SUY NIỆM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH_2024

13-04-2024 242 lượt xem

Lời Chúa: Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48

Mục Lục

SỰ HIỆN DIỆN HUYỀN NHIỆM - + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

THẾ GIỚI RẤT CẦN BÌNH AN CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

MỘT CUỘC VIẾNG THĂM BẤT NGỜ TUYỆT VỜI - Phêrô Phạm Văn Trung

NGƯỜI CÓ HIỆN DIỆN CHO CHÚNG TA KHÔNG? - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

CHỨNG NHÂN TIN MỪNG - Thiên San

CHÚA SỐNG LẠI, TA LÀ CHỨNG NHÂN - Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

KINH THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN - Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

TUYÊN XƯNG CHÚA KITÔ LÀ CON THIÊN CHÚA – Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD

DỌC ĐƯỜNG EMMAU - Trầm Thiên Thu

CHÚA HIỆN ĐẾN LẦN THỨ BA - (Th. K. Dominic)

SỰ HIỆN DIỆN HUYỀN NHIỆM

Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy một điều kỳ lạ: sau khi Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, các môn đệ không nhận ra Người. Trước đó, các ông đã có những tháng năm sống với Thầy mình, đã cùng ăn uống với Thầy, đã được Thầy giáo huấn dạy dỗ, mà nay lại không nhận ra Người! Cả những người phụ nữ đã đi theo Chúa để phục vụ Người, nay cũng không nhận ra. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na tưởng Chúa là một người làm vườn, nên xin với “người làm vườn” ấy chỉ cho biết chỗ để xác Thầy mình. Hai môn đệ trên đường Em-mau không nhận ra Chúa khi đàm đạo với Người. Thánh Lu-ca còn thêm chi tiết: mắt các ông bị bao phủ. Và trong Bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ kinh hồn bạt vía khi thấy Chúa và tưởng là thấy ma.

Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giê-su không còn hiện hữu với cách thức trước đây nữa. Người hoàn toàn linh thiêng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Vì vậy, Người có thể vào nhà khi cửa đóng kín. Người có thể vừa ở Giê-ru-sa-lem vừa đồng thời ở Em-mau. Sự hiện diện của Đức Giê-su Phục sinh là một huyền nhiệm, không thể cảm nhận bằng giác quan, nhưng bằng đức tin.

Tại sao các môn đệ và những người đương thời với Chúa không nhận ra Người sau khi Người từ cõi chết sống lại? Chúng ta có thể trả lời như sau: vì Thiên Chúa là Đấng cao cả và linh thiêng, nên con người không thể cảm nhận Ngài chỉ bằng thuần tuý giác quan. Chỉ có đức tin và lòng yêu mến mới giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa. Ngay cả trước khi nhận ra Chúa Giê-su Phục sinh, các môn đệ vẫn có lối nhìn thuần tuý con người. Vì vậy mà các ông không nhận ra Chúa, thậm chí còn tưởng là ma. Chỉ khi được nghe lời Chúa và được xem thấy vết đinh, các ông mới nhận ra chính là Thầy mình. Đức Giê-su mở trí cho các ông để từ nay các ông hiểu Kinh Thánh một cách hoàn toàn mới mẻ.

Lịch sử hai ngàn năm đã chứng minh: Đức Giê-su hiện diện cách huyền nhiệm trong Giáo Hội. Quả thực, mặc dù chỉ một số rất ít các thánh nhân được nhìn thấy Chúa khi còn sống trên trần gian, Giáo Hội vẫn luôn tin rằng Đức Giê-su đang hiện diện để hướng dẫn Giáo Hội và ban sức mạnh cho Giáo Hội khi phải đương đầu với trăm ngàn nguy khốn. Giáo Hội không chỉ có Chúa Giê-su hiện diện, mà Giáo Hội còn LÀ thân thể huyền nhiệm của Đức Giê-su. Bí tích Thanh tẩy cho người tín hữu được tháp nhập vào thân thể ấy. Sứ mạng của người đã lãnh phép Thánh tẩy là làm chứng cho Chúa Phục sinh. Đây là lệnh truyền của Đức Giê-su. Khi nỗ lực sống ơn gọi chứng tá, người Ki-tô hữu khẳng định bằng chính cuộc sống cụ thể của mình rằng: Đức Giê-su đã sống lại và Người đang hiện diện giữa chúng ta.

Là chứng nhân của Đức Giê-su Phục sinh, người Ki-tô hữu cũng phải luôn canh tân biến đổi cuộc đời để nên giống Chúa. Thánh Phê-rô đã nói với những người Do Thái: dù nhiều người trong các bạn đã giết Chúa Giê-su hoặc đồng loã trong việc này, nhưng các bạn đã làm thế vì không hiểu biết. Nay các bạn hãy sám hối thì chắc chắn sẽ nhận được ơn tha tội của Thiên Chúa. Vì Đức Ki-tô đã chịu chết chính là để xoá bỏ tội lỗi chúng ta, người Do Thái cũng như dân ngoại (Bài đọc I).

Cùng một ý tưởng sám hối, thánh Gio-an tông đồ khích lệ chúng ta hãy tín thác vào lòng từ bi của Thiên Chúa, vì “chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (Bài đọc II). Lời mời gọi sám hối dàn trải trong suốt nội dung của Thánh Kinh. Sám hối cũng là một điều kiện căn bản để đón Chúa đến trong cuộc đời cá nhân mỗi người. Một khi đón Chúa đến tâm hồn, chúng ta sẽ được phục sinh vinh quang với Chúa, và sẽ được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời ngay khi còn sống trên thế gian.

Ngày nay cũng như ở mọi thời đại, vẫn có rất nhiều người không nhận ra Đức Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ. Phải chăng họ chỉ nhận định về Người theo lối suy luận thuần tuý nhân loại, nên không thể nhận ra sứ mạng đích thực của Người?

Bầu không khí sôi động của lễ Phục sinh đang dần lui về quá khứ. Một khi ý thức được sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Phục sinh trong Giáo Hội và trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy bình an và niềm vui Phục sinh còn lắng đọng và kéo dài, thận chí bao trùm trọn vẹn đời sống Ki-tô hữu. Đây là bình an và niềm vui do chính Đấng Phục sinh ban tặng cho chúng ta.

“Ai giữ lời Đức Ki-tô dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo”. Tuân giữ giáo huấn của Chúa Giê-su là một điều kiện căn bản để chúng ta đạt tới mức hoàn hảo của tình yêu. mục lục

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

THẾ GIỚI RẤT CẦN BÌNH AN CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Cuộc chiến không ngừng

Bom đạn vẫn không ngừng rơi tại Ucraina khi thế giới mừng lễ Phục Sinh. Bạo lực tiếp diễn, máu người vô tội vẫn đổ ra, sợ hãi và đau khổ. Chúng ta cố gắng tin rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại, rằng Người đã thực sự chiến thắng sự chết. Liệu điều đó có thể chỉ là một ảo ảnh, hay chỉ là một phần trong trí tưởng tượng của chúng ta chăng?

Không! Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta nghe vang vọng lời loan báo Phục sinh rất đỗi thân thương đối với Ki-tô giáo Ðông phương: “Chúa Ki-tô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật rồi!” Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Chỉ có một mình Chúa Giê-su phục sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta bởi vì chúng ta đã gây ra cho Ngài bởi tội lỗi của chúng ta, bởi sự cứng lòng của chúng ta, bởi sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giê-su phục sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.

Các Tông đồ làm chứng tỏ tường

Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 37-41).

Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết: “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười Hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh“ (1 Cr 15, 3-8 ; Ga 20, 1-29) ; Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt!

Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong Đêm Vọng Phục Sinh nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa Phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).

Quả thật, Chúa Ki-tô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ.

Tin Mừng Luca hôm nay mô tả, Người đã hiện ra với các môn đệ, khi các ông đang bàn chuyện. Họ khiếp đảm, kinh hoàng tưởng là ma". Sống lại, Chúa Giêsu mạc khải sự phục sinh và thần tính của Người cho họ với thân xác phục sinh, đem lại cho họ niềm vui và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.

Lời Người trách họ: tại sao hoảng hốt và có những suy nghĩ như thế ở trong lòng, khiến chúng ta lại nhớ lại chuyện Chúa đến với họ lúc gặp sóng gió trên biển. để ngầm ý nói rằng: Người đã ngủ dậy, tức là đã sống lại; cộng đoàn của Người không còn gì phải sợ sóng gió trần gian nữa. Việc Người phục sinh là chiến thắng vĩnh viễn.

Để thuyết phục họ. Chúa bảo họ sờ vào thân xác mang thương tích của Người để biết rõ đây không phải là "linh hồn" Người hiện về, nhưng là thân xác Người đã sống lại. Và để giúp họ tin hoàn toàn và dứt khoát, Người còn ăn một chút cá nướng trước mặt họ để họ thấy đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải linh hồn hiện về hay là ma. Có thể nói sự thật trước mắt đã xua đuổi hết mọi hồ nghi khỏi lòng môn đồ. Họ là những người có phúc vì được xem thấy. Nhưng họ còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục sinh cho những người không được phúc xem thấy.

Bình an của Đức Kitô Phục Sinh

Dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai môn đệ trên đường Emmaus, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp các ông nhận ra Người (x. Lc 24, 13 - 35).

Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ và nói : "Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ" (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ "vẫn còn chưa tin" (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : "Chính Thầy đây" (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4). Lạy Đức Ki tô Phục Sinh, xin ban cho thế giới bình an của Chúa. Amen. mục lục

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

MỘT CUỘC VIẾNG THĂM BẤT NGỜ TUYỆT VỜI

Trình thuật từ Tin Mừng Luca hôm nay cho chúng ta biết phần kết đầy đủ của câu chuyện Emmau. Khi hai môn đệ kể lại những gì vừa xảy ra với họ trong hành trình của mình, thì chính Chúa Giêsu phục sinh đứng giữa họ và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36). Nhưng trình thuật ngay tức khắc cho thấy những người hiện diện ở đó đã phản ứng không bình an chút nào cả. Trái lại họ hoảng hồn và kinh sợ trước sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24:37). Vậy ý nghĩa của lời chào chúc “bình an” này, ở đây và trong các câu chuyện phục sinh khác là gì?

1. Sự sợ hãi của các môn đệ

Sau cái chết của Thầy mình, các tông đồ hầu như không dám mạo hiểm ra ngoài vì sợ rằng những gì đã xảy ra với Thầy Giêsu cũng có thể xảy ra với họ. Họ chứng kiến những sự kiện đau thương và tàn bạo trong cuộc khổ nạn của Ngài. Thầy Giêsu đã chết rồi, chết thật rồi, chết đau đớn, nhục nhã ê chề. Mấy người trong số họ đã chôn Ngài trong huyệt mộ, thậm chí có binh lính Rôma và quân binh của các thầy thượng tế niêm phong kỹ càng, canh gác cẩn mật. Giuđa đã tự tử rồi. Các Tông đồ chỉ dám co cụm lại với nhau trong căn phòng trên lầu, sợ hãi những gì bên ngoài. Các cánh cửa đều bị khóa. Bất cứ ai có liên hệ với Chúa Giêsu thành Nadarét đều là người bị theo dõi. Nếu họ công khai nói về Chúa Giêsu thì thập giá cũng có thể dành cho họ, là tự chuốc lấy sự ngược đãi cho chính mình. Họ đang hoang mang về những gì sắp xảy ra với họ. Thật ra nỗi sợ hãi như vậy của các tông đồ là thường tình. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ đe dọa mạng sống mình như thế.

Thế mà mấy ngày nay, các bà trong nhóm cứ kể rằng họ đã nghe thiên thần nói rằng Ngài đã sống lại, thậm chí cô Maria Mađalêna còn nói rằng đã gặp thấy Ngài, nghe Ngài dặn điều này điều kia. Có lẽ chỉ là chuyện ảo tưởng và vẽ vời của cánh phụ nữ thôi. Nhưng mới đây hai người môn đệ về làng Emmau cũng đã gặp Ngài, nghe Ngài giải thích Sách Thánh, dùng bữa với Ngài; họ vừa quay trở lại Giêrusalem ngay trong đêm, và còn đang có mặt ở đây. Mọi chuyện cứ rối lên, kinh ngạc xen lẫn vui mừng, sợ hãi xen lẫn hy vọng, nhưng chuyện thật sự đang xảy ra là gì thì không ai rõ được! Chuyện cứ như hoang đường, nhưng sao các nhân chứng lại quá thật; các nhân chứng quá thật nhưng sao sự thật lại cứ như không thực!?

“Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông” (Lc 24:36). Ôi trời, chuyện gì đang xảy ra vậy? Đây là ai? Thầy Giêsu của chúng ta đó sao? Hay chỉ là hồn ma của Thầy hiện về! “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24: 37). Có đúng đây là Đấng Phục Sinh mà các phụ nữ, cô Maria Mađalêna và hai người anh em Emmau của chúng ta đã chứng kiến, gặp gỡ và nói chuyện không? “Bình an cho anh em!... Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-39). Chúa Giêsu “Nói xong, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24:40). Không thể hoang đường được, điều tưởng như không thực đang trở nên quá thực ngay trước mắt các ông, vượt quá xa những gì các ông có thể tưởng nghĩ. “Các ông còn chưa tin vì mừng quá” (Lc 24:41). Chưa tin nhưng vẫn mừng, mừng nhưng lại chưa hẳn tin. Cảm xúc chưa hẳn là thước đo chuẩn xác của niềm tin, nhất là đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. “Và còn đang ngỡ ngàng, thì Ngài hỏi: Ở đây anh em có gì ăn không?  Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24:41). Bằng cách đơn giản ăn một miếng cá, Chúa Kitô cho các môn đệ thấy rằng đó chính là Chúa mà họ đã biết trước đây. 

Chúa Kitô không phải là ma. Ngài không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi, cũng không phải là kết quả của suy nghĩ viển vông của tôi. Chúa Kitô sống lại, hiện diện thật hơn nỗi sợ hãi của tôi. Khi các môn đệ có những phản ứng trái chiều trước sự hiện diện của ngài, Ngài mời gọi họ hãy bình tâm và suy ngẫm Lời Ngài: “Ngài bảo: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Ngài nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24: 44-46). Suy niệm Lời Chúa luôn dẫn đến sự thật về Chúa Kitô. Có phải tôi đang sống trong một thế giới ảo tưởng do chính tôi tạo ra bởi vì tôi không dựa vào Lời của Chúa Kitô khi suy nghĩ về những thực tại và kinh nghiệm trong cuộc sống của tôi? Tất cả những gì tôi cần làm là tin vào Lời của Chúa Kitô để vượt qua sự hoài nghi của mình. 

Chúng ta cảm nhận nỗi sợ hãi, lo lắng và thất vọng cùng các tông đồ. Trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, chúng ta cũng bị cám dỗ nghĩ về Ngài như một bóng ma, một ảo tưởng xa xôi nào đó. Nhưng như Ngài nói với các môn đệ, Ngài cũng có máu thịt như chúng ta. Ngài biết chúng ta được dựng nên như thế nào. Ngài chia sẻ mọi điều chúng ta cảm nghiệm và muốn cho chúng ta chia sẻ mọi điều Ngài trải qua, kể cả sự phục sinh của Ngài. Chúa Phục Sinh muốn gặp gỡ chúng ta, để từ bóng tối nghi ngờ, sợ hãi, chúng ta đến với ánh sáng hân hoan. Chúng ta hãy để Ngài nhắc nhở chúng ta: “Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” và mang lại cho chúng ta sự tin tưởng, bình an.

2. Bình an của Đấng Phục Sinh

Sự quen thuộc của câu chuyện Tin Mừng này có thể khiến chúng ta quên đi sự khó tin của nó. Theo cách nhìn con người, cung cách của Chúa Giêsu hoàn toàn không ai có thể hình dung ra được. Hãy tưởng tượng bạn giảng dạy và hướng dẫn một nhóm mười hai người bạn trong ba năm, và rồi vào lúc bạn cần họ nhất, họ lại phản bội và bỏ rơi bạn. Không ai trong số họ đứng ra bảo vệ bạn khi bạn bị kết án tử hình một cách oan uổng. Chúng ta phản ứng thế nào khi bạn bè bỏ chạy vào thời điểm chúng ta đau khổ nhất? Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu không có ai đứng lên bảo vệ chúng ta trước đám đông thù hận? Chúa Giêsu có thể trở lại với các tông đồ và lên án: “Những kẻ đạo đức giả kia! Các ngươi nói sẽ chết vì Ta nhưng lại bỏ trốn hết! Ta đã làm cho các ngươi toàn những điều tốt lành mà sao các ngươi lại đối xử với ta như thế?” Thay vào đó, câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu, khi gặp lại các tông đồ kể từ đêm Ngài bị phản bội và bỏ rơi, lại là: “Bình an cho anh em”. Chúa Giêsu không hạch hỏi và yêu cầu các môn đệ giải thích. Ngài không bận tâm chút nào đến việc lên án, đào sâu thêm nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an của các tông đồ. Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Bình an của Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn là phúc lành của Đấng Mêsia, đã thắng mọi kẻ thù, kể cả cái chết. Phúc lành bình an của Ngài lớn lao hơn sự yếu đuối, tội lỗi và chính cái chết của chúng ta. Nơi Ngài bây giờ chỉ hoàn toàn là bình an, thứ bình an vượt qua cái chết, đến từ cõi hằng sống bên kia trần thế. 

Chúa Giêsu ban bình an và dường như Ngài không còn nhớ chút gì những hành vi phản bội của Phêrô, của Gioan và của mỗi người trong nhóm mười hai thân tín của Ngài. Ngài tha thứ. Sự tha thứ của Chúa Giêsu, sau khi sống lại từ cõi chết, đã làm các môn đệ của Ngài bình an, không còn nghĩ ngợi, băn khoăn, lo âu về bất cứ điều gì nữa. Họ sống lại. Tình yêu thương xót, vốn mãi mãi tha thứ của Ngài, ban cho họ Thần khí sự sống, và sự sống đó là bình an. Ngài trở lại để ban cho các tông đồ của Ngài ân huệ bình an, bình an làm phát sinh sức sống mới. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8:6). Sự chiến thắng trọn vẹn của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết được thông truyền cho các tông đồ khi xưa, và cả chúng ta hôm nay, bằng một từ “bình an”. Ở đây, Ngài đang hỏi những câu hỏi để giải trừ mọi rối loạn và tháo gỡ mọi nút thắt của chúng ta: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (Lc 24:38). Chúa Giêsu đứng giữa sự dao động, sợ hãi, u mê, thiếu đức tin của chúng ta và nói: Tại sao anh em tiếp tục bất an? Ta đã sống lại, đã chiến thắng tử thần. Còn gì để anh em lo sợ cơ chứ?

3. Được tha thứ và tha thứ

Chúa Giêsu muốn tha thứ mỗi người chúng ta tương tự như vậy. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, để khôi phục lại sự bình an đã bị phá hủy bởi tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa không khư khư kể lể tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa không thu được gì khi để chúng ta sống trong tội lỗi. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu là đền bù tội lỗi của chúng ta, như Thánh Gioan nói trong bài đọc thứ hai: “Chính Chúa Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2:2). Chúa Giêsu đã vượt qua trần thế. Ngài ở với chúng ta, bảo vệ và bênh vực chúng ta. Ngài muốn ban cho chúng ta sự bình an. Sự bình an của Chúa có nghĩa là dù cả thế giới có chống lại chúng ta thì điều đó thực sự không thành vấn đề.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ cho người khác như chúng ta đã được Ngài tha thứ. Sự tha thứ của chúng ta làm cho người khác bình an như được sống lại. Tha thứ là giúp người khác biết rằng họ vẫn có thể trở nên tốt lành, ngay cả khi họ đã làm sai. Tha thứ là để người khác biết rằng họ vẫn có thể được yêu thương, ngay cả khi họ chưa biết yêu thương. Đồng thời, sự tha thứ mang lại cho chính chúng ta sự bình an, làm cho chúng ta sống lại, giải thoát chúng ta khỏi mối hận thù, tức giận, khiến chúng ta bất an. Tha thứ sẽ giải thoát, mang lại bình an. Chúa Phục Sinh đã làm như thế cho các tông đồ khi xưa. Đó cũng là ân huệ của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta hôm nay. Ngài mời gọi chúng ta trao tặng món quà này cho nhau.

Khi lời chào “bình an” này phát ra từ môi miệng của Chúa Giêsu, nó xua tan mọi bóng tối, mọi sợ hãi của chúng ta và giúp chúng ta tự do vui mừng trong chiến thắng của Ngài, bởi vì đó cũng là chiến thắng của chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh xua tan nỗi sợ hãi, mang lại bình an. Tôi có chấp nhận sự bình an mà Ngài đem lại không? mục lục

Phêrô Phạm Văn Trung

NGƯỜI CÓ HIỆN DIỆN CHO CHÚNG TA KHÔNG?

Theo thông lệ hằng năm, như Chúa nhật 1 và 2 Phục sinh, bài Tin Mừng Chúa nhật thứ 3 này cũng tường thuật một cuộc hiện ra của Đấng Sống lại. Câu chuyện bắt đầu từ sau chuyến trở về của hai môn đệ làng Em-mau. Họ vừa “thuật lại cho nhóm Mười Một và các bạn hữu những gì đã xảy ra dọc đường, và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”, thì Người lại một lần nữa đến đứng giữa họ.

Ở đây, ta gặp lại 3 phần tiêu biểu của các cuộc hiện ra sau Phục sinh: 1- Đức Giê-su có sáng kiến; 2- Người tự tỏ mình; 3- Người ủy thác cho các môn đệ một sứ mệnh. Bản văn được Lu-ca soạn rất kỹ nhằm cho thấy Đức Giê-su đã làm thế nào để đưa các môn đồ từ từ đi tới đỉnh cao của thông điệp Vượt qua. Ở cc.36-43 (…ăn trước mặt các ông) : Đức Giê-su khắc phục tâm trạng yếu tin của các ông bằng những dấu chỉ cụ thể chứng tỏ Người đã phục sinh; ở cc.44-48 : Người giúp các ông hiểu rõ Kinh Thánh và xác định nhiệm vụ của các ông là làm chứng Người đã sống lại.

1. Người lại hiện diện giữa các môn đệ

Một lần nữa, Đức Giê-su lại hiện đến đứng giữa họ. “Người đã đứng giữa họ”. Để đánh giá được lời khẳng định này, phải nghĩ lại những gì các môn đệ vừa trải qua: cái chết của Đức Giê-su và việc an táng Người. Khi đặt tử thi này vào trong mộ, họ đã chôn cả niềm hy vọng của họ luôn : “Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en… Thế nhưng các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24,20-21). Nhưng đột nhiên Người có đó ! Kẻ đã chết, đã bị đóng đinh, đã bị chôn vùi đang đứng đó. Sống động ! “Giữa họ”. Điều chúng ta đọc hôm nay, có lẽ rất ư bình thản, chính là điều họ đã cố gắng kể lại, và chẳng phải là việc dễ dàng. “Người đã tự tỏ mình”, họ bảo. Họ đã chẳng thấy Người đến, đã chẳng nghe Người gõ cửa (Gio-an sẽ nói rõ : cửa đóng). Người đứng đó, mỉm cười, bình thản, kẻ từng được tháo khỏi thập giá và đặt vào trong một nấm mộ.

Họ nhớ lại những gì mình đã nghĩ: “Không thể được ! Đây là một bóng ma, là tất cả những gì người ta muốn, nhưng không phải là con người chúng ta đã thấy từ trần”. Họ đã chần chừ! Và các chần chừ ấy đã được kể lại cách trung thực cho ta để ta sống lại hết sức có thể kinh nghiệm Phục sinh của họ: “Người đã chết, nhưng nay Người đang sống”.

Đức Giê-su lường đúng cái bước mà môn đệ Người phải làm, và chúng ta cũng phải làm sau họ. “Vâng, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Đấng hiện ra với các môn đệ không phải là một xác chết hiện hình, cũng chẳng phải là “hồn mai phách quế”. Đó chính là kẻ đã từng ăn uống với họ, từng đụng chạm đến họ trước khi chịu khổ hình. Hoàn toàn không phải là một ảo ảnh… Họ có thể thấy Người, sờ đến Người. Đúng là Người. Và vì họ sướng điên lên (Lu-ca tìm một cái lý để bào chữa cho sự cứng tin của các môn đồ) nhưng vẫn còn hoài nghi, Người cho họ thêm một bằng cớ nữa: “ăn trước mắt họ”.

Mắt họ! Đó bây giờ là những con mắt của đức tin chúng ta. Vì có nhiều người, cách đây hai ngàn năm, đã thấy Đức Giê-su chết rồi sống lại, nên khi tin vào mắt họ (đức tin chúng ta dựa trên chứng nhân và chứng từ), chúng ta đi vào đức tin Ki-tô giáo : Đức Giê-su đúng là Con Thiên Chúa trở thành một con người, bị đóng đinh, chịu an táng, và được công nhận là vẫn sống sáng ngày Vượt qua.            

 2. Một sự hiện diện mới mẻ giữa chúng ta

Nhưng không phải là một kẻ sống như La-da-rô sau cuộc hồi sinh của mình. Lu-ca nhấn mạnh đến “xác thể tính” của Đức Giê-su phục sinh để chúng ta chớ nghĩ rằng các Tông đồ đã có những ảo tưởng, ảo tưởng cá nhân hay tập thể ; họ đã thực sự cảm nghiệm “một” sự hiện diện của Đức Giê-su hằng sống. Chính đó là điều cần tin, mà đừng cố hình dung, tưởng tượng “thân xác phục sinh” của Người. (Chớ nghĩ Đấng Phục sinh vẫn còn có những nhu cầu ăn uống. Thần học sẽ chỉ nói rằng đó là một thân xác chẳng còn lệ thuộc thời gian và không gian nữa). 

Đức Giê-su từ nay thuộc về “thế giới khác”, mà cái nhìn của chúng ta cũng như các môn đệ không thể vươn tới được. Với các từ của mình, Lu-ca cố gắng tả cho chúng ta điều khó tả : Đức Giê-su đã trở lại với sự sống. Dẫu mặc hình thức nào mới chăng nữa, thì để vẫn là của con người, sự sống này cần phải diễn ra trong một thân xác và qua một thân xác. (Nên nhớ Lu-ca viết cho giới Hy-lạp quen xem thể xác là vật hèn mạt và sự kiện Phục sinh là điều phi lý. (x. Cv 17,32; 1 Cr 15,12).

Từ đó, tất cả đều là mầu nhiệm, và các tác giả Tân Ước, ngoài từ phục sinh (sống lại, chỗi dậy: résurrection) còn dùng một từ khác: tôn vinh (siêu thăng, rước lên trời: exaltation). Nghĩa là một sự phục sinh tuyệt đối độc nhất vô nhị. Đức Giê-su đã trở về với cuộc sống con người, nhưng là một cuộc sống con người cách khác hẳn, có thể vươn đến mọi người và cứu rỗi mọi người. Nhờ cuộc phục sinh, Người hiện diện với bất cứ ai, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Việc La-da-rô, con gái ông Gia-ia, con trai bà góa thành Na-im đã tìm lại được sự sống cho một vài năm, điều đó đã chẳng thay đổi cuộc sống chúng ta lẫn thế giới. Trái lại, cuộc phục sinh-tôn vinh của Đức Giê-su từ nay không những làm cho Người trở thành Đấng Sống trên đó cái chết chẳng còn quyền hành gì, nhưng còn là Nguồn sự sống nữa.

Sự sống nào đây? “Sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu” như thánh Gio-an sẽ nói, chính sự sống của Đấng Vĩnh cửu, Đấng Đời Đời mà Đức Giê-su phục sinh từ đây có thể thông ban cho mọi người : “Ai khát, hãy đến với tôi ! Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” (Ga 7,37). “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (6,54)

Tin vào Người, uống sự sống xuất phát từ Người, ăn mình và máu Người, biết mình chiến thắng sự chết như Người, những điều này tùy thuộc việc chúng ta tán đồng nhiều ít câu chuyện chúng ta suy niệm hôm nay: “Người đã đến, đứng giữa họ”. Chúng ta có tin Người đang hiện diện giữa chúng ta, trong thế giới hiện thời của chúng ta không ? Hiện diện qua hoạt động Người, qua các hành vi bí tích, hiện diện trong anh em ? Hiện diện trong tôi đến độ tôi có thể nói : “Sự sống của tôi chính là Đức Ki-tô” như thánh Phao-lô đã phát biểu không?

Đây chẳng phải là những mơ mộng đạo đức hay những sự thật chơi vơi giữa trời, nhưng là những kinh nghiệm phải có ngay lập tức, những kinh nghiệm sống với Đấng Hằng Sống. “Bất cứ tôi ở đâu, Đức Ki-tô cũng ở đó với tôi, trong giờ làm việc cũng như khi cầu nguyện, trong lúc buồn rầu và khi vui thỏa. Chúa đồng hành với tôi ở khắp mọi nơi tôi đi tới” (Thellier de Poncheville). Có như thế, chúng ta mới trở thành chứng nhân đích thực!

Một thanh niên kia hôm nọ tình cờ đi trên một con đường vắng và gặp quỷ Xa-tan. Mặt mày thật hung dữ, Xa-tan cầm chĩa ba tấn công anh ta tới tấp. Hắn hét to đến rợn người, đòi giết anh cho được. Sợ khiếp vía, anh nhìn chung quanh tìm người cầu cứu. Anh chợt thấy Đức Giê-su đứng cạnh đó, thản nhiên nhìn quỷ tấn công mình. Anh lùi về phía Chúa. Quỷ bước đến, anh lại lùi về phía Chúa nhưng Người lại lùi xa hơn. Cả ba lần như vậy, hoảng quá anh hét lên: “Chúa ơi, xin ra tay làm một việc gì mau đi! Xin cứu con với!” Tức thì lúc đó Chúa bước ngay vào người anh. Quỷ Xa-tan thấy vậy, liền hoảng sợ bỏ chạy.

Nếu chúng ta có Chúa ở một bên cuộc đời, chúng ta sẽ lùi bước trước ma quỷ. Nhưng nếu có Chúa hiện diện trong con tim, làm chủ cuộc đời mình, thì quỷ Xa-tan lùi bước, không dám tấn công chúng ta. mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

CHỨNG NHÂN TIN MỪNG

Sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Macđala, hai môn đệ trên đường Emmau, các Tông đồ… Người không hiện ra với toàn dân nhưng chỉ với một số người do Người tuyển chọn. Họ là chứng nhân được tuyển chọn: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48).

Khi còn đi rao giảng khắp đó đây, Đức Giêsu đã từng nhiều lần loan báo về cuộc Thương khó của Người cho các môn đệ. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy (Mt 17,22-23); “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,17-19). Lúc bấy giờ, các môn đệ chưa thể hiểu và đón nhận điều ấy (x. Mc 9,32). Bởi đó, ngay cả khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các ông, các ông còn ngờ vực, kinh hồn bạt vía, tưởng thấy ma (x. Lc 24,37).

Các ông còn đang ngỡ ngàng vì mừng quá thì Đức Giêsu tiến đến, hỏi các ông có gì ăn không và chính Người đã ăn trước mắt các ông. Những lần hiện ra với các môn đệ, Người đều ban bình an cho các ông. Đức Giêsu phục sinh vẫn là một Đức Giêsu yêu cho đến cùng, cúi mình phục vụ trong khiêm tôn, rất bình dị và gần gũi. Tại biển hồ Tibêria, chính Người đã chuẩn bị sẵn bếp than hồng cùng cá nướng và bánh để đón chờ các học trò yêu quý. Người chẳng hề nhắc lại các lỗi lầm, yếu đuối của các học trò.

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24, 45-48). Các Tông đồ là những người diễm phúc được sống cùng Đức Giêsu suốt ba năm trời, được cùng Thầy “nay đây mai đó” và nhất là được Đức Giêsu phục sinh tỏ mình cách riêng. Các ông được chọn làm chứng nhân cho Tin Mừng.

Sách Công vụ Tông đồ thuật lại cho chúng ta về công việc loan báo Tin Mừng, làm chứng nhân của các Tông đồ thời kỳ đầu. Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, các ngài hăng say loan báo và làm chứng nhân về tất cả những điều ấy. Bởi các ngài xác tín: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Phêrô, Tông đồ trưởng đã mạnh dạn làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh, chỉ cho dân thấy tội lỗi của họ, kêu mời họ trở về cùng Thiên Chúa. “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em … Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3, 17-19).

Theo chân các Tông đồ, chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình. Tuy không được diễm phúc như các Tông đồ nhưng chúng ta là thế hệ của những kẻ mà Đức Giêsu nói đến: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 21,29). Bởi đó, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng về những điều chúng ta không thấy mà tin. Đức tin của chúng ta hoàn toàn có nền tảng. Thiết nghĩ, một đời sống tin yêu, tuân giữ mọi giới răn của Chúa, sống sự sám hối và tha thứ mỗi ngày là lời chứng hùng hồn nhất ta cần có. Vì “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 2,3). Nếu sống như vậy, chẳng ai dám nghi ngờ lời chứng của chúng ta. mục lục

Thiên San

CHÚA SỐNG LẠI, TA LÀ CHỨNG NHÂN

Anh chị em thân mến,

Trong những tuần qua, chúng ta đã được nghe các trình thuật nói về việc Chúa đã sống lại. Người đã sống lại, đang hiện diện, đồng hành và sống với chúng ta, và chúng ta hãnh diện là các chứng nhân về sự sống lại đó của Người. Đó chính là sứ điệp trong bài Tin Mừng hôm nay. Mời anh chị em cùng nghe các diễn tiến trong lần hiện ra này.

Hai môn đệ, mà chúng ta chỉ biết một người tên là Cleopas, đang say sưa và vui sướng kể lại cho các môn đệ khác biết, trên đường đi Em-mau, Chúa Giê-su đã hiện ra cho các ông như thế nào. Bất thình lình, không biết từ đâu Chúa hiện đến, cắt ngang cuộc trò chuyện của họ và đứng giữa các ông rồi nói “Bình an cho anh em.” Họ nhìn thấy Chúa, nghe Chúa nói, nhưng lại không nhận ra Chúa mà còn tưởng là ma.

Họ không nhận ra bản tính thần linh và thánh thiêng của Chúa, Đấng đang ở giữa họ. Họ tiếp tục sống trong lối suy nghĩ của họ. Họ vẫn chưa nhìn ra sự sống và sự đổi mới mà Chúa Phục Sinh đem lại. Sự Phục Sinh không thể là một biến cố dựa trên lối suy nghĩ hay khám phá bằng lý trí của con người. Đó là một sự kết hợp và nối tiếp giữa chết và sống lại. Vẫn biết thân xác sống lại của Chúa là thân xác đã bị thương tích nhưng hôm nay thân xác của Chúa không bị ràng buộc bởi các qui luật tự nhiên của không gian và thời gian trong thế giới mà chúng ta đang sống nữa.

Bài tường thuật củng cố niềm tin của chúng ta. Tin thôi cũng chưa đủ mà còn phải làm chứng về sự sống lại của Chúa bằng chính lối sống của mình như Lời Chúa nói hôm nay rằng: anh em là chứng nhân về những điều mà anh chị em đã có kinh nghiệm.

Việc các môn đệ làm nhân chứng không có nghĩa là họ đã tìm và có được câu trả lời cho tất cả mọi sự. Cuộc sống nhân chứng có nghĩa là bây giờ họ và chúng ta có được cuộc sống theo đúng ý Chúa. Họ là nhân chứng không dựa trên những gì họ biết, nhưng dựa trên mối quan hệ của họ với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại và cùng sống với họ.

Thật vậy, nhìn lại từ những ngày đầu tiên của Ki-tô giáo cho đến hôm nay, chúng ta nhận ra rằng chỉ có một chứng cớ thuyết phục con người mọi thời đó chính là đời sống chứng tá của các tín hữu. Với Chúa Phục Sinh, những ai tin vào Chúa đã đuợc biến đổi, sẵn sàng quay lưng lại với các tiêu chuẩn của nền văn hoá sự chết, rồi quyết tâm biểu dương văn hoá sự sống qua lối sống yêu thương, tha thứ và trao ban cho nhau sự sống.

Họ làm chứng cho thế giới nhận ra rằng Chúa đã sống lại và hiện đang sống mãnh liệt trong lối sống của họ. Đó là những gì mà Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ, và đó cũng là những gì Người muốn chúng ta lĩnh nhận.

Anh chị em thân mến,

Tôi vẫn biết rằng trong cuộc sống, chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc khó quên. Những khoảnh khắc này đã ảnh hưởng và làm thay đổi lối suy nghĩ, hành động, cách cư xử của chúng ta. Trong các thời điểm đó, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Đấng đổi mới cuộc sống của chúng ta. Đó chính mục đích mà Chúa Phục Sinh muốn chúng ta có.

Tuy nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay, có một chi tiết mà chúng ta nên để ý đó là giây phút mà hai môn đệ nhận ra Chúa đã sống lại là lúc Người bẻ bánh. Và giờ đây, theo dấu chân họ, chúng ta hãy tự hỏi là mình đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh như thế nào?

Khi nói đến việc nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh là lúc chúng ta tin và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể và trong Thánh Lễ. Quả thực không sai!

Căn cứ vào sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh đã có từ thời các Tông Đồ. Họ chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông Đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ sống hiệp nhất và yêu thương, mọi sự đều là của chung và ai nấy tiêu dùng theo nhu cầu của mình… Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được người người thương mến.

Và Chúa cho cộng đoàn thêm nhiều người tin vào Chúa và đuợc cứu độ. Qua đó chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh đuợc thực hiện tuy với tâm hồn đơn sơ, nhưng lại rất thực tiễn. Họ không chỉ tham dự các nghi thức nhưng còn chia sẻ lối sống và san sẻ cho nhau tuỳ theo lợi ích và nhu cầu của từng người.

Lối sống này được nhấn mạnh như một lời mời gọi chúng ta nhìn lại việc làm của mình! Viêc cùng nhau cử hành bữa tiệc Thánh Thể, bẻ bánh mà chúng ta gọi là Thánh Lễ ngày nay có phản ảnh lối sống hiệp nhất và yêu thương của chúng ta hay không? Bằng không thì chúng ta đang lập lại những gì mà anh chị em tín hữu thuộc công đoàn Cô-rin-thô đã phạm phải trước đây.

Và sau đây là phản ứng và huấn dụ của Thánh Phao-lô:“…tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại… Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!”

Sau đó Thánh Phao-lô nhắc lại cho họ biết sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh khi Người bẻ bánh. Rồi Ngài tiếp tục khuyên dậy họ cần xét mình, biện phân để khỏi bị xét xử. “Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói, thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hoá ra để bị kết án…” (1Cor 11: 17-34)

Như vậy việc nhận ra hay tin rằng Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện qua việc bẻ bánh thật cần thiết và quan trọng. Tất cả đã đuợc lưu truyền và làm chứng bởi đời sống của các chứng nhân qua bao thế hệ. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn được mời gọi sống vai trò của những chứng nhân không chỉ bằng lối sống phụng vụ mà còn bằng chính cuộc sống chia sẻ và yêu thương của chúng ta nữa.

Và khi thực hiện đuợc như thế, chúng ta đã sống thật đúng như lời nhắn nhủ của Chúa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Thật vậy, sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thiên Chúa ở lại với chúng ta mãi mãi vì Ngài là Em-ma-nu-en. Đó là tinh thần mà chúng ta mang đến cho nhau qua bữa tiệc bẻ bánh. Không phải chỉ có chúng ta, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và cùng hiện diện với chúng ta nữa. Vì Danh Nguời mà chúng ta chia sẻ và yêu thương nhau. Và chúng ta là những chứng nhân về các điều ấy.

Sau cùng, chúng ta biết rằng niềm tin của chúng ta dựa trên lối sống của các chứng nhân. Họ đã và đang làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ. Và qua những lần bẻ bánh, chúng ta có bổn phận làm chứng cho nhau biết về sự hiện diện của Chúa.

Nói chung, Chúa Phục Sinh chính là trung tâm của cuộc sống chúng ta vậy. Amen. mục lục

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG

Từng Ngày Tháng Từng Hồng Ân Tuyệt Diệu
Mỗi Phút Giây Mỗi Nhịp Sống Thiêng Liêng.

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu như một khách lạ bất ngờ đồng hành với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, cách Giêrusalem 7 dặm, khoảng 11 km. Emmaus có nghĩa là “mùa xuân ấm áp.”

Lúc đó, hai ông không nhận ra Thầy Giêsu. Điều đó cho thấy rằng khi sống lại, Chúa Giêsu “rất khác” mặc dù Ngài vẫn như vậy. Thân xác phục sinh vẫn vậy mà lại khác hẳn, kể cả giọng nói cũng vậy, người khác không thể nhận ra dù rất thân quen. Chúa Giêsu đồng hành và giải thích cho họ những gì liên quan Ngài trong Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Đến lúc ăn tối, họ mới có thể nhận ra Thầy Giêsu khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ đã mở ra và tỉnh ngộ, nhưng Ngài lại biến mất. (Lc 24:27-30)

Một lần sau đó, khi các môn đệ còn đang nói, chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và chúc bình an cho họ. Các ông kinh hồn bạt vía, cứ tưởng là thấy ma nên tá hỏa tam tinh. Nhưng Ngài cười và bảo: “Này các cậu, sao lại hoảng hốt thế? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Này, nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-39) Rồi Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Ừ nhỉ! Ma đâu có thế này, đúng là thần hồn nhát thần tính mà!

Họ chưa dám tin, còn bán tín bán nghi, phần vì mừng quá, phần vì ngỡ ngàng. Có lẽ Chúa Giêsu cũng mắc cười lắm, rồi Ngài hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không nào? Đem ra đây cho Thầy ăn!” Họ đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy ăn trước mặt họ. Rồi Ngài ôn tồn: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” (Lc 24:44) Bấy giờ Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và nhấn mạnh: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là CHỨNG NHÂN về những điều này.” (Lc 24:46-48)

Đoạn đường từ Giêrusalem tới Emmaus ví như đường đời phàm nhân với nhiều sai lầm. Sai một ly, đi một dặm, thế nên phải luôn cố gắng tỉnh thức, để thoát khỏi ngu muội. Điều này vô cùng cần thiết, vì chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38)

Trạng thái TỈNH THỨC là lúc người ta trực nhận tính KHÔNG, bản thân nó là “không” như toàn thể vũ trụ cũng là “không” vậy. Với trực nhận đó, con người có thể thấu hiểu các hiện tượng. Tính “không” ở đây KHÔNG PHẢI SỰ TRỐNG RỖNG mà nói về thể tính VÔ BIÊN, không thể dùng suy nghĩ hoặc cảm nhận để đo lường, vì điều đó nằm ngoài tình trạng “có – không.” Tính “không” này không phải là đối tượng để tiếp cận, vì chính chủ thể cũng thuộc về nó.

Kinh Thánh nhắc lại Người Tôi Tớ Đau Khổ và cũng “chạm” vào ký-ức-buồn của chúng ta, tức là sự ngu muội của chúng ta: “Thiên Chúa của các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Chúa Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 3:13-15)

Có kinh nghiệm và cảm thông với sự ngu muội của chúng ta, Thánh Phêrô làm chứng về Chúa Giêsu Kitô: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em.” (Cv 3:17-19) Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, Ngài chỉ cần chúng ta hối hận thật lòng thì Ngài sẽ tha thứ ngay. Điều này đã được Thiên Chúa hứa từ xưa: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông.” (Is 1:18) Thật vậy, chính tướng cướp Dismas đã được hưởng lời hứa đó ngay trên Núi Sọ: Theo Chúa Giêsu vào Thiên Đàng, (Lc 23:43) dù “đại ca” này chưa hề biết gì về Chúa Giêsu và chưa được rửa tội, chỉ nhờ một lời cầu xin chân thành.

Quả thật, Thiên Chúa quá nhân lành, nhất là với những người thành tâm sám hối: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.” (Tv 4:2) Ngoài Thiên Chúa, chắc chắn chẳng có thần linh nào hoặc phàm nhân nào khả dĩ làm chúng ta hạnh phúc. Hãy cầu xin không ngừng: “Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.” (Tv 4:7) Có Ngài rồi thì không còn lo sợ. Thật vậy, Thánh Vịnh gia chia sẻ kinh nghiệm: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn.” (Tv 4:9) Ôi, thật vui sướng và hạnh phúc!

Thánh Gioan nhắn nhủ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Công Chính.” (1 Ga 2:1) Không nên phạm tội, đó là chính đáng, nhưng tay lỡ “nhúng chàm” thì lại được Luật Sư uy tín biện hộ, đó là chính Chúa Giêsu. Không có gì tuyệt vời hơn! Thánh Gioan cho biết: “Chính Chúa Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1 Ga 2:2)

Thật là trên cả tuyệt vời, vì chính Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới.” (Nhật Ký, số 1485) Mọi diễn biến từ Cựu Ước tới Tân Ước đều hợp lý, chính xác. Mầu nhiệm biết bao! Điều kiện thứ nhất là “đừng phạm tội,” điều kiện thứ hai là “tuân giữ các điều răn” – nhất là đức ái, một trong ba đức đối thần, nhưng là nhân đức quan trọng nhất. Bởi vì trên Thiên Đàng chỉ còn đức mến, không còn đức tin và đức cậy (hy vọng).

Thánh Gioan phân tích: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.” (1 Ga 2:3-5) Thánh Phaolô cho biết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13:8-10)

Biết sống yêu thương là chu toàn lề luật của Thiên Chúa, đó là mặc lấy con người mới, sống niềm vui phục sinh. Đường đời có thể khác nhau về độ dài nhưng giống nhau về chất lượng và quy về một mối là Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con hiểu đúng lời Kinh Thánh, nhận biết ý Ngài, tin nhận Chúa Giêsu Kitô, sống yêu thương và can đảm làm chứng về Đấng Phục Sinh suốt đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

Đọc sách Phúc  âm, tôi thấy niềm tin của các môn đệ càng  ngày càng vững mạnh, càng ngày càng bén rễ sâu hơn vào Chúa  Kitô. Thật vậy, từ những con người hèn nhát, yếu đuối, ham  sống sợ chết... họ đã trở thành những người can đảm, mạnh mẽ,  và dám hy sinh cả mạng sống cho niềm tin vào Chúa Kitô Phục  Sinh. 

Bạn có biết tại sao họ lại được thay đổi như vậy không? Có nhiều lý do lắm, nhưng tôi thấy một trong những lý do khiến họ thay đổi được như vậy là vì Chúa Giêsu đã soi lòng mở trí cho  các ông hiểu Kinh Thánh (Lc 24:45). Chính nhờ vào việc hiểu  biết Kinh Thánh cho nên các ông đã nhận ra Chúa Giê-su đã  được các ngôn sứ Hô-sê, Jeremiah, Isaiah, Ezekiel, Thánh  vịnh... tiên báo chính là Đấng Mê-si-a, là vị cứu tinh của nhân  loại và là Con Một Thiên Chúa, đã nhập thể làm người, đã chịu  nạn chịu chết và đã phục sinh. 

Bạn thân mến, Kinh Thánh đóng một vai trò rất quan trọng  trong đời sống của các Kitô Hữu, vì thế cho nên Công đồng  Vatican II, trong Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên  Chúa số 21 (Dei Verbum # 21) đã nhấn mạnh về tầm quan trọng  của Kinh Thánh trong đời sống đức tin của các tín hữu và của  Giáo Hội. Những điểm quan trọng đó là:

1. Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa... Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô  để ban phát cho các tín hữu. 

2. Thánh Kinh nuôi dưỡng đạo thánh Chúa Kitô và hướng  dẫn mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội. 

3. Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng  đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho  con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống  thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo  Hội. 

Bạn thấy chưa? Lời Chúa quan trọng vô cùng. Không đọc,  không học hỏi, không suy niệm và không đem ra áp dụng trong  đời sống hàng ngày thì cây đức tin của chúng mình sẽ bị khô  héo và sẽ không thể sinh hoa kết quả được. 

Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn nhận ra rằng, Kinh Thánh đóng  một vai trò rất quan trọng, và Kinh Thánh vô cùng cần thiết cho  đời sống đạo của mọi thành phần trong Giáo Hội, từ Giáo  Hoàng trở xuống, thì bạn và tôi hãy cố gắng làm mọi cách để chúng mình càng ngày càng thân thiết hơn, được gần gũi hơn  với việc đọc, học hỏi Kinh Thánh, và suy niệm Lời Chúa. Để có thể làm được như vậy, tôi nghĩ bạn và tôi hãy cố gắng:

1. Dành ra 5 phút mỗi ngày, bất cứ giờ nào và ở đâu cũng  được, để đọc Kinh Thánh. Bạn hãy bắt đầu đọc từ quyển…

Bạn hãy bắt đầu đọc từ quyển sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, tức là quyển sách Khởi Nguyên  (Genesis)!

2. Trước khi đi ngủ, bạn hay toàn thể gia đình ngồi  trước bàn thờ, hay quây quần trong phòng khách  cũng được, ở đó một người đọc một đoạn Phúc  âm  cho cả gia đình lắng nghe, hay nhất là đọc bài Phúc  âm của ngày lễ của ngày hôm sau. Nếu đến tham dự Thánh Lễ thì bạn biết trước Lời Chúa muốn nói gì  với bạn, nếu không đi Lễ được thì bạn hãy suy nghĩ  về Lời Chúa trong khi bạn lái xe, hay khi đứng chờ xe bus, hoặc khi làm việc… lợi lắm!

3. Khi đọc Kinh Thánh, nếu có điều gì không hiểu hoặc  có chi khúc mắc, bạn hãy viết xuống, sau đó đến gặp  trực tiếp, gọi phone, email hỏi các linh mục, các tu  sĩ, hoặc có thể đọc những câu giải đáp về Kinh  Thánh ở các trang web này www.catholic.com ;  http://vietcatholic.net ; www.nhachua.net ;  http://dcctvn.net/ ; http://www.danchuausa.net/;  http://www.kinhthanhvn.org.

Và cuối cùng, xin bạn đừng quên, Kinh Thánh là một kho  tàng vô cùng vô tận, mênh mông, sâu thẳm, và hết sức  nhiệm màu, Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những người bé  mọn (Mt 11:25) nghĩa là chỉ có ai có tâm hồn đơn sơ,  khiêm hạ thì mới được Chúa mạc khải cho để hiểu một  chút về những điều bí nhiệm ở trong cuốn Kinh Thánh mà  thôi! Vả lại bạn cũng thừa biết, ngôn ngữ và trí khôn  ngoan của con người ta thì giới hạn & nông cạn, không có  ai có khả năng giải thích hết mọi bí nhiệm trong kho tàng  Kinh Thánh… vì vậy cho nên khi nêu những câu hỏi hay  thắc mắc về Kinh Thánh, xin bạn hãy có thái độ thật khiêm  tốn, thực sự muốn học hỏi, muốn tìm hiểu ý nghĩa của Lời  Chúa… chứ đừng bao giờ hỏi với thái độ thách đố hay vì  muốn thử tài các linh mục và các tu sĩ. Làm như vậy, tôi  thấy không ổn tí nào cả! 

Ước mong càng ngày, bạn và tôi càng yêu mến việc đọc,  học hỏi Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa, nhờ vậy cây  đức tin của chúng mình sẽ được Lời Chúa nuôi dưỡng,  củng cố, và Chúa sẽ ban thêm sức mạnh thiêng liêng, để bạn và tôi có đủ sức vượt qua tất cả những đau khổ, thử thách và chiến thắng được những cám dỗ mà Satan bủa  giăng ở trên con đường lữ thứ trần gian này. 

Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an, chúc lành, và gìn  giữ bạn cũng như mọi thành viên trong gia đình của bạn  trong tình yêu thương của Chúa. Chúc bạn một tuần lễ mới bình an, mạnh khỏe và tràn đầy ơn Chúa. mục lục

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

TUYÊN XƯNG CHÚA KITÔ LÀ CON THIÊN CHÚA

Thời Kitô giáo sơ  khai danh từ Tuyên Xưng mà các Tông đồ dùng trong các bài giảng để tuyên bố Chúa Kitô chịu chết rồi sống lại là từ Kerygma. Từ này -tuyên xưng/Kerygma- là chuyển dịch ý nghĩa sứ điệp Cứu Chuôc của Chúa Giêsu Kitô. 

Phêrô, Stêphanô và Phaolô, tất cả đều hiệp thông với sự sống, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Các ngài chứng tỏ những biến cố này đã được hoàn thành trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa... Kế hoạch tái liên kết chúng ta với Cha của Người bằng cách hủy bỏ mọi tội lỗi của chúng ta, thanh tẩy rửa sạch chúng ta qua phép Thánh Tẩy trong cái chết và phục sinh của Người -bằng cách chinh phục chính sự chết, mở ra cánh cửa đi vào thiên đàng, và ban cho chúng ta một đời sống vĩnh cửu khả hữu.

Điều mà Chúa Giêsu Kitô đã làm là: thời kỳ tội lỗi của chúng ta đã qua rồi; hình phạt trong hỏa ngục không còn nữa. Chúa Giêsu Kitô đã trả thay cho chúng ta món nợ của chúng ta rồi, không chỉ món nợ của chúng ta mà là món nợ của tất cả mọi người, của toàn thế giới trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Đó là điều ngoài sức tưởng tượng của con người !!!

Sự hy sinh và tình yêu của Chúa đối với chúng ta thực sự nó là như vậy, chúng ta thử tưởng tượng xem chúng ta đã đáp trả lại Thiên Chúa thế nào qua cách thức giữ các giới răn của Chúa. Yêu Chúa thương người ra sao?

Sứ mệnh của Chúa Giêsu là như vậy, sứ mệnh của chúng ta bây giờ phải tương đồng. Chúng ta phải là tay chân, đầu mình và tiếng nói của Chúa... để nói cho mọi người biết là Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian, chịu đau khổ, chịu chết rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Và rồi từ ngày đó việc ăn năn thống hối vì tội lỗi mình đã được rao giảng -bởi các Tông đồ- nhân danh Chúa đến muôn dân, mọi quốc gia dân tộc trên toàn thế giới, khởi đầu đi từ Jerusalem.

Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông đồ và các ngài đã mạnh mẽ tin vào Chúa để rồi tất cả đã chọn cái chết chứ không chối từ Chúa là Con Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc thế giới. 

Nếu Chúa Giêsu hiện ra với bạn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu Chúa đưa những vết thương trên người Chúa, ở tay Chúa, ở chân Chúa cho bạn nhìn và sờ vào để mà tin thì bạn có tin không? Chúng ta hãy tin mạnh mẽ và tiến bước đi lên ngay từ giáo xứ này, Giáo hội này như là chứng nhân để rao giảng về Chúa Giêsu Kitô. Nói cho mọi người biết về cái Chết của Chúa, sự Sống Lại của Chúa từ cõi chết với một xác tín không hề lay chuyển và lòng quả cảm cùng với ước vọng là tất cả mọi người một khi đã nghe chúng ta tuyên xưng đều tin Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc muôn dân. Hãy sống với căn cước của người Kitô hữu một cách trọn vẹn nhất. Bởi lẽ biến đổi cả thế giới phụ thuộc vào từng cá nhân mỗi người chúng ta, sống cuộc sống của chúng ta là những người có niềm tin.

Lời Nguyện: Hy vọng ngày sống lại

Lạy Thiên Chúa! Chớ gì dân Chúa vui sướng đến muôn đời

Trong tinh thần canh tân tươi trẻ nhất

Để vui hưởng việc Chúa tái lập sự thừa hưởng niềm vinh quang.

Chúng con hy vọng trong niềm tin tưởng 

Để vui hưởng ngày sống lại.

Qua Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa...

Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa trong hợp nhất với Chúa Thánh Thần

Là Thiên Chúa duy nhất đến muôn đời. Amen.

Đáp Ca. Thánh vịnh 4

     R/ Lạy Chúa! Xin hãy tỏa ánh sáng Chúa trên chúng con.

     Lạy Thiên Chúa, Đấng công chính của con!

                      Xin hãy trả lời con khi con kêu cầu.

     Chúa là Đấng giải thoát con khỏi mọi ưu sầu

                      Xin hãy thương con và nghe lời con nguyện cầu! -R/

     Chúa biết niềm tin của con cái Chúa

                      Chúa sẽ nghe lời con khi con kêu cầu lên Chúa. ‘R/

     Lạy Chúa! Xin hãy để ánh sáng diện mạo Chúa chiếu rọi trên con!

                      Chúa đặt niềm vui trong trái tim con. -R/

     Chừng nào con nằm xuống, con sẽ an nghỉ trong an bình,

                      Vì một mình Chúa mà thôi, Lạy Chúa!

                      Xin hay đem bảo đảm cho nơi an nghỉ của con. -R/ mục lục

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

DỌC ĐƯỜNG EMMAU

[Niệm ý Lc 24:13-35 ≈ Mc 16:12-13]

Em-mau một buổi chiều tà
Có hai môn đệ bước đi nặng sầu
Con đường thăm thẳm lo âu
Ngổn ngang trăm mối, nát nhàu tâm can.
Hoàng hôn buông xuống, tối dần
Hai ông sợ bởi xa xăm đường dài
Chợt người khách lạ hỏi ngay:
“Chuyện gì có thể cho tôi cùng bàn?”
Hai ông quá đỗi ngạc nhiên:
“Chắc ông là khách lạ thăm vùng này
Nên ông không biết không hay
Chuyện ở vùng này đã mấy ngày qua.
Một người tên gọi Giê-su
Bị người ta giết rất là thảm thương”
Chúa liền nói với họ rằng:
“Các anh như vậy là không hiểu gì!
Chậm tin lời các tiên tri
Đấng Ki-tô phải ê chề khổ đau
Chịu nhiều nhục nhã, gian lao
Rồi sau đó mới được vào vinh quang.”
Ba người đi tới gần làng
Hai ông nài ép khách cùng dừng chân
Khi Ngài cầm bánh tạ ơn
Hai ông tá hỏa, bội phần ngạc nhiên.
Nhưng rồi Chúa biến mất liền
Hai ông trở lại Gia-liêm tức thì…
Cuộc đời cũng có lắm khi
Con không thấy được Chúa từ xung quanh.
Trong luồng gió mát, trăng thanh
Khi mưa, nắng; giữa khúc quanh đời người
Trong nước mắt, giữa tiếng cười
Khi suy nghĩ, lúc bồi hồi sớm khuya.
Trong câu hát, giữa lời thơ
Thành công, thất bại, hoặc là tang thương
Dẫu đời tám hướng, mười phương
Vẫn luôn có Chúa yêu thương đồng hành. mục lục

Trầm Thiên Thu

CHÚA HIỆN ĐẾN LẦN THỨ BA

Như hai lần trước vừa qua
Đang khi hội họp tại nhà Tiệc Ly
Tông đồ trao đổi, ngẫm suy
Lời hai môn đệ mừng, khoe gặp Thầy.
Giữa đoàn, Chúa hiện đến ngay
Mọi người bỡ ngỡ, lòng đầy hoài nghi
Chúa rằng: Chớ sợ hãi chi
Nhìn, nghe, sờ, nhớ, ắt thì phải tin.
Lại rằng: điều nhớ trước tiên
Là lời trong luật Môsê rõ ràng:
Đức Kitô sẽ sẵn sàng
Qua tuần thương khó, vinh quang khải hoàn.
Thầy nay mở trí các con
Vững tin, can đảm, chớ còn hoài nghi
Chứng nhân rao giảng, thực thi             
Loan tin: Nước Chúa tới kỳ triển lan. mục lục

(Th. K. Dominic)

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan