ĐỨC MẸ CÓ HIỆN DIỆN KHI CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI KHÔNG?

20-05-2023 89 lượt xem

Ảnh: cellularnews

Kinh Thánh không nói chính xác ai đã ở đó, nhưng rất có thể Đức Mẹ đã có mặt khi Chúa Giêsu lên trời, vì Chúa Giêsu là Con Yêu của Mẹ.

Chương đầu tiên của sách Công Vụ tiếp tục câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu và bắt đầu với việc Ngài lên trời. Tuy nhiên, không rõ ai đã có mặt ở đó, và nhiều người thắc mắc rằng Đức Maria, Mẹ của Ngài, có hiện diện khi Ngài lên trời hay không.

Kinh Thánh cho chúng ta một số manh mối. Trước hết, có thể suy luận một cách an toàn rằng các tông đồ đã ở đó và là nhân chứng của sự thăng thiên.

Cv 1:12-14 cho biết: “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.”

Câu 12 cho biết các môn đệ đầu tiên (trừ Giuđa) từ núi Ôliu trở về. Ngay sau câu này xuất hiện một manh mối có thể đặt Đức Mẹ vào lúc Chúa Giêsu lên trời. Tất cả những người này đã đồng tâm nhất trí cầu nguyện, cùng với một số phụ nữ và Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.

Các tông đồ đã cùng cầu nguyện với các phụ nữ và Đức Mẹ tại phòng Tiệc Ly. Đức Mẹ có ở trên núi Ôliu? Không có câu nào nói rõ, nhưng theo truyền thống ngoan đạo thì Đức Mẹ đã ở đó, và các họa sĩ thường vẽ cảnh Đức Mẹ ở giữa các tông đồ, ngước nhìn Con Yêu Giêsu. Điều này báo trước sự kiện Lễ Ngũ Tuần, mà Kinh Thánh xác định rằng Đức Mẹ đã hiện diện lúc đó.

Nếu bạn nghĩ về điều đó, liệu Chúa Giêsu có muốn nói lời tạm biệt lần cuối với Đức Mẹ không? Điều này hợp lý, và chúng ta cũng có thể tìm thấy gợi ý nào đó trong Kinh Thánh.

Nghĩ về cảnh này theo cách này càng làm tăng thêm cảm xúc về sự ra đi của Chúa Giêsu, điều mà mọi người chắc hẳn rất khó chịu nổi, đặc biệt là Đức Mẹ, người đã suy nghĩ về tất cả những điều đó trong lòng.

Philip Kosloski - https://aleteia.org
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

BẢN CHẤT CON NGƯỜI ĐẠT ĐƯỢC THIÊN ĐÀNG TRONG SỰ THĂNG THIÊN

Cách Nhà thờ Kinh Lạy Cha (Pater Noster) trên Núi Ôliu ở Giêrusalem không xa là Nhà nguyện Thăng Thiên nhỏ bé. Người viết nhật ký nổi tiếng ở thế kỷ IV là Egeria đã đến địa điểm này trong chuyến hành hương đến Thánh Địa, mô tả dấu chân Chúa Giêsu vẫn nhìn thấy trên “Tảng Đá Thăng Thiên,” nơi từng nằm trong một nhà thờ Byzantine ấn tượng, giờ đây là một ngôi đền nhỏ bằng đá.

Sự đơn giản hoàn toàn của ngôi đền đáng kính này là một công trình phù hợp với lời khuyên của hai thiên thần áo trắng trong ngày Chúa Giêsu lên trời: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1:11)

Khi chúng ta chờ đợi sự trở lại của Ngài, chúng ta hướng mắt về đâu? Chúng ta thấy Chúa Giêsu ở đâu? Chúng ta hướng sự chú ý của mình vào điều gì?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta phải nhận biết hai khía cạnh thần học có liên hệ mật thiết với nhau về mầu nhiệm Thăng Thiên. Thứ nhất là việc Chúa Giêsu lên trời để trao quyền cho các tông đồ thi hành sứ vụ ở trần gian. Chúa Giêsu về với Chúa Cha để Chúa Cha sai Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần nhân danh Ngài (x. Ga 14:26) để củng cố sứ vụ của các Tông đồ.

Khía cạnh thứ hai về cơ bản như nhau và có lẽ có trước về mặt thần học. Nghĩa là Đức Kitô mang bản tính nhân loại của chúng ta lên trời để giờ đây chúng ta được sống với Chúa Cha một cách mầu nhiệm trong Chúa Giêsu, ngay cả khi còn cư ngụ trên trái đất này. Đó là yếu tố cơ bản trong kinh nghiệm của Thánh Phaolô về Đức Kitô và là sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của ông. Bị đóng đinh với Đức Kitô, Thánh Phaolô không còn sống nữa, nhưng Đức Kitô sống trong ông, (Cl 2:20) và ông thường nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô cũng sống trong chúng ta (2 Cr 13:5; Rm 8:10; 2 Cr 4:6-7; Gl 1:15-16). Bản chất con người của chúng ta chính là – trong Đức Kitô – ở với thần tính của Chúa Cha trên trời, điều đó có thể tạo ra cuộc sống mới, tràn đầy thần khí sau khi Chúa Giêsu lên trời và sai Chúa Thánh Thần đến.

Các môn đệ của Chúa Giêsu được khuyên không ngừng tìm kiếm Ngài trên trời để họ có thể bận rộn với công việc của Thầy Giêsu trên thế gian. Chắc chắn họ được kêu gọi để làm điều đó. Nhưng điều giúp họ làm được điều đó chính là xác tín rằng họ cũng hiện diện một cách mầu nhiệm với Chúa Cha trong nhân tính của Chúa Kitô đang ngự trị trên trời. Họ có thể thực hiện các phép lạ nhân danh Ngài không chỉ vì họ đã được ban cho quyền năng của Ngài, mà còn vì chính Chúa Giêsu giờ đây đã hiện diện với Chúa Cha trong nhân tính của Ngài, do đó trình bày nhân tính của họ như một món quà liên tục dâng lên Chúa Cha: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Giống như các tông đồ đã chứng kiến Chúa Giêsu thăng thiên, chúng ta sẽ không bị thuyết phục về sự hiện diện của mình với Cha trên trời – và sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta trên thế gian – qua tầm nhìn thể lý. mà đúng hơn là qua ý nghĩa tâm linh, nhờ đó chúng ta tin chắc mình được nhận làm con cái của Thiên Chúa (x. Ga 1:12).

Trong một bài giảng về Thăng Thiên, Thánh Lêô Cả (khoảng năm 400-461) đã nhiệt thành nhắc nhở rằng “bản chất con người tội nghiệp của chúng ta đã được nâng đỡ, trong Chúa Kitô, trên tất cả các thiên thần, vượt trên cả những quyền lực cao nhất trên trời cho đến chính ngai tòa của Chúa Cha.” (Patrologia Latina, 54, 397) Thật thú vị! Mặc dù chúng ta chờ đợi thời kỳ cuối cùng và sự hoàn thành mọi sự trong Đức Kitô, nhưng bản chất con người của chúng ta có sẵn rồi, trị vì một cách vinh quang trong Ngôi Vị của Chúa Giêsu Kitô trên ngai tòa trên trời. Chỉ khi suy ngẫm về sự thật kỳ diệu này, chúng ta mới nhận thức đầy đủ rằng Chúa Giêsu, sau khi lên trời, “hiện diện không thể diễn tả theo thần tính của Ngài đối với những người mà Ngài khác xa theo nhân tính của Ngài.” (sđd)

Làm thế nào nhân tính của Chúa Giêsu – điều mà chúng ta mong đợi chỉ có thể trải nghiệm được trong các chiều kích không gian, thời gian và vật chất – tồn tại trong một lĩnh vực vượt ngoài các chiều kích đó cũng không kém phần bí ẩn so với cách mà thần tính của Ngài – một điều vô cùng vượt qua các chiều kích không gian, thời gian và vật chất – trở nên hiện diện thực chất trong các yếu tố trần thế của bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể Cực Thánh? Tôi e rằng Giáo hội Tây phương ít đánh giá cao điều bí ẩn đầu tiên hơn nhiều so với các Giáo hội Đông phương. Trong Giáo hội Tây phương, chúng ta có xu hướng tập trung vào Thân Thể Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể (chắc chắn là vậy!) và Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội, nhưng chúng ta thường bỏ qua rằng cả hai đều dựa trên Thân Thể Chúa Kitô ngự vĩnh hằng trên trời ở bên hữu Chúa Cha. Tuy nhiên, bất cứ khi nào chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính rằng thực sự đó là nơi Chúa Kitô ngự, chúng ta tuyên xưng rằng Ngài sống ở đó bằng xương bằng thịt, như Thánh Gioan Damascene dạy: “Nhờ ‘tay hữu Chúa Cha’ mà chúng ta hiểu được vinh quang và vinh dự của thần tính, nơi Ngài hiện hữu với tư cách là Con Thiên Chúa trước mọi thời đại, thực sự là Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha, đang ngồi theo dạng thân thể (sōmati) sau khi Ngài nhập thể và xác thịt Ngài được tôn vinh.” (Patrologia Graeca, 94, 1104C; x. GLCG 663) Càng có lý do để tận dụng của ăn thiêng liêng là lãnh nhận Thánh Thể và tìm dịp để chiêm ngưỡng cả hai mầu nhiệm – tức là bản chất con người của chúng ta trên trời và bản chất của thần tính trên trái đất – qua việc Chầu Thánh Thể.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận. Nhận biết rằng bản chất con người của chúng ta ở trên Thiên Đàng với Chúa Cha trong Chúa Giêsu không làm giảm ý chí tự do của chúng ta hoặc loại bỏ xu hướng phạm tội của chúng ta. Làm chủ cái trước và loại bỏ cái sau khỏi cuộc sống của chúng ta là chìa khóa dẫn đến sự thánh thiện, và công việc này không bao giờ xong. Dietrich von Hildebrand đã viết một cách khôn ngoan rằng “ngay cả sau Sự Cứu Chuộc… sự tồn tại trên trần thế vẫn là một tình trạng tồn tại. Ở nhiều khía cạnh, tính đối ngẫu đau khổ vốn có trong hoàn cảnh trần thế của chúng ta vẫn không thay đổi.” (Biến Hình trong Chúa Kitô, 449)

Do đó, cần cử hành Lễ Đức Mẹ Mông Triệu hằng năm, và chúng ta cần chăm chú vào Chúa Giêsu Thánh Thể: Chúa Kitô có nhân tính – và trong Ngài là bản tính nhân loại của chúng ta – hiện đang ở với Chúa Cha trên trời.

Daniel b. Gallagher - https://catholicexchange.com
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ
Kính mừng Chúa Thăng Thiên–2023

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan