SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA CHAY_C

16-03-2025 309 lượt xem

Lời Chúa: St 15,5-12.17-18; Pl 3,17–4,1; Lc 9,28b-36

Click vào mục lục

“BIẾN ĐỔI ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA HƠN” – + ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

AI CÓ MẶT TRONG BỨC TRANH HIỂN DUNG – Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

CĂN TÍNH THẦN LINH VINH QUANG CỦA CHÚA KITÔ – Phêrô Phạm Văn Trung

CHÚA BIẾN HÌNH ĐỂ BIẾN ĐỔI TA – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ.

MẶC KHẢI VINH QUANG - Anna Cỏ May

DUNG MẠO ĐỔI KHÁC – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

XIN BIẾN ĐỔI ĐỜI CON – Anna Têrêsa Thuỳ Linh.

“BIẾN ĐỔI ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA HƠN”

+ ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

AI CÓ MẶT TRONG BỨC TRANH HIỂN DUNG

Chúng ta chú ý đến các nhân vật trong bức tranh hiển dung:

1. Ông Môsê: Người được Thiên Chúa chọn để đem dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập; Người nhận từ tay Thiên Chúa Bia Đá khắc Mười Giới Răn. Giới răn vừa là dấu chỉ Giao Ước vừa tượng trưng cho Lề Luật mà Thiên Chúa đòi dân của Ngài phải tuân giữ. Ông Môsê còn là người hướng dẫn dân tiến về miền đất mà Thiên Chúa đã hứa với Abraham xưa….

2. Ông Êlia: là ngôn sứ vĩ đại được giao sứ mạng củng cố lòng tin của dân vào lời hứa của Giao Ước mà Thiên Chúa đã cam kết với tổ tiên của họ là các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop. 

3. Ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan: đại diện cho những người theo Chúa Giêsu nhưng dệt cho mình một hy vọng, đúng hơn, một ảo tưởng, rằng Chúa Giêsu sẽ là Mêsia kiên cường, mạnh mẽ. Chúa sẽ thiết lập quốc gia và trở thành nhà lãnh đạo anh hùng và oai hùng. 

Nhưng mấy ngày trước, Chúa Giêsu lại nói về cuộc khổ nạn của chính Chúa ở Giêrusalem. Chúa sẽ chịu nhiều đau khổ, bị loại trừ và bị giết chết.

Hình ảnh Đấng Mêsia huy hoàng, thống lãnh và thống trị quốc gia bỗng nên thất vọng bi ai, ước mơ sụp đổ. Khổ đau bắt đầu hành hạ họ. Sao Thầy lại bị giết? Sao Thầy phải thất bại? Sao Thầy với bao nhiêu phép lạ, bao nhiêu lời rao giảng đầy cuốn hút cuối cùng lại thua cuộc ê chề?

Giữa lúc hoang mang tột cùng ngự trị tâm hồn các tông đồ thì Chúa lại gọi thánh Phêrô, thánh Giacôbê và thánh Gioan cùng Chúa lên núi.

4. Chúa Giêsu: Cả Môsê và Êlia đều có mặt bên Chúa Giêsu. Như vậy, Tân Ước không cần phải là hai nhân vật như Cựu Ước, mà chỉ một mình Chúa. Chúa vừa là Môsê Mới và là Êlia mới của thời đại mới, Thời Cứu Độ. Có nghĩa là Lịch Sử hay Giao Ước Cứu Độ, từ nay chỉ cần một mình Chúa Kitô là đủ. Chúa vừa là Giao Ước mới, vừa là lề luật mới. 

Vì thế, Lời Chúa Giêsu là Lời đặc biệt quan trọng với mỗi chúng ta. Đó là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang ơn cứu độ cho chúng ta. Lời ấy là Lời Giao Ước vĩnh cửu, đưa ta vào huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa, để ta được sống trong Chúa, sống bằng chính sự sống của Chúa. 

Bởi Lời Chúa Giêsu có tầm mức quan trọng và cần thiết đến như thế, nên Thiên Chúa không ngừng tuyên phán: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. 

Như vậy, với phán quyết long trọng và công khai ấy, Thiên Chúa cho chúng ta biết, từ nay trở đi, vâng nghe lời Chúa Giêsu là sống Giao Ước Mới, là chu toàn trách nhiệm của lề luật mới. Bởi vậy, sống Lời Chúa Giêsu là điều kiện tối cần thiết, không thể bỏ qua của cả cuộc đời người kitô hữu.

5. Cùng với các Tông đồ, chúng ta tin tưởng Chúa Giêsu: Chúng ta xác tín, Chúa Giêsu chính là vị Cứu Chúa của nhân loại. 

Chúa Giêsu là chủ lịch sử. Chúa Nối kết mọi thời gian. Khi mạc khải sự Phục Sinh vinh hiển, Chúa trao cho các Tông đồ niềm tin và hy vọng, không phải chiến thắng nơi quốc gia, nhưng là chiến thắng của niềm vui cứu độ, là lẽ sống của loài người, là sự sống chứa chan của lịch sử và xuyên lịch sử đến mọi thời, mọi hoàn cảnh, đến từng con người khắp gian trần.

Sự xuất hiện của hai nhân vật đỉnh điểm trong Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia cho thấy Chúa Giêsu là chính Đấng phải đến mà từ ngàn xưa họ và cả Cựu Ước tiên báo và hướng về. 

Sự xuất hiện của họ trong giờ này là hiệu lệnh buộc chúng ta đừng hướng về họ như là thành phần cốt cáng, mà hãy quay nhìn Chúa Giêsu, trung tâm lịch sử, sự hiện diện mới của Thiên Chúa tình yêu và cứu độ. 

Chúng ta hãy theo các Tông đồ để nhận lấy ánh sáng hiển dung từ chính Đấng Cứu Độ. Nếu cuộc hiển dung xưa giúp đoàn môn đệ đương đầu với thánh giá, thì nay, khi được sống mầu nhiệm hiển dung của Chúa, chúng ta xác tín không ngơi nghỉ rằng, một khi bước theo Thầy Giêsu là chấp nhận bước đến cùng của con đường Thánh giá.

Chúng ta dâng hiến lên Chúa mọi thử thách, mọi chông gai đời mình để vâng phục thánh ý Chúa hết mọi ngày của cuộc đời mà Chúa ban cho. Chúng ta hy vọng vào Chúa là hy vọng ánh sáng của ngày phục sinh phía sau thánh giá đầy khó khăn đòi nỗ lực, phấn đấu và vượt qua. mục lục

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

CĂN TÍNH THẦN LINH VINH QUANG CỦA CHÚA KITÔ

Trong trình thuật Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu biểu lộ thiên tính của mình cho các môn đệ thân thiết nhất. Chúa Giêsu cho thấy Ngài là Đấng vinh quang, vượt trội hơn cả Môsê và Êlia, vốn là những nhân vật vĩ đại trong lịch sử của dân Israel thời Cựu Ước. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là để xác định lời công bố trước đó của Ngài về cuộc khổ nạn, cái chết và trên hết là Sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Cuộc biến hình của Chúa Giêsu cũng là để các môn đệ được chọn của Ngài biết rằng Ngài chính là Thiên Chúa vinh quang. Nhờ đó họ có thể từ bỏ ước mơ về một Đấng cứu thế chính trị, cùng với tham vọng trần tục cá nhân của họ, để kiên trung bước theo Ngài trong cuộc khổ nạn mà Ngài sắp trải qua. Cũng nhờ cuộc biến hình đó họ sẽ được củng cố trong những thử thách mà chính họ cũng sẽ trải qua sau này khi theo bước Thầy mình loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Thầy Giêsu của họ thực sự là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu thế được Chúa Cha sai đến để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Chúa Cha đã mặc khải điều đó qua những lời này: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài” (Lc 9: 35).

1. Ngắm nhìn và lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng biến hình

“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Ngài.” Đây cũng  là lời Chúa Cha đã công bố ngay từ đầu về Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan, mở đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3: 21-22). Vâng nghe lời Chúa Giêsu là lắng nghe Lời Ngài để Lời đó trở nên sống động trong cuộc sống chúng ta. Để được như vậy, chúng ta phải suy ngẫm Lời của Ngài, làm theo Lời của Ngài, ngày càng trở nên gần gũi với Ngài, đem lại niềm hứng khởi cho mọi việc chúng ta làm, giúp chúng ta trở thành những môn đệ thân tín của Ngài. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta mẫu gương của Abraham được biến đổi thành người thân tín của Thiên Chúa: “Chúa phán với ông Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi… Ông Abram ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12: 1,4). Abraham trở thành người được Thiên Chúa ký kết giao ước vì vâng nghe lời Thiên Chúa: “Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Chúa lập giao ước với ông…” (St 15: 17-18). Đó là giao ước đầu tiên mà Thiên Chúa ký kết với con người, với dòng giống Abraham, như một phần thưởng cho lòng tin và việc ông vâng nghe lời Thiên Chúa: “Chúa phán với ông Abram trong một thị kiến rằng: Hỡi Abram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn… Chúa đưa ông ra ngoài và phán: Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! Ông tin Chúa, và vì thế, Chúa kể ông là người công chính” (St 15:1,5).

Chúng ta ngày nay cũng vậy, vâng nghe lời Thiên Chúa là đồng ý thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta, vốn có xu hướng quy về cái tôi ích kỷ của mình, của gia đình riêng tư, của đoàn thể, của phe nhóm, đảng phái của mình…Vâng nghe lời Thiên Chúa là cắt tỉa, thay đổi lối sống, hoán cải tâm hồn, bước theo Ngài trong “cuộc xuất hành mà Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” để làm cho cuộc sống của chúng ta tỏa sáng, trong ánh sáng “rạng ngời vinh hiển…vinh quang của Chúa Giêsu” (Lc 9: 31-32).

Ánh sáng rạng ngời tỏa ra từ khuôn mặt Chúa Giêsu cho thấy căn tính thần linh của Ngài, không chỉ trong cuộc Biến hình, mà mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi Ngài ẩn mình trong bánh thánh. Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, ở trước Mình Thánh Chúa, chúng ta có ý thức mình đang ở trước Thiên Chúa hiển vinh không?

2. Cùng Chúa Kitô biến đổi mỗi ngày

Môsê và Êlia xuất hiện cùng với Chúa Giêsu, rất sống động: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Ngài, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9: 30-31). Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, và Sự Phục Sinh - sự sống đời sau - là có thật! Điều này quan trọng vì vào thời Chúa Giêsu, nhiều người, như nhóm Xa đốc, không tin vào sự phục sinh. Tất nhiên các tông đồ chưa thể hiểu điều này, do vậy các ông có phản ứng hoàn toàn trần tục, hoàn toàn con người: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33).

Chúng ta đón nhận Chúa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày? Liệu chúng ta có tin Ngài thực sự là Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến Sự Phục Sinh - sự sống vĩnh cửu - không, hay chúng ta chỉ muốn Ngài là người giúp đỡ chúng ta giải quyết những vấn đề trước mắt, những nhu cầu cụ thể hằng ngày? Nếu chúng ta chỉ cầu xin Chúa ban những của cải thế gian này, thì chúng ta cũng giống như Phêrô muốn bám víu vào cõi trần này, “dựng ba lều…chúng con ở đây, thật là hay” (Lc 9: 33). Đây là phản ứng của phàm nhân, của thế gian. Ngược lại, nếu chúng ta đón nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, và chúng ta đặt niềm tin cậy vào Ngài, thì ân sủng của Đấng mà “dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục Ngài trở nên trắng tinh chói loà” (Lc 9: 29) sẽ có thể hoạt động trong chúng ta và làm cho cách cư xử hằng ngày của chúng ta đổi khác, trở nên trắng tinh, được sự hiện diện của Thiên Chúa như “đám mây bao phủ” (Lc 9: 34), đưa vào cõi đời đời “rạng ngời vinh hiển… nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu” (Lc 9: 31-32).

Trong mỗi Thánh lễ, bánh và rượu chúng ta dâng trên bàn thờ được “biến hình”, biến đổi thành Mình và Máu sống động của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chết và phục sinh vinh hiển. Cũng như Cuộc biến hình của Chúa Giêsu đã củng cố các tông đồ trong thời gian thử thách, thì mỗi Thánh lễ, nhất là trong Mùa Chay thánh này, là nguồn sức mạnh từ trời cao dành cho chúng ta để chống lại những cám dỗ và đổi mới chúng ta.

3. Được biến đổi nhờ cầu nguyện và năng lãnh nhận các bí tích

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chính “Đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài” (Lc 3: 21-22) và hôm nay cũng vậy, chính “Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác” (Lc 9:29). Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ rõ: “Cầu nguyện, cầu nguyện luôn thay đổi thực tại, chúng ta đừng quên rằng: cầu nguyện có thể thay đổi mọi thứ hoặc thay đổi trái tim chúng ta, nhưng cầu nguyện luôn thay đổi” (Vatican - 9 tháng 1 năm 2019)

Khi chúng ta cầu nguyện và đón nhận Chúa Kitô làm Đấng Cứu Độ của mình, chúng ta được biến đổi nhờ sự sống thần linh của Ngài trong chúng ta, chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa. Sự sống này hoạt động trong chúng ta và biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Chúa Kitô. Được biến đổi nên giống hình ảnh Chúa Kitô có nghĩa là được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô phục sinh và vinh hiển, trở nên giống Ngài: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định. Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8: 28-29).

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói ngài đã được dạy “cầu nguyện như một người con chứ không phải tìm kiếm viên kẹo an ủi... Cầu nguyện mở lòng với Chúa, và khi Chúa Thánh Thần ngự vào, Ngài thay đổi cuộc sống của bạn từ bên trong. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện: mở lòng và tạo không gian cho Chúa Thánh Thần…Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi trái tim chúng ta, ngự vào trái tim chúng ta và biến đổi nó” (www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-10).

Cụ thể hơn, mỗi ​​lần chúng ta lãnh nhận Bí tích, chúng ta được biến đổi. Bí tích Rửa tội biến đổi chúng ta thành con cái của Thiên Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Bí tích Thêm sức biến đổi chúng ta thành đền thờ của Chúa Thánh Thần và là chiến binh của Thiên Chúa. Bí tích Hòa giải, nhất là trong mùa Sám hối và chay tịnh này, Thiên Chúa đưa tội nhân trở lại con đường thánh thiện. Sự Biến hình của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một thông điệp khích lệ và hy vọng. Trong những lúc nghi ngờ và trong những khoảnh khắc đen tối tuyệt vọng đường cùng, suy ngẫm về sự biến đổi của chính chúng ta trên Thiên đàng sẽ giúp chúng ta vươn tới Thiên Chúa như lời an ủi của thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3:20-21). 

Chúng ta có thể có  kinh nghiệm “lên núi cầu nguyện” trong cuộc sống của mình, như kinh nghiệm của Phêrô, Giacôbê và Gioan, khi chúng ta dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện trong Mùa Chay thánh này. Chay tịnh có thể giúp chúng ta tích trữ sức lực tâm linh, thay đổi cách nghĩ, lối sống và có được mối tương giao thân tình, cao cả, quý giá với Chúa Giêsu, Đấng đã hứa: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1: 50), đó là: “Thành Thánh Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21:10). mục lục

Phêrô Phạm Văn Trung

CHÚA BIẾN HÌNH ĐỂ BIẾN ĐỔI TA

Nhìn xem và lắng nghe, chiêm ngắm và vâng phục, là những con đường dẫn chúng ta lên Núi Thánh. Ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong vinh quang của Chúa Con.

Chúa biến hình, loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta cũng biết biến đổi : biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người ; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa. Chúa biến hình, qua cuộc biến đổi này chúng ta trở thành một tạo vật mới với ân sủng của Chúa và dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Chúa biến đổi nhân loại qua

Nhân loại cũ bởi dòng dõi Adong kể như đã hư mất vì tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã ký kết với Abraham một giao ước dưới dạng một bản giao kèo theo tập tục các chiến binh thời đó: được đóng ấn bằng việc xẻ thịt một bò cái tơ, một dê cái và một cừu đực. Thiên Chúa nhận của lễ Abraham dưới hình dạng ngọn lửa thiêu biến đổi nhân loại cũ thành nhân loại mới. Theo giao ước này, nếu Abraham nhận Thiên Chúa là Chúa của mình và tin vào Ngài, thì Thiên Chúa sẽ ban cho ông hai điều: một dòng dõi đông đúc và một vùng đất rộng rãi phì nhiêu. Abraham tin và tuân giữ nên ông được như Chúa hứa ban. Nhân loại mới được hình thành.

Chúa biến đổi Phaolô

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã tường thuật về sự biến đổi cuộc đời mình khi gặp Đức Kitô Phục Sinh, đồng thời mời gọi họ noi gương ngài biến đổi. Từ một kẻ hung ác bắt bớ Hội Thánh, Phaolô được Chúa Ki-tô phục sinh biến đổi thành tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng. Ngài viết: “Anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi” (Pl 3,17). Ngài than phiền khi thấy còn nhiều kẻ chưa biến đổi như ngài, họ vẫn còn thờ cái bụng, thờ cái ô nhục của thế gian. Ngài đã khóc thương cho số phận của họ, vì nếu họ không biến đổi thì số phận họ sẽ hư vong là chắc. Ngài khẳng định: “Quê hương chúng ta là quê trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Pl 3, 20). Ngài cầu nguyện cho họ nhận ra quê hương thật ở trên trời để họ mong đợi Đức Giêsu Kitô đến biến đổi họ nên giống Người, sống khăng khít với Người. Đó là niềm vui và vinh dự thực sự của họ và của thánh Phaolô.

Chúa biến hình để biến đổi ta

Thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa ba ông lên núi cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện bỗng có hai vị đàm đạo với Người, là Môsê và Êlia. Việc Chúa Giêsu biến hình là mẫu gương cho mọi người noi theo để cố gắng biến đổi con người cũ thành con người mới. Chúa biến hình, loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Bốn thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

Trong lịch sử dân Chúa, chúng ta phải nhìn nhận ơn Chúa biến đổi phận người. Cụ thể như Abraham người thành Ur thuộc Mesopotamia đã từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa đang ổn định để đi tìm sự vất vả, sống thiếu thốn và khó khăn tiến về xứ Canaan. Trước mặt ông là dải sa mạc mênh mông, nắng cháy da diết, cỏ cây úa vàng, giọt nước quí hơn kim cương. Ông lùa đàn vật và dẫn gia nhân vào chốn vô định. Chúa đã biến đổi ông thành anh hùng lập quốc, được chúc phúc.

Phaolô, từ kẻ kiêu căng cuồng tín biệt phái, hung hăng bắt đạo, được biến đổi thành người Tông đồ Dân ngoại dễ mến dễ thương.

Lịch sử Giáo hội còn ghi nhận nhiều cuộc biến đổi khác. Có những vị từ gái giang hồ biến đổi thành thánh nhân, từ kẻ khô khan đến người sốt mến, từ người tham lam, hà khắc trở thành người rộng lượng và khoan nhân… Đó là những cuộc canh tân và biến hình đã, đang và còn tiếp tục xảy ra trong Giáo hội.

Lạy Chúa, xin biến đổi con. Amen. mục lục

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

MẶC KHẢI VINH QUANG

Hôm nay, trên núi cao, Chúa Giêsu đã biến hình. Ngài biến hình trong sự thánh thiện, biến hình để mặc khải vinh quang phục sinh và để cứu giúp con người. Ma quỷ nó cũng biến hình, nhưng kiểu biến hình là để nhằm cám dỗ và hủy hoại cuộc sống của con người.

Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện, dung mạo người bỗng thay đổi, y phục trở nên trắng tinh chói lòa, và có ông Môsê cùng ông Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Lúc Chúa Giêsu đang cầu nguyện thì các môn đệ đang ngủ. Một giấc ngủ mê mệt đã ập xuống trên các ông. Có lẽ cuộc đàm đạo diễn ra cũng không ngắn nên khi  các môn đệ thức giăc thì cuộc đàm đạo vẫn đang xảy ra. Do đó, các môn đệ được thấy dung nhan của Thầy. Tuy nhiên, để nhìn thấy và nhận ra trong ba người ai là Thầy của mình, các môn đệ cần có một sự tỉnh táo hẳn, tỉnh thật. Ngay cả khi tỉnh hẳn, các môn đệ vẫn còn lúng túng bàng hoàng. Phêrô thưa Thầy: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia” (Lc 9,33). Ông cũng không biết mình đang nói gì (x.Lc 9,33). Khi đứng trước những việc bất ngờ và tuyệt vời, thông thường người ta vẫn muốn giữ lại sự tuyệt vời ấy. Ông Phêrô cũng không là ngoại lệ, ông cũng muốn giữ lại dung mạo của Thầy nhưng không thể được, vì đó là cái mong muốn ích kỷ của ông chứ không phải ý của Thầy. Ngay lúc ông Phêrô đang nói thì có tiếng từ đám mây phán: “Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Tiếng phán từ trời xác tín một lần nữa Chúa Giêsu là con Thiên Chúa và kêu mời cac môn đệ vâng nghe lời Người. Tiếng phán vừa dứt lời, chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, mọi sự đã trở lại bình thường.

Chúa Giêsu nhìn thấy lòng hoang mang khủng hoảng của các môn đệ trong hành trình sứ mạng nên Ngài đã củng cố tinh thần cho các ông trước. Ngài đã cho các ông thấy vinh quang Thiên Chúa và niềm vui hạnh phúc Nước Trời là thế nào qua cuộc biến hình. Nhưng trước khi đạt tới vinh quang ấy, Chúa Giêsu phải chịu khổ hình thập giá và chết đau thương. Trong mầu nhiệm thánh này môn đệ nào cùng với Ngài vượt qua sự đau khổ thì sẽ được chung hưởng vinh quang. Tuy nhiên các môn đệ vẫn không hiểu ý Thầy, để rồi khi Thầy bị bắt, các môn đệ bỏ chạy hết.

Các môn đệ là những người được mắt thấy tai nghe, được sống gần Thầy mỗi ngày mà các ông vẫn còn kém lòng tin. Phần chúng ta là những người con sinh sau đẻ muộn thì phải làm sao đây? Chúa Giêsu đã hiểu điều đó và đã nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chúng ta đang cùng với Chúa Giêsu đi vào cuộc chiến thiêng liêng, cùng với Ngài vượt qua trần gian với tất cả thực tại cuộc sống, từ sự chết do tội lỗi đến sự sống vinh hiển bởi tình yêu Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta cần bước đi trong hy vọng, hy vọng được phục sinh với Chúa Giêsu và được nghỉ ngơi trong suối hồng ân là Nước Trời.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã biến hình để củng cố lòng tin cho các môn đệ. Ngày nay, Chúa xin Chúa cũng củng cố lòng tin yếu kém của chúng con. Xin cho chúng con trong Mùa Chay Thánh này biết dõi theo Chúa trên đường thương khó để nhờ đó, chúng con được chung hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Amen. mục lục

Anna Cỏ May

 

DUNG MẠO ĐỔI KHÁC

Lobsang Rampa là một thiền sư Tây Tạng (1910-1981) nổi tiếng thế giới với tác phẩm “Con mắt thứ ba” (Le troisième oeil. Collection “J'ai lu”. Viện Văn hóa Nghệ thuật VN đã dịch nó thành “Các Lạt ma hóa thân”). Ở trang 51-52 (bản Việt ngữ), tác giả viết rằng: “Theo khoa học Huyền môn, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ, một áo khoác bên ngoài của một linh hồn hay ‘Chân ngã’... Quanh con người có một vầng hào quang thô thiển phản ánh nguồn sinh lực bên trong. Một người thánh thiện hay khỏe mạnh thì hào quang sáng rõ, vươn ra cách thể xác vài phân. Một người tội lỗi hay yếu đuối thì hào quang mờ tối, thu sát vào thân thể. Khai mở Thần nhãn để quan sát vầng hào quang này, ta có thể biết được chân tướng mọi người mọi vật hay tình trạng sức khỏe của một người để chữa bệnh... Đúng kỳ sinh nhật thứ 9 của mình (tôi vô chùa lúc 7t), tôi được đưa vào một căn phòng đặc biệt. Bốn vị Lạt ma Trưởng lão trong đó có sư phụ tôi cũng đến đó truyền dạy cho tôi những phép bí truyền để khai mở Thần nhãn... Sau chín tháng công phu luyện tập, tôi đã thành công... Lần đầu tiên tôi mở mắt ra quan sát chung quanh, một kinh nghiệm lạ lùng xảy ra khiến tôi xúc động. Tôi thấy cả bốn vị Lạt ma Trưởng lão đều được bao phủ quanh mình bởi một hào quang chói lọi như ánh lửa. Về sau tôi hiểu rằng các vị Trưởng lão đã có một đời sống rất tinh khiết mới có được hào quang như vậy. Khi tôi khai mở Thần nhãn, tôi phát hiện những rung động khác nữa, xuất phát từ cái trung tâm hào quang đó. Nhờ đó tôi có thể đoán biết tình trạng sức khỏe của một người ra sao. Cũng như thế, bằng cách xem sự thay đổi màu sắc của hào quang, tôi có thể đoán biết kẻ đó nói thật hay nói dối.”...

Không biết trong câu chuyện Biến hình (hay Hiển dung) hôm nay, ba Tông đồ thân tín có được Đức Giê-su bất ngờ ban cho Thần nhãn như vị thiền sư Tây Tạng trên kia chăng? Nhưng dẫu có hay không, thì cuộc Hiển dung của Đức Giê-su (và chứng từ của Lobsang Rampa) tiết lộ cho chúng ta hai chân lý. Một là về Đức Giê-su, hai là về chính chúng ta.

Dung Mạo Của Đức Giê-Su

Trước hết có lẽ ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng trong đêm Biến hình như Lu-ca kể, thần tính của Đức Giê-su đã đột ngột làm vỡ tung các dáng vẻ phàm nhân của Người. Nhưng như được mạc khải cho ta, mầu nhiệm thần tính-nhân tính của Người không phải là việc đặt cận kề một cái bên trong và một cái bên ngoài, một nhựa sống sôi trào và một cái vỏ bình dị, song là một sự tương nhập trọn vẹn giữa hai. Ánh chói của Đức Giê-su hiển dung là một sự mạc khải vinh quang Thiên Chúa, vinh quang làm sáng tỏa một con người. Cuộc Hiển dung là lễ mừng các khả năng của con người được đẩy tới cực độ, lễ mừng cuộc thần hóa chúng ta.

Tác giả Tin Mừng chồng chất những nét huy hoàng: y phục trắng tinh chói lòa, Mô-sê và Ê-li-a rạng ngời vinh hiển, và cuối cùng là vinh quang Đức Giê-su. Nhưng lời ghi nhận đáng kinh ngạc thán phục nhất, dù vẫn rất kín đáo, đó là kỷ niệm mà ba môn đệ đã giữ về khuôn mặt Đức Giê-su: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác.” Ở đây, tác giả Hugues Cousin giải thích: “Mặc lấy vinh quang có nghĩa là tham dự vào sánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa hằng sống, được nâng lên địa vị siêu tôn; y phục trắng tinh như ánh chớp có nghĩa là Đức Giê-su đã tiến vào khung cảnh thiên đường. Như thế, Đức Giê-su như tạm thời mặc trước nguồn vinh quang phục sinh mà Người sẽ được thừa hưởng sau khi sống lại. Tuy nhiên Lu-ca nghĩ rằng có lẽ nguồn vinh quang này đã tiềm ẩn trong Đức Giê-su từ trước phục sinh và do kết quả của việc cầu nguyện, Đức Giê-su không thể ngăn chặn luồng vinh quang ấy chiếu tỏa ra từ thân thể Người.”

Chúng ta như vậy trở thành những người chứng kiến cái khôn tả, của thời gian vỡ tung và của không gian mở rộng. Quá khứ tôn giáo đồ sộ có đó với Mô-sê và Ê-li-a; tương lai mở ra với việc đàm thoại về “cuộc xuất hành” của Đức Giê-su, nghĩa là cuộc tử nạn, phục sinh và thăng thiên của Người. Nhưng đặc biệt chính vĩnh cửu đã hé mở cho hiện tại rồi. Việc diện đối diện thường xuyên và bí ẩn của Đức Giê-su với Cha Người được tiết lộ cho chúng ta trong chốc lát. Đang khi cầu nguyện, khuôn mặt Đức Giê-su đổi khác và giọng nói của Chúa Cha mời chúng ta chiêm ngưỡng: “Đây là Con Ta, người đã được ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”

Dĩ nhiên, chúng ta không được chiêm ngưỡng Đức Giê-su như các Tông đồ, tuy nhiên chúng ta có đức tin được Tin Mừng soi sáng. Hôm nay, dung mạo “đổi khác” của Người, dung mạo vinh quang của Người, phải giúp chúng ta nhớ lại các khuôn mặt khác của Người: Ngôi Lời, thợ mộc Na-da-rét, thầy khôn ngoan, kẻ bị đóng đinh, con người sống lại, Vua vinh hiển bên hữu Chúa Cha và Đấng quyền năng sẽ tái lâm ngày tận thế.

Trên mọi khuôn mặt ấy (mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô phong phú biết bao!) cuộc Hiển dung dạy chúng ta nhìn hai cặp thực tại liên kết với nhau: thần tính-nhân tính và hạ mình-vinh hiển. Khi nói đến một mầu nhiệm đêm tối (“Họ ngủ mê mệt”) và khi nhắc đến “những gì sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (cuộc Khổ nạn nhưng cũng là cuộc Phục sinh), Lu-ca làm nổi rõ mặt tối và mặt sáng của cuộc sống mà Cha của Đức Giê-su và nhân loại đã tạo cho Người. Tuy nhiên, mặt tối chỉ là tạm thời, là điều kiện cho sự phát huy mặt sáng trong ngày Phục sinh. Muốn biến hình (transfiguré) trong vinh quang, Đức Giê-su cần phải biến dạng (défiguré) trong đau khổ trước đã.

Dung Mạo Của Chúng Ta

Tiếp đến là mầu nhiệm của chúng ta: “Chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, thánh Phao-lô nói, như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn” (2 Cr 3,18).

Phải chăng đấy là một lý tưởng hơn là một thực tại? Đúng, nhưng ở đây có lẽ chúng ta cũng thiếu ý chí chiêm niệm. Cho dẫu dè sẻn trên điểm này, các phương tiện truyền thông vẫn nói với chúng ta về nhiều nhân vật biến hình và đôi khi trình bày khuôn mặt họ cho chúng ta thấy. Câu chuyện của thiền sư Lobsang Rampa ở đầu bài là một ví dụ. Chung quanh mình, chúng ta chẳng bao giờ thấy nhiều khuôn mặt bừng sáng sao? Như khuôn mặt của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, khuôn mặt của Đức Gioan-Phaolô II chẳng hạn.

Mà thậm chí trên nhiều khuôn mặt bị hành hạ hay bị dằn vặt, chúng ta vẫn có thể khám phá, giữa cơn đau khổ, “một dung dạo hoàn toàn khác”: thánh Maximilien Kolbe, thánh Têrêxa Hài Đồng mà vô số hình ảnh đã được Chúa quan phòng trao lại cho thế kỷ này. Đôi lúc, ngay sau hơi thở cuối cùng, có sự tỏa sáng đáng kinh ngạc! Trên khuôn mặt của một người bạn, chết rất trẻ vì ung thư, một linh mục nọ đã thấy vinh quang qua thập giá. Trong cuốn “Cha Đa-miêng, Tông đồ người hủi” [Damien de Veuster], Tủ sách Ra khơi 1956, trang 118 đã có viết rằng: “Sáng thứ hai, 15-4-1889, cha Đa-miêng đã tắt thở trong cánh tay thầy Giắc một cách dễ dàng như người ngủ. Người đã sống được 50 tuổi. Một phút sau, bao nhiêu vết phong hủi ở mặt người đều biến mất. Đó phải chăng là triệu báo cha đã được vinh hiển? Không còn bị một chuyện gì mờ ám, tên tuổi “người hủi tình nguyện” sắp sửa chiếu giãi ra trên thế giới như “một ánh sáng tinh ròng.”

Ta hãy trở lại với khuôn mặt của chính chúng ta. Có lẽ chúng ta đã không để lộ ra cho đủ bình an, niềm vui sâu thẳm của mình, lòng nhân hậu của mình. Có nhiều khuôn mặt cứng cỏi, khó chịu, lo lắng, soi mói, hãi sợ (nhất là sợ cường quyền) khiến ta tự hỏi phải chăng mình đang đứng trước một đứa con của Tin Mừng. Có thể đó chỉ là vẻ bên ngoài, nhưng trong trường hợp này, cũng đáng bỏ công làm cho khuôn mặt đẹp lại, cố công cách khiêm tốn, cách vụng về, nhưng với sự kiên trì, trở thành một hình ảnh của Chúa Hiển dung theo mức độ chúng ta. mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi.

XIN BIẾN ĐỔI ĐỜI CON

Ta-bo ấy Chúa đưa ba môn đệ
Ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an
Người biến hình chói lọi ánh hào quang
Dung nhan, trang phục Người như tuyết trắng.
Hai đại ngôn sứ đến trong ánh sáng
Đàm đạo với Người, thật lạ lùng thay
Ông Phê-rô mừng rỡ nói: -“Thưa Thầy,
Được đóng trại ở đây, sung sướng quá.”
Một đám mây bao trùm lên tất cả
Tiếng Chúa Cha vọng xuống tự trời cao:
-“Đây con của Ta yêu quý xiết bao,
Các ngươi phải nghe Lời Người dạy bảo.”
Vinh quang Chúa tỏ qua Con yêu dấu
Nâng đỡ môn đồ, củng cố niềm tin
Trước khi Người Con uống chén ưu phiền
Chịu khổ nạn cứu muôn dân muôn nước.
Đường thập tự đường đi về thiên quốc
Đường hành hương hy vọng giữa phong ba
Chớ đắm chìm trong chước quỷ mưu ma
Bảy mối tội: thú, lợi, danh phù phiếm.
Vĩnh cửu quê trời một lòng tìm kiếm
Nên muối men, nên ánh sáng thế gian
Thực thi Tin Mừng, gieo hạt Phúc Âm
Khiêm tốn, nhún nhường, yêu thương, tha thứ.
Xin biến hình đời sống con, lạy Chúa!
Phụng thờ Người hết sức, hết linh hồn
Yêu anh em như Chúa đã yêu thương
Hạt Lời nơi con, đơm bông kết trái. mục lục

Anna Têrêsa Thuỳ Linh – Curia Thủ Thiêm.

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan