SUY NIỆM LỄ HIỆN XUỐNG_2023
[Cv 2:1-11; 1 Cr 12:3b-7, 12-13; Ga 20:19-23]
QUÀ TẶNG BÌNH AN - + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
THIỆN ÁC, SINH TỬ PHÁT SINH TỪ CÁI LƯỠI - Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD
ĐẤNG BẢO TRỢ ÂM THẦM - Anna Cỏ May
THÁNH THẦN, ĐẤNG DẠY DỖ và NHẮC NHỞ - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
THẦN KHÍ TÁI SINH và ĐỔI MỚI - Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
GIÓ và LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG của CHÚA THÁNH THẦN - Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD
7 ƠN CHÚA THÁNH THẦN - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BẢO TRỢ - Phêrô Phạm Văn Trung.
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
CƠN MƯA THÁNH THẦN - Viễn Dzu Tử
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - (Thế Kiên Dominic)
Theo Tin Mừng Thánh Gio-an, vào buổi chiều của chính ngày Phục sinh, tức là ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su phục sinh đã ban Thánh Thần cho các môn đệ. Trong lúc các cửa nhà đều đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến với các ông, và cùng với lời cầu chúc bình an, Chúa thổi hơi trên các ông kèm theo lời tuyên bố: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x. Ga 20, 19-23).
Theo tác giả sách Công vụ Tông đồ, thì Chúa Thánh Thần lại đến với các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần, tức là năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua. Chúa Thánh Thần ngự đến, trong lúc các ông sốt sắng cầu nguyện, với sự hiện diện của Đức Ma-ri-a, Mẹ của Chúa Giê-su.
Thực ra, Chúa Thánh Thần là quà tặng mà Đấng Phục sinh ban cho các môn đệ ngay từ khi Người từ cõi chết sống lại. Ngày lễ Ngũ Tuần chỉ là sự công khai biểu dương sức mạnh của Ngài, và cũng để chứng minh những gì Chúa Giê-su đã hứa trước đó về việc sẽ xin Chúa Cha sai đến một Đấng Phù trợ. Đây cũng là ngày Giáo Hội được giới thiệu chính thức với toàn thể thế giới. Vì vậy mà lễ Hiện Xuống được coi như ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội đã được thành lập từ khi Chúa Giê-su quy tụ những ai tin vào Người, và cộng đoàn những người tin ấy đã được long trọng giới thiệu với toàn thể thế giới vào ngày lễ Ngũ Tuần. Tính chất hoàn vũ được thể hiện qua việc thánh Phê-rô rao giảng bằng một thứ ngôn ngữ (có thể đó là tiếng Hipri), mà khách hành hương đến từ khắp nơi đều có thể hiểu được. Chính Chúa Thánh Thần tác động nơi thánh Phê-rô, đồng thời mở lòng khách hành hương, giúp họ hiểu được Chân lý mà thánh Phê-rô rao giảng, đồng thời chấp nhận gia nhập cộng đoàn mới mẻ này. Ngay trong ngày hôm ấy, số tân tòng đông đến ba ngàn người (Cv 2,41).
Kể từ giây phút Đấng Phục sinh ban Thánh Thần cho các tông đồ, Chúa Thánh Thần đã luôn hiện diện trong Giáo Hội. Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm ấy, Ngôi Ba Thiên Chúa luôn hoạt động nơi các tín hữu. Ơn ban của buổi chiều ngày Phục sinh cũng chính là Lửa ngự đến trên các tông đồ. Chúa Thánh Thần là quà tặng bình an của Chúa Giê-su ban cho toàn thế giới.
Những bài giáo lý sơ đẳng nói với chúng ta: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài là Tình yêu. Ngài cũng là linh hồn của Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng, mà Giáo Hội của Chúa Ki-tô đứng vững trước mọi cơn bão táp của lịch sử, để luôn trung thành với giáo huấn của Chúa Giê-su.
Những kiến thức trên đây hoàn toàn chính xác, nhưng mới chỉ là lý thuyết. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống vừa nhắc chúng ta sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, vừa mời gọi chúng ta hãy luôn sống theo sự hướng dẫn của Ngài. “Hãy sống theo Thần Khí!”. Thánh Phao-lô nhắc đi nhắc lại với các tín hữu Ga-lát điều này. Cuộc sống nơi thế gian là một cuộc chiến không ngừng. Đó là cuộc chiến giữa tối tăm và ánh sáng, giữa tội lỗi và thánh thiện. Người tín hữu muốn nên trọn lành, phải lựa chọn sống theo Thần Khí, tức là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Giữa bao âm thanh hỗn độn ồn ào của cuộc sống xô bồ, cần có tâm hồn thinh lặng và thiện chí lắng nghe. Chúa Thánh Thần vẫn đang ngỏ lời với chúng ta. Ngài là “ngôn ngữ” của Thiên Chúa. Hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ cho thấy Ngài vừa là lửa, vừa là ngôn ngữ. Lửa để sưởi ấm. Ngôn ngữ để dạy dỗ.
Cuộc sống là cuộc chiến đấu khắt khe và nghiệt ngã. Để giúp các tín hữu Ga-lát hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu này, thánh Phao-lô đã liệt kê những việc làm của xác thịt và những hoa quả của Thánh Thần. Có đến 15 nết xấu được liệt kê, trong khi đó chỉ có 9 đức tính được gọi là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Bài đọc II). Điều này chứng minh sự nghiệt ngã và cam go của cuộc sống. Sống trên đời, con người bị giằng xé giữa tội lỗi và ân sủng. Không ít người đã không thắng nổi chính mình, và đã rơi vào vòng xoáy của những tham vọng trần thế, dập tắt lửa Thánh Thần để buông theo cơn lốc đam mê.
Như thế, đón nhận Chúa Thánh Thần chính là thực thi những hoa trái của Ngài trong cuộc sống cụ thể của chúng ta. Những hoa trái này được thánh Phao-lô liệt kê như sau: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Chúa Thánh Thần vừa là Đấng ban cho chúng ta những hoa trái này, đồng thời Ngài cũng chính là những hoa trái này ở mức độ hoàn hảo nhất. Ngài chính là quà tặng bình an mà Đấng Phục sinh ban tặng cho thế giới của chúng ta.
Lễ Hiện Xuống năm nay cũng là Chúa nhật cuối cùng của Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Như xưa Mẹ đã hiện diện giữa các môn đệ vào giây phút Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nay xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận Quà tặng bình an. Nhân loại hôm nay đang bị tổn thương trầm trọng do chia rẽ, xung đột và bạo lực. Xin Chúa ban Thánh Thần bình an của Ngài để nâng đỡ và nối kết chúng ta. mục lục
+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
THIỆN ÁC, SINH TỬ PHÁT SINH TỪ CÁI LƯỠI
Sách Huấn Ca nói rằng: “Từ tâm não mà tư tưởng phát sinh hướng về bốn lãnh vực: thiện với ác, sinh với tử, nhưng cả bốn luôn bị cái lưỡi chi phối” (37:17-18). Thật vậy! Cái lưỡi của con người ta phát ra những lời nói khiêm nhường, vui vẻ, nhã nhặn, lịch sự, tử tế và cảm thông thì sẽ đem lại những điều THIỆN HẢO. Còn khi lưỡi phát ra những lời chia rẽ, hận thù, khích bác, chê bai, phê bình, chỉ trích…thì nó sẽ gây ra những sự ÁC. Tôi xin đơn cử ra đây vài ví dụ cụ thể:
• Đấng Đáng kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong lúc ở trong tù cải tạo, đã biết dùng lưỡi của ngài để phát ra những lời nói yêu thương, cảm thông, vì thế những điều thiện hảo và tốt lành đã nảy sinh trong lòng những người cán bộ, công an, và quản giáo…“… Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi Luật Tân ... sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật. Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh… Và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi.”
• Megan Meier, một thiếu nữ 13 tuổi, cư dân tại thành phố Dardenne Prairie, tiểu bang Missouri, vào ngày 16 tháng 10 năm 2006 đã treo cổ tự tử trong phòng chỉ vì một người hàng xóm giả làm bạn trai của cô trong internet nói rằng cô là một người dơ dáy, bẩn thỉu, nhếch nhác và mập béo và thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu không có sự hiện diện của cô ta.
• Laura Rhodes, một học sinh 13 tuổi tại thành phố Neath, South Wales, đã uống thuốc tự tử vì nghe bạn bè trong lớp nói những lời bất nhã, khinh thường, chế nhạo và độc ác. Tắt một lời, cái lưỡi của ta lợi hại vô cùng, nó là một con dao hai lưỡi, nó được thánh Giacobe ví giống là một ng
ọn lửa, nó có thể làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời …cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người (3:6,8)
Bạn có muốn dùng lưỡi của bạn đem lại những điều THIỆN, tức là SINH ra những sự tốt lành, đem lại sự sống cho người khác không? Nếu bạn không muốn thì Chúa cũng chịu thua, còn nếu bạn muốn miệng lưỡi của bạn có thể uốn lên để phát ra những lời đem lại sự sống, những lời nói lịch sự, nhã nhặn, yêu thương, bác ái, thông cảm, đem lại hy vọng, và sự sống cho tha nhân … thì xin bạn hãy cầu xin với Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự vào trong lòng bạn, để Ngài biến đổi và thanh tẩy miệng lưỡi của bạn qua bảy ơn của Ngài, đó là: Ơn thông minh, ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa.
• Với ơn HIỂU BIẾT, Chúa Thánh Thần sẽ mở lòng mở trí, sẽ soi sáng để bạn và tôi nhận ra những nguy hiểm và tránh không nói những lời gian dối, điêu ngoan, tục tĩu, thâm độc, chua cay và thù hận.
• Với ơn KHÔN NGOAN & ơn THÔNG MINH của Chúa Chúa Thánh Thần ban cho, tôi và bạn sẽ có dễ dàng uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, và sẽ dùng lưỡi để phát ra những lời nói lịch sự, nhã nhặn, tế nhị, và ngọt ngào dễ nghe.
• Với ơn LO LIỆU, ơn SỨC MẠNH, ơn ĐẠO ĐỨC & ơn KÍNH SỢ THIÊN CHÚA, chúng mình sẽ có khả năng uốn lưỡi để nó phát ra những lời nói bác ái, yêu thương, lạc quan, hy vọng và cảm thông…nhờ vậy, những người chung quanh ta sẽ sống vui vẻ, lạc quan và phấn khởi.
Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện xin với Chúa Thánh Thần ban xuống trên chúng ta BẢY ƠN THÁNH CỦA NGÀI, để bất cứ khi nào chúng ta uốn lưỡi để phát ngôn, thì bạn và tôi đều có khả năng nói những lời nói hay, những lời nói làm đẹp lòng Chúa, làm phấn khởi lòng người và đem lại niềm vui cho tha nhân, bắt đầu từ những người trong gia đình của chúng ta.
Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng Hoa kính Đức Mẹ, nguyện xin Thiên Chúa là Cha nhân ái, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúc lành, ban bình an, và xin Ngài gìn giữ bạn cùng những người thân của bạn được mạnh khỏe hồn xác. Và xin Ngài ban ơn giúp sức, để chúng mình biết dùng cái lưỡi một cách khôn khéo, luôn nói những lời nói có tính cách xây dựng, nói năng ôn hòa, nhã nhặn, lịch sự và lễ độ, nhờ vậy sự hòa bình, sự hiệp nhất và yêu thương sẽ lan tỏa khắp mọi nơi, và sẽ liên kết mọi người nên một. mục lục
Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, trong căn phòng, các cửa đều đóng kín, các môn đệ quy tụ lại với nhau trong tâm trạng sợ hãi người Do thái. Họ không dám đi đâu hay xuất hiện ở bất cứ nơi nào, cũng không dám đối diện với những ánh mắt, cử chỉ và thái độ khinh chê của dân Do thái sau khi Thầy đã bị đóng đinh. Nhưng sau ngày đó, họ đã bước ra được khỏi căn phòng bóng tối ấy và ra đi rao giảng tất cả những gì đã lãnh nhận từ Thầy Giêsu. Nhờ đâu mà các Tông đồ được như vậy?
Trong lúc các môn đệ chìm trong nỗi sợ hãi, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ. Ngài trao ban bình an và thổi hơi vào các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban cho các môn đệ. Ngài sống với Chúa Cha trong tâm tình con thảo nên dầu làm việc gì Ngài cũng thân thưa cùng với Chúa Cha. Vì vậy, việc trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ cũng không là ý của riêng Ngài. Các môn đệ sẽ được hưởng sự sống trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng biến đổi các ông, để các ông không còn sợ hãi trước người Do thái hay lo lắng gì cho tương lai. Thay vào đó, các ông trở nên những con người tràn đầy bình an, lòng can đảm, ơn thông minh và hiểu biết (x. Ga 14,26). Ngoài ra, các ông còn được Chúa Thánh Thần trao ban sự khôn ngoan của Thiên Chúa, lòng kết hiệp với Thiên Chúa qua việc trung thành với sứ mạng chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa (x. Cv 6,4). Chúa Thánh Thần giúp các ông được thông dự vào quyền năng của Thiên Chúa: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Thánh Giám mục Syrilô đã viết: “Thánh Thần ngự trong ai thì Người biến đổi kẻ ấy để họ sống một nếp sống khác và phục hồi trong cuộc sống mới” (Kinh Sách). Như vậy, nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã được biến đổi và sống một cuộc sống mới, ra đi đến với mọi người, làm cho muôn người yêu mến Chúa và trở thành môn đệ của Chúa, cùng làm vinh danh Chúa Cha.
Mỗi người kitô hữu chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vì chúng ta là những con người yếu đuối và giới hạn, không thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, chúng ta cần được Chúa Thánh Thần ngự đến soi sáng, nâng đỡ đức tin cho chúng ta. Nhưng chúng ta có nhớ đến Ngài không? Chúng ta có cộng tác với ơn Ngài ban không? Hay chúng ta đã lãng quên và khước từ Ngài? Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy tỏ lòng sám hối và cầu xin Ngài đến ngự trong chúng ta, biến đổi và trợ giúp chúng ta bước đi trên con đường về quê trời. Ngài chính là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta trên cuộc đời lữ hành (x.Ga 14,16).
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin cử Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn chúng con, để biến chúng con thành môn đệ của Chúa. Xin khơi dậy nơi tâm hồn chúng con lòng khao khát được Chúa Thánh Thần ngự đến, vì chúng con đã bao lần lãng quên hay khước từ Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen. mục lục
Anna Cỏ May
THÁNH THẦN, ĐẤNG DẠY DỖ VÀ NHẮC NHỞ
Khi đến giờ Ðức Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha, Người phán cùng các môn đệ nhiều điều. Người nói với họ về niềm tin, tình yêu và lòng mến (Ga 12, 44-50; 14, 1-6). Người trấn an các ông bằng cách để lại bình an cho họ, truyền dạy họ mến thương nhau, đồng thời kết hợp với Người như cành nho với thân nho, ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (Ga 14; 15). Đặc biệt là Người xin Chúa Cha ban cho các môn đệ “Đấng Phù Trợ khác” (Ga 14, 16) để ở với các ông luôn mãi.
Và một lần nữa: “Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13). Ngài sẽ không làm tất cả cùng một lúc, hoặc một lần cho mãi mãi, mà là khi có tình huống phát sinh. Trước khi dứt khoát từ giã các môn đệ lên Trời, Đấng Phục Sinh đã trấn an các môn đệ về sự trợ giúp của Đấng Bảo Trợ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri cho đến tận cùng trái đất“. (Cv 1, 8).
Chúa Giêsu nói: “Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi sự và nhắc nhớ cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26). Ðây là điều Chúa Thánh Thần làm: Ngài dạy dỗ và nhắc nhớ điều Chúa Giê-su đã nói.
Thánh Thần dạy dỗ
Câu hỏi được đặt ra: Chúa Thánh Thần dạy chúng ta sự gì?
Chúa Giê-su cho chúng ta câu trả lời: Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng ta cách yêu mến Chúa và tuân giữ các giới răn của Chúa, để chúng ta khỏi yêu mến Chúa mà không giữ các giới răn của Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng biết phải làm gì và làm từ đâu. Chính Chúa Giê-su nói: “Nếu các con yêu mến Thầy thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14, 15). Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có tình yêu, thì làm gì cũng chỉ uổng công vô ích. Chúng ta không thể tạo ra tình yêu, vì chỉ có Thiên Chúa là Tình Yêu còn chúng ta là kẻ có tình yêu. Tình yêu là hồng ân do Chúa tặng ban. Chính Thánh Thần tình yêu đặt trong chúng ta tình yêu. Chính Ngài làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và dạy chúng ta yêu mến. Ngài là “động cơ” đời sống liêng của chúng ta. Chúa Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn người tín hữu lòng sốt sáng kính mến Chúa.
Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn
Ngoài việc dạy dỗ bảo ban, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta như thánh Phaolô giải thích: “Những người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn không sống theo xác thịt nhưng theo thần trí” (Rm 8,14). Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đi con đường tốt nhất cần theo. Vì thế, điều quan trọng là biết phân định tiếng nói của Thánh Thần và tiếng nói của ác thần.
Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy một Giáo hội từng bước được “Thánh Thần hướng dẫn” những bước đầu tiên trong lịch sử . Sự hướng dẫn của Ngài được thực hiện không chỉ trong những quyết định lớn mà còn trong những điều nhỏ bé hơn. Phao-lô và Ti-mô-thê muốn rao giảng phúc âm trong tỉnh Asia, nhưng “Thánh Thần ngăn cản họ”; họ chuẩn bị tiến về Bithynia, nhưng có lời chép rằng “Thần Khí Ðức Giê-su không cho phép” (Cv 16, 6). Chúa Thánh Thần đã thúc giục Giáo hội sơ khai rời khỏi Châu Á để hướng tới một lục địa mới, Châu Âu (x. Cv 16, 9). Thánh Phao-lô đi xa đến mức tự xác định mình, trong các lựa chọn của mình, là “tù nhân của Thần Khí” (Cv 20, 22).
Khi các Tông đồ ở Giê-ru-sa-lem phải quyết định chào đón những dân ngoại vào cộng đồng mà không buộc họ phải cắt bì và tuân thủ tất cả luật pháp Môi-se, được thúc đẩy và truyền đạt như thế nào? Nó được giải quyết bằng những lời mở đầu phi thường này: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định …” (Cv 15, 28).
Chúa Thánh Thần không bao giờ nói với chúng ta rằng trong hành trình mọi sự đều thuận buồm xuôi gió. Không, Chúa Thánh Thần sửa chữa lỗi lầm của chúng ta, làm cho chúng ta lo buồn đau đớn, khóc lóc vì tội lỗi chúng ta. Ngài thúc giục chúng ta thay đổi, gia tăng sức mạnh để chúng ta chiến đấu chống lại sự gian dối và lối sống hai mặt, dù điều này đòi nhiều vất vả, chiến đấu trong nội tâm và hy sinh. Ác thần thúc đẩy chúng ta luôn làm điều chúng ta thích. Chúa Thánh Thần muốn chúng ta cùng nhau, đồng hành.
Chúa Thánh Thần là Đấng nhắc nhớ
Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ bao nhiều điều, nhưng vẫn còn bao điều cần phải nói, hiện thời họ không thể lĩnh hội được, họ đã nghe nhiều, nhưng hiểu chẳng được bao nhiêu, phải chờ Chúa Thần Thần đến (x. Ga 16,12). Chỉ khi có Chúa Thánh Thần, họ mới nhớ lại và hiểu là vì Chúa Thánh Thần làm cho họ nhớ lại và hiểu.
Chính Chúa Thánh Thần thực hiện điều ấy, đưa con người từ tình trạng “nghe nói” đến sự nhận thức bản thân về Chúa Giê-su, đi vào trong tâm hồn. Như thế, Chúa Thánh Thần làm thay đổi cuộc sống: Ngài làm cho những tư tưởng của Chúa Giê-su trở thành những tư tưởng của người nghe. Và điều này nhắc nhớ cho chúng ta những lời của Chúa Giê-su.
Quả thật, nếu không có Thánh Thần nhắc nhớ thì đức tin trở thành điều bị quên lãng. “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến. Xin Ngài rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường…” (Ca tiếp liên). Nhất là lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, xin nhắc nhớ Chúa Giê-su cho chúng con, xin soi sáng tâm hồn chúng con.
Lạy Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, đầy tràn Chúa Thánh Thần, xin đốt lên trong chúng con ước muốn cầu xin Chúa Thánh Thần. Amen. mục lục
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi nói: “Dưới tác động nhiệm lực của Chúa Thánh Thần, linh hồn như một chiếc đàn phát ra những giai điệu thần linh. Sợi dây càng đau đớn thì càng phát ra những thanh âm tuyệt vời. Vì thế, linh hồn thích thú nhìn sợi dây đàn của nó được tác động để có thể đạt đến cung lòng Thiên Chúa.” Và Thánh Augustinô cho biết: “Ai càng yêu mến Giáo hội Chúa Kitô thì càng hưởng được Thánh Thần.”
Ngay từ khi được làm người, Thiên Chúa nhân lành đã đặt nền tảng tốt lành trong mỗi người, đó là điều mà Thánh Inhaxio Loyola cho biết: “Trong lòng mỗi chúng ta đều có ghi khắc luật đức ái của Chúa Thánh Thần, luật này sẽ là căn nguyên hành sự suốt đời chúng ta.” Người ta nói “nhân chi sơ tính bổn thiện” là vậy.
Trình thuật Ga 20:19-23 cho biết: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Một lời chúc tuyệt vời, vì đó là “hơi ấm” mà ai cũng cần, cả trong cuộc sống đời thường và tâm linh. Sau đó, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Không vui sao được vì Thầy đã sống lại đúng như Thầy đã nói trước. Họ tưởng Thầy chết là “chấm hết,” có người còn bỏ về quê vì cảm thấy “vỡ mộng” thật rồi, thế nhưng đâu ngờ Thầy vẫn “nguyên xi.” Ôi, trên cả tuyệt vời! Và họ vô cùng sung sướng.
Quá đỗi hạnh phúc nên họ không nói nên lời, và cũng chẳng biết thể hiện ra sao nữa. Bối rối quá chừng! Nhưng Ngài trấn an các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Một hệ lụy tất yếu. Sướng thì sướng nhưng phải có trách nhiệm, và không được ích kỷ, nghĩa là phải chia sẻ niềm vui đó cho người khác. Được miễn phí thì cũng phải tặng miễn phí. Đó là công bình và bác ái.
Rồi Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” Một lần nữa, Chúa Giêsu lại tiếp tục thể hiện Lòng Thương Xót cụ thể: Bí tích Hòa giải. Đúng như Ngài đã từng bảo ông Phêrô khi ông hỏi Ngài về mức độ tha thứ: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:22) Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, là Thiên Chúa tình yêu, với Thánh Tâm ngùn ngụt Lửa Yêu, nên Ngài dạy chúng ta phải bao dung chứ đừng “bung dao,” phải “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi mình.” (Mt 5:44) Như thế mới thực sự là sống Lòng Thương Xót và “mới được trở nên con cái của Chúa Cha,” (Mt 5:45) nếu không thì chúng ta chẳng có công cán chi, chẳng hơn người thu thuế và người ngoại đạo. (x. Mt 5:46-48)
Phải thực sự can đảm có thể hành động như Chúa Giêsu mong muốn, muốn can đảm thì phải có ơn Chúa Thánh Thần, muốn có ơn Chúa Thánh Thần thì phải cầu xin Chúa Thánh Thần tác động không ngừng, vì Chúa Giêsu xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể làm được nhiều thứ ngoài khả năng của mình – nếu chúng ta thực sự có Thiên Chúa. Và mỗi người đều được sai đi như chiên vào giữa bầy sói, vì thế chúng ta phải “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16) – nhất là trong xã hội ngày nay, tức là chúng ta rất cần ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thánh Phêrô đã căn dặn: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Mưu ma chước quỷ rất tinh vi, luôn phải cảnh giác cao độ.
Như chúng ta biết, chim bồ câu là loài chim hiền lành và thân thiện với mọi người, là biểu tượng hòa bình (an bình hoặc bình an), và đặc biệt là biểu tượng Chúa Thánh Thần. Lửa có tính “nhiệt” (nóng, dương), nước có tính “hàn” (lạnh, âm). Âm dương hòa quyện Đất Trời. Gió làm hạ nhiệt. Lửa, gió và nước là những thứ rất mềm, nhưng lại “cứng” hơn mọi thứ khác, và không ai có thể cắt đứt được. Chúa Thánh Thần cũng vậy, khi Ngài đã hành động thì không một sức mạnh nào có thể cưỡng lại. Ngoài ra, lửa có một đặc điểm khác là càng chia sẻ càng thêm nhiều, chứ không giảm bớt. Vô cùng kỳ diệu!
Kinh Thánh cho biết hiệu quả khi có Chúa Thánh Thần: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:4) Muốn đầy tràn ơn thánh của Chúa Thánh Thần, người ta phải chân thành cầu xin. Cầu nguyện là động thái cần thiết bởi vì cầu nguyện là hơi thở của Kitô hữu, là sinh khí tâm linh, đặc biệt là việc cầu nguyện liên quan Chúa Thánh Thần. Thánh Ephraem Syria nói: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, ngăn chặn sự tức giận, ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ. Lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng.”
Chúa Giêsu biết sắp tới lúc phải chia tay các môn đệ, Ngài đã hứa với họ trước đó: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14:16-17a) Ngài hứa gì thì chắc chắn có, nhưng bổn phận của chúng ta vẫn phải cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!” Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba – Đấng nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, và được tôn xưng với nhiều danh hiệu: Thần Khí Sự Thật, Thánh Linh, Thánh Thần, Linh Khí, Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ, Đấng Thánh Hóa, Đấng Canh Tân,... Ngài xuất hiện qua các hình dạng: chim bồ câu, lửa, nước, và gió.
Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong cuộc đời chúng ta, vì Ngài là Thần Khí Sự Sống, thế nhưng chúng ta thường xuyên “quên” Ngài, nhưng không vì vậy mà Ngài “quên” chúng ta. Ngài quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu xác định: “Ai nói phạm đến Thánh Thần thì CHẲNG ĐỜI NÀO ĐƯỢC THA, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI.” (Mc 3:29; Lc 12:10) Mọi tội đều được tha, nhưng tội phạm tới Chúa Thánh Thần thì mãi mãi không được tha, cũng có nghĩa là người phạm tội đó không được vào Nước Trời.
Về ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta quen nhắc tới 7 ơn – khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, thông minh, đạo đức, và kính sợ Chúa. Cách nói quen thuộc đó do quan niệm của Kinh Thánh cho rằng số 7 là con số kỳ diệu, chứ Chúa Thánh Thần không chỉ “đóng khung” trong 7 ơn đó, mà còn vô số các ơn khác. Chúng ta cũng nói Chúa Thánh Thần có sứ vụ thánh hóa, Ngài luôn tác động trong mỗi người, và chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. (x. 1 Cr 3:16) Vì chúng ta thường “quên” Chúa Thánh Thần, nên trong các giờ phụng vụ, Giáo Hội luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến và thánh hóa mọi sự ngay từ đầu để có hiệu quả theo Thánh Ý Chúa.
Đức Kitô đã hứa trước khi Ngài về trời, khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, lúc mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như LƯỠI LỬA tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2:1-4)
Thật vậy, mỗi người đều có khả năng riêng theo 7 tặng phẩm của Thiên Chúa. (Rm 12:6-8; x. 1 Cr 12:4-11) Ai cũng có tặng phẩm riêng, người được ơn này, kẻ được ơn khác, không ai giống ai, và không ai là bất tài vô dụng. Đó là ơn Chúa Thánh Thần, nhưng ơn đó không phải để ích kỷ hoặc kiêu căng, mà là để làm vinh danh Thiên Chúa, và vì công ích: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12:7) Ngày xưa, tại Giêrusalem có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về, nhưng ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt và thán phục lắm. Đó là hiện tượng “nói tiếng lạ,” nhưng ai cũng hiểu như tiếng bản xứ của mình, mặc dù chính họ thực sự nghe người khác nói bằng “ngoại ngữ.” Các tông đồ chỉ là những người ít học, làm đủ các ngành nghề, chẳng học ngoại ngữ bao giờ, thế mà nay thông minh đột xuất, nói ngoại ngữ như gió, họ thấy nhãn tiền chứ chẳng phải nghe ai nói lại hoặc nghe đồn. Lạ lùng lắm!
Các Tông đồ “nói tiếng lạ” nhưng không phải để khoe khoang, “nổ” hoặc “chảnh” mà họ “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:11) Thấy và nghe vậy, ai cũng sửng sốt, có những người phân vân vì không hiểu như vậy nghĩa là gì, nhưng cũng có những người lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:13) Loại người chê người khác như thế mới là “chảnh,” thấy người khác hơn thì tìm cách “thọc gậy bánh xe.” Đó là động thái của những kẻ vừa đê tiện vừa hèn nhát.
Ngày nay dạng người như vậy vẫn xuất hiện trong xã hội. Khi thấy “sự lạ” hoặc thấy người khác có “cái lạ” (theo nghĩa tích cực về tâm linh), có người khâm phục và tạ ơn Chúa, nhưng cũng có người gièm pha, chê trách, ghen ghét,... Có thể họ không nói ra bằng lời, nhưng động thái của họ đã “bật mí” tà tâm của họ. Đúng là “giàu có bị ghét, đói rét bị khinh, thông minh bị triệt, ngu dốt bị đì.” Đối với loài người thì cỡ nào cũng… chết chắc!
Ơn Chúa luôn chan hòa, cầu nguyện mà không thấy “được như ý” nên chúng ta tưởng Chúa không ban, nhưng thực ra Ngài ban cho chúng ta cái khác có lợi cho chúng ta hơn, vì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự.” (1 Ga 3:20) Thật vậy, “sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người.” (1 Cr 1:24 -25) Tất cả đều là hồng ân, do đó mà phải biết tạ ơn và thân thưa: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1) Thực sự trí óc phàm nhân chúng ta không thể hiểu thấu sự quan phòng tiền định của Ngài.
Thánh vịnh gia đã xác nhận: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.” (Tv 104:24) Quả thật, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được trò trống gì, (Ga 15:5) thậm chí có thể là chết ngay lập tức. Thiên Chúa là sự sống, là Thần Khí, vì “thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63) Có Thiên Chúa thì chúng ta nên mới như “sinh vật lạ,” nếu thiếu Thiên Chúa thì chúng ta không thể nào sống nổi: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này. Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại, công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.” (Tv 104:29-31)
Ước gì mỗi tín nhân đều khả dĩ nhận thức sâu sắc và đúng đắn về Thiên Chúa, đồng thời định hướng sống rạch ròi: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thỏa, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.” (Tv 104:34) Ngày xưa, các tông đồ chỉ là những con người yếu đuối, nhát đảm, sợ sệt, cũng đã từng bị Thầy Giêsu trách là “kém tin,” (Mt 6:30; Mt 14:31; Mt 16:8; Mt 17:20; Lc 12:28) nhưng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên can đảm, mạnh dạn, dám ăn dám nói chứ không “bỏ của chạy lấy người” như trước. Đa số các ông đã tử đạo để minh chứng niềm tin vào Thầy Giêsu. Một Saolê hung hăng và tàn bạo bắt đạo Chúa đã trở thành một Phaolô “mềm như bún” và rồi trở nên nhiệt thành rao truyền Đức Kitô sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Rất nhiều các thánh trong lịch sử Kitô giáo đã cho thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần tác động và biến đổi họ.
Thánh Phaolô bộc bạch tâm sự với giáo đoàn Côrintô: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa. Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.” (1 Cr 12:3-7) Điều đó chứng tỏ sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã tác động: người kém trí thành thông minh, người nhút nhát thành can đảm, người dại thành khôn, người yếu hóa mạnh,...
Lời Thánh Phaolô căn dặn dân Côrintô cũng dành cho người thời nay: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí.” (1 Cr 12:12-13) Đúng vậy, Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng.
Hát bài Ca Tiếp Liên là dịp tốt để chúng ta hiệp ý cầu xin cùng với Giáo hội: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!...” Chắc chắn rằng “nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội,” vì thế mà chúng ta phải không ngừng “xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường, ban cho ơn bảy nguồn, được huân nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.”
Được như thế thì thật diễm phúc, vì chúng ta chỉ là phàm nhân cát bụi, tội lỗi ngập đầu. Chúng ta càng diễm phúc vì dù chỉ là những tội nhân khốn kiếp mà được phục hồi cả “bộ ba” là nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền nhờ Máu và Nước cứu độ tuôn trào từ Nguồn Mạch Lòng Thương Xót từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta được Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta và hứa ban hồng phúc trường sinh với Ngài trên Thiên Quốc, vì chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, muốn rằng Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó. (x. Ga 14:3) Còn hơn là diễm phúc hoặc đại phúc!
Đúng như lời báo trước, Chúa Giêsu về trời để dọn chỗ cho chúng ta, (Ga 14:2) vì ích lợi của chúng ta, (Ga 16:7) nhưng vì Ngài quá đỗi yêu thương chúng ta nên Ngài không muốn chúng ta sống trong cảnh mồ côi, (Ga 14:18) nên Ngài sai Chúa Thánh Thần đến ở trong mỗi người, (Ga 14:16) và lời hứa đó được thực hiện sau khi Chúa Giêsu về trời 10 ngày – vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần.
Như để nhắc nhở chúng ta “đừng quên” Chúa Thánh Thần, Thánh Phaolô nói: “Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn thì đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8:14) Như vậy, tín nhân chúng ta thực sự hạnh phúc lắm. Hãy hiệp thông cầu nguyện với Thánh Mary Magdalene dei Paoãi: “Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài là phần thưởng của các thánh, là Đấng an ủi các linh hồn, là ánh sáng trong nơi tăm tối, là sản nghiệp của người nghèo khó, là kho tàng của người yêu mến, là thực phẩm cho người đói khát, là niềm an ủi cho người lạc bước. Nơi Ngài chứa đựng mọi kho báu.”
Lạy Thiên Chúa tốt lành, xin ban Thần Khí để biến đổi chúng con thành khí cụ bình an của Ngài, xin ban Nguồn Ơn Chúa Thánh Thần để chúng con nỗ lực hoàn thiện theo Ý Ngài, nhờ đó chúng con được sống dồi dào, làm chứng nhân cho Ngài. Xin dùng Lửa Thánh Thần “thiêu đốt” và “uốn nắn” chúng con theo Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục
Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
Để bắt đầu bài suy niệm hôm nay, xin mời anh chị em cùng cầu nguyện.
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời sai Đức Chúa Thánh Thần xuống. Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen
Đó là lời cầu nguyện mà chúng ta thường dùng để khai mạc các buổi kinh nguyện tại gia, cầu cho các linh hồn nhân dịp lễ giỗ, các buổi họp và cũng là lời nguyện khai mạc giờ suy niệm hôm nay. Chúng ta đến với Đức Chúa Thánh Thần để dâng mọi sự cho Ngài, cầu xin Ngài soi sáng để mọi việc chúng ta làm đều thể hiện lòng vâng phục của chúng ta thuận theo ý Chúa. Nhưng trên thực tế, chúng ta có hành động theo như lời chúng ta cầu xin hay là dâng lời nguyện để xin soi sáng nhưng lại từ khước sự can thiệp và soi sáng của Thánh Linh. Thay vào đó, cái tôi và ý riêng của mình được nổi bật và không chấp nhận ý kiến của người khác. Từ đó sinh ra mâu thuẫn, chia rẽ, thậm chí hận thù và không nhìn mặt nhau.
Như vậy, câu hỏi mà chúng ta cần suy niệm hôm nay là Đức Chúa Thánh Thần giữ vai trò nào trong cuộc sống của chúng ta? Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là ân huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua bí tích Rửa tội và Thêm Sức mà thôi, rồi sau hai biến cố trọng đại đó chúng ta cất Ngài vào trong tủ kiếng để thờ. Tuy rằng chúng ta quên Ngài, nhưng Ngài không hề quên chúng ta. Ngài không hề vắng mặt.
Thật ra Ngài vẫn hiện diện và hoạt động mãnh liệt như đã hiện diện vào ngày khai sinh Hội thánh mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một chứng thực rằng “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv 2:3b) Và kể từ lúc đó, các Tông Đồ mất hẳn sự nhút nhát, không còn lo sợ. Các Ngài đã lên đường xông pha và vượt qua mọi hiểm nguy để làm chứng về một Đấng đã chết và hiện nay đang sống và sẽ trở lại trong vinh quang như lúc Người được suy tôn.
Như vậy, Đức Chúa Thánh Thần đã khởi động sứ mạng của các Tông Đồ, đã đốt lên ngọn lửa nồng cháy thiêu đốt tâm hồn chai đá và nguội lạnh của các ông, đồng thời là hơi thở thông ban sự sống của Thiên Chúa cho các Tông Đồ, cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta. Ngài chính là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của chúng ta.
Thưa anh chị em,
Trong những tuần vừa qua, nhất là qua biến cố về trời của Đức Giê-su, chúng ta đã nhận ra một sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh. Người không vắng mặt, nhưng nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra cách thức hiện diện vô cùng mới mẻ và sống động của Người. Nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra sự thật là Thiên Chúa không chỉ ở cùng mà còn ở trong mỗi người chúng ta, như Lời Đức Giê-su đã nói: “Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.”
Điều này đã được chứng thật qua sự hình thành và phát triển của Hội Thánh. Thật vậy, khi đọc lại lịch sử của Hội Thánh, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Từng câu từng chữ trong sách Công vụ Tông đồ đã nói lên chân lý này. Và Thần Khí của Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động trong lòng Hội Thánh cho đến mọi thời, như Lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Có nhiều người đã nghĩ rằng Thần Khí của Thiên Chúa chỉ hoạt động nơi các cộng đoàn đang phát triển, hiện diện qua các sự kiện nhằm phô trương thanh thế và nơi các đấng các bậc có chức quyền. Thật ra, Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động hữu hiệu và mãnh liệt nơi những người cùng khốn, nơi các cộng đoàn đang bị chà đạp và bách hại. Còn hơn thế, một khi Hội Thánh đang ở thời điểm đen tối lại là lúc Hội Thánh nhận được sự trợ giúp và soi sáng của Thần Khí tác động một cách hữu hiệu hơn cả. Để minh họa cho ý tưởng nói trên, chúng ta cùng ngồi xuống để xem xét các biến cố mà các đấng bậc trong Giáo hội đang phải đối diện.
Điều làm cho các đấng bản quyền trong Hội Thánh phải nhức đầu là hành vi ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục trẻ em’ của một số giáo sĩ và tu sĩ. Cụm từ tuy ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Đó là hành động phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền đối với người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn và đời sống của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Họ mặc cảm bị khước từ. Họ cắn răng chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’, tự tìm lối giải thoát cho bản thân và để lại niềm thuơng tiếc, nỗi đau khổ cho người thân.
Các sự kiện này đã xẩy ra vào các thời điểm khác nhau. Có những vụ đã xẩy ra khoảng vài chục năm trước đây, trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt với văn hóa ngày nay. Có những nạn nhân vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không dám lên tiếng cho các bậc hữu trách biết tường tận mọi chi tiết của tình huống. Nhưng từ khoảng thập niên 1970 và nhất là việc thiết lập ‘uỷ ban hoàng gia’ để điều tra về các vụ án này, cộng thêm các nguyên nhân khác. Tât cả đã trở thành nguồn động lực giúp cho các nạn nhân mạnh dạn hơn trong việc nói ra những vết thương thầm kín, đã đè nén tâm tư họ bao nhiêu năm trường. Và với phuơng tiện truyền thông hiện đại, mọi sự đều đuợc phơi bầy. Vì thế, nhiều tín hữu mất đi niềm tin và giảm sự kính trọng nơi các vị lãnh đạo trong Hội Thánh.
Tuy nhiên, với những ai lạc quan, họ có thể cho rằng Đức Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi, Ngài còn soi sáng cho các vị có trách nhiệm của ‘uỷ ban hoàng gia’, các nạn nhân và các tổ chức liên hệ đứng dậy để giúp cho cơ cấu của Hội Thánh đuợc tinh luyện hơn. Chúng ta tin rằng Thần khí của Thiên Chúa vẫn hoạt động không ngừng để rửa sạch, thánh hóa và làm cho bản chất của Hội Thánh mỗi ngày một Thánh Thiện hơn.
Còn đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta.
Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, tái tạo và hàn gắn đổ vỡ. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia! mục lục
Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Tình yêu Thiên Chúa đổ xuống cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần do Người ban cho ngự trị trong lòng chúng ta (Rm 5:5, 8:11).
Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã dùng nhiệm tích Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hôm nay để thánh hóa toàn thể Hội Thánh Chúa nơi mọi dân tộc và mọi quốc gia, xin đổ tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần trên khắp thế giới. Và với ân sủng Thiên Chúa đã hoạt động khi Tin Mừng Phúc Âm bắt đầu được loan truyền, một lần nữa xin đổ tràn đầy những kẻ tin Chúa, qua Chúa Giêsu Kito, Con Chúa là đấng hằng sống hàng trị cùng với Chúa trong hiệp nhất với Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất đến muôn đời.
Bài đọc 1 (Cv 2:1-11) này khác hẳn, đã đảo ngược lại câu chuyện tháp Babel nói trong sách Sáng Thế 11:1-9 (bài đọc 1 lễ vọng CTT hiện xuống). Trong chuyện tháp Babel, không thấy nói tới ý nghĩa của việc tụ họp và mọi người không hiểu được nhau khi nghe nói. Ở đây mọi dân tộc khác nhau đều hiều được tiếng các tông đồ nói. Tiếng động và tia lửa là hai yếu tố phối hợp của Chúa Thánh Thần. Tiếng động là biểu tượng của GIÓ, và tia lửa là hình CÁI LƯỠI.
Bải đọc 1 này lấy từ sách công vụ các tông đồ, trong khung cảnh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống của người Do Thái gọi là Sahvuot. Vì là câu truyện do Luca kể nên các môn đệ và những người đi theo Chúa còn ở lại trong vùng Jerusalem sau khi Chúa về trời. Cũng vì đó là ngày lễ hành hương, nên người Do Thái từ mọi nơi trên thế giới đều đổ về Jerusalem. Vào ngày đặc biệt này khi những người theo Chúa Giêsu còn đang tụ họp ở trong nhà thì bất ngờ họ nhận được ơn Chúa Thánh Thần dưới hình thức như GIÓ thổi mạnh từ trời và LỬA hình CÁI LƯỠI hiện trên đầu mọi người. Gió và Lửa là những dấu hiệu của Chúa Thánh Thần (thần hiển), tức biểu tượng Thiên Chúa.
Tin Mừng phối hợp rất rộng rãi những tặng vật và khả năng của Chúa Thán Thần là nói ra bằng lưỡi. Khi các môn đệ, những người theo Chúa Giêsu -trong câu chuyện này- bắt đầu nói với đám đông thì những người nghe hiểu được họ nói gì theo ngôn ngữ của họ, Nên để ý đến phản ứng của đám đông lúc đầu về tiếng động / gió mà họ cảm thấy ở trong nhà và sau này về việc những vị theo Chúa nói ra lời bằng lưỡi nhưng họ vẫn không hiểu được cảnh tượng lạ lùng đó. Điều quan trọng nhất ở chỗ là Chúa Thánh Thần đã chuyển động những người theo Chúa Giêsu lúc đó và dùng họ như là khí cụ để truyền đạt “uy quyền và sức mạnh của Thiên Chúa”, và họ đã thi hành một cách thích thú nhiệt tình và thành công.
Bài đọc 2 (1Cr 12:3b-7, 12-13) nói về Ơn Chúa Thánh Thần như một tuyên xưng về sức mạnh để chịu đựng và chống đỡ mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, cũng giống như ở bài đọc 1, phải được hiểu là một ân sủng hay tặng phẩm thiêng liêng. Những điệp khúc nói về các ơn Chúa Thánh Thần ban nhưng tựu chung là do một Thiên Chúa như con người có một thân thể mà gồm nhiều chi thể. Ý tưởng này được thể hiện qua câu: “Chúa Kito cũng vậy”. Viễn kiến về một sự đồng đều căn bản này đã được thánh Phaolo nhấn mạnh trong những giòng văn này mà Giáo Hôi hiện vẫn còn mong ước và thiết tha.
Những tặng phẩm của Chúa Thánh Thần không chỉ ban riêng cho một ai mà cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Thần ban ơn hiệp nhất căn bản để lướt thắng mọi trở ngại và hủy giệt. Nói về ơn Chúa Thánh Thần, thánh Phaolo bắt đầu đặt vấn đề một người không thể tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Kito mà không biết đến Chúa Thánh Thần. Rõ ràng một số thành viên trong cộng đồng Kito Giáo Corinto lúc đó đã “huyênh hoang” về khả năng lạ thường của mình về cầu nguyện và nói tiên tri và nói được tiếng lạ. Thánh Phaolo diễn giảng đó không phải là do những thần linh khác nhưng là họ có được những đặc ân ấy của Chúa Thánh Thần. Mà thực sự chỉ có một Thần Linh là Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy và làm thể hiện những đặc sủng ấy trong đời sống cộng đồng Chúa Kito.
Ngoài ra,thánh Phaolo còn phân loại rõ ràng những biểu hiện của Chúa Thánh Thần là có nhiều loại tặng phẩm thiêng liêng, cách thức phục vụ hay săn sóc tha nhân cũng như những sinh hoạt, cách làm việc hay huấn luyện. Tất cả những thể hiện đó của Chúa Thánh Thần thì cần thiết cho những cộng đồng có niềm tin được lành mạnh và sinh hoa kết trái. Do đó thánh Phaolo đã nói, “Anh em đừng có dập tắt Thần Khí” (1Tx 5:19).
Cuối cùng, để nhấn mạnh ý tưởng bổn phận và sứ mệnh của thần khí là nuôi dưỡng sự hiệp nhất, thánh Phaolo đã dùng cơ thể con người làm ẩn dụ, chẳng hạn thân con người có những ngón tay ngón chân, trái tim, có mũi có mắt; mỗi đơn vị có những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cho lợi ích của cơ thể. Do đó cộng đồng Kito Giáo coi như thân xác Chúa Kito có những thể hiện khác nhau của thần khí. Vì vậy, không cần biết chúng ta là ai hay giữ nhiệm vụ gì trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều được “ăn uống no đủ tràn đầy một thần khí mà thôi”.
Bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay (Ga 20:19-23) là một câu chuyện miêu tả cuộc chuyển đổi ơn Chúa Thánh Thần qua Chúa Giêsu đến với các tông đồ và môn đệ.
Hơi thở là danh từ, dấu hiệu xưa cổ nhất trong thánh thư nói về sự sống. Ở đây, quyền lực của Chúa Giêsu được chuyển đổi trực tiếp qua hơi thở của Người. Chúa Giêsu đã đi vào vấn đề với lời chúc BÌNH AN và trao quyền của Người cho các môn đệ cũng như ban cho họ Chúa Thánh Thần.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào “một buổi chiều của ngày thứ nhất trong tuần.” Có nhiều sự kiện đã xẩy ra cũng vào ngày đó. Trước khi mặt trời mọc Madalena đã đến mộ Chúa Giêsu thì không thấy xác Chúa mà mộ thì trống rỗng. Phero và môn đệ yêu mến của Chúa đã chạy đến mộ để xem sự tình ra sao. Mary đã gặp Chúa Giêsu sống lại và đã nói với các môn đệ về việc Chúa phục sinh. Tất cả là như vậy, nhưng chúng ta vẫn thấy một hiện tượng, các ông trốn ở trong phòng cửa kín then cài vì “sợ người Do Thái.” Trong tin mừng Gioan, tên “Do Thái” được dùng để ám chỉ giáo quyền lúc đó ở Jerusalem, chúng ta nên cẩn thận đừng lẫn với những người anh chi em dân Do Thái ngày nay và cả thời Chúa Giêsu.
Câu chuyện Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ gẩn giống như câu chuyện Luca kể (Lc 24:36-40). Chúa Giêsu sống lại đã hiện ra bất ngờ với các môn đệ và chỉ cho họ thấy những dấu đanh ở chân và tay Người để xoa dịu nỗi sợ của họ vì Chúa đã sống lại thực sự. Tuy nhiên vẫn có một vài sự khác biệt và quan trọng. Lời chào chúc mừng của Chúa Giêsu ban cho họ là “Bình an ở cùng các con”. Lời này đã nhắc nhở chúng ta về những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước kia trong Tin Mừng Gioan khi Chúa nói lời từ biệt và trước khi Chúa bị bắt và chịu đóng đanh chết trên thập giá, Chúa cũng nói: “Bình an Cha để lại với các con; bình an Cha ban cho các con....Đừng để cho tâm hồn các con bị sao xuyến” (Ga 14:27).
Câu chuyện của Gioan cũng có những chi tiết về hơi thở trên các môn đệ và nói “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.” Lời tuyên bố này cũng nhắc lại cho chúng ta nhớ lại câu chuyện tạo dựng thứ hai trong sách Sáng Thế khi Thiên Chúa tạo dựng ông Adong, Thiên Chúa cũng thổi hơi thở vào Adong và ông đã trở thành một sinh vật là con người” (St 2:7). Khi Cúa Giêsu thở trên các môn đệ thì họ trở thành những sinh vật mới, con người mới và, trong một chừng mực nào đó họ có một sứ mệnh mới là tiếp tục công việc mà Thiên Chúa đã trao cho Chúa Giêsu phải làm -là ánh sáng xua đuổi bóng tối (Ga 8:12; 1:5; 3: 19-21). Khi chúng ta nghe một mệnh lệnh “Các con tha tội cho ai thì tội của người ấy được tha, và các con kìm giữ ai thì nguòi đó bị kìm giữ,” chúng ta có thể hiểu lời đó thích hợp như một phần của sứ mệnh rộng lớn hơn này của các môn đệ Chúa là ánh sáng trong nơi tăm tối. mục lục
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Bảy ơn Chúa Thánh Thần là một điểm giáo lý khá quan trọng, dù không phải là một tín điều. Nguồn gốc của khái niệm “7 ơn Thánh Thần” này là I-sai-a 11,1-2. Nguyên tác Hip-ri chỉ nói đến 6 ơn, thánh Giê-rô-ni-mô khi dịch Cựu Ước ra tiếng La-tinh thành bản Vulgata (Phổ thông), đã thêm một ơn nữa, là “pietatis” (thường dịch là “đạo đức”) [1].
Đi từ bản văn I-sai-a này, các nhà thần học thời Trung Cổ đã xây dựng cả một nền thần học về bảy ơn Chúa Thánh Thần, nghĩa là về các cánh buồm và các cột ăn-ten thiêng liêng giúp Ki-tô hữu nhận được các sứ điệp và các thúc đẩy của Thiên Chúa Ngôi Ba.
Trước tiên xin được phép trích nguyên văn La ngữ và bản dịch Pháp ngữ câu trên (Is 11,2) vì cần để diễn giải sau này: “Spiritus sapientiae et intellectus, spiritus consilii et fortitudinis, spiritus scientiae et pietatis, spiritus timoris Domini” − “Esprit de sagesse et de discernement, esprit de conseil et de vaillance, esprit de connaissance et de crainte du Seigneur” (TOB, Bản dịch Đại kết Công giáo, Chính thống, Tin lành). Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch từ tiếng Hip-ri ra tiếng Việt là: “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng cảm, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”. Sách Giáo lý xưa viết về 7 ơn Chúa Thánh Thần như sau: “Một là ơn khôn ngoan, hai là ơn hiểu biết, ba là ơn thông minh, bốn là ơn khéo liệu, năm là ơn mạnh bạo, sáu là ơn đạo đức, bảy là ơn kính sợ Đức Chúa Trời”. Sách Giáo lý (nay) của Hội thánh Công giáo ấn bản tiếng Việt năm 2009 có nhắc tới 7 ơn này hai lần với lối dịch riêng, một trong phần Nghi thức bí tích Thêm sức (số 1299) và một trong phần Hiệu quả bí tích (số 1303), nhưng chỉ liệt kê chứ không có một dòng giải thích nào: “Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa” (số 1299).
Thú thật nhiều tín hữu, thậm chí linh mục và giáo lý viên, cho biết khó nhớ các ơn ấy, rồi không sao phân biệt nổi sự khác nhau giữa một số trong chúng, nhất là khôn ngoan, thông hiểu (minh mẫn) và suy biết (thông minh). Ba ơn này xem ra na ná nhau, vì đều nói tới khả năng của trí tuệ. Ngoài ra, hai từ “khôn ngoan” và “đạo đức” cũng có một nghĩa rất rộng, càng rộng vì được dùng cả trong ngôn ngữ trần đời.
Còn hai vấn đề nữa khi diễn giải 7 ơn này. Trước hết, thiết tưởng phải quy chúng về Thiên Chúa, nghĩa là các ơn Thánh Thần ban chủ yếu hướng ta lên Chúa, giúp gia tăng sự hiệp thông với Người [2]. Thứ đến là tìm cho ra mối liên kết và hướng tiến triển của các ơn ấy, có như thế mới dễ nhớ, dễ hiểu và dịch sát nghĩa.
Vì các tác giả tu đức và các nhà thần học khá là khác nhau trong cách chuyển ngữ (dịch từ) và sắp xếp 7 ơn ấy (xin xem lại các bản dịch Kinh Thánh, hai câu giáo lý xưa và nay, cũng như nhìn 2 hình minh họa ngay trên), nên xin độc giả thử lối chuyển ngữ và xếp đặt sau đây.
Chúng ta sẽ không khởi đầu từ “ơn khôn ngoan” và kết thúc với “ơn kính sợ” như thường thấy, gần đúng theo thứ tự văn bản Kinh Thánh (5 ơn ở giữa thì tùy nhà diễn giải), mà đi từ ơn thứ bảy, ơn cuối cùng: kính sợ Thiên Chúa, hay vắn tắt là kính sợ (từ Hán Việt là úy kính). Điều này cũng có lý do của nó. Kính sợ là một tâm tình mà con người tạo vật cảm nhận đầu tiên khi đứng trước Thiên Chúa Tạo Hóa, và có thể nói là tác động trước hết của Tinh thần Thiên Chúa (tức Thánh Thần) lên tinh thần con người [3]. Sách Châm Ngôn 9,10 nói: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan”. Công vụ Tông đồ (10,2.22; 13,16) gọi những “cảm tình viên” của đạo mới hoặc sắp gia nhập đạo mới là những “người kính sợ Thiên Chúa”.
Nhưng Chúa đâu có muốn ta kính sợ Người như một chủ tể luôn tỏ uy quyền, một quân vương sẵn sàng trừng phạt. Không, Người muốn chúng ta kính sợ Người trong ý thức phụ từ tử hiếu, “nên đã sai Thần Khí của Con mình vào trong lòng chúng ta mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6; x. Rm 8,15). Và đó là ơn hiếu thảo hay long trọng hơn là sùng hiếu (pietas, piété trong tiếng Pháp). Từ “pietas, piété” thường được dịch theo nghĩa thứ hai là “đạo đức” [4]; nhưng “đạo đức” là một khái niệm hàm nghĩa rất rộng, thành ra mông lung, và dễ khiến ta chỉ nghĩ tới chuyện siêng đi nhà thờ, năng đọc kinh sách, hay sống theo lương tâm, làm điều phải lẽ.
Lòng hiếu thảo là sự bổ túc cần thiết cho lòng kính sợ, vì như thánh Phanxicô Salêdiô nói vui, chúng ta phải tiến về Chúa với hai cái nạng: khiêm tốn và tin tưởng. Hơn nữa, con chiên đã cảm nghiệm bản chất mỏng dòn của mình là tạo vật thì rất sung sướng tiến tới để được đặt trên đôi vai của Mục tử mình. Tại đó, bao nhiêu nỗi sợ của nó biến tan.
Mà muốn tỏ ra hiếu tử thì phải nắm rõ đạo làm con, tức là cần được Thánh Thần cho biết những điều phải thi hành để Từ Phụ vui sướng. Người dạy chúng ta biết cầu nguyện thế nào cho phải hầu tìm ra ý và làm đẹp lòng Chúa Cha (x. Rm 8,26). Và đó là ơn chỉ giáo, tiếng La-tinh là consilium, tiếng Pháp là conseil, tức là ơn cho ta biết đâu là ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể. Cụ Đào Duy Anh, trong “Pháp-Việt Từ Điển (chú thêm chữ Hán)” đã dịch conseil là lời chỉ bảo, demander conseil là thỉnh giáo [5]. Ơn chỉ giáo mang lại cho chúng ta điều mà tu đức, linh thao gọi là sự “nhận định/phân định thiêng liêng”. Trong kinh “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo” (Veni Creator), chúng ta đọc thấy: “Xin Ngài chiếu sáng hầu mở mang trí não…”. Lối dịch “lo liệu” xem ra chỉ một hoạt động đa dạng của con người và lại chưa nêu bật tác động đặc biệt của Thần khí. Còn dịch là “mưu lược” có giúp gì hơn trong chuyện tìm ra ý Chúa chăng?
Mà ý Chúa thì rất đòi hỏi, vì Người là thánh. Thực hiện thiên ý chẳng phải là điều dễ dàng vì buộc chúng ta chiến đấu và chiến thắng quỷ dữ, thế gian lẫn xác thịt (tức bản thân ích kỷ và bản năng lồng lộn). Chúa Giêsu từng nói: “Hãy đi qua cửa hẹp mà vào [Nước Trời]” (Mt 7,13), “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Rồi “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thành ra cần ơn dũng cảm (có khi dịch là “sức mạnh”, “mạnh bạo”) mới thực thi được ý Chúa một khi đã biết ý này. Gương các Thánh Tử đạo là một bằng chứng. Trong lời nguyện nhập lễ Tuần I mùa Thường niên, chúng ta đọc: “Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn”.
Nhưng biết Chúa (tôn ý Người lẫn bản thân Người) có mấy kiểu? Và đó là ba ơn còn lại vốn đều liên hệ đến chữ BIẾT. Song mỗi ơn cho ta biết Chúa mỗi cách.
Thấp nhất là scientia mà Từ điển Gaffiot có dịch là connaisance scientifique (tri thức khoa học); lời nguyện của Bí tích Thêm sức và Giáo lý Hội thánh Công giáo thì dịch là suy biết, đang khi có tác giả lại dịch ra “hiểu biết” hay “thông minh”. Đây là ơn nhận ra có Chúa, Chúa như thế nào, ơn thấy Chúa đang hoạt động giữa thế gian, vừa trong các tạo vật thiên nhiên vừa trong các biến cố lịch sử. Nghĩa là từ chuyện chiêm ngưỡng vũ trụ (không gian lẫn thời gian) mà ta suy ra có Ông Trời, có Tạo Hóa, suy ra Người toàn năng, thông minh và nhân hậu, Người can thiệp vào cuộc sống nhân loại (tức quan phòng: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên; Trời sinh voi, Trời sinh cỏ…). Cách biết Chúa bằng lối này, Thánh Thần ban cho rất nhiều người, kể cả những người chưa nhập đạo, nếu họ có lương tri. Thành thử lối dịch “suy biết” thiết tưởng là dễ hiểu và đạt nghĩa hơn cả.
Nhưng đó mới chỉ là ơn biết Thiên Chúa qua thụ tạo, nhờ ngũ quan, nhờ suy nghĩ tự nhiên, nhờ khoa học. Cách biết Chúa cao hơn là biết qua mạc khải mà chính Người đã ban cho chúng ta nơi Sách Kinh Thánh và trong Lịch sử Thánh. Đây chính là ơn thấu hiểu, La ngữ là “intellectus” mà Từ điển Gaffiot dịch là compréhension, action de comprendre (sự thấu hiểu, hành động hiểu thấu). Lối dịch “minh mẫn” có giúp được gì trong chuyện này chăng? Ơn thấu hiểu là ơn giúp ta biết rõ những gì Thiên Chúa đã làm trong thế giới loài người qua lịch sử Tuyển dân và lịch sử Giáo hội, ngoài ra còn được biết thấu tận những gì thâm sâu hơn nơi Thiên Chúa như các mầu nhiệm Ba Ngôi, Nhập Thể, Thánh Thể v.v… Thánh Thần dẫn chúng ta đến Chân lý toàn vẹn là vậy! (x. Ga 16,13).
Cuối cùng và cao hơn hết là ơn mà người ta thường dịch là “khôn ngoan”. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học Vietlex, Nxb Đà Nẵng, 2011, “khôn ngoan” có nghĩa là “Khôn trong cách xử sự, biết tránh cho mình những điều không hay - Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau (Ca dao)”. Hiển nhiên đây không phải là điều mà nguyên ngữ “sapientia” trong Kinh Thánh (Is 11,2) muốn nói. Cần phải tìm ý nghĩa chữ này trong chính sách Khôn Ngoan và sách Huấn Ca, nơi sự khôn ngoan được ngôi vị hóa nên được gọi là “Đức Khôn Ngoan”: “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người… Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa” (Kn 7,26-27). “Xin rộng ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa… Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa, biết những việc Chúa làm” (Kn 9,4.9). “Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1,1).
Vậy ơn “sapientia” (sagesse tiếng Pháp) dịch cho đúng trong bối cảnh này thiết tưởng là ơn thượng trí (có người dịch là ơn cao minh. x. Lm. Ngô Minh và Lm. Nguyễn Thế Minh, Từ vựng Triết-Thần căn bản Pháp Việt – Anh Việt, chữ “sagesse”), tức là ơn biết Thiên Chúa một cách sâu xa, đích thực, nhờ được sống thân mật, sống kết hợp, sống cận kề Chúa, cảm nếm được Người. Ơn thượng trí này, ơn có trí hiểu cao vời này, Chúa Thánh Thần ban cho một số tín hữu tuy còn ở trần gian, trong thân xác, nhưng tâm trí “được đưa lên tới tầng trời thứ ba… lên tới thiên đàng và đã nghe những lời khôn tả” (x. 2 Cr 12,1-6; x. 1Cr 2,9-10). Nhiều vị thánh khác cũng được ơn ngất trí như vậy khi họ cầu nguyện, đặc biệt là các thánh nữ, chẳng hạn thánh Têrêxa Avila, Maria Mađalêna Pazzi…. Cuối kinh Veni Creator, chúng ta cầu với Thánh Thần: “Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái, cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân”.
Nhìn lại, nếu để ý kỹ, ta thấy các ơn đi từng cặp:
– Ơn hiếu thảo làm cho ta kính sợ Chúa như con kính sợ Cha. Hai ơn này thúc giục chúng ta đặt mình trước mặt Thiên Chúa, với niềm tôn kính hãi sợ đồng thời với dạ tin tưởng mến yêu.
– Ơn dũng cảm làm cho ta dám thực hiện ý Chúa mà ơn chỉ giáo cho thấy ở đây và lúc này. Hai ơn này giúp chúng ta điều chỉnh bản thân theo ý Chúa, bằng cách khám phá (nhờ Thánh Thần soi dẫn) và cương quyết hoàn tất thánh ý này (nhờ Thánh Thần trợ lực).
– Ơn suy biết giúp ta nhìn ra Chúa qua vũ trụ thiên nhiên để rồi nhờ ơn thấu hiểu, ta nắm được những gì Người ngỏ với chúng ta qua Kinh Thánh và Lịch sử cứu rỗi. Hai ơn này giúp cho chúng ta có một hiểu biết đúng đắn về Thiên Chúa, từ công trình tạo dựng của Người rồi từ lời Người mạc khải
– Cuối cùng, đỉnh cao của sự hiểu biết chính là được đi vào kết hiệp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa nhờ ơn thượng trí, qua việc chiêm niệm. Ơn này giúp chúng ta cảm nếm được chính Người trong tận đáy con tim và như thế hưởng trước trên trái đất cái gì đó của niềm vui cõi trời. Tu đức học cũng đồng giọng khi nói đó là con đường thứ ba: hiệp đạo, đường kết hiệp (voie unitive) sau con đường thứ nhất: luyện đạo, đường thanh luyện (voie purgative) và con đường thứ hai: minh đạo, đường giác ngộ (voie illuminative).
Do đó, như để minh họa, chúng ta có thể phân bố chúng theo từng cặp và trên các nhánh của một cây đèn 7 ngọn, nghĩa là ta sẽ đặt trên nhánh giữa −nhánh quan trọng nhất, thắp sau cùng− ơn thượng trí, ơn hỗ trợ sự vươn lên của đời sống chiêm niệm.
Cuối cùng, xin có vài câu thơ vụng, để giúp trẻ em học giáo lý:
Sau hết là một ước vọng nho nhỏ: đề nghị Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trong những lần tái bản tới, dịch lại tên 7 ơn ấy cho dễ hiểu, dễ nhớ và sát nghĩa, nếu những lời diễn giải của tác giả trên đây không bị các đấng coi là tào lao hay lạc đạo! [6] mục lục
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi, Tu hội Thánh Tâm Chúa Giê-su, TGP Huế
Tham khảo:
- Pierre Descouvemont. Guide des difficultés de la foi catholique. Éditions du Cerf, Paris, 1993. p. 423-425: Les dons du Saint-Esprit.
- 7 ơn của Chúa Thánh Thần và ý nghĩa mỗi ơn. https://conggiaovn.com/7-on-cua-chua-thanh-than-va-y-nghia-moi-on/
------------------------
[1] x. Kinh Thánh, bản dịch của Nhóm CGKPV, ấn bản 2011, trang 1568, chú thích x.
[2] Thành ra không biết có nên chăng khi diễn giải: “Ơn Khôn Ngoan: giúp ta phân biệt được phải-trái, thật-hư. Ơn Lo Liệu: giúp ta biết giải quyết đúng đắn các khó khăn của cuộc sống. Ơn Sức Mạnh: giúp ta vượt qua mọi khó nguy trong cuộc sống và chu toàn được các bổn phận của mình”. (Internet).
[3] Con vật vì không có hồn thiêng (tinh thần) nên chỉ có một nỗi sợ theo bản năng là sợ khổ và sợ chết.
[4] Xem chữ Pietas trong Félix Gaffiot, Dictionnaire abrégé Latin-Français illustré, Hachette, 1936. và chữ Piété trong Đào Duy Anh, Pháp-Việt Từ điển (chú thêm chữ Hán), Minh Tâm xb, 1952. Lm Ngô Minh và Lm Nguyễn Thế Minh, Từ vựng Triết-Thần căn bản Pháp Việt – Anh Việt, Nxb Phương Đông, cũng đưa hai cách dịch: Sùng hiếu – Đạo đức.
[5] Cũng xin xem chữ Consilium trong Félix Gaffiot (nghĩa II)
[6] Tác giả bài viết, cách đây khá lâu, cũng từng đề nghị dịch lại khẩu hiệu của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành: Communio-Participatio-Missio (Communion-Participation-Mission trong tiếng Anh và tiếng Pháp). Ban linh hoạt của Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch là Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ (hai động từ đi với một danh từ). Tác giả đã đề nghị dịch lại thành: Hiệp thông – Tham gia – Truyền giáo. Xem https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=419
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16).
Phụng vụ Chúa Nhật tuần trước đã hướng chúng ta về lễ Hiện Xuống. Thật vậy, ý tưởng xuyên suốt của các bài đọc mà chúng ta đã nghe là sự hiện diện và công việc của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu.
Hôm nay, Lời Chúa nói với chúng ta trực tiếp về Thánh Thần còn gọi là Thần khí. Bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ kể lại một cách rất rõ ràng và cụ thể đến từng chi tiết việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2: 1-4). Như vậy, Chúa Thánh Thần tỏ hiện như “một tiếng động, như tiếng gió mạnh” và “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa.”
Chúa Thánh Thần là gió.
Gió dường như là sự so sánh rõ ràng nhất với Chúa Thánh Thần. Cùng một từ trong cả tiếng Hípri và tiếng Hy Lạp đều có thể có nghĩa là “gió”, “tinh thần” hoặc “hơi thở” tùy thuộc vào ngữ cảnh. Gió, hay hơi thở, nói lên sự sống. Tiên tri Êdêkiel nói về những khúc xương của một cơ thể được ghép lại với nhau mà không có chút hơi thở hay sự sống nào trong đó. Sau đó, Chúa khiến bốn luồng gió thổi sự sống vào xác chết: “Tôi đã tuyên sấm như tôi được lệnh. Vậy có tiếng động khi tôi đang tuyên sấm; có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp với nhau. Tôi nhìn thì thấy trên chúng đã có gân; thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng. Ngài lại bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi con người ! Ngươi hãy nói với thần khí: Thiên Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh.” Tôi tuyên sấm như Ngài đã truyền cho tôi. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Êdêkiel 37: 7-10).
Trong câu chuyện về Nicôđêmô, Chúa Giêsu chỉ ra rằng Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa giống như gió muốn thổi đâu thì thổi: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3: 8). Việc Chúa Giêsu ví Chúa Thánh Thần như gió hay hơi thở cho thấy quyền năng của Chúa Thánh Thần như là sức mạnh ban sự sống cho muôn loài. Và Chúa Giêsu nói rõ với Nicôđêmô rằng Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những người đã chết về phần linh hồn và được sinh lại một lần nữa bởi nước và Thần Khí: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3: 5-7).
Câu chuyện về Lễ Ngũ Tuần, tức là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nói đến quyền năng ban sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa; nhưng không chỉ như vậy, Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, Chúa Thánh Thần thổi sức sống mới vào những người chết về phần linh hồn, thúc đẩy họ đi theo Chúa Giêsu phục sinh.
Hôm nay Chúa Thánh Thần đang thổi sự sống thần linh của Ngài vào cuộc đời của tôi như thế nào? Tôi có lắng nghe hơi thở và tác động của Chúa Thánh Thần khi Ngài ban cho tôi những cơ hội để làm chứng cho Chúa Giêsu không? Hôm nay - ngay bây giờ - tôi có đang mở lòng đón nhận luồng gió mạnh mẽ đang ùa tới của Chúa Thánh Thần không? Tôi có phải là một người sẵn sàng tiếp nhận luồng gió thiêng liêng mới mẻ này để có sức mạnh làm chứng cho Thiên Chúa không?
Chúa Thánh Thần là lửa.
Trong Cựu Ước lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, như khi Môsê gặp Thiên Chúa tại bụi gai đang cháy bừng: “Thiên sứ của Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi” (Xh 3: 2) và sau đó khi Thiên Chúa tỏ hiện trong cột lửa để dẫn dắt dân Ngài trong nơi hoang vắng: “Thiên Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy” (Xh 13: 21).
Trong Tân Ước, theo sách Công vụ, những lưỡi lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri của Gioan Tẩy Giả rằng Đấng Mêsia “sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Ngài cầm nia, Ngài sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3:11-12). Điều này cũng có nghĩa là công việc thanh tẩy của Chúa Thánh Thần tiếp tục trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Lửa của Chúa Thánh Thần thanh tẩy linh hồn chúng ta khỏi sự dữ, đốt cháy sạch mọi cặn bã: những gắn bó với đam mê vô độ, vô đạo đức, gian tham, bất công, mưu mô ác độc và thối nát trong cuộc sống riêng cũng như trong cộng đồng xã hội và thế giới của chúng ta. Chúa Thánh Thần đến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta để thanh luyện và biến đổi chúng ta nên giống Chúa Kitô hơn.
Việc được thanh tẩy bằng lửa có thể làm chúng ta sợ; chẳng dễ dàng gì để chúng ta nhận ra bảy mối tội đầu nơi con người mình; lại càng khó hơn để chúng ta quyết tâm loại bỏ chúng! Việc đó không khác nào một cuộc chiến từ bỏ chính mình, tự chết đi, tự hủy - kenosis. Chính Chúa Thánh Thần với bảy ơn thiêng của Ngài sẽ thanh luyện các mối tội ấy nơi ta và đưa chúng ta “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2: 9), trở nên tấm gương sạch trong phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa, vốn đã được ban cho con người khi Ngài dựng nên họ (Stk 1: 26-27). Chúng ta có thể tin chắc rằng chính Thiên Chúa, là Đấng đã ban Con Một và đổ Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần, muốn làm cho chúng ta nên thánh, cũng như Ngài là thánh: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv19: 2) và: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48). Khi chúng thưa “Xin vâng” với Chúa Giêsu, Ngài sẽ gửi cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giống như lửa thanh luyện và làm cho bừng cháy. Tôi có muốn mở cánh cửa cuộc đời của mình cho ngọn lửa đó không?
Đón nhận gió và lửa Thánh thần
Việc đón nhận gió và lửa Thánh thần chính là để người tín hữu có sức mạnh thiêng liêng bắt đầu cuộc chiến đấu chống lại sự nghiêng chiều về các đam mê dục vọng, thói hư tật xấu, vốn tiềm ẩn trong con người của họ, bộc lộ qua suy nghĩ lầm lạc, lời ăn tiếng nói ganh ghét đố kỵ, hành vi cử chỉ ích kỷ hại người...Việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện và sinh hoa trái tốt lành chỉ sau khi Kitô hữu được thanh tẩy và hoán cải trong ân huệ của Chúa Thánh Thần vốn dành cho những người chấp nhận sứ điệp Đức Tin. Không có ân huệ này, việc cứu độ của người tin theo Chúa Giêsu sẽ không được thực hiện. Bởi vì, như thánh Phêrô nói, chính Thánh Thần đã ban sự sống cho Chúa Giêsu trong sự phục sinh: “Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh” (1Pr 3: 18) và như thánh Phaolô, chính Thánh Thần đang thực hiện việc đổi mới nội tâm để tạo nên con người mới nơi mỗi người chúng ta: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4: 22-24). Nếu qua Lễ Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đạt được ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta, thì Chúa Thánh Thần là Đấng tác động từ sâu thẳm con người tín hữu để hiện thực hóa công việc đã được hoàn thành bởi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14: 16-17). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận ân huệ của Chúa Cha, là Chúa Thánh Thần tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta như Đấng bảo vệ đức tin của chúng ta và thầy dạy đời sống tâm linh của chúng ta. Vì vậy, một cách nào đó, đời sống Đức tin của chúng ta một mặt hệ tại việc đón nhận Chúa Thánh Thần như một vị khách nội tâm không bao giờ bỏ rơi chúng ta một mình, mặt khác nương tựa vào Ngài như là người bảo vệ chúng ta, và cuối cùng là trò chuyện với Ngài như bậc thầy tâm linh của chúng ta. Và chính trong những cung cách này mà Chúa Thánh Thần hiện diện với chúng ta để triển khai bảy ơn ban của Ngài để hoàn thành công việc Chúa Cha đã hoàn thành nhờ Chúa Giêsu: khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa.
Tất cả những điều này mời gọi chúng ta đổi mới mối tương quan với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng đóng vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh của chúng ta. Mối tương quan cá nhân và mật thiết đó giúp chúng ta khi cầu nguyện, liên lỉ lắng nghe và đối thoại với Chúa Thánh Thần để chúng ta hành động nhờ Ngài, Đấng biến thân xác chúng ta thành đền thờ của Ngài, nơi Ngài sống thân tình nhất trong chúng ta, với chính chúng ta và mong muốn biến đổi chúng ta từ bên trong.
Và chính nhờ công việc này của Chúa Thánh Thần trong chúng ta mà sự sống và những lời của Chúa Giêsu trở nên hiện tại và mới mẻ. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thực hiện đầy đủ những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, và hưởng muôn ơn phúc mà Chúa Giêsu đã khởi đầu trong sự phục sinh của Ngài. Không có Chúa Thánh Thần, đời sống tôn giáo và tâm linh của chúng ta chỉ còn là những hồi tưởng vốn không mang lại sự sống. Đây là lý do tại sao thánh Phaolô có thể nói: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 6:11). mục lục
Phêrô Phạm Văn Trung
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”.Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý…
Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.
Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.
1. Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21).
2. Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,44-45).
3. Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x. 1 Cr 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.
Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x. Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây (x. Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận… mục lục
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
Trần gian oi ả oan khiên
Nắng đời thiêu đốt thêm phiền tâm tư
Nóng ran cõi nhớ miền khuya
Nhạc buồn, thơ khổ cứ hòa vào nhau
Tội nhân bơi giữa bể dâu
Vẫn oi, chẳng mát, xanh xao xác hồn
Chợt hiu hiu gió mơn man
Cơn mưa kỳ diệu đổ lên cõi đời
Bao giọt mưa, bấy Ơn Người
Ngôi Ba Thiên Chúa gội đời tội nhân
Đêm nay hồn vọng Thánh Thần
Và Người đến kịp giải oan kiếp người
Xin thương dân Việt lạc loài
Khát khao công lý, chờ hoài bình an
Lạy Ngôi Ba – Chúa Thánh Thần
Xin Ngài gội mát Việt Nam tội tình
Lạy Ngôi Ba – Đức Thánh Linh
Thần Khí công bình, sự thật, bình an,…
Xin thương thánh hóa Việt Nam
Canh tân, hoán cải, giải oan dân lành. mục lục
Viễn Dzu Tử
(Suy niệm từ Ga 20,19-23)
(Thế Kiên Dominic)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.