SUY NIỆM CHÚA NHẬT 22 TN B_2024

31-08-2024 115 lượt xem

"Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."

Lời Chúa:  Đnl 4,1-2.6-8;  Gc 1,17-18.21b.22-27;  Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Click vào mục lục xem bài

HỌC HỎI PHÚC ÂM - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

CHÚA Ở TRONG CHÚNG TA - + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

LỀ LUẬT HAY TÂM HỒN? - Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

TẤM LÒNG CHÂN THÀNH - Phêrô Phạm Văn Trung 

GIỮ LUẬT CHÚA THÌ SỐNG, BẰNG KHÔNG THÌ CHẾT - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

TRONG và NGOÀI - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

YÊU MẾN: GẦN GŨI VÀ TRONG SẠCH - Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

BÁC ÁI TRONG LỀ LUẬT - Anna Cỏ May

Thi ca: ĐIỀU CẦN - Viễn Dzu Tử

HỌC HỎI PHÚC ÂM (Mc 7,1-8.14-15. 21-23)

Trong bài Phúc âm này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do-thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài. Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn có thấy Đức Giêsu cảnh giác chính bạn về một điều gì đó không? Trong 12 thói xấu được kể ở Mc 7,21-22, bạn thấy mình có vướng vào thói nào không?

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tranh luận với ai? Trước đây Đức Giêsu có thường tranh luận với họ không, và tranh luận về điều gì? Đọc Mc 2,1 - 3,6; 3,22-30.

2. Có bao nhiêu từ “truyền thống” trong Mc 7,3-13? “Truyền thống” ở đây nghĩa là gì?

3. Luật Cựu Ước có đòi người Do-thái phải rửa tay trước khi ăn không? Đọc Xuất hành 30,17-21; 40,30-31. Vào thời Đức Giêsu, có phải mọi người Do-thái đều rửa tay trước khi ăn không?

4. Các nhà lãnh đạo tôn giáo tố cáo các môn đệ Đức Giêsu vì lý do gì? Đối với họ, các môn đệ phạm đến điều gì? Đọc Mc 7,2-6.

5. Đức Giêsu chê trách các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Ngài như thế nào? Đọc Mc 7,6. Ngài tố cáo họ về tội gì? Đọc Mc 7,8.9.13.

6. Đọc Mc 7,14. Đức Giêsu có thường gọi các môn đệ hay đám đông lại để dạy dỗ không? Đọc Mc 3,13-14; 6,7; 7,14; 8,1.34; 9,35; 10,42; 12,43.

7. Đối với Đức Giêsu, điều gì làm con người thật sự trở nên ô uế? Đọc Mc 7,15.20.

8. Đọc Mc 7,21-22. Những ý định xấu phát xuất từ đâu, và dẫn đến những hành động hay thái độ nào?

CÂU HỎI SUY NIỆM

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do-thái về cái chính yếu phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài. Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn có thấy Đức Giêsu cảnh giác chính bạn về một điều gì đó không? Trong 12 thói xấu được kể ở Mc 7,21-22, bạn thấy mình có vướng vào thói nào không?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu tranh luận với những người Pharisêu và một số kinh sư là những người thông thạo về Luật Mô-sê. Lúc bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã có nhiều cuộc tranh luận với nhóm người này về việc Ngài có quyền tha tội (Mc 2,5-12), về việc Ngài ăn với những người thu thuế và tội lỗi (Mc 2,15-17), về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay (Mc 2,18-20), về việc họ bứt lúa để ăn cho đỡ đói vào ngày sa-bát (Mc 2,23-28), và về việc Ngài chữa bệnh vào ngày sa-bát (Mc 3,1-6). Trong Mc 3,22-30 Đức Giêsu còn tranh luận với họ về việc họ cho là Ngài bị quỷ vương Bêendêbun ám và Ngài trừ quỷ được là nhờ dựa thế của quỷ vương. Như thế, nhóm Pharisêu và kinh sư luôn giữ thái độ thù nghịch với Đức Giêsu, và Đức Giêsu cũng luôn ở trong tư thế tranh luận với họ về đủ mọi vấn đề. Sự thù nghịch lên đến đỉnh cao khi nhóm Pharisêu “tìm cách giết” Ngài (Mc 3,6).

2. Trong Mc 7,3-13, Đức Giêsu nói đến từ “truyền thống” nhiều lần, ở những câu 3, 5, 8, 9, 13. Có khi Ngài gọi đây là “truyền thống của tiền nhân” (Mc 7,3.5). Có khi Ngài gọi là “truyền thống của người phàm” (Mc 3,8). Có khi Ngài lại gọi là “truyền thống của các ông” (Mc 7,9.13). Khi dùng từ “truyền thống” ở đây, Đức Giêsu không có ý nói về Luật của Môsê đã được ghi lại trong Ngũ Thư, nhưng muốn nói về lối giải thích có tính truyền khẩu về Luật ấy. Lối giải thích truyền khẩu này đã bắt đầu có từ thời Đức Giêsu, và cuối cùng đã được hệ thống hóa thành luật trong bộ Mishnah vào khoảng năm 200 sau công nguyên. Lạ thay người Pharisêu lại coi “truyền thống” này có giá trị ngang hàng với Luật của Môsê được viết trong Cựu Ước, bởi đó họ muốn mọi người phải tuân giữ chi li và nghiêm nhặt “truyền thống” đó. Đức Giêsu không đồng ý chuyện ép buộc này. Ngài gọi đó là “truyền thống của các ông” Pharisêu, đó là “truyền thống của người phàm” chứ không phải của Thiên Chúa, nên không phải giữ.

3. Trong Cựu Ước, không có luật nào buộc người Do-thái phải rửa tay trước khi ăn. Luật Môsê chỉ đòi các tư tế phải tẩy rửa tay chân khi vào Lều Hội Ngộ và trước khi đến bàn thờ để hành lễ, nếu không sẽ phải chết (Xh 30,20-21; 40,30-31). Vào thời Đức Giêsu, không phải mọi người Do-thái đều có thói quen rửa tay trước khi ăn như Mc 7,3 đã nhận xét.

4. “Những người Pharisêu và những kinh sư” này đến từ Giêrusalem. Có thể họ là một phái đoàn được các nhà lãnh đạo Do-thái giáo phái đến để xem xét điều tra. Họ đã thấy (Mc 7,2) nên tố cáo các môn đệ của Đức Giêsu về tội các ông đã dùng bữa khi chưa rửa tay (Mc 7,5). Đối với họ, các môn đệ đã không sống truyền thống của tiền nhân, vì ăn uống với bàn tay chưa rửa là bàn tay ô uế. Ô uế ở đây không có nghĩa là dơ bẩn, thiếu vệ sinh, nhưng có nghĩa là không thanh sạch. Bàn tay trở nên ô uế vì có thể đã đụng chạm đến những vật ô uế. Theo họ, ăn uống với đôi tay chưa rửa là đưa thực phẩm ô uế vào trong người, và làm cho mình trở nên ô uế.

5. Đức Giêsu gọi các ông Pharisêu và kinh sư là “những kẻ đạo đức giả” (Mc 7,6), bởi lẽ như lời ngôn sứ Isaia nói, họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa ở ngoài môi miệng, chứ không ở trong trái tim. Đức Giêsu tố cáo họ về tội dám đặt “truyền thống” của họ lên trên các điều răn của Thiên Chúa được ghi trong Luật Mô-sê (Mc 7,8.9), và lên trên lời của Thiên Chúa (Mc 7,13).

6. Trong Tin Mừng Mác-cô, nhiều lần Đức Giêsu gọi các môn đệ, nhóm Mười Hai hay đám đông dân chúng lại để dạy dỗ. Gọi Nhóm Mười Hai (Mc 3,13-14; 6,7; 9,35; 10,42); gọi đám đông (Mc 7,14); gọi các môn đệ (Mc 8,1; 12,43); gọi đám đông và các môn đệ (Mc 8,34).

7. Người Pharisêu nhấn mạnh đến việc phải rửa tay trước khi ăn, vì ăn với đôi tay ô uế, chưa rửa, sẽ làm cho mình trở nên ô uế. Như vậy theo họ, ô uế từ ngoài vào. Còn Đức Giêsu lại khẳng định rằng điều làm con người trở nên ô uế không phải là những gì từ ngoài đi vào con người, mà là những gì từ trong con người, từ trong trái tim con người xuất ra (Mc 7,15.20). Như thế đối với Ngài, việc rửa tay trước khi ăn không phải là điều quan trọng. Cả những luật Cựu Ước về thanh tẩy để tránh ô uế cũng phải thay đổi. Thí dụ theo sách Lê vi chương 11, có nhiều thức ăn bị coi là ô uế. Còn Đức Giêsu thì tuyên bố: “mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mc 7,19). Các thư của Phaolô cũng theo chiều hướng này (x. Rm 14:14.20; 1 Tm 4:3–5; 1 Cr 10:19.25-27).

8. Đức Giêsu mời ta để ý đến những ý định xấu xa phát xuất từ bên trong, từ trái tim con người, không phải bên ngoài, từ tay. Theo truyền thống Kinh Thánh, trái tim là trung tâm chi phối mọi hành động và tình cảm, ý muốn và tư tưởng của con người. Đức Giêsu liệt kê 12 nết xấu của trái tim (Mc 7,21-22). Chính những nết xấu của trái tim mới làm con người trở nên ô uế. mục lục

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

CHÚA Ở TRONG CHÚNG TA

Giáo Hội Công Giáo tại miền Bắc Việt Nam đã trải qua nhiều thập niên thiếu linh mục, tu sĩ và giáo lý viên. Vì thế, nơi một số lớn tín hữu, sự hiểu biết về đức tin còn mờ nhạt. Những kiến thức giáo lý mà họ được nhận khi còn nhỏ là những kiến thức sơ sài. Một khi những phụ huynh kém hiểu biết về giáo lý, làm sao họ có thể giáo dục con mình về đức tin? Ngay cả những kiến thức căn bản về Thiên Chúa là Đấng người tín hữu tôn thờ, nhiều người cũng mơ hồ. Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: Thiên Chúa không phải là một ý niệm mơ hồ mà là một Đấng, một “Ai đó” Ngài cũng không phải một vị thần khắt khe nghiêm nghị chỉ chờ con người phạm lỗi để phạt, nhưng luôn yêu thương và chúc phúc cho con người. Ngài cũng không cách xa con người, nhưng luôn đồng hành và sẻ chia những vui buồn của kiếp nhân sinh. Nói tóm lại, Chúa ở trong chính tâm hồn chúng ta. Đạt tới sự thánh thiện là khám phá, gặp gỡ Ngài trong tâm hồn và trong cuộc đời.

Nếu Chúa hiện diện trong tâm khảm con người, thì con người lại không ngừng tìm kiếm Ngài ở bên ngoài. Thánh Au-gus-ti-nô, trong cuốn “Tự thuật” đã thốt lên: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng. Và xin Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó.“ Vị Giám mục thành Hippo Regius trước khi trở lại đã có những năm tháng hoang đàng, và sau này, ông coi đó là những thời gian vô ích, vì ông đi tìm Chúa ở bên ngoài con người ông, trong khi Chúa lại ngự trong tâm hồn ông.

Bài sách Đệ Nhị luật vừa là lời giáo huấn, vừa là tâm sự của ông Môi-sen. Cùng với dân Do Thái, ông cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa giữa những thử thách gian truân, nhất là trong hành trình về Đất hứa. Hành trình này phác họa đời sống Giáo Hội cũng như đời sống cá nhân mỗi chúng ta. Đó là sự đan xen giữa trung thành và phản bội, giữa thánh thiện và tội lỗi. Trên tất cả, Thiên Chúa vẫn hiện diện gần gũi Dân Ngài, đến nỗi ông Môi-sen, cũng như bất cứ người Do Thái nào, có thể thốt lên: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?”.

Khi ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và trong cuộc đời, chúng ta cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và vinh dự của người Ki-tô hữu. Hành trình đức tin là hành trình không ngừng khám phá. Mục đích của những khám phá này là chính Thiên Chúa. Bởi lẽ, chúng ta không thể hiểu hết về Thiên Chúa. Qua những nỗ lực cố gắng của bản thân, mỗi ngày chúng ta nhận ra hình ảnh Thiên Chúa cách rõ nét hơn, đến mức chúng ta có thể tâm sự với Người như với một người Bạn. Người hiểu ta, ta hiểu Người, ý chí của ta nên một với ý chí của Người. Sẽ không còn than van buồn phiền lo lắng nữa, vì Chúa đang ở với ta. Còn hạnh phúc nào lớn hơn nữa.

Trở lại điều đã nói ở trên, nhiều Ki-tô hữu tin Chúa nhưng không cảm nhận được sự hiện diện của Người. Đây cũng là tình trạng của nhiều người Do Thái thời Chúa Giê-su. Điển hình là những người Pha-ri-siêu và một số kinh sư. Họ là những người có học và có địa vị trong dân chúng. Chúa Giê-su đã trích dẫn Ngôn sứ I-sai-a để phê phán thói giả hình của họ. Những người này chỉ bận tâm đến những điều bên ngoài mà coi thường tình thương và lòng bác ái. Đức Giê-su khẳng định: Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật và những lời xung tụng ngoài môi miệng. Ngài ưa thích tấm lòng chân thành và thiện chí của con người.

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được vinh dự gia nhập vào dân Is-ra-en mới, là dân riêng của Thiên Chúa, được Ngài luôn che chở phù trì. Thánh Gia-cô-bê khuyên chúng ta: Đừng giả hình, nhưng hãy sống thật với nhau. Hãy nhận ra giá trị của Lời Chúa, để đón nhận và phục thiện. Thiên Chúa là Đấng đang quan sát lối sống, suy nghĩ và những cử chỉ của chúng ta. Khiêm tốn và bác ái luôn phải là những nhân đức hàng đầu đối với những ai xưng mình là môn đệ Đức Giê-su.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Au-gus-ti-nô: “Lạy Thiên Chúa, con chỉ yêu mến một mình Ngài, con chỉ đi theo có mỗi mình Ngài, và con chỉ muốn phụng sự một mình Ngài, vì chỉ một mình Ngài là có Đức Công Chính, Ngài là Thiên Chúa, và con không muốn nấp dưới bất cứ sự công chính nào khác”. mục lục

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

LỀ LUẬT HAY TÂM HỒN?

Anh chị em thân mến,

Vào thời Chúa Giê-su, dân Do Thái, ngoài việc tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa ban cho qua Mai-sen và các tiên tri, họ còn tuân giữ các qui định của cha ông truyền lại và coi đó như là những khoản luật của Thiên Chúa. Các qui định được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và được coi như là các tập tục của tiền nhân. Đây là những kiểu mẫu sống hơn là luật lệ. Sau một thời gian dài áp dụng, dân Do Thái bằng lòng với những qui định này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp. Người ta xếp chúng vào loại truyền khẩu và được gọi là “truyền thống của tiền nhân.”

Việc tuân giữ các lịnh truyền và những qui định của tiền nhân tuy tốt đẹp nhưng khi áp dụng, họ lại quá chú trọng đến những nghi thức bên ngoài và có lòng kiêu hãnh về các việc làm đó. Từ đó ý nghĩa tôn giáo của các qui định bị mất dần đi. Họ cho rằng việc thực hành và tuân giữ những qui định này là công sức của họ, dần dần được xem là các việc đạo đức, là hành vi của những người biết phụng sự Chúa. Họ đã quên rằng sự thánh thiện phải được xuất phát từ Thiên Chúa chứ không lệ thuộc các việc làm của chúng ta.

Một cách cụ thể, chúng ta xem qua tập tục rửa tay trước khi dùng bữa được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước tiên, đó là các khoản luật dành cho hàng ngũ tư tế. Mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi bước vào nơi cực thánh trong đền thờ. Mục đích của việc làm này này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng cử hành nghi lễ thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.

Hôm nay, những người Pharisiêu và các thầy thông luật chất vấn Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Người không rửa tay trước khi ăn. Chúa Giêsu đã phê phán họ rằng họ chỉ quan tâm đến việc tuân thủ các truyền thống bên ngoài mà quên đi tinh thần của lề luật. Người trích dẫn lời của ngôn sứ I-sa-i-a, rằng dân này tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng lòng họ thì xa rời Chúa hàng dặm để nhắc nhở họ.

Sau đó, Chúa giảng dạy cho đám đông rằng không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho người đó ra ô uế, mà chính những gì từ bên trong, từ lòng người phát ra, mới làm cho người ta ra ô uế. Điều này ám chỉ rằng tội lỗi và sự ô uế không phải do những hành động bên ngoài mà là từ tâm hồn và ý nghĩ xấu xa từ tron tâm hồn và ý nghĩ của họ. Theo tinh thần của Chúa thì tất cả mọi sự đều phải được xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim bằng không thì chỉ là các hình thức đạo đức không có chiều sâu, thậm chí có thể coi là hình thức của những người đạo đức giả.

Theo Người, mọi sự thay đổi phải đuợc bắt nguồn từ trong tâm hồn thì mới có hiệu quả lâu dài. Tương tự như thế, các việc làm đuợc gọi là thánh thiện đều không lệ thuộc vào các hành vi bên ngoài, nhưng phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Như vậy, ở đây, Đức Giê-su đã giúp chúng ta có một cái nhìn khác về sự thánh thiện. Chỉ có Thiên Chúa duy nhất là Đấng Thánh, và không một tạo vật nào đuợc gọi là thánh nếu không có quan hệ với Ngài. Con người chỉ đuợc nên thánh qua việc tiếp xúc, tương giao, gặp gỡ và nối kết với Thiên Chúa. Chỉ có trong Ngài và với Ngài, con người mới đạt đến sự thánh thiện mà thôi.

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su chúng ta nhận thấy Người chính là mẫu mực của mối tương giao, nối kết mật thiết của Cha và Con. Một sự hiệp nhất nên một. Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Vì thế, bản chất thánh thiện nơi con người Đức Giê-su phát sinh từ Thiên Chúa, không lệ thuộc vào nghi thức bên ngoài như những người Pha-ri-siêu lầm tưởng. Do đó, Đức Giê-su không bao giờ bị ô uế khi đụng chạm vào những người, mà lề luật đã xếp họ vào lớp người ‘ô uế, tội lỗi’.

Trái lại, họ lại được thay đổi từ sự thánh thiện cuả Thiên Chúa thoát ra từ con người của Đức Giê-su. Qua việc tiếp xúc này, nhân phẩm họ đuợc phục hồi và con người họ được tái tạo nên một con người mới trong Chúa. Sự thánh thiện của con người không hệ luỵ bởi việc làm của chúng ta cho bằng đó là việc nối dài bản chất thánh của Thiên Chúa nơi mình, qua Đức Giê-su.

Vì vậy, trong phần kết luận của trình thuật hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc làm của trái tim. Sự thánh thiện của con người phát xuất từ trái tim của người đó, chứ không lệ thuộc vào những lề thói hay cách cư xử hình thức bên ngoài của họ. Trái tim là nơi để con người có thể tiếp xúc một cách sâu thẳm với Thiên Chúa. Đó chính là cung lòng để Thiên Chúa ngự trị.

Đừng đánh giá nhau qua dáng vẻ bên ngoài nhưng hãy trao cho nhau tấm lòng, ban cho nhau quả tim yêu thương, nhân hậu và biết rung động trước các nhu cầu của nhau.

Muốn đạt được điều này, tất cả chúng ta cần xây dựng và duy trì mối tương giao với Đức Giê-su mỗi ngày mỗi bền chặt và gắn bó hơn. Bởi vì, chỉ ở trong trái tim nhân hậu và yêu thương của Đức Giê-su, chúng ta mới tìm ra mẫu mực cho mọi tương quan giữa Thiên Chúa và con người.

Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Cho nên, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Vì mọi việc làm chỉ là cách thức biểu hiện bên ngoài, điều quan trọng nhất là trái tim của chúng ta hướng về Thiên Chúa và diễn tả cho tha nhân như thế nào? Vì thế, xin cho chúng con đến với nhau bằng con người có trái tim của Chúa. Amen! mục lục

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

TẤM LÒNG CHÂN THÀNH

Ron Rolheiser nói đại ý như sau: Nếu một người con chỉ nói “Con thương bố mẹ” khi người con ấy thực sự cảm nhận được cảm xúc yêu thương đó, thì người con ấy sẽ không thể thường xuyên bày tỏ tình yêu dành cho bố mẹ được. Và nếu như chúng ta chỉ cầu nguyện khi thực sự cảm thấy thích cầu nguyện, thì chúng ta cũng sẽ không thể cầu nguyện thường xuyên được. Khi hai vợ chồng nói rằng, “Anh yêu Em / Em yêu Anh” vào những lúc mà cảm xúc của họ không như lời nói, hoặc khi chúng ta đọc kinh cầu nguyện mà cảm xúc của chúng ta không thấy gì sốt sắng, thì không phải là chúng ta đang giả hình hay chỉ làm cho xong việc bề ngoài, nhưng là chúng ta đang thực sự bày tỏ những thực tại sâu xa hơn. [1] 

Hình thức nghi lễ là điều cần thiết như một cách biểu lộ tình yêu và sự tôn trọng mối tương quan giữa chúng ta với nhau, trong gia đình, ngoài xã hội. Đọc kinh, đi nhà thờ, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện. chung hoặc riêng, kể cả khi chúng ta không có một chút cảm giác sốt sắng lâng lâng nào, thì đó vẫn là một hành động đức tin, một đức tin đậm nét.

1. Một Pharisêu ẩn sâu trong chúng ta

Tuy nhiên, trong thực hành đức tin, trong khi sống mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, nếu đọc kinh mà lòng dạ chúng ta xa cách ý nghĩa của lời kinh đang đọc trên môi miệng hàng vạn dặm thì hẳn có vấn đề rồi. Hơn nữa, đi nhà thờ hay đọc kinh liệu có ích gì khi chúng ta, qua những việc này, muốn phô trương thanh thế trước mắt những người khác, nhân danh hội đoàn, ca đoàn, hiệp hội đạo đức này nọ? Thật vậy, những lúc như thế, việc đi nhà thờ và đọc những lời kinh, lẽ ra giúp tâm hồn chúng ta hướng lên cùng Chúa, thì lúc này lại biến thành một thứ hình thức trống rỗng ý nghĩa, nhiều khi chỉ là lặp đi lặp lại những nghi thức, những lời kinh như một con vẹt, có khi lại còn làm cho lòng dạ chúng ta qui về cái tôi vốn luôn luôn ngấm ngầm đố kỵ, ganh ghét, tranh giành thể hiện bản thân, hạ thấp những người khác, dưới cái vỏ thực hành tôn giáo, một kiểu trang sức cho chính mình.

Đây là điều Chúa Giêsu cảnh báo trong trình thuật Tin Mừng hôm nay: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6). Chắc chắn “những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Chúa Giêsu” (Mc 7:1) biết rõ điều này hơn ai hết vì, chính trong Sách thánh họ thường đọc, ngôn sứ Isaia đã từng nói, và hôm nay Chúa Giêsu nhắc lại cho họ: “Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Isaia 29:13). Có điều là những người Pharisêu hãnh tiến và kiêu ngạo lại cứ coi mình là những người tuân giữ lề luật cách chu đáo: “Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Dothái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng” (Mc 7:2-4) thậm chí tỉ mỉ đến độ chi li, không còn biết mình giữ lề luật như thế có mục đích tâm linh gì. Họ còn khinh chê những người nghèo, những người bình dân, bằng cách công khai cho rằng những người này kém hiểu biết và không tuân giữ những tập tục của các tổ phụ và những lời giải thích của các kinh sư Do Thái. Chính vì thế hôm nay họ mới thắc mắc: “Họ thấy vài môn đệ của Ngài dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa... Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Chúa Giêsu, sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7:2,5).

Dần dần người Pharisêu và các kinh sư áp đặt một mạng lưới lề luật tôn giáo tinh vi chặt chẽ, khiến dân chúng và chính họ trở nên mù quáng và cuồng tín. Nhiều khi họ không còn khả năng phản tỉnh về chính mình, và do đó quên rằng giá trị cuối cùng của con người không hệ tại những gì người ta làm mà hệ tại ý hướng trong cõi lòng khi người ta tuân giữ lề luật. Chúa Giêsu hôm nay long trọng tuyên bố: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ. Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!” (Mc 7:15). 

Điều Chúa Giêsu thực sự muốn nơi những người bước đi theo Ngài, với tư cách là môn đệ của Ngài, là một tâm trí và tấm lòng chân thật, luôn hướng về Thiên Chúa, không giả hình như những người Pharisêu và các kinh sư “lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mc 7:13). Thực vậy, Chúa Giêsu không chỉ đơn giản là buộc tội những người Pharisêu và các kinh sư về sự giả hình của họ, Ngài cũng đang chỉ ra và cảnh báo rằng trong tâm trí và cõi lòng của chúng ta, những người bước đi theo Ngài, vẫn có thể tồn tại những kiểu Pharisêu và kinh sư không khác mấy với thời của Ngài, vì bất cứ ai cũng có thể trở thành thứ pharisêu và kinh sư vốn được nuôi dưỡng bằng loại men giả hình và ẩn kín trong thâm tâm của họ.

2. Quy hướng về Thiên Chúa từ nội tâm và sự chân thật  

Điều quan trọng nhất đối với mỗi người chúng ta là hành trình hướng về Thiên Chúa cần phải xuất phát từ nội tâm và sự chân thật. Chúng ta cần thừa nhận rằng nhiều người Do thái thời đó đã được nghe những người Pharisêu và các kinh sư dạy và tin theo một thứ đạo đức theo “truyền thống của tiền nhân” (Mc 7:2), nhưng Chúa Giêsu lại dạy và giới thiệu một điều hoàn toàn khác: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7:8). Chúa Giêsu dẫn chứng một trường hợp: “Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là co-ban nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa” (Mc 7:10-12) và Ngài kết luận: “Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mc 7:13). Ngài còn lưu ý: “Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!” (Mc 7:13). Truyền thống tiền nhân mà những người Pharisêu và các kinh sư dạy tuân giữ thực chất là những tập tục phô bày ra bên ngoài, do họ đặt ra, nhân danh Lề luật Môsê, nhưng chỉ là bề nổi và không thực sự chạm đến cốt lõi của Lề luật và các tiên tri. Những tập tục đó thiếu vắng một điều sâu sắc và lớn lao hơn nhiều, một điều không chỉ có thể thỏa mãn Lề luật và các tiên tri, mà còn thỏa lòng Thiên Chúa hằng sống đầy lòng xót thương. Đó là điều Chúa Giêsu tìm cách giới thiệu và dạy bảo, vượt ra ngoài hình thức phô trương, là điều hiện diện trong tâm trí và cõi lòng của một cá nhân: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7:21-23). Lời Chúa Giêsu buộc chúng ta phải thừa nhận và đối mặt với một sự công chính vượt xa việc tuân giữ những luật định bên ngoài, một sự công chính đích thực vốn chỉ có thể được thực hiện dựa trên sự hoán cải và nên thánh khởi đi từ bên trong tâm trí và cõi lòng của con người. Chính bên trong tâm hồn mà mỗi người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa cách riêng tư, vì Thiên Chúa “interior intimo meo - ở bên trong tôi hơn cả bản ngã sâu thẳm nhất của tôi” [2]

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà Giáo hội kính nhớ hôm nay nói: “Je ne feins jamais – Tôi không bao giờ giả vờ” [3]. Chính Thánh nữ khẳng định trên giường bệnh trước khi qua đời rằng: “Je sens bien que ce que j'ai dit et écrit est vrai sur tout - Tôi cảm thấy rất rõ rằng những gì tôi đã nói và viết đều đúng thật mọi điều” [4]. Mọi điều chúng ta làm, đặc biệt là việc thờ phượng Thiên Chúa, phải xuất phát từ tấm lòng chân thật của mình. Bất cứ điều gì chúng ta làm, với tư cách là những người tin Chúa, mà không xuất phát từ lòng chân thật thì đều là sự giả hình và rất đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu luôn khiển trách những người Pharisêu vì thói đạo đức giả của họ, vì họ nhanh chóng nhận biết các luật lệ và tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ đó nhưng lòng họ thì ở đâu đó rất xa Thiên Chúa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6). Nhiều người trong chúng ta nhanh chóng quên rằng, để thờ phượng Thiên Chúa cách đúng đắn, cõi lòng của chúng ta rất quan trọng. Lời cầu nguyện mà chúng ta cần thưa lên với Chúa cách chân thành mọi giây phút trong đời phải là: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 51:12). Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Để nhìn thấy Chúa, không cần phải thay đổi mắt kính hay góc nhìn, cũng không cần phải thay đổi các tác giả thần học chỉ dạy chúng ta đường đi: chúng ta cần giải thoát cõi lòng khỏi sự lừa dối của nó. Đây là con đường duy nhất. Đây là sự trưởng thành mang tính quyết định: khi chúng ta nhận ra rằng kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta thường ẩn náu trong cõi lòng mình. Cuộc chiến cao quý nhất là cuộc chiến chống lại sự lừa dối bên trong tạo ra tội lỗi của chúng ta. Bởi vì tội lỗi thay đổi tầm nhìn bên trong của chúng ta. Tội lỗi thay đổi cách chúng ta đánh giá mọi thứ. Chúng khiến chúng ta nhìn thấy những thứ không có thật hoặc ít nhất là không đúng thật như thế” [5]

Xin cho chúng ta có được tấm lòng trong sạch như thế không phải bằng sức riêng của mình mà bằng cách để lòng mình được tình yêu Thiên Chúa cải hóa và củng cố mỗi ngày, như Thánh Giacôbê nhắn nhủ: “Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em… Hãy có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha” (Gc 7:21,27). mục lục

Phêrô Phạm Văn Trung

[2] Thánh Augustinô, Tự thú III, 6, 11
[3] Derniers entretiens – Những cuộc nói chuyện cuối cùng, 15.8.7.
[4] Đã dẫn ở trên, 25.9.2.
[5] Buổi tiếp kiến chung, tại Thư viện Cung điện Tông tòa, thứ Tư, 01 tháng 4 năm 2020.

GIỮ LUẬT CHÚA THÌ SỐNG, BẰNG KHÔNG THÌ CHẾT

Chúa nhật thứ XXII thường niên B đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng Marcô, với sứ điệp Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra rằng, giữa bao nhiêu phong tục tập quán của loài người thì Luật Chúa là trên hết. Ai giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết.

Luật Chúa không phải là một gánh nặng hay sự gò bó đối với con người, đúng hơn Luật Chúa ban là hồng ân quý giá, vì nó chứng tỏ thấy tình yêu của Thiên Chúa là Cha luôn gần gũi với con người là con, Chúa cùng với con người viết lên một lịch sử tình yêu.

Chúng ta biết, vì yêu mến con người Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (x. St ). Cũng vì muốn con người vui sống hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban truyền các Thánh chỉlà Lề Luật để hướng dẫn con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ của ích kỷ, dẫn vào trong "miền đất" của sự tự do và sự sống đích thật. Những người Do thái đạo đức thường cầu nguyện như sau: "Nơi các luật điều của Người, tôi vui khoái, tôi sẽ không quên lời lẽ của Người… Xin cho tôi vững bước trên nẻo đi lệnh truyền, vì nó là nguồn sung sướng của tôi" (Tv 119,16.35).

Giữ Luật Chúa thì sống

Ông Môsê trước khi từ giã cõi trần, biết mình không được vào Ðất Hứa nên đã trối cho dân Chúa rằng : Dân sẽ được vào Đất Hứa. Nhưng ở đó họ sẽ có được hạnh phúc không là  tùy thuộc ở thái độ của họ trung thành đối với Chúa.

Môisê nói với dân chúng rằng : "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi" (Ðnl 4,1).

Ý Môisê muốn nói: dân Israel giữ Luật Chúa truyền thì được sống và được vào Đất Hứa. Ðó là điều không được tranh luận bàn cãi. Là vấn đề một sống một chết, có thế thôi. Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết. Mà chết và sống ở đây có ý nghĩa thực tế cụ thể chứ không bóng bẩy. Thiên Chúa chỉ ban Ðất Hứa và các Lời Hứa của Ngài cho những ai tu giữ Luật. Kẻ không giữ Luật, không có chỗ đứng, không có nơi tựa, nó sẽ hư vong. Giữ Luật Chúa thì sống.

Gạt bỏ Lệnh truyền của Chúa thì chết

Ông Môisê đã rất thận trọng khi nói: "Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan" (Ðnl 4,1-2). Không được thêm gì vào Luật Chúa, cũng không được xén bớt. Điều nãy không phải dễ.

Tiếc thay, với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. chẳng những thế, họ còn lấy truyền thống và tập quán loài người làm luật sống. Những lời sách Thứ Luật hôm nay là tiếng nói của chính Thiên Chúa. Chúa mạc khải cho chúng ta chân lý này: nếu con người muốn sống và vào được Đất Hứa, tức là hạnh phúc, họ phải giữ Luật Chúa và chỉ giữ đúng Luật của Chúa. Không những đó là đường sống cho họ mà còn là vinh dự ở trước mắt các dân.

Giữ Luật với lòng mến Chúa

Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật, nhưng dạy người ta chống lại thói đạo đức giả hình, vụ hình thức, quan trọng hóa luật lệ của con tim với nghi lễ bên ngoài. Người lên án việc làm khiến người ta xa rời Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, sự trong sạch không tùy thuộc vào lễ nghi thanh tẩy, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng. Giữ Luật với lòng mến Chúa.

Khi tuyên bố : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế " (Mc 7, 15), cái đó không chạm tới lòng người ta, nhưng vào trong bụng và kết thúc trong cống rãnh. Theo Chúa Giêsu, điều gì làm cho chúng ta ô uế : " Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế". Thiên Chúa không hiện diện khi lòng người rời xa Chúa. Việc thực hành đạo dù lớn hay nhỏ, chỉ có giá trị khi được sinh ra từ tình yêu, được tháp tùng bởi tình yêu và được tiêu thụ trong tình yêu.

Tập tục của tiền nhân người Do thái thích giữ với lòng đạo đức ấy lại trái với Luật Môise. Đó là lý do tại sao Êsai nói : "Bạc của ngươi hóa thành ten chì, rượu đã trá pha nước lã " (Is 1,22), cho thấy người xưa tuân giữ Luật Chúa với một truyền thống nhạt nhòa, nghĩa là họ đã thiết lập một luật biến chất trái với Luật Chúa. Chúa Giêsu trách họ : "Tại sao các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệnh truyền của các ông? " (Mt 15,3) Họ bỏ qua những điều cần thiết, thêm vào những khoản phụ và giải thích theo lối khác, việc họ làm lột tẩy họ là những kẻ đạo đức giả hình.

Họ cương quyết bảo vệ các tập tục, nhưng không tuân thủ Luật Chúa. Thậm chí họ đổ lỗi cho Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát khi chữa bệnh, điều mà Luật không cấm. Tuy nhiên, họ không nhận lỗi về mình đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, luật của họ thiếu hẳn tình yêu. Tình yêu này, trên thực tế, là điều răn thứ nhất và trọng nhất, và thứ hai là tình yêu của người lân cận. Thánh Phaolô cũng nói : Yêu mến là chu toàn cả Lề luật (Rm 13,10).

Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối Chúa, và dạy bảo con Thánh Chỉ của Ngài. Amen. mục lục

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

TRONG và NGOÀI

Tôn Kính Chúa Chỉ Bằng Môi Bằng Miệng
Cách Xa Ngài Từ Đáy Dạ Đáy Lòng.

Lời tiên tri của ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm từ thời Chúa Giêsu. Và ngày nay càng ứng nghiệm hơn, vì người ta càng văn minh thì càng chú trọng hình thức hơn nội tâm.

Về cơ bản, cái gì cũng có hai phần, khác nhau nhưng không thể thiếu nhau: trước – sau, trái – phải, xuôi – ngược, trên – dưới, ra – vào, trong – ngoài,... Cụ thể đơn giản nhất như chiếc lá cũng có hai mặt. Chiếc bình hoặc cái hộp có phần trong và phần ngoài, con người cũng vậy. Và người ta nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Nội dung cần hơn hình thức, chất lượng quý hơn số lượng.

Vấn đề tranh luận về truyền thống của người Pharisêu được đề cập trong trình thuật Mc 7:1-8, 14-15, 21-23. Người Pharisêu chỉ chú trọng bề ngoài mà coi thường bề trong, lấy cái PHỤ làm cái CHÍNH, hiểu nghĩa đen mà không hiểu nghĩa bóng. Họ và một số kinh sư đến từ Giêrusalem, chợt thấy vài môn đệ của Chúa Giêsu dùng bữa mà không rửa tay, nghĩa là còn ô uế.

Người Pharisêu và người Do Thái giữ truyền thống của tiền nhân là “không ăn gì khi chưa rửa tay,” thứ gì mua ngoài chợ về cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Hình thức áp bức nội tâm, ngoại tại làm hại nội tại. Họ câu nệ truyền thống, chẳng hay gì mà vẫn hãnh diện về sự cố chấp của mình. Họ hỏi vặn Chúa Giêsu về chuyện các môn đệ không theo truyền thống của tiền nhân, không rửa tay mà dùng bữa. Họ giữ vệ sinh bề ngoài mà mất vệ sinh tâm hồn, dơ bẩn mà mạo nhận sạch sẽ, hôi rình mà tưởng mình thơm tho. Kinh dị thật!

Lúc đó, Chúa Giêsu thản nhiên trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ ĐẠO ĐỨC GIẢ, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta BẰNG MÔI BẰNG MIỆNG, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng VÔ ÍCH, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” (Mc 7:6-8) Cái gì làm cho con người ô uế?

Có hai dạng ô uế cơ bản: thể lý và tinh thần. Tố cáo nhóm Pharisêu và kinh sư xong, Chúa Giêsu gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” Ngài nói “toạc móng heo” luôn, nhưng Ngài vẫn tế nhị dùng từ ngữ. Khi Đức Giêsu đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Ngài về dụ ngôn ấy, Ngài nói: “Cả anh em nữa, anh em cũng NGU TỐI như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế.” Ui da, các môn đệ bị Thầy rủa là “ngu tối.” Đau lắm, nhưng đáng lắm. Phải nói thẳng, nói thật như vậy mới được “sáng mắt, sáng lòng.”

Có cái bẩn thể lý thì cũng có cái bẩn linh hồn – tức là tội lỗi, Chúa Giêsu lý giải: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:21-23) Quả thật, bẩn tinh thần và bẩn linh hồn mới thực sự đáng sợ, chứ bẩn thể lý chỉ là “chuyện nhỏ.” Thể lý bẩn thì tắm rửa bằng nước và xà bông. Xong! Nhưng tâm linh bẩn thì chỉ có thể “tắm” bằng hồng ân, phải thành tâm dìm mình trong Biển Tình Lòng Thương Xót của Chúa.

Có những người rất bẩn mà vẫn ảo tưởng cho là mình sạch. Lạ thật! Có những tư tưởng bẩn thỉu và hôi thối mà vẫn được lưu truyền, phát tán. Kỳ thật! Dạng bẩn này nguy hiểm vô cùng, nguy hiểm theo cấp số nhân, vì họ không chỉ “duy trì” cái bẩn cho chính mình mà còn làm bẩn người khác. Người bẩn mà không bẩn, người sạch lại bẩn, đôi khi càng có chức có quyền càng bẩn. Thế mới đáng sợ!

Chắc chắn ô nhiễm nhất và bẩn nhất chính là TỘI LỖI. Thiên Chúa vô cùng ghê tởm dạng ô uế này. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn.” (2 Cr 7:1) Tuy nhiên, chúng ta không thể tự rửa sạch, mà phải cầu xin để được Thiên Chúa rửa sạch: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:4)

Nhưng chúng ta thực sự diễm phúc vì được tẩy rửa tội mình trong Máu và Nước nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô trên Đồi Sọ. Hãy chân thành sám hối: “Pater, peccavi – Thưa Cha, con đã phạm tội.” Chắc chắn Thiên Chúa vẫn đại lượng và tha thứ, vì Chúa Giêsu đã hứa với Thánh nữ Maria Faustyna Kowalska (1905-1938): “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới.” (Nhật Ký, số 1485) Muôn đời xin tạ ơn Thiên Chúa và xin chúc tụng Ngài!

Kinh Thánh xác định việc giữ luật Chúa là khôn ngoan: “Giờ đây, hỡi Israel, hãy NGHE những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra THỰC HÀNH. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em.” (Ðnl 4:1-2) Khoảng cách giữa hai động thái NGHE và THỰC HÀNH vừa gần vừa xa. Thật vậy, khoảng xa nhất không phải từ chỗ chúng ta đứng tới một nước khác, tới cung trăng hoặc sao Hỏa, mà “khoảng cách xa nhất là từ miệng tới tay.” Một triết lý sống rất thâm thúy.

Kinh Thánh cho biết thêm: “Anh em phải GIỮ và đem ra THỰC HÀNH, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là KHÔN NGOAN và THÔNG MINH. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: ‘Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!’ Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Ðnl 4:6-8) Những câu hỏi nhẹ nhàng mà vẫn đủ sức xoáy sâu vào tâm khảm. NGHE – HIỂU – LÀM có những “khoảng” nhỏ hẹp mà vẫn lớn rộng, ngỡ như vô bờ bến. Nói suông dễ hơn làm thật, chỉ tay ra lệnh dễ hơn nêu gương. Thực tế là thế!

Người khôn ngoan và thông minh là người nghe và thực hành lời Chúa, họ có thể vào Nhà Chúa và lên Núi Thánh. Họ là ai? Kinh Thánh liệt kê rõ ràng: “Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã, coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ.” (Tv 15:2-5) Khó, phải cố gắng.

Chắc chắn ai cũng muốn được vào Nhà Chúa, nhưng phải có ơn Chúa. Quả thật, ơn Chúa vô cùng cần thiết, vì Chúa Giêsu nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Và Thánh Giacôbê phân tích: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. Người đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.” (Gc 1:17-18) Về việc “nói và làm,” Thánh Giacôbê khuyên: “Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra THỰC HÀNH, chứ ĐỪNG NGHE SUÔNG mà lừa dối chính mình.” (Gc 1:21-22) Hành động luôn có giá trị hơn lời nói. Như điều kiện ắt có và đủ, Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26) Rất rõ ràng, rất rạch ròi!

Về lòng đạo đức, Thánh Giacôbê giải thích: “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.” (Gc 1:27) Đến nhà thờ là điều tốt, nhưng đừng tưởng như vậy là đạo đức, là thánh thiện, nếu không chú ý hành động. Đừng “ảo thuật” kiểu David Copperfield, nghĩa là đừng “tàng hình” – ở trong nhà thờ là chiên ngoan, ở ngoài nhà thờ là cọp dữ.

Lạy Thiên Chúa chí thánh, xin hoán cải chúng con, xin tẩy rửa chúng con từ trong ra ngoài để chúng con được hiện diện trước Tôn Nhan Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

YÊU MẾN: GẦN GŨI VÀ TRONG SẠCH

Đức Phật Thích Ca, trong kinh Majjhima- Nikâya (Trung Bộ), đã có lần dạy đệ tử rằng: “Hỡi Tapassin, ta đặt nguyên tắc là có 3 thứ hành vi mỗi khi con người làm một điều ác : hành vi của thân xác, hành vi của ngôn ngữ và hành vi của tư tưởng. Hành vi thân xác thì khác, hành vi ngôn ngữ cũng khác, hành vi tư tưởng lại khác nữa. Xếp lại 3 thứ hành vi đó và phân hạng chúng, thì ta đặt nguyên tắc này : hành vi của tư tưởng đáng trách nhất khi con người làm điều gì ác, hành vi của thân xác không đáng trách bằng ấy, hành vi của ngôn ngữ không đáng trách bằng ấy”. Để phê bình quan niệm Bà-la-môn giáo cho rằng tội là những tì bợn chất thể, muốn sạch tội thì cứ xuống tắm dưới sông Hằng, Đức Phật dạy trong kinh Theragâthâ (Trưởng lão tăng kệ) : “Chớ có điên cuồng ! Nước sông không có sức rửa sạch tội đâu. Nếu nước sông Hằng rửa sạch tội, thì những con cá sấu sát nhân kia sẽ lên thiên đàng hết.”  

1. Sự gần gũi nào?

Sống xa Đức Giê-su trong thời gian và không gian, ông tổ của Phật giáo quả đã “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với ông tổ của Ki-tô giáo. Hôm nay, cũng nhân dịp đối đầu với quan niệm rất ư vật chất của kinh sư và Pha-ri-sêu về ô uế thanh sạch, Đức Giê-su đã đưa ra quan niệm của mình, một quan niệm hoàn toàn đi vào chiều sâu tâm linh đồng thời mang một nội dung rất cơ bản và nhân bản.

Đáp lại lời trách móc của các thủ lãnh tôn giáo, Đức Giê-su đã trích lại lời Thiên Chúa nói trên miệng ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. “Lòng chúng thì lại xa Ta !” Cái khốn nạn của nghi thức tôn giáo là thế. Được thực hành để đẩy chúng ta tới Thiên Chúa, nó có thể khiến ta sống xa Người và thậm chí đôi khi chống lại Người. Đức Giê-su cho một ví dụ gây ấn tượng (mà ở đây bản văn phụng vụ đã loại bỏ). Lấy cớ đạo đức, người ta có thể lỗi tình yêu thiêng thánh đối với cha mẹ : tôi không thể giúp cha mẹ, vì cái tôi muốn biếu cha mẹ thì tôi đã dâng cho Thiên Chúa rồi. Kẻ làm điều này có thể đọc hàng tấn kinh nguyện, lòng của y vẫn rất xa Thiên Chúa. Y như kẻ buôn gian bán lận, tham nhũng bóc lột, dửng dưng trước gia đình nghèo cận nhà, nhưng xin lễ béo với cha xứ, dâng hoa đèn đắt tiền lên Đức Mẹ, đóng góp lớn cho nhà thờ... Đức Giê-su kêu mời chúng ta chống lại cách sử dụng Thiên Chúa ghê tởm như thế để trốn tránh nghĩa vụ đối với cha mẹ, đối với kẻ nghèo.

Nhưng khi nào thì chúng ta cầu nguyện với một quả tim xa Thiên Chúa? Chúng ta nghĩ ngay tới những lần lo ra chia trí, cũng đúng thôi, nhưng sự thể sâu xa hơn nhiều. Nếu suốt cả một buổi lễ, tôi lo lắng cho một ông lão có bà vợ mới qua đời, cho một em bé vừa mồ côi mẹ, cho cộng đoàn tôi có một chủ chăn quá quỵ lụy trước quyền lực thế gian hay quá ham mê tiện nghi, của cải… thì chính lúc trí tôi lang thang, lòng tôi lại gần kề Thiên Chúa.

Sự gần gũi Thiên Chúa, đó là tình huynh đệ. Lương tri của thánh Vinh-sơn Phao-lô soi sáng chúng ta ở điểm này. Nghe một nữ tu hỏi phải chăng chị có thể bỏ nguyện ngắm vì một bệnh nhân gọi, thánh nhân trả lời: “Dĩ nhiên là có thể! Chị bỏ Thiên Chúa vì Thiên Chúa”. Chúng ta sẽ mỉm cười và hoan hô: “Đúng thế!” Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp tục đi gần bên Thiên Chúa mà chẳng tự hỏi đủ là phải chăng mình có mang theo một trái tim yêu mến Người. Hoặc chúng ta lăn xả vào hoạt động huynh đệ với cảm thức lờ mờ rằng mình đang đánh mất Thiên Chúa ở đó.

Ưu tư duy nhất mang tính đạo đức thật sự, đó là khi cầu nguyện cũng như khi làm việc, phải kiểm tra xem mình có chan chứa tình yêu không. Lúc đó, trái tim chúng ta mới gần Thiên Chúa.

2. Sự trong sạch nào?

Tiếp đến, hướng về cử tọa đông đảo của Người, Đức Giê-su cảnh báo, kêu gọi, như thể Người sắp dạy họ một điều gì khó khăn: “Xin hết thảy nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ”. Thậm chí sau đó Người còn cắt nghĩa tỉ mỉ giáo huấn này cho các môn đệ.

Sự ô uế, Người giải thích, là một vấn đề không phải của thể xác nhưng là của trái tim, của tâm lòng. Một vấn đề “bên trong”. Đây là lời mời gọi khám phá các chiều sâu của chúng ta: “Từ bên trong lòng người phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người…”. Bảng liệt kê dài dòng khai triển ba sự ô uế lớn: độc ác, kiêu căng, trụy lạc.

Thật khó sống với bao thứ lúc nhúc đó trong lòng đến nỗi các tín hữu đã phát minh một cách chống đỡ : thực hành các nghi thức tôn giáo. Người Do-thái thì dùng các việc thanh tẩy lau chùi đến độ ám ảnh, các lễ nghi long trọng, các buổi cầu nguyện dài giờ. Ki-tô hữu chúng ta thì có nước, nến, ảnh tượng, hành hương, tràng chuỗi, suy niệm, cử hành phụng vụ, cầu khẩn Thánh Thần... Toàn những điều tốt đẹp, thậm chí tuyệt hảo, nếu...

Nếu tất cả cái đó phát xuất từ một “nội tâm” trong sạch. Hay đúng hơn, một nội tâm ao ước trong sạch, bởi lẽ chẳng có ai sạch trong. Quả thế, tỏ ra khá bi quan về sự trong sạch của bất cứ nhân tâm nào, Đức Giê-su đã ngỏ lời với tất cả: “Xin mọi người nghe tôi nói đây: chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.”

Hãy hiểu từ ô uế theo nghĩa của Tin Mừng, vì chúng ta đã biến đổi nó khi thu hẹp nó vào lãnh vực tính dục. Ở đây, “ý định xấu” là các ý định làm tổn thương lòng bác ái huynh đệ. Độc ác là sự ô uế lớn hơn cả. Đức Giê-su thâu tóm hết thảy về một ưu tư duy nhất: nguồn mạch các tư tưởng chúng ta phải chăng là một nguồn nước tình yêu khá trong sạch? Hay thường xuyên bị ô nhiễm bởi lòng độc ác, tính kiêu căng và một thèm muốn tính dục không kiểm soát nổi ? Thành thử vấn đề không phải là tìm biết lòng ta trong sạch hay ô uế. Nó ô uế, nó chẳng bao giờ trong sạch. Phải chấp nhận rằng mình xấu, nhưng cùng lúc kiên trì cố gắng thanh tẩy các nguồn suối của chúng ta: tâm lòng sâu xa của chúng ta.

Điều này đòi hỏi một “ý thức nội tâm hóa” lớn lao, việc nội tâm hóa mà Đức Giê-su hết sức nhấn mạnh : “Anh em đã nghe luật dạy : chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28). Ta cảm thấy Đức Giê-su kinh tởm những kẻ gian lận, những kẻ dùng nhiều lời nói tốt lành đạo đức và nhiều kiểu trình diễn bề ngoài che giấu được cái xảy ra trong lòng họ.

Dù có lẽ chúng ta chưa tới độ giả hình kiểu đó, việc kiểm tra các nỗ lực thanh tẩy “nội tâm” của chúng ta vẫn là điều cần. Trên điểm này, ảo tưởng là thường xuyên: ta không ý cố ý gian lận nhưng vẫn gian lận! Càng chăm chăm chú chú hành đạo, chúng ta càng có nguy cơ tin rằng đi lễ, cầu nguyện, xưng tội tự động thanh tẩy lòng chúng ta.

Đây là những phương pháp thanh tẩy lớn lao, dĩ nhiên, nếu chúng được nội tâm hóa, nghĩa là được hết sức mong muốn từ sâu thẳm con người mình, để yêu mến TC, yêu mến anh em cách chính xác, cụ thể.

Chỉ có một sự thanh sạch kiểu Ki-tô giáo: đó là lòng ao ước mến yêu thật mạnh mẽ, được minh chứng qua nhiều hành động công bằng nghiêm minh, trợ giúp quảng đại, ân cần âu yếm và can đảm chống lại những thế lực áp bức con người. Khi ước muốn này lớn lên và khi chúng ta ngày càng hành động cách huynh đệ hơn, con tim chúng ta sẽ được thanh tẩy và từ đó sẽ vọt ra những điều chân thật và trong sạch. mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

BÁC ÁI TRONG LỀ LUẬT

Trong các trường học, nơi các công ty, xí nghiệp hay những quán vui chơi… luôn có những nội quy yêu cầu dành cho mọi người khi đến học, làm việc hay vui chơi… Tất cả những nội quy ấy nhằm phục vụ và đem lại sự an toàn cho mọi người. Những người Pharisêu cũng đã sống và giữ luật tiền nhân, họ đã giữ luật ấy với tâm tình thái độ gì?

Sau những chuyến đi cùng với Thầy Giêsu, các môn đệ đã mệt mỏi và đói. Trong khi dùng bữa, tay các môn đệ còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thấy vậy, các người Pharisêu và các kinh sư đã hỏi Chúa Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,6). Họ trung thành giữ luật và muốn người khác cũng phải giữ luật như họ. Họ không còn một lý do nào khác hơn cho việc giữ luật. Và dường như không có sự tự do của con người trong những luật ấy. Một khi có ai đến nơi đó sống, điều phải giữ luật tiền nhân.

Đứng trước câu hỏi của nhóm Pharisêu và các kinh sư, Chúa đã lấy những lời của Ngôn sứ Isaia mà nói với họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng lại xa ta” (Mc 7,6).  Đối với Chúa,  họ đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì những truyền thống của con người.

Bấy giờ Chúa gọi đám đông lại, mà nói cho họ hay về những điều gây ra sự ô uế thật sự và xuất phát từ đâu, Ngài nói: “ Không có cái gì từ bên ngoài vào vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Vậy cái từ bên ngoài là gì? Đó là đồ ăn, nước uống… Tất cả những  thứ  đó vào bụng rồi bị thải ra ngoài, nó đâu vào tấm lòng của con người hay vào trong lương tâm. Những thứ ấy chỉ nuôi thân xác mà thôi. Cái bên trong thật nguy hiểm, đó chính là những suy nghĩ, ý định xấu như: gian dối, kiêu ngạo, ngông cuồng…”(x. Mc 7,21-23). Đó là những thứ dẫn mọi người đến chỗ ô uế, ô uế cả thân xác lẫn linh hồn. Bởi vì suy nghĩ, ý định xấu sẽ đưa ta đến hành động xấu. Mặt khác, thân phận chúng ta rất yếu đuối, dễ theo điều xấu hơn điều tốt.

Thiên Chúa yêu thương con người bằng tấm lòng của người cha nhân hậu. Chúa muốn nhắn nhủ với con cái của Ngài là tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa bằng trái tim tình yêu, bằng tấm lòng bác ái và không lệ thuộc vào các lề luật. Lời mời gọi ấy còn tha thiết hơn trong bối cảnh xã hội hiện nay. Một xã hội đang dửng dưng, vô cảm trước mạng sống con người.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con những lề luật yêu thương qua các Bí tích, các điều răn và các mối phúc. Chúa cho chúng con được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của Gíáo hội. Xin cho chúng con biết sống trong tâm tình biết ơn,và một tinh thần sống và tuân giữ lề luật trong tình bác ái yêu thương. Nhờ đó danh Cha được rạng ngời và chúng con cùng mọi người được ơn cứu độ. Amen. mục lục

Anna Cỏ May

ĐIỀU CẦN

[Niệm ý Mc 7:1-8, 14-15, 21-23]

Chuyện hằng ngày có nhiều thứ cần thiết
Phải khôn ngoan chọn cái quan trọng hơn
Trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ
Đó là chuyện vệ sinh giữa đời thường.
Loài vi khuẩn có loại tốt, loại xấu
Còn ma quỷ thì chỉ có gian tà
Luật cần thiết để người ta ý thức
Quá nệ luật thì lại chẳng ra gì!
Lời ngôn sứ I-sai-a đã ứng nghiệm
Khi nói về Biệt Phái và kinh sư
Họ thờ Chúa chỉ bằng môi bằng miệng
Còn lòng họ thì lại rất cách xa.
Có thờ phượng Thiên Chúa cũng vô ích
Điều họ dạy là giới luật phàm nhân
Họ gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa
Mà duy trì truyền thống của người phàm.
Cái từ ngoài vào trong thì không hại
Không làm cho người ta ô uế đâu
Nhưng chính cái khiến người ta ô uế
Là những thứ từ con người xuất ra.
Từ trong lòng xuất ra những ý xấu
Là tà dâm, trộm cắp, hoặc sát nhân
Là ngoại tình, trác táng, và độc ác
Là xảo trá, ganh tỵ, với tham lam.
Rửa bên ngoài mà bên trong không rửa
Đầy cáu bẩn thói phỉ báng, kiêu căng
Bao mưu tính lọc lừa và áp bức
Bàn mưu cướp, bất chấp bởi ngông cuồng.
Giữ vệ sinh sạch sẽ là điều tốt
Ngăn ngừa bệnh, giữ sức khỏe dẻo dai
Giữ vệ sinh nội tâm cần hơn nữa
Đó là điều phải rửa sạch hằng ngày.
Bí quyết giữ sạch mình là Tam Tịnh
Là Tịnh Khẩu – không nói lời chua ngoa
Là Tịnh Nhãn – không nhìn thứ nhơ nhớp
Là Tịnh Nhĩ – không nghe điều xấu xa. mục lục

Viễn Dzu Tử

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan