Ngài. Đó là một tương giao thân tình và mật thiết như mối tương giao giữa Chúa Kitô và Chúa Cha LÀ MỘT. Chúng ta nhớ lại Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu nói với nhóm mười hai: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Ngài và đã thấy Ngài” (Ga 14,7). Ngay sau đó Philíphê xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14: 8). Chúa Giêsu trả lời với giọng trách cứ Philípphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14: 9-11). Đây là tình yêu nền tảng cho mối tương giao giữa Chúa Giêsu và bất cứ môn đệ nào của Ngài, cả cho chúng ta ngày nay, và cho mọi người, mọi thời, mọi nơi tin theo Ngài: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14:20). Hẳn có người sẽ tự hỏi: tại sao tôi nên biết như thế và biết như thế thì được gì cho cuộc sống của tôi? Chúa Giêsu không chần chờ nói ra lý do và cũng là kết quả lớn lao của mối thân tình ấy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:15.21). 

Những lời nói của Thầy Giêsu thật cảm động và sâu sắc, tràn ngập tình yêu, sự dịu dàng. Thầy Giêsu đã dành ba năm với nhóm môn đệ này, và bây giờ chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa là Ngài kết thúc sự hiện diện của Ngài trên trần gian với họ, mà Ngài gọi là bạn hữu: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:14-15). Dù biết rằng Phêrô - một trong những người bạn thân thiết nhất của Ngài - sẽ chối Thầy mình, dù biết Giuđa sẽ phản Thầy, và Tôma sẽ nghi ngờ Thầy, nhưng Chúa Giêsu đã lôi kéo tất cả các môn đệ của Ngài lại gần bằng những lời tận đáy lòng của Ngài. Chúa Giêsu bộc lộ con tim của Ngài bằng những hình ảnh đầy cảm xúc để bày tỏ tấm lòng của Ngài: những trẻ mồ côi, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14:18) và nỗi đau của người phụ nữ khi sinh con: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình…Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16:21). 

Tôi có đọc những lời này một cách chậm rãi, lặng lẽ ngẫm suy - và để cho sâu thẳm lòng mình được đụng chạm đến bởi Chúa Giêsu vốn đang khao khát “trút tâm can” trao ban Tình Yêu của Ngài cho tôi? Tình Yêu đó khởi phát từ nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, biểu hiện qua chính Chúa Con và được kiên vững bởi Chúa Thánh Thần. Tôi có cảm thấy vinh dự và hân hoan vì được Chúa Giêsu mời gọi tham dự vào mối tương giao mật thiết của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần không? Liệu Chúa Kitô có thể làm được gì hơn nữa nếu ai đó, cũng có thể là tôi, cương quyết khước từ Trái tim bừng cháy Lửa Yêu Thương của Ngài?! 

Tin tưởng và hy vọng.

Đức tin không phải là một món đồ chúng ta sở hữu để sử dụng lúc nào nơi nào tùy theo ý muốn của riêng mình. Đức tin trước hết là đặt lòng tin tưởng, niềm hy vọng, sự tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Đó không chỉ là niềm tin rằng Thiên Chúa có thể làm điều gì đó mà còn là sự tin tưởng và hy vọng, một sự xác tín rằng Thiên Chúa sẽ làm điều tốt nhất cho chúng ta theo ý muốn tốt lành và trọn hảo của Ngài. Đồng thời đức tin là khi chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, biểu hiện hữu hình của Thiên Chúa, như Ngài nói: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14:11) và hy vọng vào những lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). 

Thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma: “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11).

Như vậy, Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban, đem lại cho chúng ta sự sống mới và hoạt động trong chúng ta, là những người tin vào Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, để trở nên con cái của Thiên Chúa: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:14). Chúa Thánh Thần đến để giúp con người tái lập tình thân với Thiên Chúa, là tình trạng đã có từ ban đầu, nhưng đã bị huỷ hoại vì cám dỗ của Satan. Chúa Thánh Thần làm mới lại tinh thần của con người vốn đã chết trong xác thịt tội lỗi và đưa họ trở lại cuộc sống đích thực trong Thiên Chúa: “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã… nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Chúa Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (Cl 2:13). Chúa Chúa Thánh Thần là sức mạnh làm cho chúng ta vượt qua sự chết, nhờ dìm mình trong cái chết của Chúa Kitô khi lãnh nhận Phép Rửa, để sống một đời sống mới, nhờ lãnh nhận Thánh Thần: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa…Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa...hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ...Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5:16-25).

Chúng ta đôi khi hơi giống các tông đồ sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên Thánh Giá: không còn làm chủ vận mệnh bản thân, lạc hướng, rút lui, tản mác hoặc co cụm lại một chỗ vì sợ hãi. Dù Chúa Giêsu đã hứa ban cho họ Thần Khí: “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14:17), nhưng họ chưa lãnh nhận được Thần Khí đó. Chỉ khi Chúa Giêsu phục sinh và nhất là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống cách long trọng vào ngày Lễ Ngũ Tuần để khai mở cộng đoàn Hội Thánh (Cv 2,1-13), các Tông đồ mới lãnh nhận Thánh Thần: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 8:4). Chúa Thánh Thần làm cho các Tông đồ hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu, hiểu những giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời, về con đường Tử Nạn và Phục Sinh. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà các Tông đồ được biến đổi trở thành con người mới, mạnh mẽ, can đảm, nhiệt thành và dấn thân rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Ngài sẽ thúc đẩy họ công bố Chúa Giêsu: “đã chết và được mai táng…Chính Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại…nâng Ngài lên, trao cho Ngài Thánh Thần đã hứa, để Ngài đổ xuống… Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 8:29,32,36). 

Chúng ta cũng đã lãnh nhận Thánh Thần này khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy (chịu phép Rửa tội) và bí tích Thêm Sức (giúp tăng trưởng các ơn đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy). Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16), đồng hành với chúng ta, giúp chúng ta hiểu Lời Chúa trong Kinh Thánh, hiểu sứ điệp của Chúa Kitô, hiểu giới răn yêu thương mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Chính Ngài yêu chúng ta, vẫn mãi trung thành với tình yêu đó. Chính Thánh Thần thúc đẩy chúng ta, như trong bài đọc thứ nhất, “tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8:4) theo bước chân “Ông Philípphê xuống một thành miền Samari và rao giảng Chúa Kitô cho dân cư ở đó” (Cv 8:5). 

Chúng ta hãy nghe Tông đồ trưởng Phêrô nói trong bài đọc thứ hai để tin tưởng và đón nhận Chúa Kitô làm Chúa cuộc đời mình: “Chúa Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Ngài làm Chúa ngự trị trong lòng anh em” (1 Pr 3:15-17). Và hãy làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Kitô: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em…Chính Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh” (Cv 3:18). mục lục

Phêrô Phạm Văn Trung

GIỚI RĂN VÀ TÌNH YÊU

Người nọ từng trông thấy một thiên thần đi bộ xuống phố, tay phải xách thùng nước đầy, tay trái cầm bó đuốc rực lửa. Người ấy liền hỏi: “Ngài làm gì với bó đuốc và thùng nước vậy ?” Thiên thần đứng lại, nhìn người ấy mà bảo: “Ta sẽ thiêu rụi các tòa nhà trên trời bằng bó đuốc và sẽ dập tắt lửa hỏa ngục bằng thùng nước này. Lúc đó sẽ thấy được ai là kẻ thực sự yêu mến Thiên Chúa.” Chủ ý của thiên thần là nhiều người vâng lệnh Chúa, giữ đức tin vì sợ hãi hình khổ Hỏa ngục hay vì hy vọng phần thưởng Thiên đàng. Họ không giữ huấn lệnh ấy vì yêu thương như Chúa Giê-su đã nêu lên trong bài Tin Mừng đang đọc: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”

1. Giữ điều răn vì yêu mến.

Đứng trước điều răn Đức Giê-su, chúng ta thường có một trong hai thái độ. Tiên vàn, chúng ta có thể coi điều răn như một cái gì hạn chế tự do của chúng ta, thậm chí như một đòi hỏi khắt khe, phi nhân, độc đoán; nên dẫu không ưa, chúng ta có thể cũng ép mình phải giữ vì sợ hãi, “sợ phạt hỏa ngục” hay ngược lại để mong “được thưởng Thiên đàng”. Hãy lấy ví dụ điều răn yêu thương kẻ thù, điều răn về tính dục và hôn nhân… Chúng ta có thể tự nhủ: “Chìa má kia luôn cho người vả mặt có vẻ khiếp nhược, tha thứ kẻ thù biết đâu tiêu diệt ý chí đấu tranh! Giữ sự trong sạch thời còn tuổi trẻ e là dại dột uổng phí, cố gắng bảo toàn sự chung thủy và mối giây hôn nhân sau khi đã có những rạn nứt xem ra lỗi thời, có nguy cơ tự đày đọa mình trong hỏa ngục trần gian.” Và vì thế chúng ta miễn cưỡng chịu đựng, sống đạo một cách ơ hờ, hoặc lạm dụng tòa cáo giải, hay đến mức cuối cùng là cho mọi sự đi đong! Nhưng một niềm tin chỉ xây trên nỗi sợ phạt và lòng mong thưởng thì luôn luôn tìm kiếm kẽ hở, đưa đến những kiểu lý luận như sau: “Tới mức nào thì tôi mới bị xem là phạm lỗi ? Có thể ăn cắp bao nhiêu mà chưa phải là tội trọng? Tôi có thể buông thả đến độ nào mà chỉ lỗi nhẹ điều răn thứ sáu ? Tôi có thể cho ít bao nhiêu mà vẫn chu toàn bổn phận Ki-tô hữu?” Thái độ này là thái độ của một nô lệ, một gia nhân chứ không phải là của một người con Thiên Chúa.

Hay ngược lại, chúng ta có thể coi điều răn như một cái gì thăng tiến bản thân, một biểu hiện tình yêu của Cha trên trời, một phương thế Chúa dùng giáo dục con tim nhân loại vốn luôn nghiêng chiều về lòng ích kỷ. Và từ đó chúng ta sẽ giữ với lòng yêu mến biết ơn. Mà quả thật, nếu chịu khó suy nghĩ tìm hiểu, ta sẽ thấy các điều răn Thiên Chúa, giới luật Hội Thánh, dẫu đôi khi rất đòi hỏi, vẫn là những chỉ dẫn tốt đẹp, đưa chúng ta đạt tình yêu chân chính, hoàn thiện đúng nghĩa, đưa xã hội tới bình an trường tồn, văn minh đích thực. Hay nếu chưa hiểu thì cũng coi các điều răn Đức Giê-su dạy như những cơ hội để chúng ta biểu lộ tình yêu đối với Người. Một niềm tin xây dựng trên tình yêu như thế luôn tìm dịp làm đẹp lòng Thiên Chúa và phục vụ anh em, đưa tới những kiểu lý luận: “Tôi có thể làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa và giúp anh em hơn nữa ? Bác ái thế này vẫn chẳng thấm vào đâu! Đừng ngại nhờ đến tôi bất cứ lúc nào!” Đó thực là thái độ của một người con Thiên Chúa, một môn đệ của Đức Giê-su.

2. Giữ điều răn nếu yêu mến.

Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường chỉ muốn yêu mến Chúa mà khỏi giữ điều răn của  Người. Thế mà Người lại bảo: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ tuân giữ lời Thầy” và thêm: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,23). Câu nầy đưa chúng ta lên đỉnh cao vời và vào cõi dịu ngọt, nhưng bốn từ giữ ta lại với thực tế, và thường chúng ta chẳng muốn nghe chúng: “Tuân giữ lời Thầy”. Giữ lời, hay giữ điều răn, không phải là chuyện ít nhiều tùy ý trong đà tình yêu của chúng ta đối với Đức Giê-su. Thậm chí đây cũng chẳng phải là một lẽ đương nhiên, như thể nếu yêu mến Đức Giê-su, tôi sẽ phải giữ các điều răn của Người. Từ “nếu” liên kết khát vọng mến Chúa của chúng ta với thái độ sống của chúng ta cách rất mạnh mẽ: tôi chỉ yêu mến khi tôi vâng lời Người, bởi lẽ tình yêu đích thật, cụ thể của tôi, đó là cái tôi thực hiện chứ không phải chỉ nhận ra hay ao ước. Người Pháp có câu tục ngữ: “Nền hỏa ngục được lát bằng thiện chí” (thiện chí đơn thuần). Các thất bại của chúng ta có nguồn gốc sau đây: không muốn cho rằng tình yêu chẳng phải là một từ ngữ, một giấc mơ, hay một tiếng tim đập, mà là một thái độ sống, một cách ăn nết ở.

Khi người ta chiêm niệm với thánh Gio-an, thái độ sống ấy hiện ra thật rõ rệt: “Ta phải yêu mến anh em”. Với tình yêu Đức Giê-su dùng để yêu loài người, thứ tình yêu múc lấy từ việc Người liên kết với Chúa Cha. Thái độ sống huynh đệ của chúng ta nối dài cái đã được sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Mối dây bền chặt nối kết ước vọng mến Chúa rất thật của chúng ta với cái chúng ta làm cụ thể từ sáng tới chiều bằng trí khôn và đôi tay, qua các cuộc gặp gỡ huynh đệ của mình là như thế đấy. Nếu trong tất cả những điều ấy mà không có tình yêu thì đừng nói đến tình yêu đối với Thiên Chúa. “Chính khi yêu anh em con, Đức Giê-su bảo ta, là con yêu chính Thầy.”

Trong ánh sáng đó, bản văn hôm nay nói cho ta hay làm sao sự vắng mặt bề ngoài của Thiên Chúa có thể là một kinh nghiệm hiện diện liên tục. Hiện diện của Ba Ngôi, như đã được nêu ngay từ đầu: “Nếu anh em yêu mến Thầy, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban Thánh Thần cho anh em.” Thánh Thần này là Thần khí Tình yêu, vì Người là mối dây nối kết Chúa Cha với Chúa Con, đồng thời nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Người cũng là Thần khí Sự thật như Đức Giê-su nêu rõ, vì Người cho ta biết một sự thật bao trùm mọi sự thật: Thiên Chúa là Tình yêu! Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa và phải là động lực duy nhất của con người. Khi gia tăng tình bác ái huynh đệ, chúng ta cảm nhận ngay sự ngọt ngào được sống với Đức Giê-su chính kinh nghiệm làm Con của Người, trong dòng tình yêu mầu nhiệm của Ba Ngôi.

Nhưng tất cả những điều ấy sẽ gây một ấn tượng không thực, hay càng khiến người ta thấy Thiên Chúa như vắng mặt cách tàn nhẫn nếu chúng ta không quyết tâm tìm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Mỗi khi muốn suy niệm về mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hãy bắt đầu bằng cách giữ thật tốt các tương quan huynh đệ. Chính các tương quan này bảo đảm cho chúng ta thực sự hiểu được Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa khi thực sống giới răn yêu thương. Bạn muốn hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, hãy bác ái với mọi người đi đã, từ tư tưởng, ra lời nói, qua hành động. mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

ĐƯỢC THẦY YÊU MẾN

Ai trong chúng ta cũng đều được Chúa Giêsu hết mực yêu thương. Người đã tự nguyện hiến dâng chính mình, chịu đóng đinh và chết trên cây thập giá để cứu chuộc chúng ta. Thánh Phêrô đã viết trong một lá thư của ngài rằng: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh (1 Pr 3,18). Vốn dĩ là  một kẻ bất lương nhưng đã được Thiên Chúa thương xót, tôi phải làm gì để đáp lại tình yêu bao la mà Thiên Chúa đã dành cho tôi?

Đây là lời Chúa Giêsu đã ngỏ với tôi: “Nếu con yêu mến Thầy, con sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho con một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với con luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (x. Ga 14,15-17a). Tôi nhận thấy tình yêu Chúa trong tôi ngày càng được đong đầy. Đó không chỉ là tình yêu tôi đã dành cho Chúa nhiều hơn, nhưng hơn hết là tình yêu Chúa dành cho tôi mỗi ngày một nhiều hơn. Không phải hôm qua Chúa yêu tôi ít hơn hôm nay, nhưng là hôm nay Chúa cho tôi cảm nhận được nhiều hơn tình yêu Ngài dành cho tôi. Ngài dành cho tôi một tình yêu duy nhất, tình yêu trước sau như một. Điều làm tôi hạnh phúc là tôi được chính Thần Khí của Thiên Chúa làm cho sống. Tôi nhận thấy trái tim mình mỗi lần biết yêu như Chúa đã yêu thì nó được mở rộng ra. Đó là khi tôi đón nhận và cầu nguyện cho một người mà tôi ít thiện cảm, tìm kiếm và ghi nhận điều tốt đẹp nơi người đã ghét bỏ tôi, tôi cầu nguyện và dâng một việc làm hy sinh âm thầm là dấu để tôi tập bỏ mình, bỏ ý riêng và bỏ cái tôi ích kỷ. Khi tôi yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương tôi thì tôi cảm nhận được một sự bình an lặng lẽ trong tâm hồn. Đã nhiều lần tôi tự hỏi: “Sao người ta lại bắt tôi phải khắc phục hậu quả do lỗi của chính họ?” Tôi nhận thấy một ánh sáng chiếu soi trong tâm hồn tôi. Có một câu hỏi khác đến trong tâm trí tôi: “Tại sao Chúa Giêsu lại phải chết vì tội lỗi của chính tôi?” Tôi thấy xấu hổ cho chính mình. Chúa Giêsu đã đón nhận tôi, yêu thương tôi ngay khi tôi còn là một kẻ bất lương. Vậy mà tôi lại không đón nhận người khác như Chúa đã đón nhận tôi ư!

Chúa Giêsu đã nhờ Thần Khí mà phục sinh vinh hiển. Ai sống trong Thần Khí thì cũng sẽ được sống sự sống mới. Thần Khí làm cho tôi nên giống Chúa Giêsu. Người làm cho tôi nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã dạy tôi, nhớ lại những kinh nghiệm được Chúa sửa dạy, được đón nhận tình yêu của Chúa; Người giúp tôi tăng thêm niềm tin yêu và phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Người luôn luôn thức tỉnh tôi, cho tôi sức mạnh và sự can đảm để đi theo con đường hẹp của Phúc Âm. Người hối thúc tôi đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu, quay trở về cùng Thiên Chúa sau mỗi lần sa ngã. Người đốt lòng tôi yêu mến Chúa Giêsu và cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi luôn là một người môn đệ được Chúa yêu.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã yêu con và không ngừng yêu thương con. Mỗi ngày, xin ban xuống trên con Thần Khí tình yêu của Chúa, để Người dạy con yêu Chúa và yêu người anh em. Mỗi lần con yêu thương như Chúa mời gọi là mỗi lần con cảm nhận rõ hơn tình yêu Chúa dành cho con. Chính khi con sống giới răn yêu thương là khi con được Chúa yêu mến và được Chúa tỏ mình ra. Amen. mục lục

Bông hồng nhỏ

ĐẤNG BẢO TRỢ CHÍNH LÀ NGUỒN BÌNH AN NỘI TÂM

Thánh Kinh dùng nhiều hình ảnh để nói về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, Chúa Thánh Thần là Thần Khí Giavê, Đấng Phù Trợ, Bàn tay, Ngón tay, Cột mây, Cột lửa, Lưỡi lửa...

Trong lời tuyên xưng đức tin của mình (kinh Tin Kính), Hội Thánh tin tưởng Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người cùng là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, Người đồng một bản thể như Chúa Cha và Chúa Con.

Lịch sử cứu độ, bằng chứng là Thánh Kinh Cựu ước cho thấy, Chúa Thánh Thần đã có mặt từ trong Cựu Ước, ngay từ thuở tạo thiên lập địa (St 1,2). Nhưng với Cựu ước, khuôn mặt của Chúa Thánh Thần chưa rõ ràng. 

Trong Tân ước, nhất là trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chính Chúa Giêsu nhiều lần mạc khải minh nhiên về Ngôi vị Thánh Thần. Theo Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, cũng sai Thánh Thần đến từ nơi Chúa Cha, để thánh hóa Giáo Hội và dạy dỗ các môn đệ (Ga 16, 4-15).

Còn trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha sẽ ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em".

Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu nói đến, không ngừng dẫn chúng ta trên hành trình vượt qua đời người tiến về vĩnh cửu. Vì thế, ngay trên cõi thế, ai chân thành khiêm tốn lắng nghe sự hướng dẫn của Đấng Bảo Trợ mình, chắc chắn từng giây phút sống cũng là từng giây phút ngộ ra điều khôn ngoan mới mẻ, quý giá. 

Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và trung thành đi theo sự hướng dẫn ấy. Bởi quá lo sống trong đời tạm, nhiều khi do mọi lo toan, tính toán và gắn sức đồng hành với đời, ta quên mất, có nhiều hoạch định, có nhiều xây dựng, nhiều hoài bão của ta hoàn toàn không có ơn Chúa, không thuộc về sự chỉ vẽ của Thánh Thần.

Nếu thật sự lưu tâm đến đời sống siêu nhiên của mình, ta sẽ dễ dàng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, thấy được những lầm đường, những hư ảo, những sai quấy, thậm chí những nguy cơ đến gần vực thẳm của tội lỗi...

Chấp nhận để Chúa Thánh dìu dắt, chắc chắn nội tâm của ta cũng chìm sâu trong bình an. Bình an nội tâm là ơn cần thiết vô cùng cho mỗi chúng ta hôm nay. Bởi hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta là thời đại đang diễn ra quá nhiều những hỗn tạp, có sức làm chao đảo ngay cả những người được coi là vững vàng nhất. 

Đức Bênêđictô XVI coi đó là “tình trạng trẻ thơ trong đức tin” (Hồng y Ratzinger - Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005). “Trẻ thơ” là do lòng người quá yếu đuối, không kiên định, không dứt khoát, lại để mình nghiêng ngã, “trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Eph 4,14).

Có bình an, ta đủ sức chống chọi mọi làn gió thổi ngoài Tin Mừng Chúa Kitô, ngoài sức hấp dẫn của Thánh Thần. Những làn gió đang tác động mạnh mẽ trong thời đại là, “Từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp…Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và sẽ xảy ra điều mà thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (Ep 4,14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Hội Thánh, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín…” (Hồng y Ratzinger - Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005).

Nguyện cho bình an của Đấng Phục Sinh ngự trị trong lòng chúng ta. Nguyện cho ân sủng tuyệt đối là chính Chúa Thánh Thần và bình an của Người sống mãi trong lòng Kitô hữu. Nguyện cho mỗi Kitô hữu “chân cứng đá mềm” để xứng đáng hưởng nhờ bình an phục sinh và hăng hái trao ban bình an mà mình được lãnh nhận. mục lục

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

CHÚA THÁNH THẦN LÀ DẤU ẤN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay (Ga 14:15-21) khởi đầu bằng hai từ “Yêu Mến” và từ “giữ”: Nếu anh em “yêu mến” Thầy, anh em sẽ “giữ” các điều răn của Thầy. Sau đó Thánh Gioan kể lại việc Chúa Giêsu nói lời từ biệt với các bạn của Chúa là các Tông đồ.

Chúa Giêsu đã kết thúc bài giã từ bằng lời nói Ta là đường dẫn đến Chúa Cha và là Sự Sống vĩnh cửu. Thừa hưởng nơi ở chốn vĩnh hằng của Thiên Chúa phụ thuộc vào niềm tin Chúa Giêsu và Chúa Cha là Một. Đoạn Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải giữ những giới răn của Người bằng cách thể hiện tình yêu Chúa cũng như mối liên hệ của mình đối với Chúa. Tuân giữ những giới răn mà Chúa Giêsu để lại là bằng chứng cụ thể được Thiên Chúa ngự trị trong họ.

Điểm chính mà chúng ta cần phải chú ý là sự xuất hiện của vị trạng sư biện hộ -gọi là thứ hai- được gửi đến. Chúa Giêsu được hiểu là vị thứ nhất. Nhiệm vụ của vị trạng sư thứ hai này là làm cho sự hiện diện của “con người” Chúa được sống động. Những người có niềm tin sẽ nhìn thấy những điều mà trần gian không thấy được. Nhận thức được sự hiện diện sống động của Chúa Con qua việc làm, cử chỉ của Chúa Thánh Thần cũng sẽ giúp cho các môn đệ vững lòng tin về tình liên đới thiết thân giữa Chúa Cha và Chúa Con. Việc thể hiện Thiên Chúa sống động phải được chứng tỏ bằng cách giữ các giới răn của Chúa và kiên trì sống trong tình yêu Chúa. Thực thi những việc đó cũng là một chủ đề thần học còn lại nơi Chúa được gọi là đời sống người Kitô hữu mà thánh sử Gioan đã nêu rõ trong chương kế tiếp khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả nhu cầu phải bám chặt lấy Người để được sống (Ga 15:1-17). Dù cho Chúa Giêsu phải chết để trở về với Chúa Cha, thì các môn sinh, những người theo Chúa không bao giờ cảm thấy mình cô đơn và bị bỏ rơi.

Có Chúa Thánh Thần là con tem dấu ấn in lên người khi chịu phép thanh tẩy như nói trong bài đọc 1 (Cv 8:5-8, 14-17), khi Philíphê mang tin mừng cho dân Samaria, ông làm phép lạ, họ tin và chịu phép thanh tẩy nhân danh Chúa Kitô, Phêrô và Gioan đăt tay lên những người Samaria này thì họ nhận lãnh được ơn Chúa Thánh Thần. Lúc đó họ đã trở thành người tín hữu của Chúa Kitô có đầy đủ sức mạnh và quyền lợi. Chúng ta là những tín hữu Công Giáo có danh phận và quyền lợi thì phải có bổn phận giữ vững niềm tin của mình: “yêu mến Chúa và giữ các điều răn của Chúa” đồng thời phải “bảo vệ và lan truyền niềm tin ấy” cho những người chung quanh và cho tha nhân. Không sợ sệt. Không quanh co lẩn trốn. mục lục

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

TUÂN LỆNH

[Niệm ý Ga 14:15-21]

Yêu mến là thực thi
Lệnh truyền của Thiên Chúa
Bởi “vô tri bất mộ”
Lẽ bình thường, tự nhiên
Chúa đã nhắc nhiều lần
Yêu thương là mệnh lệnh
Đó là cách nên thánh
Mến Chúa phải yêu người
Chuyện thật, chẳng đùa chơi
Tin yêu là bài học
Không chỉ là lý thuyết
Mà phải được thực hành
Cụ thể sống nhân lành
Đức tin cần hiện thực
Không thì đức tin chết
Vì lòng như khoảng không
Thiên Chúa hằng xót thương
Không bỏ ai đơn độc
Ngài chính là Sự Thật
Trao ban Chúa Thánh Thần. mục lục

Viễn Dzu Tử

ĐẤNG PHÙ TRỢ KHÁC 

(Cảm nhận và suy niệm từ Ga 14.15-21)

Hôm nay Chúa dạy chúng ta:
Cứu nhân hoàn tất Chúa Cha gọi về
Các con chớ ngại điều chi
Đấng Phù Trợ khác cấp thì tiếp tay.
 
Yêu Thầy, hãy giữ lời Thầy
Cha Thầy thương đến, lòng đầy thánh ân
Ngôi Ba chính Chúa Thánh Thần
Ngài là Sự Sống muôn dân trên đời.
 
Ba Ngôi cũng một Chúa Trời
Quyền uy, phép tắc, chẳng rời tình thương.
Cộng đoàn dân Chúa trên đường
Theo Vua Chiến Thắng, khai trương Nước Ngài.
 
Vào ngày thế mạt triển khai
Đất trời mới lập, nhận người hữu công
Ngày vui cho cả cộng đồng 
Giáo Hội chiến thắng hiệp thông Nước Trời. mục lục

(Th. K. Dominic)

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan