TẢN MẠN VỀ LỄ HIỂN LINH

07-01-2024 733 lượt xem

[1] Bài thánh ca “Ngày ánh sáng” của nhạc sĩ Nguyên Kha thật tuyệt vời, rất xứng hợp với Lễ Giáng Sinh, Mùa Giáng Sinh và nhất là Lễ Hiển Linh:

“Hôm nay muôn dân đã được thấy ánh sáng. Hôm nay Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người. Người là Vua uy quyền, là Vua vinh quang, là Vua thái bình, Vua muôn đời”.

Bài hát ở cung Đô trưởng, mấy chữ đầu “Hôm nay muôn dân đã được…” ở hợp âm bậc I (Đô trưởng) để dẫn đến ba chữ “thấy ánh sáng” ở hợp âm bậc IV (Fa trưởng), diễn tả rõ ý tưởng từ bóng tối bừng lên ánh sáng chan hòa.

Ánh sáng gắn với Lễ Hiển Linh là lễ kính nhớ việc Chúa Giêsu tỏ mình ra để các đạo sĩ là đại diện lương dân được nhận biết Chúa là Ðấng Cứu Độ cho muôn dân, Chúa là Ánh Sáng rạng soi mọi tâm hồn.

Với chủ đề này, Kinh Tiền Tụng của ngày lễ ca ngợi ánh sáng mạc khải và mầu nhiệm cứu độ:

“Hôm nay Chúa đã mặc khải chính mầu nhiệm cứu độ chúng con để soi sáng muôn dân, vì khi Người xuất hiện trong bản tính phải chết của chúng con, Chúa đã dùng vinh quang mới bất diệt của Người mà phục hồi chúng con”.

[2] Mở từ điển, thấy bên Tây gọi Lễ Hiển Linh là “Epiphany”. Tên gọi này bắt nguồn từ động từ tiếng Hy-Lạp có nghĩa là “xuất hiện”, và người thời cổ Hy-Lạp thường dùng động từ này để chỉ việc thần linh hiện ra với tín đồ. Sau này, bản Bảy Mươi, tức bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Hy-Lạp, mượn động từ này để diễn tả việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Israel: “Họ mừng rỡ vì Thiên Chúa đã TỎ LỘ quyền năng của Người” (2 Mcb 15,27).

Trong Tân Ước, động từ này (“xuất hiện”) được dùng ở 2 Tm 1, 10 để nói đến việc Chúa giáng sinh và Chúa phục sinh: “Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu ĐÃ XUẤT HIỆN”.

Năm câu khác trong Tân Ước, động từ “xuất hiện” nói đến ngày Chúa SẼ QUANG LÂM:

“Bấy giờ tên gian ác sẽ bị tỏ lộ, kẻ mà Chúa Giêsu sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người XUẤT HIỆN” (2 Th 2, 8 ).

“Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, XUẤT HIỆN” (1 Tm 6,14).

“Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ XUẤT HIỆN và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh…” (2 Tm 4,1).

“Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người XUẤT HIỆN” (2 Tm 4,8).

“Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, XUẤT HIỆN vinh quang” (Tt 2,13).

Kinh hiệp thông trong Thánh Lễ ngày Lễ Hiển Linh ca tụng Chúa xuất hiện: “Hiệp cùng Hội Thánh, chúng con mừng ngày cực thánh là ngày Con Một Chúa, đồng hằng hữu với Chúa trong vinh quang, đã XUẤT HIỆN hữu hình, mang xác phàm thật sự như chúng con:.

[3] Người Công giáo bên Trung Hoa gọi Lễ Hiển Linh là 主 顯 節 (Chủ hiển tiết) – “Chủ” là Chúa, “tiết” là lễ, “hiển” là tỏ ra, tỏ lộ, lộ ra, rõ ràng, vinh hiển. Vậy, “Chủ hiển tiết” là lễ Chúa tỏ hiện vinh quang.

Đối với người Việt Nam, hai chữ “hiển linh” khá dễ hiểu và nói lên đầy đủ ý nghĩa của ngày lễ. Các từ điển giảng như sau:

hiển linh:

- Linh thiêng hiển hiện ra (“Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh);

- Vật thiêng tỏ mình (“Giúp đọc Nôm và Hán Việt” của Trần Văn Kiệm);

- Rõ rệt, thiêng liêng (“Việt Nam Tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức);

- [Thần thánh] tỏ rõ sự linh thiêng, theo tín ngưỡng tôn giáo (“Từ điển tiếng Việt” do Nguyễn Khắc Phê chủ biên);

- Tỏ ra cách linh thiêng (“Từ điển Công giáo” của Ủy ban Giáo lý Đức tin).

Theo từ điển Trung Hoa:

https://dict.concised.moe.edu.tw/dictView.jsp?ID=27443...

hiển linh (顯 靈):

鬼 神 顯 現 其 靈 驗 或 徵 兆。 例 佛 祖 顯 靈

Quỷ thần hiển hiện kỳ linh nghiệm hoặc trưng triệu – lệ Phật Tổ hiển linh ( = Quỷ thần tỏ lộ rõ sự linh nghiệm hoặc điềm thiêng dấu lạ – ví dụ, Phật Tổ hiển linh).

Truyện Kiều cũng giúp làm cho chữ “hiển linh” trở nên quen thuộc từ lâu bằng câu thơ trong đoạn kể Kiều thăm mả Đạm Tiên:

“Dễ hay tình lại gặp tình

Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ”.

[4] Lễ Hiển Linh còn có tên gọi dân gian là Lễ Ba Vua – tiếng Anh: Three Kings’ Day; tiếng La-tinh: Festum Trium Regum; tiếng Trung Hoa: 三 王 來 朝 瞻 禮 (Tam vương lai triều chiêm lễ). Thật ra, Kinh Thánh không nói rõ các đạo sĩ đến triều yết Chúa Hài Đồng gồm bao nhiêu người, nhưng truyền thống cho rằng có ba vị, và đôi khi gọi là ba vua. Tương truyền, tên của ba vị này là Gaspar (hoặc Caspar), Melchior và Balthazar. Tượng ảnh ba vua trong hang đá hoặc khung cảnh Giáng Sinh luôn có một vị da màu để thể hiện ý nghĩa Chúa tỏ mình cho muôn dân. Các lễ vật họ dâng được diễn giải là mang những ý nghĩa riêng về Hài Nhi Giêsu: vàng chỉ vương quyền (x. Đn 2, 38; Kh 19, 16); nhũ hương chỉ chức tư tế (x. Xh 30,34; Dt 7,24-25) cùng sự cầu nguyện (Tv 141,2; Lc 1,10; Kh 5,8; 8,3); mộc dược (hay một dược) chỉ sự đau khổ và cái chết của Chúa (x. Jn 19,39).

[5] “Ăn theo” Lễ Hiển Linh, có một truyện ngắn rất ngắn của Jérôme và Jean Tharaud, ai đã đọc ắt nhớ hoài, kể về “Vị khách cuối cùng” (nhan đề của truyện này) đến thăm hang đá Bêlem. Đoạn văn mở đầu có câu cuối rất dễ thương:

“Khi ấy ở Bêlem, một đêm dài sắp qua. Ngôi sao kia vừa biến mất, người lữ khách cuối cùng cũng đã rời khỏi chuồng bò lừa. Đức Nữ Đồng Trinh sắp gọn lại những lọn rơm: Hài Nhi đã thiếp ngủ được rồi. Nhưng ai lại ngủ trong đêm Giáng Sinh nhỉ?”

Vị khách cuối cùng này bước đến gần máng cỏ, “Bé Giêsu vẫn ngủ. Làm sao mà ngủ được trong đêm Giáng Sinh nhỉ?”. Khách trao cho Bé Giêsu một món quà, mỉm cười với Đức Mẹ, rồi bước ra “trong ánh bình minh của ngày mới”.

Vị khách bí ẩn là ai, và món quà ấy là gì, mời bạn đọc xem tiếp câu truyện này; tác giả như muốn trao gửi thông điệp: Chúa giáng sinh làm xoay chuyển lịch sử.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nguoi-khach-la-41185

Bản dịch tiếng Anh và bản gốc tiếng Pháp:

https://www.catholic.co.il/?id=745&cat=&view=article&lang=en&m=

http://www.biblisem.net/narratio/tharldvi.htm

[6] Ngoài ba vua đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, nhà văn Henry Van Dyke kể cho chúng ta nghe về ông vua thứ tư bằng một truyện ngắn khá dài với nhan đề “Một đạo sĩ khác”. Vì dừng chân để cứu người, ông vua thứ tư không đến kịp để đồng hành với ba ông vua kia đi thờ lạy Đức Vua mới giáng sinh. Ông phải bán một lễ vật để mua lạc đà vượt sa mạc, nhưng khi ông đến được Bêlem thì Thánh Gia đã lánh sang Ai Cập rồi. Trên đường lặn lội tiếp tục tìm Chúa, ông đem tất cả của cải ra làm rất nhiều việc thiện. Sau 33 năm, ông đến Giêrusalem đúng lúc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nhưng một tai nạn khiến ông kiệt sức và phải bỏ dở hành trình tìm ánh sáng. Khi hấp hối, ông nghe thấy có tiếng nói với ông: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Ông chết trong ánh sáng tràn ngập niềm vui. Các lễ vật của ông đã được Chúa nhận lấy. Ông đã tìm gặp được Đức Vua của mình.

[7] Ca khúc Giáng Sinh “Chú bé đánh trống” cũng kể truyện có bối cảnh Chúa hiển linh. Chú bé nghèo được các đạo sĩ cho biết họ đem lễ vật quý giá đến dâng lên Đức Vua mới hạ sinh. Vì không có gì đáng để dâng, chú bé tỏ ý muốn đánh trống cho Chúa nghe. Đức Mẹ gật đầu, và Chúa Hài Đồng mỉm cười với bài nhạc trống hồn nhiên. Bài học của câu truyện là Chúa hài lòng đón nhận lòng mến chân thành và Chúa muốn con người chia sẻ tài năng cho đời.

[8] Tạ ơn Chúa đã ban thời giờ để tản mạn và nhân đó có dịp ôn lại Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo về Lễ Hiển Linh (số 528):

Hiển Linh là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra là Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Đại lễ Hiển Linh mừng kính việc “các đạo sĩ” từ Phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu, việc Chúa chịu phép rửa ở sông Jorđanô và tiệc cưới Cana. Nơi các “đạo sĩ” là đại diện cho các tôn giáo lương dân lân cận, sách Tin Mừng ghi nhận đây là những hoa quả đầu mùa của muôn dân đang đón nhận tin vui cứu độ nhờ Chúa Con nhập thể. Việc các đạo sĩ đến Giêrusalem để bái lạy Vua dân Do Thái cho thấy: đi theo ánh sáng ngôi sao Đavid loan báo Đấng Messia, các vị ấy đến Israel để tìm kiếm Đấng sẽ là vua của mọi dân nước. Họ đến, nghĩa là các dân ngoại chỉ có thể nhận ra Chúa Giêsu và thờ lạy Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế bằng cách hướng về dân Do Thái và lãnh nhận nơi họ lời hứa về Đấng Messia được chứa đựng trong Cựu Ước. Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo các dân ngoại được gia nhập gia đình các tổ phụ, và được hưởng “phẩm giá của Israel”.

[9] Cuối cùng, xin chia sẻ một lần nữa hai ảnh vui về Lễ Hiển Linh của mấy năm về trước. Mong niềm vui Giáng Sinh không hề vợi đi theo những ca khúc Giáng Sinh đang vẳng xa dần. Vì Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta.

May be an image of bedroom and text that says 'Double Size Single Size King Size'May be an image of text that says 'THÁNH LỄ NGÀY LỄ HIỂN LINH VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐẾN NHÀ THỜ TRỄ'

Phêrô Nguyễn Đình Diễn (Ns. Phanxicô)

CÁC ĐẠO SĨ TỚI BELEM

Sau khi làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, Đức Giuse cùng với Đức Mẹ và Hài Nhi trở về Nadarét. (Lc 2:39) Tuy nhiên, rất có thể Thánh Gia lại tới Belem với ý định ở lại đó vĩnh viễn. Vì không phải Belem thực sự là nơi sinh và quê hương của Chúa Giêsu sao? Hơn nữa, nó nằm gần Giêrusalem, điều kiện thuận lợi cho Thánh Gia về nhiều mặt. Sau đó, khi họ trở về từ Ai Cập, một lần nữa Đức Giuse có ý định cư tại Belem.

Có lẽ Thánh Gia đã trải qua khoảng một năm ở Belem khi khá bất ngờ có những người lạ đến Giêrusalem, đó là các nhà thông thái từ Đông phương. Với câu hỏi thẳng thừng về việc tìm thấy Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu – vì họ đã nhìn thấy ngôi sao của Ngài ở phương Đông và đã đến thờ lạy Ngài.

Bạo chúa Hêrôđê là kẻ khát máu trong thành Đavít, không tìm thấy giải pháp nào phù hợp trong sự bối rối và gian trá xảo quyệt của mình hơn là hỏi Hội Đồng Thượng Tế về nơi sinh của Đấng Mêsia. Ông đã truyền đạt câu trả lời cho các nhà thông thái biết rằng Belem là nơi họ muốn đến, và bảo họ đi tìm Hài Nhi và dặn khi họ tìm thấy Ngài thì phải báo cho ông ta biết để ông ta cũng đến thờ lạy Ngài. Vì vậy, các đạo sĩ đã đến được Belem theo ánh sáng hướng dẫn của ngôi sao. Thấy lại ánh sao khi rời Giêrusalem, họ vui mừng lắm.

Đất nước mà các nhà thông thái đến nằm ở phía Đông Giuđê. Họ là những nhà quý tộc, những đại sĩ, những người cai trị bộ lạc có những cuốn sách thánh. Nó đã có mối quan hệ mật thiết với họ từ trên cao đến nỗi, khi một ánh sáng lạ lùng nào đó xuất hiện trong nền tảng vững chắc, họ sẽ đi từ nhà của họ để dâng lên vị vua mới sinh và Đấng Mêsia. Trên thực tế, ngôi sao đã xuất hiện vào thời điểm Đấng Cứu Thế sinh ra hoặc sau đó, và họ coi đó là nỗ lực chính trong cuộc đời của họ để làm theo hướng dẫn từ Thiên Đàng gửi đến. Ít nhất thì sự xuất hiện của ngôi sao trên máng cỏ của Đấng Cứu Thế khiến chúng ta suy luận về mục đích sâu xa nhất của chúng. Vì vậy, họ đến Belem và tìm thấy nơi ở của Hài Nhi được ngôi sao chỉ cho họ như thể đó là “ngón tay lửa” vậy.

Cùng với các gia nhân và con thú chở đồ vật, họ có thể đã đến trú tại trạm dừng của thị trấn, và sau đó được nhắn tin tới Thánh Gia để hỏi xem họ có thể được phép đến thăm hay không, vì họ đến theo hướng dẫn của một ngôi sao để tôn thờ Hài Nhi. Thánh Giuse đã ân cần đón tiếp họ. Và bây giờ, chính các vị vua xuất hiện cùng với các hầu cận của họ, những người đi sau mang theo những món quà quý giá mà họ đã lấy từ rương và túi yên ngựa, vì ở Đông phương có tục lệ không ai được đến tay không trước sự hiện diện của một hoàng tử. Đức Mẹ đã chuẩn bị một cách đơn giản và dễ chịu cho cuộc đón tiếp của họ, và đã ôm Chúa Hài Đồng vào lòng. Khi nhìn thấy Hài Nhi, các vị vua đã phủ phục thành một vòng tròn trước mặt Ngài, với đức tin sâu sắc, sự tôn kính, sự khiêm nhường, tình yêu và niềm vui sâu thẳm trong trái tim, họ đã thờ lạy Ngài và dâng Ngài chính bản thân và mọi thần dân của họ.

Có tinh thần cao quý và sâu sắc với trái tim thực sự quý tộc, họ không bị xao xuyến trước sự bất thường về Hài Nhi ở Giêrusalem, hoặc trước sự đơn sơ và nghèo khó của nơi Hài Nhi cư ngụ với cha mẹ Ngài. Họ rất ít quan tâm đến những biểu hiện bên ngoài và chỉ làm theo sự điều khiển của trái tim đơn sơ cùng với đức tin của họ như Chúa đã dạy. Vì vậy, trong cùng một tinh thần, họ lấy các lễ vật đã sắp xếp trong các tráp quý đặt trên thảm, và dâng lên Chúa Hài Nhi – vàng, trầm hương và mộc dược. Những món quà mang sự huyền bí, tượng trưng cho lòng tin của chính họ – đức tin, tình yêu và sự tôn thờ, và tiêu biểu cho thần tính, hoàng gia và sứ vụ của Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế Hài Nhi nhân từ nhìn cảnh tượng trước mặt Ngài, biết rõ ý nghĩa của những món quà, và trả lại tất cả với sự ban ơn tràn đầy cho họ và thần dân của họ, đồng thời ban phúc lành cho họ như những người bảo vệ phía trước và hoa trái đầu tiên của Dân Ngoại. Rất có thể sau đó các đạo sĩ đã ngồi xuống và trò chuyện với Mẹ Thiên Chúa và Thánh Giuse, hai ông bà đã giải trí cho họ bằng sự giản dị đáng ngưỡng mộ và cách kể cho họ nghe những hoàn cảnh thân mật hơn về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Đây là dịp đầu tiên Mẹ Thiên Chúa hướng dẫn thế giới ngoại đạo, và Thánh Giuse đã chia sẻ qua cách hướng dẫn. Các đạo sĩ trở thành Kitô hữu và đem đức tin đích thực về đất nước của họ.

Vì vậy, họ đã từ giã Hài Nhi Thánh Gia với lòng biết ơn mãnh liệt, sự hài lòng và niềm vui chân thành. Tuy nhiên, họ đã không quay trở lại Giêrusalem, vì trong giấc mơ, họ nhận được lệnh phải tránh đường Giêrusalem trên đường về nhà, vì Hêrôđê muốn giết Hài Nhi Giêsu. Ngay trong đêm đó, họ cùng với đoàn tùy tùng hướng về phía Nam dọc theo đường dẫn qua sông Giođan. Những gì họ đã thấy, đã học và đã trải qua có thể khiến họ gặp khó khăn. Họ đã hoàn thành công việc của cuộc đời họ.

Đức Mẹ và Đức Giuse vô cùng vui mừng trước chuyến viếng thăm đáng chú ý này của các nhà thông thái, những người khôn ngoan. Thánh Giuse rất thích thú và vui mừng trước những con người thánh thiện có tính cách rất giống mình. Ngài vui mừng hơn mọi thứ khác vì lợi ích của Đức Mẹ và Hài Nhi yêu dấu. Vinh dự cao cả đã được tỏ bày. Sự khôn ngoan của Đông phương đã đến tỏ lòng tôn kính đối với Thần Trí của Hài Nhi. Vương quyền của Hài Nhi đã tỏ lộ một cách vinh vinh hiển. Thật khó để Ngài sinh ra và Ngài bắt đầu cai trị, mặc dù nghèo khó nhưng Ngài có vàng bạc và sự giàu có, đồng thời kêu gọi các tôi tớ và những người yêu mến Ngài từ những vùng đất xa xôi. Trời và đất vâng lời Ngài, việc Ngài đến đã gây kinh hoàng cho những kẻ thù của Ngài.

Sự kiện này là thời kỳ thơ ấu của Chúa Kitô. Chẳng lẽ Thánh Giuse vui mừng ngất ngây và nói như Thánh Phêrô: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều...” (x. Mt 17:4) hay sao? Hơn nữa, ai lại không phân biệt được trong mầu nhiệm ơn gọi của dân ngoại này ám chỉ đến và lời mời gọi Thánh Giuse làm quan thầy cho các sứ vụ truyền giáo?

Vị trí cao quý mà Thánh Giuse đã có trong mầu nhiệm này, chính điều nó là tiền đề về sự tôn vinh trong tương lai của Giáo Hội của Dân Ngoại, được thể hiện một cách tinh vi và thành công nhất trong một bức tranh khảm thế kỷ XIII tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, trong đó thánh nhân được mô tả trong một ngăn riêng biệt dưới màn trướng, nằm trên cây gậy của mình với thái độ trầm tĩnh và dường như sẵn sàng đón nhận sự tôn kính thích hợp của riêng mình từ các nhà thông thái. Về sau, với cảm giác mãnh liệt, họa sĩ Fra Angelico đã vẽ Thánh Giuse thực sự tham dự cuộc trò chuyện quen thuộc với một vị vua và có ý định nghiêm túc hướng dẫn ông về đức tin.

Trong một bức tranh khác cũng của họa sĩ thiên tài Fra Angelico, Thánh Giuse mở chiếc tráp chứa món quà quý giá dâng cho Hài Nhi như một dấu hiệu của toàn thế giới dân ngoại, trong đó có Thánh Giuse là Đấng bảo trợ.

Lm. Maurice Meschler - https://catholicexchange.com

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.