Ngai Tòa của Thánh Tông đồ Phêrô

21-10-2024 231 lượt xem

Mới đây, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã có dịp chiêm ngưỡng thánh tích lịch sử là “Ngai Tòa của Thánh Tông đồ Phêrô” được lưu giữ bên trong phòng Ottoboni của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Cơ hội hiếm hoi đã diễn ra nhân dịp Đại hội đồng thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành đang diễn ra tại Vatican. ĐTC Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên kể từ năm 1974 được xem thánh tích này.

Feast of the Chair of St. Peter

Lịch sử của Ngai Tòa

Thông thường, chiếc ghế gỗ được bao bọc bên trong một chiếc ghế lớn hơn do nhà điêu khắc người Ý Gian Lorenzo Bernini chế tác thành tượng đài vào thế kỷ XVII. Tượng đài được lắp trực tiếp bên trên bệ thờ đặt trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Theo cơ quan bảo quản đồ tạo tác của Đức Giáo hoàng, các nhà khảo cổ học kết luận phần khung bằng gỗ keo của ghế có niên đại từ thời Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên. Phần còn lại làm từ gỗ sồi được cố định bằng các thanh sắt lắp đặt trong giai đoạn Byzantine. Những tấm ngà voi được treo dưới ngai cũng thuộc về thời đại này. Bên trên các tấm ngà là những hình vẽ Hercules với nhiều chòm sao.

Ngai Tòa là món quà của Hoàng đế La Mã Charles II gởi tặng Đức Giáo hoàng Gioan VIII vào năm 875. Thánh tích trải qua nhiều lần nghiên cứu, nhiều nhất từ năm 1968 đến 1974, thời điểm gần đây nhất chiếc ngai được đưa khỏi bàn thờ do điêu khắc gia Bernini chế tác. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây không phải là ghế đôi mà là ghế đơn.

Đức Giáo hoàng Alexander VII vào thế kỷ XVII yêu cầu nhà điêu khắc Bernini tạo ngai vàng lớn hơn bao bọc Ngai Tòa. Ông Bernini phải mất đến 10 năm để hoàn tất đơn đặt hàng, kéo dài từ năm 1647 đến năm 1653. Chỉ tính riêng kim loại đồng được sử dụng cũng nặng đến 74 tấn. Tuy nhiên, phải chờ đến năm 1666 tượng đài mới được lắp đặt vào vị trí bên trên bàn thờ của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Tượng đài, dưới dạng ngai vàng bằng đồng mạ vàng được làm từ đá cẩm thạch trắng và đen khai thác từ vùng Aquitaine (Pháp) và đá đỏ từ vùng Sicily (Ý). Phía trên ngai, hai tượng thiên thần cầm triều thiên và chìa khóa tượng trưng cho uy quyền của Giáo hoàng, trong khi 4 bức tượng lớn về Thánh Ambrose, Thánh Augustine, Thánh Athanasius và Thánh John Chrysostom được sắp xếp xung quanh tượng đài.

Trên ghế, có tổng cộng 3 bức phù điêu bằng vàng thể hiện nội dung của những đoạn trong Phúc Âm về việc Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Thánh Phêrô, Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô, và  việc Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông đồ.

Ngai Tòa của Thánh Phêrô tượng trưng cho điều gì?

Mỗi năm vào ngày 22/2, Giáo Hội cử hành Lễ kính Ngai Tòa của Thánh Phêrô nhằm tôn vinh quyền tối thượng của Thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài: “Con là Đá và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được” (Mt 16,18-19). Năm 2006, trong bài giảng huấn nhân dịp lễ này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận định rằng Ngai Tòa của thánh nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là chỉ dấu cho tình yêu thương của Chúa, vị mục tử nhân lành, Đấng muốn dẫn đưa mọi con chiên trên đường đến sự cứu chuộc.

Thánh tích Ngai Tòa hiện tạm thời được bảo quản trong phòng Ottoboni của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Chiếc ngai được đưa vào đây để bảo quản trong thời gian phần mái vòm  Baldacchino nổi tiếng bên trên bàn thờ Tuyên xưng Đức tin của Vương cung Thánh đường, được trùng tu. Kế hoạch trùng tu được triển khai trước khi bắt đầu Năm Thánh của Hy vọng 2025, và sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn. Baldacchino cũng là tác phẩm của nhà điêu khắc Bernini. Vị đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ bảo tồn, tái thiết, bảo trì và sử dụng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô hiện là Đức Hồng y Mauro Gambetti.

Nguồn: Catholicnewsagency và Zenit và Artfilemagazine

LING LANG chuyển ngữ

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.