Đức cha Bùi Tuần: Nhớ mãi không quên một câu nói
Mỗi lần có dịp đi Long Xuyên, tôi thường ghé thăm Đức cha Bùi Tuần, và lần nào cũng cảm nhận được một điều gì đó đáng ghi nhớ. Nhưng có một lần tôi nhớ mãi không quên, đó là lần gặp ngài cách đây hơn 20 năm, khi Đức cha đang tại chức Giám mục Chính tòa Giáo phận Long Xuyên, còn tôi đang là cha giáo ở Đại Chủng viện Thánh Quí (Cái Răng, Cần Thơ), nơi đào tạo linh mục tương lai cho ba giáo phận: Cần Thơ, Long Xuyên và Vĩnh Long.
Ảnh: ĐGM. GB. Bùi Tuần & ĐGM. Ant. Nguyễn Huy Chương.
Lần đó, tôi có việc gặp ngài để trình bày về chương trình năm học mới tại Đại Chủng viện; nhân tiện, tôi muốn trao đổi thêm với ngài về một Đại chủng sinh thuộc giáo phận Long Xuyên mà các cha giáo ở Đại Chủng viện đã nhận xét thầy có thể tiến chức phó tế và linh mục, nhưng Đức Giám mục giáo phận đã quyết định tạm ngưng việc truyền chức cho thầy (tất nhiên, việc được tiến chức hay không là do quyết định của Đức Giám mục giáo phận). Khi tôi vừa nhắc đến tên của thầy này, Đức cha nói: “Tôi không thích những người đi vận động cho người ta tiến chức”. Tôi hơi buồn về câu nói đó, nhưng câu nói tiếp theo của ngài thì tôi nhớ mãi không quên: “Cha về dạy cho các thầy biết sống tốt Bí tích Thánh Tẩy trước khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh”.
Đức cha Bùi Tuần đã nói như thế vào năm 2000, nghĩa là 16 năm trước khi Bộ Giáo sĩ ban hành cuốn Chỉ Nam mới vào năm 2016 về việc đào tạo linh mục. Trước đây, trong quyển Chỉ Nam 1970 và 1985, theo truyền thống lâu đời của Giáo hội, hai giai đoạn đào tạo tại Đại Chủng viện được gọi là “chu kỳ Triết học” và “chu kỳ Thần học”. Ratio 2016 đã thay đổi cách gọi hai giai đoạn này: “giai đoạn đào tạo người môn đệ” thay cho “chu kỳ triết học” và “giai đoạn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (Mục tử)” thay cho “chu kỳ thần học”. Điều này cho thấy rõ điểm nhấn về việc đào tạo linh mục trở nên người môn đệ và người mục tử theo gương Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Mục tử mà sứ vụ căn bản là loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Êphêsô (x. Ep 1,3-14), đã khẳng định về Tin Mừng cao trọng nhất là được làm con Thiên Chúa: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu... Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người”. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô (x. Ep 3,2-13) cũng xác tín rằng mình được gọi làm mục tử để loan báo Tin Mừng căn bản đó: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể Dân Thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này, là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài”.
Như thế, đời sống và sứ vụ của người mục tử là sống và loan truyền Tin Mừng được làm con Thiên Chúa và làm anh em của mọi người. Có thể Đại chủng sinh nói trên thời điểm đó chưa được lãnh nhận các chức thánh vì chưa sống tốt ơn gọi làm con Thiên Chúa và làm anh em của mọi người. Tôi nhớ mãi không quên câu nói mang tầm nhìn xa trông rộng của Đức cha Bùi Tuần: “Cha về dạy cho các thầy biết sống tốt Bí tích Thánh Tẩy trước khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh”. Các mục tử vẫn luôn ý thức mình đồng thời sống ơn gọi làm con Thiên Chúa và sứ vụ loan báo Tin Mừng căn bản này.
+ ĐGM. Antôn Vũ Huy Chương
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.