NĂM THÁNH LÀ GÌ?

07-11-2024 416 lượt xem

Image: thetablet.org

"Năm Thánh," một truyền thống đặc biệt của Giáo hội Công giáo, mang theo thông điệp về sự tha thứ, hòa giải và khôi phục mối quan hệ với Thiên Chúa, con người, và thế giới.​

Được khởi nguồn từ Kinh Thánh, Năm Thánh lần đầu tiên được quy định như một năm thiêng liêng mỗi 50 năm, đánh dấu bởi lễ hội truyền thống của người Do Thái, Ngày Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur), với âm thanh vang dội từ tù và yobel – chiếc sừng cừu. Lễ hội này không chỉ biểu trưng cho sự chuộc tội, mà còn được xem như một khoảng thời gian nghỉ ngơi cho cả đất đai và cộng đồng, mang đến sự tha nợ và trả lại tài sản cho chủ sở hữu ban đầu (x. Lv 25,8-13).

Theo Kinh Thánh, cứ bảy tuần của bảy năm, tức sau 49 năm, sẽ diễn ra một năm đặc biệt để tạo điều kiện cho sự hòa giải và công bằng xã hội. Tại thời điểm này, người dân được mời gọi tha thứ nợ nần, trao trả những mảnh đất bị chiếm dụng và để đất đai nghỉ ngơi nhằm tái lập mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên.

Với lời kêu gọi của ngôn sứ I-sai-a, sứ mạng của Chúa Giêsu đã gắn bó chặt chẽ với tinh thần của Năm Thánh. Tin Mừng Lu-ca ghi lại, "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa." (Lc 4,18-19). Những lời này không chỉ là cam kết thiêng liêng, mà còn là lời kêu gọi hành động vì công lý và lòng thương xót, được Chúa Giêsu thể hiện trong mọi mối quan hệ và công việc hàng ngày của Ngài.

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, Năm Thánh chính thức được xác lập vào năm 1300 bởi Đức Giáo hoàng Boniface VIII, mở đầu một truyền thống kéo dài đến ngày nay, với tần suất và ý nghĩa ngày càng mở rộng. Năm Thánh đầu tiên được tổ chức mỗi 100 năm, nhưng đến năm 1343, Đức Giáo hoàng Clemente VI đã rút ngắn khoảng cách này xuống còn 50 năm, và sau đó Đức Giáo hoàng Phaolô II vào năm 1470 đã đưa ra chu kỳ 25 năm, vẫn được duy trì đến nay.

Các Năm Thánh còn có thể được công bố một cách đặc biệt, như năm 1933 để kỷ niệm 1900 năm cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, và gần đây nhất, Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2015 do Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố.

Các dấu hiệu trong Năm Thánh cũng trải qua nhiều thay đổi. Ban đầu, tín hữu hành hương đến các nhà thờ lớn ở Rôma như Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Sau đó, các nghi thức khác như việc mở Cửa Thánh cũng được thêm vào, mang đến biểu tượng của sự giải phóng và ân sủng. Trong thời gian Năm Thánh, tín hữu có thể nhận được ân xá toàn phần khi thực hiện các hành vi thánh thiện, đặc biệt là hành hương, cầu nguyện và sám hối.

Ngày nay, Năm Thánh là dịp để hàng triệu người Công giáo trên khắp thế giới tìm lại ý nghĩa tinh thần và củng cố niềm tin qua những hành vi hòa giải, phục vụ và lòng nhân ái. Qua Năm Thánh, Giáo hội tiếp tục lan tỏa thông điệp về sự hòa bình, công lý và lòng thương xót, làm sống dậy một truyền thống mang đậm tinh thần Kitô giáo.​

Nannerl

BÀI HÁT CHÍNH THỨC CHO NĂM THÁNH 2025 - File PDF bài hát: Tải file về tại đây!

Nghi thức khai mạc năm thánh 2025

tại các Hội Thánh địa phương

Năm Thánh thường lệ 2025 sẽ bắt đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngày Lễ Chúa Giáng sinh, với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican. Chúa Nhật sau đó, ngày 29 tháng 12 năm 2024, lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, Năm Thánh sẽ được khai mạc tại các Hội Thánh địa phương. Sau đây là Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 tại các Hội Thánh địa phương do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn với bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.​

LỜI MỞ ĐẦU​

Đây là Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 tại các Hội Thánh địa phương liên quan đến các Hội Thánh theo nghi lễ Rôma.

Nếu muốn, các Hội Thánh Đông phương có thể soạn thảo một nghi thức khai mạc phù hợp với các quy định phụng vụ riêng, chỉ cần giữ lại định hướng cơ bản và thiết yếu của nghi thức này.

1. Ngày cử hành

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc Spes non Confundit, đã ấn định: Năm Thánh sẽ bắt đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngày Lễ Chúa Giáng sinh, với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican. Chúa Nhật sau đó, ngày 29 tháng 12 năm 2024, lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, Năm Thánh sẽ được khai mạc tại các Hội Thánh địa phương.

2. Nơi cử hành

Nghi thức khai mạc trọng thể Năm Thánh sẽ được cử hành trong Thánh lễ do Giám mục giáo phận chủ sự tại Nhà thờ Chính tòa, mẹ của tất cả các nhà thờ trong giáo phận. Chỉ cử hành một Thánh lễ khai mạc duy nhất tại Nhà thờ Chính tòa. Tuy nhiên, nếu trong giáo phận có một nhà thờ đồng chính tòa theo giáo luật, thì cũng có thể cử hành Thánh lễ khai mạc tại đó. Khi Nghi lễ được cử hành tại nhà thờ đồng chính tòa, giám mục có thể chỉ định một vị đại diện thay thế ngài. Không được tổ chức Thánh lễ khai mạc tại nhà thờ nào khác trong giáo phận, kể cả các đền thánh hoặc nhà thờ nổi tiếng.

3. Nghi thức cử hành

Cử hành Thánh Thể theo thể thức Thánh lễ đại triều (x. Cæremoniale Episcoporum, 120). Tất cả các linh mục đồng tế với giám mục; các phó tế, giúp lễ, đọc sách và các thừa tác viên khác thi hành phận vụ của mình (x. Sacrosanctum Concilium, 26-28; Cæremoniale Episcoporum, 119). Chương trình cử hành phải được thông báo cho toàn thể các tín hữu.

4. Trong khung cảnh của việc cử hành Thánh Thể, dấu chỉ đặc biệt của Thánh lễ khai mạc trọng thể Năm Thánh là đoàn hành hương theo sau Thánh Giá long trọng tiến vào ngôi Thánh đường của giáo phận, vào Nhà thờ Chính tòa nơi vị mục tử của giáo phận thi hành huấn quyền, chủ sự các nhiệm tích thánh, cử hành phụng vụ ca ngợi và cầu nguyện, và hướng dẫn giáo đoàn.

5. Cuộc rước diễn ra theo ba giai đoạn:

– Tụ họp ở một nhà thờ gần đó hoặc tại một địa điểm thích hợp khác;

– khởi sự hành hương;

– tiến vào thánh đường.

6. Tụ họp

Dân Chúa qui tụ tại một nhà thờ mang một ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đoàn giáo phận, đủ điều kiện để cử hành nghi thức Nhập lễ và có khoảng cách thích hợp cho một cuộc hành hương thực sự.

7. Trong khi tụ họp: hát tiền xướng hoặc bài ca nhập lễ, lời chào, lời mời gọi chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa, lời hướng ý, lời cầu nguyện, công bố Tin Mừng và đọc một số trích đoạn trong Tông sắc ấn định Năm Thánh Thường lệ 2025.

8. Hành hương đến thánh đường

Đoàn hành hương đến Nhà thờ Chính tòa để cử hành Chúa nhật Lễ Thánh Gia và khai mạc Năm Thánh, được đón nhận như một món quà từ Thiên Chúa. Cuộc rước này là dấu chỉ của con đường hy vọng, trên đó những người hành hương đang bước theo sau Thánh Giá Chúa Kitô, như được thể hiện trong logo của Năm Thánh. “Trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và thụt lùi, Thánh giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và trung tín.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung, 21.9.2022). Đây là con đường của Gia đình thánh, trong Hội Thánh ngày nay, đang tiến tới Giêrusalem trên trời.

9. Vì thế, để dẫn đầu đoàn hành hương, nên chọn một cây Thánh Giá mang ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với giáo phận, hoặc mang tính cách lịch sử và nghệ thuật, hoặc gắn liền với lòng đạo đức bình dân. Thánh Giá phải được trang trí cách xứng hợp, và nếu là Thánh Giá khá lớn, nên lưu tâm đến cách thức di chuyển. Thánh Giá sẽ được đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh để các tín hữu tôn kính: thật vậy, “trong tấm Bánh bẻ ra, có Thánh Giá của Chúa Giêsu, hy tế vâng phục của Người vì tình yêu dành cho Chúa Cha” (Desiderio Desideravi, 7).

10. Phó tế mang Sách Tin Mừng, kho tàng Lời hằng sống của Đấng Phục Sinh, giống như cột lửa đi trước dân Israel trong cuộc Xuất Hành (x. Xh 13,2122), Đấng là ánh sáng và là người dẫn đường cho các môn đệ, đặc biệt là trong năm hồng ân này.

11. Trong khi hành hương, cộng đoàn hát “thánh vịnh hành hương” hoặc “thánh vịnh lên đền”, chẳng hạn thánh vịnh 14 (15) (“Lạy Chúa, ai được ở trong lều của Chúa?”), thánh vịnh 23 (24) (“cả thế giới và sự giàu có là của Chúa”), Tv 83 (84) (“Con yêu chuộng biết bao những nơi Chúa ngự”), Tv 94 (95) (“Hãy đến, chúng ta hãy reo mừng Chúa”), Tv 117 (118), các câu 19, 20, 27 nói đến một cuộc rước, Tv 121 (122) (“Vui chừng nào khi người ta bảo tôi”) và Tv 135 (136) (“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân lành”). Theo truyền thống, cũng có thể hát Kinh cầu các Thánh.

12. Bước vào thánh đường

Dân Chúa tiến vào Nhà thờ Chính tòa qua cửa chính, dấu chỉ của Chúa Kitô (x. Ga 10,9). Khi đến ngưỡng cửa, giám mục giơ cao Thánh Giá, hướng về cộng đoàn, xướng lời tung hô tôn kính “gỗ cây Thánh Giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian” (Thánh thi Thứ Sáu Tuần Thánh “Ecce lignum Crucis, in quo salus mundi pependit”).

13. Sau khi qua cửa, giám mục đi cùng các thừa tác viên đến Giếng rửa tội, cùng với các tín hữu cử hành việc tưởng nhớ Bí tích Thánh tẩy. Cử hành này có thể tùy nghi thực hiện tại cung thánh. Sau đó, giám mục, các thừa tác viên và cộng đoàn tín hữu đến vị trí đã được xếp sẵn. Nghi thức rảy nước thánh nhắc lại cách sống động Bí tích Thánh tẩy, là cửa dẫn vào các Bí tích Khai tâm và gia nhập Hội Thánh. Thánh tẩy là “bí tích đầu tiên của Giao ước mới, nhờ đó con người được liên kết với Chúa Kitô trong đức tin, nhận được Thần khí nghĩa tử, được gọi và thực sự là con Thiên Chúa, sau khi trải nghiệm sự chết và sự phục sinh giống như Chúa Kitô, được tháp nhập vào thân thể của Người (x. Ep 5, 30; 1Cr 12, 27; Rm 12, 5), được xức dầu Thánh Thần và trở nên đền thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr 3, 16-17; 6, 19; 2Cr 6, 16; Ep 2, 21-22), đồng thời trở nên thành viên của Hội Thánh, là dòng dõi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện và đoàn dân được cứu chuộc” (1Pr 2, 9). (Sách Chúc Phúc, 832).

14. Nếu Nhà Rửa tội được xây bên ngoài nhà thờ, nghi thức nhắc nhớ lại Bí tích Thánh tẩy được cử hành trước nghi thức bước vào thánh đường.

15. Cử hành Thánh Thể

Việc cử hành Thánh lễ là chóp đỉnh của nghi thức khai mạc Năm Thánh. “Việc cử hành Thánh lễ, xét như là hành động của Chúa Kitô và của dân Thiên Chúa được tổ chức theo phẩm trật, là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô hữu, cho Hội Thánh toàn cầu, cũng như Hội Thánh địa phương, và cho từng tín hữu. Quả thật, Thánh lễ chính là cao điểm của việc Thiên Chúa thánh hóa thế gian trong Chúa Kitô, đồng thời cũng là đỉnh cao của việc phụng tự nhân loại dâng lên để tôn thờ Chúa Cha nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa và trong Chúa Thánh Thần.” (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, 16). Thánh lễ được cử hành như thường lệ, với bản văn lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Phải quan tâm chuẩn bị đầy đủ những gì liên quan đến việc cử hành Nghi thức: các vật dụng cần thiết, phận vụ của các thừa tác viên, các bài thánh ca, lời nguyện tín hữu, dâng lễ vật và những lời dẫn ý ngắn gọn.

16. Tại phòng thánh của nhà thờ, nơi khởi hành của cuộc hành hương

Tại phòng thánh của nhà thờ, nơi khởi hành của cuộc hành hương đến thánh đường, sắp xếp chuẩn bị:

– Lễ phục cho giám mục, linh mục đồng tế, phó tế và các thừa tác viên khác;

– Áo choàng cho giám mục;

– Thánh Giá - nến cao;

– Sách Tin Mừng;

– Hương - lửa;

– Đuốc, đèn hoặc các vật dụng theo phong tục địa phương, dành cho các tín hữu, trong trường hợp cử hành diễn vào giờ chiều tối.​

Chi tiết xem tại link này!
Nguồn: hdgmvietnam.com​

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.