SUY NIỆM CHÚA NHẬT 21 TN B_2024
Lời Chúa: Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a. 60-69
LỜI HỨA TRUNG THÀNH - + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI! - Lm. Yuse Mai Văn Thịnh DCCT
CHỌN THEO CHÚA GIÊSU KITÔ - Phêrô Phạm Văn Trung.
CHỌN CHÚA MÀ THỜ - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
CHƯỚNG TAI - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
TỪ BỎ THẦY HAY ĐI THEO CHÚA? - Lm. Đaminh Trần Văn Điều, SDD.
ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG - Bông hồng nhỏ
CHÚNG CON BIẾT ĐẾN VỚI AI? - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
NGÔI LỜI CỨU ĐỘ - Viễn Dzu Tử
Trong những Chúa nhật vừa qua, chúng ta đều được nghe Tin Mừng trích từ Phúc âm thánh Gio-an, chương 6. Nội dung của chương này, trước hết là phép lạ nhân bánh cho năm ngàn người ăn no. Sau đó là cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Do Thái xung quanh đề tài Bánh Hằng Sống. Những vấn nạn của người Do Thái được ghi trong Tin Mừng, thực ra cũng là những vấn nạn của con người ở mọi thời đại về những mầu nhiệm Ki-tô giáo, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể. Quả vậy, xung quanh chúng ta hôm nay, có biết bao người đang đặt ra những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa; về cuộc đời, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su; về Giáo hội; về các Bí tích, về thiên đàng và hỏa ngục. Điều này không có gì lạ, bởi vì những việc làm của Thiên Chúa không thuộc cùng một phạm trù với hoạt động của loài người, và những gì Ngài thực hiện là bởi quyền năng của Ngài. Tin vào Thiên Chúa là tin vào Đấng có thể làm mọi sự, là Đấng làm cho cái không thể trở thành điều có thể.
Trước những lời giáo huấn của Chúa Giê-su về Bánh Hằng Sống, nhiều người Do Thái coi là chối tai và họ bỏ, không muốn theo Người nữa. Trong số này, có cả những môn đệ, tức là những người đã được Chúa chọn và đã theo Chúa một thời gian dài. Trước tâm trạng hoang mang của những người còn lại, Chúa Giê-su hỏi nhóm Mười hai, tức là các tông đồ: “Anh em có muốn bỏ đi không?”. Thánh Phê-rô là người lên tiếng trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Chúa Giê-su chắc chắn được an ủi rất nhiều qua câu trả lời của thánh Phê-rô. Đây vừa là một lời tuyên xưng đức tin, vừa là lời đoan hứa trung thành. Lòng trung thành với Chúa không chỉ được thể hiện lúc Người được tôn vinh, nhưng còn trong những thời điểm bi đát của Người. Vào lúc nhiều người muốn bỏ đi, Phê-rô và Mười hai tông đồ vẫn ở lại, dẫu rằng các ông chưa thể hiểu hết ý nghĩa của giáo huấn về Thánh Thể.
Giữa những vấn nạn hóc búa của con người thời đại hôm nay, người tín hữu cần được huấn luyện để trưởng thành trong đức tin và có thể trình bày đức tin của mình, như thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời với sự hiền hòa và lòng kính trọng” (1 Pr 3,15-16). Tuy vậy, để có thể trình bày đức tin của mình, trước hết, Ki-tô hữu phải xác tín vào sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời, cũng như vào tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người nói riêng. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa luôn chờ đợi nơi chúng ta lòng trung thành. Trước hết là trung thành với những lời tuyên thệ trước khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, sau đó là trung thành với giáo huấn của Chúa. Giáo huấn này được chuyển tải đến với chúng ta qua các thừa tác viên của Giáo hội.
Suốt bề dày lịch sử, Thiên Chúa luôn trung thành với con người, kể các khi con người thất tín. Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,12-13). Nếu Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành, thì lòng dạ con người lại hay thay đổi. Lịch sử cứu độ đã chứng minh điều đó. Bài đọc I kể lại Đại hội toàn dân do ông Giô-suê tổ chức, vào thời điểm vừa tiến qua sông Gio-đan, chuẩn bị vào Đất hứa. Đây là dịp để dân riêng của Chúa nhìn lại những bất trung trong quá khứ của hành trình sa mạc. Trước lời hiệu triệu của ông Giô-suê, dân chúng đã đồng thanh tuyên thệ một lòng trung thành với Chúa. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại lịch sử cuộc đời cá nhân cũng như tập thể, để điều chỉnh lối sống đức tin của mình, đoan hứa trung thành với Chúa và đi theo đường lối của Người.
Trung thành với Chúa, chúng ta cũng phải trung thành với nhau trong mối tương quan hằng ngày. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, lòng trung thành bị coi nhẹ. Người ta dễ dàng chối bỏ những gì đã cam kết, và sẵn sàng phản bội nhau vì lợi lộc trước mắt. Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Ê-phê-sô trung thành với Chúa. Ngài dùng hình ảnh đời sống hôn nhân gia đình để diễn tả sự kết hợp gắn bó giữa Đức Ki-tô và Giáo hội của Người. Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta hứa trung thành với Chúa, từ bỏ ma quỷ và tội lỗi. Trong hành trình cuộc đời, đã nhiều lần chúng ta đã “lỗi hẹn” với Chúa. Nhìn lại bản thân và xét mình trước mặt Chúa sẽ giúp chúng ta luôn trung thành với Người.
Trong đời sống chúng ta, nhất là vào những thời khắc bi thương của cuộc đời, Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta. mục lục
+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
Anh chị em thân mến,
Cách hành xử trong cuộc sống giúp chúng ta nhận ra vị trí của chính mình. Tôi còn nhớ một hiện tượng, một thói quen mà người ‘có đạo’ hay thực hiện. Trong thời gian ở trại tỵ nạn Ga-lang, Indo năm nào. Mỗi khi có tầu vượt biên từ Việt Nam đến đảo bình an, thì thùng tiền xin tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đầy hơn. Rồi mỗi khi có phái đoàn đến phỏng vấn nhận người đi định cư tại các nước thứ ba, thì thùng tiền xin khấn tăng vọt, cho đến khi phái đoàn ra về thì lại đến thùng tạ ơn làm ăn khấm khá hơn. Cứ xin khấn rồi lại tạ ơn, tạ ơn xong rồi lại xin tiếp. Lối sống đạo theo vòng xin xỏ rồi lại tạ ơn cứ thế tiếp tục xoay.
Lối sống như thế nói lên mối tương quan giữa mình và Chúa. Có những lúc chúng ta xác tín về việc theo Chúa của mình, nhất là khi gặp được nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Tuy nhiên, lại có nhiều khoảnh khắc, nhất là khi phải đối diện với các thử thách vượt quá sức đón nhận khiến chúng ta cảm thấy chán nản, thậm chí có những người lâm vào tình trạng tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc.
Vì thế, phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay, đặc biệt nội dung của trình thuật Tin Mừng giúp cho chúng ta có cơ hội xét mình và nhận ra chúng ta có phải là các tín hữu theo Chúa và làm theo y Chúa hay vẫn chỉ là tín hữu có tiếng mà không có miếng. Nào mời anh chị em cùng suy tư.
Anh chị em thân mến,
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là cao điểm của một cuộc đối kháng mang tính quyết liệt giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến dấu lạ hoá bánh ra nhiều và đuợc nghe lời giải thích của Chúa về dấu lạ đó. Tuy nhiên, Chúa càng cố gắng làm sáng tỏ sứ điệp bao nhiêu thì lại nhận được sự chống đối không thiếu phần dứt khoát của một nhóm môn đệ bấy nhiêu. Kết quả là có rất nhiều môn đệ đã rút lui và không tiếp tục đi theo Người nữa.
Còn nhóm muời hai, tuy còn ở lại nhưng các ông vẫn chưa toàn tâm, toàn lực theo Chúa. Cụ thể, tại vườn cây dầu và trong hành trình Thương Khó sau này, Phê-rô là người đầu tiên đã chối Chúa. Như vậy, chúng ta thấy tuy cách chọn lựa của nhóm muời hai có phần khá hơn các môn đệ kia, nhưng điều mà Phê-rô đại diện cho nhóm mười hai tuyên cáo hôm nay “bỏ Thầy, chúng con biết theo ai” cũng chỉ là những lời nói suông, dựa trên môi miệng. Vẫn biết là như thế, nhưng đặc tính không tháo lui, tiếp tục dấn buớc bằng tất cả nỗ lực và khả năng của mình khiến cho nhóm muời hai gần với chúng ta hơn.
Thật vậy, việc chúng ta đến với Chúa, đi theo Chúa trước tiên không phát xuất từ mình. Đó là lời mời gọi, hành động lôi kéo từ Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta có thể nối kết, gặp gỡ rồi tin vào Đức Giê-su nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy. Lời mời gọi, hành động lôi kéo đã xuất phát từ Thiên Chúa, bổn phận của chúng ta là thả lỏng, không gồng lên để cuỡng lại và sẵn sàng tự nguyện rồi buông quyền kiểm soát bản thân của chúng ta để theo Chúa. Đây là một sự chọn lựa khôn ngoan của người tín hữu khi họ nhận ra tất cả những gì mình có đều là hồng ân của Chúa, bổn phận còn lại là thi hành việc làm của chủ mình.
Nói thì dễ nhưng thực hành thật khó!
Làm thế nào chúng ta vẫn giữ được tâm hồn thanh thản, không tự mãn trước các việc làm đạo đức của mình. Hình ảnh người biệt phái tự mãn hiên ngang đứng trên bục bàn thờ, rồi mang công trạng ra để khoe trước mặt Chúa. Cuối cùng ra về tay không. Thái độ tự mãn dựa vào công trạng của ông khiến chúng ta nhận ra rằng các việc lành phúc đức đôi khi có thể là những vật cản để mình nhận ra tất cả chỉ là ân huệ của Thiên Chúa muốn qua mình trao ban cho người khác mà thôi. Và nếu là như vậy thì có gì mà khoe khoang.
Còn thái độ của người thu thuế, khúm núm đứng tự đàng xa, sau những hàng ghế cuối của đền thờ; ông đấm ngực nhận mình là kẻ tội lỗi rồi ca tụng những kỳ công mà Chúa thực hiện. Ông là hình ảnh của một kẻ tin, biết trao quyền làm chủ những việc mà mình đã làm được vào tay của Thiên Chúa. Ông ra về và trở thành người công chính vì niềm tin và thái độ khiêm cung của ông.
Cách ứng xử khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, trước tha nhân và trước cả lòng mình của ông giúp chúng ta nhận ra mình chỉ là đầy tớ bình thường, thậm chí còn vô dụng của Thiên Chúa. Tất cả luôn là hồng ân, là cơ hội giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì mà chúng ta làm được hoàn toàn phát sinh từ nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, Đấng làm chủ chương trình và đời sống của mỗi người chúng ta.
Như vậy, buông lỏng sức mạnh kềm chế bản thân mình là buớc tiên quyết để bộc lộ và trao phó lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về mình. Đây chính là thái độ niềm tin của người tín hữu. Tuy nhiên, anh chị em hãy nhớ rằng, chính Chúa Cha mới là đấng che chở, bảo vệ và lôi kéo chúng ta đến để đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su, Con của Ngài.
Và, muốn có được niềm tín thác này, chúng ta phải bước ra khỏi chính mình, dấn thân và trở thành của ăn mà Đức Kitô muốn chúng ta san sẻ cho người khác. Niềm tin của người môn đệ không chỉ được nuôi duỡng bởi các bí tích, nhưng được dưỡng nuôi bởi Người làm nên các bí tích đó. Tất cả các nhiệm tích của Hội Thánh đều dẫn chúng ta về với nguồn của bí tích là Đức Giê-su, Nguồn mọi ân phúc và là Tin Vui cho các kẻ tin.
Nói khác đi, để sống đúng chân tướng của người tin vào Đức Giê-su, thì việc cử hành và lĩnh nhận các bí tích chưa đủ, nhưng truớc hết chúng ta phải trung thành với Con Người của Đức Giê-su Kitô và sống tình huynh đệ với người khác.
Vậy, việc đòi buộc các môn đệ trung tín với Đức Giê-su lệ thuộc vào việc chuyên cần nghe lời giáo huấn của Người, có nghĩa là Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” đồng nghĩa với việc tin vào Đức Giê-su là Đấng nuôi sống chúng ta. Hơn thế nữa, các môn đệ còn đòi buộc buớc theo Người, đi con đuờng Người đã đi và tin rằng đó cũng là con đuờng dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.
Thật vậy, chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn động lực giúp chúng ta sống và đến với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa truớc. Đến với Chúa, gặp gỡ Chúa rồi tin vào Chúa là việc làm của người tin hữu.
Vì thế, thưa anh chị em,
Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa không làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa hơn, nên một với Chúa hơn. Có nghĩa là khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể là lúc chúng ta cũng chịu lấy thần khí và sự sống của Người; đó cũng là thời khắc để Chúa trở thành sự sống và thần khí của đời ta.
Như thế, cuộc sống của chúng ta trở thành hiến lễ. Hiến lễ cũng trở thành cuộc sống. Hiến lễ và cuộc sống là một trong Đức Giê-su thế nào thì đối với chúng ta cũng như vậy. Chúng ta không thể tách cuộc sống của người môn đệ ra khỏi hành vi hiến tế của Chúa được. Đây là một cuộc gặp gỡ thật trọn vẹn nói lên sự hiện diện đích thật của Đức Kitô với Hội Thánh của Người để ban sự sống cho nhân loại.
Thật vậy, nếu không có Đức Giê-su thì cuộc gặp gỡ, mối dây hiệp thông dù mang tính hy tế cũng chỉ là các nghi thức. Và nếu chỉ là các nghi thức thì còn có ích gì! Có Đức Giê-su là có sự sống, và nếu bỏ Đức Giê-su, Thầy yêu dấu ra thì cuộc sống của chúng ta còn có ý nghĩa gì; lúc đó chúng ta còn biết đi theo ai nữa đây! Chỉ có Đức Giê-su Ki-tô vừa là Tin Vui vừa là Đấng trao ban sự sống cho chúng ta mà thôi. Đó là mầu nhiệm của niềm tin.
Chúng ta hãy hân hoan tuyên xưng niềm tin ấy trong Chúa Giê-su Thánh Thể, Người chính là Bánh trường sinh nuôi dưỡng muôn người qua muôn thế hệ. Bỏ Thầy rồi chúng con biết theo ai đây! Thầy chính là sự sống của chúng con. Không có Thánh Thể Chúa thì không có cuộc sống môn đệ. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn gắn bó với Chúa và tha nhân. Amen! mục lục
Lm. Yuse Mai Văn Thịnh DCCT
Sống ở đời, chúng ta cần nghe và yêu cầu những người khác nói những gì hợp lý, Chúng ta không chấp nhận nghe những gì vớ vẩn vu vơ, thậm chí xằng bậy. Người Do thái thời Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng không muốn nghe bất cứ ai nói những lời vô lý. Phản ứng của họ trước những gì Chúa Giêsu nói là điều bình thường, dễ hiểu và rất đáng được thông cảm. Ngay cả ngày nay, chúng ta không khuyến khích ai ngây ngô để rồi bị lừa dối, mê hoặc, khi tin vào những thứ hão huyền, đạo này đạo nọ, chẳng hạn nhóm trừ quỷ Bảo Lộc, Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ, đạo Hà Mòn [1] v..v…
1. Những lời gây sửng sốt
Chắc hẳn các môn đệ của Chúa Giêsu đã rất nhiều lần ngạc nhiên khi nghe Thầy mình nói, ví dụ về cái chết sắp đến của Ngài: “Từ lúc đó, Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Ngài phải đi Gi-rusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16: 21). Chính Phêrô còn lớn tiếng ngăn cản Thầy mình đừng để việc như thế xảy ra: “Ông Phêrô liền kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Ngài: Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22). Chắc hẳn các ông cũng không kém ngạc nhiên khi nghe Thầy mình nêu những điều kiện để theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16: 24). Tất nhiên các ông cũng rất sửng sốt khi Chúa nói về chuyện tha thứ: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22), thậm chí Ngài còn khẳng định rõ ràng: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44) Thật khó mà không ngạc nhiên, thậm chí bị sốc. Thôi thì tính Thầy mình là như vậy! Cách nói của Thầy nhiều khi cường điệu như vậy! Cũng thường thôi! Vị Thầy nào mà chẳng có cái kiểu “thậm xưng” như thế! Có lẽ các môn đệ của Chúa Giêsu đã thì thầm với nhau như thế.
Thế mà hôm nay Chúa lại còn nói một điều cứ như đẩy các ông đến chỗ chẳng còn gì để biện minh: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6: 53-56). Có thể nói, những lời của Chúa Giêsu nghe rất giống một lời mời ăn thịt người. Không có lời nào, kể cả những lời gây sửng sốt trên kia, lại có thể so sánh với cú sốc mà lời này gây ra. Lần này thì quá đáng lắm rồi, đến độ các môn đệ của Chúa Giêsu không còn chịu đựng nổi nữa: “Nghe rồi, nhiều môn đệ của Ngài liền nói: Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60).
Đó không phải là vấn đề của chúng ta hay sao? Chúng ta rất muốn tin vào Chúa Giêsu Kitô. Đúng vậy! Nhưng Ngài đã nói một điều khiến chúng ta khó chịu. Vấn đề với chúng ta không phải là Bí tích Thánh Thể khó tin. Đó không phải là vấn đề. Tất cả chúng ta đều có những kinh nghiệm về chuyện khó tin nhưng rồi ra chuyện đó lại là có thật trong đời. Vấn đề của chúng ta là chúng ta thiếu đức tin vào Chúa Giêsu: tin rằng Ngài là Thiên Chúa. Đó là vấn đề của chúng ta! Đó là vấn đề từ ngàn xưa với những ai theo Chúa. Đó cũng là vấn đề từ lâu với những ai không theo Chúa. Tất cả mọi người đều có vấn đề với Chúa Giêsu, dù ý thức hay không, giống như chúng ta đều có vấn đề nào đó trong đời sống hàng ngày với những người trong gia đình mình: cha mẹ, anh chị em, con cái mình.
Chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì với Chúa Giêsu giá như Ngài giống với chúng ta hơn một chút. Tất cả chúng ta sẽ dễ theo Ngài, không bỏ Ngài, nếu Ngài có vẻ giống chúng ta hơn một chút, hơn là giống Thiên Chúa. Tất cả chúng ta sẽ yêu Chúa Giêsu dễ dàng hơn nếu Ngài cứ suy tưởng, nói năng và hành động ở tầm mức con người hơn là giống Thiên Chúa Cha.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu là con người, 100% là con người, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa, 100% là Thiên Chúa. Chính vì thế, từ thuở tạo thiên lập địa, cho đến giây phút cuối cùng của trời đất, ai có thể nói và dám nói như vậy, nếu Người Ấy không phải là Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6:54-55). Không có một người phàm nào, dù là các bậc đại giác ngộ, hoặc coi mình như đã đạt cảnh giới thần thông biến hóa, từng sáng lập các đạo giáo vĩ đại trên thế giới…có thể và dám tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:56-57). Đó là mặc khải của một Con Người đến từ Thiên Chúa, là mặc khải của Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa thì lời Ngài nói như thế không có gì là chướng tai. Hơn thế nữa, đó là Lời ban Sự sống, Lời Yêu thương Cứu độ.
Để tin và để có được Sự sống đó, người ta không thể dựa vào năng lực phàm nhân của mình, nhưng phải cậy nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6:65).
2. Những lời đem lại sự sống đời đời
Có lẽ Phêrô không thể hiểu hết ý nghĩa của những gì Chúa Giêsu đã nói nhưng ông biết điều cốt yếu: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6: 68). Lời của Chúa Giêsu có khó tin đến vậy không? Có chứ, vì mọi thứ đều khó chấp nhận nếu tâm trí cứ tự coi mình là tiêu chuẩn tuyệt đối và cõi lòng tự đóng chặt lại trước những gì là “huyền nhiệm” vốn vẫn hiện hữu trong đời người, nhưng “siêu việt” tất cả mọi thứ trong đời người. Vấn đề của con người chúng ta là tin, tin rằng “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” Thực ra, trong đời sống thường ngày, chúng ta vẫn đang tin, tin vào rất nhiều người, nhiều thứ thông tin, kiến thức, sự việc… mà tâm trí chúng ta không thể kiểm chứng hết được. Chúng ta nên giống như Phêrô, dù không thể hiểu hết ý nghĩa của những gì Chúa Giêsu đã nói, nhưng vẫn xác tín: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Hẳn Phêrô thường lặp lại những lời này với chính mình. Lời này có thể là một lời cầu nguyện căn cốt cho chúng ta, dĩ nhiên cũng như những câu khác từ các sách Tin Mừng hoặc Kinh thánh mà chúng ta yêu thích. Lời Chúa là một món quà dành riêng cho mỗi người. Lặp lại những câu yêu thích như thế với chính mình khi cầu nguyện để làm cho tâm tưởng và cõi lòng mình được tràn đầy sự sống đời đời là việc đáng khích lệ.
Trước khi nói lời này, một lời tuyên tín, Phêrô nói một lời khác, một lời thú nhận sự yếu đuối của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6: 68). Người ta không thể tin vào Chúa Giêsu và những lời Ngài nói, vốn nhiều khi rất khó lọt lỗ tai: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6: 60), nếu trước đó người ta cứ cho mình là hợp lý và đòi nghe những gì hợp với ý riêng mình, không muốn buông bỏ cái tôi ngấm ngầm tự hãnh của mình: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Ngài nữa” (Ga 6: 66). Chúa Giêsu nói: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6:63). Thánh Thể là đỉnh cao của đức tin chúng ta, nhưng đó cũng là thử thách tột cùng cho những ai không tin, là giọt nước làm tràn ly, làm chảy đi nhiều điều người ta đã tin vào Chúa Kitô nhưng lại không tin rằng Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Ngài hiện diện thực sự nơi hình bánh hình rượu được thánh hiến.
Vấn đề của chúng ta với Bí tích Thánh Thể, tức là với Chúa Giêsu, còn là nhận ra mình nhỏ bé và tầm thường, nhất là khi sa ngã và yếu đuối. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta chết đi và buông bỏ chính mình, sẵn sàng hy sinh cho Thiên Chúa và anh chị em như chính Chúa Giêsu Thánh Thể đã thực hiện. Vấn đề của chúng ta khá lớn, lớn như lòng kiêu hãnh trong tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta. Không có gì ngạc nhiên chúng ta gặp khó khăn khi tin vào Bí tích Thánh Thể, vì tất cả chúng ta đều khó sống Bí tích này, thực hành Bí tích này.
Dẫu khó thế nào, chúng ta được mời gọi cùng tác giả Thánh Vịnh nói lên trong sự khiêm nhường và tin tưởng cậy trông rằng: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì. Vâng, có Ngài, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33: 18-22).
Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta, những người đã được “Thần khí làm cho sống” rằng “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Ep 5:25) để sống một cuộc đời tràn đầy Thần khí của Chúa Kitô với: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ... Những ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Ep 5:22-24). mục lục
Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] Bởi Kòn Y Gyin, sinh năm 1942, ở Sa Thầy - tỉnh Kon Tum, hành nghề cúng bái dựng chuyện “Đức mẹ hiển linh” trao cho sứ mệnh truyền giáo, lập ra cái gọi là “đạo Hà Mòn” lôi kéo, lừa gạt nhiều người dân thiếu hiểu biết: ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không cần chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo thì gia đình sẽ bị ly tán.
Sống ở trên đời có chuỗi những lựa chọn, có không ít người thường thấy ngại khi phải đưa ra những lựa chọn, vì sợ mình lựa chọn sai. Lựa chọn đúng giúp ta hành động đúng, có kết hậu và hạnh phúc, lựa chọn sai thì có điều ngược lại. Đối diện với những chọn lựa, người ta cảm thấy khó khăn và lo lằng, không biết chọn đàng nào cả về tinh thần lẫn thể xác.
Gia đình Giôsuê chọn Chúa
Dân Do Thái thời Giôsuê tại thung lũng Sikem trước nhan thánh Chúa phải đưa ra sự lựa chọn cho số phận của chính mình. Hoặc là chọn các thần cha ông họ đã thờ ở Mêsôpôtamia hay ở Amôrê hoặc là chọn chỉ mình Thiên Chúa. Khi ông Giôsuê bảo người Israel: “hãy chọn ai mà mình muốn phụng sự”.
Kinh Thánh đưa ra nhiều lựa chọn cũng như suốt cuộc đời mỗi chúng ta vậy. Kinh Thánh cho biết cả Chúa và con người đều có những lựa chọn. Chúa truyền lệnh cho con người lựa chọn, sau khi đã cung ứng đầy đủ thông tin mà con người cần biết. Những thông tin đó cần thiết trong việc lựa chọn khôn ngoan. Chúa đã ban cho chúng ta thông tin về chính Chúa, kể cả đức thánh khiết của Ngài, thông tin về tội phạm của con người, giải pháp cho tội ác, Chúa Cứu Thế, và bao nhiêu lời hứa của Chúa cho những ai chấp nhận, và những gì sẽ xảy ra cho những ai chối từ.
Trong lúc chờ dân trả lời, Giôsuê đã công bố lựa chọn của ông: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa” (Gs 24, 15). Dân Sikem đưa ra câu trả lời định đoạt tương lai của chính họ: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại” (Gs 24, 17).
Các Tông đồ chọn theo Chúa Giêsu
Những người bước theo Chúa Giêsu, đặc biệt là các môn đệ đến lúc cũng phải đưa ra sự lựa chọn dứt khoát theo nữa hay không. Dân chúng bỏ Chúa, một số môn đệ rút lui, còn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu hỏi: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô đại diện cả nhóm thưa: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa” (Ga 6, 69-70). Phêrô nhân danh cả nhóm đấy, nhưng nếu hỏi từng ông, cụ thể là Giuđa chưa chắc đã đồng ý với Phêrô.
Phần chúng ta
Dân Do Thái và gia đình Giôsuê chọn Chúa để thờ, nhóm Mười Hai đã chọn theo Chúa. Câu hỏi của Giôsuê, đặc biệt của Chúa Giêsu cũng đặt ra cho chính chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta là con cái của Chúa và môn đệ Đức Kitô có chọn tin theo Chúa là Đấng tốt lành thiện hảo, hay chọn thế gian? Chọn làm theo ý Chúa hay chọn làm theo ý chúng ta? Phụng vụ lời Chúa hôm nay yêu cầu mỗi người phải chọn lựa và đưa ra câu trả lời dứt khoát để chúng ta sống.
Phần đông người kitô hữu chúng ta trong đời sống đức tin ưa thích làm những việc của Chúa hơn là chọn chính Chúa làm cùng đích của đời mình. Chọn tin theo Chúa không dễ dàng chút nào hết. Bởi khi chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh cái “Tôi”, phải từ bỏ ý mình để theo ý Chúa, phải vâng lời Chúa hơn là nghe theo người phàm.
Dân Do Thái thời Giôsuê đã chọn Chúa để được sống trong tự do làm con cái Chúa là Chúa sự sống (x. Gs 24, 15-17). Đến con cháu họ sau khi nghe diễn từ về bánh hằng sống của Chúa Giêsu tại Hội đường ở Capharnaum đã khước từ Chúa. Tại sao vậy? Thưa, vì họ không muốn từ bỏ bản thân. Họ bỏ đi là vì họ lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói: “Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập…” (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con” (1V 19, 4). Giáo huấn của Chúa Giêsu xem ra quá khó nghe, khó chấp nhận và khó thực hành cho nên nhiều người bỏ Chúa Giêsu.
Đối với Phêrô và nhóm Mười Hai thì khác, thấy nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu quay lại nói với các Tông Ðồ: “Cả các con, có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Simon Phêrô trả lời nhân danh Nhóm Mười Hai: “Lạy Thầy, chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Thánh nhân không nói “chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi theo ai?”. Vấn đề là đi theo ai. Câu hỏi này của thánh Phêrô chứng tỏ thế giới và con người ở mọi nơi mọi thời đang rất cần Chúa Giêsu “Bánh Hằng Sống”, thứ lương thực tinh thần không thể thiếu. Tin theo Chúa Giêsu có nghĩa là chọn Người làm trung tâm điểm, lấy Chúa làm lẽ sống của đời ta.
Kinh Thánh đưa ra nhiều lựa chọn cũng như suốt cuộc đời mỗi chúng ta vậy. Kinh Thánh cho biết cả Chúa và con người đều có những lựa chọn. Chúa truyền lệnh cho con người lựa chọn, sau khi đã cung ứng đầy đủ thông tin mà con người cần biết. Những thông tin đó cần thiết trong việc lựa chọn khôn ngoan. Chúa đã ban cho chúng ta thông tin về chính Chúa, kể cả đức thánh khiết của Ngài, thông tin về tội phạm của con người, giải pháp cho tội ác, Chúa Cứu Thế, và bao nhiêu lời hứa của Chúa cho những ai chấp nhận, và những gì sẽ xảy ra cho những ai chối từ.
Chúng ta có quyền lựa chọn và cũng chịu trách nhiệm, nghĩa là nhận hậu quả của hành động của mình. Tuy nhiên Chúa rất nhân từ còn ban Thánh Thàn đến nhắc nhở chúng ta nên lựa chọn gì nữa. Mỗi chúng ta đều nhận được ân sủng của Thánh Linh để biết lựa chọn sao cho được phúc lợi vĩnh hằng.
Lạy Chúa là Đấng nhân từ thương xót, xin dạy con biết lựa chọn những gì xứng đáng, có giá trị vĩnh cửu cho đời này và đời sau nữa. Amen. mục lục
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Kinh Thánh xứng đáng: “Lời ngay thật lưu tồn mãi mãi, lưỡi dối gian chỉ có một thời.” (Cn 12:19) LỜI và LƯỠI liên quan và liên lụy lẫn nhau. Chắc chắn ai cũng yêu thích sự thật, nhưng thực tế lại không như thế, vì người ta không muốn nghe lời thật mà chỉ ưa nghe lời nịnh bợ, tâng bốc.
Một sự thật phũ phàng “chướng tai” có trong trình thuật Ga 6:60-69. Đây là phần cuối diễn từ Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường ở Caphácnaum. Sau khi nghe Ngài nói chính Ngài là Bánh Trường Sinh và phải ăn uống Thịt Máu Ngài để được sống dồi dào, người Do Thái “nóng gáy” phản đối. Ngay cả nhiều môn đệ của Ngài cũng nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Các môn đệ còn vậy huống chi người ta!
Chúa Giêsu biết các môn đệ xầm xì nên Ngài nói: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là THẦN KHÍ và là SỰ SỐNG.” Và Ngài nói thẳng: “Nhưng trong anh em có những kẻ KHÔNG TIN.” Thật là xấu hổ, mắc cỡ! Mang tiếng là theo Thầy, được Thầy mở lòng trí và được thụ giáo bao điều hay lẽ phải, thế mà lại bị Thầy trách nặng nề như vậy. Sự thật mãi là sự thật, không thể biện hộ, và đừng tưởng mình “ngon lành” hơn người khác. Chúa Giêsu nói rõ ràng, đừng tránh né!
Chúa Giêsu biết rõ ai không tin và ai nộp Ngài. Rồi Ngài nói tiếp: “Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Thế là từ đó, nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Ngài nữa. Họ chịu không nổi, họ “choáng” vì nghe toàn là những lời “khó lọt lỗ tai,” đành “bỏ của chạy lấy người” vậy thôi. Ngài không ép ai, được tự do hoàn toàn.
Ngài biết có những người mạnh miệng nhưng nhát đảm, chết khiếp trước khi chết thật, Ngài hỏi thẳng Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Hỏi chi khó vậy chứ? Ai cũng ngại trả lời, nhưng ông Phêrô đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Một lời xác tín mạnh mẽ, “bù” cho lần ông hồ nghi nên suýt chìm trên biển và bị Thầy chê là kém tin, (Mt 14:25-31) và lần ông dám cản bước Thầy nên bị rủa là Satan. (Mc 8:33)
Sự thật không thể che giấu. Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ!” Ngài muốn nói về Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, một môn đệ sẽ nộp Ngài. Có lẽ lúc đó nhìn Chúa Giêsu “thấy thương,” vì nét mặt Ngài buồn lắm nhưng chưa tiện nói ra mà thôi!
Ngày xưa, khi ở Sikhem, ông Giôsuê quy tụ mọi chi tộc Israel, đồng thời triệu tập các kỳ mục Israel, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Ông Giôsuê nói với toàn dân: “Nếu anh em KHÔNG BẰNG LÒNG phụng thờ Đức Chúa thì hôm nay anh em CỨ TÙY Ý CHỌN thần mà thờ, hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Emôri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, CHÚNG TÔI SẼ PHỤNG THỜ ĐỨC CHÚA.” (Gs 24:15)
Tự do là điều Thiên Chúa cho chúng ta “tùy ý,” được toàn quyền sử dụng. Rất thoải mái, nhưng phải khôn ngoan mới biết sử dụng đúng đắn – vì có hệ lụy tốt hay xấu theo sau. Thật ra gọi là tự do nhưng chính sự tự do cũng có giới hạn nhất định của nó. Cái khó là ở chỗ đó. Thật may là dân không có ý như ông Giôsuê nghĩ, và họ xác định: “Chúng tôi KHÔNG HỀ có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người Emôri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, CHÚNG TÔI SẼ PHỤNG THỜ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.” (Gs 24:16-18)
Ước gì tất cả chúng ta, những người đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, trở nên con cái của Thiên Chúa, biết quan tâm như ông Giôsuê và dân Israel xưa, để có thể kiên trì giữ vững đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Có lẽ lúc này chúng ta có thể lặp lại câu ca dao Việt Nam: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, thì tôi vẫn vững như kiềng ba chân.” Cũng có thể coi chiếc kiềng-ba-chân đó là Tin-Cậy-Mến, ba đức đối thần cần thiết lắm.
Ngày xưa có nhiều lúc nổi lên các bè rối, tà thuyết. Ngày nay không thấy các dạng tương tự, nhưng vẫn luôn có những “làn sóng” nguy hiểm hơn, bởi vì càng văn minh hiện đại thì người ta càng tinh vi trong cách chối bỏ Thiên Chúa. Từ nghi ngờ đến chối bỏ đức tin không bao xa, có thể chỉ như một lằn ranh mong manh. Vì thế, luôn phải tự nhủ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa.” (Tv 34:2-3a) Và vì yêu thương mà nhắn nhủ người khác: “Xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.” (Tv 34:3b)
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn chạnh lòng thương những người hèn mọn, thấp cổ, bé miệng, “họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.” (Tv 34:18) Thật vậy, “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề,” (Tv 34:19) còn người công chính “khi gặp nhiều nỗi gian truân, Ngài giúp họ luôn thoát khỏi.” (Tv 34:20) Có được một vị Thiên Chúa như vậy thì không dám rời xa, chỉ có những kẻ khờ dại hoặc ngu xuẩn mới có mưu đồ phản loạn, chống lại Ngài hoặc chối bỏ Ngài!
Thánh Vịnh gia minh chứng: “Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy. Quân gian ác chết vì tội ác, kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân. Chúa cứu mạng các người tôi tớ, ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.” (Tv 34:21-23) Ai cũng đã từng được Chúa cứu thoát nhiều lần, bằng cách này hay cách khác, kể cả những người chưa chân nhận Ngài và tôn thờ Ngài. Chính Ngài đã xác định: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta.” (Ga 10:27) Nghe và sống Lời Chúa là chứng tỏ niềm tin vào Ngài, là sống đạo. Sống đạo từ đâu? Từ chính việc tu thân và ngay tại trong hoàn cảnh sống của mình.
Trình thuật Ep 5:21-32 là lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô về việc “gia đình sống đạo” theo tinh thần Kitô giáo giữa đời thường: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.” Tùng phục nhau không phải theo hệ lụy chủ nhân với tôi tớ, mà đơn giản là lắng nghe nhau, vâng lời nhau, yêu thương nhau, và phục vụ nhau.
Trước tiên là hệ lụy phu thê: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. YÊU VỢ LÀ YÊU CHÍNH MÌNH.” Rất chí lý, bởi vì vợ chồng tuy hai mà một, họ không còn là hai mà chỉ là một mà thôi. (x. Mt 19:6)
Rồi thánh nhân phân tích và dẫn chứng: “Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” Và ông kết luận: “Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.”
Nói chung, dù là ai cũng phải tôn trọng nhau, nhất là vợ chồng – những người luôn ở bên nhau cả tinh thần và thể lý. Có tôn trọng nhau mới biết yêu thương nhau và phục vụ nhau theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô. Người Anh có câu: “A friend in need is a friend indeed – Khi hoạn nạn mới biết bạn thật.” Người bạn tốt không chỉ ở bên ta khi khó khăn, mà còn dám nói thật mà không sợ ta mất lòng. Chẳng mấy ai có người bạn tốt này!
Học giả Tuân Tử (313-235 trước CN, Trung Hoa) phân định rạch ròi ba loại người chúng ta thường gặp trong cuộc sống: “Người chê ta mà chê đúng, đó là THẦY của ta; người khen ta mà khen đúng, đó là BẠN của ta; còn những kẻ nịnh bợ ta chính là KẺ THÙ của ta vậy.” Thầy – Bạn – Kẻ Thù, các khoảng cách rất nhỏ. Cẩn tắc vô ưu!
Có một tư tưởng hay trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử (551-479 trước CN) đáng để chúng ta cùng suy tư: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi.” – Ba người cùng đi, có một người là thầy ta; còn các khuyết điểm của họ, hãy lấy đó làm gương để hoàn thiện hơn.
Lạy Chúa, xin tha thứ và ban Thần Khí đổi mới con mỗi ngày, giúp con hoàn thiện theo ý kiến xây dựng của tha nhân. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục
Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
Vào thế kỷ II, Hoàng Đế Rôma ra lệnh bách hại các kitô hữu trên toàn đế quốc. Có nhiều người sợ hãi đã thối lui và chối bỏ niềm tin vào Chúa. Thánh giáo phụ Polycarpô, khi ấy 90 tuổi, bị bắt bớ vì giữ Đạo. Trong phiên toà xử án, nhà cầm quyền ép ngài tuyên bố công khai từ bỏ Chúa Giêsu, Polycarpô khẳng khái trả lời: “86 năm đi theo Chúa Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi. Vậy tại sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài được?”. Thái độ dứt khoát ấy, đã khiến thánh nhân đón nhận phúc tử đạo.
Polycarpô, môn đệ thân tín của thánh Gioan Tông Đồ, đã can đảm như vị tông đồ trưởng Phêrô nói lời mạnh bạo hôm nay: “Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai? Chỉ nơi Thầy mới có lời ban sự sống”.
A. Bỏ Chúa để mưu tìm hạnh phúc chóng qua ở trần gian.
Cuộc sống thế trần, con người mang đầy tham vọng: danh, lợi, thú. Nhiều kẻ đã không ngại đánh đổi mọi sự nơi mình, để đạt một vinh quang khác mà họ tưởng nghĩ là tuyệt vời, lý thú.
-
Chàng thanh niên giàu có (Mt 19:16-21): anh sống tốt lành khi tuân giữ các giới răn hoàn hảo, nhưng vì tiếc gia tài đồ sộ, không muốn bố thí cho kẻ nghèo, nên đã từ chối đi theo Chúa.
-
Giuđa Iscariốt (Mt 26:14-16): đã theo Chúa ba năm, nhưng vì tham tiền mê của, lại nhẫn tâm nộp Thầy Giêsu cho đối phương. Ông không ngại bỏ Chúa để thêm nhiều tiền sung sướng.
-
Vladimir Lenin, một tín hữu Chính Thống Giáo, đã chối bỏ Thiên Chúa đi theo chủ thuyết Karl Marx cổ võ lối sống cộng sản vô thần, sai lầm muôn thuở.
-
Vua Henri VIII nước Anh, dám coi thường luật Chúa “nhất phu, nhất phụ”, quyết phế bỏ hôn nhân chính thức với Hoàng Hậu Catherine, để cưới người tình Anna Boleyn phi pháp.
B. Theo Chúa để mong vinh phúc vĩnh cửu sau này.
Thực tế, có nhiều người công chính đã can đảm từ bỏ chính mình để trung tín với Chúa cho đến cùng. Họ xác quyết một phần thưởng mai hậu dành cho họ, sẽ không hề mất trong hạnh phúc thiên triều.
-
Tiên tri Êlia một mình chiến đấu với các sư sãi thần Ba-al (1 V 18:20-40) để con cái Israel tỉnh thức và nhận biết Đức Chúa là Thiên Chúa thật. Ông chấp nhận sự truy nã lùng bắt trả thù của Hoàng Hậu I-de-ven, người ủng hộ sư sãi thần dân ngoại.
-
Thánh Gioan Tiền Hô (Mt 14:1-12) vì bảo vệ luật Chúa, đã mạnh dạn lên tiếng phản đối cuộc hôn nhân loạn luân của Vua Hêrôđê Agrippa: vị tiên tri phải ngồi tù và bị chém đầu sau đó.
-
Phó tế Laurensô thời Giáo Hội sơ khai, theo chân phục vụ ĐGH Sixtô II, trung trinh bảo vệ tài sản Giáo Hội giúp đỡ dân nghèo: chấp nhận cái chết đau thương trên giường sắt bị nung nóng.
C. Chúa hằng yêu thương và ước mong ta nhận biết Ngài.
Nguyên nhân nào khiến cho nhiều môn đệ vốn theo Chúa đã lâu, nay vô tâm lià bỏ Ngài? Thưa: họ chỉ biết suy nghĩ mọi sự theo tư duy phàm tục, chưa hướng lòng lên cao để hiểu được lời Chúa dạy bảo.
-
Chúa nói: “Ai ăn bánh này, sẽ sống muôn đời”. Họ nghĩ đến tổ tiên họ đã ăn manna và đã chết.
-
Chúa phán: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”. Họ suy đến luật Môsê đã cấm “không được uống máu, hay ăn thịt gia súc chết ngạt, dơ dáy”(Lv. 11) vì quá ghê tởm.
-
Chúa xác nhận: “Ta là Đấng từ trời mà đến”. Họ biết rõ “ông này là con bác thợ mộc Giuse và mẹ ông chính là bà Maria”(Mt 13:55).
Vì tâm trí quen suy nghĩ theo nghĩa vật chất, không phán đoán sâu xa, nên khó đi theo Chúa.
Người Việt hải ngoại sống định cư trên nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã gần 50 năm dài.
Suốt thời gian ly hương ấy, Thiên Chúa hằng yêu thương dân Việt, qua nhiều cách thức khác nhau:
-
Chúa ban thưởng một môi trường thiên nhiên ưu việt: thức ăn tốt lành vệ sinh, khí hậu tươi mát, tài nguyên dồi dào, văn minh tột bực, mức sống tiện nghi cao cấp, thuốc men đầy đủ (dù nghèo, cũng được chữa trị đến nơi đến chốn)…
-
Chúa lo liệu của ăn thần linh dư dả: có linh mục cử hành Bí Tích với ngôn ngữ tiếng Việt.
-
Chúa ân tặng một đời sống tự do, dân chủ đúng nghĩa: “Pháp bất vị thân”, tôn trọng quyền con người, mọi công dân bình đẳng, hấp thụ văn hoá nâng cao, hưởng nền chính trị bảo đảm…
-
Chúa nối kết tình đồng hương liên đới đậm đà: một Giáo Hội duy nhất, một tiếng mẹ đẻ được duy trì và dạy dỗ ở xứ người, ơn gọi phục vụ dân Chúa dồi dào, lễ hội hành hương liên tục…
Bởi đó, hãy nhận biết tình yêu thương của Chúa, mà đi theo Ngài cho đến cuối cuộc đời: uôn tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, lan toả và san sẻ tình yêu ấy cho những hoàn cảnh bất hạnh, những người kém may mắn, làm chứng cho tình Chúa yêu thương bằng các việc mộ đạo, sống bác ái, chân thật, cho đi.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa hiện diện bên con mỗi ngày, đặc biệt nơi Nhiệm Tích Thánh Thể. Xin gia tăng niềm tin của con vào bí tích Tình Yêu ấy, luôn sốt sắng kính thờ và cung kính đón nhận Mình, Máu Thánh Chúa đều hòa. AMEN. mục lục
Lm. Đaminh Trần Văn Điều, SDD
Có một câu chuyện kể rằng: Có một ông bố giao cho ba đứa con của mình một nhiệm vụ rất quan trọng, hễ ai hoàn thành nhiệm vụ thì ông sẽ trọng thưởng. Cả ba người con nghe xong yêu cầu thì vội vã ra đi. Người con cả lên rừng tìm con thú để về làm món thịt nướng cho cha vì anh nghĩ, chốn rừng sâu nước độc, Chúa sẽ chẳng ở trên ấy. Nhiệm vụ của anh hoàn thành. Người con thứ lặn xuống sông bắt cá vì nghĩ rằng, dưới nước sâu Chúa sẽ chẳng hiện diện. Người con út ra đi, anh xuống thung lũng sâu vẫn gặp thấy Chúa, lên rừng Chúa vẫn hiện diện. Cuối cùng anh trở về tay không. Chỉ có anh con út được cha trọng thưởng dù anh trở về tay không. Bởi anh đã mang về cho cha cả một kho báu, đó là niềm tin vào Thiên Chúa hằng hữu.
Hôn nay, sau khi nghe Thầy Giê-su khẳng khái tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54a), nhiều môn đệ phản đối, có kẻ đã rút lui, không còn đi theo Thầy Giê-su nữa. Có lẽ thầy Giê-su đã rất buồn khi các môn đệ không hiểu tấm lòng Thầy Giê-su yêu thương họ, và càng buồn hơn khi họ bỏ đi, chối từ nguồn sống được ban cho họ. Đối với họ, việc ăn thịt và uống máu con người là điều kinh khủng, chỉ xảy ra ở những kẻ man di mọi rợ. Họ chẳng nhận biết rằng Thầy Giê-su chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. Ga 6, 69b) và Ngài có thể trao ban chính máu thịt Ngài nuôi sống con người vì yêu con người đến cùng (x. Ga 13, 16). Khi chứng kiến sự ra đi, sự chối từ của các môn đệ, Nhóm Mười Hai có lẽ cũng không tránh khỏi sự bối rối. Thầy Giê-su biết trước sẽ có kẻ không tin và kẻ nào sẽ nộp mình nhưng với tình yêu bao la, Thầy muốn cho tất cả đều được nghe lời sự sống. Thầy Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6, 67). Trước câu hỏi của Thầy, Nhóm Mười Hai đứng trước hai chọn lựa: một là nhất quyết trung thành với Thầy, hai là dứt áo ra đi. Ông Phê-rô đã thay mặt anh em thưa với Thầy: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 69). Trước dư luận phản đối Thầy Giê-su, câu trả lời của Tông đồ Phê-rô chính là một xác tín mạnh mẽ, quyết liệt, đã nâng đỡ đức tin của anh em mình. Không những thế, câu trả lời còn cho thấy niềm tin vào Thầy Giê-su và ơn gọi đi theo Thầy nơi nhóm Mười Hai, trước sau như một, quyết chí trung thành.
Về phần ta, ta được lắng nghe lời Thiên Chúa dạy dỗ, được chính Thánh Thể Chúa dưỡng nuôi. Đó là hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho ta. Nhịp sống ngày càng vội vã, hối hả đã kéo ta như càng lìa xa Thiên Chúa. Đức tin mà ta tuyên xưng liệu có trở thành một lời tuyên tín chân thực, thống nhất trong cuộc sống của ta? Ngày hôm nay ta mạnh mẽ ca vang tình yêu Chúa nhưng có đôi lần ta lại lãnh đạm thờ ơ với Chúa. Như thế là thế nào? Chẳng phải lúc ta ngại ngùng giấu giếm mình là Ki-tô hữu khi không làm dấu Thánh, hay khi không rộng lòng chia sẻ với anh em mình vật chất ta có, tình yêu thương của ta,.. là khi ta bỏ Thầy Giê-su rồi sao? Chính Tông đồ Phê-rô cũng đã chối Chúa ba lần vì sợ hãi nhưng cũng ba lần ông thưa với Chúa Giê-su Phục Sinh: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (x. Ga 21, 15-17). Noi gương Ngài, ta hãy sống tinh thần sám hối và yêu mến Chúa mỗi ngày bằng một đức tin sống động.
Lạy Chúa, sau khi hân hoan lắng nghe lời Chúa và dự tiệc Thánh Thể no say, xin cho con can đảm sống lời Chúa bằng một đức tin sống động, một tình yêu mến chân thực. Nếu khi nào con vấp ngã, xin Chúa kéo con về để con được thánh hóa trong Chúa. Amen. mục lục
Bông hồng nhỏ
Diễn từ về Bánh sự sống là nguồn gốc một cuộc khủng hoảng sứ vụ tại Ga-li-lê. Tin Mừng Nhất lãm cũng nhận rằng một khủng hoảng như thế đã được khai mào tại quê hương Đức Giê-su ngay giữa bà con Người, sau khi Người giảng dạy trong hội đường của họ (x. Mt 13,54; Mc 6,1; Lc 4,15). Riêng Gio-an đã mô tả khủng hoảng này cho đến cao điểm của nó. Luôn đi trước trình thuật, ông rút ra từ hoàn cảnh đang mô tả những triệu chứng của việc Đức Giê-su bị dân chúng bỏ rơi, Giu-đa bội phản và thủ lãnh Do-thái mưu hại lúc đến “giờ” của Người. Việc một số môn đệ từ bỏ Thầy hôm nay tiên báo sự từ bỏ (hầu như của tất cả) khi Đức Giê-su bị treo trên thập giá. Thái độ phủ nhận mạc khải về Bánh hằng sống tiên báo quyết định thủ tiêu con người sẽ tự xưng là “sự sống lại và là sự sống” đang khi thực hiện một cuộc hồi sinh lừng lẫy (x. Ga 11). Tất cả chỉ vì đã nghe Đức Giê-su cách quá “xác thịt”.
Chính Thần Khí Mới Tác Sinh
Noi theo đại diện nổi tiếng của mình là Ni-cô-đê-mô, những người Do-thái đã bực tức trước đây và đám môn đệ đang khó chịu lúc này chỉ xét mọi sự dưới khía cạnh phàm tục. Khi phê phán các lời của Đức Giê-su trong ý nghĩa nguyên thủy của chúng cũng như trong lối giải thích của Gio-an trên những nền tảng nhân loại, thì các lời ấy là phi lý quá rõ. Nhưng đọc những lời nói đến sự sống vĩnh cửu trong một viễn tượng nhân loại thì lại còn phi lý hơn.
Họ từ chối, hoặc đối với vài kẻ, chưa đến giờ tin, tất cả là vì không hiểu lời Đức Giê-su trong Thần khí. Họ chẳng chịu vượt qua lối hiểu biết vật chất và “xác thịt” về những lời của Người. Xác thịt đây, theo nghĩa Thánh Kinh, là bản tính loài người, một bản tính bất lực trong việc cứu rỗi chính mình cũng như đón nhận ơn cứu rỗi và sự thật do Đức Giê-su mang đến (x. Mt 16,17). Tại sao họ không chịu vượt? Vì tâm trí họ đóng kín trước điều mới mẻ, tâm hồn họ chẳng sẵn sàng đón tiếp. Họ giam mình trong thế giới vật chất mà họ coi là dễ chấp nhận hơn và dễ kiểm chứng hơn, Những gì Đức Giê-su nói không thể nào có được xét theo loài người, thành thử phải bị loại bỏ. Ở đây, họ tỏ ra thiển cận, chỉ muốn phê phán điều có thể và không có thể ; họ chẳng có ý định đi tìm quan điểm mà từ đó một số tâm hồn đơn sơ (nghĩa là không thành kiến) tự nhiên thấy được lối vào trong thực tại vô biên, thực tại của Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trước một trường hợp điển hình của sự tự mãn ngoan cố và hẹp hòi của trí tuệ con người chỉ muốn phủ nhận cái bên kia những chân trời của nó, thứ trí tuệ từng bị Pascal quở trách: “Đồ ngu dại, hãy im đi!”
Các tay duy vật tân thời dựa trên khoa học để bác bỏ Thiên Chúa cũng thuộc nòi giống này. Họ tiên thiên cho rằng những gì mắt thấy tai nghe, kiểm chứng đo lường được bằng phương tiện khoa học thì mới là thực tại. Tệ hơn nữa, họ còn có thể dùng những biện pháp hành chánh, giáo dục nhồi sọ hay vũ lực nếu cần để bắt người ta thừa nhận điều đó.
Nhưng mối nguy ấy, chính các Ki-tô hữu vẫn có thể gặp. Mất tiếp xúc với Thánh Thể, rồi mất tiếp xúc với Tin Mừng, đức tin chúng ta sẽ không được Thần Khí soi sáng và sẽ dần dần tiêu tan. Thình lình, thánh lễ làm ta chán ngán, một nhà giảng thuyết làm ta tổn thương, cái chết của một kẻ vô tội làm ta công phẫn, Giáo Hội hay đơn giản là ông cha xứ làm ta thất vọng vào chính lúc ta sắp sửa mất thăng bằng, khiến bắt chước “nhiều môn đệ rút lui, ta không còn đi theo Đức Giê-su nữa”.
Thầy Mới Có Những Lời Ban Sự Sống
Thực hiện một nỗ lực vào lúc đó để nhìn Đức Giê-su, và rốt cục nói với Người: “Con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban lại sự sống vĩnh cửu”, có lẽ là một phản ứng cứu thoát ta. Như các Tông đồ đã có được một phản xạ giải thoát họ. Nhờ ân sủng bên trong của Thần khí trợ giúp, họ đã vượt thắng sự khó hiểu bằng cách trung thành với Đức Giê-su chỉ vì Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chắc chắn họ đã chẳng hiểu hết những gì Đức Giê-su đã cố gắng mạc khải về bản thân Người và về sự kết hợp có thể thiết lập giữa Người với chúng ta, nhưng họ đã nắm được cái cốt yếu: chính Thầy mới có thể cho chúng con sự sống vĩnh cửu.
Bị dồn vào chân tường bởi câu Thầy hỏi “Anh em cũng bỏ Thầy chứ?”, nhóm Mười Hai đã biết dán mắt vào Đức Giê-su. Những lời Người nói ra không hề khiến họ chao đảo. Lâm cảnh tiến thối lưỡng nan, họ vẫn tin tưởng vững chắc vào bản thân Người, vào những câu tuyên phán của Người, đang khi nhóm môn đệ nói trên đã làm trái ngược. Họ chỉ biết chú tâm vào vấn đề của mình, thắc mắc của mình: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông?”
Thái độ chú tâm vào Đức Giê-su như thế chính là đức tin, một điều được nhấn mạnh trong cuộc khủng hoảng đang thấy. Đức Giê-su ta gặp trong bản văn hôm nay không có dịu dàng. Người phản ứng như đã luôn phản ứng khi chạm trán với những kẻ bỏ cuộc. Người chẳng còn nói đến tình yêu nhưng đến đức tin, vì “Người biết” trong số các môn đệ, “kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người”. Nhưng đức tin đó, tiếng kêu tin mến đó không phải chúng ta sẽ tự rứt khỏi lòng mình, mà cần phải cầu xin: “Thầy đã bảo anh em, không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban cho ơn ấy”. Lời này xem ra cũng gây kinh ngạc, ta không mấy thích vì khiến ta lúng túng. Chúng ta được yêu cầu phản ứng, làm một cái gì! Nhưng làm gì nếu người ta lại nói đến một ơn huệ nhiệm mầu mà chúng ta chỉ có việc đón nhận? Dĩ nhiên chúng ta cần làm một cái gì đó, nhưng không phải bằng cách hỏi Thiên Chúa về các lựa chọn của Người, mà bằng cách hết sức nhận lấy cái Người đã quyết định ban cho chúng ta.
Thay vì tưởng tượng quá nhanh rằng mình đã đến với Đức Ki-tô, mình muốn đến với Đức Ki-tô và sẽ làm mọi sự vì điều nầy, hãy bắt đầu bằng cách khiêm tốn chấp nhận rằng tất cả tùy thuộc Chúa Cha. Điều đó trước hết sẽ thúc đẩy chúng ta van xin Người cách say mê hơn nữa cái ân huệ được lôi kéo đến với Con của Người. Và chúng ta cũng sẽ quyết tâm hơn trong việc khai thác tối đa sự lôi kéo ấy, mà thánh Gio-an gọi là “tin” theo nghĩa gắn bó tối đa toàn thể con người mình.
Tiếng “tin” rất mạnh nầy đúng ra là tất cả Tin Mừng của ông. Chẳng có vấn đề tỉnh thức, đau khổ, bố thí v.v... như trong Nhất lãm. Nơi Gio-an, tất cả quy về đức tin. Cái mà ta phải làm sẽ nảy sinh cách bình thường từ việc bám rễ vào Đức Ki-tô như thế. Sở dĩ ta có thể nói như Phê-rô: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, đó là vì Chúa Cha lôi kéo ta và vì ta không ngừng củng cố sự lôi kéo ấy ; câu ta nói “chúng con biết đến với ai?” sẽ chẳng phải là tiếng thở than trước cơ hội cuối cùng hay chút gắn bó tình cảm còn sót lại với một Đức Giê-su thời ta còn nhỏ. Trong nước mắt và nụ cười của lòng tin-mến nơi ta, câu đó sẽ như lời thách thức mà thánh Phao-lô đã từng đưa ra: “Hãy nói cho biết ai có thể tách tôi khỏi Đức Ki-tô được?” (x. Rm 8,39).
Tên anh ta là Claude. Mới sinh thì cha mất, mẹ phải gởi viện mồ côi. Mẹ lấy chồng mới, lại về với mẹ. Cha ghẻ, mẹ ruột không thương. Là sĩ quan quân đội, cha ghẻ trị con bằng roi vọt. Lớn lên 9 tuổi Claude đã đi ăn trộm, rồi trở thành một tay anh chị nổi tiếng, vào tù ra khám như cơm bữa. Vượt ngục 10 lần. Bị hành hạ tra tấn càng lì lợm. Lần nọ, anh ta vào ăn trộm nhà một bà góa, giết bà chết. Bị bắt, án tử hình giam hậu. Ở được 10 năm, hôm nọ xin cha tuyên úy cho mượn ít sách để đọc. Bị đánh động bởi hạnh thánh Phao-lô, một tù nhân bị án tử như mình. Muốn viết lại hạnh đó vì có nhiều chỗ thiếu sót. Cha tuyên úy mời một số số chuyên viên Kinh Thánh đến trình bày cho anh. Viết sách, được in. Tổng thống ân xá. Ra tù Claude bắt đầu đi học, lấy cử nhân rồi tiến sĩ, chuyên về tội phạm học. Xác tín: có phạm nhân là do thiếu tình thương và học hành. Trong tù phải yêu thương, giáo dục họ, nhất là cho họ một niềm tin tôn giáo. mục lục
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
[Niệm ý Ga 6:60-69]
Viễn Dzu Tử
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.