Công đồng Vatican II: Kêu gọi sống thánh thiện

27-09-2024 127 lượt xem

Công đồng Vatican II (ảnh: Lothar Wolleh / Public Domain)

Công đồng Vatican II tròn 60 năm:
“Lumen Gentium” kêu gọi sống thánh thiện

Trong chương thứ năm của hiến chế tín lý, lần đầu tiên Giáo hội long trọng tuyên bố rằng tất cả các Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh.

Lời kêu gọi mọi người nên thánh là giáo huấn đặc trưng của Công đồng Vatican II. Chủ đề này làm nên chủ đề của chương thứ năm của Lumen Gentium - Ánh sáng Muôn dân, hiến chế tín lý của Công đồng về Giáo hội. 

Với văn bản này, Công đồng Vatican II đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng “tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái …” (Lumen Gentium, chương 5, số 40, Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X).

Giáo huấn này là một tuyên bố hoàn toàn mới, ít nhất là trong bối cảnh các tuyên bố long trọng của Giáo hội. Chủ đề này cũng có một số điểm mới lạ trong chính Công đồng. Một chương dành riêng cho lời kêu gọi nên thánh không có trong bản thảo ban đầu của Lumen Gentium được trình bày vào đầu Công đồng. Văn bản trước đó, sau khi mô tả hệ thống phẩm trật của Giáo hội, đã dành một chương cho “các bậc sống để đạt được Sự hoàn thiện Tin Mừng”, tức là đời sống tu trì. 

Vào mùa xuân năm 1963, trong một cuộc họp của ủy ban điều phối công việc của Công đồng, Đức Hồng y người Bỉ Leo Joseph Suenens đã trình bày đề xuất về một chương cụ thể dành riêng cho chủ đề về sự thánh thiện trong Giáo hội. Ngài lấy bản văn trước đó về “bậc sống hoàn thiện”, được hiểu theo nghĩa của đời sống tu trì, làm điểm khởi đầu của Ngài. 

Vị giám mục người Bỉ cảm thấy rằng chương trước đó đã nhấn mạnh quá nhiều vào sự vượt trội của bậc sống tu trì và cần có một tầm nhìn rộng hơn. Vị giám mục đề xuất rằng hiến chế về Giáo hội trước tiên có thể mô tả ơn gọi nên thánh hướng đến tất cả các Kitô hữu và sau đó chuyển sang mô tả những gì phù hợp với bậc sống hoàn hảo dành riêng cho các tu sĩ. 

Đề xuất này sẽ dẫn đến một chương mới được trình lên các Nghị phụ Công đồng vào mùa thu năm 1963, có tựa đề “Về ơn gọi nên thánh trong Giáo hội”, bao gồm cả lời kêu gọi nên thánh nói chung và lời kêu gọi nên thánh cụ thể trong đời sống tu trì. Nhắc lại lời kêu gọi của Chúa Kitô là “hoàn thiện” trong đức ái (Mátthêu 5:48) và lời dạy của Tiến sĩ Hội thánh Thánh Phanxicô Salêsiô, bản dự thảo này khẳng định rằng tất cả các Kitô hữu, bất kể ở bậc sống nào, đều được kêu gọi hướng đến mục tiêu chung là sự thánh thiện Kitô giáo, như là hoa trái của tác động ân sủng của Thiên Chúa. 

Trong các cuộc tranh luận về bản văn này, các Nghị phụ Công đồng đã nhất trí về nhu cầu công bố lời kêu gọi nên thánh nơi tất cả những người đã chịu phép rửa tội. Đức Hồng y Norman Gilroy của Sydney đã lưu ý đến sự đồng thuận này trong Công đồng và lập luận thêm rằng Công đồng sẽ chỉ “thành công” nếu thực sự dẫn dắt tất cả các thành viên của Giáo hội đến một mức độ thánh thiện cao hơn. 

Đồng thời, nhiều Nghị phụ Công đồng kêu gọi bản văn diễn đạt tốt hơn ý nghĩa của sự thánh thiện Kitô giáo. Tổng giám mục Angelo Fernandes, giám mục phó New Delhi, bình luận rằng bản văn không đủ sâu sắc để mô tả ý nghĩa của sự thánh thiện Kitô giáo như là sự phát triển hoàn hảo của ân huệ được nhận làm dưỡng tử và biến đổi trong Chúa Thánh Thần nhờ phép thánh tẩy mang lại. 

Hơn nữa, ngài nhận thấy rằng văn bản dành không gian không cân xứng - gần 70% - cho các vấn đề liên quan đến đời sống tu trì. Trong khi thừa nhận vai trò đặc biệt của các tu sĩ trong việc làm chứng cho sự thánh thiện không tì vết của Giáo hội, ngài kêu gọi Công đồng chú ý nhiều hơn đến lời kêu gọi nên thánh của các giám mục, linh mục và giáo dân, ngoài việc diễn đạt rõ ràng hơn về ý nghĩa cốt lõi của ơn gọi tu trì. 

Những đề xuất này và những đề xuất tương tự khác không hề có ý định làm mất đi lòng tôn kính của Công đồng đối với đời sống tu trì. Như Giám mục người Croatia Stjepan Bauerlein đã chỉ ra, sự tận tụy của linh mục giáo phận đối với Chúa khác với sự tận tụy của tu sĩ, “giống như một ngôi sao khác biệt về độ rực rỡ”, nhưng sự khác biệt về độ rực rỡ sẽ không phải là lý do để phủ nhận sự tồn tại của một ngôi sao. 

Những đề xuất khác nhau của các Nghị phụ Công đồng đã được phản ánh trong một văn bản được sửa đổi rộng rãi về lời kêu gọi nên thánh, được trình lên Công đồng vào mùa thu năm 1964. Tại đây, lần đầu tiên, các Nghị phụ Công đồng được trình bày một bản văn về “Lời kêu gọi mọi người nên thánh trong Giáo hội”, có khả năng là một chương riêng biệt. Sau đó, Công đồng sẽ bỏ phiếu chấp thuận bản văn này như một chương cụ thể, đồng thời cũng quyết định ủng hộ một chương khác về vai trò đặc biệt của đời sống tu trì trong Giáo hội. 

Trong bản văn đã sửa đổi này , Ủy ban Giáo lý - ủy ban có trách nhiệm sửa đổi bản văn - đã cải thiện đáng kể văn bản mô tả về ý nghĩa của lời kêu gọi nên thánh hướng đến tất cả các Kitô hữu. Chương này có một khởi đầu mới, công nhận rằng Giáo hội là “hoàn toàn thánh thiện”. 

Theo cách này, bản văn Công đồng đã đáp lại yêu cầu của nhiều Nghị phụ Công đồng rằng văn kiện này có thể diễn đạt tốt hơn cách thức lời kêu gọi nên thánh bắt nguồn từ chính căn tính của Giáo hội. 

Bản dự thảo mới cũng mô tả cách thức sự thánh thiện trở thành hiện thực sống động trong đời sống của Kitô hữu.  

Như bản văn cuối cùng của Lumen Gentium khẳng định rằng, nhờ phép rửa tội và đức tin, những người theo Chúa Kitô “thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh” (Lumen Gentium, chương 5, số 40, Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X). Theo yêu cầu của các Nghị phụ Công đồng khác, để tránh rơi vào chủ trương lý tưởng thuần túy, bản văn sẽ tiếp tục thừa nhận thực tế của tội lỗi: “Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (Giacôbê 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện "xin Chúa tha nợ chúng tôi" (Mt 6,12)” (đã dẫn trên).

Chương này cũng sẽ tránh chủ trương lý tưởng như vậy bằng cách mô tả chi tiết hơn nhiều về cách thức mà các thành viên khác nhau của Giáo hội được kêu gọi sống sự thánh thiện thông qua hoàn cảnh cá nhân của họ: như giám mục, linh mục, phó tế, “các bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo”, cũng như “bậc quả phụ và độc thân” (số 41, đã dẫn trên). 

Công đồng muốn đặc biệt đề cập đến những người “những người thường làm lụng vất vả,” “những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị bách hại vì sự công chính” (đã dẫn trên). Toàn cảnh về sự thánh thiện trong Giáo hội này đặc biệt thể hiện ý thức đổi mới về vai trò của giáo dân trong Giáo hội, chủ đề trong chương trước đó của Lumen Gentium.

Trong sự đa dạng lớn lao như vậy, các thành viên của Giáo Hội tìm kiếm một mẫu số chung, đó là lòng bác ái. Ủy ban Giáo lý, như đã lưu ý khi trình lên Công đồng bản dự thảo đã sửa đổi, đã nhận thức được rằng lòng “đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho mọi phương thế hình thành và đạt được cùng đích” (số 42, đã dẫn trên).

Trước hết, Công đồng muốn nhấn mạnh rằng đức ái là một ân huệ được Thiên Chúa ban cho nhân loại, cũng như là một mệnh lệnh. Như Lumen Gentium khẳng định, “Nhưng để đức ái, tựa như hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài” (số 42, đã dẫn trên). 

Bản văn tiếp tục mô tả những cách thức mà các Kitô hữu để cho đức ái thiêng liêng này hoạt động trong cuộc sống của họ và do đó “hoàn thành” công trình mà Thiên Chúa đã bắt đầu: các bí tích và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, phụng vụ, cầu nguyện, tự chối, cùng với “nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức” (số 42, đã dẫn trên). Trong số những cách thức khác nhau mà các Kitô hữu thể hiện đức ái này, Công đồng muốn đặc biệt đề cập đến các lời khuyên Phúc âm về sự nghèo khó, trong sạch và vâng phục, và đặc biệt là những tu sĩ sống đời độc thân, “ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người” (số 42, đã dẫn trên). 

Chương lịch sử này khép lại với lời mời gọi cuối cùng gửi đến tất cả các tín hữu hãy tìm kiếm sự thánh thiện và hoàn thiện trong chính bậc sống của mình. Công đồng lưu ý, lời kêu gọi này thực ra là một “bổn phận”, xuất phát từ mầu nhiệm của Giáo hội được trình bày một cách mạnh mẽ trong Lumen Gentium. Lời khuyên này vẫn tiếp tục vang vọng ngày nay như một lời kêu gọi các Kitô hữu hãy sống theo ân sủng mà họ đã lãnh nhận, mỗi người theo ơn gọi riêng mà họ đã lãnh nhận, và theo cách này, làm cho Chúa Kitô hiện diện trong trần thế.  

Lm. Joseph Thomas - ncregister.com

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan