SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG_C

29-11-2024 147 lượt xem

[Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36]

Mục Lục

SỐNG CÔNG CHÍNH – + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

MÙA VỌNG: SỐNG NĂM THÁNH 2025 – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

MONG CHỜ GẶP GỠ CHÚA KITÔ – Phêrô Phạm Văn Trung

HÃY HIÊN NGANG ĐỨNG ĐỢI NGÀY CHÚA ĐẾN! – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

MÙA VỌNG: MÙA CỦA DẤU CHỈ – Jorathe Nắng Tím    

SẴN SÀNG CHO NGÀY CHÚA TRỞ LẠI – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

MÙA HY VỌNG – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

SỐNG CÔNG CHÍNH

Thế giới hiện tại của chúng ta đang chứng kiến những xung đột nghiêm trọng. Chiến tranh xảy ra tại Ukraine từ gần ba năm, và tại Trung Đông hơn một năm qua làm nhiều người nghĩ đến ngày tận thế. Cùng với chiến tranh là dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế và suy đồi đạo đức. Tương lai xã hội sẽ đi về đâu? Phải chăng ngày tận thế đã đến?

Được soi sáng bởi Lời Chúa, đối với Ki-tô hữu, điều bận tâm lớn nhất, ngay trong bối cảnh rối ren này, là sống công chính. Từ điển Công giáo định nghĩa “công” là không thiên vị, “chính” là ngay thẳng. Từ điển này cũng giải thích thêm: Đức công chính theo Thánh Kinh là phẩm tính của Thiên Chúa, biểu hiện qua việc Ngài chống lại sự dữ; xét xử công bình; tha thứ và cứu độ con người. Đức công chính cũng là nhân đức làm cho con người sống theo Lề Luật và thánh ý của Thiên Chúa nhờ tác động của ân sủng.

Theo định nghĩa trên đây, thì chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Công Chính theo đúng nghĩa. Con người, nếu được nên công chính, là nhờ ân sủng của Ngài và nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, và đức tin này được chứng minh qua các hành động cụ thể (x. Rm 3,28). Trong Tin Mừng, Đức Giê-su được tôn nhận là Đấng Công Chính. Điều lạ lùng là việc tôn nhận này được thể hiện bởi bà vợ của Phi-la-tô khi Chúa Giê-su bị xét xử (x, Mt 27,19) và do viên sĩ quan Rô-ma, vào lúc Người tắt thở trên thập giá (x. Lc 23,47). Khi nỗ lực sống công chính là chúng ta trở nên giống như Đức Giê-su.

Nội dung bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cho độc giả cảm tưởng như đang xem một cuốn phim kinh dị của Hollywood. Ngũ hành chuyển động, sóng biển gầm rú, con người hoang mang. Những chi tiết miêu tả này thuộc thể loại văn chương được gọi là “khải huyền”. Đây là một hình thức văn chương Do Thái giáo và Ki-tô giáo xuất hiện từ thời dân Do Thái bị bắt đi lưu đày ở Ba-by-lon (Tk VI trước CN) cho đến thế kỷ II (sau CN). Thể văn này sử dụng những thị kiến, hình ảnh, con số hay nhân vật biểu trưng nhằm diễn tả mặc khải thần linh về thời cánh chung, sự tận cùng của thế giới cũ và sự xuất hiện của thế giới mới. Văn chương Khải Huyền hướng độc giả tới niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giê-su sử dụng thể loại văn chương này. Trong Tân ước, có một cuốn mang tên là “Khải Huyền” mà tác giả là Thánh Gio-an Tông đồ.

Hiểu như trên, thì nội dung lời giảng của Chúa Giê-su chỉ là lối nói biểu tượng, để kêu gọi con người hãy nhìn lại mình, để sống công chính thánh thiện. Phần tiếp theo của bài Tin Mừng cho thấy điều đó. Thế giới sẽ có nhiều biến động, và trong những lúc đó, người tin Chúa phải giữ mình. Vào những thời điểm khó khăn, nhiều người có xu hướng buông xuôi theo dòng chảy của số phận. Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Đừng chè chén say sưa, nhưng hãy tỉnh thức cầu nguyện để có thể đứng vững trước mặt Con Người”.

Khi nào thì tận thế xảy đến? Câu hỏi này đã làm bận tâm con người ở nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử, nhất là vào những năm được gọi là “năm chẵn” như năm 1000, năm 2000. Chúng ta có thể còn nhớ, vào năm 2000, nhiều người tuyên truyền mặt trời sẽ mất sáng, tối tăm bao phủ trần gian ba ngày ba đêm, và những ai muốn sống sót thì phải mua nến, gạo và xin làm phép (!). Cuối cùng, năm nay đã là năm 2024 mà tận thế chưa đến. Nói về khi nào tận thế, thì Chúa Giê-su đã nói: chỉ có Chúa Cha biết thôi (Mc 13,32).

Hôm nay, Giáo Hội Công giáo bước vào mùa Vọng. Một trong những thông điệp quan trọng của mùa phụng vụ này là: hãy tỉnh thức trong khi chờ đợi Chúa đến. Trong đời sống thiêng liêng, tỉnh thức cũng đồng nghĩa với sống công chính. Bởi lẽ là tỉnh thức là cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và trong thái độ sống để không bị lây nhiễm những thói tục đi ngược với giáo lý của Chúa Giê-su và với lương tâm con người. Nếu chúng ta cần tỉnh thức, là vì chúng ta đang chờ đợi Chúa đến. Nếu tận thế hiểu như ngày ngũ hành bị thiêu rụi chưa đến, thì cái chết lại đang đến với mỗi cá nhân chúng ta. Giờ chết là giờ tận thế riêng của con người. Cần phải sống công chính để đến giờ đó, chúng ta có thể đứng vững trước mặt Con Người, tức là Chúa Giê-su, khi Người đến để gặp chúng ta. Một trong những nội dung thư của thánh Phao-lô gửi giáo dân Thê-xa-lô-ni-ca là giáo huấn về tương lai hậu vận của con người. Tác giả đã khích lệ người tín hữu hãy sống thánh thiện, “không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta trong ngày Đức Giê-su quang lâm cùng với các thánh của Người”. Mùa Vọng hướng chúng ta tới ngày này. Việc kỷ niệm Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm là lời nhắc nhở chúng ta: Chúa đang đến với cuộc đời chúng ta cách huyền nhiệm, và sẽ đến trực tiếp rõ ràng vào giây phút ta kết thúc hành trình trần gian.

Xin cho chúng ta bước vào mùa Vọng với thiện chí cố gắng nên công chính trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. mục lục.

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

TINH THẦN MÙA VỌNG – SỐNG NĂM THÁNH 2025

Năm Phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Vọng là trông mong, nên trong thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội muốn chúng ta sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến.

Hỏi: Chúa đã đến chưa? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo hội đang sống theo truyền thống là : Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô  “đã đến” lần thứ nhất; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta; Mùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.

Theo Hồng Y Newman thì: “Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt đó rồi, và đồng thời vẫn không ngừng được chờ mong. Và người Kitô hữu sống linh đạo này như một người chờ đợi Đức Kitô.”

Mùa Vọng đến nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, đời người mỗi chúng ta còn đang trên hành trình và quê hương thật của chúng ta là quê trời. Nếu có đang đi mà muốn cắm trại, thì hãy nhổ trại lên đường tiến về ngày của Chúa, ngày Chúa đến, ngày đó đem lại cho cuộc sống hiện tại một hướng đi và một ý nghĩa cao cả. Vì thế nỗi chờ mong của ta cũng là một niềm hy vọng.

Để sống tốt Năm Phụng vụ mới, hay cụ thể là Mùa Vọng, Năm Thánh thường niên 2025 này. Tiên vàn, chúng ta phải khẳng định rằng, mọi giá trị ở đời này như của cải, danh vọng, tình yêu, gia đình, khoa học, kỹ thuật, văn hóa v.v. là những điều tốt, chúng ta phải ra sức thực hiện theo thánh ý Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mỗi chúng ta, nhưng đó chưa phải là những cái tuyệt đối đáng cho ta coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái lại, chúng chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích thực của đời ta.

Thứ đến, phải cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình và chung quanh mình, nơi gia đình và trong xã hội. Đó là tỉnh thức, là cầu nguyện, là dọn đường cho Chúa ngự đến, như chúng ta thường hát trong Mùa Vọng theo lời Kinh Thánh : “Quanh co uốn cho ngay, Gồ ghề san cho phẳng, Hố sâu lấp cho đầy, Nơi cao phải bạt xuống”; “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21,25-28,34-36).

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì  biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.

Thật phù hợp khi Năm Thánh 2025 có chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng,” đang đến gần, đánh dấu một sự kiện tôn giáo trọng đại của Giáo hội Công giáo. Năm Thánh là một dịp để tha thứ và hòa giải, là thời điểm hoán cải và lãnh nhận Bí tích Hòa giải, nhất là sống hy vọng.

Ngày nay, khi tại nhiều nơi trên thế giới trật tự xã hội, chính trị và kinh tế bị chao đảo; và dưới nhiều hình thức, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục sống như thể không có Thiên Chúa. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi xác tín rằng: Dù sống giữa một thế giới hơn 8 tỷ người, với sự bấp bênh trước bao cảnh đau thương của chiến tranh, hận thù, nghèo đói, thiên tai, và thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta vẫn hy vọng vào Chúa. Vì chỉ có Chúa dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt tới chính Chúa.

Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21,34-36).

Sau cùng, sống hướng về ngày Chúa đến buộc ta phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào.

Lạy Mẹ từ ái, xin dắt chúng con bước theo Chúa trong hy vọng mọi nơi mọi lúc. Amen. mục lục.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

MONG CHỜ GẶP GỠ CHÚA KITÔ

Hôm nay, chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới, bắt đầu bằng Chúa Nhật Thứ nhất Mùa Vọng. Theo phụng vụ, Mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, kỷ niệm Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất. Việc Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất đã diễn ra khi Ngài trở thành con người. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, được cử hành vào dịp Lễ Giáng Sinh. Sự xuất hiện này đáp lại lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Thiên Chúa hứa sai Đấng Mêsia đến để cứu dân Israel cũng như mọi dân nước. Ngài đến để thiết lập hòa bình và công lý. Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta sẽ nghe những lời loan báo về Đấng Mêsia được các ngôn sứ nhắc lại. Tiên tri Giêrêmia, trong bài đọc thứ nhất, đã nói một cách rõ ràng: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Ngài sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: Chúa là sự công chính của chúng ta” (Gr 33: 15-16). 

1. Chuẩn bị gặp gỡ Chúa Kitô khi Ngài đến lần cuối cùng 

Lần đến của Chúa Kitô, được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, là lần đến cuối cùng của Ngài, không phải trong thân phận khó nghèo của một hài nhi yếu đuối, nhưng trong vinh quang, giữa mây trời: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 23:27). Ngôn ngữ được sử dụng ở đây hoàn toàn khác. Đó là ngôn ngữ thuộc thể loại khải huyền: kể về những thảm họa, chiến tranh, dịch bệnh, những dấu hiệu trên trời và dưới đất, những sự thật kinh hoàng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 23:25-26). Thực vậy, những dấu hiệu đó gợi lên những sự kiện có thật như đang diễn ra trước mắt chúng ta. Qua những hình ảnh kỳ vĩ và đáng sợ này, tác giả các bản văn Kinh Thánh mô tả sự qua đi của thế giới cũ và sự xuất hiện của một thế giới mới, một thế giới hoàn toàn được ngự trị bởi quyền năng của Thiên Chúa: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần…Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 23:31,33). Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ mà mọi người được mời gọi dự phần: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Titô 2:11) và: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4).

Đây là điều Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Ngôn ngữ khải huyền này nhắc nhở con người điều họ cần phải lo lắng: có được cứu độ hay không. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong các biến cố và trong những thay đổi của thế giới. Đó là một nhãn quan hạnh phúc mở ra trước mắt con người. Sự cứu rỗi này được thực hiện nhờ việc Con Thiên Chúa đến giữa loài người. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong nhân loại chúng ta và sự trở lại vinh quang của Ngài vào ngày tận thế là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất. Thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Chúa Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hípri 13: 8). Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu đã đến thế gian mang thân phận con người của chúng ta, chịu khổ hình, chết và phục sinh, chính là để cứu độ chúng ta, biến đổi con người của chúng ta thành một thọ tạo mới: “Chúa  Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình…Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 8: 15-17). Việc đó được thực hiện ngay từ bây giờ: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1: 15) và “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11: 20) và cuộc tái lâm của Chúa Kitô sẽ làm cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trở nên trọn vẹn: “Trên trời có những tiếng lớn nói rằng: Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Thiên Chúa chúng ta và Đấng Kitô của Ngài; Ngài sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 11:15). 

Hiện nay, nhờ phép thánh tẩy, mỗi người tín hữu đã được ban tặng sự sống mới từ Chúa Kitô tử nạn và phục sinh: “Anh em đã cùng được mai táng với Chúa Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Ngài, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Chúa Kitô” (Cl 2:12-13). Tuy nhiên sự sống ấy mới chỉ là khởi đầu, còn phải chờ ngày trở nên hoàn hảo: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3:3). Trong ngày Chúa Kitô trở lại lần sau cùng, ơn cứu độ đến với nhân loại và tâm hồn của mỗi người cách viên mãn như thánh Gioan minh định: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Chúa Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy” (1 Ga 3,2). Điểm đến trong tương lai của chúng ta đang được chuẩn bị ngay từ bây giờ trong cuộc sống hiện tại của chúng ta.

2. Chuẩn bị gặp gỡ Chúa Kitô khi Ngài đến với từng người

Mùa Vọng cũng là thời gian mỗi người chuẩn bị gặp gỡ Chúa Kitô khi Ngài đến với từng người, khi mỗi người rời bỏ thế gian này, bước ra trình diện Ngài. Ngày “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21:27) “sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (Lc 21:35) như thế nào thì ngày “Ta đứng trước cửa và gõ” (Kh 3: 20) cũng sẽ “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21:34). Để “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21: 36) mỗi người không có cách nào khác ngoài “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21: 36). 

Để sẵn sàng đón tiếp Con Thiên Chúa, mỗi người cần phải canh phòng, suy niệm Lời Ngài, cầu nguyện liên lỉ, xin Lời Ngài soi sáng các biến cố. Sự tỉnh thức giúp chúng ta nhận ra những dấu chỉ về sự Hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người, mọi biến cố chung quanh chúng ta và trong chính cõi lòng kín ẩn của chúng ta nữa. Nhờ đó chúng ta giữ vững được sự tin tưởng, niềm hy vọng và lòng mến dành cho Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta sẽ là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô bằng cách thực hiện một cuộc hoán cải thực sự, một cuộc đổi mới trái tim, cuộc sống và hành động của chúng ta để sẵn sàng ra gặp Ngài. Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy đề phòng và từ bỏ mọi hành vi thấp hèn, đừng để mình bị nuốt chửng bởi những lo lắng của cuộc sống: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21: 24).

Theo gương Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng khuyến khích các tín hữu Tesalônica và chỉ cho ra cho họ thái độ tỉnh thức cụ thể như thế nào: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Ngài” (1 Tx 4:3-8). 

Tỉnh thức chờ đợi Chúa Kitô trở lại không phải chuyện dễ dàng. Trong những ngày đầu của Giáo hội, mọi người bị thu hút bởi lời hứa Chúa Giêsu sẽ trở lại. Họ tập trung vào lời hứa ấy và mải miết đưa ra các suy đoán, đến nỗi bỏ bê mọi bổn phận thiết yếu hàng ngày của họ. Các bài đọc trong Mùa Vọng bảo chúng ta đừng lãng phí thời gian vào những lời tiên đoán. Mùa Vọng không dành cho sự suy đoán. Mùa Vọng kêu gọi chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, không bị đè nặng và mất tập trung bởi những đa đoan của thế gian này, nhưng chúng ta không được bỏ bê các nhiệm vụ trần thế của mình vì lợi ích của mọi người, cần phải tiếp tục công việc sáng tạo do Thiên Chúa khởi xướng: “Hãy gắng giữ hoà khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình, như chính tôi đã truyền cho anh em. Như vậy, lối sống của anh em sẽ được người ngoài cảm phục, và anh em sẽ không cần nhờ đến ai” (1 Tx 4:11-12).

Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu Tesalônica hãy trung thành và vững vàng trong đức tin và sống một đời sống tiết độ, phù hợp với ơn gọi của mình, từ bỏ tội lỗi và các việc làm tối tăm: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5:4-6). 

Nhưng trên hết, Thánh Phaolô cầu xin Chúa ban cho các tín hữu một tình yêu ngày càng mãnh liệt và tràn đầy: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (1 Tx 3: 12). Tình yêu đích thực biến đổi cuộc sống của các tín hữu và làm cho mọi nỗ lực của họ có kết quả: “Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Ngài” (1 Tx 3:13). mục lục.

Phêrô Phạm Văn Trung

HÃY HIÊN NGANG ĐỨNG ĐỢI NGÀY CHÚA ĐẾN!

Kính thưa anh chị em,

Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã kết thúc năm phụng vụ, chu kỳ của năm B. Đã có kết thúc thì có khởi điểm; và khởi điểm của năm phụng vụ thường bắt đầu bằng Chúa Nhật tuần này, tuần thứ nhất mùa Vọng. Trong năm phụng vụ mới 2025, chúng ta sẽ được nghe nhiều bài Tin Mừng trích dẫn trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca, Tin Mừng của Lòng Thương Xót.

Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thánh sử Luca đã cảm nhận lòng thương xót và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa; Đấng yêu thương hơn là oán phạt. Cụ thể, trong chương 15, chúng ta nhận ra đặc tính của Thiên Chúa: Người tìm kiếm, tha thứ, yêu thương, đón nhận, vui mừng và hân hoan đón tiếp chúng ta hơn là án phạt. Giả như, có chỗ nào nói đến án phạt và sự công minh của Thiên Chúa thì cũng chỉ là kiểu nói giáo dục để giúp chúng ta sống ngay thẳng và tốt lành hơn mà thôi. Vì thế việc khám phá Thiên Chúa là tin vui, nhân từ và hay thương xót là việc mà chúng ta cần làm trong năm nay.

Khi viết tới đây, tôi nhớ đến một sự kiện xẩy ra trong lớp giáo lý trẻ em như sau. Trong khi ma-sơ đang thao thao bất tuyệt giảng giải về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì ở cuối lớp có một em bé dường như đang bị chia trí với bản vẽ trước mặt. Tò mò sơ tiến lại gần và hỏi em đang vẽ gì? Em trình bầy bản vẽ và thưa với sơ rằng con đang vẽ hình ảnh của Thiên Chúa. Sơ ngạc nhiên hỏi lại em đã nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ đâu mà vẽ. Em bé nhìn ma sơ, với niềm xác tín rồi trả lời rằng chỉ còn vài phút nữa ma sơ sẽ thấy hình của Thiên Chúa.

Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Câu trả lời của em nhỏ cũng là câu trả lời của mỗi người chúng ta.

Anh chị em cảm nhận Thiên Chúa là ai? Chúng ta nhận như thế nào sẽ trao ban như thế. Người có phải là tin vui, nguồn ơn tha thứ, lòng thương xót, nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta hay không? Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội trở lại các chủ đề này trong năm nay, để đào sâu lòng sùng mộ và yêu mến của chúng ta về một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót.

Thưa anh chị em,

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với ý nghĩa của Mùa Vọng. Hầu hết những người tín hữu đều biết về ý nghĩa của mùa vọng. Đây là thời gian chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Đức Giê-su. Sự hiện diện này đươc diễn tả qua 3 thời điểm: Người đã đến trần gian này hơn 2000 năm, mà lễ mừng là Lễ Giáng Sinh hàng năm. Người sẽ đến trong quang lâm đón chúng ta đi về nhà Cha và Người đang hiện diện giữa lòng đời và trong lòng người.

Nhìn cách trang hòang tại các trung tâm thương mại và những màn quảng cáo, không cần nhắc, anh chi em cũng biết lễ Giáng Sinh đã gần đến. Và Mùa vọng là thời gian để chúng ta chuẩn bị cho việc mừng Lễ.

Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ đến để thay thế trời cũ đất cũ. Ngày mà sự sống vĩnh cửu sẽ hiển trị và vuợt thắng sự chết. Ngày mà con người sẽ đuợc đổi mới toàn diện.

Thật ra, sự  biến đổi đã bắt đầu bởi cuộc giáng hạ và nhất là bởi sự sống lại của Con Thiên Chúa và trong hiện tại chúng ta đang sống để chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong “Ngày Chúa Đến”. Và không ai trong chúng ta biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Mong đợi với niềm hy vọng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài những điểm diễn tả việc tàn phá sẽ xẩy ra trên trái đất làm cho con người phải khiếp sợ, chúng ta cần ghi nhớ điểm quan trọng là sau cùng Thiên Chúa vẫn hiển trị. Cho dù các tai uơng trong hiện tại có xẩy ra như thế nào; nhưng cuối cùng vẫn là sự toàn thắng của Thiên Chúa. Vì giờ cứu chuộc mà Đức Giê-su đã khai mạc sắp hoàn tất. Vì thế, Kẻ sợ hãi thì lẩn trốn còn kẻ tin thì hiên ngang đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì giờ cứu chuộc đã gần kề.

Sau đó Đức Giê-su lại còn khuyên bảo chúng ta phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chèn chén say sưa hay lo lắng sự đời quá sức rồi ngày ấy sẽ như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu chúng ta.

Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Vì thế, trong phần sau của bài Tin Mừng, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ chai đá. Rồi những lo âu thái quá làm cho cuộc sống của chúng ta bị quay như chóng chóng, mất đi phương hướng và quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì!

Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Vì thế, chúng ta nên lập ra một chương trình làm việc trong mùa Vọng này. Đây là thời gian hồng ân, đây là thời điểm mà chúng ta làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn; tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày ấy sẽ như một chiếc lưới, ập xuống trên mọi cư dân trên khắp mặt đất.

Trước lời cảnh báo như thế, chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. Chúng ta đừng để mình bị "chộp bắt" bất thình lình, như con thú bị sa lưới.

Hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, luôn cảnh giác. Việc không biết ngày nào sẽ xảy đến, không đặt chúng ta nằm trong trạng thái thụ động , lười biếng, trễ nải, nhưng làm cho chúng ta trở thành những con người hiên ngang đứng thẳng người trong trạng thái sẵn sàng!

Qua những lời trên, Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến! Và cầu nguyện là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa, càng gặp càng yêu và càng yêu lại càng muốn gặp; bằng không thì giống như cá thiếu nuớc, con người thiếu dưỡng khí. Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người gặp Chúa và gặp nhau.

Vì thế, đừng ngủ mê nữa. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Ngài gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Vì, Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình… tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến.

Hiện tại, Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến, vì chúng con đang đợi Người. Amen! mục lục.

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

MÙA VỌNG – MÙA CỦA DẤU CHỈ

Mùa Vọng nghĩa là mùa trông chờ, mong đợi Đấng sẽ đến, Đấng ấy là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai mà dòng dã lịch sử Israel là Lời Loan Báo, Thời Chuẩn Bị

Loan báo niềm hy vọng vào tương lai của ánh sáng, bình an, tình yêu và ơn tha thứ được Thiên Chúa thực hiện cho con người và qua con người; loan báo thời kỳ cứu độ với “trời mới, đất mới, nhân loại mới” nhờ cuộc tử nạn của Thiên Chúa làm người.

Mùa Vọng cũng là muà chuẩn bị: chuẩn bị con đường Chuá đến, bằng thay đổi đời sống; chuẩn bị mái nhà Chúa ngự bằng biến đổi con tim; chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ  bằng cởi mở tấm lòng.

Nhưng để Mùa Vọng trở thành lời Loan Báo và thời Chuẩn Bị, Thiên Chúa  ban những dấu chỉ, và chính những dấu chỉ đã làm cho  Mùa Vọng ngập tràn niềm hy vọng,  chất ngất niềm vui, bởi những dấu chỉ được ban ấy  đã hé lộ hạnh phúc được Thiên Chúa  yêu thương, cứu chữa  cho một nhân loại phải sống trong ghen ghét, hận thù, dưới ách thống trị của tội lỗi và thần dữ, và mặc khải mùa hồng ân “được  Thiên Chúa thương xót” cho hết thảy những người hèn mọn, nghèo khó,  yếu đuối, bệnh tật biết kính sợ và trông cậy  vào Thiên Chúa nhân hậu, Đấng “luôn nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Khởi đầu Muà Vọng, Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy  sẽ có những dấu chỉ, là “những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao”, và dưới đất là  “cảnh biển gào sóng thét” (x. Lc 21, 25).

Trước những dấu chỉ mang tính kỳ lạ, khác thường, người ta có nhiều chọn lựa và thái độ khác nhau: có người tỉnh bơ, coi thường, bất chấp và tiếp tục sống như không có gì xẩy ra; người  khác “lo lắng, hoang mang”, “sợ đến hồn siêu phách lạc” (Lc 21,26); cũng có người cho rằng các dấu lạ là điềm báo “quyền lực trên trời sắp giáng trên địa cầu”(Lc 21,26), và cuộc sống con người sắp bị rút ngắn, nên tự cho phép  thả cửa “ăn chơi”, hưởng thụ cuộc đời, “chè chén say sưa” (Lc 21,34).

Bên cạnh những tâm trạng và thái độ trên là tâm tình và thái độ Đức Giêsu muốn những ai đi theo Ngài phải chọn và sống:

1/ Tâm tình của người  được giải thoát, cứu độ:

Trong tất cả bài đọc phụng vụ của chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta không thấy màn đêm thất vọng, bi quan hay bóng tối sợ hãi, bỏ cuộc. Trái lại, chính lúc những  dấu chỉ xem ra không mấy thuận lợi ồ ạt xẩy ra, thì “Con Người đầy quyền năng và vinh quang  ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27); vào thời mà nhiều biến cố làm xáo trộn cuộc sống “bất thần chụp xuống” lại là lúc “anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Tin Mừng khẳng định: sở dĩ người ta hoang mang, sợ hãi, buông xuôi, tuyệt vọng trước những dấu chỉ không phù hợp với ý riêng, sở thích, đam mê, vì trái tim họ không được Thần Khí của Thiên Chúa cự ngụ để có thể cảm nhận  qua những dấu chỉ công trình tốt lành sắp được thực hiện của Thiên Chúa, như phần đông dân Do Thái đã không nhận ra qua  sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia lời hứa của Thiên Chúa: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít”, và  “Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp” (Gr 33,15.16); cũng như phần đông người đương thời với Đức Giêsu dù đã được nhìn thấy những “điềm thiêng dấu lạ”  như “Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau” (Mt 8,16), truyền cho sóng gió yên lặng (x; Mt 8,23-26), hoá bánh ra nhiều (x. Mt 15, 32-39), biến nước lã thành rượu ngon (x. Ga 2, 1-10), họ vẫn không nhận ra “ Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,31).

Thực vậy, Thiên Chúa ban những dấu chỉ để chúng ta tin Ngài là Đấng Cứu Độ trung tín và nhân hậu, Đấng luôn giữ Lời Hứa thương xót, cứu chuộc và sẵn sàng mở lượng khoan dung với những ai tin vào Ngài. Vấn đề là chúng ta phải khiêm tốn nài xin Thần Khí  Thiên Chúa mở lòng, mở trí để mắt được nhìn thấy, và trái tim được cảm nhận “Chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 24, 5).

2/ Thái độ của người tôi tớ trung tín:

Hai đức tính cần thiết của người tôi tớ đáng được chủ tin tưởng, tín nhiệm là yêu mến gắn bó với chủ và tỉnh thức để sẵn sàng thực thi ý muốn của chủ bất cứ lúc nào.

Quả thực, đầy tớ trung thành không thể lạnh lùng, hờ hững với chủ như người xa lạ; cũng không thể lơ là, dửng dưng như kẻ bànq quan  không quan tâm  chăm nom, coi sóc, gìn giữ, vun xới gia nghiệp của chủ. Trái lại người tôi tớ được gọi là trung tín ấy phải biết và yêu mến chủ, đồng thời  phải rất tỉnh táo, bén nhạy,  năng động, xốc vác để bất cứ lúc nào chủ về, bất ngờ chủ cần đến,  bất thình lình chủ kiểm tra, đầy tớ ấy vẫn luôn sẵn sàng, “vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40), như Đức Giêsu đã căn dặn những ai muốn thuộc về Ngài.

Tin Mừng khởi đầu Mùa Vọng hôm nay mặc khải cho người môn đệ  thái độ cụ thể phải có, đó là: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28).

“Đứng thẳng” vì không sợ hãi, nhưng tuyệt đối tin tưởng vào Đấng Cứu Độ toàn năng đang đến cứu giúp, giải thoát  và  “ngẩng đầu” để  “nâng tâm hồn lên cùng Chúa”, cầu xin Ngài “đoái nhìn và xót thương” (Tv 24,1.16) như tôi tớ trung thành tín thác,  trông cậy vào lòng tốt của chủ mình.

Như thế, “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” chính là “luôn tỉnh thức và cầu nguyện  hầu đủ sức thoát khỏi khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36), tức “được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3, 13), bằng “san phẳng con đường dẫn chúng ta đến với anh em” (1 Tx 3,11),  bằng chan hoà, cởi mở với mọi người, và san sẻ, chia sớt cơm bánh với người cơ cùng, thiếu thốn.

Mùa Vọng năm nay trở về giữa thời Covid như dấu chỉ chẳng mấy tốt lành, không mấy khác cảnh “biển gào sóng thét” đã làm muôn dân lo lắng, hoang mang như Tin Mừng Luca kể lại. Nhưng với niềm xác tín: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, và ý muốn thánh thiện của Ngài là yêu thương, cứu độ hết mọi người, nên trước bất cứ dấu chỉ xấu tốt, lành dữ nào, chúng ta vẫn “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” tìm Chúa; đều cố gắng tỉnh thức làm theo ý Chúa và cầu xin “cho tình thương đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” ( Tx 3, 12), để được Chúa phù trợ và ban ơn “bền tâm vững chí”, xứng đáng là người môn đệ thân thương, tôi tớ trung thành của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu đã đến trong thế gian. mục lục.

Jorathe Nắng Tím

SẴN SÀNG CHO NGÀY CHÚA TRỞ LẠI

Hôm nay chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới. Sau Mác-cô, bây giờ thánh Lu-ca sẽ nói cho ta về mầu nhiệm Đức Giê-su. Ngay Chúa nhật thứ nhất này, chúng ta đã được ném về “đằng trước”. Thời gian mùa Vọng là thời gian Đức Kitô “đến”: Người đã đến tại Bê-lem ngày Giáng sinh... Người đang đến trong mỗi biến cố và mỗi bí tích... Người sẽ đến vào thời tận cùng...

Ngày Chúa Vinh Quang Trở Lại

Bài Tin Mừng mở đầu với việc Đức Giê-su loan báo ngày Quang lâm. Để “mô tả” Ngày đó, Người dùng một thể văn đặc biệt gọi là thể văn “khải huyền”. Thể văn này đã xuất hiện tại Ít-ra-en hai thế kỷ trước Đức Giê-su và sẽ kéo dài sau đó một thế kỷ nữa. Văn phong Thánh kinh này tiếp nối phong trào ngôn sứ. Lúc ấy, tất cả mọi hy vọng của các ngôn sứ đều đã bất thành: thay vì độc lập, dân Ít-ra-en bấy giờ sát nhập và lệ thuộc các đại đế quốc ngoại giáo kế tiếp nhau, khiến người ta có cảm tưởng là lịch sử đã vuột khỏi bàn tay Thiên Chúa. Đấy là một cớ vấp phạm và một cơn thử thách cho đức tin. Thành thử trào lưu khải huyền trước hết muốn giúp tái sinh niềm hy vọng, bằng cách la to hơn nữa, ngay cả trong thất bại, sứ điệp của các ngôn sứ: Thiên Chúa là chủ lịch sử, Người sẽ có tiếng nói sau cùng! Vì chẳng biết Thiên Chúa sẽ toàn thắng sự dữ thế nào, nên người ta mô tả bằng cả một ngôn ngữ quy ước, với những hình ảnh vũ trụ vĩ đại và ngoạn mục.

Theo ngôn ngữ truyền thống này, ba không gian lớn đều bị rung chuyển: trời, đất, biển. Hỗn mang như giáng xuống vũ trụ, để một “thế giới mới” được tạo thành. Nơi I-sai-a (13,9-10; 34,3-4) chính những hình ảnh khủng khiếp này cũng được sử dụng để mô tả ngày tàn của Ba-by-lon: một bằng chứng cho thấy không nên hiểu chúng theo mặt chữ. Thiên Chúa đã sáng tạo thì Người chỉ có thể hoàn thành chứ không thể tiêu diệt! Hình ảnh “các ngôi sao từ trời rơi xuống”, “mặt nhật chẳng còn chiếu rạng” chỉ muốn nói Thiên Chúa là chủ tể và ngày Người đến sẽ làm rúng động và biến đổi vũ trụ (theo nghĩa tích cực). Chớ quên rằng phần lớn các dân tộc Đông phương cổ thường tôn thờ tinh tú như các hữu thể siêu nhiên, thống trị thế giới và quyết định vận mạng của loài người. Cứ nghĩ tới sự thành công (ngay cả trong thời hiện đại) của tử vi và chiêm tinh thì đủ hiểu. Nhưng nếu chư dân tôn thờ các thần dổm đó, thì Ít-ra-en trong các khải huyền của mình, tuyên bố rằng chúng chỉ là những tạo vật của Thiên Chúa, sẽ phải run sợ trước uy danh Người trong Ngày chung thẩm. Lần cuối cùng Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử loài người sẽ mang tầm mức vũ trụ và có tính cách quyết liệt.

“Muôn dân sẽ lo lắng hoang mang... Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc...”. Khác với Mác-cô trong đoạn song song nghe cách đây 15 ngày (CN 33 TN năm B), Lu-ca nêu bật hơn các phản ứng của con người trước các “biến cố-dấu chỉ”: đây là một thảm kịch nhân loài hơn là một đảo lộn vũ trụ. Con người mọi thời đều bị cám dỗ hủy diệt “thời gian”, vì coi nó đồng nghĩa với bất ổn. Chúng ta không thích “biến cố”, nghĩa là cái không thể dự kiến, cái bất ngờ, và thường lo sợ điều bí ẩn. Do đó mà có những khuynh hướng bảo thủ, duy truyền đủ loại, cố gắng làm tất cả để không gì “xảy đến”, chẳng gì “đổi thay”. Thế nhưng tất cả Kinh Thánh lặp lại với chúng ta rằng “biến cố” là cuộc “tỏ mình của Thiên Chúa” thật sự: Thiên Chúa đến, Thiên Chúa can thiệp qua sự kiện này. Việc vũ trụ lay chuyển là một biến cố đáng sợ, gây hốt hoảng... tuy nhiên đó là “dấu chỉ” cho thấy Người “đến trên mây trời”.

Kể ra không thiếu những nhà “tiên báo đại họa” chuyên loan cho chúng ta những tai biến tương tự hay tồi tệ hơn: nguy hiểm hạt nhân, nhân mãn địa cầu, gia tăng ô nhiễm, luân lý băng hoại v.v... từ đó tuyên bố ngày hủy diệt sắp tới và ai muốn được cứu thoát thì phải theo đường lối của họ, có khi đường lối này lại là tự sát (giáo phái “Chân lý tối cao” tại Nhật, “Thiên môn” tại Mỹ và “Đền mặt trời” tại Bỉ là những ví dụ). Phải chăng Đức Giê-su cũng chỉ là một trong các “tay nói gở”, sử dụng kinh hãi để lôi kéo thiên hạ theo mình? Không! Thay vì khai thác, Người giải tỏa nỗi sợ. Các “biến cố đảo lộn, thay vì chấm dứt tất cả, chỉ khai mào một thế giới mới, loan báo một cuộc  gặp gỡ. Tương phản với nỗi sợ của con người, này đây nổi lên hình ảnh chói lọi của Con Người trong chính vinh quang Thiên Chúa: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” Nói câu nầy, Đức Giê-su lấy lại “khải huyền của Đa-ni-en” (Đn 7,13-14)... nhưng biến đổi nó toàn diện. Vương triều của Thiên Chúa được Đa-ni-en chờ đợi sẽ chiến thắng kẻ thù của dân Ít-ra-en bằng một cuộc đột nhập dữ dội và lạ lùng của Thiên Chúa vào lịch sử qua nhân vật “Con Người đến trên mây trời”. Đức Giê-su đồng hóa mình với Con Người đó. Nhưng thay vì hủy diệt lịch sử, Con Người-Giê-su sẽ hoàn tất lịch sử và đem lại ơn cứu rỗi chung cục.

Biết Chuẩn Bị Sẵn Sàng

Thành thử bản văn Tin Mừng đúng là một sứ điệp hy vọng: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúng ta nhận thấy có hai cặp tương phản. Đối lại các thảm họa bề ngoài là cuộc quang lâm của Đức Giê-su. Đối lại cơn hoảng hốt của dân ngoại là việc ngửng đầu của các tín hữu. “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc... còn anh em, hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu...”. Sự tương phản này còn đậm nét hơn trong bản văn đầy đủ, bao gồm dụ ngôn nổi tiếng “cây vả loan báo mùa hè tươi đẹp” (Lc 21,29-30, bị phụng vụ loại bỏ ở đây).

Thành thử đối với nhiều người, cái xuất hiện như một sự phá hủy (“tận cùng” của Đức Giê-su trên thập giá, “tận cùng” của Giê-ru-sa-lem năm 70, “tận cùng” của mỗi người khi chết, “tận cùng” của các nền văn minh, “tận cùng” của vũ trụ: nghĩa là hết thảy mọi “biến cố” chết chóc) thì đối với Đức Giê-su và đối với mọi tín hữu tin lời Người, là chính khởi đầu của ơn cứu độ, của sự hoàn thành: “vì anh em sắp được giải thoát”. Bởi lẽ mầu nhiệm Vượt qua: chết-sống là khẳng định trung tâm của Đức tin.

“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,”. Chớ để mình bị bắt chợt bởi những lần Đức Giê-su “đến”, nhất là lần cuối cùng. Con tim chúng ta dễ ra nặng nề trong những lo lắng và cơn lốc mưu sinh, trong những bận tâm thái quá về vật chất trần tục: “Ngươi nặng nề lắm, dân Ta hỡi. Quá nhiều thức ăn trướng bụng ngươi. Quá nhiều đồ vật chiếm hữu ngươi. Quá nhiều yên ổn trói buộc ngươi. Quá nhiều phù phiếm cầm giữ ngươi. Quá nhiều ngớ ngẩn ngập tràn ngươi. Quá nhiều ảo tưởng quyến rũ ngươi. Ngươi nặng nề lắm, dân Ta hỡi. Hãy trở nên nhẹ nhàng. Hãy sẵn sàng ra đi!” (Charles Singer). Một chương trình hay cho Mùa Vọng: mùa làm nhẹ gánh, mùa tạo lòng thanh thản. Hãy giải thoát mình khỏi âu lo thái quá về chuyện ăn chuyện mặc! Những lời Tin Mừng này quả đã được viết cho thời đại và cho nền văn minh tiêu thụ của chúng ta!

Chớ để mình bị “bắt chợt”, như con thú sập bẫy. Hãy “tỉnh thức”, luôn báo động, chẳng ngừng cảnh giác. Việc bất biết ngày “Quang lâm” không được làm chúng ta thụ động uể oải, nhưng biến thành những con người “đứng thẳng” mọi lúc! Qua những lời cuối cùng của bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với chúng ta rằng mỗi ngày đều là ngày Người đến! Nên trong viễn tượng này, việc cầu nguyện thay vì là một thái độ trốn chạy, lười nhác, lại là một thứ “tuần phòng” của chúng ta, giúp chúng ta khỏi rơi vào hoàn cảnh như nhân vật trong câu chuyện kết thúc bài suy niệm này:

Chuyện cổ Tây phương có kể tích anh chàng điên ở cung điện nọ được vua trao cho một “thanh quyền trượng”, biểu hiện của vương quyền, nhưng là để làm trò cười giải trí cho nhà vua. Vua phán: “Hãy giữ thanh quyền trượng này; khi nào ngươi kiếm được kẻ ngu dại hơn ngươi thì trao lại cho nó”. Anh chàng điên cười mà nhận. Và từ đó, mỗi khi có đại triều, y múa may cây vương trượng, dáng điệu ngông nghênh vênh váo, cố chọc cười mua vui cho nhà vua. Sau đó ít lâu, vua lâm bệnh nặng. Biết mình sắp chết, ông cho triệu chàng điên tới và buồn bã bảo chàng: “Ta sắp sửa đi du lịch một nơi xa lắm” - “Đức vua đi tận đâu?” - “Ta chẳng biết nữa” - “Đức vua đi có lâu không?” - “Đi hoài và không trở về đây nữa” - “Đức vua đã chuẩn bị hành trang chưa?” - “Chưa hề” - “Vậy xin Đức vua cầm lấy cái này”. Nói đoạn anh chàng điên trao lại cho nhà vua thanh quyền trượng. mục lục.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

MÙA HY VỌNG

(Tin Vui Đầu Năm Mới - Niên Lịch Phụng Vụ)

Một năm Phụng vụ mới lại về. Tôi đã từng ví ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng như là ngày Tết của đức tin. Tín hữu Công giáo Việt Nam đã quen với việc hái lộc Lời Chúa dịp đầu xuân dân tộc. Có thể nói rằng các bài trích đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I Mùa Vọng không phải là lộc hái mà chính là lộc ban cho đoàn con cái Chúa Công giáo. Xin được tuần tự mở lộc để không chỉ xem “Thánh phán” mà nhất là còn để thực thi “Thiên Ý”.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia (Gr 33,14-16): “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Israel và về Giuđa…” (33,14). Điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban đó là sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính. Đấng ấy sẽ giải cứu dân và cho dân được an cư lạc nghiệp bằng các chủ trương, chính sách, luật lệ đầy chính trực và công minh.

Đây là một tin vui, một sứ điệp tràn trề hy vọng. Thế nhưng sứ điệp ấy đã ứng nghiệm cách đây hơn hai ngàn năm nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy còn gì để mong, còn gì để chờ? Xin thưa vẫn còn. Chúa Kitô đã từng hứa rằng “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Công Chính mãi ở cùng nhân loại chúng ta cách huyền nhiệm nơi thánh Phaolô, người đã từng khẳng định: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20). Xin đừng quên, mang danh Kitô hữu thì phải có trách vụ làm cho Đức Kitô hiện diện nơi con người và cuộc sống của mình, nghĩa là hãy làm cho mình, cuộc sống của mình trở thành sứ điệp của niềm hy vọng.

Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Thêxalônica: hãy bền tâm vững chí trong sự thánh thiện, tấn tới nhiều hơn nữa trong việc yêu thương nhau hầu xứng đáng đón chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Ngày Chúa Kitô tái lâm là ngày tận thế thì không một ai có thể biết, tuy nhiên cái ngày mỗi người chúng ta ra khỏi trần gian này thì có thể lường đoán cách nào đó vì nó có giới hạn. Vấn đề đặt ra là thái độ của chúng ta khi đón Chúa đến. Và thái độ ấy tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta.

Bài trích Tin mừng thánh Luca Chúa Nhật này tường thuật việc Chúa lại đến để cứu độ chúng ta, ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúa Kitô khẳng định sự thật này: “Khi những biến cố ấy (những điềm lạ của thiên nhiên) bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Chúa đến để ban ân phúc thì chúng ta phải hân hoan vui mừng. Tuy nhiên cần phải tỉnh thức, canh chừng để khỏi vuột mất ân phúc Chúa ban tặng. Sứ điệp Chúa Kitô muốn nhắn gửi chúng ta là hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đừng để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Qua các mệnh lệnh của Chúa Kitô trên đây chúng ta có thể xếp thành hai chuỗi động thái hữu quan như sau:

1.Đứng thẳng: đây là động thái dứt mình khỏi hố sâu tội lỗi, hay những đam mê bất chính mà cụm từ “chè chén say sưa” minh họa. Để có thể đứng thẳng lên, nghĩa là ra khỏi tình trạng tội lỗi thì tiên vàn phải biết mình, một kiểu biết theo ngôn ngữ triết học là phản tỉnh và ngôn ngữ đạo đức là tỉnh thức. Đức giáo hoàng Phaolô VI đã từng nhận xét rằng cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội. Không ý thức việc mình vấp té thì sẽ không bao giờ có chuyện chỗi dậy. Không biết mình ngã quỵ thì không bao giờ có chuyện đứng lên.

2.Ngẩng đầu lên: Đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn trong nièm hy vọng. Thiên Chúa dựng nên mọi sự ở trần gian này đều là tốt đẹp (x.St 1). Tuy nhiên thần dữ đã ma mãnh sử dụng những thiện hảo giới hạn, chóng qua để kìm giữ con người không vuơn lên đến với nguồn của mọi thiện hảo. Là người, chúng ta phải chu toàn những sự ở đời này, nhưng đừng để chúng trói buộc chúng ta không cho chúng ta hướng thượng, bay lên. Chúa Kitô đã từng lập luận kiểu so sánh mạng sống với của ăn, thân thể với áo mặc, để dạy bảo chúng ta phải biết kiếm tìm thiện hảo cao hơn và cao nhất là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x.Mt 6,25-34). Và Người đã cảnh tỉnh rằng nhiều khi chúng ta đã để cho cái việc “lo lắng sự đời” trở nên nguyên cớ khiến chúng ta đánh mất vĩnh phúc.

Để có thể thoát khỏi những ràng buộc của những thiện hảo hữu hạn thì không gì hơn là phải biết ngẩng đầu lên. Cầu nguyện chính là cách thế ngẩng đầu lên, chiêm ngắm, gặp gỡ Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Gặp được Đấng ban ơn lành thì chúng ta sẽ dễ dàng tự do với các ơn lành. Tiếp xúc với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tự do với những thiện hảo hữu hạn và chóng qua.

Sứ điệp đầu năm đã tuyên ban hay nói như anh em lương dân là quẻ đã mở: một sứ điệp tràn trề hy vọng. Không phải ngồi chờ quẻ ứng, Kitô hữu chúng ta đón nhận sứ điệp là phải sống, phải gắng công, nỗ lực làm cho sứ điệp thành hiện thực. Đó là đứng dậy ra khỏi tình trạng tội lỗi, ngẩng đầu lên trong sự hướng thượng, vươn tới những giá trị cao cả, để trở nên một dấu chỉ hy vọng cho tha nhân bằng tình yêu trong sự công mình chính trực hay nói như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là bằng “Bác Ái trong Chân Lý”. mục lục.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.