SUY NIỆM CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN – B
Kn 7:7-11; Dt 4:12-13; Mc 10:17-30
HỌC HỎI PHÚC ÂM – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SEN VÀ BÙN – + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
NẺO ĐƯỜNG THEO CHÚA KITÔ – Phêrô Phạm Văn Trung
ĐỐI VỚI CHÚA MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ! – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
ĐO CỬA THIÊN ĐÀNG – Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
CHỈ XIN ƠN KHÔN NGOAN – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
TỰ DO ĐỂ YÊU THƯƠNG – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
CÁI KHÔN NÀO GIÚP TA VÀO ĐƯỢC NƯỚC TRỜI – Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD
NHỮNG ÁNH NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU – Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
SỐNG TỐT LÀNH – Viễn Dzu Tử
HỌC HỎI PHÚC ÂM (Mc 10,17-27)
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc kỹ Mc 10,17.20. Bạn nghĩ người đàn ông đến gặp Đức Giêsu là người như thế nào? Anh đặt câu hỏi với Đức Giê su, câu hỏi của anh có thành thật không? Điều gì nơi anh ấy đánh động bạn hơn cả?
2. Đọc Mc 10,18. Bạn có bị sốc vì câu trả lời này của Thầy Giêsu không? Phải chăng Thầy không phải là người tốt lành hay không phải là Thiên Chúa? Vậy bạn hiểu Mc 10,18 như thế nào? Đọc thêm Mt 19,17.
3. Đọc Mc 10,19. Những điều răn Đức Giêsu kể ra nhắm đến Thiên Chúa hay tha nhân? Những điều răn nào nhắm đến Thiên Chúa?
4. Mc 10,20 cho thấy đây là một người có đời sống đạo đức khá tốt. Theo bạn, anh này thấy sống như thế có đủ không? Làm sao bạn biết là anh ấy vẫn thao thức, khát khao tìm kiếm?
5. Đọc Mc 10,21. Đức Giêsu nói cho anh biết điều duy nhất anh còn thiếu. Hãy kể ra những điều Ngài bảo anh làm. Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi của anh ở Mc 10,17 chưa?
6. So sánh sự khác biệt giữa Mc 10,17 và Mc 10,22. Theo bạn, tại sao anh không chấp nhận câu trả lời của Thầy Giêsu? Tại sao anh lại buồn rầu bỏ đi?
7. Đọc Mc 10,17.21.23.24.25.26. Các câu này có một điểm chung nào?
8. Anh đã buồn rầu bỏ đi. Trong bài Tin Mừng này, ngoài anh, có ai buồn nữa không?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Chúng ta để ý đến hành động của người đàn ông này khi anh thấy Đức Giêsu. Đây là một loạt hành động diễn ra tương đối nhanh và liên tục (Mc 10,17). Anh chạy đến, quỳ gối trước mặt Đức Giêsu và đặt ngay một câu hỏi mà anh coi là rất quan trọng. Rõ ràng anh háo hức muốn gặp Đức Giêsu để tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình. Lòng kính trọng của anh đối với Ngài được bày tỏ qua cử chỉ quỳ gối và qua lối xưng hô: “Thưa Thầy tốt lành!”. Chúng ta cũng để ý đến câu hỏi đạo đức của người này, một câu hỏi hoàn toàn không hướng về danh lợi vật chất ở trần gian: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (câu 17). Câu hỏi này cho thấy quan tâm của anh đến sự sống vĩnh cửu. Anh muốn biết mình phải “làm gì” để được sự sống ấy. Rõ ràng anh muốn Đức Giêsu cho biết anh phải sống thế nào để đạt được hạnh phúc lớn lao ở đời sau. Khi đọc Mc 10,17 chúng ta thấy anh này hẳn là một người đạo hạnh, nhất là khi nghe câu trả lời của anh: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ thời niên thiếu” (câu 20). Mọi chi tiết trên đây cho thấy anh là một người đạo đức, thực sự muốn đi tìm hạnh phúc vĩnh hằng.
2. Khi đọc câu Mc 10,18 ta có cảm tưởng Đức Giêsu không muốn nhận mình là tốt lành, và khẳng định chỉ Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành mà thôi. Thật ra Đức Giêsu chỉ muốn người đàn ông này tập trung vào chính Thiên Chúa hơn là vào chính bản thân Ngài. Anh ta gọi Đức Giêsu là Thầy tốt lành và hỏi Đức Giêsu về sự sống đời đời. Đức Giêsu đã đưa anh về với Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành và là Đấng duy nhất có thể ban sự sống đời đời. Thiên Chúa là Đấng ban những điều răn dẫn đến sự sống đời đời (Mc 10,19). Vì câu Mc 10,18 có thể gây hiểu lầm, nên Mát-thêu 19,17 đã viết lại câu đó. Trong Mc 10,17 Đức Giêsu nói: “Sao anh nói tôi là tốt lành? Chẳng có ai tốt lành trừ một mình Thiên Chúa.” Còn trong Mt 19,17 Đức Giêsu nói: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi?”
3. Những điều răn được Đức Giêsu đề cập thì có nội dung liên quan đến tha nhân (Mc 10,19). Đó là sáu điều răn nằm trong bảng hai của Mười Điều Răn. Tuy nhiên, Ngài thay “không được ham muốn” bằng “không được lường gạt”. Đức Giêsu không nói đến những giới răn hay điều răn hướng đến Thiên Chúa, đó là: cấm thờ các ngẫu tượng, cấm tạc tượng Thiên Chúa, cấm kêu Tên Chúa bất xứng, phải giữ ngày sa-bát (xem Xh 20, 3-11).
4. Khi Đức Giêsu nói cho anh nghe các điều răn, anh cho biết mình đã “tuân giữ tất cả những điều đó từ thời niên thiếu” (Mc 10,20), nghĩa là từ khoảng tuổi mười hai. Không rõ bây giờ anh bao nhiêu tuổi, nhưng có người không tin anh làm được chuyện đó và cho rằng anh không nói đúng sự thật. Nhưng Đức Giêsu tin anh nói thật. Chỉ Tin Mừng Mác-cô kể lại việc Ngài nhìn thẳng vào anh và yêu mến anh (Mc 10,21a). Phản ứng của Đức Giêsu cho thấy Ngài nhìn nhận điều anh nói là đúng. Như thế anh này sống đạo khá tốt, giữ luật nghiêm túc, khiến Đức Giêsu có cảm tình với anh. Nhưng việc anh chạy đến với Thầy Giêsu để hỏi câu hỏi về sự sống đời đời, cho chúng ta thấy anh vẫn thao thức vì thấy mình còn thiếu điều gì đó. Anh thấy đời mình vẫn chưa thực sự ổn dù đã giữ các giới răn. Anh vẫn là người đang tìm kiếm.
5. Quả thực, đúng như anh nghĩ, Đức Giêsu cho anh biết anh còn thiếu một điều. Tuy là một điều, nhưng lại gồm nhiều yêu cầu, đòi hỏi nhiều hành động. Ngài bảo anh làm những việc sau đây: đi, bán mọi sự anh có, cho người nghèo, rồi đến, và theo Ngài (câu 21). Chúng ta hình dung anh đang quỳ trước mặt Thầy Giêsu. Ngài bảo anh đi một vòng rồi trở lại với Ngài. Lúc đi thì giàu sang bởi của cải. Lúc trở lại thì với bàn tay trắng. Nhưng chính lúc chẳng còn gì vì đã cho người nghèo tất cả, thì anh lại có được một kho tàng trên trời. Kho tàng trên trời chính là điều anh đang tìm kiếm, kho tàng ấy chính là sự sống đời đời làm gia nghiệp. Như thế, Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi lúc đầu của anh: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17). Câu trả lời Đức Giêsu dành riêng cho anh là: phải trở nên tay trắng, bằng cách cho đi tất cả những gì mình có (Mc 10.21). Đức Giêsu không đòi hỏi chúng ta giống như đòi hỏi anh, nhưng chắc chắn không ai có được kho tàng trên trời mà lại không phải hy sinh những gì mình có dưới đất. Không ai trở nên môn đệ đi theo Đức Giêsu mà không phải từ bỏ. Mỗi người chúng ta cần nghe Chúa nói về điều mình còn thiếu.
6. Lúc đầu khi chạy lại gặp Đức Giêsu, hẳn lòng anh đầy hy vọng, vui sướng, háo hức chờ đợi câu trả lời của Thầy (c.17). Nhưng sau khi nghe câu trả lời của Thầy, anh bị hụt hẫng, choáng váng trước đòi hỏi mà đối với anh là không làm nổi. Anh buồn rầu cả trong lòng lẫn ngoài mặt, vì không thể làm điều còn thiếu nơi anh. Một mặt anh xin Đức Giêsu cho biết phải làm điều gì để được sự sống đời đời, mặt khác anh lại không dám làm điều Đức Giêsu mời gọi. Anh bị giằng co và cuối cùng anh bỏ đi vì muốn giữ lại “của cải” dưới đất (c.22), dù rất muốn có “kho tàng trên trời” (c. 21).
7. Các câu này có những cụm từ đồng nghĩa để chỉ ơn cứu độ: “được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17), “có được một kho tàng trên trời” Mc 10,21), “vào được Nước Thiên Chúa” (Mc 10,23), “được cứu” (Mc 10,26).
8. Đức Giêsu hẳn sẽ buồn khi thấy anh bỏ đi. Anh là người được Ngài nhìn và được Ngài yêu (c.21). Anh là người được Đức Giêsu mời gọi đi theo để làm môn đệ của Ngài (c. 21). Ngài chỉ đường cho anh để có sự sống đời đời. Đức Giêsu tiếc vì đã gặp một tâm hồn rất đẹp, khao khát nên trọn lành, nhưng lại thiếu can đảm để buông bỏ những gì mình gắn bó lâu nay. Khi anh nhà giàu bỏ đi, Đức Giêsu có mong ngày anh trở lại không? mục lục
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Với chiến dịch “chống tham nhũng” của nhà nước, gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều quan chức phải trình diện trước vành móng ngựa và kếc cục là phải “vào lò”. Họ là những người lợi dụng chức quyền, tham ô của nhà nước và của cá nhân. Số tiền mà họ làm thất thoát đều là những con số làm người ta giật mình. Khi khám xét nhà của một số quan chức, cơ quan chức năng phát hiện vô số tài sản như tiền, vàng, bìa đỏ sở hữu đất đai. Số tài sản mà họ đang chiếm hữu, đủ để nuôi cả gia đình nhiều thế hệ. Vậy mà họ vẫn còn tham lam và ăn chặn của dân. Trước những vụ đại án, người ta chỉ biết thốt lên: lòng tham vô đáy.
Lòng tham xuất hiện từ bao giờ? Có lẽ nó xuất hiện từ khi con người hiện hữu trên trái đất. Người ta tham tiền, tham quyền, tham danh vọng. Ông A-đam và bà E-và đã tham danh vọng, cứ nghĩ là có thể được nên giống như Thiên Chúa, nên đã mềm lòng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn mà phạm tội. Kinh Thánh cũng kể cho chúng ta rất nhiều vụ việc liên quan đến lòng tham. Bất kể ở địa vị hoàn cảnh hay bậc sống nào, lòng tham vẫn thường trực trong tâm khảm của con người. Vì tham mà sinh ra bạo lực, chém giết, chia rẽ, hận thù, lừa lọc và cãi vã. Sống hoàn thiện là biết làm chủ bản thân, không bị lòng tham điều khiển, nhờ đó sống thanh thoát như bông sen giữa đầm lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tuy phê phán lòng tham, nhưng chúng ta phải công nhận rằng vật chất cần thiết cho cuộc sống nhân sinh. Đóa sen với bùn lầy là hai thực tại khác biệt nhau. Tuy vậy, sen mọc lên được là nhờ bùn. Không có bùn, sen không có chất dinh dưỡng và không thể nở hoa. Vậy nên mối duyên giữa sen và bùn cứ luôn bền chặt và gắn bó với nhau. Tương tự như thế, con người sống ở đời cũng cần có vật chất. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nhiều lần lên án người giàu, nhưng không phải vì họ giàu. Họ bị lên án vì quá tham lam, quá gắn bó với của cải như thể vật chất là lý tưởng của cuộc đời. Họ cũng bị phê phán vì dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân. Đây cũng là quan điểm và giáo huấn của các ngôn sứ trong Cựu ước.
Thánh Mác-cô kể về một chàng thanh niên muốn đi theo Chúa Giê-su. Dựa vào những gì anh nói, chúng ta có thể kết luận, anh là người đạo đức theo truyền thống, luôn lo lắng tuân giữ các giới răn. Tuy vậy, có thể nói giáo huấn của Cựu ước chỉ dừng lại ở những gì anh đang tuân giữ. Chúa Giê-su còn muốn mời gọi anh dấn thân hơn trong sự buông bỏ để đi theo Người. Chúng ta không phủ nhận hay phê phán thiện chí của anh. Tuy vậy, anh chưa sẵn sàng theo Chúa Giê-su, vì sự níu kéo của vật chất còn rất mạnh, anh chưa nỡ buông ra. Nơi khác trong Tin Mừng, Đức Giê-su cũng ra điều kiện cho những ai muốn theo Chúa, như: hãy để người chết chôn người chết; Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa; vì con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,57,62). Chính Chúa Giê-su làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta về sự từ bỏ, để toàn tâm toàn ý dấn thân cho sứ vụ loan báo Nước Trời.
“Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao!” Đây là lời than vãn của Chúa Giê-su, trước sự kiện người thanh niên buồn bã bỏ đi. Nhân dịp này, Chúa Giê-su muốn dạy cho các môn đệ – và dạy chúng ta hôm nay – về sự khôn ngoan khi sử dụng của cải. Lời nói của Chúa Giê-su chắc hẳn gây sốc đối với chúng ta: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời”. Trước sự sửng sốt của các môn đệ, Chúa Giê-su đã trấn an các ông: Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Điều đó có nghĩa, cứ phó thác mọi sự cho Chúa và thiện chí sống tốt, Ngài sẽ lo liệu, vì Ngài quyền năng và yêu thương con người.
Khi đề cập tới của cải, Phụng vụ khuyên chúng ta; hãy học lấy sự khôn ngoan. Đức Khôn ngoan là chủ đề chính của Bài đọc I trích từ cuốn sách cũng mang tựa đề là sách Khôn ngoan. Dưới ánh sáng mạc khải Ki-tô giáo, Đức Khôn ngoan là chính Đức Giê-su. Chọn sống khôn ngoan là chọn Đức Giê-su như lý tưởng của đời mình. Sống như Đức Giê-su là con đường nên hoàn thiện, vì Người là Đấng thánh của Thiên Chúa. Cuộc đời dương thế của Người, mọi hành vi và lời nói, đều là mẫu mực cho chúng ta.
Để nên người khôn ngoan, thánh Phao-lô khuyên chúng ta: hãy chuyên tâm học hỏi và sống Lời Chúa, vì Lời Chúa có sức mạnh vô song. Lời Chúa soi sáng tâm hồn và giúp chúng ta phân biệt tốt xấu. Lời Chúa cũng giúp chúng ta can đảm để buông bỏ mọi sự, bước theo Chúa Giê-su và làm môn đệ của Người.
Lòng tham vẫn luôn là cơn cám dỗ dằn vặt chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta thành đạt trong sự nghiệp, để có một cuộc sống ổn định, vừa nuôi sống gia đình và bản thân, vừa có thể sẻ chia với anh chị em đang có nhu cầu. Nếu trần gian là một đầm lầy, thì mỗi người hãy cố gắng để tỏa hương như đóa sen giữa đầm lầy đó. mục lục
+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
Chúng ta tuân giữ các giới răn mà Tin Mừng khuyên tuân giữ để trở nên “Kitô hữu tốt lành”. Rồi đôi khi giống như người giàu có trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy mình tương đối hài lòng về chính mình. Chúng ta tin rằng chúng ta đã đạt đến một mức độ hoàn hảo nhất định, bởi vì chúng ta đã tuân giữ lề luật của Thiên Chúa và Hội Thánh khá trọn vẹn... nhất là khi so sánh với bao người khác còn “bê tha lỗi tội nặng nể”.
1. Đến và theo Chúa Giêsu: chuẩn mực để có được sự sống đời đời
Người giàu có đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Có lẽ ông ta nghĩ rằng mình có điều gì đó tốt lành ông ta đã làm được khiến ông ta xứng đáng được hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Não trạng này là điều hoàn toàn có thể xảy ra nơi dân Do thái thời Chúa Giêsu khi mọi thứ trong đời sống đều được đánh giá theo mức độ tuân giữ lề luật Môsê, nhiều khi đến mức chi li, ngặt nghèo. Vì thế điều trước tiên Chúa Giêsu làm là đặt ra một câu hỏi: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc10:18). Qua đó Chúa Giêsu xác định chuẩn mực của sự nhân lành: chỉ một mình Thiên Chúa là nhân lành.
Việc tuân giữ các điều răn, trọn vẹn bao nhiêu có thể, giúp con người sống tốt lành ở trần gian. Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của các giới răn đó. Chính Ngài kể ra các giới răn mà người ta, bất kể ở nơi nào và thời đại nào, chủng tộc, văn hóa, xã hội, hệ thống pháp luật nào, đều cần phải thực hiện nơi trần thế này: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:19) và Ngài hỏi người giàu có: “Hẳn anh biết các điều răn đó” (Mc 10:19). Người ấy trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Vấn đề là ông ta không chỉ muốn những phúc lành mà việc tuân giữ các lề luật đem đến cho ông ta trên trần gian mà còn cả cuộc sống vĩnh cửu. Một mức độ hoàn toàn khác, đúng hơn đó là một cảnh giới khác biệt “một trời một vực”. Mặc dù ông ta không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, nhưng những điều này không thể mang lại cho ông ta phúc lành đời đời. Chỉ có một con đường mà Chúa Giêsu đã đến thế gian này để mở ra. Cần phải theo Ngài đi vào con đường ấy với tấm lòng xa khỏi những dính mắc trần gian. Vì vậy, Chúa Giêsu trả lời anh: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21).
Câu nói của Chúa Giêsu chứa đựng những động từ: “đi, bán, đến và theo”. Chính mối tương quan gắn kết “đến và theo” Chúa Giêsu mới là chuẩn mực để có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chính Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi người giàu có khi xưa, và chúng ta ngày nay, đi vào trong tương quan gắn kết đó, bất kể chúng ta đã tuân giữ lề luật đến mức độ nào.
“Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10:22). Biết bao nhiêu người như anh ấy! Dù họ biết rằng còn thiếu điều gì đó để hạnh phúc vẹn tròn khi nghĩ về tương lai; nhưng họ vẫn muốn bám giữ vào của cải đời này, không từ bỏ bất cứ điều gì, đặc biệt là không “đến và theo” Chúa Kitô. Họ thấy rằng Chúa không có sức hấp dẫn đối với lòng họ. Những trò vui trần thế còn nhiều và chẳng tội gì hy sinh thực tế hiện tại này cho một tương lai không chắc chắn, chưa tới. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nhiều vất vả, khốn đốn, mới tạo ra được của cải hiện tại, không thể bỏ đi mà không ảnh hưởng tới những ngày sắp tới “biết ra sao ngày mai”. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ đi theo con đường này thì rốt cuộc, sớm muộn, chúng ta sẽ phải mất tất cả, chịu bất hạnh vĩnh viễn: “Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Khi “đến và theo Chúa”, sử dụng của cải đời này vì lợi ích xác hồn của những người nghèo, những người thiếu thốn vật chất, tinh thần chung quanh mình, chúng ta không đánh mất của cải đó; trái lại, chúng được biến đổi thành những phúc lành trên trời và vĩnh cửu: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu… Vậy hãy lo tìm Nước của Ngải, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho… Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12: 15, 30, 33).
2. Của cải trần gian và sự sống đời đời
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10: 23). Câu nói này khiến các môn đệ sững sờ (Mc 10:24) vì trong Cựu Ước, giàu sang phú quý được coi là phần phúc lộc của Thiên Chúa, và sự giàu sang ấy là ngay chính: “Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. Gia đình họ phú quý giàu sang, đức công chính của họ tồn tại muôn đời” (Tv 112: 2-3). Giàu sang như ông Abraham (St 13) hay ông Gióp (1-2;42,10-15) là phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đấng khai mở Tân Ước, không dừng lại trước sự ngạc nhiên lớn lao của các môn đệ, Ngài nhấn mạnh thêm nữa: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10: 25), trong đó “phúc lành” không còn là một vùng đất hay của cải trần gian nhưng là Thiên Chúa, sự sống đời đời. Ở đây một lần nữa, các môn đệ không đi vào suy nghĩ của Chúa Giêsu. Họ ngạc nhiên và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10:26). Trong sự cai quản của Thiên Chúa, của cải trần gian thuộc về tất cả mọi người, là “của đồng lần thiên hạ tiêu chung”, nhưng Thiên Chúa giao cho những người giàu “quản lý” không phải để họ tiêu xài, thỏa mãn những ham muốn của riêng mình, nhưng phải phân phối lại cho những người khác. Thiên Chúa ban phúc cho họ: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình… Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc” là để “đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ” (Tv 112:5-9). Nhưng người ta ngày nay, giống như các môn đệ ngày xưa, vẫn hiểu rằng những của cải trần thế này không liên quan gì đến sự sống vĩnh cửu, vì những của cải ấy chỉ có thể được hưởng thụ ở dưới trần gian này mà thôi. Thậm chí chúng ta tin rằng những người giàu có, dường như là đối tượng được Chúa ưu ái, có đủ điều kiện làm những việc lành để vào Nước Chúa dễ dàng hơn. Chúng ta xem xét mọi việc theo công trạng của con người chứ không theo quan điểm ân sủng của Thiên Chúa. Sự thật là những của cải này có ma lực nắm giữ trái tim và gắn chặt lòng dạ con người vào trần gian, tạo ra một trở ngại to lớn ngăn cản người ta từ bỏ mọi thứ để chiếm lấy một kho báu thiêng liêng và vĩnh cửu, có thật, dù tạm thời còn mờ nhạt: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cor 13:12). Kho báu ấy đang ẩn giấu trong một Chúa Kitô “sống vô gia cư chết vô địa táng”, không có chỗ tựa đầu (Lc 9:58), trong một thế giới mà con người duy vật coi của cải vật chất là giá trị tuyệt đối. Trong thế giới đó, những người nghèo, hầu như không có gì để hưởng thụ, bị coi khinh, bỏ rơi, lãng quên, lại dễ dàng mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18).
3. Sức mạnh của Thiên Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta
Khi các môn đệ hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10: 26). Chúa Giêsu trả lời: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Thiên Chúa có thể làm mọi sự, và Ngài đã làm mọi sự cần thiết để những người lạc lối, hư hỏng, đáng thương, không có khả năng làm gì, có thể tìm thấy một ơn cứu độ hoàn hảo mà Ngài ban tặng miễn phí cho bất cứ ai chấp nhận nhờ đức tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn con người bằng con mắt khác hơn là con mắt của quan tòa xử án theo luật: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Chúa Giêsu nhìn chúng ta trước và Ngài yêu thương chúng ta không vì bất cứ công trạng nào của chúng ta!
Mọi sự bắt đầu từ ánh nhìn yêu thương của Chúa Giêsu. Chính vì Ngài yêu thương con người vô điều kiện, nên Ngài tin tưởng khích lệ người giàu có, cũng là khích lệ chúng ta: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Mục đích của việc “đi và bán những gì anh có mà cho người nghèo” chính là “đến và theo tôi” Thực tế, người giàu có đã đến với Chúa Giêsu rồi, nhưng có điều ông ta đến nhưng chưa theo Chúa. Lối sống của người giàu có này có vẻ rất đáng kể. Chính ông ta chủ động đến với Chúa Giêsu, hỏi một câu hỏi nghiêm túc và quan trọng nhất trong đời người: làm gì để được sự sống đời đời. Câu hỏi của ông rất thực tế: nên làm gì? Ông dường như sẵn lòng làm theo những gì Chúa Giêsu Kitô bảo để đạt được sự sống đời đời. Chúa Giêsu ban cho ông một món quà. Ngài yêu cầu ông ta đi theo Ngài, giống như Ngài đã từng nói với các tông đồ: “Các anh hãy theo tôi” (Mc 1:16-20). Chúa Giêsu yêu mến những người có thiện chí. Ngài cho chúng ta biết điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời: từ bỏ mọi sự để hiến thân hoàn toàn cho Ngài. Đề nghị của Chúa Giêsu dường như đảo ngược mọi nỗ lực của chúng ta. Sự sống đời đời không phải là kết quả của mọi dự tính hay cố gắng trở nên hoàn thiện của chúng ta, mà từ ân huệ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính khi coi mọi sự trần gian là không đáng kể và bước theo Chúa Giêsu mà chúng ta nhận được sức mạnh để bắt đầu chu toàn lề luật và thậm chí hơn cả lề luật, để sống trong Thánh Thần. Chúng ta hãy để cho mình được cái nhìn yêu mến của Ngài đánh động và đáp lại lòng yêu mến đó.
Đôi khi chúng ta quá bận tâm đến công ăn việc làm kiếm tìm tiền của vật chất đến nỗi không thể dành một chút thời gian để cầu nguyện, dạy giáo lý, thăm nom phục vụ những người cơ nhỡ chung quanh mình. Mỗi chúng ta đều có một hình thức gắn bó nào đó với mọi thứ trên trần gian. Xin Chúa giúp chúng ta đừng để của cải trần gian lấp đầy tâm hồn chúng ta: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6:7), nhưng chính Chúa Giêsu Kitô mới là “nguồn giàu sang phú quí” (2 Cor 8:9) đích thực của chúng ta. Chọn Ngài là chọn mọi sự như Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm 6:17-19). mục lục
Phêrô Phạm Văn Trung
ĐỐI VỚI CHÚA MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ!
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta chứng kiến cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giê-su và người giầu có. Ông ta thật đáng kính phục và ngưỡng mộ, không vì lối sống đạo đức hay tình trạng giàu có của ông cho bằng sự khao khát tìm kiếm con đường dẫn ông đến sự sống đời đời.
Cử chỉ đầu tiên của ông là chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su rồi hỏi Người về cách thức dẫn ông đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thấy cử chỉ thật dễ thương của ông Chúa đem lòng yêu mến. Và tuy không nói ra, nhưng Đức Giê-su biết rõ ông cần gì. Ông đến với Chúa bằng con người của lề luật. Giả như ông nghĩ rằng đó là tất cả những gì mà ông cần làm thì hôm nay Đức Giê-su muốn thách thức ông làm điều khó hơn, mới hơn, một tin vui vượt lên trên mọi khoản luật mà ông tuân giữ, đó là điều mà ông đang khao khát kiếm tìm chính là hãy bán gia tài mà ông có, rồi đem tặng cho người nghèo, sau đó ông sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Chúa.
Chúa đề nghị ông làm ba bước gắn bó với nhau:
Thứ nhất là bán gia tài. Gia tài ở đây không chỉ là tiền bạc, nhưng là tất cả những gì ông ta đang có, những gì ông đang sở hữu, đang quản lý. Nó có thể là tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, tài năng. Bán đi là hành động chứng tỏ ông không thuộc về nó, làm chủ nó. Nói khác đi, ông phải nhận ra rằng những gì mà ông đang có không thể là của riêng ông. Tất cả chỉ là phương tiện giúp ông dễ dàng hơn trong việc theo Chúa.
Có nghĩa là ông không được để cho lòng mình vướng bận những điều đó. Tất cả những gì ông có đều là hồng ân của Chúa ban cho. Đó là của chung, còn ông và chúng ta chỉ là những người quản lý. Bởi thế, tất cả những gì chúng ta có, chỉ để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
Vì thế, việc kế tiếp mà ông cần nhắm đến là tha nhân, những người nghèo chung quanh ông. Có nghĩa là ông cần chuyên tâm sống nguyên tắc không dính bén và biết chia sẻ. Không nghĩ đến mình, mà còn phải biết nghĩ đến tha nhân, phải mở rộng con tim, giang đôi tay ra để ôm ấp, giúp đỡ nhưng người tất bạt rồi quì xuống mà phục vụ anh em.
Người nghèo không chỉ thiếu tiền thiếu bạc và của cải. Họ còn thiếu tình thương, lời an ủi, niềm khích lệ, sự tôn trọng… Vì thế, chúng ta không chỉ mời gọi trao ban cho họ tiền của, mà còn cho họ thời giờ, sức lực và cả trí tuệ, con người của mình nữa. Nhiều khi, chỉ cần trao cho họ một nụ cười, trả lại cho họ niềm kính trọng như một con người còn cao quí hơn các tặng vật.
Sau khi thực hiện các việc làm đó rồi hãy đi theo Chúa. Lúc này, ông không còn bị vướng bận, thảnh thơi để buớc vào giai đọan sau cùng của người môn đệ là theo Chúa. Tuy gia tài trên trời đã có; nhưng không vì vậy mà ông và chúng ta lại chểnh mảng và không lo làm cho nó giàu có hơn. Theo Chúa là như thế, là làm giàu cho Chúa những gì đã được tặng ban. Như thế, muốn bước theo Đức Giê-su, con người phải để cho mình hết sức nhẹ nhàng và thanh thản, không còn bị dính bén hay bị bận rộn trong việc tính toán theo thói thế gian, mà phải hoàn toàn nhẹ nhàng và thanh thoát.
Đức Giê-su đã đáp ứng điều mà ông nhà giầu đang kiếm tìm bằng cách chỉ cho ông điều mà ông đang thiếu, điều mà ông cần dứt bỏ để có thể tiến vào hạnh phúc đích thật và viên mãn. Tuy nhiên, trước lời mời gọi của Đức Giê-su, người này đã chùn chân và không dám bước tới, ông đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”.
Thái độ buồn rầu của ông giúp chúng ta nhận ra một điều là ông dám mơ ước, nhưng lại không dám hy sinh để đạt được ước mơ của mình. Có lẽ trong cuộc sống, ông ta chưa bao giờ phải chạm trán và đuơng đầu với một cuộc chiến thật gay go như lúc này. Và, ngay trong giây phút đó, ông mới nhận ra rằng tiền bạc là mục tiêu tối hậu cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã không thể dứt bỏ được của cải. Ông đành để Chúa ở lại và bước về lối cũ.
Như chúng ta đều biết, của cải vật chất không phải là điều xấu. Giầu có là ước mơ của nhiều người. Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta chỉ dừng lại ở của cải vật chất, là lúc chúng ta biến của cải thành mục tiêu tối hậu cho cuộc sống. Và, chúng ta sẽ tìm mọi phương thế để đạt cho được nó. Đến lúc đó, ước mơ ban đầu cho dù rất tinh tuyền, như ước mơ làm giàu để phục vụ kẻ khác, có thể sẽ biến dạng thành tham vọng, rồi dẫn chúng ta đi vào con đường sai lạc.
Thưa anh chị em,
Như vậy, một khi chúng ta đặt mục tiêu cuộc đời vào của cải vật chất, nó sẽ biến chúng ta thành những con người tham lam, sống theo bản năng và thay vì làm chủ nó, chúng ta lại biến thành nạn nhân cho của cải. Lúc đó của cải sẽ biến thành ông chủ sai khiến ta. Ý hướng ngay lành, hướng thượng không còn nữa mà chỉ còn lại là hưởng thụ với những thú vui theo sau. Các điều đó sẽ biến chúng ta thành những con người hoàn toàn lệ thuộc vào sự chỉ huy của tiền của.
Giống như ông nhà giàu hôm nay, các môn đệ cũng nhận ra đuợc sự đòi hỏi thật quyết liệt và gắt gao của Chúa. Bằng vào tài hèn sức mọn và với sức con người thì ai làm đuợc, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.
Đó chính là trọng tâm của sứ điệp: Với Chúa, chúng ta làm đuợc tất cả.
Và đó là điều mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, qua những con người như Thánh Phan Sinh, ngài đã từ bỏ nếp sống quí tộc, ra đi làm bạn với người nghèo; như mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcuta, đã từ bỏ nếp sống an toàn trong tu viện, ra đi làm bạn với những người hấp hối cần tình thương và ơn bình an. Và còn nhiều gương sáng khác nữa.
Các ngài là những mẫu gương của người môn đệ, luôn sẵn sàng chấp nhận để Thiên Chúa thành toàn trong nếp sống của họ, ở mọi thời, mọi nơi; và hôm nay, ngay tại chỗ này có cả chúng ta nữa.
Hãy để Chúa làm, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. Amen! mục lục
Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Thánh Elizabeth Ann Seton (1774-1821) cho biết: “Cửa Thiên Đàng rất thấp, chỉ những ai chịu cúi xuống mới có thể vào được.” Một cách nhận định cụ thể mà hàm súc nghĩa bóng thâm thúy: Người chịu “cúi xuống” là người khiêm hạ – khiêm tốn, khiêm nhu, khiêm nhường. Chỉ những người đơn sơ mới có thể làm vậy, điều mà Thánh “bông hoa nhỏ” Têrêsa đã làm: “Tôi vui thích được nhỏ bé.”
Ai cũng biết rằng muốn vào Thiên Đàng thì phải hoàn thiện, muốn hoàn thiện thì phải gặp Chúa, muốn gặp Chúa thì phải tìm kiếm Chúa. Tìm kiếm Chúa thật khó. Khó không phải vì Ngài “trốn” chúng ta, mà tại chúng ta chưa thực sự muốn gặp Ngài. Muốn thì ai cũng muốn, nhưng hành động thì… cứ từ từ! Trình thuật Mc 10:17-30 (≈ Mt 19:16-30; Lc 18:18-30) đề cập vấn đề này.
Thánh Máccô kể: Một hôm, khi Chúa Giêsu vừa lên đường, có một người chạy đến, quỳ xuống và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Ngài nói: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta hãnh diện nói với Ngài rằng anh đã tuân giữ tất cả những điều đó từ thuở nhỏ. Đối với anh chỉ là “chuyện nhỏ.” Thật tuyệt vời, thật tốt lành!
Quả thật, chính Chúa Giêsu cũng đem lòng yêu mến nên âu yếm nhìn anh ta và nói: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Có lẽ lúc đó Chúa Giêsu lắc đầu và tiếc cho anh ta lắm.
Rồi Ngài rảo mắt nhìn xung quanh và nói với các môn đệ: “Những người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Ngài nói thế, các môn đệ sững sờ, chẳng lẽ giàu là có tội? Họ lại ngạc nhiên khi nghe Ngài nói: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Họ lại càng sửng sốt hơn và hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Hỏi để mà hỏi chứ chẳng ai có thể trả lời. Chúa Giêsu biết các đệ tử đang “rối trí” và “nhức óc” lắm, nhưng Ngài vẫn nghiêm túc nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
Giàu không là tội. Người giàu khó vào Nước Trời vì kiêu căng, ỷ lại, khinh người nghèo, dùng tiền bạc để ăn chơi sa đọa; người giàu mà biết chia sẻ với người nghèo, biết làm từ thiện, có thể họ dễ vào Nước Trời. Còn người nghèo mà chảnh thì cũng vô phúc, cho thì không lấy, thấy cũng không xin, đồ người ta giấu kín thì rình mò, hở ra là rinh ngay. Nghèo như vậy là nghèo vô phúc, nghèo bạc phước, vẫn khó vào Nước Trời, mà cũng chẳng biết lối nào mà vào.
Theo Chúa, các môn đệ vẫn có nếp nghĩ của thế gian, nghĩa là phải có danh phận hoặc lợi lộc gì đó, thế nên ông Phêrô lên tiếng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Chắc chắn là thế. Có lẽ ông Phêrô nghe vậy cũng thấy an tâm. Và rồi một lần khác, ông đã xác định: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68)
Vấn đề Giàu – Nghèo là vấn đề muôn thuở. Người nghèo luôn nhiều hơn người giàu – ở mọi thời, mọi nơi và mọi lúc. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Ga 12:8) Thực tế cho thấy rằng chẳng mấy ai “đẻ bọc điều” đâu, thế nhưng có những người “hơn người” một chút gì đó đã tỏ vẻ “chảnh,” kênh kiệu, vênh váo. Đúng là ảo tưởng sinh ảo giác, như chứng nan y bất trị vậy!
Người nghèo thì khổ, thiếu thốn đủ thứ, thậm chí thiếu cả những điều kiện sống cơ bản. Với người giàu, người Việt nói: “Miệng người giàu có gang, có thép.” Người Iran mỉa mai: “Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo họ nhầm lẫn; khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo họ ăn trộm.” Còn người Nam Phi nói: “Lời đề nghị của kẻ nghèo được xét đến sau cùng.” Kinh Thánh nói: “Người giàu vừa ăn cướp vừa la làng, còn người nghèo bị thiệt thì lại phải năn nỉ.” (Hc 13:3) Kiếp nghèo không chỉ khốn khổ mà còn nhục nhã!
Có điều khác biệt giữa người nghèo và người giàu: “Người nghèo ăn khi nào có, người giàu ăn khi nào muốn.” (Tục ngữ Phần Lan) Rất đơn giản mà rất thâm thúy. Nỗi đau ngấm ngầm và nhức buốt lắm! Tục ngữ Pháp phân tích: “Không ai kiêu ngạo hơn người giàu mà mới đây chỉ là kẻ nghèo kiết xác.” Khó vào Nước Trời là loại người giàu như vậy, chứ sự giàu có không là điều bất hạnh mà Chúa Giêsu đề cập. Người giàu hay nghèo đều cần sự khôn ngoan, bởi vì “khôn ngoan là thần khí hằng yêu mến con người,” (Kn 1:6) là “cội rễ không thể nào hư hoại,” (Kn 3:15) và là “kho báu vô tận cho con người.” (Kn 7:14) Sự khôn ngoan rất cần thiết: “Có nhiều người khôn ngoan, thế giới được cứu thoát; nhờ một vị minh quân, cả thần dân được an cư lạc nghiệp.” (Kn 6:24)
Tác giả sách Khôn Ngoan bộc bạch: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.” (Kn 7:7-8) Thật là khôn ngoan khi biết mình yếu đuối, bất tài, vô dụng, và biết cầu xin Chúa xót thương. Khôn ngoan nhờ khiêm nhu, khiêm nhu nhờ khôn ngoan. Khôn ngoan vô giá, không gì có thể so sánh.
Tác giả sách Khôn Ngoan giải thích và chia sẻ: “Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khỏe và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.” (Kn 7:9-11) Sự khôn ngoan vô giá. Có khôn ngoan là có tất cả.
Xác định được vậy, Thánh Vịnh gia cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12) Niềm khao khát đó không thoáng qua, không tùy hứng, nhưng là niềm khao khát cháy bỏng không ngừng: “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” (Tv 90:14-15) Tất cả là hồng ân, là lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ chúng ta hoàn toàn bất xứng. Biết vậy là đầu mối khôn ngoan. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ không làm ngơ, vì Ngài giàu lòng thương xót, Ngài muốn chúng ta biết thân thưa: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:17)
Lối nhỏ là đường dẫn tới sự sống, lối rộng là đường dẫn tới sự chết, như Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14) Ngài còn bảo chúng ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13:24) Chắc chắn Ngài không xúi dại ai. Chính sự tự do cũng có “phạm vi nhất định” chứ không phải tự do thì muốn làm gì thì làm.
Lời Chúa có lúc làm cho chúng ta hạnh phúc, phấn khởi, nhưng có lúc lại khiến chúng ta đau nhói, nhức buốt, vì “Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.” (Tv 12:7) Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12) Đây là lý do: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4:13)
Thánh Vịnh gia đặt vấn đề: “Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.” (Tv 119:9) Ước gì mỗi chúng ta luôn biết chân thành tâm nguyện: “Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.” (Tv 119:10)
Chuyện vui kể rằng... Tám xe ôm và Bảy ve chai rủ nhau “làm tí” để xả xì-trét. Thằng thì số nghèo, thằng thì kiếp khổ, không chỉ “hợp” nhau mà còn là bạn bè với nhau từ nhỏ. Trời mưa rả rích kéo dài từ trưa, cùng nhau “làm tí” thì thật vui. Cái quán “cờ tây” có cái tên thú vị “NÓ ĐÂY RỒI!” vẫn là nơi cho hai kẻ khổ trút bầu tâm sự kiếp nghèo lâu nay. Thấy Tám thở dài ra chiều đăm chiêu, Bảy chau mày:
– Mày làm cái gì mà ảo não vậy? Mặc kệ nó đi. Trời sinh voi sinh cỏ. Lo bạc râu, sầu bạc tóc. Kệ tía nó đi!
– Kệ sao được mà kệ. Lo thúi ruột đây nè!
– Bộ tao không lo hả? Nhưng mà lo được gì? Chúa bảo “đừng lo ngày mai.” (Mt 6:25) Mà có lo cũng chẳng được!
– Biết vậy. Nhưng mà…
– Nhưng nhị gì nữa. Uống đi. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Dzô cái coi!
– Tao thấy người giàu ung dung sung sướng, không khốn khổ như tụi mình.
– Tao chẳng ham. Người giàu cũng khóc đấy thôi. Đừng nhìn bề ngoài mà tưởng “ngon” nha!
– Dù sao họ cũng sướng cái thân. Khỏe re. Còn tao với mày thì…
– Thì sao? Nghèo mà không gian dối, không lừa bịp, không nợ nần gì ai, thế là tốt rồi. Coi vậy chứ mấy người giàu cũng nợ như chúa chổm, nhìn vậy mà không phải vậy. Vả lại, “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:24; Mc 10:25) đó nha!
– Người giàu mà biết chi tiền đúng chỗ thì đâu có khó? Mà mày biết sao họ khó vô Nước Trời không?
– Tao thấy có hai vấn đề.
– Là sao? Cái gì?
– Thứ nhất, Chúa Giêsu là dân nghèo chính hiệu. Ngài sinh ra ở ngoài đồng, sống ở ngoài đường, chơi thân với đám dân đen, rồi chết trần trụi ở trên đồi. Trắng tay, chẳng có chi ráo trọi. OK chứ?
– Rồi sao nữa? Vấn đề thứ hai, nói!
– Thứ hai, Thiên Đàng không có những thứ xa xỉ phẩm cho họ xài, mà cũng chẳng có những nơi ăn chơi cho họ vô. Chúa có cho vô thì họ cũng không muốn. Cái khó nhất là tại họ “chảnh,” khinh người nghèo, và coi trời bằng... nắp bia. OK chứ?
– Cũng có lý. OK. Nào, nâng ly chúc mừng nhau an tâm thoải mái với cái nghèo nè!
Tám xe ôm và Bảy ve chai cười to, cụng ly cái rụp và đồng thanh: “Dzô!”
Chợt Tám nheo mắt và nói:
– Tao thấy mày có vẻ rành Kinh Thánh dữ nghen!
– Không rành chi, chỉ nhớ vài câu để “nổ” thôi. Nhưng là mấy câu cần thiết nha!
– Thế là được rồi. Nhớ nhiều câu mà không áp dụng cũng vô ích!
– Tao nhớ câu này hay, hợp với tụi mình nè. Cũng chỉ hai điều thôi!
– Câu gì? Nói nghe coi!
Bảy tằng hắng ra vẻ trang trọng, vừa nhìn Tám vừa nói:
– Nghe nè: “Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘Đức Chúa là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:7-9)
– Chà, quá “đã” luôn. Nào, dzô cái nữa coi!
Kích thước Cửa Thiên Đàng không người thợ tài giỏi nào có thể đo được, nhưng mỗi người phải tự đo bằng đức tin và tình yêu, nhờ ơn Chúa giúp, vì ơn Ngài luôn đủ để người ta có thể vượt qua cõi đời này.
Lạy Thiên Chúa, xin thêm sức cho chúng con vui lòng với những gì Ngài quan phòng và tiền định, chứ không se sua, không mưu mô, không đòi hỏi. Xin giúp chúng con đi qua đường hẹp để được sống dồi dào và được vào Cửa Thiên Đàng mai sau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục
Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
“Khôn ngoan”, theo nghĩa khái quát, được hiểu là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày.
Theo Ki-tô Giáo, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như sự kết hợp giữa lý trí và đức tin. Lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: Khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần ban cho con người. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài. Các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ là ba nhóm người được dân Do- thái coi là khôn ngoan đặc biệt.
Đức Khôn Ngoan
Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan. Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời. Mạc khải Thánh Kinh cho biết, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan.
Theo thánh I-rê-nê thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhập thể làm người như sách Khôn Ngoan mô tả: Người tìm thấy niềm vui giữa loài người … “Người đã làm người giữa muôn người … Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người ” (Kinh Tin Kính của Thánh I-rê-nê).
Muốn có Đức Khôn Ngoan, con người phải tuân giữ Luật Chúa. Vì: “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11). Ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan sẽ được sống muôn đời (x. Kn 8,17).
Sa-lô-môn đã không xin sống lâu, vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9). Ý vua xin đẹp lòng Chúa, nên Chúa nói: “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12). Chúa còn nói với vua: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3,13). Đó là lý do, Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (x. 1 V 5,9-10).
Thiên Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà tác thành vạn vật và cấu tạo con người (x.Cn 8,30; Kn 8,6). Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (x.Rm 1,19-20).
Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa
Đức Giê-su là Sự Khôn Ngoan của Chúa và là Lời của Chúa Cha (x.1Cr 1,24.30). Người thông ban sự Khôn ngoan cho con người (x.Ga 1,1). Trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Theo tiên tri Ba-rúc: “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người” (Br 3,38). Thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Như vậy, Đức Giê-su vừa là Lời vừa là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định, Đức Giê-su chính là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe và đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘bằng xương bằng thịt’ giữa chúng ta.
Để có Ơn Khôn Ngoan, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7). Trước là kính sợ Chúa, vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Thứ đến phải khiêm nhường. Vì Thiên Chúa “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6), và tha thiết cầu xin (x. Gc 1,5).
Đừng lỡ mất Sự Khôn Ngoan
Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời. Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.
Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giê-su là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh: “Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó, rồi đến theo Ta” (Mc 10,17). Gặp được Chúa Giê-su, nhưng để có được Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao? Một lời mời gọi mới khó làm sao!
Đức Giê-su là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là “sức mạnh và sự không ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). “Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2, 3). Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan ? Nếu biết Đức Giê-su là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan: “Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không” (Kn 7, 8).
Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan để chúng con được sống đời đời. Amen. mục lục
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Năm 22 tuổi, một tương lai sáng lạn mở ra trước mắt chàng hiệp sĩ Bênađô (1090-1153). Tại triều đình, nơi quân ngũ, trong tòa án, chỗ nào chàng cũng có thể thành công. Nhưng rồi được ơn soi sáng, chàng quyết định xin vào dòng Xitô, một dòng tu nổi tiếng khắc khổ. Bị cha mẹ phản bác, anh em chống lại, chàng vẫn không sờn lòng: “Tin tôi đi, nghe tôi đi, cuộc chinh phục linh hồn chẳng đáng giá sao?” Nhờ cương quyết và nhiệt tình, Bênađô không những đã làm cho cha mẹ và anh em nhượng bộ, còn lôi cuốn họ vào dòng theo chân mình nữa. Lần kia, cậu em út Nivarđô đang ngồi chơi, Guyô người anh cả nói: “Giã từ em nhé! Tất cả sản nghiệp thuộc về em. Bằng lòng không?” Nivarđô liền trả lời: “Sao? Trời cho các anh, còn đất cho em. Phân chia chẳng đồng đều tí nào cả!” Rồi người em út cũng theo cha và các anh vào dòng. Ngoài ra, ông cậu và các bạn của Bênađô, cả thảy trên 30 người, cũng theo chàng hiệp sĩ của Chúa Ki-tô nhập tu viện tuốt (Theo vết chân Người, tập 3).
Lực Khống Chế Của Của Cải
Tấm gương lạ lùng đó thật tương phản với cuộc gặp gỡ trong bài Tin Mừng hôm nay. Cuộc gặp gỡ này liên can tới một trong những điểm giáo huấn lớn của Ki-tô giáo: của cải. Nhưng vấn đề quan trọng về của cải không phải là biết ngang mức độ tài sản nào, tiền lương nào, mình chẳng còn có thể là Ki-tô hữu. Mác-cô không hướng cái nhìn của ta đến một máy tính nhưng đến Đức Giê-su, Đấng nhìn chúng ta (Máccô ba lần nói đến cái nhìn ấy) và bảo chúng ta: “Hãy theo Thầy”.
Trước tiên Người nói rõ là phải thanh lý hết, trao tặng hết mà! - Đúng, nhưng điều ấy có nghĩa chính xác: Hãy tự giải thoát con để theo Thầy. Thành thử đây không phải là một bài học gây buồn bã, nhưng là một bài học gây niềm vui to lớn. Nếu ai nghĩ rằng đi theo Đức Giê-su chẳng phải là cập bến bờ hạnh phúc, thì xin đóng sách Tin Mừng lại.
Con người giàu có quỳ xuống dưới chân Đức Giê-su muốn tìm hạnh phúc nhưng anh ta đã bỏ đi buồn bã. Nếu niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng tới Thiên Chúa đã khơi dậy nơi anh ta nỗi vui to lớn thế nào, thì giờ đây, thay vào đó là một nỗi buồn sâu xa không kém. Trên đường đi theo Đức Giê-su, anh vấp phải một chướng ngại, một sức khống chế, đó là lòng gắn bó với của cải. Của cải như tấm kính mờ đã che lấp ánh sáng, lúc ánh sáng muốn thâm nhập vào lòng anh. Về anh, kẻ có tất cả để được hạnh phúc, như người ta thường nói, Đức Giê-su đã đưa ra lời chẩn đoán: “Anh chỉ còn thiếu một điều.” Khốn nạn cho ta nếu ta thiếu điều này. Và điều quý giá này, đó là khả năng theo Đức Giê-su. Mà việc ấy giả thiết một sự giải phóng đáng kể! “Đi đi, hãy gỡ mình khỏi những gì giữ anh lại, bán tất cả để mua lấy tự do theo Ta”.
Đó chính là vấn đề! Ta trở lại với câu “thanh lý hết” đó. Phải theo Đức Giê-su trong trần trụi sao? – Không! Đức Giê-su đã chẳng trần trụi và thậm chí chẳng phải là kẻ vô gia cư nữa. Người đã không nếm biết cảnh khốn khổ. Người ăn uống bình thường, thậm chí còn chấp nhận một sự phung phí điên rồ như bình dầu thơm mà Người đã được Ma-đa-lê-na tiến dâng. Nhưng vì không có gì trói buộc mình lại, Người đã có thể đi tới cùng trong tất cả những gì mà tình huynh đệ đòi hỏi.
Khi bảo chúng ta “Hãy đến!” thì chính trên con đường đó mà Người gọi chúng ta, không phải lên đỉnh từ bỏ nhưng trên đỉnh yêu thương. Tại sao cứ mải miết bóp méo đòi hỏi của Tin Mừng thành kỳ công khổ chế? Đúng là có kỳ công, nhưng trong nỗ lực tự giải thoát khỏi tất cả những gì ngăn cản chúng ta yêu thương và phục vụ.
Nhưng rất nhanh, chúng ta đụng đến các xiềng xích của tiền bạc: có quá nhiều hay có không đủ. Người ta sẽ nói hai tình trạng này ảnh hưởng khác nhau lên ý muốn yêu thương của ta. Không! Như nhau cả! Của cải có lẽ bóp chết ý muốn này cách triệt để, nhưng nỗi lo lắng về những ngày cuối tháng cũng khép lòng chúng ta. Đức Giê-su hết sức nghi ngờ các ưu tư, chúng chiếm ngự lòng ta đến độ rốt cục ta chỉ còn nghĩ tới chính mình. Nhưng trong đoạn này, Người kết án chính của cải. Một lần nữa, Người vừa nhận xét rằng nó làm hư hỏng những kẻ tốt nhất. Anh thanh niên giàu hết sức tốt lành với những ước vọng muốn đi xa hơn. Tiếc thay, ta cảm thấy anh vướng víu vào tất cả những gì anh sở hữu đến độ ta sẽ chẳng bao giờ có thể đẩy anh ta tiến trên con đường của tình huynh đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn.”
Sức Giải Thoát Của Thiên Chúa
Trước hình ảnh ý nhị nhưng đáng sợ ấy, các môn đệ đo lường được khó khăn của việc theo Đức Giê-su: “Thế thì ai có thể được cứu?” Sở dĩ các ông thắc mắc thể ấy là vì theo cách hiểu về việc giữ đạo thời đó, càng giàu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giàu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho kẻ khó người nghèo... Dường như có một thỏa thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giàu có. Như vậy, giàu có của cải chẳng phải là dấu chỉ kẻ đẹp lòng Thiên Chúa sao? Nếu người giàu không được cứu rỗi thì còn ai có thể được?
Người giàu không được chẳng phải vì họ giàu, nhưng vì sự giàu có và những trói buộc nó gây ra có sức độc chiếm mạnh đến nỗi con người hầu như chẳng còn sức lực và sự chú tâm mà địa vị tối thượng của Thiên Chúa đòi hỏi. Tuy nhiên, không những kẻ giàu chẳng được cứu mà bất cứ ai cũng vậy. Chẳng ai có thể tự cho mình đủ điều kiện và đủ khả năng để theo Đức Giê-su, để sống thật sự yêu thương, để vào Nước Thiên Chúa.
Sớm hay muộn, mỗi người đều đụng đến bức tường của sự bất khả này: “Lạy Chúa, nơi đó thì con không thể theo Chúa được.” Nhưng Đức Giê-su nói với kẻ giàu cũng như kẻ nghèo, một lời có sức biến nỗi thất vọng của chúng ta thành kinh nghiệm tin tưởng: “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.” Đây không phải là lời nói của con người nhưng là của Thiên Chúa, điều đó đáng bỏ công tống khứ tất cả để lao mình vào sự tin tưởng này: “Với Ngài, chẳng có gì là bất khả.” Cánh tay của Người đủ mạnh để lôi chúng ta khỏi ích kỷ cũng như lo lắng. Nên khi Đức Giê-su nói: “Hãy tự giải thoát mình”, đó là một yêu cầu, nhưng cũng là một ơn ban. Ân sủng Thiên Chúa có thể giúp chúng ta thắng vượt mọi trở ngại.
Câu chuyện kết thúc khi Phê-rô hỏi: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì.” Đức Giê-su liền hé mở cho thấy niềm vui “gấp trăm lần” những gì đã bỏ, một niềm vui mà bất cứ ai đã từ khước mọi sự vì Người và vì Tin Mừng sẽ cảm nghiệm được ở “đời này” lẫn “đời sau”. Nhưng Người cũng không che giấu những “ngược đãi” đang chờ họ. Môn đệ phải tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng với Đức Giê-su; nhưng cũng như Người, giữa niềm vui về những điều thiện hảo của Nước Thiên Chúa, họ phải chuẩn bị để chịu đựng những cuộc bách hại của thế gian. Những cuộc bách hại này cần thiết để thanh luyện họ, để làm cho họ khỏi hư hỏng bởi những đặc quyền đặc lợi mà vì yêu mến, dân Chúa vẫn có thể dành cho họ luôn luôn, để họ đỡ bị khống chế bởi nhiều ưu tiên họ có thể được hưởng với tư cách “người của Giáo Hội”, “thợ của Tin Mừng”. Bách hại giúp họ tự do để sống cho Thiên Chúa! mục lục
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
CÁI KHÔN NÀO GIÚP TA VÀO ĐƯỢC NƯỚC TRỜI
Hồi nhỏ khi mới bắt đầu cắp sách đến trường, các thầy cô giáo thường dạy phải học nằm lòng câu ca dao có ghi trong sách giáo khoa thư: “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại, dại chốn văn chương ấy dại khôn”. Hôm nay Tin mừng Chúa Nhật nói về sự khôn ngoan của người giầu có. Vậy khôn ngoan này là gì? Chúa Giêsu dạy phải khôn ngoan thế nào?
Bài đọc 1 nói về sự phong phú của khôn ngoan. Khôn ngoan có giá trị gì? Nó vượt lên trên mọi ước muốn vì nó cho tất cả mọi sự -phong phú vô hạn, giầu sang vô cùng (Kn 7:7-11). Thánh Phaolo nói Lời Chúa thì sắc bén và thấm nhuần sâu thẳm tâm can, không gì có thể che dấu được, mọi sự xấu tốt đều hiện rõ trước mặt Chúa (x. bài đọc 2 Dt 4:12-13). Thánh Marco nói -trong bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay- là tất cả mọi sự phải được làm vì Chúa. Một chàng trai đến hỏi Chúa Giêsu là phải làm gì để được cứu rỗi. Chúa biểu anh hãy giữ những lề luật Chúa dạy. Anh ta trả lời là anh đã làm tất cả những điều đó rồi. Còn một điều nữa anh phải làm -Chúa thân ái nói với anh- là hãy về bán hết mọi sự anh có đem giúp người nghèo khổ. Chàng trai bèn rời bỏ Chúa. Lúc đó Chúa bèn thốt lên “người giầu có quả là khó khăn mới vào được thiên đàng” (Mc 10:17-30).
Khi một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết đến quì gối trước mặt Chúa Giêsu đề cầu xin cho có được đời sống vĩnh cửu thì anh ta đã nói cho Chúa biết là anh đã hiểu rõ luật lệ và những gì cần thiết phải làm. Nhưng khi Chúa Giêsu nhắc lại cho anh những luật không được làm như giết người, ngoại tình dâm dục, ăn gian nói dối, ăn cắp ăn trộm, làm chứng gian và phải thảo kính cha mẹ...thì anh ta hãnh diện nói với Chúa là anh đã thi hành những điều đó từ hồi còn nhỏ. Với cung cách tuyên xưng đó anh đã chứng tỏ là một chàng trai tốt và trung thành, tự nó cho thấy đó là vấn đề có liên hệ đến pháp luật (coi Lv 20:9, Dnl 21:18-21)
Chúng ta thử xem cái tư thế và phong thái hăng say của chàng trai này như ‘chạy đến trước mặt Chúa Giêsu rồi quì gối và tôn vinh Chúa là ‘Thầy dạy nhân lành’, đúng tư cách tục lệ của một người biết vâng lời nhưng rồi lại không có được đời sống vĩnh cửu. Tại sao? Sự đầu tư của anh ta khiến mọi người phải kính phục là đã tuân giữ mọi lề luật. Anh còn hơn cả một sinh viên mà Chúa thường mong ước.
Dựa trên cung cách và lời khai của chàng trai này, chúng ta có thể đoán xem Chúa đề nghị và đòi hỏi anh ta làm những gì. Nhưng có cái gì đã xẩy ra...? Chúa nhìn anh ta và tỏ lòng yêu thương anh ta rất nhiều rồi khuyên anh ta về bán hết của cải mình có đem cho người nghèo khó rồi đi theo Chúa. Chàng trai trẻ cúi mặt buồn rầu và bước đi trong chán nản. Anh ta đã bỏ mất điều anh mong ước là đời sống vĩnh cửu để đi theo làm chủ nhiều thứ khác.
Theo nghĩa của sự khôn ngoan theo truyền thống trong kinh thánh mà hai bài đọc 1 và 2 đã nêu ra thì lời giảng của Chúa Giêsu về của cải quả là khó có thể nắm bắt được hết ý nghĩa. Theo truyền thống này thì sự khôn ngoan là cái gì mà chàng trai này phải cam kết làm cho được đúng theo luật lệ. Ngoài ra, khôn ngoan như vậy thì không tương xứng với sự giầu sang. Nhưng thực tế như trong bài đọc 1 thì sự khôn ngoan lại tạo ra giầu sang. Vậy, việc anh ta làm ra được nhiều của cải cũng như tài sản của cải to lớn của anh ta chứng tỏ anh ta rất khôn ngoan. Và, với cái khôn ngoan ấy anh ta có thể thênh thang bước trên hoan lộ để đi đón nhận đời sống vĩnh cửu. Vậy khi Chúa tuyên bố là người giầu có thì khó có thể vào được vương quốc Thiên Chúa thì người thanh niên và các môn đệ đâm ra bối rối. !!..!!..
Nếu không là người giầu có thì là ai đây? Âm vang của bài đọc 1 lại như nhắc nhở là: sự khôn ngoan tiên khởi là một quà tặng. Chúa Giêsu cũng nhắc lại cho các môn đệ là ơn cứu chuộc cũng là một quà tặng. Và cuối cùng nó được ban phát ra là hoàn toàn do Thiên Chúa. mục lục
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cung cấp cho ta về BA ÁNH NHÌN của Chúa Giêsu:
1. ÁNH MẮT TRÌU MẾN.
Một người (Tin Mừng theo thánh Matthêô, đó là một "thanh niên") chạy đến quỳ xuống và gọi Chúa là "Thầy nhân lành" rồi hỏi: "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?".
Chúa nhắc lại những nguyên tắc và luật luân lý để trả lời. Người thanh niên thật tốt, anh hết sức chu toàn và không có gì đáng trách. Điều đáng quý là, anh còn muốn vượt lên trên những gì anh đã từng sống. Anh muốn sống một lối sống trọn vẹn, một lối sống cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn trong tinh thần của một người vượt lên trên khả năng con người để tiến sâu vào tình yêu của Thiên Chúa, để gần hơn với sự hoàn hảo trong ơn gọi thánh thiện.
Chúa quý mến anh. Chúa nhìn anh bằng cái nhìn nồng nhiệt, dịu dàng, trìu mến, yêu thương: "Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh".
Trong chính cái nhìn đầy thiện cảm ấy, Chúa tiếp tục mời gọi anh đi xa hơn trên con đường hoàn hảo: Hãy cho người nghèo tài sản. Hãy cho người nghèo tất cả những gì anh đang sở hữu.
Thật phũ phàng. Chúa chỉ có thể trao cho anh ánh nhìn và dừng lại bằng một ánh nhìn, dù thiện cảm. Anh thất bại trong cuộc chiến giữa theo Chúa và từ bỏ vật chất. Anh không thể trở thành người nghèo với Chúa. Anh không thể là người nghèo trong số những người nghèo. Anh không thể đứng chung hàng ngũ đoàn môn đệ, những người phải thực sự giữ vững tinh thần nghèo khó.
2. ÁNH MẮT CẢNH BÁO VÀ ĐÁNH THỨC.
Sau khi người thanh niên bỏ đi, "CHÚA ĐƯA MẮT NHÌN CHUNG QUANH" và đúc kết: "Người giàu vào nước Thiên Chúa khó biết bao!". Đó là CÁI NHÌN CẢNH BÁO VÀ ĐÁNH THỨC.
Chúa muốn cảnh báo người nghe, nguy cơ lớn của sự giàu, sự tích trữ của cải. Kẻ có nhiều của cải thì để tâm vào của cải: "Kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó" (Lc 12,34), cho nên phải chọn: một là Thiên Chúa, hai là tiền của.
Lời Chúa "sắc như gươm hai lưỡi". Người thanh niên có thiện chí muốn nên thánh thiện và hoàn hảo hơn, nhưng bị vật chất cản bước. Anh tiếc của, còn Chúa, chắc chắn cũng tiếc khi phải để một người thiện chí ra đi.
Từ câu chuyện với người thanh niên, Chúa cảnh báo chúng ta, và dạy người giàu phải cảnh giác. Họ cần cắt đứt những ràng buộc vật chất thì mới có cơ hội vươn cao lên, mới có cơ hội theo Chúa đúng nghĩa nhất.
Bằng mối liên hệ thực tế từ chính người giàu mất cơ hội theo Chúa, Chúa đánh thức niềm tín thác của khán giả. Họ phải chọn Chúa, đừng chọn của cải. Họ phải đặt cuộc đời họ trong tay Chúa, đừng xem của cải là bảo đảm của đời sống. Đừng đặt sự giàu có thành vận mệnh chính thức của đời mình. Chúa đánh thức người tín hữu khả năng chọn Chúa và ly thoát sự giàu có. Chúa đánh thức mỗi người khả năng chọn Chúa làm chủ thay cho mọi thứ đam mê.
3. ÁNH MẮT BAO DUNG.
Trong khi môn đệ hết sức chưng hửng, hết sức kinh ngạc trước lời phán: "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa";
Trong khi môn đệ đang chuyền tai nhau: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?", thì Chúa Giêsu lại trao cho các ông một ÁNH NHÌN mới.
Thánh Marcô viết tiếp: "Chúa Giêsu chăm chú NHÌN các ông". Cùng lúc Chúa khẳng định: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
Dù quả quyết người giàu khó vào Nước trời, Chúa vẫn bày tỏ tình yêu bằng ánh nhìn bao dung, ánh nhìn của lòng thương xót, của sự cứu rỗi.
Đáng tiếc, người thanh niên khước từ ngay ánh nhìn đầu tiên của Chúa, anh không còn cơ hội lãnh nhận bất cứ ánh nhìn nào khác mà Chúa dành cho.
Nếu trước đây anh vui mừng, hy vọng đi tìm con đường trọn lành bao nhiêu, giờ đây anh càng giập tắt niềm vui và hy vọng bấy nhiêu.
Trước đây anh phấn khởi bao nhiêu để tìm gặp Chúa, giờ đây anh trở về với sự lạnh giá của con tim bấy nhiêu.
Ai dám từ bỏ sở hữu để giải phóng mình khỏi mọi ràng buộc của bất cứ sự giàu có nào ở đời, người đó thực sự rảo bước trên con đường tự do để đến với Chúa, chiếm hữu Chúa và dễ dàng trải rộng trái tim cho tình yêu, cho lòng nhân ái. Có như vậy, họ mới thực sự thừa hưởng niềm vui của sự trao ban.
Chúng ta hãy để ánh nhìn của Chúa soi rọi trên cuộc đời và lý tưởng của mình, để không bị mù quáng trước bất cứ cám dỗ nào của thế gian.
Chúng ta hãy từng bước và luôn hướng về phía Chúa để nhận ra ánh mắt của Chúa, nhờ đó, thường xuyên khám phá những ánh nhìn mà Chúa trao để ngày càng tiến xa hơn, sâu hơn vào chính Chúa, Đấng là cả một vũ trụ của lòng yêu thương, của những ân tình và của ơn cứu rỗi vĩnh cửu. mục lục.
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
[Niệm ý Mc 10:17-27 ≈ Mt 19:16-26; Lc 18:18-27]
Viễn Dzu Tử
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.