SỰ THÁNH THIỆN CÓ LÀM BẠN SỢ HÃI KHÔNG?
Hầu như lúc nào cũng vậy, những chữ “ông thánh, bà thánh” hoặc “thánh thiện” khiến chúng ta bối rối. Tại sao vậy? Thực vậy, chúng ta sợ hãi sự thánh thiện cũng nhiều như sợ hãi những căn bệnh tồi tệ nhất, vì chúng ta liên tưởng đến những bức tượng bằng thạch cao của các vị tử đạo, vốn dĩ xem ra không bao giờ có vẻ khỏe mạnh...Nói một cách dễ hiểu, nhiều loại sợ hãi khác nhau khiến chúng ta không thể trở nên thánh thiện. Dưới đây là mười cách chữa trị nỗi sợ hãi, và đi cùng với mỗi cách chữa trị, là một vị thánh để chúng ta xem xét và bắt chước.
Con người hiện nay cũng hơi giống chàng thanh niên giàu có trong dụ ngôn: không có gì xấu xa, thậm chí còn có lòng vị tha cao cả. Họ ít nhiều tuân giữ các điều răn. Nhưng một ngày kia, khi Chúa Giêsu gọi họ và nói: “Hãy theo Ta”, thì giống như người thanh niên này, họ chần chừ…
Theo Đức Hồng Y Danneels, một nhân vật tiêu biểu của Giáo hội Bỉ, chúng ta sợ sự thánh thiện vì sợ bị chế giễu. Bởi vì “những kẻ hành quyết thực sự, ngày nay, không phải là những kẻ xé xác hay chặt đầu. Họ là những kẻ giễu cợt sự thánh thiện, chẳng hạn họ nói: “Sự thánh thiện là chuyện cổ xưa rồi, chỉ là chuyện ngây ngô thôi!”
Thực sự chính nỗi sợ hãi đã cản trở người ta trở thành một vị thánh, một nỗi sợ hãi che giấu dưới những chiếc mặt nạ khác nhau. Giống như chiếc mặt nạ che dấu nỗi sợ hãi bị coi là lố bịch là chiếc mặt nạ che dấu sợ hãi trước sự phán xét của người khác - những người nói liều rằng chúng ta là những kẻ ngây ngô hoặc lạc hậu. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi này để nhờ đó xây dựng sự thánh thiện trong tương lai?
Dưới đây là mười biện pháp khắc phục nỗi sợ hãi dưới nhiều khuôn mặt. Và, cùng với mỗi biện pháp là một cách chữa trị độc đáo, một vị thánh nam hoặc nữ, để chúng ta xem xét và bắt chước. Nếu chúng ta không chữa trị bằng những gương mẫu như thế, thì niềm hy vọng giảm đi nhiều.
Sợ những gì vô hình
Chúng ta sợ thế giới vô hình mà Kinh Thánh và Tin Mừng nói đến. Nỗi sợ này chủ yếu xuất phát từ nỗi sợ tự tạo ra ảo ảnh cho chính mình: Chúng ta sợ bị mắc bẫy. Phương thuốc của ngôn sứ Êlia: nhà vô địch của sự vô hình là vị ngôn sứ Êlia. Ngôn sứ Êlia phục vụ Chúa và liều lĩnh mọi sự vì Chúa, mặc dù vị ngôn sứ chưa bao giờ nhìn thấy Chúa. Vị ngôn sứ chấp nhận rủi ro to lớn trên Núi Carmel khi đối phó các tư tế của thần Baal. Vị ngôn sứ không có được thị kiến gì cả, nhưng ông xây bàn thờ của mình, đặt củi lên bàn thờ và đặt con bò lên trên đó, và không có gì trong tay, ông cầu xin Chúa gửi lửa đến thiêu rụi của lễ. Và ngọn lửa đã đến. Êlia là ngôn sứ của sự chiêm niệm và quen thuộc với điều vô hình.
Sợ phải cho đi hoàn toàn
Đó là nỗi sợ có liên quan và hợp lý với đức tin của một con người. Chúng ta muốn tin đôi chút, đến một mức độ nào thôi, nhưng không quá nhiều. Chúng ta muốn giữ lại một phần nào đó. Tuy nhiên, không có gì mâu thuẫn hơn là tin mà giữ lại một phần nào đó, bởi vì đức tin thì tuyệt đối không có mức độ. Cách chữa của Thánh Phanxicô Assisi:
Ngài hiểu Tin mừng theo mặt chữ. Ngài không thêm gì trong phần chú thích ở cuối trang: Ngài không diễn giải, Ngài đi tới cùng. Đứng trước thánh giá của San Damiano, Ngài nghe thấy những lời của Chúa Giêsu nói với Ngài: "Hãy đi xây dựng lại Giáo Hội của Ta". Ngài trèo lên mái nhà và bắt đầu sửa chữa mái nhà. Tuy nhiên, sau này khi Ngài thấy rằng việc xây dựng Giáo hội không có nghĩa là sửa chữa mái của một tòa nhà, mà vấn đề là xây dựng lại toàn bộ Giáo hội, sau đó Ngài đã thành lập dòng khất sĩ của mình.
Sợ phải sống bác ái trọn vẹn
Ngay khi chúng ta dấn thân vào con đường phục vụ người khác, người khác sẽ ăn thịt chúng ta. Vì sợ bị ăn thịt, chúng ta đặt ra những giới hạn nhất định: chúng ta yêu mến Thiên Chúa và con người, nhưng đến một mức nào đó, không hết lòng... Cách chữa trị của Cha Kolbe: Cha là một bác sĩ đích thực cho căn bệnh này. Ngài đứng xếp hàng cùng các tù nhân trong trại Auschwitz. Khi tên cảnh sát nói: “Chúng tôi sẽ hành quyết người kia,” và chỉ tay vào một người đàn ông trong hàng, và người đàn ông đó bắt đầu khóc lóc vì ông ta là một người có gia đình, Cha Kolbe thế chỗ. Ngài vào boongke và hy sinh chết thay cho người bạn đồng hành bất hạnh của mình. Ngài đã không dừng lại nửa chừng trong việc sống tình bác ái.
Sợ làm theo Lời Chúa
Thường khi đọc Kinh Thánh, chúng ta chiêm ngưỡng Lời Chúa từ xa: “Thật là đẹp đẽ, nhưng không thể thực hành được”. Tóm lại, chúng ta sợ hiểu Lời Chúa theo mặt chữ. Biện pháp khắc phục của Edith Stein: Edith Stein, người Do Thái, đã vượt qua một ngưỡng cửa khó khăn. Cô ấy đã vượt ra ngoài tôn giáo của cha ông mình, điều mà cô ấy rất gắn bó. Cô nhận ra rằng Giao Ước Thứ Nhất đã được ứng nghiệm trong Tân Ước cùng với Chúa Giêsu. Điều đó đòi hỏi một thứ suy nghĩ khôn nguôi. Đức tin vào Lời Chúa Giêsu và sự mới mẻ của đức tin không phải là điều dễ dàng đối với một người phụ nữ Do Thái, nhưng cô không sợ Tin Mừng được hiểu theo nghĩa đen.
Sợ sự đơn giản của các nghi thức và các bí tích
Các bí tích vô cùng đơn giản. Hơn nữa, các tác động cùa bí tích không quan sát được. Kết quả của các bi tích là không thể kiểm chứng: hiệu quả đó được gọi là ân sủng. Tuy nhiên, trong thời đại chuộng hiệu quả, chúng ta sợ rằng những nghi thức này chỉ là những cử chỉ tượng trưng đơn thuần. Cách chữa trị của Cha xứ Ars: ngài không bao giờ giảng thuyết một cách lạ thường. Đơn giản là ngài chỉ đọc một văn bản được viết trước. Thật ra, không nên tìm kiếm nơi ngài những lời nói, mà là tìm kiếm các bí tích... Ngài chỉ làm điều này thôi: cử hành Thánh Lễ và giải tội từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya. Một ngày nọ, ngài muốn trốn khỏi Ars vì đã chịu đựng quá đủ. Nhưng ngài tự nhủ: “Không được! Mình phải quay lại thôi, vì nếu tôi rời bỏ giáo xứ, bí tích sẽ mất, Thiên Chúa cũng đi mất”.
Sợ sự dễ đổ vỡ trong lòng
Đó là nỗi sợ hãi về sự dễ đổ vỡ của nội tâm và của đạo đức của chính chúng ta. Đó là một sự bất lực nào đó, một tiếng nói nho nhỏ gợi ý rằng: “Tôi không có khả năng trở thành một vị thánh.” Cách chữa trị của Thánh Têrêsa thành Lisieux: khi ở trong nhà dòng Cát Minh thành Lisieux, Thánh Têrêsa nghe kể chuyện các thánh tử đạo, thánh nữ đã tự nhủ: “Tôi không bao giờ làm được điều đó. Không thể được!”. Và chính lúc đó chị kết thúc suy tư của mình: “Không phải tôi tự mình làm điều này; tôi phải để choChúa làm việc nơi tôi. Tôi càng yếu đuối, Chúa càng yêu tôi. Dù tôi có phạm mọi tội lỗi của thế gian, Ngài cũng sẽ yêu tôi nhiều hơn nữa”. Con đường nhỏ bé của Thánh Têrêsa thành Lisieux là liều thuốc duy nhất chống lại nỗi sợ hãi về sự dễ đổ vỡ của chúng ta. Thánh nữ biết làm thế nào để có được lòng tin.
Sợ yêu mến Giáo hội
Nỗi sợ yêu mến Giáo hội, có lẽ là nỗi sợ quan trọng và dễ thấy nhất hiện nay. Nhiều người tách mình ra khỏi Giáo hội khi nói rằng “Tôi ủng hộ Chúa Kitô nhưng không ủng hộ Giáo hội”. Cách chữa trị của Thánh Catarina thành Siena: là một cô gái giản dị quê mùa ở miền bắc nước Ý, Catarina hầu như không biết đọc và viết, nhưng cô có một tình yêu vô song đối với Giáo hội. Trong những bức thư của mình, cô nói thẳng thắn một cách kịch liệt với Đức Giáo Hoàng - lúc đó đã rời bỏ Rôma. Catarina đã viết cho Đức Giáo Hoàng một số lá thư, nói với Đức Giáo Hoàng: “Chỗ của Ngài không phải ở Avignon, chỗ của Ngài là ở Rôma”. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng trở lại Rôma. Trong những tháng cuối đời, Catarina đến cầu nguyện mỗi ngày trên bậc thềm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Sợ nói và nói thẳng thắn
Giống như các tông đồ thúc thủ trong Nhà Tiệc Ly trước Lễ Hiện Xuống, chúng ta cũng sống trong sự chờ đợi và do dự, tự nhủ: “Tôi sẽ nói, khi nào họ muốn lắng nghe…” Điều chúng ta thiếu, đó là parrèsia của Thánh Phaolô, tức là nói thẳng ra, điều này mở miệng lưỡi chúng ta ra, làm cho chúng ta dám loan báo đức tin. Cách chữa trị của Thánh Phaolô: ngài không ngại nói. Trên hết, ông không sợ bị từ chối. Khi người ta không đồng ý hoặc không trả lời, ngài xách túi của mình lên, ngài đi đến một thành phố khác và lại bắt đầu nói. Không có một cha sở nào, một linh mục coi xứ nào thay đổi giáo xứ thường xuyên như Thánh Phaolô. Không phải vì giám mục của ngài bổ nhiệm ngài đi nơi khác, mà vì ngài bị đuổi đi.
Sợ tuyên xưng đức tin “công khai”
Chúng ta sợ đức tin để lại hậu quả, tác động đến cuộc sống hằng ngày. Khi đức tin ngày càng bị đẩy xuống lãnh vực đời sống riêng tư. Chúng ta không nói về đức tin. Cách chữa trị của Thánh Thomas More: Thánh bổn mạng của các chính trị gia và các nguyên thủ quốc gia, ngài không ngại thể hiện đức tin của mình trước mặt nhà Vua nước Anh. Ngài đã phải trả giá bằng mạng sống của mình! Chẳng phải ngài đã nói điều sau đây: “Khi người ta tin, khi người ta là Kitô hữu, không phải bất luận thứ luật lệ nào người ta cũng phải tuân theo. Luật pháp cho rằng chính nó là tự trị, nhưng điều đó không đúng. Luật bất công không phải là luật.”
Sợ lựa chọn và quyết định
Chúng ta vô cùng sợ hãi bước đi, lựa chọn, quyết định... Chúng ta chần chừ mãi vì “bạn không bao giờ biết được chuyện gì xẩy ra!” Tại sao? Để không mất mạng sống. Thế mà Chúa Giêsu lại nói, “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Cách chữa trị của Thánh Charles de Foucauld: Trong nhiều năm, ngài đã do dự trở thành một Kitô hữu cho đến ngày, tại nhà thờ Thánh Augustinô, ở Paris, Cha Huvelin nói với ngài: “Ông do dự như vậy là đủ rồi, hãy quỳ xuống và tuyên xưng đi.” Và Charles đã hoán cải. Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng phải hối thúc mọi người như vậy. Để làm điều đó, bạn cần phải là Cha Huvelin. Nhưng điều quan trọng: tại một thời điểm nhất định, Charles đã vượt qua sự do dự thường xuyên của mình, một sự nghi ngờ mà ngài cũng như chúng ta vẫn thường gặp.
Tác giả: Marzena Devoud, fr.aleteia
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.