ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN LÀ YÊU THƯƠNG NHAU
- WĐBĐM - "Chúng tôi không gọi là các tôn giáo khác nữa. Chúng tôi gọi là tôn giáo bên cạnh. Tôn giáo bên cạnh, người bên cạnh mình. Hoặc người chúng ta gọi đây là tôn giáo bạn (FABC). Chúng ta là bạn của nhau.” Từ kinh nghiệm sống của một gia đình nhỏ Linh mục Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc, phó Linh giám Hội đồng Senatus – Legio Mariæ VN; Chánh xứ giáo xứ Martinô, giáo hạt Tân Sơn Nhì, chúng ta muốn khẳng định rằng giữa muôn ngàn khác biệt tình yêu là điều có thể và phải có. Tình yêu chính là chìa khóa của bình an và hạnh phúc. Chúng ta ước mơ tình yêu lan tỏa thật rộng, thật xa và thấm sâu vào tâm thức của mọi người để trở thành lối sống của đại gia đình nhân loại."
Đó là lời phát biểu của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục TGP Saigon trong diễn văn khai mạc Hội ngộ Liên tôn lần thứ 14, với chủ đề “Đối thoại gắn kết tha nhân” diễn ra vào lúc 15g00 ngày Chúa nhật 27/10/2024 tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
Kính thưa quý vị lãnh đạo các tôn giáo,
Kính thưa quý vị chức sắc và toàn thể quý vị.
Chiều hôm nay, chúng ta lại quy tụ về đây, trong hội trường quen thuộc thân thương này, bởi vì đã lần thứ 14 rồi. Hội trường quen thuộc của Trung tâm Mục vụ để cử hành “ngày Hội ngộ liên tôn lần thứ 14”.
Gọi là “hội ngộ” bởi vì chúng ta gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng trong tình yêu thương liên đới của những người vốn là anh chị em với nhau, là con cái của cùng một Thiên Chúa, của cùng một Đấng Trí Tôn. Trong cuộc sống, chúng ta ra đi phục sự Thiên Chúa, Đấng tối cao và phục vụ tha nhân, mỗi người một nẻo, mỗi tôn giáo trong những môi trường khác nhau, với những sinh hoạt khác nhau. Suốt cả năm, chúng ta xa nhau, nhưng đến hẹn lại lên.
Chúng ta mong chờ gặp lại nhau, và vui mừng nhìn thấy nhau bình an mạnh khỏe, lòng tràn đầy niềm tin và hy vọng. Buổi hội ngộ lần thứ 14 năm nay, như chúng ta cũng vừa được nghe giới thiệu, mang rất là nhiều ý nghĩa. Trước hết là chúng ta kỷ niệm 60 năm Giáo hội Công giáo thành lập văn phòng phụ trách người ngoài Kitô giáo, và nay bởi vì tầm quan trọng của nó cho nên đã nâng lên thành Bộ Đối thoại Liên tôn.
Rồi chúng ta kỷ niệm 20 năm Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã thành lập Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận. Rồi mừng kỷ niệm 15 năm cũng là chính Đức Hồng y thành lập Ban Mục vụ đối thoại liên tôn của Tổng giáo phận. Đối với Giáo hội Công giáo, mục vụ có nghĩa là quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tại nơi đây, các tôn giáo chúng ta gặp nhau, trò chuyện và quan tâm chăm sóc nhau.
Kính thưa quý vị, thế nào là đối thoại liên tôn? Chắc chắn sẽ có nhiều bài phát biểu từ ngữ này. Trước hết, nói lên sự mở ra để gặp gỡ, để trao đổi qua lại, chứ không khép kín trên bình diện lý thuyết. Nguyên tắc, suy tư, lý thuyết là cần thiết, nhưng nó cũng có nguy cơ giam hãm chúng ta trong những ý tưởng, để rồi rốt cuộc lại có cái nguy cơ đẩy chúng ta xa nhau.
Gia đình Linh mục Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc, phó Linh giám Hội đồng Senatus – Legio Mariæ VN; Chánh xứ giáo xứ Martinô, giáo hạt Tân Sơn Nhì là một minh họa cụ thể sống động và có tính thuyết phục để chúng ta hiểu được thế nào là đối thoại liên tôn. Hôm nay, Linh mục Hà Thiên Trúc đang có mặt nơi đây, có lẽ nhiều người biết rồi, nhưng cũng có nhiều người chưa biết.
Tôi xin gợi lại một chút về gia đình Linh mục Trúc. Đó là một gia đình đa tôn giáo, gia đình bên nội theo đạo Cao Đài. Ba của Linh mục có thánh danh là Đạt Truyền, còn bên ngoài thì theo đạo Phật, mẹ có pháp danh là Diệu Tưởng. Anh chị em của Linh mục Trúc cũng là các Phật tử quy y và có pháp danh. Bản thân Linh mục Trúc lúc nhỏ cũng đã quy y, có pháp danh là Thiện Tuấn. Linh mục Trúc trước kia đã từng sống bên những người Công giáo đạo đức thánh thiện, đã được nghe biết về Chúa Giêsu cách sâu xa ấn tượng thuyết phục. Chính vì thế mà đã gia nhập Đạo Công giáo vào năm 19 tuổi với sự chấp thuận, tôn trọng và ủng hộ rất vô tư của cả cha lẫn mẹ.
Ngài được Rửa tội ở Giáo xứ Tân Định, TGP Saigon năm 1989 và được gia nhập vào Giáo xứ này. Không dừng lại ở đó, còn say mê Đạo Công giáo đến nỗi đã muốn trở thành một Linh mục để phục vụ nhằm đem ơn cứu độ cho nhân thế.
Sau khi đã làm bác sĩ 5 năm, thì cậu Trúc đó mới tìm hiểu và gia nhập vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon và thụ phong Linh mục vào ngày 19/6/2009. Có một điều thú vị là 3 người, ba của Linh mục Trúc là một nhân viên cơ quan giáo lý phổ thông trong Đạo Cao Đài. Cùng với người chị ruột của Linh mục Trúc là bác sĩ Phật tử và bản thân là Linh mục Công giáo. Cả 3 người cũng đã tham dự cuộc Hội ngộ Liên Tôn vào ngày 27 tháng 10 năm 2013 tại Trung tâm mục vụ này. Em trai của Linh mục Trúc hiện nay là một Phật tử đã kết hôn với người theo Đạo Công giáo với phép chuẩn, tức là Đạo ai người đó giữ. Người em này có một người con trai theo Đạo Công giáo và sống Đạo rất tốt.
Kính thưa quý vị, gia đình của Linh mục Trúc, ngày nào cũng là hội ngộ Liên Tôn. Lúc nào cũng có đối thoại Liên Tôn. Từ sáng đến tối. Cho dù có những khác biệt về tôn giáo nhưng đó là một gia đình hạnh phúc phong phú về mặt tinh thần. Chắc hẳn là trong gia đình đã có những lúc đối thoại về niềm tin tôn giáo. Ba thì nói về Cao Đài, má thì nói về Phật giáo, còn con thì nói về Đạo Công Giáo. Đã có những đối thoại về niềm tin tôn giáo của mình, và các thành viên trong gia đình đã nhận ra những sự khác biệt trong đạo lý của nhau. Chắc chắn là có. Tuy nhiên, trong gia đình này không ai tìm cách thống trị người khác.
Không có. Không ai tìm cách hạ người khác xuống. Mà trái lại, mọi người yêu thương nhau, nâng đỡ nhau, đề cao nhau và chung sức lo cho gia đình có được hạnh phúc. Và đó là mục tiêu chung của gia đình. Những khác biệt về tôn giáo, thay vì làm cho họ xa cách hay là lạnh lùng với nhau, thì trái lại, đã làm cho họ khám phá những giá trị tinh thần của nhau. Cùng khích lệ nhau, phát huy những điều cao đẹp, cùng chung tay kiến tạo hạnh phúc của gia đình.
Chúng ta tự hỏi, điều gì đã làm nên những sự cao cả? Thưa, câu trả lời rất đơn giản. Đó là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể làm nên những điều tốt đẹp ấy. Bao nhiêu lý thuyết không làm nổi. Nhưng chính tình yêu đã làm được. Yêu nhau nên mới nói chuyện được với nhau. Và hiểu nhau. Yêu nhau nên hiểu nhau. Và ngược lại, hiểu nhau để rồi yêu nhau nhiều hơn. Nếu không có tình yêu, sẽ không có điểm gặp gỡ. Không có đối thoại, không có liên đới hay hợp tác. Có ngồi lại với nhau, thì cùng lắm cũng chỉ là như hai đường rầy song song với nhau thôi.
Không thể gặp nhau được. Mặc dù có những khác biệt, nhưng yêu nhau, hiểu nhau, tin tưởng vào nhau, cộng tác với nhau, đó là điều có thể. Mới đây, tôi được gặp một Vị Giám mục ở trong FABC (Liên Hội đồng Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops' Conferences). Các Vị đó nói với tôi thế này: “Chúng tôi không gọi là các tôn giáo khác nữa. Chúng tôi gọi là tôn giáo bên cạnh. Tôn giáo bên cạnh, người bên cạnh mình. Hoặc người chúng ta gọi đây là tôn giáo bạn. Chúng ta là bạn của nhau.”
Ôn lại lịch sử, tôi được biết 800 năm về trước, thế giới này giữa những tháp canh và thành lũy. Các đô thị bị chia năm xẻ bảy bởi các cuộc chiến đẫm máu giữa các dòng tộc quyền thế và cảnh nghèo đói lan tràn khắp các vùng nông thôn trên thế giới này. Lúc đó, chàng trai trẻ Phanxico Assisi, tức là Thánh Phanxicô, đã giữ được sự bình an, nội tâm, đích thực và giải thoát mình khỏi ước muốn thống trị người khác. Đã trở thành một trong những người rốt hết và tìm cách để sống hòa hợp, tương thân, tương ái với tất cả mọi người.
Tâm hồn của Thánh Phanxicô rộng mở, không biên giới. Có khả năng vượt qua những cách biệt về xuất xứ, về quốc tịch màu da hay tôn giáo. Cho nên, Ngài đã lên đường đi thăm Vị Xuân Tăng, tức là một vị vua tên là Malik el Kamil tại Ai Cập.
Một chàng trai trẻ dám đi gặp một vị vua. Đây là một cuộc viếng thăm vô cùng gian nan từ Italia đi sang Ai Cập. Không gian xa cách, phương tiện thô sơ, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và tôn giáo khác biệt, nhất là vào thời điểm của cuộc chiến thập tự chinh, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng bất chấp tất cả những khó khăn hiểm nguy đang chực chờ. Phanxicô, một chàng trai trẻ, đã một mình tay không đến gặp Vị Xuân Tăng của Ai Cập với tâm thế của tình yêu. Ngài hiểu rằng 'Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa' (x. 1 Ga 4,16). Với ước muốn biểu lộ tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, Ngài cũng ao ước ôm trọn tất cả mọi người.
Ngài kêu mời mọi người sống khiêm tốn, mở rộng tấm lòng để yêu thương nhau, chịu đựng nhau và sống tình huynh đệ với tất cả những ai không cùng niềm tin với mình. Cuộc sống của Thánh Phanxicô Assisi, thưa quý vị, đã truyền cảm hứng, khơi dậy, giấc mơ về một xã hội huynh đệ. Chiều hôm nay chúng ta quý tụ nơi đây chúng ta cũng có một giấc mơ.
Từ kinh nghiệm sống một gia đình nhỏ như gia đình của Linh mục Trúc, chúng ta muốn khẳng định rằng giữa muôn ngàn khác biệt tình yêu là điều có thể và phải có. Tình yêu chính là chìa khóa của bình an và hạnh phúc. Chúng ta ước mơ tình yêu lan tỏa thật rộng, thật xa và thấm sâu vào tâm thức của mọi người để trở thành lối sống của đại gia đình nhân loại.
Điều đã được thực hiện trong gia đình nhỏ của Linh mục Trúc chúng ta ước mơ sẽ được thực hiện trong đại gia đình nhân loại. Chúng ta ước mơ trong bối cảnh của một thế giới đau thương vì chiến tranh, hận thù, ghen ghét, bóc lột, ích kỷ như thế giới của chúng ta hôm nay. Thì chúng ta ước mơ các tôn giáo của chúng ta đây, những người đang hiện diện nơi đây sẽ là những lò lửa tình yêu có sức truyền cảm hứng để kiến tạo nền văn minh tình thương.
Ước mơ đó sẽ phải được thực hiện. Xin cảm ơn quý vị và kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và bình an.
+ ĐTGM. Giuse Nguyễn Năng
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.