SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN – B

02-11-2024 654 lượt xem

Lời Chúa: Đnl 6, 2-6; Dt 7, 23-28; Mc 12, 28b-34

Click vào mục lục xem bài

“SỐNG TÌNH YÊU THUẦN KHIẾT” - + ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

HỌC HỎI PHÚC ÂM – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

CHỨC NĂNG TƯ TẾ – ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

BÍ QUYẾT ĐỂ SỐNG LÂU – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI, HAI TRONG MỘT – Phêrô Phạm Văn Trung

ĐIỀU CẦN NHẤT: ĐÓ LÀ YÊU – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

ĐỪNG ĐẨY CHÚA VÀO MỘT GÓC TRONG TRÁI TIM – Bông hồng nhỏ

ĐƯỢC YÊU ĐÃ LÀ HẠNH PHÚC NHƯNG YÊU LẠI CÀNG HẠNH PHÚC – Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

TÌNH YÊU: ALPHA VÀ OMÊGA CỦA CUỘC SỐNG – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

“SỐNG TÌNH YÊU THUẦN KHIẾT”

+ ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA (Mc 12,28b-34)

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc Mc 11,27 – 12,37. Trong phần trên, có mấy cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo? Tìm một điểm chung giữa các cuộc tranh luận trên đây.

2. Đọc Mc 2,6.16; 3,22; 7,5; 8,31; 10,33; 11,18.27-28; 14,1.43.53; 15,1.31. Bạn thấy khuôn mặt các kinh sư trong những câu trên đây có khác với khuôn mặt của ông kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay không?

3. Đọc Mc 12,28. Bạn nghĩ ông kinh sư này có thật sự muốn gặp Đức Giêsu để học hỏi không? Tại sao ông lại hỏi Đức Giêsu về điều răn đứng hàng đầu?

4. Đọc Mc 12,29-30. Câu trả lời của Đức Giêsu trích trong sách nào? Đối với người Do-thái, câu trích dẫn này có gì đặc biệt không?

5. Đọc Mc 12,30. Bạn thấy thực hành điều răn này có khó không?

6. Đọc Mc 12,31. Ông kinh sư có hỏi Đức Giêsu về điều răn thứ hai không? Đức Giêsu lấy điều răn thứ hai từ sách nào trong Cựu Ước? Thực hành điều răn thứ hai có khó không?

7. Đọc Mc 12,31. Đức Giêsu hiểu người thân cận là ai? Đọc Mt 5,43-44; Lc 6,27.35; 10,29-37.

8. Điều răn thứ nhất và thứ hai có gì giống nhau và khác nhau? Hai điều răn này có giống với Mười Điều Răn không? Đọc Xh 20,1-17.

CÂU HỎI SUY NIỆM

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến.” Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Trong Mc 11,27 – 12,37 có 6 cuộc tranh luận xảy ra ở trong Đền thờ Giêrusalem, giữa Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Do-thái, xảy ra vào tuần cuối trước cuộc Khổ Nạn. Sáu cuộc tranh luận gồm: tranh luận về quyền đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ (Mc 11,27-33), về dụ ngôn tá điền sát nhân (Mc 12,1-12), về chuyện nộp thuế cho Xê-da (Mc 12,13-17), về chuyện người chết sống lại (Mc 12,18-27), về chuyện điều răn nào đứng hàng đầu (Mc 12,28-34), và về chuyện Đức Kitô là ai (Mc 12,35-37). Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 12,28-34) ít có tính tranh luận hơn 5 cuộc tranh luận kia. Có một điểm chung giữa 6 cuộc tranh luận trên đây, đó là Đức Giêsu luôn là người khôn ngoan hơn và vượt trội hơn khi tranh luận với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục, cũng như với những người thuộc các phái Pharisêu, Hêrôđê và Xa-đốc.

2. Trong Tin Mừng Mác-cô, ta thấy các kinh sư xuất hiện nhiều lần. Cùng với các thượng tế và kỳ mục, các kinh sư thường được mô tả như những người hay vặn hỏi Đức Giêsu (Mc 2,6.16; 7,5; 11,27-28). Họ coi Ngài là người bị quỷ vương ám và dựa vào quỷ vương mà trừ quỷ (Mc 3,22). Tệ hơn nữa, họ tìm cách giết Ngài (Mc 10,33; 11,18). Cuối cùng họ sẽ là những người cùng chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài (Mc 8,31; 14,1.43.53; 15,1.31). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, ông kinh sư lại là một người có thiện cảm với Đức Giêsu. Ông thật lòng đến gặp Ngài để hỏi một điều quan trọng làm ông bận tâm.

3. Dựa trên Mc 12,28 ta thấy ông kinh sư này bị lôi cuốn bởi câu trả lời của Đức Giêsu cho nhóm Xa-đốc về chuyện kẻ chết sống lại (Mc 12,18-27). Đối với ông, Đức Giêsu đã trả lời một cách thuyết phục, nên ông muốn hỏi Ngài xem đâu là “điều răn hàng đầu.” Đây là mối bận tâm thật sự của ông, vì theo các kinh sư, ngoài Luật được viết trong bộ Ngũ Thư, người Do-thái còn phải giữ thêm 248 điều phải làm và tránh 365 điều cấm. Giữa một rừng những điều phải làm và cấm làm như thế, câu hỏi của ông kinh sư là điều hiểu được. Ông muốn biết “điều răn hàng đầu” nghĩa là điều răn quan trọng nhất, điều răn cốt lõi của những điều răn khác.

4. Phần đầu câu trả lời của Đức Giêsu cho ông kinh sư (Mc 12,29-30) được trích trong sách Đệ nhị luật 6,4-5. Vào khoảng thế kỷ thứ hai trước công nguyên, câu trích này đã trở thành câu đầu tiên của kinh Shema mà người Do-thái phải đọc mỗi ngày hai lần, lúc đi ngủ và thức dậy (Đnl 6,7). Tuy nhiên, Mác-cô 12,30 có khác chút ít với Đệ nhị luật 6,5, vì đã thêm vào cụm từ “hết trí khôn ngươi.”

5. Mc 12,30 là điều răn thứ nhất, vượt trên các điều răn khác. Điều răn này đòi dân Ítraen phải yêu mến Thiên Chúa “với tất cả trái tim của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi, với tất cả trí khôn của ngươi, và với tất cả sức lực của ngươi” (bản dịch sát). Để ý bốn từ tất cả. Như thế Thiên Chúa đòi ta yêu Ngài với trọn vẹn con người của mình, và để Ngài chi phối mọi hoạt động của mình. Yêu như thế không dễ, vì ta phải đặt Ngài lên trên mọi sự, và phải để Ngài chiếm trọn con người mình. Chỉ mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng muôn loài và là Đấng Cứu Độ dân Ítraen khỏi tay người Ai-cập, mới có thể đòi hỏi dân Ngài như thế. Hôm nay, Đức Giêsu vẫn nói với các Kitô hữu về điều răn thứ nhất này, và vẫn đòi chúng ta giữ điều răn ấy.

6. Ông kinh sư chỉ hỏi Đức Giêsu về điều răn đứng đầu các điều răn khác, nhưng Ngài lại nói thêm về điều răn thứ hai, bằng cách trích dẫn sách Lê-vi 19,18b: “Người phải yêu mến người thân cận như chính mình.” Điều răn thứ hai cũng không dễ thực hành. Để có thể “thương người như thể thương thân,” ta phải coi người khác có phẩm giá như chính mình, có niềm vui nỗi buồn như mình, có nhu cầu và ước mơ như mình. Từ đó ta tôn trọng họ và dám chia sẻ chính mình cho họ.

7. Vào thời Đức Giêsu, người thân cận thường được hiểu là người có cùng tôn giáo, cùng quốc tịch như mình. Nếu hiểu như thế thì Dân Ngoại không phải là người thân cận. Qua dụ ngôn người Samari nhân hậu, Đức Giêsu đã mở rộng ý niệm về người thân cận: bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của tôi, sẽ trở thành người thân cận với tôi, nếu tôi cúi xuống giúp họ (Lc 10,29-37). Hơn nữa, Ngài còn mời chúng ta yêu cả kẻ thù của mình nữa để trở nên con cái Cha trên trời (Mt 5,43-44; Lc 6,27.35). Như thế cả kẻ thù cũng có thể trở nên người thân cận, vì được tôi yêu.

8. Điều răn thứ nhất và thứ hai (Mc 12,29-31) giống nhau vì có chung động từ yêu mến, nhưng khác nhau vì một bên có đối tượng là Thiên Chúa, một bên là tha nhân. Thiên Chúa là Tạo Hóa, tha nhân chỉ là thụ tạo, nên tình yêu đối với mỗi bên cũng có những đòi hỏi ở mức độ khác nhau. Chúng ta không yêu tha nhân một cách vô điều kiện và tuyệt đối như yêu Thiên Chúa, nhưng yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình. Vậy yêu bản thân mình cũng là một đòi buộc phải giữ. Có thể nói, hai điều răn Đức Giêsu đưa ra ở đây tương ứng với Mười Điều Răn trong sách Xuất Hành, gồm phần về Thiên Chúa (Xh 20,3-11) và phần về tha nhân (Xh 20,12-17). mục lục.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

CHỨC NĂNG TƯ TẾ

Công đồng Vatican khẳng định: nhờ bí tích Thánh tẩy, người tín hữu giáo dân cũng được ban chức năng tư tế. Những tín hữu được truyền chức linh mục, là những “tư tế thừa tác”; còn những tín hữu giáo dân là “chức tư tế cộng đồng” (x. Hiến chế Giáo Hội trong thế giới hôm nay, số 10 và 11). Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo viết như sau: “Toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Ki-tô là Tư tế, Tiên tri và Vương đế” (số 1546).

Theo lời trích dẫn trên đây, người tín hữu có chức tư tế là nhờ được tháp nhập vào Đức Ki-tô. Người là vị Thượng Tế của Giao ước mới. Thư gửi tín hữu Híp-ri là một khảo luận về chức tư tế của Đức Giê-su. Người là vị Thượng tế tối cao, vượt trên chức tư tế của Cựu ước. Người đã dâng chính bản thân mình làm của lễ lên Chúa Cha để xin ơn tha tội cho loài người. Hôm nay, trên khắp thế giới, mỗi khi có linh mục dâng thánh lễ, là hy tế thập giá được trở nên hiện-tại-hóa. Nói cách khác dễ hiểu hơn, thánh lễ chúng ta dâng cũng chính là hy lễ thập giá Chúa Giê-su đã cử hành cách đây hai ngàn năm. Thánh lễ không phải sự nhắc lại như người ta diễn kịch, nhưng là chính Chúa Giê-su đang hiến tế qua linh mục dâng lễ.

Người giáo dân có chức tư tế để làm gì? thưa để thánh hóa bản thân. Với chức năng tư tế, chúng ta làm cho cuộc đời mình trở thành của lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa, hợp với của hy tế của Đức Giê-su. Thi hành chức năng tư tế là nỗ lực nên thánh và giúp những người khác nên thánh theo lời giáo huấn của Chúa Giê-su. Ý thức về chức năng tư tế sẽ giúp chúng ta tham dự thánh lễ sốt sắng và hiệu quả hơn, vì chúng ta đang “cử hành” cùng với vị chủ tế hy lễ thập giá, ở chức bậc và ơn gọi riêng của mình.

Nên thánh, hay nên hoàn thiện là lời mời gọi trải dài trong Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân ước. Bài đọc I hôm nay là lời mời gọi nên thánh đến từ Thiên Chúa. Đây là lời kinh thuộc lòng của mọi người Do Thái. “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en…”, lời kinh này đi theo mỗi tín hữu Do Thái trên mọi nẻo đường. Lời kinh ấy gắn liền với môi miệng, xuyên suốt thời gian và không gian, trong bất cứ hoạt động nào của cuộc sống. Lý do và nền tảng của lời mời gọi nên thánh là vì Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh và là Đức Chúa Duy Nhất.

Chúa Giê-su đã lặp lại những lời kêu gọi này trong giáo huấn của Người. Cùng với lời kinh truyền thống, Người đã nối liền lòng tôn thờ Thiên Chúa với đức ái đối với tha nhân. Một người kinh sư đến gặp Chúa Giê-su. Ông là người tri thức. Dựa vào những gì ông nói, thì ông cũng là người chu toàn lề luật. Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giê-su và ông kinh sư nêu bật những đòi buộc của Do Thái giáo và cũng là của Ki-tô giáo. Mến Chúa mà không yêu người, đó là lòng yêu mến trống rỗng; yêu người mà không mến Chúa, đó không phải là lòng yêu mến siêu nhiên. Mến Chúa sẽ làm cho yêu người chân thật và ý nghĩa hơn; yêu người sẽ làm cụ thể hóa lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa. Mến Chúa và yêu người như hai mặt của một tấm huy chương, không thể tách rời. Đây là cốt lõi của Ki-tô giáo.

Thông thường, đa số người tín hữu giáo dân chưa ý thức được chức năng tư tế của mình trong cộng đoàn và trong đời sống xã hội. Chức năng tư tế giúp chúng ta đạt được lý tưởng cao cả là sự thánh thiện. Quả vậy khi ý thức mọi việc mình làm, mọi âu lo trăn trở và vui mừng hân hoan mình gặp trong cuộc sống đều có thể dâng lên Thiên Chúa cùng với hy lễ của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ nỗ lực và cố gắng hơn trong hành trình nên thánh. Thánh Phao-lô đã viết cho giáo dân Rô-ma như sau: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Như thế, thi hành chức năng tư tế, cùng với chúc năng ngôn sứ, sẽ mang lại nhiều hiệu quả truyền giáo cụ thể. Một khi chúng ta chuyên tâm tuân giữ giáo huấn của Chúa, những người không cùng tôn giáo sẽ nhận ra chúng ta là con của Cha trên trời.

“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Cách diễn tả này cho thấy lòng yêu mến Chúa luôn phải là một ưu tiên đặc biệt, để rồi trọn vẹn đời sống của Ki-tô hữu đều hướng về Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Người đã vâng lời và tôn vinh Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh, kể cả đau khổ và thập giá. Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta tìm thấy hạnh phúc và bình an khi chuyên tâm thực thi lời Người dạy, Amen. mục lục.

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

BÍ QUYẾT ĐỂ SỐNG LÂU

Ước muốn sống lâu, sống hạnh phúc khang an trên mặt đất này là ước muốn của mọi người. Vậy đâu là bí quyết?

Hãy tuân giữ huấn lệnh và giới răn Chúa

“Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây…” Biểu thức này thường được lặp đi lặp lại trong sách Đệ Nhị Luật. Kinh nguyện hằng ngày của người Do thái bắt đầu với lời mời gọi này: “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en”, được mượn ở Đnl 6, 4-9.

Ông Mô-sê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài” (Đnl 6, 2). Việc tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa là vấn đề sống còn đối với dân Ít-ra-en. Để chẳng những được sống, mà còn sống lâu dài thì ông Mô-sê truyền cho dân chúng phải tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Chúa. Tuân giữ chẳng những một thời gian, nhưng phải hàng ngày. Điều mà bản văn Đệ Nhị Luật nhắm đến là cuộc sống của dân Ít-ra-en với tư cách dân Giao Ước. Không tuân giữ Lề Luật đồng nghĩa với việc vi phạm Giao Ước, tức là đánh mất những phúc lộc mà Thiên Chúa hứa ban. Vì thế, tiếp liền ngay sau những lời này là: “Như vậy, anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, là Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em”. Việc thực hành các huấn lệnh gắn liền với niềm xác tín rằng Thiên Chúa đảm bảo cho họ một cuộc sống trường thọ và thịnh vượng, họ sẽ “được phần phúc và sinh sản ra nhiều” (Đnl 6, ). Để có được như thế, họ phải yêu mến Chúa hết lòng.

Yêu mến Chúa hết lòng

Để được sống lâu dài, Mô-sê đã truyền cho dân chúng phải tuân giữ huấn lệnh và các giới răn của Chúa, trong đó có yêu mến Chúa hết lòng. Đến lượt Chúa Giê-su, Người cũng chỉ cho nhóm luật sĩ phải: “Yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi.” (x.Mc 12, 28-34). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.

Chúa cũng mời họ tuân giữ giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22, 39). Luật này trích ở sách Lê-vi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi “yêu mến là chu toàn cả Lề luật” (Rm 13, 10).

Yêu tha nhân như chính mình

Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không? Thưa: Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Nên khi truyền dạy “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình”, Chúa Giê-su như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu “kẻ khác” hay không? Chúa Giê-su xem tình yêu “kẻ khác” như “mệnh lệnh của Người,” mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. “Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Ki-tô giáo với luật yêu người.

Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì “tha nhân” là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18).  Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giê-su bảo người thông luật “hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi“, Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào? “Yêu như chính mình ngươi”.

“Như chính mình” Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen. mục lục.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI, HAI TRONG MỘT

Những ngày đầu tháng mười một, tháng cầu cho những người đã qua đời, là thời gian thích hợp để mọi tín hữu tập trung nhiều hơn vào nội tâm của mình, tự hỏi những câu hỏi căn bản của cuộc sống đời này và tìm kiếm câu trả lời từ Chúa Kitô. Đôi khi chúng ta quên mất mục đích sống của mình. Điều quan trọng bây giờ là phải quay trở lại, đặt mọi thứ về đúng nơi của chúng. Đây là lý do tại sao câu trả lời của Chúa Giêsu cho vị kinh sư là điều cần thiết đối với chúng ta. Đời sống Kitô hữu chỉ có một điều: “Điều răn đứng đầu là: …Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12:29-31). Yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu thương người lân cận và tình yêu dành cho người lân cận không thể tách rời khỏi tình yêu dành cho Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa là nguồn sức mạnh cho mọi hành động yêu thương

Chúng ta thường bị cám dỗ tách rời hai điều này. Thật vậy, chúng ta thường bị cám dỗ tin rằng chúng ta có thể yêu thương mà không cần đến Thiên Chúa, rằng chỉ cần tử tế, quảng đại với người khác là đủ, v..v... Chúng ta muốn sống một thứ tình yêu không có Thiên Chúa, tách rời khỏi Ngài. Đó là lý do tại sao có những Kitô hữu không dành thời gian để cầu nguyện, để suy niệm lời Chúa, dự lễ ngày Chúa nhật, xưng tội… Chúng ta tự bào chữa cho mình bằng cách nói rằng chúng ta đang làm những việc tốt lành, rằng chúng ta rất quảng đại, phục vụ hàng xóm của mình, tham gia những chuyến thăm từ thiện.

Nhưng liệu nếu chúng ta không múc lấy sức mạnh từ nguồn mạch là chính Thiên Chúa thì chúng ta có thể phục vụ người lân cận bằng cả trái tim, yêu thương họ như chính mình và như Chúa yêu họ không? Liệu lòng quảng đại của chúng ta có còn sức lực không khi những người được chúng ta giúp đỡ tỏ ra vô ơn? Liệu chúng ta có còn sức mạnh để yêu thương và phục vụ những người ghét chúng ta, những kẻ hủy hoại con cái, cha mẹ, gia đình và xã hội của chúng ta không? Liệu chúng ta còn có thể cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta, thật lòng mong cho họ có được những điều tốt đẹp nhất không? Nếu chúng ta không gắn kết với Thiên Chúa, nếu lời Ngài không đổi mới và tăng sức cho chúng ta mỗi ngày, làm sao chúng ta có thể mở lòng ra làm điều tốt lành cho những người chống đối chúng ta, thậm chí không xứng đáng vì đã làm hại chúng ta?

Nguồn mạch duy nhất của tình yêu và sự sống đích thực là Thiên Chúa, như bài đọc thứ nhất nhắc nhở: “Nghe đây, hỡi Israel! Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng” (Đnl 6:4-6). Chính Ngài là Đấng tiếp thêm sức mạnh cho những người vợ / chồng có thể chịu đựng và tiếp tục yêu thương, phục vụ người bạn đời chưa đủ tận tụy chung thủy, quan tâm đến hạnh phúc của gia đình, của con cái, vì: “Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; Thiên Chúa con thờ là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 18:3). Chính nơi Thiên Chúa, những người lao động tìm thấy sức mạnh để làm tốt công việc của mình dù lương chưa cao, dù tất cả những đồng nghiệp khác đều nản lòng. Người chủ xí nghiệp nào thấm nhuần Lời Chúa: “Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Ngài ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6: 8-9) thì sẽ trân trọng công sức công nhân viên của mình, đối xử công bằng với họ. Nếu chúng ta rời xa Thiên Chúa thì có nguy cơ tiền bạc, quyền lực, và thú vui ích kỷ trở thành nguồn cơn khiến chúng ta áp bức, bắt những người khác làm nô lệ phục vụ chúng ta. Chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn sức mạnh vô tận để hiến thân vì người khác: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho những người mình yêu” (Ga 15:13). Đấng tuyên bố như vậy đã tự mình tiến về Cuộc Khổ Nạn của Ngài và, vì vâng phục Chúa Cha, Ngài đã hiến mạng sống mình trên Thập Giá cho tất cả mọi người: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2:6-11). Chỉ khi nào tiếp xúc trực tiếp với tình yêu của Chúa Kitô, hiệp thông với cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, thì người ta mới kín múc được khả năng yêu thương như Chúa Kitô để sống yêu thương, hiến thân và phục vụ đến mức độ bác ái tột cùng: “Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” ( Ga 13:1).

Vì vậy, chúng ta hãy đi tìm gặp Thiên Chúa, xây đắp mối tương quan bền chặt với Thiên Chúa. Ngài cần phải là đá tảng cho cuộc sống chúng ta tựa vào. Suy ngẫm Lời Ngài mỗi ngày, coi đó là kim chỉ nam, giúp chúng ta có được sức mạnh để yêu thương và phục vụ mọi người như Chúa Giêsu.

2. Yêu những người khác vì Chúa cũng yêu họ như yêu chúng ta

Yêu Chúa và yêu người khác! Không thể tách rời hai điếu đó. Chúng ta không thể yêu Chúa nhưng lại ghét người khác, cãi vã với họ, từ chối biểu lộ tình thân với họ. Tin yêu Thiên Chúa phải dẫn đến sự sống kết hiệp với Ngài. Điều này không thể chỉ đơn giản là đọc những bài kinh có sẵn hoặc “đi xem lễ” ngày Chủ nhật chỉ “cho phải phép”. Phải xem đến những hành động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là sống theo lời Ngài, là áp dụng các điều răn của Ngài vào cuộc sống của chúng ta, và điều đó có nghĩa là sống tôn trọng người khác. Đây là quy luật vàng của mọi đời sống Kitô hữu. Chính Chúa Giêsu công bố quy luật đó: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12: 29-30).

Nhưng chúng ta hiểu điều răn này của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có biết yêu mến Thiên Chúa nơi người khác không, vì: “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12:31). Trong xã hội ngày nay của chúng ta, nơi sự tiêu dùng và hưởng thụ là chuẩn mực, nơi người ta coi “sở hữu mọi thứ” là một đẳng cấp, nơi người ta cố đạt được thành công, thu nhập tiền của càng nhiều càng tốt bằng bất cứ cách nào, hoặc theo đuổi mọi thú vui cá nhân mà không cần quan tâm đến người nào khác, ngay cả sẵn sàng quên đi một vài trách nhiệm cộng đồng đơn giản. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đọc lại cuộc đời mình dưới ánh sáng của tình yêu đích thực mà chúng ta cần phải dành cho Thiên Chúa và cho người khác. Thiên Chúa sẽ thay đổi chúng ta trong tình yêu chúng ta dành cho nhau. Chúng ta có thể yêu người lân cận hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có yêu Chúa hay không. Mối tương quan của chúng ta với người lân cận có thể được đổi mới hoặc biến đổi nhờ tình yêu của Thiên Chúa.

Khi chúng ta nhìn vào những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, cách nhìn của chúng ta về bản thân và những người chung quanh được đổi mới. Lời Chúa cho thấy rằng chúng ta đã nhiều lần quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng mỗi lần như vậy Thiên Chúa lại đề nghị chúng ta quay lại trong tình yêu của Ngài. Thiên Chúa không yêu thương chỉ với những lời nói có cánh mà không có hành động kèm theo. Con Thiên Chúa trở thành con người, hiến mạng sống cho chúng ta trong cái chết và sự phục sinh, đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho nhân loại, trở nên vị tư tế chuyển cầu cho những ai đáp lại lời mời gọi của Ngài. Bài đọc thứ hai hôm nay khẳng định: “Còn Chúa Giêsu, chính vì Ngài hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Ngài tồn tại mãi mãi. Do đó, Ngài có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Ngài mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Hípri 7: 24-25). Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu, và chúng ta hãy nhìn vào người lân cận của chúng ta dưới ánh sáng tình yêu này của Thiên Chúa.

Vì vậy, khi chúng ta nhìn vào người đang ở trước mặt chúng ta, ví dụ người hàng xóm của chúng ta, chúng ta có thấy đó là người mà Con Thiên Chúa đã hiến mạng sống vì người đó không? Dù cá nhân chúng ta nghĩ gì về người đó, nhưng nếu chúng ta nghĩ đến cái giá lớn lao mà Chúa Giêsu đã trả để cứu người ấy, chúng ta sẽ có khả năng xem lại sự phán xét thiếu căn cứ của mình.

Đây là mối liên kết giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu những người lân cận. Làm sao chúng ta có thể không yêu những người mà Chúa yêu, mà Chúa biết người ấy rõ hơn chúng ta biết? Nhà điêu khắc Michelangelo được cho là đã nhìn thấy bức tượng Pietà trong khối đá cẩm thạch sần sùi. Thiên Chúa còn thấy rõ ràng hơn vẻ xinh đẹp trong những người mà chúng ta coi như những tảng đá thô kệch. Chúng ta chỉ có được đôi mắt của Ngài khi chúng ta được tình yêu của Ngài biến đổi. Khi không yêu thương người lân cận, chúng ta như nói với Chúa Kitô hy sinh chết trên thập giá rằng người ấy không đáng để Chúa cứu độ.

Người ta không cần phải là một Kitô hữu mới có thể yêu thương. Tất nhiên rồi, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa, qua con người cụ thể của Chúa Giêsu, giúp chúng ta nhận ra những con người quá bất toàn chung quanh chúng ta, không có gì đáng yêu, ngay cả kẻ thù của ta, đều do Chúa dựng nên, mà vì yêu thương Ngài đã chết cho họ, không khác gì Ngài đã chết cho chúng ta. Chính tình yêu vô cùng tận này đã thay đổi mối tương quan của chúng ta với Chúa và với những người chung quanh! Và tình yêu đó biến đổi các mối tương quan của chúng ta đến mức chúng ta muốn chia sẻ sự biến đổi này của mình nhờ Chúa Kitô: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Hípri 7: 26). mục lục.

Phêrô Phạm Văn Trung

ĐIỀU CẦN NHẤT: ĐÓ LÀ YÊU

Hôm nay, chúng ta nghe nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và vị kinh sư. Ông này dường như có thiện cảm với Chúa hơn các kinh sư khác, cho nên câu chuyện hôm nay không căng thẳng như các câu chuyện khác. Một câu chuyện có hậu, một cuộc gặp gỡ duy nhất trong đó ông kinh sư đã đồng ý với quan điểm của Đức Giê-su. Kết quả câu chuyện là vị kinh sư đã công khai ca ngợi về những gì Đức Giê-su đã nói.

Trước hết, ông biết danh tiếng và sự khôn ngoan của Người qua các cuộc tranh luận với các nhóm khác, cụ thể là những người thuộc nhóm Xa-đốc. Vì thế, hôm nay với bổn phận của một người chuyên môn nghiên cứu, ông đã đến gặp Đức Giê-su để tìm hiểu và đào sâu giáo lý nên đã hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu.” Đây là một câu hỏi quan trọng mà ông cần biết để giảng dậy cho dân tuân theo mà sống.

Thật ra, không có gì mới lạ trong việc ông tìm hiểu. Các kinh sư đã tìm tòi và nghiên cứu các khoản luật trong Cựu Ước để tìm ra điều quan trọng nhất. Họ biết tất cả mọi khoản luật đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn họ tuân giữ giới luật để mãi mãi là đàn chiên thuộc về Người.

Ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn cho họ biết rằng tình yêu là nền tảng của mọi sự. Và trong trình thuật hôm nay, khi trả lời câu hỏi của kinh sư, Đức Giê-su đã nhắc lại khoản luật quan trọng trong Cựu Ước mà những người dân Ít-ra-en đã được dậy bảo ngay từ thủa bé, đó là “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." Như vậy, Tình Yêu là phương châm, là sức mạnh, là nền tảng, là ý định và là phương tiện để con người sống theo đúng tinh thần mà Thiên Chúa truyền ban.

Trong phần đáp trả, Đức Giê-su không chỉ nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Tình yêu là yếu tố chính, là nền tảng xây dựng lên các khoản luật, mà Người còn đem đến một điều mới, không có trong truyền thống Cựu Ước, là việc nối kết hai khoản luật lại với nhau. Người khẳng định rất rõ rằng không có điều răn nào khác và lớn hơn hai điều răn đó. Như vậy, Yêu mến Chúa dẫn chúng ta đến chỗ yêu nhau.

Thật vậy, đó không chỉ là giáo huấn của Chúa mà còn là con đường của Đức Giê-su nữa. Và Người cũng muốn cho những kẻ theo Người sống theo con đường yêu thương đó. Đạo là như thế, là các nẻo yêu thương phát sinh và hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Đó là căn nguyên, là nền tảng để chúng ta sống đạo.

Trước khi yêu Chúa, việc đầu tiên chúng ta cần nhận ra có một Thiên Chúa duy nhất. Người là đối tượng để chúng ta yêu, chứ không có một thần tượng nào khác ngoài Người ra. Một khi đã nhận Người là Thiên Chúa duy nhất là lúc chúng ta đầu phục Người.

Bước kế tiếp là yêu Chúa. Tình yêu Chúa trong ta và tình của ta dành cho Chúa là động lực thúc đẩy chúng ta yêu tha nhân. Chỉ có ai cắm rễ sâu trong Tình yêu của Chúa thì mối tình của người đó dành cho tha nhân mới bền lâu; bằng không cũng chỉ là những cảm xúc nhân loại, nhất thời và chóng qua.

Yêu Chúa thế nào thì yêu tha nhân như thế. Đây là giới răn mới mà Đức Giê-su ban thêm. Ông kinh sư đến gặp Chúa để xin Người ban cho ông giới răn quan trọng nhất; cuối cùng ông và chúng ta nhận đuợc hai điều bằng nhau và chẳng có điều răn nào khác lớn hơn hai điều ấy. Qua việc yêu thương tha nhân, chúng ta đi vào chương trình và ý muốn của Thiên Chúa.

Vẫn biết là như thế. Nhưng chúng ta cũng nên cụ thể hóa tình yêu của chúng ta dành cho những người lân cận bằng hành động. Đây không phải là việc dễ làm. Cho nên chúng ta cần Chúa. Chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực thì sẽ biết diễn tả tình yêu của họ một cách cụ thể cho tha nhân.

Chúng ta không yêu và trao ban cho người khác những gì mình dư thừa mà việc trao ban của chúng ta phải mang ý nghĩa dâng hiến như Đức Giê-su đã thực hiện. Như chúng ta đã được đón nhận việc phục vụ và dâng hiến của Đức Giê-su thế nào thì tha nhân cũng vậy. Họ thật xứng đáng đón nhận quà tặng của Chúa qua việc chia sẻ của chúng ta.

Như vậy, khi chúng ta trao cho nhau điều gì thì đó không phải việc bố thí, nhưng đó là đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi làm như thế, chúng ta tôn trọng và giúp cho họ được phát triển toàn diện. Vì thế, yêu mến Chúa và yêu người là hai điều gắn chặt với nhau, không gì có thể tháo gỡ và tách biệt hai giới răn này ra khỏi nhau.

Nhưng trên thực tế, yêu mến Chúa là Đấng mà chúng ta không nhìn thấy thì dễ, còn thương tha nhân thật khó. Đã nhiều lần chúng ta lạm dụng cụm từ yêu thương khi mạnh dạn tuyên xưng mình rất yêu Chúa mà lại không nhìn thấy hay làm ngơ trước các nhu cầu của tha nhân là những người đang sống gần bên ta, thế nghĩa là làm sao!

Để minh họa cho ý nghĩ nói trên, tôi xin sao chép lại câu chuyện mà ý chính của câu chuyện này đã được trích dẫn trong bài suy niệm hàng ngày mà tôi nhận được từ Cha Minh Anh, thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Truyện có thể quảng diễn như sau:

“Vào một mùa đông lạnh giá, có người hành khất đi từ nhà nầy sang nhà nọ xin bố thí nhưng không ai tỏ lòng thương xót hoặc quan tâm đến hoàn cảnh của anh. Người ta đóng sầm cánh cửa, cũng như đóng cõi lòng, trước mặt anh, kèm theo những lời miệt thị. Ít ai tự hỏi người ăn xin ấy có thất vọng trước lối đối xử của những người đồng loại hay không! Ông tiếp tục kéo dài cuộc sống trong nỗi bất hạnh của chính mình và của đời ban cho! 

Thế rồi vào một buổi sáng tuyết giá, lạnh thấu xương, người hành khất đó được tìm thấy bên vệ đường với ống chân bị gẫy. Nguyên do không lẽ vì thời tiết quá lạnh, rồi ông bị vấp té khiến ống chân của ông bị gẫy chăng! Một cụ già nhìn thấy và tìm cách đưa anh vào bệnh viện.

Khi dân chúng trong thị trấn được tin một người nghèo túng, ăn xin bị gẫy chân, họ cảm thấy ân hận với lối hành xử trước đây đối với anh. Giờ đây, trước hoàn cảnh mới anh thật đáng thương. Vài người đến bịnh viện thăm viếng, an ủi và làm bạn với anh, người khác còn đem thức ăn và áo xống cho anh.

Đến ngày anh rời nhà thương, nhà mà ông đã nhận được sự yêu thương. Những người trong thị trấn đã quyên góp được một số tiền cho anh làm lộ phí. Họ còn cho anh thêm ít quần áo ấm để chống chọi với cơn lạnh của mùa đông lạnh giá. Đến bây giờ họ mới biết cái lạnh của con tim tác hại ra sao!

Trước khi rời thị trấn, người hành khất gửi điện tín cho vợ như sau “Em yêu, hãy ngợi khen Chúa, vì một phép lạ đã xảy đến với anh, anh bị gẫy chân”.

Lối hành xử của dân chúng trong thị trấn nói trên nhắc cho chúng ta nhìn lại cách sống của chính mình. Thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa qua các nghi thức phụng vụ để nói lên lòng mến Chúa của chúng ta và không dám bỏ một Chúa Nhật nào là một việc làm đáng khích lệ, nhưng quên yêu thương anh em mình thì xem ra mình là kẻ nói dối, “vì ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4:20b)

Vì thế, chúng ta phải tìm cách để cho các ân huệ của Chúa có chỗ thoát ra thì Chúa mới bù đắp được. Nói khác đi, chúng ta đừng sợ khi trao ban, đừng sợ yêu vì khi yêu và trao ban là lúc chúng ta cho Chúa cơ hội để Người ban nhiều hơn mà làm cho cuộc sống chúng ta được sung mãn và tràn đầy tình của Chúa hơn. Amen! mục lục.

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

ĐỪNG ĐẨY CHÚA VÀO MỘT GÓC TRONG TRÁI TIM

Để vào được Nước Thiên Chúa, chúng ta cần phải làm gì? Hôm nay, Thầy Giêsu dạy chúng ta cần phải sống hai điều cốt yếu, đó là sống hai điều răn đứng đầu: Mến Chúa và yêu người. Khi có một người kinh sư lên tiếng hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12, 29), Người đã dõng dạc tuyên bố: “Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,30-31). Người kinh sư đã tấm tắc khen điều Thầy dạy thật hay và chí lý. Người bảo ông ta: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12, 34).

Trên một chuyến xe, một nhà thơ hỏi các anh chị em đi cùng: “Theo các bạn, để tốt nghiệp trường của Thầy Giêsu, chúng ta cần đạt mấy điểm? Mỗi người trả lời theo cách hiểu của mình. Bấy giờ, nhà thơ trả lời: “Chúng ta chỉ cần đạt hai điểm thôi, đó là mến Chúa và yêu người”. Cả xe bỗng rơi vào thinh lặng trước câu trả lời của nhà thơ. Có lẽ ai cũng đang trở về lòng mình, lắng nghe tiếng vọng của trái tim.

Từ tấm bé, ta đã được học kinh Mười Điều Răn, và Mười Điều Răn ấy tóm về hai điều này là mến Chúa và yêu người. Ta đọc lời kinh đọc trên môi miệng hằng ngày, tâm trí hiểu điều Chúa dạy nhưng nhìn thật sâu vào lòng, ta nhận ra mình chưa yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; chưa yêu người thân cận như chính mình. Sống lời Chúa là một thách đố, bởi Lời Chúa luôn đặt ta trong những chọn lựa: chọn chấp nhận bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa hay chọn chiều theo ý muốn của bản thân; nghĩa là chọn đi trên con đường hẹp dẫn đến sự sống hay chọn đi trên con đường thênh thang, đường đưa tới chỗ diệt vong. Mỗi lần chọn bước đi trên đường hẹp, ta thấy mình được lớn lên trong tình yêu, trái tim của ta được triển nở và mở rộng hơn để đến với người khác. Mỗi lần ta vượt qua được một chướng ngại, bỏ đi được một rào cản trong suy nghĩ, thay đổi cách hành xử với người khác, ta đã biết dùng tình yêu thương để đến với họ. Thế nhưng, cũng không ít lần, ta không yêu người khác như Chúa mời gọi, bởi vì ta chưa để Chúa làm chủ đời sống và con người mình. Thánh nữ Têrêsa Giêsu đã từng nói rằng, ta không thể chắc chắn việc mình yêu Chúa nhưng ta có thể biết chắc mình có yêu anh chị em hay không. Thánh Gioan Tông đồ cũng khẳng định rằng, ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu thương người anh chị em bên cạnh mình, đó là kẻ nói dối. Hiểu lời Chúa dạy là một hồng ân Chúa ban, ta hãy xin ơn biết sống lời Chúa dạy trong từng ngày. Bởi, việc sống lời kinh ấy cần phải được diễn tả từ trong suy nghĩ đến hành động. Nếu ta luôn để cho lời của Chúa vang lên trong lòng, ta sẽ nuôi dưỡng ước muốn sống lời của Chúa. Khi ta suy nghĩ tích cực về người khác, ta sẽ dễ yêu thương họ hơn. Khi tâm trí ta luôn quy hướng về Chúa, ta sẽ sống trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, Người sẽ ban ơn trợ lực giúp ta có đủ sức mạnh để sống yêu thương.

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, ta được đón Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào lòng, ta mang Chúa đến với những người khác, ta trở nên một món quà tuyệt vời cho người khác, vì món quà ấy là chính Chúa Giêsu đang sống trong ta. Hãy nhìn lại nhé, lần đầu được rước lễ, ta đã làm gì? Ta đã rất hạnh phúc và bằng sự đơn sơ, ta trở về nhà với ý nghĩ tôi đang mang theo Chúa Giêsu trong lòng. Gặp ai ta cũng thấy họ thật dễ thương, ta cố gắng sống thật hiếu thảo, thật dễ thương với tất cả mọi người. Nhìn ai, ta cũng thấy nụ cười của Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đang ở cùng ta. Người làm cho ánh mắt ta nên trong sáng hơn, để ta sống với mọi người bằng cả trái tim. Thời gian dần trôi, tâm trí ta đã dành chỗ cho nhiều điều khác ngoài Chúa: học vấn, của cải, danh vọng,… Cái tôi của ta cũng được nuôi lớn tự bao giờ! Ta cũng đón rước Chúa nhưng dường như ta loay hoay bận tâm đến chính bản thân ta thật nhiều và quên mất Chúa đã ở trong ta. Đức Thánh cha Phanxicô đã từng nói trong một bài giảng của mình rằng: chúng ta đã đẩy Chúa vào một góc của trái tim. Thật đúng như thế, đã bao lần ta đã đẩy Chúa vào một góc của trái tim và chỉ sống điều mình muốn và rồi ta đau đớn. Cuộc sống của ta không phải để sống theo bản năng là làm điều mình muốn và muốn điều tốt nhất cho mình theo lẽ tự nhiên nhưng là dành điều tốt nhất cho Chúa, chỗ duy nhất cho Chúa: “Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Hãy quay lại con đường hẹp, trở về với Chúa để thấy mình cần Chúa biết bao. Sống Lời Chúa thật khó nếu như ta không đủ khiêm tốn bỏ mình để trở về bên Chúa, nhưng bằng sự khiêm tốn và với sức mạnh tình yêu của Chúa, mọi sự ta làm trong tình yêu lại trở nên thật đơn giản.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã yêu con và không ngừng dạy con biết sống mến Chúa và yêu người. Chúa đã chỉ cho con thấy tình trạng tội lỗi của mình. Chúa vẫn yêu con, dù con đã bao lần đẩy Chúa vào một góc của trái tim và quên lãng Chúa. Xin Chúa thứ tha và xót thương con, cùng khơi lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa và giúp con sống lời Chúa dạy. Amen. mục lục.

Bông hồng nhỏ

Bằng mệnh lệnh hãy yêu mến Chúa và yêu anh em, Chúa Giêsu nối kết hai điều răn của Cựu ước thành một điều răn duy nhất: Yêu Thương. 

Điều tưởng không liên quan nhau - giới răn mến Chúa ở sách Đệ nhị luật (Đnl 6,4-) là kinh Shema mà người Do thái thuộc lòng. Họ đọc nhiều lần trong ngày. Còn lời dạy yêu người ở sách Lêvi (Lv 19,18), không là điều luật mà người Do thái coi trọng - giờ đây, với Chúa Giêsu, chúng chỉ còn là một. 

Sau khi dạy: "Chúa là Thiên Chúa duy nhất" và "hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”, Chúa Giêsu nhấn mạnh: "Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi". 

Cuối cùng, như kết luận cho cả hai tác động của lòng yêu thương, Chúa khẳng định: “Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Nghĩa là không có bất cứ giới răn nào trọng hơn việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Cái độc đáo của Chúa Giêsu chính là liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau và biến chúng thành một.

Từ nay, người ta xưng mình yêu Chúa thì người ta được đòi buộc phải yêu người. Khi người ta yêu người, thì đó là minh chứng lòng yêu mến Chúa.

Tình yêu. Lời đơn giản trên môi miệng nhưng không đơn giản cho cả kiếp người trong tương quan với đồng loại, với thế giới, ngay cả với Thiên Chúa.

Dù là lời đơn giản, nhưng lại là một nguyên tắc, một đòi buộc, một nỗ lực  bao trùm trọn đời, vượt trên mọi nguyên tắc sống. 

Thế giới này, nhân loại này, và mỗi cá nhân đều cần tình yêu. Khi người ta yêu Chúa và yêu nhau, hoa trái mãnh liệt, diệu kỳ của tình yêu sẽ trổ sinh.

Tình yêu là sức mạnh xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương, xóa bỏ hận thù. Ở đâu có tình yêu, ở đó cuộc sống dù nhiều vất vả, nhiều bươn chải ngược xuôi, dù phải chấp nhận những sức nặng của gồng gánh, của trách nhiệm, của khổ tứ, vẫn khiến cuộc sống nơi ấy đáng sống.

Tình yêu sẽ ban cho người trong cuộc những ấm áp, những hạnh phúc, những vỗ về, những êm dịu... Trong tình yêu mà con người biết dâng lên Thiên Chúa để có thể chấp nhận và đón nhận nhau, sẽ cho người trong cuộc cảm giác được thuộc về, được chia sẻ, được an toàn và đỡ nâng.

Khi thể hiện nơi chính mình tình yêu, dù chẳng bao giờ to tiếng hô khẩu hiệu "chẳng để ai ở lại phía sau", thì vẫn không có ai "ở phía sau". Tình yêu không ở đầu môi, càng không bao giờ nằm trên khẩu hiệu. Tình yêu đúng nghĩa, tình yêu chân thành, tình yêu thực thụ chỉ có thể lắng trong trái tim, thẩm thấu trong cõi hồn và trào tràn lên chính những thể hiện, những hành động, những lối sống, những tương quan, những nếp nghĩ, nếp làm. 

Trái tim chỉ là trống rỗng, cõi hồn chỉ muốn lấp đầy sự ích kỷ và vun quén cho bản thân, thì có hô khẩu hiệu đến ngàn thế hệ, nhất là khi dùng khẩu hiệu nhằm che lấp sự trống rỗng của lòng dạ, che đậy thói tìm kiếm cho bản thân, thì không chỉ không có người bị bỏ lại, mà ngược lại, thế giới này, nhân loại này sẽ còn đó dập dìu những đoàn người "ở phía sau".

Chỉ có tình yêu mới có khả năng làm cho xã hội ngập tràn yêu thương. Tình yêu một khi trở thành chuẩn mực giữa người với người, các ác sẽ không còn, lòng thù hận, mọi loại chiến tranh, nỗi sợ hãi, cảm giác thiếu an toàn, sự bất ổn... sẽ bị đẩy lùi. Tình yêu sẽ tự nó thắp lên ngọn lửa của hòa bình, kéo người người xích lại gần nhau, và hiệp thông, hiệp nhất, kết đoàn, tương trợ, quan tâm, thấu hiểu... sẽ tự nó sinh sôi và phát triển.

Tình yêu được lãnh nhận từ Thiên Chúa, để khi bản thân từng người lại ý thức đáp trả cho Thiên Chúa bằng cuộc sống cụ thể với anh chị em xung quanh, sẽ có sức mạnh vô cùng lớn giúp anh chị em vững tin trong cuộc sống, giúp người đối mặt với khổ đau vượt qua gian khổ, giúp cảm hóa và làm thay đổi những người sống chưa tốt, còn ơ hờ, còn thiếu trách nhiệm với cuộc đời... 

Giữa người với người có khi gây mâu thuẫn, hiểu lầm, hiềm khích, chia rẻ, hận thù, tạo phe nhóm, kìch địch nhau, muốn tấn công nhau..., chỉ có thể hóa giải khi xuất hiện tình yêu, sự tha thứ, lòng bao dung, tâm hồn cởi mở, sẵn sàng trao dâng những nghĩa cử, những ân tình... mà thôi.

Trong khi tình yêu đẹp đến vậy, sang trọng đến vậy, cần thiết đến vậy, lại được Chúa Kitô đúc kết thành lượt đồ đơn giản cho cuộc sống của từng người. Nó chỉ còn là nguyên tắc sống "mến Chúa yêu người" mà mỗi người có nhiệm vụ thực hiện cho trọn vẹn để được đến với Chúa, để dược gần Chúa.

Chỉ cần ta hành động để thực thi tình yêu, sống vì tình yêu đối với Chúa Kitô, hợp nhất tất cả sức lực, trái tim, linh hồn và tâm trí trong một nỗ lực duy nhất là yêu mến Thiên Chúa. Thế là đủ, là trọn vẹn cho sự trả lời của người muốn đáp lại ý muốn của Chúa: Hãy yêu thương!

Hãy đừng tự biến cuộc sống mình trở nên vô vị, cằn cỗi như mảnh đất bị bỏ hoang. Ngay bây giờ, hãy gieo lên mảnh đất tâm hồn hạt giống yêu thương mà Chúa Kitô trao ban, nhờ đó mỗi người là bàn tay của Chúa Kitô nối dài yêu thương ra đến mọi người, mọi nơi khắp hành tinh. 

Từng người hãy đừng quên lời xác đáng này: ĐƯỢC YÊU ĐÃ LÀ HẠNH PHÚC, NHƯNG YÊU LẠI CÀNG HẠNH PHÚC. mục lục.

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

TÌNH YÊU: ALPHA VÀ OMÊGA CỦA CUỘC SỐNG

Trong bối cảnh của một cuộc tranh luận, Đức Giê-su được một kinh sư phái Pha-ri-sêu hỏi ý kiến : “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu”. Người đáp lại : tình yêu là quy tắc hàng đầu của mọi cuộc sống tôn giáo.

Trong hai thế kỷ đầu, các rabbi, lấy lại cách phân loại của tiền nhân, đã tính ra có tới 613 giới răn trong Lề luật Do-thái: 365 giới cấm và 248 răn buộc. Trong các giới răn này, một số được gọi là “trọng” hay “lớn”, số khác thì “nhẹ” hay “nhỏ”. Và pháp học Do-thái đã cố gắng xác định xem điều khoản trọng nhất trong Lề luật là gì. Đó là lệnh cấm thờ ngẫu tượng (sách Talmud), là lệnh cấm xúc phạm danh Thiên Chúa, cấm đổ máu, cấm loạn luân, cấm lỗi hưu nhật, cấm giết người (văn chương Do-thái) v.v… Do-thái giáo đã không thể thấy sự ưu đẳng của giới luật tình yêu, vì tất cả nền tu đức lẫn cuộc sống của nó bị một quan niệm duy luật tỉ mỉ thái quá ám ảnh. Mà giả như có chăng nữa, ví dụ qua câu nói “Điều gì không làm hài lòng anh, thì chớ làm cho đồng loại anh điều ấy. Đó là tất cả lề luật, mọi cái khác chỉ là giải nghĩa” (rabbi Hillel, 20 năm trước ĐKT), nền tu đức Do-thái vẫn in vết não trạng tiêu cực và bài ngoại : “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Đức Giê-su thành thử là người đầu tiên đã cho nổ tung những nền móng cũ, để lao mình vào một công trình xây dựng hoàn toàn mới.

1. Yêu mến Thiên Chúa vì Người là “Đức Chúa duy nhất”

Biết những lời nói của mình sẽ có uy lực hơn trước mắt vị kinh sư nếu chúng dựa vào Kinh Thánh là cái quen thuộc với ông, Đức Giê-su đã trích dẫn Đnl 6,4-5 và Lv 19,18.

Đnl 6,4-5 có hai điểm nổi bật : tuyên xưng mạnh mẽ đức tin độc thần (bởi thế nó được dân Ít-ra-en lấy làm kinh nhật tụng, kinh “Shema Israel=Nghe đây, hỡi Ít-ra-en”) và đề cao đặc biệt lòng yêu mến Thiên Chúa (yêu Người không hạn chế, đang khi Cựu Ước thường đề cập đến vấn đề “sợ hãi”, “làm tôi” Người). Tác giả sách Đnl hình như đã lợi dụng công trình tinh luyện thần học của các ngôn sứ ; các ông này (đặc biệt Hô-sê) đã so sánh mối quan hệ giữa Ít-ra-en và Đức Chúa với mối quan hệ của một phụ nữ đối với chồng mình : mối quan hệ tình yêu chứ không phải là một nghĩa vụ có tính cách pháp lý hay tế tự. Thực vậy, Hô-sê đã cảm thức sâu xa rằng chẳng một tình cảm nào lôi cuốn con tim loài người cho bằng tình chồng vợ. Tình yêu này không đòi hỏi sự hỗ tương sao ? Vì thế tại sao qua tiếng nói của các ngôn sứ, Thiên Chúa đòi hỏi dân bất trung phải đáp trả tình yêu phu quân của Người. Đây là một luận cứ còn mạnh hơn ý niệm “phụ tính phổ quát” của Người nữa.

Vả lại, đó cũng là lý do mà thánh Gio-an đã ám chỉ để thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa : “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã mến yêu chúng ta… Chúng ta hãy mến yêu, vì Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta trước” (1Ga 4,10.19).

Nhưng ở đây, qua lời tuyên tín độc thần của Đnl được Mc lấy lại, ta còn thấy thêm một lý do nữa. Lời tuyên tín đó là một khẳng định sinh tử, nhắm truyền cho các kẻ tin một động lực thiêng liêng chi phối cuộc đời của họ. Đức Chúa là “Đức Chúa duy nhất”, nghĩa là “đơn độc” trong thần tính giữa hết mọi thần mà người ta có thể tưởng tượng (x. 1Cr 8,5; Tv 82,1). Người là vị thần vĩ đại nhất, hoàn hảo nhất mà người ta có thể quan niệm (x. 2Sm 7,22). Nói cách khác, “Người là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đó là lý do mạnh nhất làm nẩy sinh trong phàm nhân cái tình yêu bộc phát thúc đẩy họ đi về với Thiên Chúa.

2. Yêu người thân cận như chính mình

Về việc yêu mến người thân cận, Đức Giê-su cũng lấy lại một công thức hoàn hảo của Cựu Ước : Lv 19,18.34. Tuy nhiên, từ đây không ai bị loại khỏi tình yêu phải thực thi như thế đối với người thân cận. Giới luật này bao gồm hết mọi giới răn Đức Ki-tô đã liệt kê ở Mc 10,19. Nhưng công thức của Mc 12,31 đã giản lược các điều khoản đa phức ấy thành một luật duy nhất, nhờ “tình yêu” là cái đơn giản hóa tất cả. Ngoài ra, công thức cũng nhắm truyền tinh thần và sự sống vào cho một bộ xương luật pháp chỉ chú ý đến việc hoàn thành các giới răn theo mặt chữ. “Mến yêu” chính là sức mạnh khiến chúng ta tận tâm làm điều thiện cho tha nhân và cho tha nhân được thỏa mãn. Chính đó là tinh hoa của các yêu sách Thiên Chúa đề ra. Tình yêu là sức mạnh của tâm hồn, sức mạnh “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, nhưng tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Vẫn biết Tân Ước cũng đòi hỏi tình yêu phải được minh chứng qua những thực hiện cụ thể (x. Gc 2,15; 1Ga 3,17). Nhưng Tân Ước không chấp nhận rằng những thực hiện này là kết quả của một chủ nghĩa nhân bản, xã hội, kinh tế thuần túy, hay là phương tiện thỏa mãn lòng kiêu ngạo riêng tư. Ki-tô giáo mong muốn mọi hoạt động xã hội hay bác ái phải được thúc đẩy bởi sự hiến thân, hy sinh, từ bỏ và phải kèm theo thái độ khiêm tốn lẫn chú tâm tế nhị đối với những người túng thiếu. Như thế lòng tốt tự nhiên và chính sách kinh tế công bằng được đảm nhận trên bình diện cao hơn của đức ái đối thần. Người Sa-ma-ri nhân lành đã không bị một mối ưu tư xã hội hay pháp lý thúc đẩy khi thấy kẻ xấu số, nhưng là “chạnh lòng thương” (Lc 10,33). Hành vi bác ái không đáng gọi là “hành vi bác ái” nếu chẳng phát sinh từ cảm thức thâm sâu, tích cực mà ta gọi là “tình yêu”.

Tuy nhiên, cũng có mối nguy là tự mãn với những công thức tao nhã, bặt thiệp : “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Đây là kết luận của một lối lý luận rất đơn sơ nhưng rất sắc bén của thánh Gio-an : “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ?” (1Ga 3,17; x. Gc 2,14-17). Một tình yêu chân thật bắt ta đem hết tài năng và của cải ra mà phục vụ kẻ khác.

Dẫu thế, tình yêu mà Đức Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải có đối với người thân cận còn đi xa hơn nữa : “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì : đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Đối với chúng ta, đó là một bổn phận, một bắt buộc, một món nợ mắc với Đức Ki-tô vì người anh em. Chính trong khung cảnh này mà giới răn của Đức Ki-tô nằm vào và được nổi bật : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Chỗ khác, Người còn thêm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13. Bản dịch Đại kết tiếng Pháp : hy sinh tính mạng cho những kẻ mình thương). Tựu trung, tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Ki-tô là Đấng “yêu thương các kẻ thuộc về mình đến cùng” (Ga 13,1). Yêu thương đến độ chết cho tha nhân (gương thánh Maximilien Kolbe).

Kết luận, có hai giới luật tình yêu và hai đối tượng khác nhau của tình yêu ấy: Thiên Chúa và đồng loại. Nhưng thực tế, đó luôn là vấn đề yêu. Yêu là sinh hoạt duy nhất đòi buộc con người : ở nơi con người chỉ có một tình yêu duy nhất, phát sinh từ cùng một khả năng. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gio-an, người chuyên môn nói về “yêu” mà chẳng luôn luôn phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu đồng loại.

Viên kinh sư đi tìm kiếm giới răn thứ nhất, và “Thầy tốt lành” đã chỉ cho ông một giới răn duy nhất : “yêu”. Ông đã hiểu được rằng thế là Thầy đã đặt nền tảng cho một tôn giáo mới “vượt quá mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (c.33; x. Ga 4,20-23). Về phía Đức Giê-su, Người nhận thấy kẻ đối thoại “không còn xa Nước Thiên Chúa”. Tuy nhiên ông ta vẫn chưa vào, vì hiểu giáo thuyết là một chuyện, đem ra thực hành giáo thuyết lại là một chuyện khác. (Viết theo M. Miguéns, Assemblées du Seigneur 62)

Cha Piô Pietrelcina (1887-1968), vị linh mục mang năm dấu thánh được phong hiển thánh tháng 6-2002, là một trong những mẫu gương tiêu biểu trong việc thực hành bài Tin Mừng hôm nay. Luôn được thiêu đốt bởi lửa yêu mến đối với Thiên Chúa và với tha nhân, Cha đã sống đầy đủ ơn gọi linh mục mỗi ngày mỗi trọn vẹn, để góp phần vào việc cứu rỗi loài người. Người thi hành sứ mệnh đó bằng ba phương thế: linh hướng để giúp các linh hồn nên thánh ; ban bí tích hòa giải để đưa kẻ tội lỗi trở về ; cử hành thánh lễ để sống kết hợp với Chúa Giê-su trên thánh giá. Về phương diện xã hội, cha Piô dấn thân rất nhiều để làm giảm bớt những đau khổ, cùng cực của nhiều gia đình. Đặc biệt người đã quyết định thành lập “Nhà nâng đỡ sự đau khổ” tức bệnh viện San Giovanni Rotondo hiện nay. Đây là một trong những bệnh viện lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Ý, do Tòa Thánh quản trị. Về phương diện thiêng liêng, Cha đã thành lập các nhóm cầu nguyện liên lỉ mang tên “Vườn gieo đức tin và tổ ấm tình yêu”. Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã gọi các nhóm này là “Phong trào lớn lao của những người cầu nguyện”. Vào năm 2013, có khoảng 3.300 nhóm đã đăng ký ở 60 quốc gia (theo Wikipedia). mục lục.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan