SUY NIỆM CHÚA NHẬT 23 TN B_2024
Lời Chúa: Is 35, 4-7a; 2 Gc 2, 1-5; Mc 7,31-37
HÃY CAN ĐẢM LÊN! – + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
NIỀM VUI CÓ CHÚA – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
BIẾT NGHE VÀ NÓI LỜI THIÊN CHÚA – Phêrô Phạm Văn Trung
MỞ LÒNG TRƯỚC THIÊN CHÚA VÀ THA NHÂN – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
"ÉP-PHA-THA" HÃY MỞ RA! – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
ĐỂ “LỜI” ĐI VÀO ĐÔI TAI, ĐI QUA TRÁI TIM và ĐI RA ĐÔI TAY - Lm. Vinct. Vũ Đức Trọng
MIỆNG NÓI TAI NGHE - Trầm Thiên Thu
Một tác giả nào đó đã nói, đại ý: điểm khác biệt nổi bật nơi con người là có ý chí. Không có ý chí, con người chỉ là khúc gỗ buông trôi theo dòng chảy cuộc đời. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, dù ở bất kỳ bậc sống nào, chúng ta cũng cần có ý chí và nghị lực để vươn lên. Thời nào cũng có những cậu ấm cô chiêu cậy vào cha mẹ có chức có của, ỷ nại người khác. Những người này, dù có được nâng đỡ cũng không thể thành nhân và thành đạt, nếu bản thân không có ý chí. Vì thiếu nghị lực, một số người, trong đó có những người còn rất trẻ, đã dễ dàng quyên sinh khi gặp bế tắc. Giữa dòng đời ngược xuôi bôn ba, đầy những cạm bẫy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy can đảm lên!
Bài đọc I đưa chúng ta về lại thời lưu đày của dân Do Thái. Họ bị bắt đi đày ở Ba-by-lon vào năm 587 trước Công nguyên. Vua nước Giu-đa và các quan lại và hầu hết dân chúng đều phải rời quê cha đất tổ, sống cảnh tha hương nhục nhã ê chề. Họ thường hướng về quê hương, tưởng nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc. Họ cầu nguyện xin Chúa giải thoát. Và, Chúa đã báo tin vui qua môi miệng ngôn sứ I-sai-a. Vị ngôn sứ khẳng định: “Can đảm lên đừng sợ! chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em”. Thực vậy, vào năm 538 trước Công nguyên, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư là Ky-rô cho người Do Thái hồi hương để phục hồi xứ sở. Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài. Nhờ quyền năng của Ngài, sa mạc sẽ nở hoa, miền khô cạn sẽ thành ao hồ. Con người sẽ được tự do.
Sống trên trần gian, hết thảy chúng ta đang là những người lữ hành. Theo nhãn quan Ki-tô giáo, đích điểm của cuộc lữ hành này là Quê Trời, hay còn gọi là Thiên Đàng. Người Ki-tô hữu tin rằng, họ không đơn lẻ trong hành trình này. Họ luôn có Chúa đồng hành để nâng đỡ chở che. Lịch sử cuộc đời cá nhân mỗi người ít nhiều đã chứng minh điều ấy. Thiên Chúa không để con người ngã quỵ trên dòng đời. Ngài nâng đỡ những ai kêu cầu và tín thác vào Ngài.
Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để khẳng định: con người là tạo vật được Chúa yêu thương. Ngài săn sóc họ chu đáo, đến nỗi mọi sợi tóc trên đầu đã được Ngài đếm cả (Lc 12,7). Trong Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su làm phép lạ cho người vừa điếc vừa ngọng nói được. Phép lạ của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”.
Tại sao đôi khi trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lại cấm không cho mọi người kể lại? Các chuyên viên chú giải Kinh Thánh gọi đây là “Những bí mật thiên sai”. Đức Giê-su không muốn cho công chúng biết rộng rãi về Người, vì chưa đến thời của Người. Hơn nữa, Người không muốn cho người ta nghĩ Người như một nhà ma thuật phù phép, cũng không muốn cho họ mang quan niệm trần tục về sứ vụ Thiên sai. Người muốn dần dần mạc khải cho công chúng, để họ đón nhận sứ điệp của Người và để họ nhận biết Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến trần gian.
Qua phép lạ Chúa Giê-su đã làm, người bệnh được giải phóng khỏi mọi ràng buộc. Thánh Mác-cô đã nói đến việc anh này được chữa khỏi, giống như có một sợi dây vô hình nào đã buộc lưỡi anh ta lại, và nay lưỡi được mở ra. Cách nói này muốn diễn tả Đức Giê-su là Đấng đến để giải thoát con người. Người dẫn đưa họ không phải chỉ thoát khỏi bệnh tật, mà còn thoát khỏi tội lỗi, khỏi những đam mê lôi cuốn và ràng buộc con người trong vòng cương tỏa của quyền lực ác thần.
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu cùng chết và phục sinh với Đức Giê-su. Bí tích này làm cho Ki-tô hữu trở thành tạo vật mới, thoát khỏi hậu quả của tội Nguyên tổ. Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, Đức Giê-su là người chỉ đạo, người Thầy và người Bạn hướng dẫn chúng ta. Tin vào Đức Giê-su, chúng ta phải thực hành lời Người giáo huấn. Thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) đã khuyên các tín hữu: anh chị em đã tin vào Đức Giê-su thì đừng đối xử thiên tư, trọng người này và khinh người nọ. Những gì thánh Gia-cô-bê viết trong thư phản ánh cho thấy vào thời của ngài, đã có sự chia rẽ phân biệt giữa người giàu và người nghèo ngay trong các cộng đoàn đức tin. Ngày hôm nay, trong xã hội và trong các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, sự phân biệt ấy vẫn tồn tại. Những chia rẽ và ghen tỵ này làm ảnh hướng không tốt đến hình ảnh của Giáo hội. Đức tin vào Chúa Giê-su phải giúp chúng ta đối xử thân thiện với hết mọi người, vì tất cả là anh chị em của cùng một Cha trên trời, như Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định.
Giữa cuộc sống còn nhiều âu lo trăn trở trước những khó khăn, thất bại và lo toan cơm áo gạo tiền, xin cho chúng ta biết can đảm phó thác vào Chúa, là Đấng Quan phòng yêu thương chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúa Giê-su đã dạy: Cha trên trời quyền năng và nhân ái vượt xa những người cha trần thế. Ngài sẵn sàng lắng nghe và phù trợ chúng ta (x. Mt 7,7-12). mục lục.
+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
"Niềm vui có Chúa". Hỏi: Niềm vui có Chúa đến từ nơi nao? Thưa: Chúa là nguồn vui, có Chúa sẽ có niềm vui ngập tràn. Theo Thánh Phaolô, niềm vui này "xuất phát từ mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, từ sức mạnh phục sinh của Người". Đức Thánh Cha Phanxicô thì nói: "Niềm vui Kitô giáo đến từ chính Thiên Chúa". Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI khẳng định: Niềm vui đến từ đức tin: "Tôi được yêu mến. Tôi có một vai trò trong lịch sử. Tôi được đón nhận, được yêu thương".
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta niềm vui của dân Israel, niềm vui của kẻ điếc người câm, nay cả hai kẻ nghe được, người nói được. Vui quá !
Niềm vui cho dân Israel
Thấy cảnh cùng cực của dân Chúa thời Cựu Ước khi phải đi đầy, lâm vào cảnh nước mất nhà tan, quê hương bị ngoại bang chiếm đóng, phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược, thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận. Bỗng ngôn sứ Isaia loan báo về triều đại của Thiên Chúa ngự trị. Mọi người sẽ sống hạnh phúc trong vương quốc của Người; nơi đó người câm nói được, kẻ điếc nghe được, người què nhảy nhót… mọi người rạo rực niềm vui.
Đến thời Chúa Giêsu, vùng Tia tới sion, bao kẻ mù què, câm điếc được chữa lành, họ tràn nghiệp niềm vui.
Tóm lại: có Chúa sẽ có niềm vui, Chúa là niềm vui cho dân Chúa.
Niềm vui cho dân Israel
Trong lúc dân Israel thời Isaia đang ở trong tình trạng bi đát. Quê hương bị ngoại bang chiếm đóng. Phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược. Thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận.
Đang lúc lối tận, đường cùng, quẫn bách như thế, những lời lẽ dịu dàng của Thiên Chúa phán qua miệng Isaia mang đến cho Dân Chúa đang bị xao xuyến trong cảnh lưu đày lòng tràn ngập niềm vui: "Can đảm lên, đừng sợ ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người" (Is 35, 4). Chúa sai ông đến với những kẻ lòng đang "hốt hoảng" và bảo họ: hãy phấn khởi lên, đừng sợ; này Chúa đang đến trả oán (kẻ cường bạo); nhưng với dân của Israel thì đó là thời gian cứu độ. Mắt kẻ mù sẽ mở, tai kẻ điếc sẽ thông, lưỡi người câm sẽ nói; và nước sẽ phun trong sa mạc.
Thật ủi an biết bao, bởi dân Chúa cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, mình là đối tượng của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy nay thể hiện cụ thể nơi lời nói cũng như việc làm của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Niềm vui cho con người thời Chúa Giêsu
"Effatà - Hãy mở ra"(Mc 7,34). Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha tình yêu, đến để hoàn tất lời hứa, mang lại niềm vui cho con người. Lời Chúa Giêsu hô to sau hơi thở dài trước mặt người câm điếc, với bàn tay đưa ra đụng vào tai và lưỡi anh ấy, "tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng"(Mc 7, 37). Ta đặt mình vào địa vị của những người được Chúa Giêsu chưa mới thấy được họ vui biết chừng nào.
Từ việc chữa lành người câm điếc "mở ra" cho cho thế giới chúng ta một sự khởi đầu với các quan năng nghe Lời Chúa và cất lời ca tụng những điều kỳ diệu của Chúa. Chúa đã làm người để con người bị câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng nghe tiếng Chúa, tiếng của tình yêu nói với con tim, và dạy con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền cho nhau những công trình tốt đẹp Chúa đã làm trong niềm vui ơn cứu độ.
Thế giới đang cần niềm vui của Chúa
Ngày nay nhiều người mất khả năng nghe lời Chúa và tiếng nói của đồng loại. Có người mất khả năng nói ngôn ngữ của tình yêu, hòa bình và xây dựng với chính mình cũng như tha nhân. Có người mù không nhìn thấy những điều kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo mà ca tụng Chúa, cũng như không thấy được sự tốt đẹp nơi tha nhân. Đời chẳng mấy vui.
Isaia loan báo, sẽ đến ngày Thiên Chúa đến đem lại niềm vui khi mở mắt người mù, mở tai người điếc, cho người què đi được và người câm nói được. Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đã thực hiện lời Isaia tiên báo năm xưa là chữa lành cho người câm điếc để anh nghe và nói được. Hành động Chúa kéo anh ta ra khỏi đám đông hỗn độn gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái để anh thuộc về Chúa chứ không còn thuộc về loài người nữa. Chúa Giêsu đặt tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh chứng tỏ Chúa không chỉ đụng chạm đến tai, đến miệng của anh, mà Chúa còn chạm đến trọn con người, gồm trái tim và tâm hồn anh nữa. Chúa Giêsu không chỉ chữa anh khỏi câm, ngọng, Chúa còn mở tai, mở mắt tâm hồn để anh có thể nhận ra Người là Thiên Chúa quyền năng và lắng nghe Lời của Chúa.
Ngày nay, có quá nhiều tiếng ồn bên ngoài và cả bên trong ta, như âm thanh của tiền bạc, danh vọng và các thú vui, làm giảm khả năng nghe, nhìn và nói về Thiên Chúa, lời Chúa không thấm vào tâm hồn chúng ta được khiến chúng ta mất vui. Nhiều người mất khả năng lắng nghe nhau bởi họ không muốn nghe người khác hay họ nói nhiều hơn nghe. Nguy hiểm hơn là tình trạng câm điếc trong tâm hồn đang xảy ra nơi chúng ta, khiến ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, không nhìn thấy những việc tốt đẹp Chúa làm trong đời ta. Có người điếc vì làm ngơ trước lời kêu cứu của anh chị em đang gặp khổ đau. Có người câm vì sợ hãi không dám nói lên sự thật và không dám bênh vực sự thật. Có nhiều người vì quyền lợi, địa vị hoặc vì một thứ bổng lộc nào đó của xã hội, mà chấp nhận biến mình thành kẻ câm, điếc hoặc mù lòa. Thế giới thiếu vắng niềm vui.
Lạy Chúa, xin đến chạm vào tai, môi miệng và mắt con, để con nghe được tiếng Chúa, thấy được tha nhân và ca tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen. mục lục.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
BIẾT NGHE VÀ NÓI LỜI THIÊN CHÚA
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể rằng “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Chúa Giêsu, và xin Ngài đặt tay trên anh” (Mc 7: 32). Người này bị điếc hoàn toàn; không thể nghe thấy gì cả. Hơn nữa, điếc và câm thường liên quan với nhau vì con người học nói bằng cách nghe. Một người không thể nghe giọng nói của chính mình hoặc giọng nói của người khác, nhất là bị điếc từ khi mới sinh hoặc mất khả năng nghe khi còn nhỏ tuổi, thì hầu như không thể nói gì được, hoặc chỉ nói ú ớ, ngọng nghịu, không làm cho ai hiểu được, vì mọi người đều sử dụng thính giác của mình trong sinh hoạt hàng ngày mọi nơi mọi lúc. Vào thời mà ngôn ngữ ký hiệu và các phương tiện trợ thính không có như ngày nay, người vừa điếc vừa ngọng như thế này bị hạn chế rất nhiều trong giao tiếp cộng đồng, dễ bị bỏ rơi, cách biệt, cô lập và trở nên cô đơn, buồn bã, “căng thẳng tâm lý – stressed” theo cách nói ngày nay.
1. Điếc lác tâm linh
Sự điếc lác tâm linh cũng không khác gì: khi chúng ta không thể nghe hoặc từ chối nghe Lời Chúa, chúng ta tự gây ra rất nhiều nguy hiểm cho mình. Khi không nghe lời Chúa, qua các cảnh báo của các mục tử của Chúa, nhằm chống lại các cơn cám dỗ và sự lôi cuốn của tội lỗi cùng những hậu quả đáng xa tránh của chúng, người ta cũng trở nên điếc lác và tự cô lập mình khỏi những ân sủng ban bình an và sự sống dành cho những “tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Samuel 3:9). Sự điếc lác về thể chất là một khuyết tật gây ra những hạn chế trong nhận thức, vì không thể nghe được suy nghĩ và ý kiến của những người khác. Dẫu sao nó không gây ra cái chết thể lý, nhưng sự điếc lác tâm linh thì tệ hại vô cùng. Nó không còn khả năng nghe ra những thực tại tâm linh, mà chỉ còn nghe được những tiếng kêu réo của nhu cầu bản năng, hưởng thụ thực dụng. Nó nhấn chìm nghĩ suy và cõi lòng vào những cảm giác và cảm xúc nhất thời hay thay đổi, rồi cứ lầm tưởng đó là tất cả sự thật ở đời, không còn gì sâu sắc và cao vời hơn nữa. Nó làm cho người ta suy nghĩ, nói năng, hành động và sống không có chuẩn mực đạo đức vững vàng. Dù bệnh tật, tuổi già và cái chết dần đến, nhưng người điếc lác tâm linh vẫn không tìm được cho đời mình một giá trị và ý nghĩa siêu việt nào. Đó mới là cái chết thật sự.
Lại có một số người lại bịt đôi tai tâm linh của họ. Họ làm mọi thứ để không nghe thấy sự thật, mặc dù họ biết rằng sự thật vẫn có đó. Vì sự thật không giống như cách nhìn của họ về bản thân nên họ bịt đôi tai tâm linh để khỏi nghe thấy sự thật đó. Điều khiến họ bịt đôi tai tâm linh là ý muốn chống lại, không chấp nhận nghe sự thật về cõi lòng nhiều tăm tối của họ, như ngôn sứ Êdêkiel cảnh báo: “Nhà Israel không muốn nghe lời ngươi, bởi vì chúng không muốn nghe lời Ta: quả thật cả nhà Israel đều mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá...bởi vì chúng là nòi phản loạn” (Êdêkiel 3:7-9).
Những ai tự làm mình điếc về mặt tâm linh là tù nhân của những dối trá mà họ chất chứa trong chính họ. Họ ngầm nghĩ rằng Thiên Chúa không hiểu biết hơn họ về những gì là tốt nhất cho họ. Giống như Ađam và Eva trong vườn địa đàng, khi chúng ta bịt tai tâm linh của mình, chúng ta “đã chọn mình hơn Thiên Chúa và qua đó đã khinh thường Thiên Chúa: con người đã chọn chính bản thân chống lại Thiên Chúa, chống lại những đòi buộc của thân phận thụ tạo của mình, và do đó chống lại cả lợi ích riêng của mình” ( GLGHCG số 398 ). Chúng ta coi lời Chúa chỉ là một tiếng nói thích thì nghe, không thích thì thôi, chứ không thực sự là tiếng nói của Thiên Chúa. Nhiều người ngày nay cố gắng giản lược mọi điều thánh thiêng trong Kinh thánh thành một điều gì đó thuần túy con người, và do đó không cần thiết phải tin, như Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong Verbum Domini: “...bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của một yếu tố thần linh, thì đều phải được giải thích cách khác và phải giản lược mọi sự vào chiều kích nhân loại. Hậu quả là người ta đề nghị những cách giải thích phủ nhận tính lịch sử của các yếu tố thần linh. Một lập trường như thế chỉ có thể gây ra những tác hại trong đời sống Giáo Hội, vì gieo rắc sự hoài nghi đối với các Mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo và giá trị lịch sử của chúng, chẳng hạn việc thiết lập phép Thánh Thể và sự Phục Sinh của Đức Kitô” (Tông Huấn Verbum Domini - Lời Chúa, của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, ngày 30-11-2010, số 35, b-c).
Giáo hội vẫn tiếp tục nói những lời của Chúa Giêsu, và những lời đó vẫn còn khó nghe lắm. Chúng ta cần chấp nhận những lời dạy của Chúa Giêsu qua Giáo hội như Thánh Luca viết: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10: 16). Cách duy nhất để chúng ta “trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài” (Gc 2:5) là lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, qua Giáo hội. Chúng ta phải để Chúa Giêsu rửa sạch đôi tai tâm linh của chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tình trạng điếc lác tâm linh.
2. Chúa chữa lành bệnh câm điếc, một dấu chỉ cứu độ
Người vừa điếc vừa ngọng này không phải là không thể phát ra bất cứ âm thanh nào nhưng anh ta rất khó nói ra thành lời rõ ràng để có thể giao tiếp với người khác. Anh ta bị coi gần như câm hoàn toàn, ngoại trừ một vài âm thanh ú ớ vô nghĩa. Chúa Giêsu vừa trừ quỷ cho con gái một bà gốc Phênixi xứ Xyri, ở vùng Tia và Siđon (Mc 7:24-30), sau đó, vượt qua biển hồ Galilê, đi về phía Đông, đến miền Thập Tỉnh, ngay giữa vùng dân ngoại giáo: “Chúa Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Siđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh” (Mc 7:31). Nhưng danh tiếng là một người chữa bệnh thần kỳ đã lan truyền đến vùng đó trước khi Ngài đến. Chính vì thế “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Chúa Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh” (Mc 7:32). Tuy nhiên, thay vì làm những cử chỉ đơn giản như thường khi, hôm nay Ngài lại hành động khác lạ: “Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra!” (Mc 7:33-34). Thánh Máccô muốn chúng ta nhìn xa hơn việc chữa lành thể xác đơn thuần. Thánh sử muốn chúng ta nhận ra nơi việc chữa lành này một dấu chỉ: Chúa Giêsu nói và hành động như Đấng Mêsia đến từ Thiên Chúa. Ngài khai mở Nước Trời của Thiên Chúa, Cha Ngài. Ngài đến vùng đất ngoại giáo, vì sứ mạng và Ơn Cứu Độ của Ngài là dành cho mọi người, kể cả những người ngoại giáo, không chỉ dân Do Thái. Thánh Máccô là môn đệ của thánh Phêrô và soạn sách Tin Mừng của mình cho các Kitô hữu ở Rôma, nhiều người trong đó có gốc gác ngoại giáo. Chúa Giêsu nhìn thấy nơi người câm điếc này khuyết tật của của dân tộc Israel, cũng là của tất cả những người ngoại giáo không nhận biết Thiên Chúa. Như vậy Tin Mừng và Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu cũng dành cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu chạm vào tai và lưỡi của người câm điếc, “ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Éppha-tha” (Mc 7:34). Chúa Giêsu như muốn chạm vào toàn bộ con người của người ấy, cả thể lý và tâm linh, và cả mỗi người chúng ta, bằng sự kiên nhẫn và quan tâm, tìm cách đánh thức đức tin của từng người vào Thiên Chúa, là Cha trên trời, dù tâm trí của từng người có chậm chạp và do dự thế nào. Hơn cả sự chữa lành thể xác, phép lạ này đích thực là sự thức tỉnh đức tin, như ngôn sứ Isaia khuyến khích: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Ngài sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35:4-5).
Hậu quả của việc câm điếc tâm linh là nhận thức của chúng ta về sự thật bị suy yếu. Nếu cuộc sống của chúng ta không có khả năng “nghe” tiếng Chúa và “nói” với Chúa thì mọi nỗ lực của chúng ta không có điểm tựa vững chắc. Mọi tri thức chúng ta có được từ khoa học, xã hội học, lịch sử, tâm lý học, đạo đức học… sẽ bị bóp méo nếu chúng ta không lắng nghe và thực thi Lời Thiên Chúa như chuẩn mực quy chiếu. Mối liên quan giữa việc điếc và câm cho thấy các tác động của tội lỗi trên toàn bộ con người. Những người điếc Lời Chúa khó mà nói về các vấn đề tâm linh sao cho đúng. Ngay cả những người có nhiều kiến thức khoa học mà điếc Lời Chúa thì cũng bộc lộ ra những vấp váp lúng túng khi nói về các sự thật tâm linh. Tuy nhiên nếu người ấy mở tai, mở lòng để tiếp nhận sự thật tâm linh thì khả năng diễn đạt về các vấn đề tâm linh của người ấy sẽ tiến triển nhiều. Cũng như người câm đã được Chúa Giêsu chữa lành về thể lý để anh ta có thể nói, thì chúng ta phải được Chúa Giêsu chữa lành về tâm linh để chúng ta có thể rao truyền Lời Chúa, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động chia sẻ yêu thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trình thuật Tin Mừng này nhấn mạnh đến nhu cầu chữa lành song song. Trước hết là chữa lành bệnh tật và đau khổ về thể xác, để phục hồi sức khỏe thể xác; mặc dù mục tiêu này không hoàn toàn có thể đạt được trên cõi trần gian, bất chấp nhiều nỗ lực của khoa học và y học. Nhưng có một cách chữa lành thứ hai, có lẽ khó khăn hơn, đó là chữa lành khỏi nỗi sợ hãi. Chữa lành khỏi nỗi sợ hãi vốn thúc ép chúng ta gạt bỏ người bệnh, gạt bỏ người đau khổ, người khuyết tật. Và có nhiều cách để gạt bỏ, thậm chí bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn giả tạo hoặc bằng cách phớt lờ vấn đề; chúng ta vẫn điếc và câm trước nỗi đau của những người bị bệnh tật, đau khổ và khó khăn. Quá thường xuyên, người bệnh và người đau khổ trở thành vấn đề, đang khi họ nên là dịp để chúng ta thể hiện sự quan tâm và liên đới xã hội với những người yếu thế nhất” (Kinh truyền tin, quảng trường Thánh Phêrô, 09 tháng Chín, năm 2018).
Thánh Giacôbê khuyến cáo chúng ta: “Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao?” (Gc 2:5). mục lục.
Phêrô Phạm Văn Trung
MỞ LÒNG TRƯỚC THIÊN CHÚA VÀ THA NHÂN
Đại hội Thanh niên Thế giới (hay Ngày Quốc tế Giới trẻ) lần thứ 15 (15-20/8/2000) tại Rô-ma đã kết thúc hết sức tốt đẹp, ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Trong khi Ủy ban tổ chức dự trù chỉ có 400.000 bạn trẻ tham dự ngày khai mạc, con số đã lên tới hơn 700.000 người đứng chật kín quảng trường thánh Phê-rô và đại lộ Via della Conciliazione (Đường hòa giải). Trong những ngày tiếp theo, hơn 350.000 bạn trẻ đã lãnh nhận bí tích giải tội. Hàng triệu bạn đã kính viếng các nhà thờ và theo các buổi học giáo lý do 300 hồng y, giám mục phụ trách. Trong nghi thức Đi đàng Thánh giá tại hí trường Colosseo, ban tổ chức dự trù chỉ có khoảng 300.000 người tham dự, con số thật sự đã lên đến hơn nửa triệu. Vào những ngày chính thức của đại hội (19-20/8) đã có hơn 2 triệu bạn trẻ tuốn về. Đông đảo như thế mà chỉ có hai bạn bị lấy cắp đồ, mà chẳng có cành cây nào bị bẻ gẫy, thùng bia nào bị dẫm đạp. Các bạn trẻ đa phần chỉ dùng nước suối. Họ cũng ca hát, nhảy múa, trình diễn như tính cách của người trẻ, song toàn là hát thánh ca, trình diễn những hoạt cảnh lấy từ Tin Mừng. Nhớ lại năm 1969, vẫn ngày 15/8, Woodstock Festival (Liên hoan nhạc rock tại Hoa Kỳ) cũng đã quy tụ được 400.000 bạn trẻ. Nhưng ở đó chỉ có hoan hô đả đảo, ăn mặc lố lăng, thoải mái dùng ma túy và tự do cảm nghiệm tình dục (theo CD Encarta 98). Nhưng điều đáng phấn khởi nhất trong Đại hội Giới trẻ lần này là ngay sau ngày bế mạc, 5,000 bạn trẻ thuộc phong trào Tân Dự Tòng đã quyết dâng mình cho Chúa trong đời tu (theo các bản tin VietCatholic). Người ta bảo đây là một phép lạ Thiên Chúa ban cho nhân loại đầu thiên niên kỷ, một phép lạ đã mở mắt cho nhiều người, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Gọi thế cũng chẳng ngoa, vì phép lạ đích thực không phải là biến đổi vật chất song là biến đổi tâm hồn, không phải là chuyện Thiên Chúa làm theo ý con người mà là con người làm theo ý Thiên Chúa..
Mở Đôi Mắt Để Thấy Các Phép Lạ
Phép lạ hôm nay là phép lạ mở tai và lưỡi một người ngọng điếc, nhưng thật ra nhắm mở mắt các Tông đồ. Thật vậy, câu chuyện nằm trong một văn mạch mà ngay từ đầu đã nói đến sự ngu muội của họ trước các phép lạ Đức Giê-su thực hiện (x. Mc 6,52) và sẽ kết thúc với trình thuật chữa lành người mù ở Bết-xai-đa và trình thuật Phê-rô tuyên tín sau câu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” (x. Mc 8,22-30).
Thành thử trong câu chuyện chữa kẻ ngọng điếc này, thiết tưởng phải nhấn mạnh đến vai trò giáo huấn của các phép lạ. Sau khi đã hết sức khoái chúng, nay có lẽ ta hờn dỗi chúng (thời đại khoa học mà!) và thích các trang diễn từ hơn, vì coi các trang này dễ chịu hơn với óc phê bình và bổ dưỡng hơn cho việc suy niệm. Nếu thế thì quả là không am hiểu chẳng những về các phép lạ mà còn về chính ý nghĩa của Tin Mừng.
Trong toàn bộ hành vi và lời nói làm nên Tin Mừng, tất cả đều có giá trị giáo huấn, tất cả phải khiến dâng lên trong ta câu hỏi của Mác-cô, câu hỏi số một về Đức Giê-su: “Thầy là ai? Thầy mang đến cho chúng con những gì?” (x. Mc 8,29).
Chính Đức Giê-su đã trả lời khi Gio-an Tẩy giả còn ngập ngừng: “Phải chăng Thầy chính là Đấng người ta trông đợi?” Và câu trả lời là cả một chuỗi những phép lạ, là cả một đoạn lấy lại từ bản văn I-sai-a. Bắt đầu bằng một tin tức đầy an ủi nhưng còn mơ hồ: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em”, I-sai-a đã vội vàng cụ thể hóa nó: “Mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc được nghe, kẻ què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò, nước sẽ vọt lên cho những ai chết khát” (Is 35,4-6).
Vừa rất cụ thể vừa rất biểu tượng! Qua các ví dụ này, I-sai-a muốn mô tả tất cả cảnh khổ của con người và lòng nhân từ mạnh mẽ của Thiên Chúa. Như thế ông cung cấp cho ta chìa khóa để hiểu đúng các phép lạ của Đức Giê-su. Người đã thực sự hoàn tất nhiều cuộc chữa lành và nhiều hành vi kỳ diệu, nhưng như những dấu chỉ cho thấy chính Thiên Chúa, qua Người, đang đến cứu chúng ta: mọi khốn khổ thể lý và tinh thần sắp lùi bước. Mỗi phép lạ là một kiểu áp-phích: Thiên Chúa cứu các bạn, Người có khả năng làm điều đó, và Người đang làm qua Đức Giê-su Con của Người. Hành vi ngoạn mục này thành thử chẳng phải là một điều kỳ diệu cần tranh cãi xem có thể hay không có thể. Ai có thể áp đặt các giới hạn khả năng cho Đấng Tạo Hóa? Đó là một hành vi hết sức có thực nhưng đặc biệt mang giá trị dấu chỉ, cần được chiêm ngắm như dấu chỉ.
Đã chẳng có ai biết đọc các phép lạ của Đức Giê-su khi Người hoàn tất chúng. Bằng chứng là chính các đám đông từng khâm phục Người sẽ đẩy Người đến thập giá, các thủ lãnh tôn giáo đã giải thích chúng như do quyền lực ma quỷ và họ vẫn mãi cứng lòng, còn môn đệ Người thì cho đến cùng vẫn không hiểu. Việc chữa lành kẻ ngọng điếc đúng là nằm trong một nhóm văn bản nói về sự không hiểu của họ, và toàn bộ này kết thúc bằng một trận la mắng om sòm: “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8,17-18).
Nhưng chỉ có thể nhìn phép lạ như sự bày tỏ cách lẫy lừng lòng nhân hậu và sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa sau ngày Phục sinh thôi. Lúc đó, người ta mới hiểu Đức Giê-su là chính sức mạnh cứu rỗi ấy đến độ nào: “Ngài là ai, lạy Chúa? Là những gì các phép lạ nói về Ta.”
Chúng ta có hiểu không? Có biết đọc các phép lạ không? Khắp trong thế giới, Đức Giê-su phục sinh đang hành động, nhiều người điếc đang nghe, nhiều người câm đang nói, nhiều cuộc sống hồi sinh, như qua ĐH Thanh niên Thế giới nói đầu bài. Song phải có mắt mới thấy được.
Mở Đôi Tai Để Nghe Chúa Và Người
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải mở tai nữa. Mở tai để lắng nghe. Người ngọng điếc là biểu tượng của Ki-tô hữu chưa thực sự là Ki-tô hữu. Vì chính với ta mà Đức Giê-su nói: “Hãy mở ra”. Chúng ta quá điếc đặc! Được dựng nên để mở ra trước các sứ điệp của Thiên Chúa và của anh em mình, tai chúng ta đã đóng kín. Tại sao?
Đôi khi vì có một phản ứng nghi ngờ. Tôi hết sức yên ổn trong các tư tưởng và các xác tín của tôi. Nay bạn, kẻ khéo nói, bạn sắp làm tôi rối loạn. Thông thường hơn, nhưng thật khó để lôi nó ra ánh sáng, thái độ khinh bỉ kẻ khác làm chúng ta điếc đặc. Đúng ra chúng ta vội nói và vội bịt tai vì nghĩ rằng điều mình nói ý vị hơn các diễn từ của anh em mình. Còn nếu là một thủ lãnh cộng đoàn, thì những thành kiến và óc độc tài của chúng ta dễ khiến chúng ta không muốn nghe những cấp dưới nói thật nói thẳng. Tệ hơn nữa là có lúc tìm cách bịt miệng những anh em đó.
Chắc chúng ta đã từng tham gia vào một nhóm linh đạo Thánh Kinh, suy niệm Tin Mừng, nơi đó các buổi họp có thể khởi sự bằng một vòng phát biểu. Ai nấy phải nói và ai nấy phải nghe! Và có lúc chúng ta cảm thấy bầu khí thật nặng nề, vì một số (trong đó có chúng ta) phải hết sức cố gắng lắng nghe dẫu rất ngứa ngáy muốn cắt ngang, để bổ túc và nói ngược lại. Nhưng im lặng thì có lợi! Ta khám phá niềm vui đón nhận tư tưởng và tâm lòng kẻ khác. Điều đó sẽ giúp chúng ta, khi đến lượt mình, sẽ nói với ý thức rằng mình không đem đến tất cả. Cung giọng chúng ta sẽ khiêm tốn hơn, những người khác có thể mở tai lắng nghe, đang khi thói tự phụ của chúng ta làm họ bịt tai lại. Chính khi tai của kẻ ngọng điếc mở ra mà lưỡi anh ta cũng nói được. Chính khi đã lắng nghe kỹ, chúng ta mới có những câu phát biểu đi vào lòng người.
Nhưng lắng nghe không có nghĩa là để cho ai đó cứ độc quyền nói. Là ngôn sứ của Tin Mừng, chúng ta phải đòi (chứ chẳng phải xin) cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội được lên tiếng trong xã hội, Lời hằng sống được tự do ngân vang trên sách báo, các phương tiện truyền thông; chúng ta phải làm sao cho mọi con người, mọi công dân đều có quyền phát biểu, nhất là những kẻ “thấp cổ bé miệng”; chúng ta phải làm sao cho mọi ý kiến chính đáng không bị phớt lờ, giải thích một chiều hay bị trấn áp cấm đoán, mọi khát vọng cao đẹp nhất của tâm hồn và những cảm hứng đúng đắn nhất của tinh thần được tôn trọng và thỏa mãn; chúng ta phải làm sao để những kẻ nắm quyền chẳng còn coi mọi phương tiện thông tin là công cụ của riêng họ, cho những kẻ độc tài chẳng còn dám khẳng định mình cũng “dân chủ”, cũng “nhân đạo”, cũng “có tình có lý” khi chỉ bố thí chút quyền “kiến nghị” cho ai đã hết sức quỵ lụy hay chịu thỏa hiệp. Phải biết mở miệng, vì cất tiếng nói cách tự do là một đặc tính của con người! mục lục.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Khoa học ngày nay đã sáng chế ra một loại ngôn ngữ bằng dấu chỉ (sign language) để giúp những người bị tật nguyền như câm và điếc có thể giao tiếp với người khác. Nhưng những người sống cùng thời với Đức Giê-su thì không được như vậy. Vì điếc nên họ không thể nghe và mức độ cảm thông với người khác cũng bị suy giảm. Vì bị câm nên họ không thể nói, vì thế việc làm cho người khác hiểu đuợc tâm tư và nguyện vọng của họ cũng gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng này kéo dài từ ngày nay sang ngày khác, nên sinh ra khó khăn trong việc giao tiếp. Cuối cùng, cuộc sống của những người bị câm và điếc càng ngày càng bị cô lập và xa cách với cộng đoàn. Chúa đã không nhìn họ như thế. Nơi Người có sự đổi mới. Chúng ta hãy tìm hiểu.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su đã chữa cho một người vừa bị câm lại bị điếc được khỏi bịnh. Đức Giêsu không chỉ phục hồi tình trạng tật nguyền cho ông mà còn ra tay phá bỏ bức tường ngăn cách giữa ông và cộng đoàn. Từ đó, ông ta nghe được, nói được và cảm thông được với người khác, và ngược lại, người khác cũng dễ dàng nghe, hiểu và thông cảm với ông ta hơn.
Như vậy, việc chữa lành hôm nay không chỉ dừng lại việc chữa bịnh về mặt thể lý, nhưng còn nói lên việc Thiên Chúa tín trung, giữ lời hứa và tái tạo thế giới mới, một thế giới mà trong đó người ta sẽ không còn thấy bất cứ một nỗi lầm than nào; sẽ không còn tật nguyền nhưng đầy sự sống; sẽ không còn đói khát, âu lo và chiến tranh nhưng là hòa bình. Thế giới sẽ tràn đầy niềm vui và hoan lạc. Đó là một thế giới tuyệt vời mà chính Thiên Chúa đã khai mạc trong Đức Giê-su.
Trong ngày đó, những ai tưởng như mình đã chết, đã đui mù, đã câm điếc, què quặt và những tật nguyền giống như thế… sẽ được chữa lành. Tất cả sẽ vùng lên, hân hoan, vui mừng reo hò vì Đấng cứu độ đã đến và giải thoát họ khỏi tất cả những tật nguyền và hoạn nạn nói trên.
Kính thưa anh chị em,
Khi Tin Mừng Mác-cô ghi lại cho chúng ta những điều kỳ diệu của Đức Giê-su như việc làm cho người câm nói đuợc, người mù trông thấy và người điếc nghe được thì có nghĩa là lúc mà những gì đã được loan báo về Nước Thiên Chúa bởi các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ I-sa-ia nay đã được thực hiện. Đức Giê-su, một con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện trước mặt ta.
Người không chỉ đứng đó mà nhìn ngắm rồi phán dậy. Người hiện diện một cách thật tích cực. Người hiện diện bằng hành động. Những tật nguyền đã làm cho con người sống trong đau khổ nay được tháo bỏ. Những hàng rào quan niệm khiến cho con người bị cô lập và mất đi mối hiệp thông như nói không ra tiếng, nghe không thấy âm sắc… tất cả đuợc cởi bỏ.
Hôm nay, Đức Giê-su đến để khai mạc thời đại mới. Tuy, bổn phận của chúng ta là Tin vào những gì mà Đức Giêsu đã làm. Nhưng, vấn đề không phải là tìm cách làm cho mình có những quyền phép lạ lùng nhưng phải tin rằng những gì mà Đức Giê-su đã thực hành vẫn được thể hiện qua cuộc sống của chúng mình.
Đó là hồng ân. Chúng ta không chỉ là những người thừa hưởng gia nghiệp mà còn có bổn phận làm cho gia nghiệp mà chúng ta đã lĩnh nhận càng ngày càng phát triển rộng lớn hơn. Có nghĩa là, chúng ta cũng đuợc mời gọi, trong cuộc sống, trở thành những người biết san sẻ hồng ân và niềm vui khi được cứu độ cho người khác nữa.
Đó là ân phúc thật trọng đại, vì biết rằng mình đã thuộc về Thiên Chúa.
Nhưng làm thế nào, chúng ta làm cho người khác nhận ra rằng chúng ta thuộc về Chúa. Có nghĩa là chúng ta cần có chứng từ trong cuộc sống. Nói khác đi, những ai đã thuộc về Thiên Chúa thì đều cảm nhận được niềm vui của Thiên Chúa, Đấng giải thoát, nâng đỡ và tháo gỡ những gông cuồng, đau khổ đang đầy đọa cuộc sống ta.
Cho nên, trong niềm vui mừng và hân hoan đó, chúng ta không được phép khư khư giữ cho riêng mình mà còn phải biết nghĩ đến người khác, quan tâm cho những ai đang sống với các nỗi khổ đau, đang chịu thiệt thòi mà họ phải gánh chịu; rồi như Đức Giê-su, chúng ta sẵn sàng sống và chia sẻ cho họ nguồn ơn cứu độ mà chính bản thân mình đã đươc lĩnh nhận.
Chúa đã làm xong phần của Người, còn chúng ta, phải làm gì để xứng đáng với vinh dự là môn đệ của Đức Giê-su, Đấng đã mở tai cho người điếc, mở luỡi cho người câm, giải oan cho người bị áp bức và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa cho muôn dân? Vấn nạn này chất vấn và theo chúng ta cả đời và với tư cách của tín hữu, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước các đau khổ của những con người mà Chúa đã đến để làm bạn với họ.
Tóm lại, Đức Giêsu đã đến để đưa quyền năng của Thiên Chúa vào thế giới này hầu tái tạo trời mới đất mới và trao ban sự sống mới cho muôn dân thế nào thì chúng ta cũng cần thể hiện như thế. Có nghĩa là cuộc sống của chúng ta cần được mở rộng và mở lớn hơn.
‘Mở’ ra cho Chúa và Lời của Người soi sáng tâm hồn vì đó là nơi kín ẩn mà Thiên Chúa muốn ngự trị.
‘Mở’ tung những ‘mặt nạ’ để khuôn mặt thật của Chúa được tỏa sáng.
‘Mở’ ra cho bản thân và người khác nhìn thấy Chúa nơi phần sâu thẳm nhất của đời mình.
‘Mở’ để nhìn, để nghe, để cảm thông, để buớc đến, để an ủi, để vỗ về và để san sẻ tình thương cho bao nhiêu người đang chờ đợi bàn tay và con tim của chúng ta….
Cuối cùng là ‘Ép-pha-tha – hãy mở ra’ để Chúa làm chủ mọi sự trong và ngoài của chúng ta. Amen. mục lục.
Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
ĐỂ “LỜI” ĐI VÀO ĐÔI TAI, ĐI QUA TRÁI TIM và ĐI RA ĐÔI TAY
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Nơi trang Tin mừng mà chúng ta vừa cùng nhau lắng nghe, thánh sử Marcô kể lại cho chúng ta biết về một phép lạ chữa lành mà Đức Giêsu đã thực hiện, đó là người đã chữa lành cho một người vừa bị điếc, vừa bị ngọng, có thể nghe được hiểu được, và có thể nói một cách rõ ràng. Qua phép lạ chữa lành này chúng ta được mời gọi nhận ra điều gì?
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra đó chính là tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta. Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta và mãi yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không điều kiện, không phân biệt biên giới khoảng cách. Chúng ta có thể thấy được tình yêu thương này nơi chính khung cảnh của trang Tin mừng ngày hôm nay, đó là Đức Giêsu đã chữa lành cho người vừa điếc, vừa ngọng này nơi miền thập tỉnh, đó là miền đất của dân ngoại, để rồi bằng chính khung cảnh ấy, tình yêu thương của Thiên Chúa đã được biểu lộ nơi Đức Giêsu, tình yêu thương ấy luôn được mở rộng ra đến với tất cả mọi người, cho dù họ là người Do Thái hay dân ngoại, cho dù họ là người tội lỗi, hay công chính. Hơn thế nữa, tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta không chỉ được mở rộng mà thôi, nhưng luôn chủ động để đi bước trước đến với mỗi người, và từng người chúng ta. Chúng ta có thể thấy được điều này nơi những cử chỉ của Đức Giêsu chữa lành cho người mắc bệnh, đó là Người đã kéo riêng anh ta ra một nơi đặt ngón tay trên lỗ tai, nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi, rồi ngước mắt lên trời và cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho người mắc bệnh. Đó là những cử chỉ đến từ cõi lòng của Thiên Chúa, một cõi lòng luôn chạnh lòng thương đối với con người, và nhất là đối với những người đau yếu bệnh tật.
Điểm thứ hai mà chúng ta được mời gọi nhận ra qua phép lạ chữa lành này, đó chính là chúng ta được mời gọi nhận ra sự thật nơi con người của chính mình. Hình ảnh của người vừa điếc, vừa ngọng rất có thể là hình ảnh của mỗi người chúng ta hôm nay, cho dẫu không bị điếc, không ngọng về mặt thể lý, nhưng rất có thể chúng ta đang bị điếc, đang bị ngọng về mặt tâm hồn.
Bị điếc khi chúng ta khép lòng mình lại trước lời của Thiên Chúa, và bị ngọng khi chúng ta không thể nói lời của Thiên Chúa, không thể sống lời của Thiên Chúa ngay trong chính cuộc sống của mình.
Bị điếc khi chúng ta đánh mất khả năng để lắng nghe người khác, và bị ngọng khi chúng ta chỉ muốn nói những gì mà chúng ta muốn, chứ không phải những gì mà người khác muốn nghe.
Bị điếc khi chúng ta luôn cảm thấy an tâm với những gì là tối thiểu nhất trong bổn phận là một người Kitô hữu, và bị ngọng khi chúng ta không dám ra khỏi chính mình để làm triển nở những ơn lành đã được Thiên Chúa tặng ban, để sinh hoa kết trái những khả năng đã được Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta.
Bị điếc khi chúng ta chiều theo những Cám Dỗ của tiền tài, danh vọng, lạc thú, và bị ngọng khi chúng ta dần dần đánh mất chính cảm thức về tội nơi con người của chính mình. Thế nhưng, điều đó lại cho chúng ta thấy được tình yêu thương của Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta biết là dường nào! Bởi vì nơi Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa đã nhập thể làm người, Thiên Chúa ấy đã đến trong thế gian chính là để chữa lành cho chúng ta về căn bệnh này, căn bệnh vừa điếc ngọng về mặt tâm hồn. Thế nhưng, điều quan trọng là chính là mỗi người chúng ta có dám đủ can đảm để cho Đức Giêsu giúp cho chúng ta chữa lành căn bệnh ấy hay không? Để cho Ngài giúp chúng ta chữa lành căn bệnh này, nghĩa là chúng ta dám để cho lời của Người đi vào đôi tai của chính mình, đi qua trái tim của bản thân, và đi ra đôi tay của chúng ta.
Làm được như thế nghĩa là chúng ta đang để cho lời của Đức Giêsu chạm đến con người của mình, chữa lành những thương tích trong tâm hồn của mình, và làm mới lại tâm hồn ấy bằng cách thắp sáng lên trong chúng ta ngọn lửa của tin yêu và hy vọng.
Làm được như thế nghĩa là chúng ta có khả năng mở lòng mình ra trước lời của Thiên Chúa. Chúng ta lắng nghe lời ấy và mang lời ấy vào trong chính cuộc sống thường ngày của bản thân chúng ta, và làm được như thế nghĩa là chúng ta có khả năng đón nhận người khác như họ là, chứ không phải như ý muốn của chúng ta.
Đó chính là những khác biệt, đó chính những giới hạn, đó chính là những khả năng riêng đã được Thiên Chúa tặng ban cho mỗi người.
Ước gì mỗi chúng ta luôn biết mở lòng mình ra trước lời của Thiên Chúa, để nhờ đó chúng ta không chỉ khám phá ra được tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chính mình, nhưng chúng ta còn có thể nhận ra được sự thật nơi chính con người của bản thân chúng ta. Amen.
Lm. Vinhsơn Vũ Đức Trọng
[Niệm ý Mc 7:31-37]
Trầm Thiên Thu
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.