CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN_B
Lời Chúa: Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
CHỚ GHÉT GHEN - + ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
HỌC HỎI PHÚC ÂM – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
ĐỨC TIN: ƠN BAN HAY ĐỘC QUYỀN? – + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
GIÚP NHAU SỐNG TỐT – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
CHỦ NGHĨA LOẠI BỎ – Jorathe Nắng Tím
CHỚ GHEN GHÉT – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
CÁI CỚ – Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
TỪ BỎ – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
KHOAN DUNG THEO TINH THẦN CHÚA KITÔ - Phêrô Phạm Văn Trung
NẠN ĐỘC QUYỀN – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI – Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
+ ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
HỌC HỎI PHÚC ÂM – Mc 9,38-43.45.47-48
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Bạn biết gì về ông Gioan trong Tin Mừng Mác-cô? Đọc Mc 1,19.29; 3,17; 5,37; 9,2.38; 10,35.41; 13,3; 14,33. Đọc thêm Lc 9,51-56.
2. Bạn có thấy gì tương phản khi đọc Mc 9,14-18 và Mc 9,38 không?
3. Đọc Mc 9,38. Bạn thấy ông Gioan và các môn đệ có khuyết điểm gì? Đọc thêm sách Dân số 11,26-30.
4. Đọc Mc 9,39-40. Cho biết hai lý do Đức Giêsu đã đưa ra để sửa sai ông Gioan và các môn đệ.
5. So sánh Mc 9,40 với Mt 12,30. Hai câu này có mâu thuẫn với nhau không?
6. Đọc Mc 9,42. “Những kẻ bé mọn” ở đây để chỉ ai vậy? “Làm vấp ngã” nghĩa là gì? Câu nói này của Đức Giêsu có kinh khủng không?
7. Đọc Mc 9,43-48. Trong những câu này, nguyên nhân làm vấp ngã đến từ đâu? Các câu 43, 45, và 47 có gì giống nhau không?
8. Đọc Mc 9,42-48. Có phải hiểu các câu này của Đức Giêsu theo nghĩa đen không? Tại sao không? Nếu không hiểu theo nghĩa đen, thì qua những câu kinh khủng này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Đọc Mc 9,43.48. Trong hai câu trên, hoả ngục được mô tả như thế nào? Bạn tin có hoả ngục không? Tại sao? Theo bạn, để “vào cõi sống” hay “vào Nước Thiên Chúa” có dễ không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Gioan là một trong bốn ngư phủ đầu tiên theo Đức Giêsu. Ông là con ông Dêbêđê và là anh em ruột với Giacôbê (Mc 1,19.29). Hai anh em này nằm trong Nhóm Mười Hai tông đồ, và cả hai được Thầy Giêsu đặt cho biệt danh là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là “những đứa con của thiên lôi” (3,17; xem thêm Lc 9,51-56). Phêrô, Giacôbê và Gioan là ba môn đệ thân tín thường được Thầy Giêsu dẫn đi riêng với mình. Chỉ ba ông này được đến nhà ông trưởng hội đường và được dẫn vào phòng cô con gái ông mới chết, để chứng kiến phép lạ hoàn sinh (5,37). Chỉ ba ông này được Thầy dẫn lên núi cao để thấy Thầy hiển dung (9,2). Chỉ ba ông này được đi theo Thầy và ở gần Thầy hơn các ông khác trong vườn Dầu (14,33). Nhưng Gioan, cùng với Giacôbê, cũng là người có nhiều tham vọng trần tục, thích chức quyền khi theo Thầy Giêsu (9,38-40; 10,35-40).
2. Ở Mc 9,14-1, sau biến cố Hiển Dung, Thầy Giêsu xuống núi cùng với ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chín môn đệ còn lại trong Nhóm Mười Hai không có khả năng trừ quỷ khi được yêu cầu bởi người cha của một cậu bé (Mc 9,14.18). Ngược lại, ở Mc 9,38, một người không thuộc nhóm Mười Hai lại có thể trừ được quỷ, nhân danh Đức Giêsu!
3. Qua câu nói của ông Gioan ở Mc 9,38, ta thấy nhóm Mười Hai (“chúng con”) tỏ ra bực bội khi thấy có người “không theo chúng ta,” nghĩa là không thuộc về nhóm môn đệ Đức Giêsu, mà lại dám “nhân danh Thầy mà trừ quỷ”. Cả nhóm đã cố gắng ngăn cản người này, vì họ muốn độc quyền sử dụng Danh của Thầy. Họ không chấp nhận để người ngoài nhóm được dùng Danh này, như thế họ cũng muốn độc quyền trong việc trừ quỷ. Trong Cựu Ước, Giosuê cũng đã từng xin Môsê ngăn cản để hai ông En-đát và Mê-đát đừng nói tiên tri nữa, chỉ vì họ không thuộc nhóm 70 kỳ mục ưu tuyển (Ds 11,26-30).
4. Đức Giêsu không chấp nhận phản ứng trên đây của Nhóm Mười Hai. Ngài đưa ra hai lý do. Lý do 1: Đức Giêsu cho rằng ai làm phép lạ đuổi quỷ nhân danh Ngài thì cứ sự thường, ngay sau đó người ấy sẽ không thể trở mặt mà nói xấu chống lại Ngài (Mc 9,39). Hơn nữa, khi nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ hay làm phép lạ, người ấy hẳn phải có lòng tin vào Danh của Ngài. Lý do 2: Đức Giêsu khẳng định rằng ai không chống lại chúng ta thì coi như họ đứng về phía chúng ta (Mc 9,40). Đây là một thái độ cởi mở đối với những ai tuy ở ngoài nhóm môn đệ, nhưng lại không chống đối nhóm. Ngài đòi các môn đệ coi họ như bạn.
5. Trong Mc 9, 40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Còn trong Mt 12,30, Ngài lại nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Thật ra hai câu trên không mâu thuẫn, vì được nói trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong Mt 12,30, khi những người Pharisêu cố chấp không tin Đức Giêsu, cho rằng Ngài nhờ cậy quỷ lớn để trừ quỷ nhỏ (Mt 12,24), thì Ngài đòi họ phải dứt khoát chọn theo Ngài; nếu không, họ sẽ thuộc phe chống lại Ngài. Còn trong Mc 9,40 Ngài cho thấy ai dùng Danh của Ngài mà đuổi quỷ, ai không chống lại nhóm của Ngài (= chúng ta) thì coi như đã đứng về phía nhóm rồi.
6. “Những kẻ bé mọn” ở Mc 9,42 để chỉ những người không có vai vế trong cộng đoàn, dù họ cũng là tín hữu Chúa Kitô. Đây cũng có thể là các trẻ em hay những người yếu đức tin. “Làm ai vấp ngã” nghĩa là gây dịp tội, khiến ai đó phạm tội hay khiến họ mất đức tin. Đối với Đức Giêsu, tội này rất nặng, vì ảnh hường đến sự sống đời đời của một người, dù là người bé nhỏ trong cộng đoàn. Hình phạt kinh khủng Ngài dành cho người gây gương mù cho thấy sự trầm trọng của tội này: cột cái cối lớn (cối kéo bởi con lừa) vào cổ mà quăng người ấy xuống biển.
7. Trong Mc 9,43-48 nguyên nhân làm một người vấp ngã không đến từ bên ngoài, nhưng từ chính thân xác của người đó như tay, chân, mắt, nghĩa là đến từ những gì rất gần gũi, quý báu và cần thiết với mình. Cả ba câu 43, 45 và 47 có cấu trúc giống nhau: “Nếu…làm cớ cho anh vấp ngã, thì …; thà … mà được vào cõi sống/Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ…mà phải vào hỏa ngục.” Đây là lối nói giàu hình ảnh và gây ấn tượng của Đức Giêsu. Thật ra, tay, chân hay mắt không phải là nguyên nhân chính khiến ta phạm tội, nhưng các dục vọng xấu xa chi phối chúng mới là nguyên nhân chủ yếu. Bởi đó ta cần chặt đứt những gắn bó lệch lạc với những gì rất quý báu và cần thiết, hơn là chặt tay chân hay móc mắt.
8. Chúng ta không nên hiểu lời Chúa dạy trong Mc 9,42-48 theo nghĩa đen. Đây là lối nói cường điệu Đức Giêsu. Ta không được cột cối đá vào cổ người gây dịp tội rồi ném xuống biển, hay chặt tay chân, móc mắt của chính mình nếu chúng làm cớ cho ta phạm tội. Tuy nhiên, qua lối nói mạnh mẽ này, Ngài đòi chúng ta phải cương quyết dứt khoát loại bỏ những nguyên nhân khiến ta vấp ngã phạm tội, dù làm như thế đòi ta phải hy sinh đau đớn như người mất một phần thân thể. Chỉ với thái độ từ bỏ quyết liệt ấy, ta mới được “vào cõi sống” (Mc 9,43.45), “vào Nước Thiên Chúa” (Mc 9,47), và thoát khỏi “hỏa ngục” (geenna, Mc 9,43.45.47). MỤC LỤC
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
ĐỨC TIN: ƠN BAN HAY ĐỘC QUYỀN?
Giáo hội tại Việt Nam có một số giáo xứ được gọi là “toàn tòng”, nghĩa là tất cả mọi người trong làng đều là người Công giáo. Nơi đây, những tổ chức sinh hoạt đời sống đức tin rất thuận lợi và được mọi người hưởng ứng tham gia. Tuy vậy, cũng có vấn đề đặt ra là tại những giáo xứ này, người tín hữu ít giao lưu với những làng xã bên cạnh, vì những làng ấy là “bên lương”, hoặc “ngoại đạo”. Những sinh hoạt tôn giáo rất sầm uất nhưng chỉ khép kín trong khuôn khổ một làng. Phải chăng đây là lý do làm cho việc loan báo Tin Mừng kém hiệu quả? Trong quá khứ, đã từng có những làng Công giáo tranh chấp xung đột với làng lương dân, và để lại những mối thù truyền kiếp. Sự khép kín, cùng với não trạng cục bộ vô tình làm cho đức tin Ki-tô giáo trở nên một thứ độc quyền. Có nơi, người Công giáo có cái nhìn kỳ thị đối với những người không cùng đức tin với mình.
Xem ra tư tưởng cục bộ này “xưa như trái đất”. Bài đọc I trích sách Dân số và Bài Tin Mừng đều cho chúng ta thấy não trạng độc quyền này. Thời ấy, mấy thanh niên khi thấy người khác nói tiên tri thì ghen tức, và đi báo cáo với ông Môi-sen, với đề nghị ông phải ngăn cản họ. Thánh Mác-cô ghi lại cho chúng ta vụ việc tương tự, mà người bực tức lại là ông Gio-an, có thể là Gio-an tông đồ, người sau này là tác giả của Tin Mừng thứ tư, gọi là Tin Mừng của tình yêu?
Ông Môi-sen và Chúa Giê-su đều có lối phản ứng giống nhau. Ơn tiên tri không phải là độc quyền. Ơn trừ quỷ cũng vậy. Thiên Chúa là Cha của cả gia đình nhân loại. Người không độc đoán và hẹp hòi như chúng ta. Ông Môi-sen đã đưa ra một ước mơ: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ”. Đức Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Giấc mơ năm xưa của ông Môi-sen nay đã được thực hiện. Toàn dân Ki-tô giáo, tức là tất cả những ai đã lãnh nhận phép Rửa nhân danh Đức Giê-su đều trở thành hay ngôn sứ. Nhờ Bí tích Thêm sức, những tín hữu được đón nhận Chúa Thánh Thần, giống y như các tông đồ xưa trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Đức tin Ki-tô giáo không bao giờ là độc quyền cho một nhóm người nào. Trái lại, bất kỳ ai tin vào Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su rao giảng, thì đều được lãnh nhận Bí tích Rửa tội (hay còn gọi là Thanh tẩy). Ơn đức tin do Chúa ban, không do công lao của con người, cũng không phải là ân huệ của Giáo Hội hay của bất kỳ người nào.
Vì đức tin không phải là một độc quyền, nên việc loan báo đức tin cũng được dành cho tất cả các tín hữu. Một làng toàn tòng là nét đẹp của Giáo hội, là di sản đức tin do bao đời các bậc tiền nhân hy sinh gìn giữ. Tuy vậy, với sứ vụ loan báo Tin Mừng, làng toàn tòng ấy phải mở ra với thế giới. Người tín hữu phải chia vui sẻ buồn, và phải giao lưu và cộng tác với anh chị em các làng xã láng giềng, trong những hoạt động phục vụ công ích. Nhờ mối tương quan tốt, chúng ta diễn tả hình ảnh thánh thiện của Giáo hội Chúa Ki-tô. Làm cho mọi người biết Chúa, đây chính là lệnh truyền của Đấng Phục sinh và lời mời gọi của Giáo hội.
Để có khả năng làm chứng cho Chúa, trước hết người tín hữu phải củng cố và hoàn thiện đức tin nơi cá nhân mình. Khi loan truyền Tin Mừng cho người khác, chúng ta phải là những người sống Tin Mừng. Như vậy, chúng ta mới thực sự là những chứng nhân của Chúa Ki-tô. Những điều kiện Chúa Giê-su nêu trong Tin Mừng như chặt chân, chặt tay, khoét mắt có thể làm cho chúng ta và những độc giả khác cảm thấy bị “sốc”. Phải chăng Chúa muốn dùng những câu ngạn ngữ dân gian, với ý nghĩa đức tin vào Chúa phải chiếm vị trí ưu tiên trong cuộc đời chúng ta.
Bài đọc II tiếp tục cho chúng ta nghe lời giáo huấn của thánh Gia-cô-bê. Lối hành văn của ông rất đơn sơ mà cụ thể, đề nghị những thực hành trong đời sống hằng ngày. Đọc đoạn văn hôm nay, chúng ta dường như nghe văng vẳng lời giáo huấn của ngôn sứ A-mốt. Vị ngôn sứ này sống ở thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, trong bối cảnh nam bắc phân tranh. Ông sống ở miền Bắc, còn gọi là Vương quốc Ít-ra-en (còn miền Nam được gọi là Vương quốc Giu-đa). Ông mạnh mẽ phê phán những người giàu có mà khinh thường người nghèo, lên án những người làm giàu bất chính do bóc lộc người khác (xem đặc biệt trong chương 4 và chương 6 sách ngôn sứ A-mốt). Thánh Gia-cô-bê nói với chúng ta: giống như trường hợp người phú hộ giàu có dửng dưng trước nỗi khổ đau của ông La-da-rô (x. Lc 16,19-31), những kẻ bóc lột và khinh thường người nghèo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Đức tin không phải là một độc quyền, nhưng là ơn Chúa ban. Chúng ta phải làm cho ơn ấy lớn lên từng ngày và sinh hoa kết trái. Chúng ta cũng có bổn phận giới thiệu đức tin cho những người xung quanh. Những ai chỉ giữ niềm vui Tin Mừng cho riêng mình, sẽ giống như người lãnh nhận nén bạc rồi chôn xuống đất, không hề sinh lợi, sau này sẽ lãnh hình phạt (x. Mt 25,14-30). MỤC LỤC
+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã không mấy hài lòng trước lối suy nghĩ ích kỷ, thái độ hẹp hòi và tinh thần phe phái của các môn đệ, mà người lên tiếng hôm nay lại là môn đệ mà Người yêu mến nhất. Gio-an đã phân bua với Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Theo ý kiến của Gio-an thì chỉ có những ai thuộc về nhóm ‘chúng mình’ mới được nhân danh Chúa để trừ quỷ. Chỉ vì quyền lợi của phe nhóm và ý nghĩ sai lầm mà các ông đã trói buộc các ân huệ và uy quyền của Chúa vào trong tay của phe nhóm mình.
Đối với Đức Giê-su thì khác. Người đến để chữa lành, để cứu thoát, để tháo cởi cho nên nhu cầu của người bệnh, người nghèo khó, khổ đau là ưu tiên số một mà Người quan tâm. Tình trạng cần được giúp đỡ của họ đã choán hết tâm trí và sức lực của Người. Vì thế, Đức Giê-su nhắc các môn đệ nhớ lại rằng không ai nhân danh Chúa để thi hành ý muốn của Người rồi sau đó quay lại để nói xấu Người. Các môn đệ đừng ngồi đó mà phân bì rồi ngăn cản người khác làm điều tốt.
Thật vậy, chúng ta nên nhớ rằng còn rất nhiều người sống tốt lành, sống thiện hảo, làm được nhiều việc thiện mà không thuộc về phe nhóm hay cùng chung chia một niềm tin với mình. Thiên Chúa không bị ràng buộc hay bị trói bởi suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ và đầy tính độc tôn của phe ta, cho dù đôi lúc trong quá khứ chúng mình tự nhận rằng mình mang tính chính thống. Không một ai có quyền nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ thuộc về họ và phe phái họ mà thôi. Lối suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi và độc tôn này không phải là tinh thần của Tin Mừng.
Chúng ta vui mừng khi được mời gọi ra đi làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình, nhưng chúng ta không thể nắm giữ hay tạo một Đức Chúa và bắt người khác phải thần phục. Thiên Chúa đã hiện diện trong mọi nền văn hoá, trong các lối sống trước khi chúng ta đến với họ. Bổn phận của mình là đến để khơi dậy cho những người không cùng nhóm với mình nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ.
Một cách cụ thể, chúng ta hay nhìn lại lối suy nghĩ và cách hành xử của các nhà truyền giáo về việc tôn kính tổ tiên của chúng ta thì thấy! Nếu các nhà truyền giáo tôn trọng và nhìn ra việc tôn kính tổ tiên của chúng ta như là một cách thức mà Thiên Chúa dọn sẵn để mời gọi chúng ta phải hiếu thảo với Cha Mẹ thì việc rao giảng về Thiên Chúa còn hiệu quả biết chừng nào! Tuy nhiên chúng ta cũng không thể quên gương sáng, lòng hy sinh trong việc từ bỏ để dấn thân loan báo Tin Mừng mở mang Nuớc Chúa của các Ngài. Thiên Chúa làm việc trong các nỗi bất toàn của chúng ta.
Ngoài ra, nhưng ai theo chủ nghĩa độc tôn, bảo vệ quyền lợi của phe nhóm mình dễ dàng theo đuổi quyền lực nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của nhóm mình, và hậu quả là có thể dẫn đến ghen tỵ khi nhìn thấy nhóm khác hay người nào đó thành công hơn mình. Thật ra, người môn đệ chân chính là người nhận ra lỗi lầm để sửa đổi hầu nhận ra hoạt động của Thánh Thần ở bất cứ nơi nào và qua bất cứ người nào mà Thiên Chúa muốn dùng, không phân biệt phe nào hay nhóm nọ.
Và một khi người môn đệ có tâm tình và thái độ rộng mở như vậy là lúc người môn đệ biết quan tâm đến nhu cầu của những người mà họ được sai đến để phục vụ hơn là tìm kiếm vị trí đứng đầu hầu để kiểm soát. Hãy nhớ rằng Chúa mới là vị lãnh đạo duy nhất, là người đứng đầu còn tất cả chúng ta chỉ là những kẻ được sai, thuộc về Chúa mà thôi!
Anh chị em thân mến,
Sau khi nhắc nhở cho các môn đệ nhớ rằng Thiên Chúa là Chúa, là chủ tể của mọi người và mọi người đều thuộc về Người, vì thế không một ai hay bất kỳ phe nhóm nào được phép giữ Ngài làm của riêng cho họ hay phe của họ. Trong phần kế tiếp, Đức Giê-su cảnh báo họ rằng mầm mống sinh ra gương xấu, các hành vi dẫn đến sự tội không bị xâm nhập từ bên ngoài, nhưng nó lại xẩy ra từ bên trong cộng đoàn, do các người lãnh đạo. Họ là những người cầm cán cân công lý, tự nhận mình là người trưởng thành.
Thế mà thay vì làm gương sáng, họ lại có những hành vi xấu ảnh hưởng trên cuộc sống của những kẻ bé mọn, những người yêú đuối thì quả thật giống như tội ác giết những người này vậy. Những kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là trẻ con, ngây thơ, yếu đuối, những ai yếu đức tin, những người cô thân tất bạt, không có ai bảo vệ. Và, nếu những người lãnh đạo mà làm cớ cho họ vấp phạm thì “thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”
Điều mà Đức Giê-su nói với các Tông đồ “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” không có ý ám chỉ hay thúc dục chúng ta vi phạm tội ác giết người, cho bằng đó là kiểu nói nhấn mạnh. Hình thức nói như thế có thể hiểu là một khi chúng ta làm gương mù gương xấu, dẫn đưa người khác đến sự tội thì chẳng thà giết chết họ cho xong.
Trên thực tế, không một cộng đoàn nào mà không có người xấu. Không một tập thể hay cá nhân nào hoàn toàn thánh thiện. Hãy nhìn chung vào hoàn cảnh của thế giới. Nếu trên thế giới này chỉ bao gồm những người đạo đức, những người công chính; và nếu sự tội đã hoàn toàn bị bẻ gẫy thì Mầu nhiệm nhập thể và ơn cứu độ của Đức Giê-su còn có ý nghĩa gì. Lịch sử nhân loại vẫn còn bị dầy vò và đầy dẫy những hiện tượng khiến con người bị giằng co bởi hai mặt thiện và ác.
Tất cả những gì mà chúng ta biết được, ngay cả niềm tin của mình không khiến cho chúng ta sống biệt lập, sống tách biệt với thế giới này. Trái lại, đó là những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta ra đi, bước vào thế giới. Chúng ta lĩnh nhận và biết rằng phải làm giầu có gia tài hồng ân của Chúa. Đó là bổn phận và trách nhiệm của những kẻ tin đối với xã hội mà chúng ta là thành viên.
Vì thế, mang trong mình sức sống của Đức Kitô, chúng ta hãy lắng tai để nghe tiếng nói của Chúa nơi những người chung quanh, mở mắt ra để nhìn các việc lạ lùng của Chúa trong cuộc sống của họ. Cho dù họ không thuộc về nhóm mình, nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận ra Chúa đang hiện diện trong lối sống của họ.
Trên hết mọi sự, chúng ta không được phép thất vọng. Nhân loại vẫn đang chờ đợi lối sống quảng đại, cái nhìn bao dung, cuộc sống đầy gương sáng, con tim chan chứa tình yêu thương và lòng thương xót của chúng ta.
Hãy dùng cuộc sống của mình như lời rao giảng minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa.
Hãy giúp nhau sống tốt và đừng cản trở sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi người khác.
Hãy mở lòng mở trí ra để đón nhận và nhìn ra quyền năng của Chúa đang hoạt động trong và cho mọi người. Bởi vì những hành vi tốt lành và các gương sáng không chỉ xuất hiện trong cộng đoàn của những kẻ tin mà còn được thể hiện trong cuộc sống của nhiều người khác nữa. Amen! MỤC LỤC
Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40), Đức Giêsu cho chúng ta thấy đường vào Nước Trời luôn rộng mở cho mọi người, và muốn chúng ta trở nên những hướng dẫn viên, bạn đồng hành có tâm hồn hào sảng, cởi mở, từ tâm của mọi người trên đường đến gặp Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất.
Khuynh hướng loại bỏ là khuynh hướng sẵn có ở mỗi người, phát sinh từ ích kỷ, khi chỉ nghĩ đến mình và tìm bảo vệ mình cách an toàn nhất, xây dựng cho mình vị thế vững chắc nhất, thu gom cho mình bao nhiêu lợi lộc có thể. Khuynh hướng loại bỏ ấy sẽ nảy mầm và lớn lên tạo thành nếp sống, mà người ta gọi là “văn hoá”, để rồi đạt đến đỉnh cao được gọi là chủ nghĩa loại bỏ.
Ngay những trang đầu của Kinh Thánh, khuynh hướng loại bỏ đã được đề cập khi Cain quyết đinh loại bỏ em mình, bằng việc dụ em ra ngoài đồng và “xông đến giết Aben” (St 4,6). Cain đã loại bỏ em khỏi thế giới người sống, không muốn em cùng sống trên cõi đời, vì sự hiện diện của em đang trở thành đe dọa cho anh, khi Thiên Chúa Giavê đã nhận lễ vật của Aben, mà không nhận lễ vật của Cain (x. St 4, 3-5).
Ngày nay, khuynh hướng loại bỏ đã đạt đến đỉnh điểm khi biến thành chủ nghĩa: người ta không còn ngẫu nhiên, ngẫu hứng hay vô ý, vô tình loại bỏ những người chống lại mình, không đồng tình với mình, không cùng đảng phái, phe nhóm, vùng miền, nhưng phần đông đã không còn lấn cấn, do dự, không ngại ngùng, dè dặt, không hối tiếc, ân hận loại bỏ người chung quanh một cách thoải mái, dễ dàng, bởi loại bỏ đã trở thành chủ nghĩa, chủ trương, đường lối để đạt thành công.
Chúng ta hãy nhìn vào đường lối cai trị của những nhà độc tài, toàn trị trên thế giới, như Hitler khi ông loại bỏ không tiếc thương tất cả những con người mà theo ông không còn có lợi cho nước Đức. Họ là những người tàn tật, bệnh hoạn, thiểu năng, đồng tình luyến ái, những người Do Thái mà ông thù ghét, và những ai có ý đồ, hoặc hành vi chống lại chế độ Đức Quốc Xã của ông. Những trại tập trung khổng lồ, và lò hơi ngạt sát sinh đã là phương tiện thực hiện hữu hiệu chủ nghĩa loại bỏ kinh khủng này.
Nhưng chủ nghĩa loại bỏ đã không dừng lại ở bàn tay những nhà độc tài phi nhân. Trái lại, nó len lỏi khắp nơi và đang dữ dội tàn phá xã hội loài người. Len lỏi vào đời sống gia đình, khi người già bị bỏ rơi, không được quan tâm, vì không còn khả năng sinh lời, sản suất; thai nhi bị loại bỏ vì phiền hà, rắc rối; người nghèo, người bệnh, người mù chữ bị loại bỏ, vì là gánh nặng và lực cản đà tiến của xã hội.
Chưa hết, ngay trong sinh hoạt tôn giáo, trong cách cư xử giữa những người đồng đạo, chúng ta cũng bị chủ nghĩa loại bỏ của xã hội thực dụng ảnh hưởng trầm trọng, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã không chỉ không đồng tình với khuynh hướng và chủ nghĩa loại bỏ, nhưng còn đi xa hơn, đi rất xa, và điều Ngài nói đã làm sửng sốt các môn đệ có mặt, và đặt ra cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ:
Đức Giêsu không đồng tình với đề nghị “ngăn cản” những người nhân danh Ngài mà trừ quỷ, dù họ không đi theo Ngài của các môn đệ, khi các ông thưa với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ qủy. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9, 38).
Các môn đệ cho mình là có lý, và nắm chắc Đức Giêsu sẽ ủng hộ quan điểm và đường lối “loại bỏ” của mình, khi đưa ra lý do được coi là chính đáng: “vì người ấy không theo chúng ta”. Theo các ông, “không theo chúng ta” nên không có quyền nhân danh tập thể của chúng ta, không theo Thầy như chúng con, nên không được phép nhân Thầy như chúng con, nhưng rất tiếc, các ông đã ngỡ ngàng vì câu trả lời bất ngờ của Ngài: “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9, 39).
Các môn đệ còn hết hồn, ngã ngửa khi Đức Giêsu đưa ra lý do: “Vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9,39).
Lý do Ngài đưa ra rất đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người: vì không ai ngu dốt, dại khờ đến độ nói xấu, hạ nhục người mình vừa mới nhân danh để làm phép lạ, bởi nếu nói xấu người mình “lấy danh nghĩa, cậy đến tên” mà làm một việc tự mình không làm được, thì khác nào tự bôi bác, tự hạ thấp giá trị, và tư phủ nhận chính mình.
Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu đặt trọng tâm vào việc “làm vinh danh Thiên Chúa”, nghĩa là đặt “Thánh Danh Thiên Chúa, Tên Thiên Chúa” trên tất cả, trước tất cả, bởi chính Danh Thánh ấy mới là mục tiêu con người phải tìm kiếm, và chỉ nhờ Danh Thánh ấy, phép lạ mới được thực hiện, nên bất cứ con người nào, ở vị thế, hoàn cảnh, giai tầng nào cũng không quan trọng, vì không là yếu tố quyết định, không là sức mạnh thánh thiêng đã làm nên những phép lạ cả thể, phi thường như trừ quủy, chữa các bệnh nan y…
Quả thực, Đức Giêsu trong Tin Mừng đã công khai chống lại chủ nghĩa loại bỏ, chủ nghĩa đang làm tàn úa mùa xuân “Nước Trời đã ở giữa chúng ta”, chủ nghĩa đang phá vỡ không ít công trình cứu độ của Thiên Chúa, chủ nghĩa đang phủ nhận chính Thiên Chúa khi loại bỏ con người, bằng cách dạy chúng ta tinh thần cởi mở đón nhận, cởi mở đồng hành, cởi mở hợp tác với mọi người thiện tâm, bởi khi tâm thiện, khi trái tim mang thiện chí, người ta sẽ tự khắc nhận ra Thiên Chúa, biết tên Ngài và “nhân danh” Ngài, như lời chúc của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Bình an cho người thiện tâm dưới thế” (Lc 2,14).
Khẳng định: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40), Đức Giêsu cho chúng ta thấy đường vào Nước Trời luôn rộng mở cho mọi người, và muốn chúng ta trở nên những hướng dẫn viên, những bạn đồng hành có tâm hồn hào sảng, cởi mở, từ tâm của mọi người trên đường đến gặp Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất. MỤC LỤC
Jorathe Nắng Tím
Ghen là hiện tượng tâm lý bình thường, nó có mặt mọi nơi dưới nhiều hình thức, chi phối đời sống con người từ trẻ đến già mà không mấy ai để ý tới. Thói ghen tương phát triển mạnh là nhờ ở chỗ người ta không biết là mình ghen. Ghen mà không biết là mình ghen, cái đó mới nguy. Tính ghen tương thúc đẩy ta vui khi kẻ khác bị chuyện buồn, và khiến ta buồn khi người khác gặp điều vui.
Ghen ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu. Lần giở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra thói ghen ghét. Ma quỉ phát ghen với cảnh sống hạnh phúc của ông bà nên ra công cám dỗ ông bà. Ông A-dong và bà E-và, vì không bằng lòng với những gì mình có, muốn bằng và thậm trí hơn Thiên Chúa nữa, nên A-dong và E-và ghen tuông với Thiên Chúa hái trái cấm để ăn (x. St 3).
Ghen ghét trong Kinh Thánh
Ghen tương đã đến trong thế gian, len lỏi vào mọi nơi để làm hại con người. Cựu Ước có nhiều cảnh ghen tương, vì ghen tương người ta đã chém giết, đã làm khổ nhau như một số người điển hình: Ca-in giết A-ben (St 4,8); E-sau và Gia-cóp (St 27, 41); Anh em con của Gia-cóp và Giu-se (St 37,4.8); Áp-sa-lon và Đa-vít (2Sm 13,22).
Trong Tân ước, có những người thù ghét Chúa Giê-su và tìm cách làm hại Người như hững thầy thượng tế: Mt 27,1.20: Lc 22,2; Người Giu-đa: Mt 27,22.25; Những kinh sư và Biệt phái: Mt 12.14; Mc 3,6; 11,18; Lc 11,53-54. Mười môn đệ và anh em Gia-cô-bê và Gio-an xin một chức vị lớn trong nước của Ngài đã minh chứng điều đó; Anh cả và đứa em hoang đàng (x. Lc 15,11-32).
Ghen ghét nảy sinh khi so sánh mình với người khác. Sở dĩ có ghen ghét vì người ta người khác hơn mình, mình bị nép vế, bị mất ảnh hưởng, Giô-suê là một bằng chứng. Khi ông Mô-sê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông En-đát và ông Mê-đát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (x. Ds 11,27). Ðiều đó làm ông Giô-suê thắc mắc. Ông Mô-sê khuyên ông Giô-suê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.
Thánh Gia-cô-bê có kinh nghiệm xương máu về tôi ghen ghét, ngài viết: Vậy “ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ơ đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đọa… Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (x. Gc 3, 16-4,3).
Thánh Gio-an Tông đồ cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ông quan ngại về việc Ðức Giê-su ban quyền năng cho người nghe. Ông ghen tị vì có người không cùng nhóm các Tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9,39).
Đừng bó óc bè phái
Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9,40 ).
Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Chúng ta thấy đó đây có người tháo chân, móc mắt, cắt ruột để kéo dài sự sống tạm bợ, xem ra nhẹ nhàng. Để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường. Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giê-su mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.
Đừng là cớ vấp phạm
Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giảng trong Thánh lễ sáng thứ Năm ngày 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mác-ta, ngài nói: “Người Ki-tô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”.
Mang danh là Ki-tô hữu, thì cần phải sống như Ki-tô hữu, suy nghĩ như Ki-tô hữu, cảm nhận như Ki-tô hữu và hành động như Ki-tô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Ki-tô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Ki-tô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.
Thánh Gia-cô-bê đã nặng lời khiển trách những người Ki-tô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết: “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.
Chúa Giê-su lên án người làm cớ vấp phạm: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen. MỤC LỤC
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Cái gì cũng có lý do, nguyên nhân, hoặc động lực dẫn tới hành động – có thể xấu hoặc tốt. “cái cớ” Voltaire nhận định: “Đối với những kẻ độc ác, mọi thứ đều là cái cớ. Cơ hội làm điều ác đến một trăm lần trong một ngày, cơ hội làm điều thiện chỉ đến một lần trong một năm.” Benjamin Franklin nói: “Đừng bao giờ làm hỏng lời xin lỗi bằng lý lẽ ngụy biện. Người giỏi ngụy biện hiếm khi giỏi bất cứ điều gì khác.” Số phận là quan niệm sai lầm, vì điều đó bao che sự thật phũ phàng là mình không kiểm soát được đời mình.
Thánh Máccô kể rằng một hôm, ông Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Gioan tưởng không ai khác có quyền trừ quỷ. Cái ý tưởng của Gioan cũng là cái ảo tưởng của nhiều người ngày nay. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9:39-40)
Có những “chuyện nhỏ” nhưng thực sự quan trọng được Chúa Giêsu đề cập: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc 9:41) Chén nước chẳng đáng gì nhưng lại cần thiết và được “tính công.” Tất nhiên “việc nhỏ” đó phải được thực hiện với tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, chứ không vì bất cứ lý do gì khác. Và Ngài thẳng thắn nói: “Ai LÀM CỚ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9:42) Cách so sánh rất “nặng nề” nhưng Ngài đó là sự thật, không hù dọa. Trẻ nhỏ ở đây không chỉ là trẻ thơ, trẻ em hoặc con nít, mà còn là những người chất phác, chân thật, dù người đó đã trưởng thành hoặc cao niên.
Vốn tính cương trực, Chúa Giêsu nói “mạnh” hơn: “Nếu tay anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mc 9:43-48) Những lời đầy “lửa” này có thể thiêu đốt bất cứ ai. Thật đáng sợ!
Cuộc sống có nhiều “cái cớ” để người ta hành động hoặc thoái thác, và cũng là cái để biện minh cho việc mình làm. Có những điều tưởng nhỏ mà hóa to, có những điều tưởng to mà lại nhỏ. To hoặc nhỏ cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng, tiêu cực và tích cực. Chuyện nhỏ và to giống như vòng luẩn quẩn, có cái khôi hài mà “thấm thía.” Tục ngữ nói: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền.” Thật chí lý!
Người ta khôi hài mà thấm thía về “chuyện nhỏ – to” thế này: “Đất nước NHỎ có thủ đô TO, thủ đô TO có những con đường NHỎ, con đường NHỎ có những căn nhà TO, căn nhà TO có cô vợ NHỎ, cô vợ nhỏ dành cho ông quan TO, ông quan TO mang chiếc cặp nhỏ, chiếc cặp NHỎ có những dự án TO, dự án TO mà hiệu quả NHỎ, hiệu quả NHỎ nhưng thất thoát TO, thất thoát TO mà lỗi NHỎ… Trong đất nước NHỎ có những ông TO, những ông TO có cái đầu NHỎ, cái đầu NHỎ mà túi tham TO, túi tham TO vì đầu óc NHỎ, đầu óc NHỎ nên hại TO, hại TO mà trách nhiệm NHỎ, trách nhiệm NHỎ nhưng quát tháo TO, quát tháo TO vì trí tuệ NHỎ, trí tuệ NHỎ mà lợi nhuận TO, lợi nhuận TO nhưng số người chia chác lại NHỎ, số người tuy NHỎ mà tổn thất TO, tổn thất TO nhưng báo cáo là NHỎ, báo cáo NHỎ mà thành tích TO.” Đúng là cười ra nước mắt, cười mà đau điếng, cười khẩy mà nhói lòng. Cỡ nào cũng có “cái cớ” riêng. Chỉ khổ dân đen, kêu trời không thấu!
Người thông minh thì bị triệt, kẻ ngu dốt thì bị đì. Kiểu nào cũng “chết” với người đời. Nhưng sự thật mãi mãi là sự thật, và sự thật thường làm chúng ta đau lòng, ngại đối mặt, thế nhưng ai dám đối mặt với sự thật thì mới khả dĩ “nên khôn,” chỉ có sự thật mới có thể giải thoát chúng ta. (x. Ga 8:32) – Thầy chí thánh Giêsu nói vậy.
Trình thuật Ds 11:25-29 cho biết: “Ngày xưa, Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Môsê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa.” Thần Khí đó là Thánh Linh, Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài không bao giờ xuất hiện trong dạng hình người – chỉ như Gió, Lửa, Nước, hoặc Bồ Câu – nhưng Ngài vẫn không ngừng tác động ngay từ trong ý nghĩ của mỗi con người.
Lúc đó có Enđát và Mêđát ở lại trong trại. Hai người đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng họ không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên họ và họ bắt đầu phát ngôn trong trại. Một thanh niên chạy đi báo tin cho ông Môsê: “Ông Enđát và ông Mêđát đang phát ngôn trong trại.” Ông Giôsuê, con ông Nun, từng theo hầu ông Môsê từ hồi nhỏ, lên tiếng nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ.” Nhưng ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ.”
Ông Môsê mong cho mọi người đều được ơn “nói tiếng lạ” để trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa. Ai cũng muốn được lãnh nhận Thần Khí. Về cơ bản, bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy đều có ba thiên chức: Ngôn sứ, Tư tế, và Vương giả. Đây là lĩnh vực thần học, như CĐ Vatican II đã đề cập trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (số 10) Đại ý: Chức tư tế (linh mục là tư tế thừa tác, Kitô hữu là tư tế cộng đồng) là để hiến dâng của lễ cứu độ loài người, chức tiên tri (ngôn sứ) là để loan báo Tin Mừng Nước Trời, chức vương giả (vương đế) là để phục vụ dân Chúa.
Thánh Phêrô nhắn nhủ mỗi Kitô hữu – từ giáo hoàng tới giáo dân: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em em như những VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG mà xây lên ngôi đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa dắt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Chúa Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:5) Đừng ham “thành tích” hoặc “sự lạ” mà tự làm hại đức tin của chính mình. Phúc đâu chưa thấy mà chỉ thấy họa! Trừ một số ít các vị thánh có ơn đặc biệt (Phanxicô Assisi, Martin de Porres, Faustina, Piô Năm Dấu,...), đa số các thánh đều có cuộc sống bình thường, thậm chí là rất bình thường, không có gì gọi là “lạ.” Vấn đề quan trọng vẫn là sống lòng thương xót để chứng tỏ đức tin vững mạnh và trọn vẹn đến hơi thở cuối cùng. Ngay như đối với các thánh Gioan XXIII, Phaolô VI, GH Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa Calcutta, bậc đáng kính P.X. Nguyễn Văn Thuận,... những người vừa sống cùng thời với chúng ta, cuộc đời các ngài không có gì gọi là “sự lạ,” có chăng là cách sống “lạ” – tức là hết lòng mến Chúa và yêu người. Ai thực sự được gặp Chúa thì chắc chắn cuộc đời biến đổi hẳn, chứ không “nửa vời” như những người vẫn vỗ ngực tự nhận là được “ơn lạ,” nhưng cách sống của họ không thấy rõ nét biến đổi. Lời cảnh báo “cẩn tắc vô ưu” của tiền nhân vẫn luôn có giá trị.
Cuộc sống của Thánh Vịnh gia cũng bình thường như chúng ta, nhưng có “cái lạ” là giữ trọn Luật Chúa và nhận thức sâu sắc: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.” (Tv 19:8) Nhận thức được vậy thì quyết tâm tuân thủ, không so đo: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.” (Tv 19:10)
Thánh Vịnh gia thật là khôn ngoan khi biết tìm kiếm và cầu xin những gì thực sự có lợi cho linh hồn: “Tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích. Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn, không còn vương trọng tội.” (Tv 19:12-14) Lời cầu thành tâm như vậy chắc chắn đẹp lòng Chúa.
Chúa Giêsu là Đấng chí tôn, tối thượng, nhưng Ngài đã hạ mình đến tột cùng để sẵn sàng coi tội nhân chúng ta là thân hữu của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15) Chúng ta dành cả đời để tạ ơn Ngài cũng không đủ, chứ nói chi dám năn nỉ Ngài ban cho điều gì nữa. Vì thế, chớ ảo tưởng mà tự cho mình là “ông kia, bà nọ,” hoặc đòi hỏi phải như ý mình muốn.
Để nhắc nhở và cảnh báo, Thánh Giacôbê nói: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này.” (Gc 5:1-3) Giàu sang, lắm của, nhiều tiền, đó không là tội, nhưng nó có ma lực khó cưỡng lại, và Thánh Phaolô xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10)
Đừng tưởng rằng những người đi tu mà “quên” tiền bạc, thậm chí có người mê tiền hơn người đời. Chắc là nhiều người còn nhớ GM Tebartz-van Elst, ông “nổi tiếng” xa hoa hào nhoáng ở Đức, đã chi hơn 31 triệu euro để tu sửa dinh cơ của ông. ĐGH Phanxicô đã cho mãn nhiệm hồi tháng 10-2014. Lm Gioan Baotixita Võ Hồng Khanh vì lem nhem chuyện tiền bạc đã bị tước năng quyền cử hành phụng vụ tại bất kỳ cơ sở nào của TGP Los Angeles (Hoa Kỳ) từ ngày 25-6-2015, ông đã quyên góp tiền cách bất chính để dùng cho mục đích cá nhân. Lm Ng. của TGP Saigon, còn trẻ nhưng đã bị nghỉ hưu non cũng vì lem nhem tiền bạc.
Các dịp đặc biệt (lễ, tết,…), Việt Nam cũng có giám mục được người ta đến chúc mừng bằng vật chất “béo bở” – không chỉ phong bì dày cộm mà là vàng thật. Người ta bảo “tiền là tiên, là sức bật” không sai chút nào. Thật đáng quan ngại! Một dấu hỏi LỚN hay Nhỏ? Tiền nhân nói chí lý: “Tin ĐẠO chứ KHÔNG tin NGƯỜI CÓ ĐẠO.” Thánh Giacôbê nói: “Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.” (Gc 5:4-6)
Thật thâm thúy khi tiền nhân xác định: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Cái nào cũng to, cũng khó, nhưng khó nhất vẫn là “tu thân.” Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt tiêu chí “tu thân” lên hàng đầu. Hãy luôn nhớ lời Thánh Phaolô: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc.” (1 Tm 6:10) Và đừng quên lời Thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8)
Cuộc sống có nhiều “cái cớ” lắm. Với người giàu, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên để Thánh Timôthê truyền đạt lại: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.” (1 Tm 17:19) Khác nhau là giàu cái gì – vật chất hay phúc đức, của đời này hay của đời sau.
Lạy Thiên Chúa công minh chính trực, xin giúp chúng con đủ sức dứt khoát với thế tục để hoàn thiện ngày càng hơn, xin loại bỏ ảo tưởng trong chúng con, xin định hướng chúng con theo ý Ngài, quyết tâm ủng hộ cái đúng và chống lại cái xấu. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. MỤC LỤC
Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
Giáo huấn của Đức Giê-su trong Mc 9,38-48 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu Gio-an hỏi và lời Người đáp về kẻ trừ quỷ xa lạ với Nhóm Mười Hai làm nên một khối duy nhất (cc.38-40). Nhưng với câu nói về ly nước cho môn đồ (c.41), chúng ta thay đổi đề tài cách đột ngột. Và đoạn văn từ câu 42 đến 48 về gương xấu xem ra lại nhảy sang một chuyện khác nữa.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt trang Tin Mừng này. Sợi chỉ đó là “sự từ bỏ” mà Đức Giê-su luôn kêu mời môn đệ thực hiện. Ở đây, Người kêu mời môn đệ trước hết hãy từ bỏ tinh thần bè phái, tiếp đến là từ bỏ những gì có thể làm anh em và chính bản thân mình vấp ngã.
Từ Bỏ Tinh Thần Bè Phái
Đối với Gio-an, chỉ Nhóm Mười Hai mới có quyền hành động nhân danh Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su lập tức bẻ gãy tính ích kỷ này bằng cách mở rộng tối đa phạm vi đón tiếp: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
Tuy nhiên, nơi Mát-thêu, ta đụng phải câu nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi.” Phản ứng khác? Vâng, vì hoàn cảnh khác. Trong Mt 12:30, Đức Giê-su chiến đấu với những kẻ lăng nhục mình. Họ kết án Người thông đồng với quỷ! Người mạnh mẽ phản ứng: Các ông không muốn đi với tôi. Thật rõ ràng, họ đã chủ ý thực hiện sự chọn lựa khủng khiếp nhất mà một con người có thể thực hiện: dầu đã thấy Đức Giê-su, đã nghe Đức Giê-su, họ vẫn chống lại Người.
Trong Mác-cô (và Lu-ca) thì rất khác: đây là chuyện một con người thiện chí: Vì đã làm nhiều phép lạ nhân danh Thầy, kẻ ấy không thể là một đối thủ. Anh ta chẳng chống lại chúng ta! Vậy anh ta theo chúng ta à? Nói thế xem ra khá lạc quan đấy! Ở đây chúng ta sẽ luôn chia rẽ thành Ki-tô hữu cởi mở và Ki-tô hữu ngờ vực. Gio-an đứng về phe đóng kín: Tay ấy không thuộc nhóm ta! Phải biết nhìn. Tiếp đón cách mù quáng không phân biệt cũng chẳng tốt hơn khép kín trong một nội bộ kiểu bè phái.
Khi nghĩ đến một số kẻ sẽ kêu danh Người (“Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà tuyên sấm, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?”) Đức Giê-su đã nói cách nặng nề: “Ngày phán xét, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi” (Mt 7,22-23). Vì sao? Vì họ từng thực hiện cái tách ra khỏi Đức Giê-su hơn cả: cuộc sống giả hình. Họ đã nói rất hay: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” Họ từng lão luyện trong các chuyện thiêng thánh, nhưng họ sống một cuộc đời xấu xa: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,22-23).
Đó là tiêu chuẩn sẽ giúp chúng ta quyết định ai thuộc nhóm mình: không phải tiếng kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa!” nhưng là nỗ lực tránh trở thành xấu xa. Tiêu chuẩn rộng rãi chăng? Chắc chắn rồi. Càng rộng rãi vì phải sử dụng nó một cách năng động: xem lúc này đây, con người đó có nỗ lực nên tốt lành không. Nếu thế thì đương sự theo chúng ta dẫu có quá khứ nào chăng nữa. Chớ xua đuổi anh ta vì anh ta hơi ra khỏi các chuẩn mực, không hành đạo bao nhiêu, chẳng chính thống bao nhiêu. Và thậm chí khá xa Đức Ki-tô, nhưng lại được Người lôi kéo.
Chúng ta có phận sự xem nhóm Ki-tô hữu của mình phải chăng là một hạt nhân thu hút hay một câu lạc bộ khép chặt. Đức Giê-su đã đến quy tụ mọi người. Nếu đóng kín các cửa để nhóm mình vẫn mãi nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ được riêng tư. Nhưng Đức Giê-su có lẽ sẽ chẳng ở đó.
Từ Bỏ Cớ Làm Sa Ngã
Sang phần hai, giọng điệu Đức Giê-su càng trở nên nghiêm trọng, với một chuỗi dài những câu được liên kết bằng từ mấu chốt: “làm cớ sa ngã” (4 lần).
Trước hết là một lời cảnh báo nghiêm khắc cho những người dựng lên chướng ngại vật, khiến những “kẻ bé mọn” (tức các tín hữu mà đức tin non yếu) bị vấp ngã. Thánh Phao-lô cho ta biết có nhiều loại Ki-tô hữu trong các giáo đoàn và họ ảnh hưởng lên nhau: những người có “hiểu biết” dễ trở thành cơ hội vấp ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có hiểu biết như họ (x. 1Cr 8,7-13 ; 9,22 ; 10,24-29 ; Rm 14,1-23). Và thánh Phao-lô kết luận: “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô” (1Cr 8,12). Xác quyết này nhấn mạnh cách khác sự liên đới giữa Đức Giê-su với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu như Mc ghi nhận trong bài Tin Mừng. Thành thử tính cách trầm trọng của gương xấu tố giác ở đây phát xuất từ phẩm giá của người tín hữu lu mờ nhất. Và sự nghiêm khắc của Đức Giê-su đủ nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư phải dành cho kẻ ấy. Bất hạnh lớn nhất có thể xảy tới cho một người là lôi kéo phạm tội một trong các kẻ nhỏ này: một bất hạnh lớn hơn việc bị xô xuống lòng đại dương với một cối xay lớn cột vào cổ.
Tiếp đến, sự trầm trọng của gương xấu được xác định theo mối nguy nó gây ra cho mỗi người. Bất cứ ai đều có thể tìm thấy trong bản thân một cơ hội gây gương xấu và như thế liều mình đánh mất Sự sống vĩnh cửu. Sự sống này quá quan trọng đến nỗi ta phải chấp nhận hy sinh một phần thân thể nếu cần thiết. Sao chỉ có 3 chi thể (tay, chân, mắt)? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, là trộm cướp, bạo hành, ước muốn xấu xa (x. Mc 7,21-22)
Để hiểu những lời này của Đức Giê-su, phải lưu ý đến lối nói cụ thể và thường nghịch lý trong cuộc đàm thoại của Người. Thật vô ích khi tìm xem những tội nào mà bàn tay, bàn chân hay con mắt có thể là cơ hội. Vả lại việc cắt bỏ chúng chẳng loại trừ được nguy hiểm đâu. Chúng tượng trưng tất cả các dịp tội mà một Ki-tô hữu có thể tìm thấy trong chính bản thân hay trong tương giao với bên ngoài. Nói thế, Đức Giê-su chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Vương quốc Thiên Chúa”, tiêu chuẩn dứt khoát cho mọi lựa chọn của con người (x.Mc 8,35-37 ; 10,23-27 ; Mt 13,44-45).
Một lần kia, thánh Phan-xi-cô A-xi-di-ô ngã bệnh đau bao tử. Một đồ đệ của ngài là anh Giu-ni-phê-rô, lo việc y tá, liền trổ tài: chữa bệnh bằng thịt quay. Giu-ni-phê-rô bắt được đâu đó một con sáo, đem làm thịt, ướp dầu ô-liu rồi nướng thật ngon lành, dâng lên “cha” bề trên. Nuốt xong miếng thịt sáo cuối cùng, thánh Phan-xi-cô bỗng thấy ray rứt khôn tả: “Khốn nạn thật. Chính ta hằng ngày vẫn ra rả khuyên mọi người sống đời nghèo cực, chính ta đã từng đuổi một anh em ra khỏi dòng vì tội ham ăn ham uống, cũng chính ta đã từng từ chối không chấp nhận vào dòng một người khác vì lỗi coi trọng tư sản hơn số phận kẻ nghèo... Thế mà vừa rồi ta lại lén lút xơi nguyên cả một con sáo! Đồ tham ăn! Đồ dối trá! Thật là một gương xấu tầy trời!”
Phan-xi-cô gọi một đồ đệ khác là anh Gia-cô-bê đến, bảo lấy sợi dây thắt một cái tròng. Gia-cô-bê nhất nhất vâng lời “đấng thánh”. Hai người cùng đi đến đầu thành phố A-xi-di-ô thì Phan-xi-cô đút đầu vào tròng, rồi bảo Gia-cô-bê cứ thế dắt đi. Vừa đi, Gia-cô-bê vừa lớn tiếng hô (như Phan-xi-cô đã truyền buộc): “Đây, mời bà con ra mà xem! Đây là người đã yêu cầu bà con nhịn ăn nhịn mặc, sống đơn giản, nghèo cực, nhưng tự mình lại nại cớ đau bao tử để ăn cả một con sáo nướng đây. Mời bà con ra mà xem”. Cả một đám trẻ con lũ lượt theo vây xem cảnh người dắt người. (trích Cây đàn của thánh Phan-xi-cô). MỤC LỤC
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
KHOAN DUNG THEO TINH THẦN CHÚA KITÔ
Một trong những thói tật của con người là nghĩ rằng mình giỏi giang, biết hết mọi sự về bản thân,về thế giới và cả về Thiên Chúa. Do đó, họ kiêu hãnh coi thường người khác không thể cùng đẳng cấp với mình. Bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ khuynh hướng này cũng không ngoại lệ nơi các môn đệ của Chúa Giêsu ngay khi Ngài còn đang trên đường rao giảng Nước Thiên Chúa.
1. Suy nghĩ, nói năng và hành động nhân danh Chúa Kitô.
Mọi sự nơi Chúa Giêsu đều là thánh thiện, cả Tên của Ngài. Chính Tổng lãnh thiên thần Gabriel là người đầu tiên nói ra tên Chúa Giêsu với mẹ của Ngài, “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:31). Chính Chúa Cha trên trời ban cho Ngài tên gọi Giêsu. Thánh Phêrô là một trong những tông đồ đầu tiên rao giảng nhân Danh Chúa Giêsu khi ngài chữa lành một người què: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6). Thánh Phaolô cũng tôn vinh danh thánh Chúa Giêsu khi ngài nói: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Philíp 2:9-10). Thánh Phaolô rao giảng nhân danh Chúa Giêsu thường xuyên đến nỗi ngay cả một số thầy trừ quỷ Do Thái lưu động cũng cố bắt chước ngài bằng cách ra lệnh cho quỷ dữ: “Nhân danh Đức Giêsu mà ông Phaolô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!” (Cv 19:13).
Tuy nhiên trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô cho thấy các môn đệ của Chúa Giêsu lại nghĩ mình là những người bảo vệ độc quyền danh xưng của thầy mình: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản” chỉ với lý do: “vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9:38). Khi lý luận như thế các ông vô hình trung trở thành những kẻ chôn vùi danh xưng của Ngài, không muốn chia sẻ Chúa Giêsu cho ai khác. Họ biến mình thành những người không khoan dung, rơi vào thói cục bộ, óc phân biệt phe nhóm, đố kỵ với những người không cùng phe với mình. Dĩ nhiên trong não trạng đó thì không ai, ngoại trừ họ, có đủ tư cách hợp pháp để nhân danh Chúa Giêsu giải thoát những người bị quỷ ám: “Có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản” (Mc 9:38). Chúa Giêsu sửa lối suy nghĩ hạn hẹp của các ông bằng cách dẫn họ trở lại với điều cốt yếu: khi chống lại và đẩy lùi mọi sự dữ, mà ma quỷ là nguồn cơn, thì không ai có đủ tư cách hay tự mãn được. Không quan trọng người đó là ai, thuộc về nhóm nào, đoàn thể nào. Chính ông Môsê khi xưa trả lời ông Giosuê: Anh ghen dùm tôi à ? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Ngài để họ đều là ngôn sứ ! Vì Chúa đã ban Thần Khí của Ngài trên họ” (Ds11:29). Hành động mang tính quyết định là nhân danh quyền năng Chúa Kitô để đem lại sự sống tốt lành và loại bỏ điều tai hại. Những ai nói năng, hành xử không vì danh Chúa Kitô cách chân thực, dù họ có tuyên bố thuộc về Hội thánh của Ngài, đều có thể gây gương mù và gây hại cho những người khác.
Không ai có quyền độc chiếm Chúa Giêsu! Thiên Chúa là người chủ duy nhất của vườn nho của Ngài; Ngài muốn chọn ai vào làm trong vườn nho của mình là tùy theo sự thông biết tuyệt đối của riêng Ngài! Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa là yêu thương cứu độ loài người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3: 16-17). Chúng ta ngày nay cần đón tiếp những ai thực sự nhân danh Chúa Kitô và cẩn thận với những ai nhân danh Ngài nhưng lại nói sai, làm ngược những gì Ngài giảng dạy. Thật vậy, trình thuật nhấn mạnh rõ ràng chuẩn mực của mọi việc tốt lành là “lấy danh Thầy mà trừ quỷ” (Mc 9:9:38). Đây là điều căn bản trong các công việc của đoàn thể, giáo họ, giáo xứ, và đừng ngăn cản bất cứ ai sống theo những gì họ được Chúa kêu gọi, chỉ vì “người ấy không theo chúng ta”, không theo các tiêu chuẩn của chúng ta. Việc phân định điều tốt xấu là một bổn phận trong Giáo hội, nhưng từ chối bất cứ ai chỉ vì họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn của chúng ta hoặc chỉ vì chúng ta không thích họ là điều Chúa Giêsu không muốn: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9:39). Tất nhiên, có rất nhiều người tự xưng là giáo chủ và tiên tri trong thế giới ngày nay, sử dụng lời Chúa nhằm mục đích danh lợi cá nhân. Họ thực ra không làm việc “vì danh Chúa Giêsu Kitô”, họ làm việc vì cái danh của chính họ, theo chuẩn mực thế gian, theo “thói đời”. Chính lối sống của họ đi ngược lời Chúa. Tránh xa những kẻ phản chứng là điều cần thiết. Tuy nhiên, Thiên Chúa có lý do tốt lành của Ngài, mà chúng ta không hiểu rõ, khi Ngài chọn ai đó làm phát ngôn viên cho Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu cho phép họ nói và hành động nhân danh Ngài. Chính Chúa Giêsu kêu gọi Mátthêu và Phaolô, khi ấy các ông chưa đạt chuẩn …. Các ông sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và sau đó trở thành tông đồ của Ngài, đúng chuẩn.
Không phải đóng kín lại với một nhóm người Công giáo nhỏ bé của mình, tưởng mình có Chúa Giêsu, là đã nên đạo đức hoàn hảo. Ngược lại, khiêm nhường mở lòng mình ra với người khác, đi đến, mở rộng bàn tay, đôi mắt để chia sẻ giúp đỡ những người đang đau khổ, thấp cổ bé họng, đó mới là làm sáng Danh Thiên Chúa. Thuộc về Giáo hội Chúa Kitô không chỉ đơn giản là có tư cách thành viên, giống như thành viên của nhiều hội nhóm xã hội. Thành viên trong dân Chúa, dù thuộc bất cứ quốc gia, chủng tộc, lịch sử hay văn hóa nào, là những người biết đi đến với nhau và hợp tác với tất cả những ai hoạt động vì công lý, nhân phẩm, sinh thái...xây dựng một xã hội, một thế giới ngày càng công bằng, nhân ái.
2. Người môn đệ Chúa Kitô phải nêu gương sống tốt lành
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Chúa Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41). Lòng bác ái nhân Danh Chúa Giêsu sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng, còn gương xấu sẽ bị trừng phạt: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Thật vậy, người Kitô hữu được kêu gọi nên mẫu gương tốt lành cho người khác, như Chúa Kitô. Nếu họ nêu gương xấu, họ khiến người khác vấp ngã. Lời của Chúa rất mạnh mẽ: “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Những gì nơi chúng ta dẫn đến tội lỗi đều cần được “loại bỏ tận gốc”. Nếu bàn tay của chúng ta chỉ để lấy cắp, cướp giật hoặc đánh nhau thì nó có giá trị gì? Nếu bàn chân, nếu mắt chúng ta là nguyên nhân gây ra tội lỗi, hãy chặt nó đi, hãy móc nó ra! (Mc 9: 43-47). Đó là lời cảnh báo khẩn thiết phải kiên quyết tránh xa tất cả những gì “làm cớ cho anh sa ngã...phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt” (Mc 9:43). Chúng ta được kêu gọi cảnh giác thường xuyên với mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải luôn nhận định đâu là “dịp tội” phải tránh, vì không môn đệ nào của Chúa có thể coi mình là trong sạch. Sự hoán cải cần được thực hiện liên tục. Chúa Giêsu không chấp nhận những hành động gây gương mù cho những ai tin vào Chúa Kitô, dù họ chỉ là những người nhỏ nhất. Chúng ta phải chịu trách nhiệm nặng nề về những hành động như thế. Nhiều chọn lựa của chúng ta trong đời có thể là “tội gây gương mù” này, và sẽ ném chúng ta xuống biển với cối đá quanh cổ.
Vì vậy, bất cứ ai làm gương xấu cho người khác, bất cứ ai sống cuộc sống lệch lạc, bất cứ ai dẫn dắt người khác đi theo con đường sai trái, bất cứ ai lừa dối và thao túng người khác cách xảo quyệt và gian dối, bất cứ ai tạo ra, biện minh và thúc đẩy điều ác, thay vì xa tránh nó, đều phải chịu sự phẫn nộ của Thiên Chúa và cái chết đời đời: “bị ném vào hoả ngục” (Mc 9:47).
Nhưng thật đáng tiếc còn có biết bao nhiêu người không muốn xa tránh việc gây gương xấu cho người khác? Có bao nhiêu chính trị gia, người nổi tiếng, kể cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người làm cha mẹ và những người lớn tiếp tục làm gương xấu cho người khác, cho những người “bé nhỏ”?
Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết một nguyên nhân lớn gây ra gương xấu là lòng ham muốn của cải. Con người trong sự giàu có của mình trở nên kiêu ngạo, xa hoa, truy tìm khoái lạc, vô tâm, bất công với người khác, gian lận, tham lam, hãm hại người vô tội, không cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ kết án họ. “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:1-6).
Sự thờ ơ với Thiên Chúa, sự thiếu cầu nguyện, những cuộc cãi vã, sự tức giận, sự vô trách nhiệm, sự sao nhãng trong vấn đề đức tin, sự lừa dối, lòng tham, sự ích kỷ, sự không hướng dẫn, không khuyên bảo, không sửa sai, không khuyến thiện, thiếu dịu dàng, thiếu tử tế, dù là trong gia đình hay trong giáo xứ, trong khu phố hay ở nơi làm việc - tất cả những điều này, chẳng phải là những gương xấu mà chúng ta gây ra cho những người thân yêu, hàng xóm hay đồng nghiệp của mình sao?
Để chữa căn bệnh này, việc đầu tiên là ý thức về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Hậu quả của nó rất nghiêm trọng: hỏa ngục. Mất đi tứ chi mà vào Nước Thiên Chúa còn hơn đầy dủ thân thể mà phạm tội sa hỏa ngục: “Thà cụt một chân... thà chột mắt... thà thân thể tàn tật... mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ thân thể mà xuống địa ngục” (Mc 9:46-47). MỤC LỤC
Phêrô Phạm Văn Trung
Độc quyền kinh doanh sản xuất, độc quyền phân phối, buôn bán, độc quyền lãnh đạo đất nước, độc quyền làm việc thiện, độc quyền phụ trách công tác giáo dục… thực sự là những chước cám dỗ khó vượt qua. Khi đã nắm độc quyền thì vị thế của chúng ta là như bất khả xâm phạm và dĩ nhiên lợi ích của chúng ta luôn được bảo đảm. Đằng sau những thứ độc quyền ấy, có một thứ độc quyền chủ yếu chi phối tất cả, đó là độc quyền chân lý, nghĩa là chỉ riêng mình ta mới đúng và như thế những ai khác ta hay ngược với ta đều là sai lạc.
Khi Đức Chúa ban Thần khí cho cả những người không đến Lều Hội Ngộ, Giosuê đã xin Môsê ngăn cấm họ. Giosuê đã ngỡ ngàng trước câu trả lời Môsê: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí của Người trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29). Chắc chắn Môsê muốn nhắc bảo Giosuê rằng chớ nên độc quyền ân ban của Đức Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn tự do như gió trời, muốn thổi đâu thì thổi (x.Ga 3,8).
Có nhiều thứ độc quyền xem ra hữu lý nhằm để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền tác giả…Tuy nhiên từ việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng người ta cũng dễ dàng bị cám dỗ ganh tương đố kỵ và tìm cách loại trừ những ai có quyền lợi tương đồng như mình bằng nhiều hình thức. Người hành xử bằng sự độc đoán, độc quyền, chuyên chế vốn thường canh cánh trong lòng nỗi lo sợ kẻ khác tranh quyền, tranh lợi. Nguyên việc người ta như mình hay ngang hàng với mình họ cũng không chịu nỗi huống là qua mặt mình hay hơn mình. Lòng ganh tương, đố kỵ xui khiến chúng ta tìm đủ lý do, đủ mọi cách thế để kìm hãm tha nhân, dìm kẻ khác xuống hoặc ít ra là ngăn cản không cho người ta phát triển hay tiến lên. Thánh Giacôbê khẳng định “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,16). Điều xấu xa, tồi tệ nhất đó là cả người ganh tương và người bị đố kỵ, cả hai đều bị hạn chế phát triển và khó có thể làm được sự gì tốt đẹp cách đúng nghĩa.
“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Ngài Gioan nêu một lý do xem ra có phần hữu lý. Nhưng đằng sau hai từ chúng ta, không biết thầy Giêsu có được bao nhiêu phần, nhưng phần của tập thể nhóm Mười Hai và cách riêng phần của ngài Gioan thì không nhỏ. Ẩn sâu dưới sự độc quyền chính là sự kiêu ngạo, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Đã từng có thời, Kitô hữu chúng ta cũng rơi vào tình trạng độc quyền chân lý. Chỉ có người Công Giáo mới nắm được chân lý, còn ngoài ra đều là tà đạo hay lạc đạo. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng ghê sợ mà lịch sử ghi lại đó là những cuộc chiến tranh, những sự đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác… Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nhiều lần xin lỗi cách công khai, thì chúng tin chắc rằng trong tương lai sẽ chẳng còn xuất hiện những bước chân của đoàn quân thập tự hay các phiên tòa xử người dị giáo.
Kitô hữu tin rằng muốn được hạnh phúc đích thực và trường tồn thì phải qua Chúa Kitô, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x.Ga 14,6). Thế mà Chúa Giêsu đã nói với Gioan: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40). Lời khẳng định của Người giúp ta xác quyết rằng cho dù chân lý là duy nhất nhưng vẫn có đó nhiều ngõ lối để tiếp cận. Hạnh phúc Nước Trời chỉ có một, nhưng Thiên Chúa có nhiều cách thế để ban chính mình cho nhân loại mọi thời và mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu trong chuyện dụ ngôn ngày thế mạt đã minh họa sự thật này. Ngay cả những người tự nhận là khi sinh thời đâu có biết Người, thế mà họ cũng đã “ủng hộ” Người, nghĩa là tiếp bước theo Người và sống cho Người, để rồi đáng được hưởng phúc muôn đời (x.Mt 25, 31-46).
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một trong những chước cám dỗ mà ta cần xin Chúa cứu đỡ, đó là mặc cảm tự tôn. Tự tôn là một hình thái của kiêu ngạo. Khi mặc cảm tự tôn được hổ trợ bằng chút thế, chút lực thì người ta sẽ tìm cách giữ độc quyền trong hành động và sẽ độc đoán trong phán quyết. Độc quyền, độc đoán là một lối sống, một cung cách hành xử của kẻ độc tài và hệ quả tất yếu là những hành vi độc ác, dẫu cho có khi là vô tình. “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Lịch sử cho thấy người độc tài rất hiếm đem lại những điều tốt đẹp cho nhân loại, mà thường là những sự xấu xa, tồi tệ.
Đức Phanxicô và nhiều vị mục tử hàng đầu trong Giáo hội đã khẳng định chủ nghĩa giáo sĩ trị là một hình thái độc tôn, độc quyền. Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich trong phiên họp chung thứ 12 về tính hiệp hành ngày 18/10/2023 tại hội trường Phaolô VI đã nói rằng nó là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều điều xấu xa trong Giáo Hội. Ngoài việc cảnh giác cho bản thân, thì bạn, tôi, chúng ta cần làm gì để hạn chế và tiến dần đến chỗ loại bỏ những hình thái độc quyền, độc tôn trong Giáo Hội và những cơ chế độc tài phi nhân, bất chính ngoài xã hội? Hãy chặt chúng đi! Hãy móc chúng đi! Đây là mệnh lệnh mang tính sống còn, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho những kẻ bé mọn là những người luôn được Thiên Chúa ưu ái. MỤC LỤC
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – GP. Ban Mê Thuột
Chúa đưa ra hình phạt quyết liệt và kinh khủng dành cho những ai phạm tội: Buộc thớt cối xay vào cổ xô xuống biển; chặt tay, chặt chân; móc mắt; dòi bọ rúc rỉa không hề chết; lửa thiêu không hề tắt...
Chúa không nói là tội gì sẽ xử như thế nào, không hề phân biệt mức độ của tội và hình phạt dành cho tội, mà chỉ nói một cách quá chung chung. Hình như cứ có tội là phạt? Chi thể nào làm cớ cho ta phạm tội, bất luận là tội gì, phải loại trừ chi thể ấy? Khi nói những lời như thế, xem ra Lời của Chúa không chỉ quyết liệt mà còn độc ác?
Dù Chúa dạy, nhưng thực tế, Hội Thánh chẳng bao giờ thực hiện. Thử tưởng tượng, nếu Hội Thánh sử dụng hình phạt dành cho tội như Chúa dạy, sẽ xảy ra ba tường hợp:
1 - Thế giới này sẽ có một Hội Thánh bi đát, khủng khiếp, rùng rợn, dã man không thể hiểu nổi: một Giáo Hội toàn những người bị thương, bị tật, bị què, bị cụt…, vì không ai là không phạm tội, và phạm tội rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.
2 - Hội Thánh sẽ không tồn tại, vì không có người. Chắc chắn không ai dám gia nhập vào một Hội Thánh tàn nhẫn như thế.
3 - Hội Thánh không thể một tay che trời để rồi muốn làm gì thì làm. Thế giới loài người không thể để yên cho Hội Thánh muốn giết ai thì giết, chặt ai thì chặt.
Chẳng những không bao giờ thực hiện những điều ấy, mà Hội Thánh còn dạy những điều ngược lại, ngược hoàn toàn:
Sách Giáo lý Công giáo của Hội Thánh đòi phải “tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể”. Sách Giáo lý cho biết: “…Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe dọa đối phương, để trả thù, là điều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người.
Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, hủy hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý” (GLCG 2297).
Vẫn biết Lời Chúa là sự thật, là Lời ban sự sống, nhưng trong trường hợp này ta phải hiểu thế nào? Hội Thánh và Chúa Kitô, ai đúng, ai sai?
Thực ra chẳng ai sai hết. Lời Chúa mãi mãi vẫn là Lời chân lý, Lời ban sự sống. Ngày nào Hội Thánh còn tin Chúa Kitô, còn nhận Chúa Kitô làm Cứu Chúa của mình, ngày ấy Hội Thánh vẫn phải sống và rao giảng Lời Chúa Kitô, và giáo lý của Hội Thánh vẫn phải phù hợp thánh ý Chúa.
Về phía Chúa, khi nói những lời xem ra quá sức quyết liệt và nặng nề, Người muốn cho thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mỗi người. Qua đó, Chúa cho thấy cuộc chiến chống lại dịp tội, chống lại chước cám dỗ là một cuộc chiến lớn.
Cuộc chiến ấy đòi hỏi một thái độ dứt khoát triệt để; một sự từ bỏ đến mức như không còn kể đến chi thể của mình; một sự hy sinh chẳng những không khoan nhượng nhưng có khi còn thiệt thòi, còn đau xót, còn cảm thấy mất mát về mặt vật chất và thân xác. Tất cả những điều ấy là để chiếm lấy đời sống vĩnh cửu.
Nói như thế là hiểu nghĩa bóng. Còn hiểu nghĩa đen: giá trị của sự sống vĩnh cửu quan trọng cho đến mức, nếu cần phải đánh đổi, ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh chính bản thân mình để giữ lấy sự sống ấy.
Ngoài ra, ta còn phải lưu ý: Lời Chúa Giêsu là lối nói cụ thể, thường gây cho người nghe cảm giác nghịch lý. Vì thật vô ích, khi phải tìm xem những tội nào có nguy cơ xuất phát từ bàn tay, bàn chân hay con mắt… Mặt khác, dù có cắt bỏ bất cứ một phần chi thể nào, hình như đều là sự vô ích, vì như thế chưa hẵn là đã loại trừ được nguy cơ phạm tội.
Người ta phạm tội đâu phải chỉ do bàn tay, bàn chân hay đôi mắt, nhưng là cả con người của mình từ suy nghĩ, lời nói đến hành động.
Nói cho cùng, sự trừ tuyệt đối với sự dữ là một đòi hỏi đắt giá. Qua đó Chúa Giêsu cho thấy giá trị tuyệt đối của sự sống, của hạnh phúc Nước Trời. Đó cũng là tiêu chuẩn vượt trên mọi tiêu chuẩn mà con người phải chọn lựa.
Người ta kể rằng, trong một khu rừng nọ có một con thỏ cái sống bên cạnh một đàng thỏ con. Ngày nọ, khi các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm mồi. Bỗng dưng từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống nghe rất dữ tợn. Tức khắc, gương mặt thỏ mẹ hiện rõ nét lo sợ. Nó vội làm hiệu cho các con về hang ẩn núp.
Tuy nhiên, có một chú thỏ con tò mò và hiếu kỳ, muốn biết tiếng rống to đó là gì. Nó tách khỏi đàng, trốn mẹ, trốn anh em nấn ná ở lại để xem cho bằng được. Tiếng rống mỗi lúc một gần hơn. Chẳng bao lâu sau, từ phía tiếng rống ấy, không chỉ có tiếng rống mà còn xuất hiện một con hổ to.
Thỏ con không biết là hổ nhưng bắt đầu cảm thấy sợ, khi chứng kiến một bộ mặt đầy sát khí, mắt và miệng thật to, hàm răng lởm chởm và những chiếc nanh thật dài trông khủng khiếp. Thỏ con quá sợ hãi, co chân chạy thật nhanh. Nhưng chính lúc thỏ con di động, là lúc nó gây sự chú ý cho con hổ. Chỉ cần một cú nhảy thật nhanh của con hổ độc ác, thỏ con đã nằm gọn trong miệng nó…
Hôm nay Chúa nói với chúng ta: Nếu tay hay chân, hay mắt ta nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn ta HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI!
Đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội, đừng bao giờ tò mò đối với những hoàn cảnh nguy hại đến đức tin, đúng hơn đến sự sống vĩnh cửu của mình.
Chú thỏ con tội nghiệp kia chỉ vì tò mò muốn biết tiếng rống khủng khiếp là gì, đã không tránh xa hoàn cảnh có thể đưa tới cái chết. Không tránh xa sự nguy hiểm, thỏ con đã tự nộp mình cho sự chết.
Nếu không lánh xa dịp tội, không ý thức mình yếu đuối, mỏng dòn, sa ngã do cố ý là điều khó tránh. Tội là sự chết của tâm hồn. Tránh xa dịp tội là tự cứu mình thoát chết.
Bên cạnh nỗ lực của bản thân để không phạm tội, chúng ta không được phép quên một nguyên tắc khó lòng thay đổi: Đời sống cầu nguyện.
Con người không thể làm gì mà không cần đến ơn Chúa. Điều ấy càng đúng đối với đời sống thiêng liêng của ta.
Bởi thế, lãnh bí tích; đọc kinh cầu nguyện; thánh lễ; đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa… là những phương tiện giúp ta thêm mạnh mẽ để chống lại chước cám dỗ, và cũng để ta luôn tắm mình trong ơn Chúa.
Hãy nhớ, khi gần Chúa ta sẽ dễ xa cách tội.
Nhưng nếu để mình xa Chúa, ta sẽ dễ gần tội. MỤC LỤC
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.