Thương người sẽ gặp được Chúa

- WĐBĐM - Vào thập niên 1980 Đức Cha GB. Bùi Tuần đã cho xuất bản tập sách thiêng liêng "NÓI VỚI CHÍNH MÌNH". Ngay sau đấy, tập sách đã trở thành cẩm nang thiêng liêng cho linh mục, tu sĩ và cả giáo dân. Xin giới thiệu bài 8: "Thương người sẽ gặp được Chúa" trích trong tập sách này. "Tìm Chúa, đó là nỗi băn khoăn lớn nhất đời tôi", như muốn nói rằng: cuộc ra đi của Đức Cha hôm nay là hồi kết cho bài viết này. Nguyện xin Chúa tỏ lòng nhân từ đón nhận linh hồn Gioan Baotixita diện kiến Tôn Nhan Chúa.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đời tôi là một chuyến đi. Đi từ ngày nọ sang ngày kia. Đi từ khát vọng này qua khát vọng khác. Chẳng lúc nào tôi không ước mơ. Không sự gì làm tôi no thỏa.
Trong mọi ước muốn nhỏ to, hình như tôi vẫn tìm hoài một hạnh phúc vô biên. Ban đầu tôi không hiểu. Nhưng sau tôi biết được hạnh phúc vô biên tôi tìm chính là Thiên Chúa. Thành ra, vô tình hay hữu ý, suốt đời tôi là một chuyến đi tìm Thiên Chúa.
Tìm Chúa, đó là nỗi băn khoăn lớn nhất đời tôi. Tôi đọc kinh, xưng tội, rước lễ, suy gẫm và nhiều cách khác để tìm Ngài. Nhưng đã bao lần tôi tự hỏi: Tôi đã thực sự gặp Chúa chưa? Không phải một Chúa xa lạ mơ hồ nhưng là một Chúa thân mật, sống động, một Chúa tên là “Tình yêu” (x. 1 Ga 4,8). Có cách nào tốt giúp tôi gặp được Chúa không?
Để tìm giải đáp, tôi đã nhìn lên núi Sọ chiều thứ sáu tuần thánh. Nơi đây có nhiều hạng người tới coi xử tội. Phân tách kỹ tôi thấy rằng:
Hạng người thứ nhất đã không gặp được Chúa, đó là những kẻ qua đường.
Kinh Thánh ghi: “Có những kẻ qua đường thấy Chúa bị đóng đinh thì cười chê và nói: Ông này có tiếng hay làm phép lạ. Ông bảo ông dám phá đền thờ, rồi nội trong ba ngày sẽ làm lại y nguyên. Sao lúc này không cứu mình đi?” (Mt 27,39-40).
Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh không trả lời gì. Và những kẻ qua đường chỉ thấy một người có vẻ đáng khinh. Họ không nhận ra người đó chính là Thiên Chúa.
Tại sao vậy? Thưa vì họ nhẫn tâm.
Gặp một người đang đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần mà không chút xót thương, lại còn nỡ lòng chế nhạo. Không an ủi được một lần thì chớ, họ còn xỉ nhục thêm. Thái độ nhẫn tâm của họ đã cản trở họ gặp được Chúa.
Hạng người thứ hai đã không gặp được Chúa, đó là những trưởng tế và luật sĩ.
Theo Phúc Âm, thì các trưởng tế và luật sĩ đã thách thức Chúa rằng: Nếu ông là vua Israel thì hãy xuống khỏi thập giá đi rồi chúng tôi sẽ tin (x. Mt 27,42-43).
Tại sao? Thưa vì họ ác tâm.
Chính bọn họ đã bôi nhọ thanh danh Chúa. Chính họ đã bày mưu bắt Chúa. Chính họ đã bỏ vạ và xúi dân xin giết Chúa. Bây giờ Chúa như là kẻ ra hàng, thất trận, đã bị hành hạ đến cực độ. Thế mà họ vẫn chưa thoả lòng, họ còn muốn làm nhục thêm. Thái độ ác tâm của họ đã làm họ không gặp được Chúa.
Hạng người thứ ba đã không gặp được Chúa đó là những binh lính đã thi hành án lệnh giết Chúa.
Bài thương khó kể rằng: Mấy người lính đóng đinh Chúa ngẩng mặt lên chế giễu Chúa rằng: Ông xưng Ông là vua Do Thái, có giỏi thì nhảy xuống đi, rồi bọn tôi sẽ tin (x. Lc 28,36-37).
Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh không trả lời gì.
Và các lính đó đã chỉ nhìn Chúa như một tử tội. Họ không nhận ra người đó chính là Thiên Chúa.
Tại sao? Vì họ dã tâm.
Đành rằng họ phải đóng đinh Chúa theo lệnh thượng cấp. Nhưng họ đã đi quá giới hạn nhiệm vụ. Không ai buộc họ phải khích bác Chúa. Nhưng họ làm vì mị dân và dã tâm. Thái độ dã tâm của họ đã không cho họ gặp được Chúa.
Hạng người thứ bốn đã không gặp được Chúa, đó là kẻ trộm bên tả.
Phúc Âm thuật: Một kẻ trộm bên tả quay sang nói khích Chúa rằng: Nếu ông là vị cứu thế, thì hãy cứu mình và cứu tôi đi! (x. Lc 23,39). Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh không trả lời gì. Và kẻ trộm đó chỉ gặp một người như tội nhân hèn hạ. Hắn không nhận ra người đó chính là Thiên Chúa.
Tại sao? Thưa vì hắn tiểu tâm.
Hắn đã biết đau khổ là gì. Đáng lý ra hắn phải biết thông cảm với người cùng chung hoàn cảnh. Đàng này, hắn lại chế nhạo khích bác. Ngoài ra, hắn còn ích kỷ. Có ba người cùng thụ án, mà hắn chỉ nghĩ tới việc cứu hắn. Còn anh trộm bên hữu thì sao? Thái độ tiểu tâm của hắn ngăn trở hắn gặp được Chúa.
Hạng người thứ năm đã gặp được Chúa, đó là kẻ trộm bên hữu.
Ông không nhẫn tâm vào hùa đám đông như kẻ qua đường. Nhưng một mình ông dám lên tiếng nói Chúa là người vô tội.
Ông không ác tâm như các trưởng tế, và luật sĩ, chủ tâm hạ Chúa xuống đất đen. Nhưng ông nói: “Khi nào lên trời, xin nhớ tới tôi” (Lc 23,42). Có nghĩa là: Ông là người lành, người thánh, ông sẽ lên thiên đàng. Ông cũng không dã tâm như bọn lính. Ông phân biệt ai đáng tội, ai không. Ông nói: “Chúng tôi chịu tội thì đáng lắm. Còn ông này có làm gì nên tội?” (Lc 23,41). Ông cũng không tiểu tâm như kẻ trộm bên tả. Vì thái độ bênh đỡ Chúa một cách công khai và mạnh mẽ của ông đã an ủi Đức Mẹ rất nhiều.
Tóm lại, cái bí quyết đã giúp kẻ trộm bên hữu gặp được Chúa chính là sự ông biết thương người. Ông thấy cạnh ông có một người bị đau đớn cực khổ, ông động tình thương. Ông để ý thì thấy người ấy bị oan, nên ông lên tiếng bênh. Chỉ một mình ông dám bênh, đang khi cả ngàn người đồng thanh kết án. Ông dám nói, đang khi không một ai, dù các người thân tín nhất của Chúa, dám hé môi nói nửa lời an ủi Chúa.
Thấy ông có lòng thương người thực sự Chúa liền ban ơn cho ông nhận biết Chúa: “Hôm nay ông sẽ về thiên đàng với tôi” (Lc 23,43). Ông đã gặp được Chúa.
Nhìn lại tôi, tôi thấy lo sợ.
Biết đâu xưa nay tôi cũng như bốn hạng người trên. Mỗi khi tôi xử tệ với người khác là chính lúc tôi xử tệ với Chúa. Và đó là lý do tại sao tôi không được gặp Chúa.
Lạy Chúa, con xin Chúa giúp con biết thương người. Con nhìn nhận thương người là đường dẫn tới Chúa. Chúa đợi con đàng sau những người đau khổ. Xin giúp con biết yêu thương họ, để qua họ, con sẽ gặp được Chúa lòng con luôn khát vọng.
- Đức Cha Cố Gioan Baotixita Bùi Tuần -
KHIÊM NHƯỜNG TRONG TRUYỀN GIÁO
Image: parrocchiasantamariadimonteverde
- Đức Cha Cố Gioan Baotixita Bùi Tuần -
Người truyền giáo tốt có thể là người không hiểu biết nhiều và sâu sắc về Chúa, nhưng nhất định phải là người có sự sống của Chúa trong mình.
Tôi vẫn nghĩ như vậy. Và tôi có kinh nghiệm như thế.
Người ta không nhìn thấy Chúa trong họ. Nhưng người ta có thể cảm được phần nào sự hiện diện của Chúa trong họ qua một số dấu chỉ. Một trong những dấu chỉ dễ thấy nhưng lại chắc chắn, đó là sự khiêm nhường.
Trước khi khiêm nhường được nâng lên hàng nhân đức siêu nhiên, nó đã là một đức tính nhân bản.
Ngay trên lãnh vực nhân bản, khiêm nhường vẫn được coi là một giá trị cao quí. Văn hoá Việt Nam vốn ca ngợi người khiêm tốn. Lễ giáo Việt Nam vốn đề cao đức khiêm nhường, coi khiêm nhường như một yếu tố của đạo làm người.
Trong xử thế, khiêm nhường là chìa khoá mở lòng người ta, gây nên thiện cảm. Nhờ thiện cảm, người ta dễ chấp nhận ta, và dễ nghe ta.
Trái lại, kiêu căng dễ gây nên ác cảm. Khi ác cảm đã chớm nở, thì lý luận dù đanh thép đến đâu, chứng từ dù rõ ràng đến mấy, người ta cũng không muốn đón nhận ta và những gì ta trình bày, kể cả khi ta trình bày Tin Mừng cứu độ.
Cái kiêu căng dễ xúc phạm đến người khác nhất, chính là sự tự đắc cho mình là đúng, là đẹp, là đáng kính trọng; còn người khác thì bị coi là sai, là xấu, là phải loại trừ. Nhất là trong việc phê phán tôn giáo, tín ngưỡng và những lựa chọn liên quan.
Người tự tôn, hay khinh miệt người khác rất dễ rơi vào những sai lầm trầm trọng và sự mù quáng thê thảm. Hơn nữa, họ có thể làm cho chính mình lâm vào tình trạng điên rồ. Để rồi, sẽ làm sụp đổ mọi sự nghiệp đạo đức của mình chỉ trong giây phút. Thảm thương nhất là kẻ kiêu căng cứng lòng sẽ vô tình mở rộng cửa lòng mình, rước quỷ Satan là thần kiêu ngạo vào ngự trị trong đó, để rồi lập liên minh với các hình thức kiêu căng khác, chống lại Nước Thiên Chúa.
Đọc Phúc Âm, tôi thấy Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta phải hết sức tránh mọi hình thức kiêu căng như:
Đừng thích tìm địa vị cao trước công chúng, như trong đám tiệc (Lc 14,7).
Đừng giả hình đạo đức bằng cái vỏ bề ngoài, còn bên trong thì dơ bẩn (Mt 23,5-25).
Đừng căn cứ vào mấy việc đạo đức của mình, để khinh chê người khác (Lc 18,9-14).
Đang khi đó, Kinh Thánh rất khen người khiêm nhường. Đến mức Chúa Giêsu coi họ là những người được Chúa Cha mạc khải cho biết nhiều điều cao siêu, mà Người không cho những người khôn ngoan và thông thái biết (Lc 10,21). Chính bản thân Chúa Giêsu cũng rất khiêm nhường. Ngài nói: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Hơn nữa, suốt cuộc đời, từ khi sinh ra trong hang đá cho đến lúc chết trên thánh giá, Chúa Giêsu luôn làm chứng Đấng cứu thế không phải là một quyền lực, nhưng là tình yêu xót thương phục vụ khiêm nhường.
Do đó, sự khiêm nhường của người truyền giáo không phải chỉ là một đức tính nhân bản, mà còn phải là một nhân đức được chia sẻ từ sự khiêm nhường của Đức Kitô. Đức Kitô truyền sang cho họ sự khiêm tốn của Người, để nhờ đó, họ sẽ luôn nhận được thêm chân lý và sự sống cứu độ của Người.
Chính ở điểm này, mà đến lượt mình, chính người truyền giáo cũng là người cần được Chúa Giêsu thường xuyên truyền giáo cho. Và đây chính là một kinh nghiệm quí báu họ có được về người được truyền giáo.
Kinh nghiệm cho thấy người được truyền giáo rất cần có lòng khiêm tốn.
Thuở xưa, các thầy thượng tế, các kỳ lão, các kinh sư, các biệt phái đã nghe tận tai chính Chúa Giêsu giảng, đã xem tận mắt những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng không mấy người trong họ đã tin. Hơn nữa, càng nghe thấy và càng nhìn thấy Chúa Giêsu, họ càng đâm ghét. Sau cùng họ đã giết Người.
Sở dĩ Tin Mừng đã không vào lòng họ được, chính là vì sự kiêu căng tự đắc đã khoá chặt lòng họ.
Thời nay cũng thế. Những người đơn sơ, khiêm tốn dễ đón nhận được những cái mới mẻ của Tin Mừng hơn những người tự phụ kiêu căng.
Vì thế, tôi nghĩ rằng: Người truyền giáo cần phải khiêm nhường. Người được truyền giáo cũng cần khiêm nhường.
Để có đức khiêm nhường, chúng ta không thể coi thường việc tập luyện mình về nhiều mặt. Một người không được uốn nắn tập luyện kỹ lưỡng về đức khiêm nhường sẽ dễ trở nên hư hỏng: Hư hỏng do những thất bại và do cả những thành công, do những thực tế cuộc đời và cả do những ước mơ và ảo tưởng của mình, nhất là do sự cố chấp tôn thờ cái tôi và làm nô lệ cho ý riêng mình.
Không những chúng ta cần tập luyện để nên khiêm nhường, mà cũng cần cầu nguyện khẩn xin Chúa ban ơn khiêm nhường.
Ơn khiêm nhường, mà Chúa ban cho kẻ cậy trông nài van Chúa, sẽ đặt ta dưới cái nhìn thánh thiện của Chúa. Nhờ đó ta sẽ nhận ra Chúa nơi người khác và ta là kẻ tội lỗi, bất xứng, mọi sự Chúa ban cho ta đều do tình xót thương nhưng không của Chúa. Càng được ơn khiêm nhường, ta càng hiểu thấm thía lời thánh Giacôbê: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6). Và chúng ta cũng sẽ càng thấy rõ thói quen tìm đắc thắng, phô trương, trịch thượng, bất bao dung trong truyền giáo không những đang trở nên quá lỗi thời, mà còn gây nhiều thiệt hại cho Hội Thánh. Bởi vì đó là những điều rất trái nghịch với thánh ý Chúa.
Một điều lợi nữa, mà ơn khiêm nhường hôm nay sẽ đem lại cho ta, đó là nó giúp ta biết kiểm điểm lại bổn phận đón nhận Tin Mừng và bổn phận loan báo Tin Mừng. Ai trong chúng ta cũng có hai bổn phận đó.
Trong hoàn cảnh cụ thể ta đang sống, Chúa vẫn gửi cho ta vô số Tin Mừng mới mẻ. Ta đã đón nhận thế nào?
Trong địa vị cụ thể của ta và với những phương tiện cụ thể của ta, ai trong chúng ta cũng vẫn có thể góp phần không nhỏ vào việc loan báo phần không nhỏ vào việc loan báo Tin Mừng, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Ta đã thực hiện bổn phận đó thế nào?
Nếu khiêm tốn biết mình, khiêm tốn ăn năn, khiêm tốn sửa mình về bổn phận truyền giáo, chúng ta sẽ có một lương tâm truyền giáo đổi mới. Để từ nay, ta biết nhận lãnh, biết sinh lời và biết chia sẻ Tin Mừng cho những người gần xa, mà ta có thể gặp.
Nếu ta ý thức được như vậy và cố gắng làm như vậy, thì đời ta sẽ mang ý nghĩa cao đẹp, đi theo đúng hướng về với Cha trên trời.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.