BÁC ÁI VÀ TRUYỀN GIÁO
"Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy truyền cho các con" (Mt 28,19- 20). Đó là lệnh truyền qua mọi thời cho mọi người, nếu xưng mình là Kitô hữu.
Để loan Tin Mừng tình thương, người rao giảng phải sống bác ái. Hơn tất cả mọi sứ điệp, chính đời sống yêu thương là sứ điệp, là hành động truyền giáo thiết thực, hiệu quả, lôi cuốn và đáng quý.
Bác ái là minh họa cho con đường phục vụ. Bởi nếu loan Tin Mừng là dẫn anh chị em đến chân trời của sự thánh thiện, thì bác ái là phương tiện - để chiếm niềm tin, chiếm cảm tình của anh chị em - nhờ đó dần dần dẫn anh chị em đến gặp Thiên Chúa, nguồn cội của sự thánh thiện ấy.
1. CỰU ƯỚC ĐỀ CAO TINH THẦN BÁC ÁI.
Đệ Nhị luật: "Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu những người nghèo, nên tôi truyền cho anh em hãy mở rộng tay giúp đỡ" (15,7.11).
Không chỉ bất chấp mọi sợ hãi để lo hậu sự cho xác chết của đồng loại, ông Tôbia còn dạy con ông phải làm việc từ thiện: "Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ" (Tb 4,7).
Tiên tri Isaia đòi tinh thần chay tịnh phải đi liền với "mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc…, chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ…thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục" (58, 6-7).
2. TÂN ƯỚC VÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU.
Chúa Giêsu nêu cao nơi chính bản thân Người lòng xót thương dành cho bất cứ ai bất hạnh, ai đau khổ. Chúa bênh vực người nghèo, không ngừng tha thứ cho tội nhân, đi đến đâu là thực hiện lòng tốt đến đó. Chúa còn dạy:
- Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu (Mt 10,42).
- Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18,21).
- Dụ ngôn về ngày xét xử (Mt 25,31-46), Chúa khẳng định: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".
- Cho đến giây phút cuối cuộc đời, khi mà lòng thù hận của con người đến tột cùng, thì từ trên thánh giá, Chúa vẫn tiếp tục ban bố lòng yêu thương tha thứ: "Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23,34).
- Trong nhiều hướng dẫn, Tân Ước đặt tình yêu ở hàng đầu. Chẳn hạn, thánh Giacôbê viết: "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).
3. SỐNG BÁC ÁI LÀ KHỞI SỰ TRUYỀN GIÁO.
Bác ái điểm cần thiết nơi chứng nhân Tin Mừng. Giảng về Thiên Chúa yêu thương mà người giảng không biết yêu thương, không tận tâm, tận tình, nhất là với người bần cùng, bất hạnh, cách sống đó là phản chứng của lời rao giảng.
Mẹ Têrêsa thành Calcutta trở thành nhà truyền giáo lừng danh vì Mẹ sống tinh thần bác ái ấy. Mẹ là mẫu gương thời đại cho mọi Kitô hữu.
Phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục Á châu (4/1998), Đức Hồng y Giuse Phạm Đình Tụng nói về Mẹ Têrêsa: “Bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết thế nào là Đấng Thiên Chúa tình thương của người Kitô”.
Bác ái còn là thông cảm, tha thứ đối lỗi lầm của anh chị em. Ta không bao che, hay dung túng cho tội, nhưng độ lượng với người có tội, mời gọi họ đi về nẻo chính. Chúa Giêsu luôn nêu gương độ lượng, thông cảm và tha thứ này.
Với phụ nữ xứ Samari sáu đời chồng, bằng lời ân cần hết sức, nhưng không kém dứt khoát, Chúa đánh thẳng vào vấn đề của chị, buộc chị nhìn nhận phận mình mà vẫn không cảm thấy bị xúc phạm: "Người bảo chị: ‘Chị hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây’. Người phụ nữ đáp: ‘Tôi không có chồng’. Đức Giêsu bảo: ‘Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã có năm đời chồng, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị nói đúng" (Ga 4,1-30).
Còn phụ nữ ngoại tình bị quả tang, Chúa hết sức nhẹ nhàng: "Người bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’… Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi… Người ngẩng lên và nói: ‘Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?’… ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’" (Ga 8,1-11).
Lời của Chúa nhẹ nhàng là thế, nhưng cũng rất dứt khoát, làm cho những kẻ to tiếng kết tội chị phải cúi mặt nhận ra thân phận của mình.
Cũng chính thái độ nhẹ nhàng và dứt khoát của Chúa lại mang lại sự giải thoát cho chị phụ nữ. Không chỉ giải thoát chị khỏi tay những kẻ kết án mà còn giải thoát đúng nghĩa và quan trọng: Cứu chị khỏi vòng kềm hãm của tội, đưa chị vào thế giới của bình an và tình yêu.
Lòng bác ái và độ lượng lớn lao như thế, chắc chắn sẽ đem lại thành quả cũng lớn lao không kém cho những người tha thiết với trách vụ truyền giáo.
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình
Khánh Nhật Truyền giáo lần thứ 97 được cử hành vào ngày 22/10/2023, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra ở Rôma. Tại Gaza, ngày 07/10, Hamas đã châm ngòi cuộc chiến bắn hại bao người vô tội Israel. Cuộc giao tranh giữa hai bên tính đến ngày 17/10 đã khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng, ít nhất 16.000 người bị thương, trong khi cuộc chiến do Nga khai mào tại Ucraina vẫn chưa chấm dứt. Những gì xảy ra trên thế giới cho thấy nhân loại đang khát Tin Mừng Hoà Bình.
Lòng bừng cháy và chân tiến bước
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 có chủ đề là: "Lòng bừng cháy" và "chân tiến bước" (Lc, 24,13-35), thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Phanxicô mời gọi các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, trong tinh thần hiệp hành truyền giáo, hãy ra đi với "lòng bừng cháy" và "chân tiến bước" như hai môn đệ trên đường về Emmaüs để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô phục sinh. Ngài khẳng định: "Sự cấp thiết hoạt động truyền giáo của Giáo hội dĩ nhiên bao hàm một sự cộng tác ngày càng chặt chẽ giữa mọi phần tử trên mọi cấp độ. Ðây là mục tiêu chính yếu của hành trình Thượng Hội đồng Giám mục mà Giáo hội đang thi hành, với ba từ chủ chốt là "Hiệp thông, tham gia, sứ mạng"… Tiến trình này là lên đường như các môn đệ trên đường Emmaus, lắng nghe Chúa Phục Sinh, Ðấng luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và Bẻ Bánh cho chúng ta, để chúng ta có thể thi hành sứ mạng của Chúa trong thế giới với sức mạnh của Thánh Linh".
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: "Ngày nay cũng như bấy giờ, Chúa Phục Sinh ở gần các môn đệ thừa sai và tiến bước cạnh họ, nhất là khi họ cảm thấy mất hướng đi, nản chí, sợ hãi trước mầu nhiệm sự ác vây bủa và muốn bóp nghẹt họ. Vì thế, "Chúng ta đừng để mình bị cướp hy vọng!"
Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ, làm cho tâm hồn họ nồng cháy. "Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống, Lời duy nhất có thể làm nồng cháy, soi sáng và biến đổi con tim". Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha nói đến hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu trong lúc Ngài Bẻ Bánh. Chúa Giêsu trong Thánh Thể là tột đỉnh và là nguồn mạch sứ mạng truyền giáo.
Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng nguyên việc bẻ bánh vật chất chia sẻ với những người đói, nhân danh Chúa Kitô, đã là một hành vi truyền giáo theo tinh thần Kitô giáo. Huống chi việc Bẻ Bánh Thánh Thể, chính Chúa Kitô, càng là hoạt động truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo hội".
Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình
Hình ảnh "chân tiến bước" một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng "tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao" (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).
Lấy hình ảnh hai môn đệ Emmaus sau khi nhận ra Chúa đã mau mắn lên đường, và hân hoan kể lại Chúa Kitô Phục Sinh, chia sẻ với những người khác niềm vui được gặp Chúa áp dụng với thế giới hôm nay, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: Hình ảnh "Những bước chân đi" một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị ngàn đời của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại... loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận bờ cõi trái đất. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân loại, bị thương tổn vì bao nhiêu bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần Tin mừng hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô" (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 65 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraine là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”. Ngài viết: “Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Hòa Bình, 2022).
Cầu nguyện cho hòa bình
Trong tuần qua, tên lửa và bom đạn đã đánh vào dân thường, người già, trẻ em và các bà mẹ đang mang thai ở Israel và Palestin. Khát vọng hòa bình là tâm tình của hết mọi người trên toàn thế giới, không riêng Ucraine, Israel, Palestine. Bởi lẽ tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, vì thế phải cùng chèo chống để vượt qua sóng gió.
Cầu nguyện để biết nhìn cuộc chiến hiện nay bằng cặp mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi mọi người. Nhận ra Chúa nơi đứa trẻ đã chết trong vòng tay người mẹ. Nhận ra Chúa nơi những chiến binh được gửi ra tiền tuyến. Nhận ra Chúa cả nơi người lính trang bị vũ khí nhân danh thập giá của Chúa.
Cầu nguyện là đối diện với thực tại bi thảm của chiến tranh và thúc đẩy hướng giải quyết hòa bình: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Maria, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình xin Chúa Cha ban trợ giúp thế đang khát khao Tin Mừng Hoà Bình hơn bao giờ hết.
Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế Mẹ ơi! Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.