SUY NIỆM CHÚA NHẬT 18 TN B_2024

03-08-2024 211 lượt xem

Lời Chúa: Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35

Mục lục

HỌC HỎI PHÚC ÂM - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN - + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

THAN TRÁCH: MỘT THỨ VIRUS NGUY HIỂM! - Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

THỨC ĂN CŨ HAY LƯƠNG THỰC MỚI - Phêrô Phạm Văn Trung

THỜ CHÚA VÌ CÁI GÌ? - Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

ĐẶC SẢN TỪ TRỜI - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

THỨ BÁNH KHÁC CHO MỘT CƠN ĐÓI KHÁC - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

ĐẾN VỚI CHÚA - Bông hồng nhỏ

CỦA ĂN TỒN TẠI CHO CUỘC SỐNG MUÔN ĐỜI - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

CHÚA LÀ CỦA ĂN NUÔI SỐNG CHÚNG TA - Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

BÁNH ĐÍCH THỰC - Viễn Dzu Tử

HỌC HỎI PHÚC ÂM (Ga 6,24-35)

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc Ga 6,1-25. Hãy tóm tắt diễn tiến của câu chuyện.

2. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói mấy lần câu: "Quả thật, quả thật, tôi bảo các ông."

3. Đám đông đi tìm Đức Giêsu và gặp lại Ngài ở Caphácnaum. Đức Giêsu nghĩ họ tìm Ngài vì lý do gì? Đọc Ga 6,26. "Thấy những dấu lạ" nghĩa là gì?

4. Đọc Ga 6,27-29. Đức Giêsu mời đám đông làm việc gì để được lương thực thường tồn?

5. Còn đám đông đã đòi hỏi Ngài phải làm gì? Đọc Ga 6, 30-31.

6. Bánh bởi trời vào thời ông Môsê là bánh gì? Đọc Xuất hành 16,4-5.13-27; Thánh vịnh 78,24.

7. Đâu là sự giống nhau và khác nhau giữa bánh bởi trời vào thời ông Môsê và bánh bởi trời vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 6,32-33.

8. Khi Đức Giêsu nói đến bánh thật, bánh ban sự sống cho thế gian (Ga 6,32-33), đám đông có hiểu đó là thứ bánh gì không? Họ có hiểu lầm không (xem Ga 4,14-15)? Cuối cùng Tấm Bánh Đức Giêsu hứa ban là gì? Đọc Ga 6,35.

GỢI Ý SUY NIỆM

Theo bạn, con người hôm nay đói khát điều gì, về đời sống vật chất và tâm linh? Người giàu và người nghèo có cùng một đói khát không? Tại sao chỉ Đức Giêsu mới có thể làm nhân loại hết đói khát về mặt tâm linh?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Vào lúc gần đến lễ Vượt Qua, Đức Giêsu và các môn đệ đi trên một chiếc thuyền, có lẽ từ Caphácnaum, sang bên kia biển hồ Galilê, tức bờ đông (Ga 6,1). Có đông dân chúng đi theo bằng thuyền (Ga 6,2.24). Ở đó Đức Giêsu đã làm dấu lạ bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng (Ga 6,5-15). Vào buổi chiều, các môn đệ xuống thuyền trở lại Caphácnaum, trong khi đó Đức Giêsu còn ở lại (Ga 6,16-17). Sau đó một thời gian, Ngài mới đi trên mặt biển động để đến với các ông. Lúc đó các ông đang ở trong thuyền nhưng Ngài không vào thuyền với các ông (Ga 6,18-21). Tuy nhiên, cuối cùng Thầy trò đều có mặt tại Caphácnaum. Vào hôm sau, khi không thấy Đức Giêsu và các môn đệ ở bờ đông, dân chúng mới xuống thuyền qua bờ tây, đến Caphácnaum để tìm, và họ đã gặp Ngài ở đó (Ga 6,22-25).

2. Đức Giêsu nói câu: "Quả thật, quả thật (amen, amen), tôi bảo các ông" hai lần trong bài Tin Mừng này (Ga 6,26.32). Ngài còn dùng nhiều lần khác trong Tin Mừng Gioan (6,47.53; 8,34.58; 10,7; 12,24; 13,20.21.38; 14,12…). Khi dùng lối nói này, Đức Giêsu có ý khẳng định cách long trọng lời tuyên bố sau đó của mình. Trong Tin Mừng Mátthêu, ta cũng gặp lối nói tương tự này nhiều lần, nhưng ở đây Đức Giêsu chỉ nói một lần amen thôi (Mt 6,2.5; 10,15.42; 11,11; 16,28; 18,3.13.18.19…).

3. Đám đông đã theo Đức Giêsu, chèo thuyền qua bên kia hồ Galilê, đã được Ngài đãi một bữa no nê. Hôm sau, họ không thấy Ngài và các môn đệ nữa, nên chèo thuyền về lại Caphácnaum và cuối cùng gặp được Ngài ở đó (Ga 6,25). Khi thấy đám đông đi tìm mình, Đức Giêsu khẳng định họ đi tìm Ngài chỉ “vì họ đã được ăn bánh no nê”, chứ không phải vì họ “đã thấy những dấu lạ” (Ga 6,26). Làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng là một dấu lạ của Đức Giêsu. Khi làm dấu lạ này, Đức Giêsu cho bánh hóa nhiều để thỏa mãn sự sống thân xác của họ. Nhưng Ngài còn muốn cho họ một thứ Bánh khác để nuôi dưỡng sự sống tâm linh. Dân chúng đi tìm Ngài vì mong có bánh nuôi thân xác, và họ chỉ muốn thế thôi. Chính vì thế Ngài trách họ là “đã không thấy những dấu lạ”, nghĩa là không nhận ra ý nghĩa sâu xa của những dấu lạ Ngài làm. Họ cũng chưa nhận ra Ngài là ai, để từ đó có thái độ tin vào Ngài.

4. Đức Giêsu nói đến hai thứ lương thực: lương thực mau hư nát và lương thực thường tồn. Ngài khuyên họ nên làm việc để có thứ “lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời”, chứ đừng làm việc để có thứ “lương thực mau hư nát” như những tấm bánh họ mới được ăn hôm qua (Ga 6,27). Ngài khẳng định Ngài có thể ban thứ lương thực thường tồn này, vì Ngài là Con Người đã được Thiên Chúa Cha đóng ấn (Ga 6,27). Nhưng để được ban thứ lương thực này thì phải làm những việc Thiên Chúa muốn. Mà việc Thiên Chúa muốn đó là “tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến”, tin vào Đức Giêsu (Ga 6,29). Vậy tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai, là điều kiện để được hưởng lương thực thường tồn, đem lại sự sống đời đời.

5. Khi Đức Giêsu đòi họ tin vào Ngài, đám đông lại muốn Đức Giêsu phải “làm một dấu lạ” khác thì họ mới thấy và tin (Ga 6,30). Có vẻ dấu lạ bánh hóa nhiều chưa đủ để họ tin vào Ngài. Họ nhắc đến một dấu lạ lớn màThiên Chúa đã làm cho dân Israel trong hoang địa, đó là nuôi tổ tiên họ bằng manna là bánh bởi trời trong nhiều năm (Ga 6,31). Đối với họ, dấu lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông của Đức Giêsu chưa thể so sánh được với dấu lạ manna ngày xưa vào thời ông Môsê. Vậy có thể coi Ga 6,30-31 là một thách đố của dân chúng đối với Đức Giêsu.

6. Bánh bởi trời thời ông Môsê chính là manna. Thiên Chúa cho manna rơi trên mặt đất. Manna “giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong” (Xh 16,31). Mỗi sáng con cái Israel phải lượm về để nấu lên mà ăn, tùy nhu cầu của mình. Ngày nào có manna cho ngày đó. Không thể để dành đến sáng mai, vì nó sẽ bốc mùi. Tuy nhiên, ngày thứ sáu được lượm gấp đôi để dành cho ngày sa-bát mà vẫn không bốc mùi, vì ngày sa-bát Chúa không ban manna. Chúa đã nuôi dân suốt 40 năm bằng manna cho tới khi họ đến đất hứa Canaan (Xh 16,35).

7. Đức Giêsu cho thấy sự giống nhau và khác nhau của bánh bởi trời thời Môsê và bánh bởi trời thời của Ngài. Cả hai đều là bánh từ trời. Nhưng manna là bánh vật chất từ trời rơi xuống, chỉ nuôi sống thân xác, và chỉ được ban cho dân Ítraen trong thời gian họ đi trong hoang địa về Đất Hứa. Còn bánh từ trời xuống mà Thiên Chúa – Cha của Đức Giêsu– ban mới là “bánh thật” (Ga 6,32). Bánh thật này có khả năng ban “sự sống” không chỉ cho dân Israel mà cho cả thế gian (Ga 6,33). Hơn nữa, sự sống ở đây là sự sống đời đời (zôê) chứ không phải là sự sống thể lý (psykhê).

8. Dân chúng ở Caphácnaum nghe thấy thứ bánh mà Đức Giêsu giới thiệu thì thích lắm và xin. Họ cứ tưởng Đức Giêsu sẽ ban một thứ bánh đặc biệt nào đó nên họ xin (Ga 6,34). Họ cũng hiểu lầm như người phụ nữ Samaria về thứ nước uống vào thì “muôn đời không bao giờ khát” mà Đức Giêsu hứa ban (Ga 4,14-15). Cuối cùng, Đức Giêsu cho họ biết Bánh thật, Bánh ban sự sống đời đời chính là con người Ngài (Ga 6,35). Ngài mời người ta đến với Ngài và tin vào Ngài để khỏi đói và khát về mặt tâm linh. mục lục

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

Để có một cái nhìn tổng quát và đầy đủ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần liên kết giữa Cựu Ước với Tân Ước. Kinh Thánh được ví như “câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và loài người”. Câu chuyện ấy từng bước được tỏ lộ ở mức độ thắm thiết và hoàn hảo hơn. Các nhà chuyên môn gọi đó là sự “tiệm tiến” trong chương trình giáo dục nhân loại của Thiên Chúa.

Dân Do Thái đang trên đường về Đất Hứa. Cuộc chinh phục Đất Hứa là ước mơ từ nhiều thế hệ, vì lời Chúa hứa với Tổ phụ Áp-ra-ham luôn được nhắc lại và lưu truyền. Trong hành trình sa mạc, họ không trồng cấy, không làm lụng, buôn bán kinh doanh. Thiên Chúa đã ban cho họ lương thực để dùng trong thời gian bốn mươi năm, đó là Man-na. Đây là một điều kỳ lạ. Nhiều nhà nghiên cứu giả định có thể đó là một loại địa y giàu chất dinh dưỡng có thể ăn được trong sa mạc. Điều kỳ lạ ở chỗ: Thiên Chúa làm thức ăn này rơi xuống mỗi ngày, và khi dân đã định cư ở Ca-na-an, tức là Đất hứa, thì thứ lương thực ấy không còn rơi nữa.

Sự kiện Man-na rơi trong Cựu ước được hiểu như hình bóng của phép lạ nhân bánh trong Tân ước. Sau khi Chúa Giê-su làm cho bánh hóa ra nhiều để đủ cho năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư, người Do Thái kéo đến với Người rất đông. Biết rõ đám đông đến với Người là xuất phát từ sự tò mò và tham vọng vật chất, nên Chúa Giê-su đã khẳng định: “Các ông đi tìm tôi không phải các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Trong đám đông trước mặt Chúa Giê-su, có nhiều người thực dụng. Họ nghĩ từ nay cứ đến với ông Giê-su này thì chẳng còn phải lo làm việc nữa. Nhân dịp này, Chúa Giê-su muốn cho họ vượt qua những giá trị vật chất để vươn tới những giá trị tinh thần. Người muốn mọi người đến với Chúa để nghe lời giáo huấn, để nhận ra tình thương của Chúa Cha và từ đó, họ đổi mới cuộc đời. Như thế, chúng ta thấy tại sao Đức Giê-su đã chuyển từ đề tài bánh sang đề tài đức tin. Phép lạ Chúa làm mục đích là để người ta tin vào Người. Trong khi đó, khá nhiều người Do Thái đến với Chúa chỉ với mục đích thuần túy trần tục. Họ nói: “Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.

Man-na trong Cựu ước, Bánh hóa nhiều trong Tân ước, cả hai đều hướng về một thực tại duy nhất, đó là Thánh Thể. Đức Giê-su khẳng định: “Chính tôi là Bánh Trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Ở đây, chúng ta thấy chương trình mạc khải tiệm tiến đã nêu. Từng bước trong Kinh Thánh, Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta khám phá những điều kỳ diệu, xuất phát từ tình thương vô bờ bến của Ngài.

Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su đã nhắc lại biến cố Man-na trong Cựu ước, để chứng minh Người là Con Thiên Chúa. Như xưa Chúa Cha đã ban Man-na trong sa mạc, nay Chúa Con tiếp tục ban cho nhân loại một thứ Man-na mới.

Dù Chúa Giê-su làm phép lạ nhân bánh ra nhiều, thì số bánh ấy cũng chỉ nuôi đường khoảng năm ngàn người. Sự kiện Man-na và phép là nhân bánh báo trước một cuộc nhân bánh kỳ diệu khác: đó là Bí tích Thánh Thể. Nơi Hình Bánh và Hình Rượu, Đức Giê-su hiện diện, trọn vẹn xác và hồn, nhân tính và thiên tính. Tuy vậy, sau khi truyền phép, chúng ta quan sát Hình Bánh và Hình Rượu, không thấy có gì khác lạ. Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, tức là chỉ có đức tin mới cảm nhận được. Con người không thể dùng lý trí hữu hạn để hiểu thấu những mầu nhiệm thiêng liêng. Vì là Bí tích của Đức tin, nên phải chiêm ngưỡng và thờ lạy bằng đức tin chân thành. Chúng ta vẫn hát trong bài hát kính Mình Thánh: “Giác quan tuy không cảm thấy, đức tin vững lòng người”, hay một bản dịch khác: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

Mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta thường rước Thánh Thể. Thánh Thể là chính Chúa Giê-su. Việc rước Thánh Thể không phải là để khoe khoang với mọi người, hoặc như một thói quen đơn điệu. Khi rước Chúa Giê-su vào tâm hồn, người tín hữu được mời gọi canh tân cuộc sống, để dần dần nên giống Chúa Giê-su, Đấng mà chúng ta rước lấy với lòng cung kính. Thánh Phao-lô kêu gọi giáo dân Ê-phê-xô và cũng là kêu gọi chúng ta: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối… anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa”. Như thế, một khi rước lễ sốt sắng và có ý thức, chúng ta sẽ được trở nên con người mới, tinh tuyền thánh thiện như con người được tạo dựng, trước khi ông A-đam và bà E-và phạm tội.

“Đây là mầu nhiệm đức tin!”. Đó là lời tuyên bố của linh mục chủ sự thánh lễ sau nghi thức truyền phép Thánh Thể. Đây cũng là lời mời gọi mà Giáo hội luôn gửi đến chúng ta, để chúng ta đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể với đức tin, trong đức tin và với lòng yêu mến cậy trông nơi Người. mục lục

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

THAN TRÁCH: MỘT THỨ VIRUS NGUY HIỂM!

“Đọc qua sách Xuất hành, ai cũng biết và cũng thấy, ông Mô-sê là một vị lãnh đạo thật tuyệt vời. Ông đã hết lòng lo lắng, yêu thương, và ra sức bảo vệ dân It-ra-en để họ được hưởng độc lập, tự do và hạnh phúc. Nhưng họ lại không nhận ra những ơn nghĩa cao đẹp ấy, họ chỉ biết càm ràm và than trách.

• "Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc [dzậy]?… Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc [kia mà]!" (Xh 14:11-12).

• “[Thà] chúng tôi chết…trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê…[còn hơn là] vào sa mạc này, để…phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16:2-3)“Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?" (Xh 17:3).

• “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập… Chúng tôi đã chán ngấy [man-na] thứ đồ ăn vô vị này [rồi]” (Ds 21:5).

• “Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai-cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong! Sao ĐỨC CHÚA lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt? Chúng tôi trở về Ai-cập có tốt hơn không?” (Ds 14:2-4). Họ làm như thể ông chính là THỦ PHẠM gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy. Vì thế, họ không hề coi ông là vị đại ân nhân của dân tộc It-re-en và của chính bản thân họ. Thật đáng buồn phải không bạn?

Dân Do Thái khi xưa thì hay than trách như vậy, còn những người thời nay thì sao? Tôi nghĩ xưa sao thì nay vậy. Đã và đang có nhiều người vô ơn bạc nghĩa, suốt ngày chỉ than với trách những người đã làm ơn cho mình.

• “Tại bố mẹ bắt con đi Mỹ cho nên ngày hôm nay con mới cực khổ như thế này, phải cày tối mặt tối mũi, phải mang nợ nần, phải thức khuya dậy sớm…Phải như hồi đó bố mẹ đừng bắt con đi, con ở lại Việt Nam, thì con đâu có phải lo lắng đến sinh bệnh ra như thế này, đâu phải cực khổ như vầy…”

• “Tại sao Đức Cha không cho chúng con một linh mục trẻ một chút, cha Joe già rồi, lẩm cẩm, nói trước quên sau, làm lễ thì chậm chạp, lại hay giảng dài…"

• Rồi sau khi Đức Cha chiều họ, đổi cha Joe đi, gửi cha Ben trẻ trung về xứ họ, thì chưa đầy một năm sau, họ lại tiếp tục than trách: “Cha Joe tuy cao tuổi một chút, nhưng lúc tục than trách: “Cha Joe tuy cao tuổi một chút, nhưng lúc nào Ngài cũng gắn bó với giáo xứ, ngày nào cha cũng dâng lễ, ngày nào cha cũng ngồi tòa Giải Tội… còn cha Ben thì mỗi tuần hai ngày off, ngày thường thì không chịu giảng, ngày Chúa Nhật thì chỉ giảng qua loa, chỉ năm phút là xong, nửa tiếng tây nửa tiếng ta, trẻ nghe không hiểu, già nghe cũng không thông!”

Bạn thân mến, than trách là một trong những loại virus vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm còn hơn là Covid nữa. Khi bị nhiễm virus than trách này, bệnh nhân sẽ bị lâm vào tình trạng u uất, trầm cảm, mù lòa, khiến họ không còn khả năng nhìn thấy những sự hy sinh, tình yêu và sự quan tâm của những vị ân nhân dành cho họ.

Sách Xuất Hành ghi lại nhiều lần, chính ông Mô-sê đã nài nỉ xin Chúa nguôi cơn giận, ông xin Chúa tha chết cho họ (32:11-14), vậy mà vì bị nhiễm virus than trách, họ không nhìn thấy những điều ấy, lại còn than trách và có lần muốn ném đá ông Mô-sê nữa (17:4). Vì thế tôi và bạn cần phải ra sức đề phòng, và phải tránh thật xa con virus than trách này!

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đau khổ, dù cơ cực và dù bất hạnh mấy đi chăng nữa, bạn và tôi sẽ không bao giờ hành xử với những vị ân nhân, với các đấng bề trên của mình như dân Do Thái đã đối xử với ông Mô-sê. Bởi vì khi than trách ông bà, cha mẹ, hàng giáo sĩ, hàng giáo phẩm … là khi đó chúng mình đang trở thành những con người vô ơn bạc nghĩa, và rất ư là tệ bạc.

Xin hãy cố gắng, thay vì càm ràm, phiền trách, kêu ca, hay trách móc … ông bà, cha mẹ, đức cha, bề trên hay các linh mục, thì chúng mình hãy thinh lặng, hãy thầm thĩ cầu nguyện xin Chúa giúp sức và soi sáng để mình có khả năng nhận ra tình yêu thương, cùng những điểm tích cực nơi tha nhân. Nhờ vậy chúng mình sẽ dễ dàng cảm thông, dễ dàng chấp nhận và sẽ không than trách ai cả!

Cầu chúc bạn và gia đình một cuối tuần vui khỏe, bình an, và luôn lạc quan, nhất là không buồn rầu hay mở miệng than trách bất cứ ai, nhất là những người đã làm ơn và giúp đỡ cho mình. mục lục

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

THỨC ĂN CŨ HAY LƯƠNG THỰC MỚI

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta “tìm kiếm Chúa Giêsu”. Chúng ta có như nhóm “dân chúng xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Ngài” để rồi bị khiển trách “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6: 26)? Trong cuộc sống, chúng ta thường tìm kiếm Chúa để được no nê theo ý muốn riêng của mình. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn chúng ta kiếm tìm, “ra công làm việc” không phải vì “lương thực mau hư nát”, nhưng là: “Lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6:27). 

1. Của ăn đích thực của Thiên Chúa 

Sau khi ăn no nê bánh và cá mà Chúa Giêsu hóa ra nhiều, đám đông đi tìm Ngài lần nữa. Họ rất ấn tượng với khả năng kỳ diệu của Chúa Giêsu khi cho họ ăn, đến nỗi họ muốn tôn Ngài làm vua ngay lập tức, với ý muốn được sống nhờ khả năng cung cấp thức ăn của Ngài cho họ. Họ mong muốn được Chúa Giêsu giải thoát khỏi cơn đói trần gian dựa trên một chứng cứ xảy ra trong lịch sử mà họ trưng dẫn: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Ngài đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6:31). Họ nghĩ đến những lợi ích của mối tương quan giao ước xưa, giữa Thiên Chúa và tổ tiên của họ và bây giờ họ tiếp tục mơ tưởng đến những lợi ích mà Chúa Giêsu có thể đem lại cho họ, vì Ngài đã từng tuyên bố: “Những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5: 36). Họ quan tâm đến những gì mang lại lợi ích thiết thực cho họ, những gì họ sẽ nhận được khi tìm đến Chúa Giêsu. Chính vì thế họ hỏi Ngài: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?” (Ga 6: 30). Họ không hiểu được dấu lạ, không hiểu được ý nghĩa của thứ lương thực mà Chúa Giêsu vừa trao ban cho họ vì họ hiểu điều đó một cách duy vật. Nhưng thứ lương thực mà Chúa Giêsu nói đến không phải là cơm bánh cụ thể chỉ để giải quyết những nhu cầu thể lý mỗi ngày: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4), mà là “thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6:37) nhờ đó con người có thể sống một sự sống dồi dào, trọn vẹn, cả xác lẫn hồn.

Chính vì thế, Chúa Giêsu nói với họ về những lợi ích của lương thực mà Ngài ban, nhưng Ngài nói rõ rằng những lợi ích này khác với những gì họ đang mong đợi. Chúa Giêsu làm rõ loại bánh mà Ngài ban cho họ khi Ngài tuyên bố: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6:27). Khi họ hỏi họ phải nhận thức ăn này như thế nào, Chúa Giêsu tuyên bố: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi tin vào Đấng Người đã sai đến.” Chúa Giêsu mời những ai muốn được nuôi dưỡng bằng thức ăn không bao giờ hư nát này hãy tin vào Ngài và sống cuộc sống của người môn đệ Ngài. 

Cũng là chuyện thường tình khi chúng ta trông cậy vào Chúa để có nhiều điều chúng ta mong muốn, vật chất và tinh thần. Chúng ta muốn được nuôi dưỡng và không muốn thiếu thức ăn thông thường hàng ngày. Không phải Chúa Giêsu không nhận thấy những người theo Ngài vẫn cần cơm bánh. Tuy nhiên Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy Ngài còn nhiều thứ khác để ban tặng. Ngài ban thức ăn và thức uống của sự sống vĩnh cửu, của tình yêu Ngài, và tình yêu của Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị ôi thiu hay cạn kiệt. 

Chúa Giêsu luôn dẫn chúng ta vượt quá nơi chúng ta đang ở, vượt quá cơn đói thức ăn vật chất của chúng ta để đến với “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6;27). Thiên Chúa biết chúng ta cần gì để vượt qua thế giới này đến quê hương thiên đàng. Ngài ban cho chúng ta “thức ăn đích thực”, là Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Đây không phải là một đài tưởng niệm hay bản sao vô hồn, không sức sống. Đài tưởng niệm hay bản sao như vậy không thể là “thức ăn thường tồn đích thực”. Chúa Giêsu ban cho chúng ta Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Ngài, đổ đầy chúng ta bằng sự sống thần linh của Ngài, để chúng ta có thể chống lại tội lỗi, có thể sống với tình yêu và trong tình yêu, và lòng can đảm để chiếu ánh sáng của Chúa Kitô vào thế giới. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta, cả thể xác và linh hồn. Ngài đổ đầy chúng ta bằng chính ngôi vị Thiên Chúa và hai bản tính của Ngài. Thật kỳ diệu! Chúng ta có thực sự nắm bắt được điều này không? Giống như những khẩu phần lương thực hàng ngày, chúng ta cần khẩu phần lương thực siêu nhiên, để được tăng cường năng lượng cho cuộc hành trình về quê trời, ngay từ hôm nay, nơi trần thế này. 

2. Lương thực đức tin

Chúng ta, những người muốn nhận lương thực không bao giờ hư nát, được mời gọi tin vào Chúa Kitô và thực hiện ý muốn của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi trở thành Dân của Giao ước Mới. Thiên Chúa không nói nước đôi. Bí tích Thánh Thể không phải là ẩn dụ hay biểu tượng. Bí tích Thánh Thể, trong hình bánh và rượu, là thịt và máu của Chúa Kitô, là sự sống vĩnh cửu, thần linh. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta vô cùng lớn lao đến nỗi Ngài mong muốn chúng ta giữ lấy Ngài không chỉ trên thiên đàng mai sau, mà còn ngay trên trần thế này, bằng sự kết hợp mật thiết nhất của thân xác và linh hồn chúng ta với Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô. Tình yêu luôn tìm kiếm sự kết hợp với người được yêu. Đó là lý do tại sao Giáo hội không chỉ trao ban Thánh Thể vào các ngày Chúa Nhật hoặc hững ngày lễ đặc biệt mà là mỗi ngày. Đó phải là thức ăn chúng ta phải mong muốn hơn bất cứ điều gì khác. Đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Đây là lương thực của đức tin. Nhiệm vụ chính mà chúng ta phải thực hiện là tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha sai đến: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến” (Ga 6: 29). 

Tin tưởng là điều Chúa muốn chúng ta làm: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm” (Ga 6:29). Chúa Giêsu mời đám đông tin vào Ngài là Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến, là Đấng vừa làm dấu lạ và cho họ ăn bánh no nê. Tuy nhiên thứ bánh mà họ vừa ăn chỉ là của ăn vật chất, không phải là “bánh bởi trời” (Ga 6:31) mà họ nhắc đến. Chúa Giêsu sửa sai cách hiểu của họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu” (Ga 6:32). Chính Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi ân huệ tốt lành: “Chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6:32-33). Ân huệ mới mà Thiên Chúa ban tặng là chính Chúa Giêsu, là “bánh bởi trời, bánh sự sống” nếu họ chấp nhận: “Chính tôi là bánh trường sinh” (Ga 6:35). Chúa Giêsu nói với họ không chỉ về sự sống vật chất, mà là về sự sống trọn vẹn: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35).  Chúng ta có thực sự tin vào lời này của Ngài không? 

Có lẽ chúng ta nhiều khi hiểu sai những dấu chỉ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, là những người được coi là tin theo Ngài. Việc tin vào Chúa Giêsu không phải là một chuyện dễ dàng, dù chúng ta, như những người Do thái thời đó, từng được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm (Ga 6:2). Hoặc chúng ta, mãi như những người Do thái thời xưa, cứ muốn cậy dựa vào các nghi lễ, vào việc tuân giữ các luật lệ và các việc làm mà chúng ta cho là tốt lành khác để “kiếm được” sự cứu độ cho chính chúng ta. Chúa Giêsu trả lời rằng sự cứu rỗi không đạt được bằng bất cứ việc làm tốt lành nào mà con người có thể làm, theo mong muốn riêng của mình, nhưng bằng đức tin vào Đấng mà Chúa đã sai đến: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến” (Ga 6:29). Thánh Phaolô nói về điều này: “Quả thế, tôi làm chứng cho họ là họ có lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt, họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, và họ tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính. Quả thế,cứu cánh của Lề Luật là Chúa Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10:2 -3). Điều những ai muốn được Chúa Kitô cứu độ phải làm là tin vào Ngài. 

Vậy thì, đức tin thể hiện thế nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta? Chúa Giêsu không tách biệt đức tin và hành động. Ngài cho chúng ta thấy đức tin là công trình của Thiên Chúa, là điều Thiên Chúa làm trong chúng ta. Đức tin không phải là một hành động chỉ cần thực hiện một lần, chấp nhận một chân lý nhất định nào đó trong một nghi thức nào đó; đức tin là một “lập trường sống” bền bỉ của tâm trí và cõi lòng, của suy niệm cầu nguyện và hành động. Đức tin có nghĩa là tin tưởng sâu sắc rằng Chúa không bao giờ yêu cầu chúng ta điều gì đó vượt quá khả năng của chúng ta. Tin vào “Đấng Ngài đã sai đến” có nghĩa là ngày hôm nay chúng ta “làm tất cả những gì chúng ta có thể” với những khả năng, cơ hội, sức lực…Chúa ban cho, và tin rằng Chúa sẽ làm những gì cần thiết còn lại. Việc của người thực sự tin vào Chúa Kitô là buông bỏ con người trần tục xưa cũ, để Thánh Thần đổi mới, sống công chính và thánh thiện, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Chúa Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Chúa Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Ngài, đúng như sự thật ở nơi Chúa Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4;20-24). mục lục

Phêrô Phạm Văn Trung

THỜ CHÚA VÌ CÁI GÌ?

Năm phụng vụ 2024 là năm B. Hội THánh đề nghị suy niệm Tin Mừng của các Chúa nhật năm B là Tin Mừng theo thánh Marcô. Tuy nhiên, liên tiếp từ Chúa nhật XVI đến Chúa nhật XXI, Hội Thánh đề nghị suy niệm Tin Mừng theo thánh Gioan, hầu như trọn chương 6, với cùng một chủ đề: bánh. 

Khởi đi từ dấu lạ hóa bánh và cá (Chúa nhật XVI), Chúa Giêsu dẫn ta đến cùng bí tích Thánh Thể. Đó không phải là bánh mà là Bánh trường sinh, là chính thịt máu Chúa, nguồn sống thiêng liêng và vĩnh cửu của người tin.

Với dấu lạ của Chúa, đám rất đông được no nê, họ muốn suy tôn Chúa làm vua. Nhưng Chúa lên núi. Chúa tìm về Chúa Cha, rồi Chúa về Capharnaum. 

Sau khi Chúa Giêsu rời đám đông, và sau khi không nhìn thấy Chúa, họ lên thuyền sang bờ hồ bên kia. Tại đây, họ thấy Chúa Giêsu. Nhưng Chúa biết rõ lý do của sự hăng hái đi tìm: "Các ngươi tìm Ta không phải vì đã trông thấy các dấu lạ, nhưng bởi vì đã được ăn bánh no nê".

Chúa Giêsu muốn đưa người ta đi xa hơn những thứ vật chất của trần thế. Chúa muốn người ta điều chỉnh những mặc định mà họ tự vẽ ra trong chính thâm tâm của họ: cơm bánh, cái bụng và thể xác. 

Chúa Giêsu muốn con người hãy mơ giấc mơ cao chứ đừng chỉ là những thứ tầm thường của cuộc sống đời này. Chúa đòi chúng ta hãy thực sự đến với Chúa, đi tìm chính Chúa vì Chúa chứ đừng nhìn thấy nơi Chúa một sự lợi dụng, một "cái nhà kho" để chỉ vào đó lấy ra những thứ mình thích, những thứ làm vui bản thân mình. Họ không được phép mặc cho bánh mà họ được ăn nhiều giá trị hơn, hay giá trị cao hơn chính bản thân Đấng ban bánh.

Chúa vừa trách nhưng cũng vừa khích lệ họ: "Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho".

Chúng ta cần đặt vấn đề cho mình: Tôi thờ Chúa, tôi giữ đạo vì mục đích gì? Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian, mọi biến cố của đời mình, tôi có nhận ra chính Chúa hiện diện? Có thấy bàn tay Chúa đỡ nâng, che chở? Có biết tình yêu Chúa luôn tuôn đổ, luôn dắt dìu, luôn bảo vệ?...

Cũng y như đám đông chỉ biết và nhìn thấy cái trước mắt, ngày xưa, khi được thoát Aicập, lẽ ra đoàn dân phải hết lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã tặng ban cho họ một tình yêu giải phóng tuyệt vời, thì họ chỉ thấy và bám vào vật chất, vào cái tầm thường, mặc cho bản thân đang phải nô lệ.

Họ chỉ dừng lại có một điều duy nhất là trách móc Chúa và ông Môisen, đại ân nhân của họ: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" (Xh 16,3 - Bài đọc 1).  

Chúng ta cần đặt lại vấn đề cho mình bằng chính lời hỏi mà đám đông đã hỏi Chúa Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?".

Hỏi như vậy không phải chỉ để gò mình vào một mớ luật lệ của tôn giáo như đức tin vào Chúa chỉ có lề luật và sống cho xong một mớ lề luật là đủ. Đức tin vào Chúa và việc thờ phượng Chúa là trọn vẹn đời sống, con người, tình yêu, tâm trí. Chúa phải là Đấng chiếm trọn trái tim, trọn ý chí, lý trí, năm tháng ngày giờ, sức khỏe, mạng sống... của chúng ta. 

Đi tìm Chúa mà chỉ gói gọn trong một mớ luật lệ là tự mình giảm thiểu đời sống của bản thân trong tương quan với Chúa đến độ vô hồn, đến độ máy móc qua một số hay một hệ thống luật lệ. Chỉ cần thực hiện cho xong việc phải làm, không một chút tự nguyện, không một chút tự do, không một chút yêu thương, không một chút quan tâm.

Đó không phải là tương quan Thiên Chúa - con người, Đấng là Cha - chúng ta là con, Chúa Kitô - và người môn đệ. Đúng hơn, đó là thứ tương quan chủ - tớ, kẻ thống trị - người bị trị. 

Chúng ta hãy đi tìm Chúa nơi chính Chúa, vì chính Chúa như Chúa dạy: Tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu. Hãy đến cùng Thánh Thể, hãy hết lòng thờ phượng và yêu mến Thánh Thể. Hãy luôn ghi khắc lời dạy của Chúa Giêsu: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

Từng người hãy rời xa, hãy bỏ lại những thứ mà bản thân vẫn mong tìm trong cuộc đời như uy quyền, sự giàu có, nhục dục, nhiều thứ đam mê vô bổ, thậm chí tội lỗi..., để tâm hồn có đủ chỗ trống mà lấp đầy bằng chính Chúa Giêsu Kitô, tình yêu và mọi ân ban, mọi quan tâm mà Chúa Kitô dành cho... mục lục

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

ĐẶC SẢN TỪ TRỜI

Chúa Giê-su Là Bánh Thánh Hằng Sống
Người Lãnh Nhận Thỏa Linh Hồn Ấm No.

Ngày xưa, khi thấy manna – loại đặc sản từ trời, dân Israel thấy rất lạ, cho nên họ hỏi nhau: “Cái gì thế nhỉ?” Tương tự như khi thấy người lạ, người ta thường hỏi: “Ai vậy? Ai đây?” Và còn nhiều câu hỏi tương tự như vậy trong cuộc sống đời thường này. Thắc mắc không chỉ vì tò mò mà để tìm hiểu, người ta khôn ngoan nhờ biết thắc mắc đúng đắn và hợp lý.

Theo Kinh Thánh, manna là “man hu,” có nghĩa là “cái gì đây?” – tương tự “what is it?” (Anh) hoặc “qu'est-ce que c'est?” (Pháp) Nhưng người ta cho rằng từ “man hu” có thể có từ nguyên là tiếng Aram chứ không phải là tiếng Do Thái. Một số học giả cho rằng manna do tiếng Ai Cập là mennu, nghĩa là “đồ ăn.”

Manna ăn được, giàu carbohydrates (chất cần thiết để cơ thể hoạt động), nhìn trắng như sương muối, rơi xuống từ trời vào ban đêm, trong như pha lê hoặc giọt sương, rồi cứng và dính, biến thành màu trắng, vàng, hoặc hơi nâu, nhưng sẽ tan biến khi nắng lên. Từ ngữ manna được đề cập 5 lần trong sách Xuất Hành (Xh 16:26-35) và 3 lần trong Kinh Koran.

Xưa có manna kỳ lạ, nay có Thánh Thể kỳ diệu. Trình thuật Ga 6:24-35 cho biết rằng khi người ta không thấy Chúa Giêsu và các môn đệ ở nơi đó thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Ngài. Khi gặp Ngài ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Ngài trả lời nhưng có ý trách họ: “Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi KHÔNG PHẢI vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã ĐƯỢC ĂN BÁNH no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Khi cầu nguyện, chúng ta cũng thường chỉ muốn xin là chính, nhất là “xin như ý mình,” mà lại quên chúc tụng và tạ ơn. Phàm nhân tồi tệ thật!

Người ta nghe Chúa Giêsu nói vậy thì hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Thật tốt khi biết hỏi như vậy. Ngài trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến.” Nhưng họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Thì ra họ chẳng thật lòng, họ chỉ muốn “bắt bẻ” Ngài mà thôi. Đó là dốt mà chảnh. Liệu chúng ta có như họ hay không?

Chúa Giêsu nói thẳng: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Có lẽ lúc này họ đã “sáng mắt” nên họ liền xin Ngài cho họ được ăn thứ bánh ấy mãi mãi. Vậy là còn tốt. Chúa Giêsu xác định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Họ lại xì xầm với nhau, cho rằng Chúa Giêsu nói những lời “khó lọt lỗ tai.” Đám đông phức tạp, khó vừa lòng mọi người!

Thực sự chúng ta may mắn hơn họ vì đã được hưởng di sản quý báu là Đức Tin Công Giáo, đức tin tông truyền. Chúng ta không phải thắc mắc như dân Israel xưa: “Cái gì thế?” Thật đáng để chúng ta tạ ơn lắm!

Trình thuật Xh 16:2-4, 12-15 cho biết rằng dân Israel khổ cực khi ở trong sa mạc, họ than thở và kêu trách ông Môsê với ông Aharon: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây.” Ôi, khổ gì thì khổ, chứ khổ vì đói khát thì khổ lắm!

Thật vậy, vì miếng ăn người ta có thể dám làm bất cứ điều gì, bất chấp hết, thậm chí dám bán rẻ danh dự hoặc lương tâm. Vì miếng ăn mà xảy ra tranh chấp, chiến tranh, ngay cả tình thân cũng có thể mất chỉ vì miếng ăn. Nhà ngụ ngôn La Fontaine (1621-1695, Pháp) nói: “Cái bụng đói không thể lắng nghe.” Và cũng chỉ vì cái bụng mà thằng Bờm không cần thứ gì quý giá không thể ăn ngay, chỉ cần nắm xôi ăn ngay, thực tế là thế. Danh y Anthony nói: “Thực phẩm là cội rễ của vạn vật. Chính thực phẩm và chỉ có thực phẩm mới là thuốc chữa bách bệnh.” Ăn không chỉ để no bụng mà còn để duy trì sức khỏe. Chế độ ăn uống tốt khả dĩ ngăn ngừa bệnh tật.

Thiên Chúa rất thực tế, Ngài thấu hiểu nỗi khổ của dân nên Ngài phán với ông Môsê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không.” Ngài cho ông biết thêm: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thỏa thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” Thật vậy, vào buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Buổi sáng có lớp sương phủ quanh trại. Rồi khi sương tan đi, trên mặt hoang địa có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất.

Khi con cái Israel thấy thế, họ hỏi nhau: “Man hu? – Cái gì đây?” Ông Môsê cho biết: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn.” Thật thế thì đỡ khổ, khỏi lo đói khát vì đã có thịt chim cút và bánh để ăn. Thiên Chúa thử thách chúng ta không phải vì Ngài không biết nên phải “dò sóng,” mà Ngài biết trước cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới. Ngài thử thách để tôi luyện chúng ta mà thôi. Khi nhận ra phép lạ, người ta phải thốt lên: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kỳ công Chúa đã làm.” (Tv 78:3-4)

Tất cả chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Thiên Chúa. Một lời Ngài tuyên phán liền có cả trời đất và muôn loài trong đó, nói chi chuyện rẽ nước cho dân Israel băng qua và vùi lấp quân Ai Cập trong biển nước. (Xh 14:15-31) Manna và chim cút chỉ là “chuyện nhỏ của chuyện nhỏ” mà thôi: “Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm, lại truyền mở rộng cánh thiên môn; Người khiến manna tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ. Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực.” (Tv 78:23-25) Manna được gọi là “bánh thiên thần,” nhắc chúng ta nhớ tới Bí tích Thánh Thể – bánh thiên thần đặc biệt mà chúng ta được tận hưởng, còn dân Israel xưa không hề biết “đặc sản” này.

Lời Thánh Phaolô khuyên dân Êphêsô ngày xưa vẫn “nóng hổi” với chúng ta ngày nay: “Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.” (Ep 4:17) Điều đó vẫn mang tính thời sự bởi vì chúng ta chưa loại bỏ được sự ảo tưởng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống – cả đời và đạo. Nói hay, muốn nhiều, mà làm chẳng được bao nhiêu. Ngôn hành bất nhất!

Đúng như Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Chúa Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Chúa Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4:20-24) Quả thật, phàm nhân chúng ta vẫn mê muội, ù lì, viện nhiều cớ nên vẫn giậm chân tại chỗ – đôi khi còn thụt lùi mới đáng sợ.

Cụ thể là nhiều Mùa Vọng, nhiều Mùa Chay, nhiều kỳ tĩnh tâm, nhiều lần xưng tội, nhiều lần quyết tâm,... Tất cả cứ theo nhau qua đi, con người cũ vẫn chẳng đổi mới được bao nhiêu, chẳng khác gì kiểu ví von của tiền nhân: “Chó đen giữ mực. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ.” Chắc hẳn chúng ta đã nhiều lần tự nhủ: “Tại sao vậy?” Lý do thực tế và đơn giản: “Chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình.” (Napoléon) Thật vậy, Thánh Phaolô đã từng than thở: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19) Buồn lắm!

Lạy Thiên Chúa, xin ban thêm ba nhân đức đối thần cho chúng con, để nhờ đó chúng con có thể thi hành Thánh Ý Ngài và chia sẻ với tha nhân. Xin cho chúng con được no thỏa ân tình Ngài và sống dồi dào nhờ Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô, để đủ sức vượt qua cõi đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

THỨ BÁNH KHÁC CHO MỘT CƠN ĐÓI KHÁC

Đức Giê-su vừa hoàn tất phép lạ hóa bánh ra nhiều (Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước) và một diễn từ dài khởi sự: về Bánh sự Sống, bánh trường sinh. Từ cơn đói tầm thường của những kẻ đã đến nghe Người giảng, và từ thứ bánh Người đã hóa ra nhiều, chúng ta sắp nghe nói tới một cơn đói khác và một thứ bánh khác.

Đói Sống Mãnh Liệt Và Sống Vĩnh Cửu

Trước tiên, câu hỏi vụ lợi của người Do-thái đã khiến Đức Giê-su đưa ra một câu đáp mà bên ngoài chẳng phải là một câu đáp thực. Thật vậy, lời Người trả lời nhắm đến thái độ mà lời họ hỏi han đã không giấu nổi. Họ đã thấy các dấu chỉ hơn một lần, nhưng vẫn không chú ý và không muốn hiểu. Họ chỉ quan tâm đến bánh, đến sự no thỏa vật chất; phép lạ đã chẳng mang lại cho họ ánh sáng về bản thân của Người.

Người bèn kêu gọi họ chớ nhọc công, chạy đôn chạy đáo tìm lương thực hư nát như họ đang làm, nhưng là ra công tìm lương thực trường sinh bằng cách thi hành việc Thiên Chúa muốn. Thế nhưng họ vẫn lẫn lộn công việc của Thiên Chúa (là hãy tin vào Đức Giê-su) với các công việc họ hoàn tất vì Người (tức vô số quy định của nền luân lý rất phức tạp của họ: x. Mt 19,16; 22,34-40). Để được “ăn no nê”, người ta tỏ ra sẵn sàng đặt một giá nào đó: những công việc tốt họ sẽ thực thi làm cho họ xứng đáng ăn bánh bởi trời, họ tưởng vậy. Đó là phản ứng thuần bản năng của tôn giáo loài người trong việc “bán buôn” với Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận làm mọi điều kiện Người đặt, miễn là về phía Người, Người bảo đảm lợi ích cho chúng ta, ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn.

Nên câu trả lời của Đức Giê-su thật ra chỉ là một câu hỏi: “Các ông ra công làm việc vì lương thực nào?” Hãy để mình bị chất vấn thật kỹ, các cơn đói của ta cho biết ta ra sao. Chúng ta muốn ăn, dĩ nhiên, nhưng chúng ta còn muốn nhiều nữa: hiểu biết, yêu thương, chiêm ngắm những vật mỹ miều, có một công việc thú vị... Đó là các cơn đói của phàm nhân chúng ta, là các lương thực chúng ta ra công kiếm tìm.

Đức Giê-su cố gắng hướng cử tọa và chúng ta về những cơn đói sâu xa hơn, “đói sống mãnh liệt và sống vĩnh cửu”: “Anh em đừng chỉ bận tâm đến những cơn đói mau qua, hãy đào sâu trong mình nỗi đói khát một sự sống sẽ chẳng trôi qua bao giờ”. Thay vì cố gắng đổ đầy túi thèm khát vô đáy của xác thịt, của dục vọng, chúng ta phải “ra công làm việc để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” nghĩa là lương thực biến đổi chúng ta nên những con người sống chính sự sống Thiên Chúa và hiệp thông vào nguồn tình yêu không bao giờ cạn của Người.

Nhưng Đức Giê-su đã gặp khó khăn trong việc lôi thính giả khỏi niềm hy vọng được tiếp phẩm cách dễ dàng và kỳ diệu. Họ vừa bị chinh phục vừa tỏ vẻ hoài nghi: “Chúng tôi muốn tin Thầy lắm, nhưng Thầy sắp làm gì để chúng tôi có thể tin? Thầy sắp cho chúng tôi gì nào?” Người từ khước thách thức họ đề nghị với mình: “Thầy đã cho chúng tôi bánh, còn Mô-sê đã cho chúng tôi man-na. Hai vị bằng nhau. Giờ hãy làm một dấu lạ lớn hơn nữa!” Như thường lệ, họ hiểu sai ý nghĩa các lời của Đức Giê-su. Không kể chi đến bản thân Người, họ tiếp tục mơ ước một thứ bánh sẽ từ trên trời rơi xuống, kỳ diệu hơn man-na. Như người nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,15) và như đã làm trong nhiều trường hợp tương tự, họ nài xin Đức Giê-su ban cho họ, đều đặn và luôn luôn, thứ bánh nhưng không ấy.

Chúng ta, Ki-tô hữu, cũng chẳng âm thầm chờ đợi những dấu lạ lớn hơn như thế sao? “Lạy Chúa, xin tỏ cho thấy là Ngài hiện hữu, Ngài toàn năng, lời cầu nguyện được chấp thuận, các bí tích sinh hiệu quả. Tỏ mình đi! Làm dấu lạ đi nào!” Cơn đói của chúng ta có lẽ là vậy. Đói các thuận lợi của tôn giáo, đói những thành công về mặt tổ chức, xây dựng, sinh hoạt của đạo, đói những chuyện giật gân ngoạn mục diệu kỳ, đói sự chiến thắng của Tin Mừng mà không phải qua gian khổ, đói “yên hàn” và “được việc” đôi khi bằng cách quỵ lụy quyền lực thế gian, đói tự do của con người và của con Chúa bằng cách chờ được bố thí chứ không phải bằng đấu tranh ... Vậy thì hãy nghe Đức Giê-su cho rõ.

Bánh Ban Sự Sống Sung Mãn Và Muôn Đời

“Bánh tôi đã ban cho anh em, cũng như man-na Thiên Chúa đã ban xuống cho tổ tiên anh em thời hoang địa chỉ là những dấu chỉ, dấu chỉ về một lương thực cao hơn cho một cơn đói lớn hơn: có một thứ bánh trường sinh ban sự sống mãnh liệt nhất mà anh em có thể ao ước, sự sống trong thế giới này và sự sống trong thế giới vĩnh cửu: sự sống đời đời, sự sống của Đấng đời đời. Sự sống yêu thương, sự sống tự hiến, như đã có trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và bánh ban sự sống ấy chính là tôi!”

Một lời tuyên bố như thế hẳn đã làm cho mọi ai nghe con người ấy bật ngửa. Nếu đây là một tên khùng hoang tưởng tự đại? Phải bỏ rơi hắn lập tức. Nhưng nếu đây là thật? Mà đó đã là thật! Đến phiên chúng ta, hãy nghe điều ấy: “Tôi có thể thỏa mãn mọi cơn đói của anh em, tôi là bánh thật của anh em”.

Bánh là biểu tượng của sự sống. Đức Giê-su, bánh của chúng ta, là Đức Giê-su sự sống của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta đói khủng khiếp cái Người đã mơ ước cho chúng ta, và Người ban Đức Giê-su cho chúng ta để thỏa mãn cơn đói này. Ấy là dự định chúng ta phải đi vào, là công việc của Thiên Chúa mà chúng ta phải thực hiện. Nhưng cách nào đây?

Chúng ta đi vào dự định của Thiên Chúa, thực hiện công việc của Thiên Chúa khi tin vào Đấng Người đã sai, khi không có những cơn đói nhỏ, song là có những khát vọng bao la, khi tin rằng Đức Giê-su là bánh thỏa mãn những khát vọng ấy.

Vậy chúng ta có dám thẳng thắn tuyên xưng rằng mình được Đức Ki-tô thỏa mãn chăng? Người đổ đầy mọi khát vọng của ta chăng? Tại sao đôi khi chúng ta tìm kiếm quá xa Người? Ở quá lâu không Người? Phản lại Tin Mừng của Người? Tại sao chúng ta buồn bã, không thỏa mãn, hãi sợ tương lai? Tại sao chúng ta quá mong được những thành công cụ thể mà chẳng dám hy sinh để bảo vệ các giá trị tâm linh, tinh thần, tôn giáo cho xã hội, mà chẳng dám can đảm để bênh vực chân lý trước sự tuyên truyền của dối trá, mà chẳng dám dấn thân để tranh đấu cho Chúa Ki-tô đang bị đàn áp, ngược đãi nơi biết bao anh em? Người đổ đầy mọi khát vọng của chúng ta, sao chúng ta lại mong được thế gian đổ đầy ân huệ? sao chúng ta lại e ngại khi đề cập đến các vị tử đạo là những đấng đã sẵn sàng mất mạng để đổi lấy sự sống trường sinh, để chứng minh cho người đời thấy là Chúa Ki-tô đã đủ cho họ?

Có một con người giữa thời đại hôm nay đã thấy được Chúa Ki-tô là Đấng đổ đầy mọi khát vọng cùa chúng ta qua phép Thánh Thể: chân phước Carlo Acutis (1991-2006). Vị hiển thánh tương lai này (có thể được tôn phong vào Năm thánh 2025 sắp tới) từng gọi Bí tích Thánh Thể là “đường cao tốc lên thiên đàng” của mình. Từ thời niên thiếu, ngoài việc lần hạt Mân Côi, cậu Carlo thường xuyên dự lễ, rước lễ hằng ngày, xưng tội mỗi tuần và dành nhiều thời gian để chầu Thánh Thể. Cậu nói: “Khi chúng ta đối diện với mặt trời, chúng ta trở nên rám nắng... nhưng khi chúng ta đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta nên thánh thiện.”

Carlo qua đời vì một khối u não vào năm 2006 ở tuổi 15. Trước đó, vào mùa Hè sau sinh nhật lần thứ 11 của mình, cậu đã dành thời gian nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể và tạo ra một trang web để lập 'Danh mục Phép lạ Thánh Thể' nhằm chia sẻ thông tin này với người khác. Cậu đã đi tìm những nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể trên thế giới - những phép lạ được Giáo hội công nhận từ thời kỳ đầu của Ki-tô giáo cho đến ngày nay. Trang web mà Carlo tạo ra có thể được coi như một cuộc triển lãm quốc tế về những sự kiện vĩ đại của bí tích Thánh Thể. Carlo tỏ ra lo lắng khi thấy nhiều người ngày càng xa cách Giáo hội và bí tích Thánh Thể. Cậu muốn trang web của mình sẽ lay động lương tâm các tín hữu: “Hãy trở lại với những điều cốt yếu, hãy quay về và đi đến nhà thờ, đi dự lễ và rước lễ...” Một cuốn sách ghi lại các phép lạ Thánh Thể mà Carlo đã mô tả trên trang web của mình, chứa gần 100 bản tường thuật từ 17 quốc gia khác nhau, tất cả đều được Giáo hội chuẩn y và chứng thực. mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

ĐẾN VỚI CHÚA

Con người luôn khao khát kiếm tìm hạnh phúc. Càng kiếm tìm, người ta càng đói khát. Vật chất là cái chóng qua, bởi thế, nó cũng chỉ làm cho người ta no thỏa tạm thời. Người nghèo lo lắng cho miếng cơm manh áo, hạnh phúc của họ là có đủ cơm ăn áo mặc. Khi đã đủ ăn đủ mặc, người ta lại nỗ lực làm việc mong được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Khi đã phát tài, họ lại bị cuốn vào cuộc chạy đua hưởng thụ. Nhưng liệu người ta có hạnh phúc thật sự không? Có bao người nghèo phải khóc vì quá khổ nhưng cũng có không ít người giàu phải khóc vì không hạnh phúc.

Thời Chúa Giêsu, có rất nhiều người nghèo khổ, bệnh tật. Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, cho họ được ăn no nê.  Nhưng Chúa Giêsu không phải là một vĩ nhân hay một vị thần đến để giải quyết vấn đề nghèo đói hay bệnh tật của nhân loại. Người đã khẳng định rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 37-40).

Sau khi được ăn bánh no nê từ phép lạ hóa bánh của Thầy Giêsu, đám đông dân chúng muốn tôn Người lên làm vua. Biết thế, Đức Giêsu liền trốn lên núi một mình. Khi không thấy Người và các môn đệ ở đó, họ liền đi tìm Người. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi, không phải vì các ông đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Lý do mà đám đông vất vả đi tìm Chúa chỉ vì điều họ đã nhận được: ăn bánh no nê. Còn ta, ta có đi tìm Chúa không? Động lực nào đang thôi thúc ta tìm kiếm Chúa? Theo Chúa, ta được mời gọi hãy tìm kiếm Chúa chỉ vì yêu mến Chúa chứ không phải vì những gì ta nhận được. Tình yêu đích thực phải xuất phát từ con tim chứ không vì cái lợi trước mắt. Tình yêu vô vị lợi phải vượt lên trên cảm xúc, vượt lên trên những tình cảm quyến luyến hay niềm vui, sự an ủi mà ta nhận được. Những ân huệ mà ta đã và đang lãnh nhận là ơn nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải do ta ra công tìm kiếm được.

 Nhìn vào tấm gương của các thánh, ta được mời gọi hãy yêu mến Chúa cách chân thành, vô vị lợi. Các thánh là những người rất trưởng thành trong tình yêu. Các ngài yêu Chúa chỉ vì Chúa. Do đó, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù sướng vui hay đau khổ, các ngài vẫn một lòng yêu Chúa. Còn ta, khi hạnh phúc, ta có nhớ đến Chúa mà dâng lợi tạ ơn, ca ngợi, chúc tụng và cảm tạ Người không? Khi gặp đau khổ, tại sao ta than trách và không đón nhận thánh giá đời mình? Trải qua muôn vàn đau khổ và thử thách, ông Gióp vẫn một lòng kính mến Chúa trên hết mọi sự. Ta hãy suy gẫm lời ông nói: “Chúng ta đón nhận điều lành bởi Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10). Chúa Giêsu biết rõ lòng dạ con người. Người không trách mắng đám đông nhưng hết lòng khuyên nhủ họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 27).

Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6, 29). Mỗi lần đọc kinh Tin Kính là ta đang tuyên xưng đức tin. Nhưng nếu chỉ tuyên xưng đức tin mà không sống đức tin thì chưa gọi là tin. Đức tin nơi ta phải được diễn tả qua hành động, bằng chính đời sống của ta. Tin vào Chúa Giêsu là sống như Người đã sống: tất cả được diễn tả bằng trái tim yêu thương. Đó là mến Chúa và yêu Người. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35). Chỉ bằng cách đến với Chúa Giêsu Thánh Thể – nguồn mạch tình yêu và sức sống của ta, lắng nghe Lời Người dạy dỗ, ta mới biết yêu như thế nào. Người sẽ dạy dỗ và hướng dẫn cho ta trong mọi hành trình, chỉ vẽ cho ta trong mọi việc ta làm. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đâu là cách ta diễn tả đức tin vào Chúa Giêsu?

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương và hướng dẫn con. Cảm tạ Chúa đã luôn bày tỏ cho con tình yêu bao la của Chúa. Xin củng cố đức tin trong con và thêm sức cho con, giúp con biết sống đức tin bằng cả đời sống của mình. Amen. mục lục

Bông hồng nhỏ

CỦA ĂN TỒN TẠI CHO CUỘC SỐNG MUÔN ĐỜI

Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, Ngài đã tạo dựng trời và đất “theo lòng nhân lành và quyền năng toàn năng của Chúa, chứ không phải để gia tăng hạnh phúc cho riêng Ngài. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Chúa thực sự mong muốn những điều tốt đẹp cho con người và hành động theo mong muốn đó.

Man-na và chim cút trong sa mạc

Trên đường tiến về Đất Hứa, cộng đoàn con cái Israel trước cái đói thể lý. Đói không có gì ăn thì sẽ chết. Họ sợ chết, nên họ đã kêu trách Thiên Chúa, người dẫn dắt họ là ông Mô-sê và Aaron vì họ không có bánh và thịt để ăn: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói?” (Xh 16,2-4). Thiên Chúa đã ban cho họ man-na rơi xuống như sương sa và chim cút bay rợp các trại (Xh 16,2-4.12-15).

Bánh và cá do Chúa Giê-su hóa ra nhiều

Dân chúng thời Chúa Giê-su, trước phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, ngay ngày hôm sau họ lại tìm đến Người, mong được ăn bánh nữa. Đám dân này vì cái bụng, hay cụ thể hơn họ sợ chết đói nên đi tìm bánh để ăn chứ không tìm Đấng Cứu Thế. Lời Chúa Giê-su minh chứng: “Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Chúa nói với họ về một thứ bánh khác: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh”. Từ của ăn vật chất, Chúa đã hướng dẫn họ đến của ăn hằng sống. Chúa Giê-su nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6,35).

Hãy ra công làm việc vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời

Từ cái bụng rỗng không có gì, tức đói thể xác, Thiên Chúa đã cho “cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”, nhưng cũng để thử coi dân có tuân giữ lề luật của chúa hay không (x. Xh 16, 4). Từ của ăn phần xác, Chúa Giê-su khơi dậy sự khao khát của ăn đích thực cho sự sống đời đời. Tìm kiếm bánh để ăn là cần thiết, nhưng vun trồng mối quan hệ với Chúa Giê-su, củng cố niềm tin vào Người, Ðấng là bánh sự sống, đã đến để giải cơn đói chân lý, cơn đói công bình, tình yêu còn quan trọng và cần hơn thế nữa. Để có được thì ngay hôm nay phải ra công làm việc, việc đó chính là: “Tin vào Chúa Giê-su là Đấng mà Chúa Cha sai đến” (Ga 6,29).

Chúng ta tự hỏi: Tôi tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì ? Phải chăng là để được ăn bánh no nê? Có người sẽ nói, chúng con đến tham dự Thánh lễ, đến tìm gặp Chúa chứ còn gì nữa. Phần lớn câu trả lời sẽ là như vậy. Chắc chắn Chúa Giê-su rất vui khi thấy chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm Chúa và đi theo Chúa.

Đúng, chúng ta đến đây tham dự Thánh lễ, xin ơn khỏe mạnh phần hồn, an lành phần xác, nhưng sự sống đời đời phải là mục tiêu chúng ta nhắm tới. Lời Chúa Giê-su nói với đám đông xưa kia, cũng là lời Chúa dạy chúng ta ngày hôm nay: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 27).

Chúng ta vẫn làm việc không ngừng đấy thôi, nhưng lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta. Ra công làm việc để có nhiều của cải thăng tiến bản thân, phục vụ gia đình, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội là điều chính đáng. Nhưng không thể làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật dẫn đến bỏ lễ Chúa nhật và lễ trọng buộc, bỏ đọc kinh tối sớm là điều tối cần thiết cho sự sống đời đời. Hãy thực thi đức công bằng trong làm ăn, thuận mua vừa bán, đừng mua thừa bán thiếu, đánh đổi trắng đen, thu lời bất chính, có kiếm được lương thực dồi dào thì cũng hư nát và chỉ dành cho sự sống tạm bợ đời này. Lương thực không hư nát là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực nuôi dưỡng phần linh hồn chúng ta, giúp chúng ta đạt đến cuộc sống vĩnh cửu sau này. Thứ lương thực cao quý ấy được ban bởi Đấng Hằng Sống. Mặc dù được trao ban cách miễn phí, nhưng muốn có được Bánh Hằng Sống ấy, con người phải làm việc, mà công việc Thiên Chúa muốn con người phải làm là hãy đến và tin vào Đức Ki-tô, vì “Ai đến với Ngài, không hề phải đói; ai tin vào Ngài, chẳng khát bao giờ” (x. Ga 6.35).

Vì thế, tin không còn là công việc, nhưng là công trình của Thiên Chúa. Tin là “ra công làm việc… vì của ăn vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 27). Vậy, chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không hư nát là thánh ý Chúa.

Lạy Chúa xin giúp chúng con hiểu rằng, đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Xin đừng để một ai trong chúng con lạc xa thứ lương thực cao quí này. Amen. mục lục

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

CHÚA LÀ CỦA ĂN NUÔI SỐNG CHÚNG TA

Kính thưa anh chị em,

Có câu nói rằng: “Thiên Chúa chỉ cần một ngày để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập; nhưng Ngài lại dùng đến bốn mươi năm để đưa sinh hoạt, văn hoá, và lối sống của người Ai Cập ra khỏi người Do Thái.” Ý nghĩa của câu nói trên là đoạn đường về đất hứa tuy ngắn, nhưng Thiên Chúa cần bốn mươi năm để thanh luyện và giáo dục họ thoát khỏi các tập tục, lề thói mà họ đã bị nhiễm bên Ai Cập mà trở về với đặc tính dân riêng của Thiên Chúa và nhận ra sự chăm sóc của Ngài. Chúng ta cũng thế, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi và hiện diện với chúng ta trong mọi tình huống của cuộc sống để giáo dục và giúp chúng ta nhận ra Chúa là Tình Yêu, là của ăn nuôi sống con người.

Hôm nay trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nhận ra tính hờn dỗi và hay kêu trách của dân Do Thái. Cái gì cũng muốn. Họ chỉ muốn Thiên Chúa làm theo ý của họ. Khi còn bị làm nô dịch bên Ai Cập thì cầu xin Thiên Chúa giải thoát họ, đến khi đối diện với cơn đói khát trong sa mạc thì lại kêu trách, chẳng thà chết no bên nồi thịt tại xứ Ai Cập còn hơn là chết đói ở nơi hoang vu này.

Tâm tình đó dường như cũng xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi được chứng kiến dấu lạ Chúa làm và bụng được no nê, đám đông bèn đi tìm Người. Khi tìm thấy Người và nghe qua cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và họ, chúng ta mới thấy rõ lý do thầm kín bên trong cuộc săn tìm này. Họ tìm Chúa không phải để ca tụng vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa qua việc Người vừa làm. Họ tìm Người vì nhu cầu được thỏa mãn, vì bụng được no nê.

Họ chỉ dán mắt vào của ăn vật chất cần cho thân xác, cho nên đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua dấu lạ Bánh hóa nhiều mà chúng ta mới nghe tuần trước. Thiên Chúa đã ban bánh cho họ để nuôi dưỡng thân xác thể lý của họ, nhưng nhu cầu của thân xác không phải là tất cả những gì họ và chúng ta cần quan tâm; còn một điều cao quí hơn, đó chính là tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua từng biến cố của cuộc sống.

Phần Đức Giê-su, tuy Người đã chạnh lòng, tâm hồn Người rối bời trước cảnh tất bật, lang thang trong cuộc tìm kiếm người chăn chiên của đám đông. Nhưng, không vì thế mà Người chiều theo các yêu cầu vật chất của họ. Người có thể làm thêm vài phép lạ ‘bánh hoá nhiều’ khiến họ khỏi đói. Rồi sau này họ sẽ ra sao! Bánh ăn rồi sẽ phải đói. Nuôi ăn một vài bữa chứ ai nuôi cả đời. Vì thế, Đức Giê-su muốn dậy họ nhớ rằng thay vì tìm bánh nuôi ăn tạm thời thì hãy nỗ lực tìm bánh hằng sống, đó chính là Đức Giê-su. Người đến để thực hiện ý định của Cha Người. Ý của Cha Người là qua Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn họ tìm những gì sâu xa và trường tồn hơn. Người nói: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Thưa anh chị em,

Như thế, điều duy nhất mà Đức Giê-su muốn là chúng ta hãy tin vào Người. Tin ở đây không chỉ tóm gọn như một nhân đức hay là chấp nhận một số tín điều nào đó trong Hội Thánh. Nhưng niềm tin cần được thể hiện bằng công việc mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm.

Tin Đức Giê-su là Đấng nuôi sống chúng ta. Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng ‘ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!’ Vì chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn sống cho chúng ta đến với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa truớc. Đến với Chúa là một hành động của niềm tin. Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc siêng năng đón nhận ‘Mình Thánh Chúa’ không làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa, nên một với Chúa. Nên một với Chúa không phải để cho mình trọn hảo, nhưng đó là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta đến với nhau như là anh chị em một nhà, cùng chia sẻ một niềm tin, cùng đến và trao cho nhau một lòng mến. Có như thế, chúng ta mới đủ can đảm và dũng mạnh chia sẻ cuộc đời mình cho nhau.

Nhưng, nhìn vào thực tế và với lòng can đảm chúng ta phải nhận định rằng đã có bao nhiêu người sống đúng lời mời gọi của Chúa hôm nay! Đến với Chúa qua việc siêng năng đón nhận ‘Mình Thánh Chúa’ thì nhiều, nhưng mấy ai trong chúng ta đã để cho ‘Bánh’ mà chúng ta lĩnh nhận biến đổi chúng ta giống Chúa Ki-tô, để trở thành của lễ hiến dâng cho Thiên Chúa và san sẻ cuộc đời cho nhau và cho thế giới; hay là chúng ta lại hành xử giống như người Do Thái, chỉ biết đến với Người nhằm thỏa mãn nhu cầu riêng của mình. Thậm chí, có một số người lập ra các bảng thông kê, những bó hoa thiêng ghi lại bao nhiêu lần họ đã rước lễ để báo cáo thành tích và cùng tôn vinh nhau. Như vậy, liệu chúng ta có khác người Do Thái cùng thời với Đức Giê-su hay không?

Tuy nhiên, không vì các hiện tượng tiêu cực đó mà chúng ta quên đi các giá trị cao siêu mà Mình Thánh Chúa đã đem lại cho chúng ta. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính phục thái độ của một số người khi đón nhận Thánh Thể Chúa. Chúng ta không cần biết họ là ai? Quá khứ họ ra sao? Nhưng chỉ nhìn thái độ cung kính với lòng mến yêu khi đón nhận, chúng ta cũng nhận ra sức mạnh của Đức Ki-tô trong tấm bánh đã tác động và ảnh hưởng trong cuộc sống họ ra sao.

Đó là chưa kể đến một số trường hơp ngoại lệ mà tôi nghe đuợc trong các trại cải tạo. Cho dù vẫn biết rằng việc cử hành và đón nhận Thánh Thể Chúa sẽ đem lại thêm nhiều nguy hiểm cho anh chị em đang bị giam cầm tại các nơi đó. Nhưng nếu họ không nhận ra đó là nguồn sống đích thật thì mấy ai trong anh chị em có đủ can đảm để làm những việc liều lĩnh như thế. Tôi luôn dành cho họ lòng mến yêu và cảm phục.

Thật vậy, cùng với họ, chúng ta tin Đức Giê-su, Đấng không chỉ làm ra bánh nuôi chúng ta, nhưng chính Người là của ăn đích thật, không chỉ bẻ ra một lần mà từng giây từng phút đã trở thành mảnh vụn nuôi sống và hoà tan vào trong cuộc sống của những người môn đệ, những kẻ đặt trọn niềm tin và cuộc sống vào tay Người cho tha nhân.

Khi xưa, Đức Giê-su đã dùng cả cuộc đời để chỉ dâng một Thánh Lễ! Hôm nay, từng giây từng phút trong lòng Hội Thánh đang có hiến lễ được dâng.

Vì vậy, anh chị em hãy tin rằng, trong từng hơi thở sống động của Hội Thánh, hoà chung với mọi diễn biến xẩy ra trong vũ trụ này, ngay cả sự bấp bênh mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống đều là những cơ hội mà Đức Giệ-su muốn dùng và biến chúng ta thành những miếng bánh, do chính Người bẻ ra, để nuôi sống nhau, đặc biệt cho những ai tin Người là Bánh Trường Sinh, là Đấng ban sự sống. Amen! mục lục

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

BÁNH ĐÍCH THỰC

[Niệm ý Ga 6:24-35]

Không thấy Chúa, người ta đi tìm Chúa
Họ gặp Ngài ở bên kia Biển Hồ
Họ hỏi Ngài đã đến từ bao giờ
Chúa Giê-su nói sự thật với họ.
Rằng không phải họ đã thấy dấu lạ
Nhưng vì họ được ăn bánh no nê
Một thực tế phũ phàng chẳng lạ gì
Vì phàm nhân chỉ thấy điều trước mắt.
Chúa bảo họ hãy ra công làm việc
Không phải vì loại lương thực mau hư
Nhưng để có loại lương thực diệu kỳ
Sẽ đem lại phúc trường sinh, bất tử.
Lương thực đó chỉ có Thiên Chúa có
Họ hỏi Ngài rằng họ phải làm gì
Ngài trả lời: Chúa muốn chẳng lạ gì
Đó là tin vào Đấng Ngài sai đến.
Ngày xưa man-na là thực phẩm
Trong sa mạc, dân chúng đã được ăn
Đó là bánh bởi trời do Chúa ban
Có cả bánh và thịt là chim cút.
Chúa Giê-su, bánh bởi trời đích thực
Bánh đem lại sự sống cho thế gian
Đến với Chúa sẽ được sống bình an
Không bao giờ phải đói và hết khát. mục lục

Viễn Dzu Tử

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan