SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY - C

(Gs 5,9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)
NGƯỜI CHA HY VỌNG – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
TÌNH YÊU VÀ SỰ THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN CỦA THIÊN CHÚA – Phêrô Phạm Văn Trung
LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
HỌC ĐÒI YÊU THƯƠNG NHƯ CHA TRÊN TRỜI – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Có người gọi đoạn Tin Mừng Lc 15,11-32 là “Dụ ngôn về người con phung phá”, vì khi đọc lên thấy sự hoang đàng của người con. Có người ta gọi là “Dụ ngôn về người cha nhân hậu”, bởi nó giúp ta khám phá khuôn mặt tốt lành của người cha. Quả thực, vai chính trong câu truyện không phải là người con (hoặc các người con, nếu kể thêm người con cả), mà là người cha, người cha hy vọng. Bởi qua cách hành xử của người cha, chúng ta dễ dàng nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa qua người cha mà Luca trình bày là Người Cha Hy Vọng.
Năm hy vọng
Năm Thánh lệ thường 2025 với chủ đề “Những người Hành hương Hy vọng” là cơ hội để mọi người đặt niềm hy vọng vào Chúa là Người Cha hy vọng. Đồng thời hy vọng vào tình yêu và sự tha thứ của Chúa. Năm Thánh mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui của việc gặp gỡ Thiên Chúa là Cha chúng ta, mời gọi chúng ta đổi mới tinh thần và cam kết biến đổi thế giới.
Thế giới chúng ta đang sống thực sự cần hy vọng ngay lúc này. Có nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, khủng bố, đến tội ác và bệnh dịch bí ẩn, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh, bệnh viện và trường học bị đánh bom, trẻ em bị súng máy gây sát thương... tiêu huỷ nhiều công trình phúc lợi, cướp đi bao sinh mạng con người, khiến người ta nghi ngờ và tự hỏi : làm sao tương lai có thể tốt đẹp được. Không phải lúc nào cũng dễ dàng có hy vọng. Isaia mời gọi chúng ta Hãy đặt hy vọng vào Chúa, Chúa sẽ giúp cho : “Những ai trông vào Yavê, sẽ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, chúng mọc cánh như những phụng hoàng; chúng chạy mà không mỏi, chúng đi mà không mệt” (Is 40, 31). Hay như thánh Phaolô, hãy xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho chúng ta chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, chúng ta được tràn trề hy vọng. (x.Rm 15,13)
Người cha hy vọng
Người cha hay Chúa Cha đã chia gia tài và để con mình ra đi sống đời con muốn sống, và cũng chính người cha ngày ngày tựa cửa mong ngóng con trở về, nên “anh còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy hôn để…” (Lc 15,20).
“Anh còn ở đàng xa”, lời này muốn nói rằng người cha đã mòn mỏi đợi con trong hy vọng. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa hy vọng, Thiên Chúa của lời hứa, bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta ; Ngài vui sướng và ăn mừng vì một người tội lỗi trở về. Như vậy dụ ngôn cho thấy những thái độ của Thiên Chúa, thể hiện qua những hành vi của người cha, có nguồn gốc sâu xa từ sự hy vọng. Chúng ta có thể gọi thái độ này là sự hy vọng của Thiên Chúa.
Hỏi: Lý do gì khiến chúng ta hy vọng vào Chúa ? Do đâu mà người cha đã chạnh lòng thương và chạy lại gặp con?
Thưa: Do tấm lòng của người cha, của Thiên Chúa, một Thiên Chúa trung thành là sự bảo đảm cho chúng ta hy vọng. Là tình yêu đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa luôn đợi chờ ta. Chúa yêu thương chúng ta bằng tình của người mẹ yêu thương con cái, một tình yêu nhưng không, một tình yêu chờ đợi, dù con người bội nghĩa, bất trung (x. Is 49,14-16; 63,16; Gr 31,20; Tv 131).
Quan sát cảnh người cha ngày ngày đứng chờ con mỏi mòn đôi mắt. Nên khi con ông còn ở đàng xa, chính ông đã nhận ra con trước, tình cha thúc ông chạy về phía con và ôm lấy con. Đúng lý ra, người con chạy tới và quỳ sụp dưới chân cha mới phải. Đàng này, người cha đã đi bước trước. Ở đây, chúng ta khám ra một người cha không sợ mất mặt, không ngại bị đàm tiếu hay những điều xấu nào đó có thể xảy ra cho mình. Uy tín của người cha không ở chỗ giữ một khoảng cách đối với con cái, nhưng ở chỗ yêu con và biết cách diễn tả tình cha con.
Chúa là niềm hy vọng của chúng ta
Khi thấy con trở về, người cha đã sung sướng như một đứa trẻ. Ông ôm hôn anh ta, bảo đầy tớ mặc cho anh ta áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào tay anh ta, xỏ dép vào chân anh ta, giết bê béo làm thịt ăn mừng anh ta (x.Lc ). Những việc đó là cách biểu lộ niềm vui và hy vọng của ông, một niềm vui đặc biệt với hy vọng con ông sẽ trở về, nên ông sắm sẵn cho con. Đó chính là niềm vui của Cha trên trời dành cho một người tội lỗi biết hối cải ăn năn, giúp chúng ta tin và hy vọng vào Thiên Chúa tình thương.
Lạy Chúa, con luôn đặt hy vọng vào Chúa và lòng con tin tưởng ở Chúa. Vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc, đâu là đường để con bước đi. mục lục
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
TÌNH YÊU VÀ SỰ THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN CỦA THIÊN CHÚA
Sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa loài người là dành cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta, cho cả những người coi mình là người tuân giữ lề luật một cách nghiêm ngặt, như những người Pharisêu và các kinh sư, cũng như cho cả những người bị coi là người tội lỗi và những người thu thuế: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:1-2). Sự hiện diện đó là một lời loan báo tình thương, mời gọi mọi người hối cải, quay trở về với Thiên Chúa, là Người Cha Nhân Lành. Qua dụ ngôn người con hoang đàng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: Người Cha của tất cả mọi người. Ngài mong muốn chúng ta đến với bữa tiệc tràn đầy niềm vui và một cuộc sống trong tình yêu đầy lòng thương xót và trắc ẩn của Ngài. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy vui mừng trong tình Cha bao dung của Thiên Chúa.
1. Chúng ta có phải là người con thứ không?
“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng” (Lc 15:12). Câu trả lời của người cha là gì? Ông cho người con thứ những gì anh ta yêu cầu và cho luôn người con cả những gì anh ta chưa yêu cầu: “Và người cha đã chia của cải cho hai con” (Lc 15:12). Ông không bàn luận thêm gì cả. Ông cho đi vô điều kiện, không đòi hỏi bất cứ điều gì đáp lại. Ông quá yêu các con của mình nên không do dự hay tính toán so đo. Thiên Chúa cũng đối đãi với chúng ta như thế. Ngài đổ đầy tình yêu của Ngài vào chúng ta. Ngài đổ đầy vào chúng ta những ân sủng của Ngài, một cách nhưng không, không cần chúng ta phải có gì xứng đáng với những ân sủng đó. Thiên Chúa không phải là người để chúng ta đổi chác hay đề phòng! Tôi đưa bạn cái này; nhưng bạn phải đưa cho tôi cái kia, nếu không thì hãy coi chừng! Không phải thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta tình yêu thương của Ngài, không đặt ra một điều kiện nào trước đó.
“Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa” (Lc 15:13). Người con thứ không nói một lời nào cảm ơn cha mình. Có lẽ anh ta nghĩ rằng cha mình đã dành dụm số tiền này thì đương nhiên là để cho anh ta! Vì vậy, anh ta cầm số tiền này và ra đi, cắt đứt liên hệ với Cha mình. Anh ta trẩy đi phương xa, rất xa, để Cha anh ta không can thiệp vào cuộc sống của anh ta và không thể gặp anh ta ở bất cứ nơi đâu nữa! Anh ta sẽ sống theo ý riêng của mình, sống phóng đãng không cần sự dạy dỗ của cha mình! Tất nhiên, khi chạy theo thú vui của mình, tiền của anh ta sẽ nhanh chóng cạn hết! Lối sống sai lầm này đã dẫn anh ta đến sự hủy diệt!
Nhưng đây chẳng phải là cách cư xử của chúng ta với Thiên Chúa hay sao? Thiên Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng một số quy tắc sống, ví dụ như mười điều răn, nhưng vì sự thoải mái, vì lòng kiêu hãnh, vì muốn đánh bóng hình ảnh mình trong mắt người khác, chúng ta quên các quy tắc căn bản đó để sống theo cách mình thích. Giống như người con thứ, chúng ta từ chối cúi đầu trước uy quyền của Cha mình, chúng ta từ chối vâng lời và không công nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương, chỉ bảo chúng ta cách làm chủ những dục vọng và kiềm chế những ham muốn cá nhân của chúng ta. Gốc rễ tội lỗi của chúng ta nằm ở thói kiêu ngạo, ước muốn tự do vô độ, thói ích kỷ của chúng ta. Giống như người con thứ, chúng ta muốn làm những gì chúng ta muốn, theo cách chúng ta muốn. Giống như người con thứ, chúng ta tự cho rằng mình đủ mạnh mẽ để đối mặt với cuộc sống và tự đưa ra quyết định mà không thèm để ý đến Lời của Thiên Chúa là Cha: tại sao phải bận tâm đến Lời của Thiên Chúa chứ? Giống như người con thứ, chúng ta muốn hưởng lợi từ tài sản của Cha, nhưng không muốn đền đáp lại Cha bất cứ điều gì, dù điều đó sẽ mang lại cho chúng ta vô vàn ân phúc khác nhau: “Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có” (Ga 1:16-17).
Chỉ cần sống chậm lại đôi chút để xem xét cuộc sống của mình, nhất là trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chúng ta thường phung phí những ơn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vì tình thương của Ngài! Có lẽ chúng ta cần phải dành thời gian để im lặng, để cầu nguyện riêng và thực sự hồi tâm trước Thiên Chúa để nhìn vào tất cả các ân sủng mà Ngài đã ban cho chúng ta, vào những gì chúng ta đã làm và vẫn đang làm ngày hôm nay với tất cả các ân sủng đó. Chúng ta nên thực lòng bước ra khỏi bóng tối chết chóc: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha” (Lc 15:17). Chính điều này giúp chúng ta nhận ra sự thật hoang đàng của chính mình, biết hối cải, quay trở về cầu xin Thiên Chúa tha thứ: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15:21).
Người cha không đặt ra bất cứ điều kiện nào cho sự trở về của người con thứ, ông không yêu cầu con mình phải giải thích gì về quá khứ hoặc hứa quyết gì về tương lai. Ông không tự hỏi liệu con trai mình có lại bỏ đi và phung phí những gì ông đã trao phó cho nó một lần nữa không. Ông không chấp nhận con mình ở trong nhà mình như một người làm công. Không, không có một nghĩ suy nào như vậy, chỉ đơn giản là tình yêu vô biên xóa bỏ mọi lỗi lầm vô điều kiện. Ông ngay lập tức trả lại cho người con thứ địa vị là một người con: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng” (Lc 15:22-24).
Chúng ta biết rõ rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Hôm nay chúng ta đối xử với Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa không, hay chúng ta cứ tiếp tục “ngó lơ Thiên Chúa”, lợi dụng ơn ban của Ngài để vùi mình vào những ham mê nhục dục của mình, khoe mình trước mặt người đời, bất kể những giới luật của Thiên Chúa?
2. Chúng ta có phải là người con cả không?
“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà” (Lc 15: 25-28). Chúng ta chẳng phải cũng giống như người anh cả này sao; khi chúng ta từ chối chào đón người khác cùng với những đau khổ của họ? Chúng ta có luôn nhắc lại những lỗi lầm xưa cũ của họ, mặc dù họ đã cầu xin tha thứ, đã thay đổi cuộc sống? Chúng ta không thể nói rằng chúng ta yêu Thiên Chúa là Cha của chúng ta nếu chúng ta không yêu người lân cận là anh em của mình. Từ kinh nghiệm sống của mình chúng ta hiểu rõ rằng ai cũng cần sự tin tưởng và tha thứ của những người chung quanh để được hạnh phúc và bình an. Không phải chúng ta cũng đã từng bao lần chịu cái nhìn phán xét của người khác dành cho mình đó sao?
Người cha “ra năn nỉ” (Lc 15:28). Người cha không phân biệt, ông yêu thương cả hai người con như nhau và đối xử với cả hai với cùng một tình thương. Thiên Chúa không chỉ mãi mong ngóng tội nhân rời xa Ngài quay trở về, Ngài cũng mãi năn nỉ những người tưởng như vẫn gần gũi bên Ngài, nhưng thực ra lại không có lòng thương xót trắc ẩn như Ngài. Ngài van nài họ bước vào bữa tiệc chia sẻ niềm vui của Ngài khi có một tội nhân ăn năn hối cải trở về.
Người con cả trút hết cơn giận dữ, và sự kiêu ngạo của mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờcha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 29-30). Chúng ta chẳng phải cũng giống như người anh cả này sao? Tôi là người công chính luôn vâng lời Chúa, thế mà Chúa không mở tiệc mừng cho tôi, còn kẻ tội lỗi, kẻ vô giá trị này, Chúa lại đón tiếp và mở tiệc chiêu đãi! Rõ ràng rằng điều người con cả mong muốn là “thực thi công lý” theo kiểu: “Nó đã phạm tội nên nó phải trả giá! Nó đã rời khỏi nhà, nó không cần phải quay trở lại nữa! Nó đã phung phí của cải của mình, vậy nó đừng đến lấy của cải của người khác, nhất là của cải của tôi!”
Đã bao nhiêu lần chúng ta không cư xử như người cha, là Thiên Chúa, đối với những người có tội sống quanh chúng ta: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”? (Lc 15:31-32). Có bao nhiêu lần chúng ta đã không tha thứ những người đã làm tổn thương chúng ta cách này hay cách khác?
Thiên Chúa cũng nói với chúng ta điều tương tự “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống.” Chúng ta hãy thực sự vui mừng và chào đón hết lòng những anh chị em đã lạc xa Thiên Chúa nay ăn năn hoán cải. Chúng ta đừng quên rằng mỗi chúng ta cũng là tội nhân, và chúng ta cũng cần sự tha thứ không chỉ từ Thiên Chúa mà còn từ anh chị em của mình.
3. Tình yêu Thiên Chúa mãi tìm kiếm con người
Đây là niềm vui trọn vẹn của Thiên Chúa, cũng chính là niềm vui của Chúa Giêsu. Nỗi đau khổ của Chúa Giêsu là thấy chúng ta không nhận ra tình yêu tự hiến và vô điều kiện của Thiên Chúa Cha, cũng là của Ngài, vốn là nguồn gốc của mọi niềm vui: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17:13).
Trái tim của Chúa Cha không mong muốn những gì đi ngược lại tình yêu của Ngài. Qua Chúa Thánh Thần, Ngài liên tục hoạt động trong chúng ta và giữa chúng ta để chúng ta có thể hòa giải với Ngài. Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ nhất, khuyên chúng ta hãy để mình được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô: “Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Chúa Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài…Thật vậy, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Ngài…Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5:17-21). mục lục
Phêrô Phạm Văn Trung
Lòng nhân hậu, sự bao dung và lòng thương xót của Thiên Chúa là các chủ đề chính trong dụ ngôn hôm nay. Tuy nhiên, lối hành xử và cách đón nhận của hai cậu con cũng đáng cho chúng ta phải lưu tâm.
Trước hết là người con thứ. Anh muốn tìm kiếm một lối sống trưởng thành và tự lập. Anh đến gặp cha và thưa rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Anh không tham lam, chỉ xin những gì thuộc về anh theo qui định mà thôi. Lời thỉnh nguyện này có ẩn ý là anh muốn tự lập.
Hậu quả của việc tìm kiếm để đạt được ước muốn sống tự lập đã dẫn anh đi vào ngõ cụt. Vì không có cha bên cạnh, không được cha dậy bảo nên anh đã tiêu pha hết tài sản một cách phung phí. Anh đã mất trớn, đi quá đà và trôi dạt vào những bến bờ vô định. Anh đã mất tất cả.
Thậm chí, môi trường mà anh đang sống cũng chống lại anh. Nạn đói trong vùng càng làm cho anh thêm túng quẫn. Hơn thế nữa, anh muốn công việc của một hạ nhân là chăn nuôi heo để có thể ăn mót phần thực phẩm của heo mà cũng không ai thèm cho. Mọi cánh cửa dường như đã khép lại. Và chính trong cảnh khốn cùng như thế anh bắt đầu hồi tâm và tìm cho mình một lối thoát.
Quá trình trở về được khởi đầu bằng việc nhìn lại chính mình: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ - He came to himself.” Nhìn lại chính mình không phải để trách móc hay than thân trách phận, nhưng là để đặt mình trong tương quan với cha và ôn lại các kỷ niệm khi còn ở nhà với cha; anh nhớ lại rằng ngay những kẻ ăn người ở trong nhà cũng có được một cuộc sống cơm dư gạo thừa, còn anh thì lại chết đói. Mái nhà xưa đã không đủ ấm cúng để giữ chân anh, thì giờ đây lại là mục đích mà anh hướng đến.
Nếu trước đây ‘cái tôi’ đã làm anh mù quáng và sống trong mơ mộng và chỉ nghĩ đến tham vọng của bản thân, thì giờ đây nhờ việc anh đặt mình trong tương quan với cha anh và các thành viên khác trong gia đình đã giúp anh thay đổi. Sự thay đổi này được diễn tả không chỉ trong tư tưởng mà còn ở việc làm của anh nữa.
Anh khám phá rằng chính lúc mất tất cả, mất luôn quyền thừa tự lại là lúc anh cảm nhận được diễm phúc làm con, một người con chỉ mang nghĩa là người con đích thật khi anh biết sống nương tựa vào sự che chở của cha. Việc nhận ra sự thật này là điều căn bản giúp anh có được một chọn lựa chính đáng, đó là chọn sự sống hầu thoát khỏi cái chết. Anh cũng biết rằng quyền được làm con hoàn toàn tùy thuộc vào lòng thương xót của cha anh.
Với những tâm tình này, anh con thứ đã dọn cho mình một lối về. Vì thế, chúng ta ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh người cha vội vã ra đón mừng anh, còn anh thì không! Anh không hề ngạc nhiên khi thấy cha vui mừng chạy ra đón mừng anh, vì anh biết rằng niềm vui của cha cũng là niềm vui của chính anh. Qua sự biến đổi khi trở về tổ ấm, Thánh Luca đã gọi anh là ‘người con trưởng thành’, một cách nói để so sánh lối suy nghĩ và cách sống vẫn còn ‘trẻ con’ của người con cả.
Tôi cảm phục lòng can đảm kiếm tìm một lối sống của người con thứ. Anh đã thành thật và sống trọn vẹn với các suy tư của anh. Và khi đã mất tất cả thì anh lại tìm thấy điều quí giá nhất, đó là mối tương quan đích thật của tình cha con.
Hành trình nào lại không có những va chạm, đổ vỡ! Cuộc sống nào chẳng có thử thách! Con người nào lại chẳng có tội! ... Có lẽ các điều đó không quan trọng. Điều thiết yếu là chúng ta có đủ can đảm và dùng mọi cố gắng để tìm kiếm một lối thoát trong sự đổ vỡ đó hay không? Cứ can đảm tìm kiếm và thực hiện các dự tính của mình. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng của Người vẫn đang chiếu soi trên các buớc chân của chúng ta.
Còn người cha thì sao?
Theo tôi nghĩ thì ông thuộc loại người giầu tình cảm, luôn rung động trước những nhu cầu của kẻ khác. Ông giáo dục con cái bằng cách chấp nhận các sáng kiến của họ, và luôn chờ đợi và chấp nhận các sai lầm của chúng bằng tấm lòng nhân hậu và khoan dung để qua đó có thể giúp cho con cái cảm nhận được tình thương của ông và cũng là cơ hội giúp cho con cái được trưởng thành hơn qua các kinh nghiệm đau thương mà chúng đã trải qua.
Với tâm tình ấy, từ ngày con ông bỏ đi, ông hằng mong cậu trở về. Ông đau khổ đêm ngày mỗi khi tưởng nhớ đến cậu. Chính vì thế, khi cậu còn ở đàng xa - hình dáng của cậu lúc này có lẽ khác trước: gầy còm vì thiếu ăn, tiều tụy vì lo lắng; thế mà ông vẫn nhận ra con của mình. Niềm đau buồn thương nhớ nay biến thành niềm hạnh phúc. Điều này được diễn tả bằng các chi tiết vô cùng sống động mà ít người cha nào có thể thực hiện được. Ông chạy ra, ôm chầm lấy con, hôn lấy hôn để. Thái độ của ông được xem như là một ngoại lệ, không phù hợp với tập tục của người phương Đông thời bấy giờ.
Tuy nhiên, qua việc xử sự như thế, người cha đã biểu lộ một cách mãnh liệt tình thương mà ông hằng ôm ấp đối với con ông. Qua ánh mắt, cả hai đều cảm nhận được những đau khổ chồng chất, và những thay đổi trong cuộc sống từ ngày hai cha con họ xa nhau. Hơn nữa, thái độ của ông - chạy, ôm cổ, hôn lấy hôn để - còn diễn tả tâm tình của một người mẹ.
Tình thương và sự vui mừng đã đạt đến cao điểm khi ông cắt đứt dự định thú tội của người con thứ khi cậu muốn được đối xử như người tôi tớ trong nhà mà thôi. Ông không cho cậu có cơ hội nói lên điều đó. Bởi vì, dù quá khứ của cậu có xấu xa đến đâu chăng nữa, nhưng bây giờ, trong giây phút này, trước mặt ông, trong lòng ông cậu vẫn là con trong nhà; mà đã làm con thì không bao giờ được coi như kẻ làm công, ông không cho phép cậu tự hạ mình xuống hàng tôi đòi, vì như thế tức là xúc phạm đến tình cha con. Con muôn đời vẫn là con yêu quí của cha.
Hãy quên đi quá khứ của mình mà mặc lấy con người mới. Quyền thừa kế và vinh dự cũng được trao lại cho con. Con đừng để các mặc cảm tội lỗi dầy vò cuộc sống mà hãy vui với niềm vui của cha. Hai cha con đã thông chia cùng một tâm tình khi họ xa nhau, tình trạng này được gọi là ‘tâm linh tương thông’.
Đã như vậy, thì giờ đây cha con chúng mình hãy bước vào để dự tiệc vui, tiệc đoàn tụ nói lên sự hiệp nhất và yêu thương của gia đình mình. Bởi vì, theo cha, từ ngày con rời nhà ra đi thì trong gia đình của chúng mình có một khoảng trống mà không ai có thể bù đắp được, ngoại trừ con. Giờ đây, con đã tìm về sự sống với gia đình. Vậy chúng ta phải hân hoan và ăn mừng chứ. Tiệc vui đã dọn sẵn.
Đến phiên ông con cả?
Người con cả lúc này đang ở ngoài đồng, lo việc cho Cha. Khi về gần đến nhà, anh chẳng thèm bước vào để hỏi cha xem chuyện gì đã xẩy ra mà nhà này lại vui như thế. Anh còn thua cả người giúp việc nữa, bởi vì tuy là kẻ tôi đòi, nhưng họ cũng nhận được niềm vui của ông chủ khi nghe ông báo rằng: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe.”
Điều này, có nghĩa là phần chúng tôi đây, cho dù phận làm tôi, nhưng cũng được thông phần vào sự vui mừng với ông chủ qua việc chuẩn bị tiệc vui này cho thật chu đáo. Mọi người đều vui.
Người con cả đã được báo tin vui. Nhưng phản ứng của anh thì khác. Anh nổi giận, không tiếp nhận tin vui; trái lại còn biểu lộ sự bất mãn bằng cách tiếp tục đứng lỳ bên ngoài.
Người cha bước ra năn nỉ mà người anh cả vẫn không nhận ra được nỗi lòng của cha. Trái lại, anh còn kể lể công lao, phân bì, ghen tương, lên án và đặt điều nói xấu cậu em qua lời hờn dỗi sau đây: Cha coi, con hầu hạ cha suốt cuộc đời, chưa bao giờ có ý định hay phản kháng lại ý cha, thế mà đã bao giờ cha cho phép con đuợc tổ chức tiệc mừng với bạn bè chưa?
Rõ khổ, người cha bị anh loại bỏ trắng trợn; vị trí của mấy ông bạn còn cao trọng hơn mối tương quan với cha. Rồi anh tiếp tục: còn thằng con của cha cho đến nay, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm; nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng. Không biết ông anh cả lấy chi tiết này ở đâu mà dám tăng thêm tội cho em mình là phung phí tài sản với các cô gái như thế hay là cậu cả nhà mình lại gán cho cậu em điều mà cậu cả hằng mơ uớc!
Cậu cả muốn nghĩ sao cũng được, vấn đề ở đây là việc ông cha mời cậu cả cùng chung chia niềm vui gia đình với ông; vì dù thế nào cậu vẫn là một thành viên trong gia đình này.
Công việc hầu hạ và không dám trái lịnh cha của người con cả là một điều tốt. Nhưng các việc anh làm lại không đem lại ích lợi gì cho anh vì anh làm trong tư thế của kẻ làm công. Anh làm để mong được thưởng và chia sẻ phần thưởng đó với bạn bè, chứ không phải với cha anh. Anh tuy sống trong nhà, nhưng thật ra con tim và lối sống của anh đã không thuộc về gia đình nữa, anh đã thoát ly và đi xa hơn người em. Anh đã đánh mất tình cha con, và tình anh em cũng không còn.
Vì thế, khi nghe người cha nhắc đến cậu con thứ, anh liền lên tiếng xác nhận ngay ‘đó là thằng con của cha, có nghĩa là nó là con cha mà không phải là em con.’ Tuy ở chung một nhà, thế mà có bao giờ anh đã nhận ra sự đau khổ của cha khi mất cậu em. Riêng cậu cả đã coi như em mình đã chết tính từ ngày em cậu rời nhà ra đi.
Người con cả trong trình thuật là thế đó. Dường như dòng máu của người anh vẫn chảy trong thân xác của chúng ta, nên lối hành sử của chúng ta có nhiều điểm giống như anh con cả! Như anh con cả, chúng ta có thể đang là những người giữ luật nhưng chưa sống đạo, nhất là chưa cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi mình cho nên chưa biết vui mừng khi người khác hoán cải trở vể và được Chúa xót thương.
Sau cùng, cao điểm và trọng tâm của dụ ngôn vẫn là cách sống và lối xử sự của người cha. Ông là hình ảnh tuyệt diệu của lòng nhân ái, tình yêu thương của Thiên Chúa. Ông yêu thương và tôn trọng các con theo cá tính khác biệt của mỗi người con. Ông hiểu và thông cảm các tính tốt cũng như tật xấu của mỗi người con. Chúng được ông yêu thương bằng nhau.
Đối với ông, cuộc sống của họ thật đáng quí trọng. Vì thế, một lần nữa, ông bước ra để xác nhận với người con cả, mang quyền thừa tự rằng “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha (tiền tài, vinh dự, niềm vui, nỗi buồn... cuộc sống của cha) đều là của con.”
Bài học dành cho chúng ta hôm nay là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn là điều tuyệt hảo nhất mà chúng ta cần có kinh nghiệm. Tình yêu này chúng ta đã không xin mà có, vì thế hãy hân hoan đón nhận và chia sẻ niềm vui được ơn trở về nhà Cha cho nhau. Amen! mục lục
Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT
HỌC ĐÒI YÊU THƯƠNG NHƯ CHA TRÊN TRỜI
Tin Mừng chẳng phải là một cánh đồng bằng phẳng, nó có nhiều đỉnh nhô cao. Chúng ta đang đứng trước một trong những đỉnh cao nhất: Lc 15,11-32. Đại văn hào Charles Dickens người Anh gọi đây là câu chuyện hay nhất, hạt ngọc đẹp nhất của Tin Mừng. Người ta thường bảo đó là dụ ngôn đứa con hoang đàng (hay đứa con phung phá), nhưng Đức Giê-su muốn làm nổi lên cả ba nhân vật: một ông cha già với hai đứa con trai. Mà đặc biệt là nhân vật người cha! Đối với cậu trẻ hơn, các cuộc phiêu lưu của nó không quan trọng, có biết bao cách để lãng phí món quà lớn là cuộc sống khi trẩy đi xa cha mình. Điều cần phải khám phá chính là ông cha, theo cách trình bày của Đức Giê-su. Mọi nhà chú giải đều nói tới điểm đó, các nhà tu đức cũng vậy, nên đã đề nghị gọi đó là dụ ngôn “người cha phung phí / người cha hoang phí” tình yêu, vì cả hai thằng con, chẳng đứa nào đáng ông yêu cả! Đức Giê-su đã mạc khải Thiên Chúa Cha chính trong trang ấy, qua hình ảnh ông già này.
Tình Yêu Đón Nhận
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha trông thấy.” Người cha đã luôn rình chờ. Ông đã không tự hỏi mình sẽ làm gì hay sẽ nói gì, một chỉ nghĩ: “Ước chi nó xuất hiện!” Nên ngay khi nhìn thấy nó, ông đã chạnh lòng thương. Ông chạy ra (không một cụ già Đông phương đường bệ nào lại làm điều này!) và hôn lấy hôn để (ta có thể diễn tả rõ hơn lòng tha thứ nữa chăng?) Ông không nghe những lời xin lỗi (dù thật hay giả. Mà có lẽ là giả, vì câu nói lâm ly đó không lập tức trào ra tận đáy lòng khi tên vô lại tái ngộ thân phụ mình, song đã được nó chuẩn bị sẵn từ trước, lúc còn ở giữa bầy heo!) Ông không cho nó nói hết câu nó định nói (xin đối chiếu Lc 15,18-19 với 15,21). Ông quá vội vã làm bùng vỡ niềm vui và lễ hội. Áo đẹp nhanh lên! Nhẫn quý nhanh lên! Bê béo nhanh lên! Con ta đã mất nay lại tìm thấy rồi!
Nó đã đi hoang nhưng nay đã trở về! Động tác của người cha trước hết là yêu thương, chứ không phải là chất vấn về những thái độ trái hay phải. Sau đó, người ta sẽ thấy phải làm sao sống trong trật tự, nhưng việc cấp thiết nhất vẫn là yêu thương. “Yêu thương để giúp bạn biến đổi là cho bạn phương tiện. Bắt bạn biến đổi mới yêu thương là cất hết phương tiện. Phương tiện độc nhất để biến đổi tâm hồn bạn mình là chấp nhận bạn như thuở ban đầu, vì được yêu là điều kiện cần thiết để biến đổi.” Lời Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận nhắn nhủ các đôi bạn trong Đường Hy Vọng (số 469-470) cũng đúng trong trường hợp này. Và đó chính là mạc khải lạ lùng mà Đức Giê-su muốn ban cho ta: chúng ta được yêu thương biết là chừng nào! Những ngu dại và thậm chí các tội ác của chúng ta có là gì trước nhiệt tình ấy: “Nó đã được tìm thấy lại.” Loài người có thể đánh mất tư cách làm con, nhưng Thiên Chúa chẳng thôi làm cha bao giờ cả. Nếu chúng ta dám tin điều đó, quan hệ tình yêu giữa chúng ta với Chúa Cha sẽ thế nào? Phải chăng chính vì khó khăn ấy mà Đức Giê-su đã dài dòng trình bày cho ta hình ảnh đứa con cả? Người hẳn đã tưởng tượng ra dụ ngôn này sau khi đã nghe các lời đả kích của những “kẻ công chính” trước thái độ Người: “Ông này tiếp đón phường tội lỗi và ăn uống với chúng!” Đó chính là lời càu nhàu của đứa con cả! Thay vì vui mừng, anh ta lại phản đối, công phẫn. Kẻ khó chịu làm sao!
Tình Yêu Hoán Cải
Than ôi, chúng ta biết bao lần cũng ngoan bướng, cũng khép kín, cũng công phẫn trước tình yêu như thế, nhất là tình yêu của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi, với kẻ ăn năn trở lại trong giờ phút cuối cùng. Chúng ta phê phán thay vì mở rộng vòng tay. Chúng ta lý luận: nếu dung túng tất cả, thì luân lý đạo đức dùng để làm gì? Ra công trung tín với Thiên Chúa thì được lợi gì? Và Thiên Chúa là ai nếu Người chấp nhận tất cả?
Lý luận thế là vì chúng ta đã được huấn luyện cho biết ghê tởm tội lỗi, kết án vô trật tự, chúng ta không muốn trở nên những kẻ chiều ý cách đáng nghi ngờ! Chúng ta nghĩ rằng mình bảo vệ chính Thiên Chúa khi bảo vệ các lề luật Người và khi tỏ ra kiên quyết trong chuyện ấy! Nhưng như thế thì làm sao mở rộng vòng tay? Làm sao bắt chước người cha của dụ ngôn trong cách ông hoàn toàn điên rồ đón thằng con vô lại trở về chỉ vì đói? Là những người công chính, những người muốn nên công chính, chúng ta trước hết nghĩ tới việc phê phán, đưa ra những nhận xét cần thiết, khoanh vùng sự dữ, xem cái gì có thể chấp nhận nổi. Khi tất cả đã được sáng tỏ, sửa sai đầy đủ, ta mới có thể mến yêu.
Nhưng làm thế, chín trên mười lần đều hỏng cả. Đức Giê-su đã nhận xét như vậy khi quan sát các nỗ lực của những kẻ công chính thời Người. Biệt phái (Pha-ri-sêu) và kinh sư: khởi sự từ công chính, họ chẳng đi đến tình yêu. Họ từng cố gắng yêu mến, nhưng vẫn ở trong nhiều giới hạn chật hẹp và tất nhiên cũng nhốt Thiên Chúa trong những giới hạn như vậy: “Dầu sao ông ta cũng không thể yêu mến các kẻ tội lỗi!” họ nghĩ thế. Phần chúng ta, vì Đức Giê-su đã nói, chúng ta chấp nhận chung chung là Thiên Chúa yêu thương các tội nhân, điều đó thậm chí tiện lợi cho chúng ta hay cho một ai đó khi cần. Nhưng không phải với “tên” này! Tên này, những tên này, Thiên Chúa không thể thương chúng được!
Thương chứ! Đức Giê-su bảo ta: chẳng ai bị loại trừ, và rằng Thiên Chúa đúng là ông cha trong dụ ngôn. Và chúng ta là con của Người khi chúng ta trước hết đặt mình trong lòng thương mến.
Chúng ta không dung túng tất cả, chúng ta phải chiến đấu chống tội lỗi và cho công lý. Nhưng là trong tình yêu. Tất cả nằm ở đó. Chính bằng cách yêu thương ta mà Thiên Chúa kéo ta ra khỏi tội, chống lại tội lỗi trong ta, chứ không phải bằng cách nghiến nát hay loại trừ ta.
Xin Chúa giúp chúng ta thực hiện cuộc hoán cải này để thủ đắc được phản ứng tin mừng thuần túy duy nhất và số một: luôn đặt mình trong tình thương mến. Khi tự phán xét chính mình, hãy nghĩ rằng Chúa Cha yêu thương tôi. Khi phải phán xét kẻ khác, trước hết nghĩ đến việc yêu thương họ như Thiên Chúa yêu thương họ. Vị Thiên Chúa đích thực được Đức Giê-su mạc khải là thế!
Trong ánh sáng tình yêu ấy, tất cả có thể trở về với sự sống: “Con ta đã chết mà nay sống lại! Em con đây đã chết mà nay sống lại!” Người cha sống lại, thằng con thứ đi hoang sống lại. Chỉ duy nhất người con cả rất gương mẫu vẫn ở trong nếp cũ: chết! vì đã khép lòng trước tình yêu!
Cuối cùng, dụ ngôn không có kết luận. Kết luận nằm nơi mỗi độc giả. Chúng ta có muốn đi vào bàn tiệc với ông cha hiền, với đứa con hư để sống thực, sống trong tình yêu hay chăng? mục lục
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.