KHÁC BIỆT và TƯƠNG TỰ

Phêrô và Phaolô là hai con người khác nhau về chí hướng, như hai đường thẳng không song song và đã đồng quy tại một điểm: Chúa Giêsu Kitô. Hai con người có “độ cứng” khác nhau nhưng vẫn tương tự. Tảng Đá Phêrô làm nền móng của Giáo Hội, vì chính Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội trên tảng đá vững chắc đó, ngay cả ma quỷ cũng không thể làm gì được. (Mt 16:18) Còn Lưỡi Kiếm Phaolô đã triệt hạ bao tín nhân, nhưng nó đã được Thiên Chúa sử dụng để bảo vệ Giáo Hội. Ý định của phàm nhân bị đảo ngược hoàn toàn!
Hai vị được Thiên Chúa đặc cách với vai trò và trọng trách khác nhau, nhưng cùng một mục đích: bảo vệ Giáo Hội. Đó là hai cột trụ vững chắc chống đỡ Giáo Hội. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao “chìa khóa Nước Trời” với cương vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội, còn Thánh Phaolô được chọn làm tông đồ của dân ngoại. Thánh Ý Chúa mầu nhiệm, chúng ta không thể lý luận để hiểu theo lý lẽ phàm tục.
Thật vậy, một ngư phủ Simon cương trực, thẳng thắn thật thà, nhưng cũng dứt khoát chối bỏ Thầy mình ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng gay go nhất, thậm chí có lần ông còn bị Chúa Giêsu rủa là Satan, (Mt 16:23) nhưng một Phêrô hèn nhát đó đã biến thành một Phêrô can đảm và chịu đóng đinh ngược vì Thầy Giêsu. Và một Saolê hung tàn và bạo ngược, quyết tâm chém bất cứ kẻ nào dám công khai tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thậm chí ông còn chủ trì trong cuộc sát hại Phó tế Stêphanô, (Cv 7:58) nhưng một Saolê độc ác đó đã trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng về Đức Kitô – Đấng chịu chết và phục sinh.
Nhờ kinh nghiệm cú ngã ngựa, một phép lạ nhãn tiền tạo kinh nghiệm độc nhất vô nhị, ông bất ngờ trưởng thành tâm linh nên chân thành chia sẻ: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày Ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2 Tm 4:6-8) Ước gì khi biết mình gần đất xa trời, sắp giũ bụi trần ai, mỗi tín nhân có thể xác định được như Thánh Phaolô vậy.
Thánh Phaolô giỏi cả về kiến thức đời thường và tâm linh, đồng thời như tâm lý gia vậy. Các thư của ngài là kho tàng vô giá về đời sống – cả đời thường và tâm linh, trong đó có thể thấy mọi trường hợp mà hằng ngày chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống.
Ai cũng khả dĩ nhận biết rằng cuộc đời là cuộc chiến không ngừng với ba thù, cam go nhất là với chính mình. Chính Thánh Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm.” (Rm 7:19) Con người là thế, do đó mà phải nỗ lực từ bỏ chính mình để có thể vác thập giá khi bước theo Đức Giêsu Kitô. Vác thập giá “oải” lắm, hiếm khi ngon trớn, thường thì kéo lê, lúc thì ngã quỵ,… Mệt mỏi lắm, nhưng quan trọng là không nản lòng và quyết tâm kiên trì.
Thiên Chúa toàn năng, quan phòng và tiền định mọi thứ, từng sợi tóc trên đầu mỗi người cũng đã được Ngài đếm cả rồi. (Mt 10:30) Chúa biết và cảm thông với chúng ta lắm, bởi vì Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự. (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20)
Trình thuật Ga 21:15-19 cho biết cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô. Chúa Giêsu hỏi ông ba lần rằng ông mến Ngài hơn các anh em khác hay không. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu căn dặn ông phải “chăm sóc chiên của Ngài.” Riêng lần thứ ba, ông Phêrô buồn vì Ngài hỏi tới ba lần, và ông xứng đáng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa còn ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Và Ngài bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
Trình thuật Mt 16:13-19 kể rằng, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi các môn đệ xem người ta nói Ngài là ai. Hỏi để mà hỏi, chứ Ngài biết hết. Vả lại, Ngài muốn chúng ta tự xác định niềm tin của mình. Khi nghe Thầy Giêsu hỏi, các ông nói: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.”
Rồi Ngài hỏi chính các môn đệ bảo Ngài là ai. Vốn tính cương trực, ông Phêrô thưa ngay: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Ngài nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Rồi Ngài xác định: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và QUYỀN LỰC TỬ THẦN SẼ KHÔNG THẮNG NỔI. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Ông Phêrô nhận chìa khóa Nước Trời và chính thức đăng quang trở thành giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội hoàn vũ.
Đối với Thiên Chúa, mỗi con người sinh ra đều có mục đích riêng. Chúng ta thấy có những người tưởng chừng vô dụng, nhưng rồi họ đã chứng tỏ tài năng xuất chúng là thiên tài trong lĩnh vực nào đó. Thánh Vịnh gia đã nói: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự!” (Tv 139:13-14, 16) Mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa “lưu ý” như vậy. Chắc chắn không ai “thừa” trong sự tiền định của Thiên Chúa. Trong mỗi con người, ngay cái mà chúng ta gọi là “ruột thừa” cũng không hề thừa hoặc vô dụng.
Thời Cựu Ước có những ngôn sứ nổi bật như Isaia, Amốt, Giôna,… Thời Tân Ước có những con người đặc biệt như Phêrô và Phaolô. Hai người được Thiên Chúa kêu gọi khác nhau nhưng luôn hướng về một mục đích duy nhất, và hai ông trở thành hai cột trụ vững bền chống đỡ Giáo Hội. Một người chèo, một người chống, cùng nhau bát cậy đưa Con Thuyền Giáo Hội tới Bến Bình An. Nhiệm mầu Ý Chúa, kỳ diệu lắm, (Tv 119:129) chúng ta không thể lý luận để hiểu thấu theo lý lẽ của phàm nhân.
Như Thánh Phaolô, ai cũng luôn bị giằng co. Cũng đau khổ, nhưng Thánh Faustina biết tâm sự với chính Đấng đã chịu đau khổ: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những đau khổ nội tâm, về sự khô khan, về sự sợ hãi, về nước mắt, về sự lưỡng lự, về sự tăm tối nội tâm, về sự cám dỗ, về sự thử thách, về sự giày vò mà con không thể diễn tả, nhất là về những điều mà không ai hiểu, về sự chết với sự chiến đấu dữ dội và cay đắng. Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những thập giá nho nhỏ hằng ngày, về sự đối nghịch với các nỗ lực của con, về sự gian khó của đời sống cộng đoàn, về sự hiểu lầm, về sự bẽ mặt vì người khác, về sự khó chịu mà người ta đối xử với con, về sự nghi oan, về sức khỏe yếu kém của con, về sự hy sinh, về sự chết cho chính con, về sự kém hiểu biết, về các kế hoạch thất bại của con.”
Chắc hẳn chúng ta có thể “gặp” chính mình qua lời nguyện của Thánh Faustina. Và cũng như Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, sai lầm rồi thì sửa chữa, ngã rồi thì đứng dậy. Vấn đề không phải là tội nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, mà là thành tâm sám hối và kiên trì hoán cải. Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Chúa Giêsu vẫn luôn mở rộng vòng tay như người cha đón đứa con hoang đàng trở về.
Xin Thiên Chúa xót thương và tha thứ. Xin nhị vị thánh nhân nguyện giúp cầu thay. Amen.
Trầm Thiên Thu
TÔNG ĐỒ PHAOLÔ
Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 65. Các bức thư của ngài chiếm gần một nửa Tân Ước, từ đó Giáo Hội được giảng dạy từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác. Không thể đánh giá thấp tầm ảnh hưởng Thánh Phaolô. Ngài không chỉ là một trong những Kitô hữu quan trọng và quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta mà còn được coi là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại.
Tất cả bắt nguồn từ kinh nghiệm của Thánh Phaolô với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường đến Đamát, dẫn đến sự hoán cải của kẻ bách hại các Kitô hữu. Theo quan điểm của Phaolô, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô rất thực tế, không khác gì những cuộc gặp gỡ của Đức Kitô với Nhóm Mười Hai. Kinh nghiệm độc đáo của Phaolô đã định hình và cung cấp thông tin cho Giáo Hội sơ khai một cách đáng kể đến nỗi chính Phaolô đã được coi là “tông đồ thứ mười ba.”
Cuộc gặp gỡ của Thánh Phaolô với Chúa Kitô bắt nguồn từ đức tin sâu xa về Thánh Thể. Qua kinh nghiệm của mình trên đường đến Đamát, ông biết rằng cuộc bách hại những người theo Đức Kitô cũng là sự bắt bớ chính Đức Kitô. Các Kitô hữu non trẻ mà Thánh Phaolô muốn tiêu diệt là một với Chúa Kitô, các chi thể của Nhiệm thể Ngài qua phép rửa, một mối liên kết được củng cố và tăng cường qua việc nhận lấy thân xác Ngài trong Bí tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:56)
Thánh Phaolô tin tận đáy lòng rằng Bí tích Thánh Thể chính là Mình Máu Chúa Kitô. Ngài công bố và dạy rằng Sự Hiện Diện Thánh Thể của Chúa Kitô là sự thật.
Cuộc gặp gỡ của Thánh Phaolô với Chúa Phục Sinh không chỉ dẫn đến sự hoán cải mà còn dẫn đến nỗ lực của ngài nhằm gia tăng tư cách thành viên trong Nhiệm Thể Đức Kitô và giảng dạy về những kết quả của cuộc sống mới mà sự kết hợp mang lại. Mục đích của Thánh Phaolô là xây dựng cộng đồng tín hữu sống như họ đã “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô.” (Rm 13:14) Đây chính là điều đã hình thành và thúc đẩy những công cuộc truyền giáo đầy ấn tượng của ngài trong ước muốn loan báo Tin Mừng cho Dân Ngoại.
Thánh Phaolô tin tận đáy lòng rằng Bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu Chúa Kitô. Ngài công bố và dạy rằng sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô là có thật. Để minh họa điều này, ngài viết: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao?” (1 Cr 10:16) Không chỉ Sự Hiện Diện Thánh Thể của Chúa Kitô thực sự đối với Thánh Phaolô, mà qua đó, Chúa Kitô ở trong chúng ta, thay đổi chúng ta, và hiệp nhất với chúng ta. Sự kết hiệp của chúng ta vào thân thể Đức Kitô là rất thực tế, Thánh Phaolô viết: “Tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2:19-20) Việc rao giảng và giảng dạy của Thánh Phaolô đòi hỏi phải hoán cải để được cứu rỗi và việc xây dựng cộng đồng được xác định bằng lối sống nhân đức, trong đó “cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13:13)
Trình thuật của Thánh Phaolô về Bữa Tiệc Ly là một trong những văn bản còn sót lại sớm nhất, điều quan trọng đối với lời rao giảng của ngài là việc Chúa Kitô muốn chúng ta cử hành lễ tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Ngài. Thánh Phaolô cũng cảnh báo về tầm quan trọng của việc tham dự Thánh Thể: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này.” (1 Cr 11:27-28)
Cuộc tử đạo của Thánh Phaolô đã hoàn tất một đời sống trọn vẹn trong và cho Chúa Kitô. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu hãy tôn vinh Chúa Kitô “trong Giáo Hội,” (Ep 3:21) nghĩa là tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô bằng cuộc sống của mình. Trong khi một số người có thể được kêu gọi làm như vậy đến mức hiến mạng sống mình bằng cách chết vì Chúa Kitô và Giáo Hội, thì tất cả chúng ta đều được kêu gọi hiến mạng sống mình cho Ngài và phục vụ Ngài. Như Thánh Phaolô, chúng ta sống theo tinh thần Thánh Thể bằng cách “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.” (Rm 12:1)
Michael R. Heinlein - https://www.simplycatholic.com
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.