SUY NIỆM CHÚA NHẬT 20 TN B_2024
[Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58]
HỌC HỎI PHÚC ÂM - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU THẦY - + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
ĐÓN NHẬN ĐỨC KHÔN NGOAN ĐỂ SỐNG ĐỜI ĐỜI - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SỐNG hay KHÔNG SỐNG? - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
THÁNH THỂ - SỰ CAO CẢ CỦA MỘT TÌNH YÊU - Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
SỰ SỐNG - BÁNH SỐNG - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
THẾ NÀO LÀ Ở TRONG CHÚA? - Lm. Yuse Mai Văn Thịnh DCCT
LƯƠNG THỰC NUÔI SỐNG LINH HỒN - Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Thi ca: SỰ THẬT NHIỆM MẦU - Trầm Thiên Thu
Thi ca: SAO ĐỂ CON CÁM ƠN MẸ TỪNG ẤY? - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
HỌC HỎI PHÚC ÂM (Ga 6,51-58)
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc Ga 6,35-51. Đức Giêsu nói "Chính tôi là bánh..." ở những câu nào? Hai lối nói: “bánh hằng sống” (Ga 6,51) và “bánh trường sinh” (Ga 6,35.48) có nghĩa khác nhau không? Đọc thêm Ga 4,10; 6,57; 8,12.
2. Điểm mới mẻ của Ga 6,51 là gì? Câu này có ám chỉ về cái chết của Đức Giêsu không? Cái chết này đem lại điều gì? cho ai?
3. Tìm những động từ “tin” và “đến với” trong Ga 6,35-47? Tìm những động từ “ăn” và cụm từ “ăn thịt và uống máu” trong Ga 6,52-58? Từ đó bạn có thể rút ra những thái độ nào đối với Đức Giêsu?
4. Đọc Ga 6, 51-52. Cho biết phản ứng của "người Do-thái" đối với câu nói của Đức Giêsu? Họ hiểu câu Ga 6,51 như thế nào?
5. Đọc Ga 6,53-54. Qua hai câu này Đức Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì?
6. Đọc Ga 6,56. Trong câu này, Đức Giêsu muốn cho thấy nét đặc biệt gì của bí tích Thánh Thể? Cụm từ “ở lại trong” nhắc ta nhớ đến câu nào khác của Gioan? Đọc Ga 14,10; 15,4-10.
7. Đọc Ga 6,57. Trong câu này, Đức Giêsu muốn cho thấy nét đặc biệt gì của bí tích Thánh Thể?
8. Ga 6,51-56 nói nhiều đến “ăn thịt và uống máu” của Đức Giêsu. Bí tích Thánh Thể có gắn liền với cái chết trên thập giá của Đức Giêsu không? Đọc Ga 1,14; 19,34.
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Bạn có coi việc rước lễ là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu không? Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Ga 6,35-51 Đức Giêsu nói câu “Chính tôi là bánh…” nhiều lần. “Chính tôi là bánh đem lại sự sống” (Ga 6,35.48), “Chính tôi là bánh xuống từ trời” (Ga 6,41). “Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51). Có chút khác biệt giữa hai lối nói: “bánh hằng sống” và “bánh đem lại sự sống”. Bánh hằng sống là bánh có sự sống nơi chính mình (the living bread). Còn “bánh đem lại sự sống” là bánh trường sinh, bánh ban sự sống cho nhân loại (the bread of life).
Ở Ga 4,10 ta gặp lối nói “nước hằng sống” (living water) giống với lối nói “bánh hằng sống” (living bread). Ở Ga 8,12 có lối nói “ánh sáng đem lại sự sống” (the light of life) giống với lối nói “bánh đem lại sự sống” (the bread of life) ở Ga 6,35.48. Còn ở Ga 6,57 ta gặp một lối nói đặc biệt: “Chúa Cha hằng sống” (living Father), lối nói này chỉ xuất hiện một lần ở đây trong Tân Ước.
2. Điểm mới mẻ của Ga 6,51 là lời khẳng định của Đức Giêsu: “Bánh tôi sẽ ban là thịt của tôi cho sự sống của thế gian.” Đây là lần đầu tiên trong Bài giảng ở chương 6, Đức Giêsu nói rằng Bánh mà Ngài sẽ ban là thịt của Ngài. Câu này nói một cách rõ ràng hơn các câu trước về bí tích Thánh Thể. Khi Tin Mừng thứ Tư được viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, bí tích Thánh Thể đã được cử hành trong cộng đoàn tín hữu từ lâu rồi. Trong bí tích này, khi cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu được lặp lại, bánh đã trở nên Thịt (hay “Mình”) của Ngài (x. 1 Cr 11,17-34).
Câu Ga 6,51 cũng ám chỉ đến cái chết của Đức Giêsu, bởi lẽ qua cái chết, Đức Giêsu cho đi chính thịt của Ngài, nghĩa là cho đi chính con người của Ngài. Cái chết này sẽ đem lại sự sống đời đời cho cả thế gian đang cần ơn cứu độ. Trong khi đó phép lạ manna hay phép lạ bánh hóa nhiểu chỉ đem lại sự sống thân xác cho dân Do-thái hay một số đông người, trong một khoảng thời gian ngắn.
3. Trong Ga 6,35-47, có hai cụm từ xuất hiện nhiều lần: ‘tin vào tôi’ (Ga 6,35.40; xem thêm Ga 6,36.47), và ‘đến với tôi’ (Ga 6,35.37.44.45). Trong Ga 6,51-58, ta không thấy hai cụm từ ấy nữa, thay vào đó xuất hiện nhiều lần động từ ‘ăn’ (Ga 6, 51.52.57.58), và cụm từ ‘ăn thịt tôi và uống máu tôi’ (Ga 6,53.54.56). Tóm lại, để có được sự sống đời đời, chúng ta cần đến với Đức Giêsu, tin vào Ngài và lãnh nhận Thịt Máu Ngài trong bí tích Thánh Thể.
4. Trước đây người Do-thái đã xầm xì với nhau khi nghe Đức Giêsu nói mình là bánh xuống từ trời (Ga 6,41). Bây giờ họ tranh cãi sôi nổi với nhau khi nghe Đức Giêsu nói về việc Ngài sẽ ban tặng thịt của mình cho họ ăn (Ga 6,51). Hẳn người Do-thái đã hiểu theo câu này nghĩa đen, nên họ có phản ứng không tin: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được?” (Ga 6,52). Thật ra câu nói của Đức Giêsu ở Ga 6,51 phải được hiểu trong bối cảnh của bí tích Thánh Thể, vì trong bí tích này, bánh thực sự trở nên Thịt của Đức Giêsu để cho thế gian được sống vĩnh hằng (Ga 6,55). Trong Tin Mừng thứ Tư, cũng có những phản ứng hiểu lầm như vậy (Ga 2,19-20; 3,3-4; 4,14-15.31-34).
5. Qua Ga 6,53-54, Đức Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “ăn thịt và uống máu” của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Khi lãnh nhận thịt và máu Chúa, chúng ta mới có được sự sống nơi mình (c.53). Đó là sự sống đời đời, đã bắt đầu ngay từ đời này rồi. Hơn nữa, sự sống đó còn dẫn đến sự sống lại ở đời sau (Ga 6,54). Như thế bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự sống cho từng kitô hữu và cho cả Giáo Hội trên hành trình về quê trời.
6. Ga 6,56 cho thấy việc lãnh nhận thịt và máu Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể đem lại một sự kết hiệp hai chiều: Chúa Giêsu ở lại trong tôi và tôi ở lại trong Ngài. Cụm từ ‘ở lại trong’ là cụm từ đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Nó diễn tả việc Chúa Giêsu gắn bó thiết thân, bền vững và sâu xa với các môn đệ, như cây nho và cành nho ở lại trong nhau (Ga 15,4-10). Tin Mừng thứ Tư cũng dùng cụm từ “ở lại trong” để diễn tả sự gắn bó mật thiết giữa Chúa Cha và Đức Giêsu (Ga 14,10). Thần Khí được mô tả là “ở lại trên” Đức Giêsu (Ga 1,32-33).
7. Gioan 6,57 cho ta thấy một hiệu quả đặc biệt của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, đó là chúng ta được sống “nhờ” (dia) Chúa Giêsu, nghĩa là sống bằng chính sự sống của Ngài. Thế mà Chúa Giêsu lại sống “nhờ” Chúa Cha, nên có thể nói, chúng ta được sống “nhờ” chính sự sống thần linh của Chúa Cha. Như vậy, mỗi khi đến với bí tích Thánh Thể, chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của cả Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta được nuôi bằng sự sống của Thiên Chúa.
8. Chúng ta tin Đức Giêsu là “Ngôi Lời đã trở thành thịt” (Ga 1,18), nghĩa đã làm người có xác thịt như ta. Trên thập giá, khi người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, “lập tức máu và nước chảy ra” (Ga 19,34). Đức Giêsu thật sự có máu, có thịt như ta. Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu thật sự đã ban cho chúng ta thịt và máu của Ngài. Mỗi lần tham dự bí tích Thánh Thể, chúng ta được ăn thịt và uống máu Chúa dưới hình bánh rượu, qua đó chúng ta tham dự vào cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu, tham dự vào sự phục sinh của Ngài, để được sống nhờ Ngài ngay từ bây giờ và được sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,54.57). Khi rước lễ, chúng ta đón lấy Chúa Giêsu, Đấng đã sống như chúng ta, đã chết vì tội chúng ta, và đã sống lại để ban sự sống cho chúng ta. mục lục
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Trong quá khứ, đã có những tranh luận giữa các Ki-tô hữu liên quan đến giáo huấn về sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Câu hỏi được đặt ra là: Đức Giê-su hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu, hay đó chỉ là biểu tượng? Giáo hội Công giáo nhấn mạnh đến thuật ngữ “Biến đổi bản thể”, và thuật ngữ này được giải thích như sau: “Biến đổi bản thể là việc bản thể bánh và rượu biến đổi thành bản thể Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô, sau khi linh mục đọc lời truyền phép, tuy những đặc tính tùy phụ hữu hình (tùy thể) của bánh và rượu như màu sắc, hương vị vẫn tồn tại” (Từ Điển Công giáo). Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo khẳng định: “Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự, và theo bản thể” (số 1374).
Thánh Cy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem (313-387) đã diễn tả sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể một cách rõ ràng và dễ hiểu như sau: “Bánh này không còn là bánh, dù bằng chứng của vị giác thế nào đi nữa, nhưng là thân mình Chúa Ki-tô. Rượu này không còn là rượu dù giác quan có nói thế nào đi nữa, nhưng chính đây là máu Chúa Ki-tô” (Giáo Lý nhiệm huấn IV, 9).
Mặc dù giáo lý về sự hiện diện đích thực của Đức Giê-su đã được Giáo Hội Công giáo đã tuyên tín, nhất là trong công đồng La-tê-ra-nô (Tk 13) và công đồng Tren-tô (Tk 16), những tranh luận thần học vẫn chưa kết thúc. Vì thế, một số giáo phái Ki-tô vẫn cho rằng sự hiện diện này chỉ mang tính biểu tượng.
Thực ra, những tranh luận này đã có từ thời Chúa Giê-su, khi Người diễn giảng về Bánh Hằng Sống. Trong Phúc Âm hôm nay, thánh Gio-an ghi lại cuộc bàn luận sôi nổi giữa người Do Thái. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Họ có lý khi tranh luận và nghi vấn, vì theo lẽ thường, không ai ăn thịt người, trừ một vài bộ lạc thời cổ đại xa xưa. Ở đây, Chúa Giê-su cho biết, những gì Người nói không phải là so sánh hay một biểu tượng, mà là sự thật. Người tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Trong Phúc Âm, cụm từ “Thật, tôi bảo thật các ông” được dùng cho một tuyên bố rất quan trọng, mang tính khẳng định dứt khoát. Trong văn mạch, Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng, chứ không phải ở thể văn so sánh hay biểu tượng. Sự ngỡ ngàng dẫn tới phản đổi gay gắt của những người đồng bào, cho thấy lời khẳng định của Chúa Giê-su lúc đó là chắc chắn.
“Ăn Thịt và uống Máu!”, cụm từ này dễ làm người ta ghê sợ và liên tưởng tới một thời hoang dã, nhưng lại là thật. Đức tin của Ki-tô hữu sống và lớn lên nhờ Thịt và Máu Chúa. Khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa Giê-su (rước lễ), chúng ta được bổ dưỡng thiêng liêng và được nên giống Người.
Đức Giê-su là quà tặng của Chúa Cha cho loài người. Vào đêm tiệc ly, Người lại biến đổi chính bản thân mình làm quà tặng cho nhân loại, mà đại diện lúc đó là các môn đệ. Các ông đã đón nhận quà tặng này với lời dặn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Như thế, bất kỳ ở nơi đâu, khi có thánh lễ được dâng, thì ở đó có Mình và Máu Chúa Giê-su.
Ki-tô hữu, khi rước Mình Thánh Chúa, phải chuẩn bị tâm hồn, và phải nỗ lực cố gắng để nên hoàn thiện. Trong nghi thức thánh lễ, các linh mục chủ sự thánh lễ vẫn đọc trước khi rước lễ: “Chớ gì việc rước Mình và Máu Chúa đừng nên cớ cho con bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân lành, xin gìn giữ và cứu chữa hồn xác con”. Quả vậy, chỉ khi nào sống trong tình trạng ân sủng, tức là không mắc tội trọng, người tín hữu mới được rước lễ. Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô như sau: “Đừng sống như những kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan…chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí”.
Mỗi ngày, Giáo hội đều chuẩn bị và mời gọi chúng ta đến bàn tiệc Thánh Thể. Nội dung Bài đọc I trong sách Châm Ngôn diễn tả điều ấy: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Thánh Thể không phải hình ảnh hay một biểu tượng, mà là sự hiện diện thực sự của Con Thiên Chúa. Mình và Máu Người sẽ ban sức mạnh cho chúng ta. mục lục
+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
ĐÓN NHẬN ĐỨC KHÔN NGOAN ĐỂ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Lời Chúa trong sách Châm Ngôn giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lời Chúa Giê-su phán ở trên: “Sự khôn ngoan đã xây nhà mình… Pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi” (Cn 9, 1-5).
Hãy lo tìm kiếm Đức Khôn Ngoan
Tìm kiếm Đức Khôn Ngoan là đặc điểm chung của tất cả nền văn hóa Phương Đông cổ đại. Trong mặc khải kinh thánh, Lời Chúa biểu thị sự khôn ngoan. Đức Khôn Ngoan từ trời, phát xuất từ miệng của Đấng Tối Cao như là hơi thở và Lời của Ngài (Hc 24,3), Đức Khôn Ngoan là “làn gió quyền năng Thiên Chúa, là rạo rực vinh quang của Đấng Toàn Năng, là phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là gương soi hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Ngài” (Kn 7,25-26). Đức Khôn Ngoan cư ngụ trên trời (Hc 24,4), chia sẻ ngai Thiên Chúa (Kn 9,4), sống thân mật với Ngài (8,3).
Đức khôn ngoan hiện diện vui đùa bên cạnh Ngài lúc tạo dựng (Cn 8,27-31; x. 3,19; Hc 24,5) và tiếp tục cai quản vũ trụ (Kn 8,1). Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã sai Đức Khôn Ngoan thực thi sứ mạng ở trần gian này. Đức Khôn Ngoan đã cư ngụ ở Ít-ra-en, ở Giê-ru-sa-lem, như cây sự sống (Hc 24,7-19), và biểu lộ dưới hình thức cụ thể là Lề Luật (Hc 24,23-34). Kể từ đó, Đức Khôn Ngoan luôn ở với con người cách thân mật (Cn 8,31; Br 3,37). Đức Khôn Ngoan che chở lèo lái lịch sử (Kn 10,1-11,4), chính Đức Khôn Ngoan đảm bảo ơn cứu độ cho con người (9,18).
Theo tác giả sách Châm Ngôn thì chính Đức Khôn Ngoan ban tặng đồ ăn thức uống cho những kẻ ngây thơ, tín thành và ban tặng sự sống cho kẻ bỏ đi sự ngây dại và bước đi theo đường lối khôn ngoan (x. Cn 9, 6).
Đức Giê-su, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa
Theo thánh I-rê-nê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả: Người tìm thấy niềm vui giữa loài người … “Người đã làm người giữa muôn người … Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người ” (Kinh Tin Kính của Thánh I-rê-nê).
Con người có được sự sống là nhờ Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người thông ban sự sống ấy cho, và sở dĩ con người được hiệp thông với Thiên Chúa là nhờ Đức Khôn Ngoan ở giữa loài người, là chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Những lời cuối trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giê-su trong đoạn Tin Mừng (Ga 6, 51-58) hôm nay là bằng chứng.
Theo thánh Gio-an, Chúa Giê-su chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể, đích thân mời gọi chúng ta ăn Người, để có sự sống trong chúng ta: “Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6, 53). Bắt đầu đặt bút viết Tin Mừng, Gio-an đã viết: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời mà tạo thành vũ trụ, nay lại sai Ngôi Lời xuống thế để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Tin và đón nhận Chúa Giê-su là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tự chúng ta không thể có sự sống đời đời được, phải cậy nhờ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giê-su. Vì thế, kết hợp cả hai dòng tư tưởng, một của thánh Gio-an và một của sách Khôn Ngoan, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giê-su để được sống đời đời.
Ăn Bánh Giê-su để sống đời đời
Khởi đi từ việc thấy đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giê-su đã “chạnh lòng thương“, làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Họ được ăn bánh no nê nên tiếp tục tìm kiếm và đi theo Chúa. Vì không hài lòng với ý tưởng ấy, Chúa trách họ: “Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Sau lời trách, Chúa gợi lên nơi lòng họ sự khát vọng tìm kiếm thay vì của ăn hay hư nát, thì hãy tìm kiếm lương thực trường tồn là chính Chúa (x. Ga 6). Khát vọng sống trường sinh nổi lên trong họ, Chúa mạc khải cho họ luôn: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).
Lời Chúa Giê-su mời gọi những người Do thái và cả chúng ta ngày hôm nay nữa, hãy đến mà ăn cho no uống cho thỏa. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giê-su và đón nhận Người, bởi chính Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Người, sẽ được sống đời đời. Vì Chính Người ban cho thế gian thịt và máu Người, để cho thế gian được sống (x. Ga 6,51). Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56).
Vậy, hãy nghe và thực hành lời khuyên của thánh Phao-lô mà: “Đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan” (Eph 5, 15). Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thỏa thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho để sống đời đời. Amen. mục lục
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Sự sống là đặc ân do Thiên Chúa ban, nhưng cách sống thì tùy mỗi người, Ngài không ép buộc mà cho tự do chọn lựa. Chắc chắn cách sống ảnh hưởng cách chết!
Phần cuối diễn từ Chúa Giêsu thuyết giảng tại hội đường Caphácnaum được Thánh Gioan kể trong trình thuật Ga 6:51-59. Chính Chúa Giêsu xác định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Khi nghe Chúa Giêsu nói vậy, người Do Thái “nóng gáy” và tranh luận sôi nổi với nhau. Họ cho rằng Chúa Giêsu không thể cho chúng ta ăn thịt của mình. Họ không thể hiểu điều Ngài nói. Nếu chúng ta hiện diện với họ và được nghe Ngài nói vậy, chắc chắn chúng ta cũng chẳng hiểu, thậm chí có thể dám manh động chứ chẳng ngồi yên. Nhưng thật may là chúng ta đã “kịp hiểu” nhờ tiếp nhận đức tin tông truyền từ nhiều thế hệ trước.
Chúa Giêsu biết họ “đau tai, nhức óc” nhưng Ngài vẫn phân tích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông KHÔNG ăn thịt và uống máu Con Người, các ông KHÔNG có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI, và tôi sẽ cho người ấy SỐNG LẠI vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI.”
Đối với người Công Giáo, khi tiếp rước Thánh Thể là họ được “hòa tan” vào Chúa Giêsu, được sống bằng sự sống của Ngài. Ai mở lòng ra với Ngài thì Ngài sẽ đại lượng trao ban, vì Ngài luôn muốn người ta được sống và sống dồi dào. (Ga 10:10)
Phàm nhân không thể hiểu được hoạt động của Sự Sống. Đó là một quá trình diễn ra từ lúc sinh vật được tạo thành (sinh ra) cho đến lúc bị phân hủy (chết đi). Sự sống là điều kiện cho phép một thực thể sinh ra, tồn tại và chết đi tại một thời điểm nào đó. “Sinh ký, tử quy” là quy luật bất biến. Không ai biết lúc nào khởi đầu và khi nào kết thúc. Người ta tóm tắt công trình của bác học Pasteur thành định luật: “Omne vivum ex ovo – Mọi sự sống đều bắt đầu từ trứng.” Sự sống kỳ diệu được đúc kết thành ba quy luật: [1] Có cấu trúc phức tạp và tinh vi, [2] Có tổ chức phức tạp và tinh vi, [3] Thông tin của sự sống ổn định, chính xác và liên tục.
Thánh GH Gioan Phaolô II tái xác định giá trị của sự sống con người và tính bất khả xâm phạm của sự sống trong thông điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng Sự Sống, 25-3-1995), và nhân danh Thiên Chúa mà thiết tha kêu gọi mọi người phải tôn trọng, bảo vệ, yêu mến và phục vụ sự sống con người. Ngài mời gọi mọi người dấn thân vào cuộc chiến giữa “văn hóa sự chết” và “văn hóa sự sống.” Cuộc chiến này được biểu hiện qua Thập Giá Đức Kitô: “Ánh rạng ngời của Thập Giá không bị bóng tối này che đi; thậm chí Thập Giá càng nổi bật rõ nét và sáng tỏ hơn, xuất hiện như là trung tâm, ý nghĩa và cứu cánh của toàn thể lịch sử và toàn thể sự sống con người.” (Evangelium Vitae, số 50)
Giáo Hội đã xác định sự sống là quyền bất khả xâm phạm. Sự sống cần có lương thực, nhưng sự sống đời này chỉ tạm bợ, mau qua và chắc chắn sẽ kết thúc, quan trọng là sự sống vĩnh hằng. Khi một thanh niên giàu có hỏi về sự sống đời đời, Chúa Giêsu xác định: “Nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ các điều răn.” (Mt 19:17) Ngoài các điều răn, Chúa Giêsu còn trao ban cho chúng ta loại lương thực đặc biệt để nuôi dưỡng chúng ta trên đường lữ hành trần gian: Bánh Trường Sinh – tức là Bánh Hằng Sống, Bánh của Sự Sống đời đời.
Chúa Giêsu lặp đi lặp lại và nhấn mạnh vấn đề này để chuẩn bị tinh thần cho người ta có thể hiểu về Thánh Thể – loại Bánh đặc biệt là chính Thân Mình Ngài. Một sự thật vượt ngoài trí hiểu của nhân loại, phàm nhân khó có thể chấp nhận, vì thế mà Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho chúng ta.
Được nghe nghĩa là được biết, biết thì phải suy nghĩ, nhờ đó mà có thể hiểu, nhưng hiểu rồi có tin hay không lại là chuyện khác. Ai hiểu và tin thì thật là khôn ngoan. Khôn ngoan là một nhân đức cần thiết trong đời sống, cả đời thường và tâm linh. Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. (Tv 111:10) Kinh Thánh nói: “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi.” (Cn 9:2-3) Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” (Cn 9:4)
Người khiêm nhường, đơn sơ như trẻ nhỏ, được Thiên Chúa yêu quý. Đức Khôn Ngoan mời gọi: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.” (Cn 9:5-6) Thiên Chúa muốn “phá ngu kẻ dốt” để họ cũng được nên khôn. Chẳng ai muốn khờ dại, ai cũng muốn khôn ngoan, nhưng muốn thì phải hành động. Đó là vấn đề quan trọng, vấn đề sinh tử. Muốn thì dễ, làm thì khó, nhưng cố gắng làm được thì mới là khôn ngoan thật.
Chúng ta có sự sống nhờ Thiên Chúa. Nhưng đó mới là sự sống đời thường, sự sống sinh học. Nếu có Thiên Chúa trong mình, người ta mới thực sự có sự sống tâm linh, sự sống siêu nhiên. Thánh Vịnh gia vui mừng chia sẻ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.” (Tv 34:2-3)
Thánh Vịnh gia có Thiên Chúa và muốn mọi người cũng có Thiên Chúa như mình nên đã lên tiếng: “Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi. Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ, còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì. Các con ơi, hãy đến mà nghe, ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa.” (Tv 34:10-12) Ý tưởng tương tự cũng đã được Đức Maria bày tỏ trong bài ca Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1:52-53)
Thánh Vịnh gia vừa hỏi vừa trả lời: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hòa.” (Tv 34:13-15) Chắc chắn ai cũng muốn vế thứ nhất, nhưng vấn đề vô cùng quan trọng là phải cố gắng thực hành vế thứ hai bằng mọi giá. Như vậy là khôn ngoan và có sự sống của Thiên Chúa.
Cũng với ý tưởng đó, Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì CHÚNG TA ĐANG SỐNG NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI.” (Ep 5:15-16) Nhận xét của Thánh Phaolô càng đúng hơn trong thời đại ngày nay. Ngày nay người ta bất chấp mọi thứ, không chút xót thương dù là người thân máu mủ ruột rà, chỉ cần có lợi cho mình. Quả thật, “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7)
Sống hay không sống là tùy ý mình. Sống khôn ngoan không dễ, xã hội ngày nay nhiễu nhương, sự khôn ngoan càng cần thiết hơn bao giờ hết. Về cách sống khôn ngoan, Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng HÃY TÌM HIỂU ĐÂU LÀ Ý CHÚA. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:17-20)
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Nguồn Sống của chúng con, xin giúp chúng con biết chọn những điều đẹp ý Ngài, nỗ lực và quyết tâm hành động suốt đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục
Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
THÁNH THỂ - SỰ CAO CẢ CỦA MỘT TÌNH YÊU
Nói đến máu thịt là nói đến điều thâm sâu nhất, quý giá nhất, cao cả nhất nơi một con người. Chúng ta không thể tự hình thành máu thịt của mình. Chúng ta cũng không có quyền buộc ai khác cho mình chính máu thịt của họ. Ngay cả cha mẹ, dù sinh ra chúng ta, cũng không thể khiến thân thể, thịt, máu ta theo hình dạng mà họ mong muốn.
Chỉ có Thiên Chúa làm nên và trao ban thân xác, từng giọt máu, từng thớ thịt trên cơ thể mỗi người. Do đó máu thịt là quý giá, là chất thể cao trọng, là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho từng con người.
Người Do thái, từ ngàn xưa, đã xem máu là sự sống. Họ luôn tin, máu thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, không ai được phép ăn máu. Ai đụng đến máu đều bị xem là lỗi pháp luật.
Khi Chúa Giêsu tuyên phán: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy", trước tiên, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta điều cao quý trên mọi điều cao quý. Đó chính là thịt máu của Chúa Giêsu chứ không cái gì khác bên ngoài thân thể Chúa.
Máu thịt con người, tự bản chất đã là điều cao trọng. Nhưng lãnh nhận Chúa Giêsu là lãnh nhận chính thịt máu của Con Thiên Chúa, là lãnh nhận chính Đấng là Thiên Chúa làm người. Đó là thực tại cao cả trên mọi điều cao cả. Đó là danh dự vô cùng của cả loài người chúng ta. Đó là tình yêu không thể kể xiết được ban tặng cho chúng ta từ chính sự rộng lòng vô biên của Thiên Chúa. Đó là vinh quang cả thể mà loài thụ tạo như chúng ta lại có thể có được.
Bài đọc I, sách Châm ngôn mời gọi: "Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế". Theo lời sách Châm ngôn, bánh và rượu đây là Đức Khôn ngoan. Đức Khôn ngoan được "thiên cách hóa" như chính Thiên Chúa: "Đừng ngây thơ dại ngờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết".
Tuy nhiên, sách Châm ngôn vẫn chưa làm sáng tỏ hình tượng bánh rượu. Ta không thể hiểu "bánh của ta" hay "rượu do ta pha chế" là bánh và rượu gì? Bánh và rượu ấy ra sao?
Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là chính Bánh Hằng Sống, Bánh Ban Sự Sống: "Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời".
Chúa Giêsu còn khẳng định và giải thích:
- "Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết".
- "Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy".
- Chúa còn nhắc lại manna để cho thấy tầm quan trọng vô cùng của thịt và máu Chúa: "Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời".
Khi ban thịt máu mình, Chúa Giêsu chấp nhận chịu đau đớn, chịu khổ hình và đi vào cõi chết để rồi phục sinh vì ta. Chúa cho thấy, Chúa yêu chúng ta hơn cả mạng sống của Chúa, như có lần chính Chúa dạy: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình".
Mạng sống vô giá, là điều thiêng liêng phải trân phải quý. Nhưng Chúa yêu ta hơn mạng sống của mình. Đối với Chúa Giêsu, từng người chúng ta là sự thân thiết vô cùng. Chúa hủy mình trở nên lương thực cho linh hồn ta, nghĩa là Chúa muốn ta rước lấy Chúa để mãi mãi trở nên thânh thiết với Chúa, nên một với Chúa, nên vẹn toàn và thánh thiện như Chúa.
Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu lớn lao đến từ Thiên Chúa. "Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một…" (Ga 3, 16) là chính Chúa Giêsu cho chúng ta. Người Con ấy lại cũng yêu chúng ta khôn lường, yêu đến cùng, yêu đến hy sinh thân mình. Trong tình yêu vô cùng ấy, nhờ bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mãi mãi ở lại trong ta, kết hợp cùng ta, nên một với ta.
Chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu? Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu: "Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô". Đồng thời hãy khôn ngoan "biết lợi dụng thời giờ"; "chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa"; "chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần...".
Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ hãy tham dự tích cực, trọn vẹn. Hãy chuẩn bị tâm hồn chu đáo để thoát khỏi tội lỗi mà đón Chúa Giêsu trong linh hồn. Hãy đến trước Nhà tạm khi có thể để cầu nguyện, chuyện trò với Chúa Giêsu. Chính khi thinh lặng nơi Nhà tạm, chúng ta sẽ được Chúa dẫn dắt, soi sáng và ban ơn để ta sống trọn vẹn với cả cuộc đời mình, sự sống mình cho Thiên Chúa và cho chính Chúa Giêsu. mục lục
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Chương 6 Tin Mừng Gio-an là chương cho thấy Đức Giê-su mang đến sự sống cho ta tùy mức độ ta tán đồng chấp nhận tất cả những gì làm nên Người. Phần đầu chương nhấn mạnh đến sự tán đồng của đức tin: “Hãy tin vào tôi”. Bây giờ Đức Giê-su bảo: “Hãy ăn lấy tôi”. Mấy từ này đã khiến người Do-thái ghê rợn, nhưng đối với Ki-tô hữu, vốn biết đó là Thánh Thể, lời tuyên phán ấy dạy cho họ hai điều: sự sống họ nhận được qua việc ăn “bánh hằng sống” là sự sống nào, và việc ăn “bánh hằng sống” này quan trọng đối với sự sống của họ ra sao.
Sự Sống Nào Nhận Được Qua “Bánh Hằng Sống”?
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống...”. Đức Giê-su là “bánh trường sinh” (c. 48), nghĩa là ban sự sống thần linh, vì Người là “bánh hằng sống” (c.51), nghĩa là Đấng có sự sống thần linh trong mình, hay nói đúng hơn, Người là sự sống. “... Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” một sự sống thần linh, đích thực, sung mãn. Những lời quả quyết của Người càng lúc càng rõ rệt và táo bạo.
Chỉ có thể quán triệt những lời quả quyết trên đây của Đức Giê-su nếu chúng ta đặt mình trên quan điểm đức tin, một đức tin cao sâu và liều lĩnh, đức tin mà Người luôn bảo là rất quan trọng. Đức tin này cho ta thấy được “sự sống” một cách hoàn toàn khác hẳn quan niệm thông thường của ta. Vì xét cho cùng, cái mà chúng ta thường gọi là “sự sống” trong lãnh vực tự nhiên, đáng được gọi là “chết” hơn là “sống”. Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Ki-tô, Đấng chính là sự sống, điều chỉnh quan niệm của ta bằng cách nói cho ta hay Thiên Chúa nghĩ gì về thực tại quan trọng này. Khi nói “sự sống” cách cụt ngủn (không có tính từ hay bổ từ), là Đức Giê-su cố ý nói đến sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã thông ban cho tổ tông nhân loại và sau lúc A-đam sa ngã thì Đức Ki-tô đã đến trả lại cho ta. Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã định ban sự sống siêu nhiên ấy cho con cái Người; Người đã chẳng muốn tạo dựng một sự sống thuần túy tự nhiên mà chẳng có sự sống siêu nhiên. Nhìn sự vật với con mắt Thiên Chúa, thì sự sống thuần túy tự nhiên thiếu mất cái đặc tính riêng của sự sống (trao hiến, sung mãn, vĩnh cửu), thành thử nó không được gọi là “sự sống” theo nghĩa đầy đủ và sâu xa.
Vì vậy khi Đức Giê-su tự xưng là “bánh hằng sống” và khi bảo bánh ấy ban sự sống cho ai ăn nó vào, là Người nói về “sự sống” theo nghĩa đầy đủ nhất, sự sống thần linh mà cái chết thân xác sẽ không thể nào hủy diệt được. “Lạy Chúa, đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi.” (Bài Tiền tụng lễ an táng).
Đối với chúng ta, sự sống thể lý mà chúng ta có kinh nghiệm nhiều hơn, chiếm chỗ quan trọng nhất; sự sống siêu nhiên xem ra thường ít quan trọng và mơ hồ. Phải sửa sai quan niệm này theo quan niệm Đức Ki-tô. Khi đứng trước một kẻ nào chỉ chết cách thể lý, như trước con gái ông Gia-ia hay trước anh bạn La-da-rô, thì Người thường gọi cái chết đó là một giấc ngủ (x. Mt 9,24; Ga 11,11); thánh Phao-lô cũng vậy (x. 1Cr 7,39; 11,30; 15,6.18.20.51...). Bởi đó, danh từ đạo gọi chỗ chôn người chết là “cimetière” (Pháp), “cemetery” (Anh), “coemeterium” (Latinh), do từ “koimètêrion” (Hy-lạp), có nghĩa là “phòng ngủ”. Trong các hang toại đạo, người ta thường thấy hàng chữ khắc sau đây: “Vivas in Deo = Hãy sống trong Thiên Chúa”. Ngang phần Lễ Quy (Kinh Tạ Ơn I), linh mục cầu nguyện cho tất cả những ai “đang nghỉ giấc bình an”. Sau hết, tinh thần duy thực siêu nhiên của Giáo Hội còn biểu lộ qua việc Giáo Hội gọi ngày qua đời của các thánh là “dies natalis” = ngày sinh ra trong sự sống đích thực và sung mãn.
“Bánh Hằng Sống” Quan Trọng Ra Sao Đối Với Sự Sống?
Sự sống đích thực và sung mãn nói trên có được là nhờ chúng ta khi còn ở trần gian đã biết ăn lấy “bánh hằng sống” (mỗi lúc đi dự Thánh lễ). Nhưng niềm tin này hiện nay có vẻ lu mờ. Ta ngày càng nghe câu nói chết người đối với cuộc sống Ki-tô hữu: “Tôi thì tin đạo nhưng không giữ đạo”. Điều này cũng thấy được qua thực tế. Số giáo dân đi lễ Chúa nhật ngày càng ít ỏi, nhất là tại các nước Âu châu và Bắc Mỹ. Đài Va-ti-can từng cho biết: ở Hy-lạp, Chính thống giáo là quốc giáo, nhưng số người Chính thống sống phụng vụ chỉ được 3%; bên Anh quốc, Anh giáo là quốc giáo (theo Hiến pháp), nhưng số tín hữu đạo này tham dự các sinh hoạt nhà thờ chưa tới 1/10. Công giáo thì có khá hơn chút đỉnh nhưng cũng đáng lo ngại. Tại Pháp, cách đây nhiều năm, ai đi lễ mỗi Chúa nhật thì được xếp vào hạng tín hữu giữ đạo (croyants pratiquants); ngày nay, chỉ cần đi lễ mỗi tháng một lần cũng được xếp vào loại đó. Đấy là chưa kể rất nhiều Ki-tô hữu chỉ tới nhà thờ 4 lần trong đời: một lần được bồng tới, một lần được dắt tới, một lần được rước tới và một lần được khiêng tới! Hy vọng rằng mọi cái trong ta đều chỗi dậy chống lại khẳng định vừa nói: “Tôi thì tin đạo nhưng không giữ đạo”, khẳng định tách rời “hành đạo” với “đức tin”. Nhưng hãy xem mối liên hệ giữa hai điều nầy.
Đoạn suy niệm của chúng ta về Bánh trường sinh trên đây đã cho thấy mối liên hệ Đức Giê-su đích thân thiết lập giữa hai thành tố của đời Ki-tô hữu: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình các ông”. Từ chủ chốt là từ “sự sống” như đã thấy. Người tin đạo mà không giữ đạo cũng có ý tưởng “sống đức tin của mình”. Và điều này lập tức được họ thể hiện ra bằng mối ưu tư đúng đắn về lòng bác ái huynh đệ: “Tôi tin Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người. Nhưng Người không đòi tôi đi lễ mà đòi tôi yêu mến”. Người đòi cả hai đấy! Đấng nói với ta rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã thương yêu anh em” cũng chính là Đấng cảnh cáo chúng ta: “Nếu không rước lấy mình máu Thầy, anh em sẽ chẳng có sự sống của Thầy, sự sống giúp anh em có tình huynh đệ như Thầy đã có”.
Thánh Thể liên kết chúng ta với sự sống của Đức Ki-tô đến độ chúng ta sẽ chẳng dám nghĩ tới điều ấy nếu Người đã không đích thân phán với chúng ta: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong họ”. Thánh Xi-pri-a-nô đã phản ánh điều này một cách rất tuyệt: “Đấng ở tận đáy tâm lòng ta, thì xin Người cũng ở trong tiếng nói của ta”. Có thể thêm: trong các cử chỉ, trong toàn bộ cách yêu thương của ta. Kẻ tin muốn yêu “bất cần thánh lễ” chẳng thấy được rằng mình tin rất ít vì đã coi thường lời mạnh mẽ sau đây của Đức Giê-su: “Không Bánh trường sinh, anh em sẽ chẳng có sự sống”. Kẻ tin nửa vời ấy và kẻ không tin có thể giàu tình huynh đệ, điều này thường gặp, nhưng họ khó và hiếm khi yêu được “như Đức Giê-su”. Đối với kẻ không tin, đó là chuyện bình thường. Đối với kẻ tin, đó là một lệch lạc: muốn làm môn đệ Đức Giê-su, bắt chước Đức Giê-su mà lại chẳng nuôi mình bằng sự sống của Người. Khi không có niềm tin vào Thiên Chúa hay sức sống Thánh Thể, tình yêu trong con người, múc lấy từ trái tim nhỏ bé của họ, rất dễ biến thành ích kỷ, kiêu căng, thậm chí chỉ còn là ngôn từ rỗng tuếch.
Dĩ nhiên có một vấn nạn khủng khiếp: trong thực tế, kẻ năng dự lễ có tình huynh đệ nhiều hơn không? Trước hết, tổng quát hóa luôn là chuyện sai lầm. Nhưng có vô số người sốt sắng với Thánh Thể mà tính dễ thương trường kỳ và lòng quảng đại vô biên của họ nói với ta rất nhiều về “sự sống Đức Ki-tô” ở trong họ.
Nhưng vấn đề Thánh Thể liên hệ tới chúng ta tất cả là vấn đề sinh lực thánh thể của chúng ta. Đón nhận sự sống bằng cách ăn lấy Bánh Sự Sống, điều đó đòi hỏi một thái độ chăm chú, gắn bó nội tâm mà ta cứ thiếu hoài. Chuyện rước lễ dần dần trở nên một ma thuật và một thói lệ, như thể việc di chuyển và đưa bàn tay ra đủ biến ta trở thành người mạnh mẽ xin sự sống. Không, điều đó đòi một đức tin luôn tỉnh thức, luôn hỏi đi hỏi lại ta rằng ta đi rước lễ là vì sao và đến nhận thứ bánh nào. Một “tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới”, một sự sống đã bị nghiền nát để chúng ta có thể chết cho lòng ích kỷ và kiêu căng. Không có cái chết đó, chúng ta thực thi tình huynh đệ sao nổi! Ngoài ra, Thánh Thể còn là sức mạnh giúp chúng ta can đảm tuyên xưng đức tin như các thánh tử đạo và chẳng tuyệt vọng khi gặp đau khổ lớn lao trong cuộc đời, như câu chuyện dưới đây.
Ngày 06-08-1945, quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản. Linh mục Pedro Arrupe (1907-1991, bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên từ 1965-1983 và hiện thụ án phong thánh) lúc ấy đang coi tập viện của Dòng ở ngoại ô thành phố. Người tức khắc thành lập một phái đoàn điều trị y tế và cứu hộ. Trong hồi ký của mình, người có viết như sau: “Một ngày sau vụ nổ bom nguyên tử, tôi đang đi qua những con phố đầy rẫy đống đổ nát đủ loại. Tại nơi trước kia là ngôi nhà của một thiếu nữ, tôi tìm thấy một túp lều được chống đỡ bởi vài cây cột và được che chắn bằng những mảnh thiếc. Tôi cố gắng bước vào nhưng một mùi hôi thối khó chịu đã xua đuổi tôi. Cô gái trẻ là một Kitô hữu, tên Nakamura, đang nằm dài trên một chiếc bàn gồ ghề nhô cao hơn mặt đất một chút. Cánh tay và chân của cô duỗi ra và được bao phủ bởi một số mảnh vải vụn bị đốt cháy... Da thịt cô bị bỏng dường như chẳng còn gì ngoài xương và vết thương. Cô đã ở trong tình trạng này mười lăm ngày mà không thể tự chăm sóc hay tắm rửa; cô chỉ ăn một ít cơm mà cha cô, cũng bị thương nặng, đã đưa cho cô... Kinh hoàng trước cảnh tượng khủng khiếp như vậy, tôi im lặng không nói nên lời. Một lúc sau, Nakamura mở mắt ra và khi nhìn thấy tôi đến gần, mỉm cười với cô, cô nhìn tôi với hai hàng nước mắt và tìm cách đưa cho tôi bàn tay mưng mủ rồi nói với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên: ‘Thưa cha, cha mang Mình Thánh Chúa đến cho con phải không?’” mục lục
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan tiếp tục bàn về ý nghĩa của ‘Bánh trường sinh’, dẫn đưa chúng ta đi vào chiều sâu của phần suy tư mà Ngài và cộng đoàn của Ngài đã trải nghiệm về bí tích Thánh Thể.
Anh chị em tín hữu thuộc các giáo đoàn tiên khởi đã không chỉ tưởng nhớ đến Đức Giê-su, Đấng đã chết để làm chứng cho Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho nhận loại, mà còn làm chứng rằng Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống từ trời xuống và đang hiện diện với họ.
Vì thế, trong phần kết luận của diễn từ, Thánh Gio-an tông đồ muốn nhấn mạnh đến tính hiện thực của bí tích Thánh Thể. Điều này đã được nói đến trong phần trên của bài diễn từ, còn ở đây được nói đến trực tiếp. Những điều Đức Giêsu nói trong diễn từ là một cách nói khác với các cử chỉ, ngôn ngữ của Chúa trong bữa Tiệc Ly. Chính vì thế, tác giả Tin Mừng thứ tư không thuật lại việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Tác giả chỉ đưa ra những suy niệm rất phong phú trong bài diễn từ để giải thích dấu lạ hoá bánh ra nhiều. Chúng ta cùng nhau bước vào chiều sâu và hiệu quả của bí tích Thánh Thể đem lại.
Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm không phát sinh từ nỗ lực tìm kiếm của con người; nhưng đó là việc Chúa đã cử hành như đã đuợc các sách Tin Mừng ghi lại, cụ thể trong trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Mác-cô như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”
Tất cả các hành động “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao ban” của Đức Giê-su trong bữa tiệc vượt qua đã đuợc thể hiện trọn vẹn trong sự chết, cao điểm của mầu nhiệm hiến dâng mà Đức Giê-su đã thực hiện. Thân xác Người là tấm bánh mà Người đã bẻ ra và trao ban để nuôi sống muôn người. Cuộc sống và sứ vụ của Người là bài ca chúc tụng Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã không trao cho chúng ta một kế hoạch, một chương trình để biến đổi xã hội. Người đã không đến để lãnh đạo một cuộc cách mạng chống lại sự chiếm đóng của đế quốc Rô-Ma. Thậm chí, Người cũng không phá hủy và quét sạch chế độ nô lệ mặc dù Người có ý làm như thế. Điều tiên quyết mà Người đã làm là ban chính mình để bộc lộ Tình Yêu khi Người dâng hiến bản thân cho Cha và Thánh Thần. Có nghĩa là Đức Giê-su đã trao ban cho chúng ta quyền thừa hưởng gia nghiệp của Nước Chúa, tạo cho chúng ta một cuộc sống nhằm giải thoát chúng ta khỏi quyền lực và ảnh hưởng của sự ác khiến cho chúng ta không còn phải chết nữa.
Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta tin rằng có một mối dây liên kết được thiết lập giữa chúng ta và Đức Kitô Phục Sinh. Người đã được sinh ra như chúng ta, trưởng thành và lớn lên theo năm tháng như chúng ta, và cuối cùng Người đã chết, nhưng không như chúng ta, Người đã Phục Sinh. Giờ đây, trong bí tích Thánh Thể, chúng ta làm chứng về sự Phục sinh của Người, Đấng đang sống và nuôi dưỡng để chúng ta đủ sức đi chung một con đường về nhà với Người.
Đức Kitô Phục sinh hiện diện với chúng ta trong Thánh Thể là sự hiện diện đích thật. Thân xác Phục sinh là một thân xác hoàn hảo mà Thiên Chúa đã trao ban lại cho Chúa sau cuộc hiến dâng trên Thập Giá của Người. Bằng vào thân xác đã được Phục Sinh, Đức Giê-su bây giờ có thể có mặt trong bí tích cho bất kỳ người nào khi Thánh Thể được cử hành. Đây không phải là hiện diện vật chất. Nhưng Chúa Giê-su đến với chúng ta bằng sự hiện diện bí tích của mầu nhiệm Thánh Thể, không chỉ đơn giản là một sự hiện diện bên chúng ta mà Người còn đem chúng ta đến tình trạng hoàn hảo ở trong Người nữa.
Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến với chúng ta để chúng ta có thể ăn Mình và Máu Người. Đây chính là của ăn trường tồn và vĩnh cửu biến đổi thân xác chết dở của chúng ta thành thân xác vinh hiển của Đức Chúa. Lúc đó chúng ta làm cho Lời Chúa được ứng nghiệm, đó là: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy."
Tuy được ở trong Chúa là điều cần thiết, nhưng không quan trọng bằng việc Chúa ở trong ta. Có nghĩa là chúng ta tập sống từ bỏ để cuộc sống của mình nên giống Chúa.
Người đã sống nhờ Cha. Người đã trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa và đã trở nên nguồn ơn cứu độ nuôi dưỡng thế gian và những kẻ thuộc về Người thế nào thì trong phận vụ của người môn đệ, chúng ta cũng đuợc hối thúc, để ngày qua ngày, với bí tích Thánh Thể chúng ta sống trong mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô để trở thành của lễ hoàn hảo cho Thiên Chúa trong niềm vui phục vụ và trở thành của ăn cho nhau.
Tóm lại, rao giảng Nước Trời và phục vu tha nhân là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của người môn đệ. Nhưng, để chu toàn đuợc nhiệm vụ cao cả và quan trọng đó, chúng ta cần đuợc nuôi dưỡng bởi sức sống là Thánh Thể Chúa. Chính bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh giúp chúng ta làm đuợc những việc mà thế gian không làm được. Thế gian có thể tạo ra những anh hùng nhưng không tạo thành người môn đệ. Người ta có thể hiến dâng vì lý tưởng. Nhưng người môn đệ hiến dâng mình vì Yêu.
Nguồn ơn sức mạnh đó chỉ có trong Thánh Thể Chúa. Chúng ta chỉ có thể quên mình để phục vụ người khác hết lòng nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Tình Yêu của Đấng đã hiến dâng và sẵn sàng chết vì yêu.
Như vậy, chạy đến với bí tích Thánh Thể để nên một với Chúa là nền tảng và mục tiêu trong cuộc sống của người môn đệ. Không có Thánh Thể Chúa, không có người môn đệ đích thật.
Có nghĩa là, cho dù người môn đệ có làm đuợc bao việc cao cả đến đâu mà không phát sinh từ Thánh Thể Chúa thì giống như người khờ dại xây nhà trên cát. Ơn khôn ngoan đuợc trao ban để chúng ta chọn lựa sự sống và sự sống đó phát xuất từ Mình và Máu Thánh Chúa. Từ đó chúng ta mới có thể sống và đạt được nguyện ước là trong Chúa, chúng ta sống và trở thành của ăn nuôi dưỡng nhau. Amen! mục lục
Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Nếu bạn đưa đoạn Tin mừng về bánh hằng sống cho người khác tôn giáo đọc, họ sẽ rất ngạc nhiên. Cực đoan hơn, họ sẽ nói đoạn Tin mừng này khó tin. Đây hoàn toàn là câu chuyện phi lý và hoang đường. Làm sao một người có thể cho thịt và máu của mình để nuôi sống người khác? Đó là sự kiện gây sốc. Nhưng đây lại là nền tảng và nguồn sống của người Công giáo: Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Đây là lương thực nuôi dưỡng linh hồn con người.
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể về câu chuyện Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống. Ngài đến từ Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cho rằng chỉ có những ai ăn thịt và uống máu Ngài, họ mới có sự sống. Thịt và máu có thể nuôi con người, nhưng làm sao lại ăn thịt một con người? Câu hỏi này được chính khán giả thời đó đặt ra cho Chúa Giêsu. Họ từng chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Họ từng thấy Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại. Nhưng câu chuyện thịt máu này khiến họ tranh luận sôi nổi. Họ cần một câu giải thích rõ hơn từ Chúa Giêsu.
Chúng ta để ý đến sự kiện quan trọng khi Đức Giêsu nói: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Đây là câu điều kiện sống còn, nghĩa là nếu chúng ta không…thì chúng ta cũng không… Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, thì ta không có sự sống. Nói rộng hơn, nếu ta không tin Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng không tin những lời này. Nếu không tin những lời này, thì Thánh lễ ngày nay cũng trở nên vô nghĩa. Và sau cùng, nếu ta không ăn bánh này, thì chúng ta cũng không được sống muôn đời.
Con người muốn sống, và sống trường sinh. Chính Chúa Giêsu hiểu được khao khát thẳm sâu này. Chính Ngài cũng biết nguồn sống này và Ngài đã trao cho con người. Tiếc là sự thật này không hợp lý theo cách nghĩ của phàm nhân. Nhưng sự thật là ai ở trong Chúa thì có sự sống. Ai được Thiên Chúa cứu nghĩa là được ở nơi hạnh phúc. Thánh Gioan dùng rất nhiều lần từ “ở trong, ở lại” với Chúa Giêsu. Để có được điều này, người ấy phải ăn thịt và uống máu Chúa. Hệt như Chúa Giêsu sống nhờ vào Chúa Cha thế nào, thì những ai đón Mình máu thánh Chúa Giêsu cũng ở trong Ngài như vậy. Hoặc nói như thánh Tôma Aquinô: “Hiệu quả đích thực của bí tích Thánh Thể là chuyển đổi con người thành Thiên Chúa.” Hoặc như ngôn ngữ ngày nay, bí tích Thánh Thể giúp ta biến đổi gen giống với “gen” của Thiên Chúa (St 1,26-27). Đây là mầu nhiệm lớn lao!
Có lẽ đây là một trong những diễn từ quan trọng nhất của Chúa Giêsu: Bánh Hằng Sống. Chính Thánh Gioan cũng dành rất nhiều giấy mực để thuật lại mầu nhiệm quan trọng này. Lúc đầu cử tọa có thể hơi sốc, đến rất sốc với thông điệp, nhưng đây là sứ điệp để sống. Bạn cứ nhìn bao nhiêu người tham dự Thánh lễ. Họ nghiêm trang cung kính đón Mình Máu Thánh Chúa trong mỗi Thánh Lễ. Họ đang ăn bánh trường sinh đấy! Đừng quên việc cử hành bí tích Thánh Thể là tâm điểm của sự thông hiệp của Kitô giáo. Nhờ bí tích Thánh Thể, Hội thánh mới trở thành đích thực là Hội thánh. Vì điều này mà Giáo hội không ngừng dâng thánh lễ để cung cấp nguồn sống cho con người. “Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối.” (Thánh Gioan Vianney). Ngược lại, Lời Chúa năm xưa và lúc này cũng như nhau với cùng một thông điệp: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54). Bằng cách nào?
Để trả lời vắn gọn, chúng ta hiểu thế này: các nhà thần học dùng từ “transubstantiation-biến thể”. Làm thế nào Chúa Giêsu có thể hiện diện trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh hình rượu: bánh rượu vẫn có “hình” bề ngoài không thay đổi, nhưng cái “bản thể” hoặc bản tính của bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, đó là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần lúc linh mục đọc các lời truyền phép. Từ lúc đó, Chúa Giêsu không chỉ là một biểu tượng hoặc nhân vật trong quá khứ, nhưng Ngài hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể này. Đây là bí tích mà Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập trong bữa tiệc ly, nơi Ngài đã biến bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài. Bí tích Thánh Thể được xem là “bánh từ trời”và “chén cứu độ”, mang lại sức mạnh cho những ai rước lấy.
Nếu chút giải thích trên đây vẫn khó hiểu, xin bạn cứ yên tâm. Lý do là suốt dòng lịch sử, con người vẫn không sao hiểu hết về mầu nhiệm cao cả này. Điều thú vị là biết bao người được mầu nhiệm Thánh Thể này nuôi sống họ trên hành trình đức tin. Họ đón nhận Chúa và Chúa Giêsu ở lại trong họ. Kinh nghiệm này đòi mỗi người chủ động tìm đến với Bánh hằng sống và với Máu trường sinh. Xin đừng tìm quá xa, vì Chúa đang hiện diện trong mỗi Thánh lễ, nơi rất gần chúng ta. Miễn là chúng ta muốn tham dự Bàn Tiệc Thánh, muốn lãnh nhận Mình Máu Chúa. Điều thú vị là Chúa Giêsu luôn chờ đợi chúng ta. Ngài vẫn luôn cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các mỗi người và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22-26). Đó là nguồn sống của chúng ta.
Cầu nguyện [1]:
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
[Niệm ý Ga 6:51-58]
Trầm Thiên Thu
Nhân Ngày Vu Lan Báo Hiếu sắp tới (15 tháng 7 âm lịch hay 18 tháng 8 dương lịch 2024), Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi - TGp Huế xin gởi đến Quý Vị hai bài thơ dưới đây để suy niệm.
TÂM SỰ MỘT BÀO THAI
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi - TGP. Huế
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.