FRANK DUFF – VỊ SÁNG LẬP LEGIO MARIÆ và NHÀ VÔ ĐỊCH MÂN CÔI
Tôi Tớ Chúa Frank Duff (1889-1980) sinh trong một gia đình giàu có ở Dublin, Ai-len. Hồi thanh niên, ngài bị trái bóng đập vào tai nên thính giác bị tổn thương. Lúc 24 tuổi, ngài nhận thức về sự nghèo khó cùng cực của nhiều người tại các thành phố ở Ai-len và đã cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách phục vụ người nghèo tại Dublin qua Hội Bác Ái Vinh-sơn Phaolô. Việc từ thiện làm cho ngài ước muốn sống đời sống Kitô giáo nhiệt huyết hơn. Cuối cùng, ngài bắt đầu tham dự hai Thánh Lễ mỗi ngày từ năm 1914, và tiếp tục việc tốt lành đến suốt đời.
Cùng với người bạn thân Edel Quinn (nay là Đấng đáng kính), Frank Duff là người tiên phong làm việc tông đồ giáo dân. Ngài khuyến khích các tín hữu Công giáo cố gắng nên thánh và động viên làm việc bác ái. Ngài được kính trọng vì đã góp phần vào việc tông đồ giáo dân mà Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI (sắp được tuyên hiển thánh) đã mời ngài tham dự Công Đồng Vatican II với tư các quan sát viên giáo dân.
Trong kỳ họp cuối cùng Công Đồng Vatican II, tất cả các Giám mục đã đứng dậy và hoan hô ngài Frank Duff vì công việc cao cả của ngài. Với kinh nghiệm nhiệt tâm cứu các linh hồn mà Công giáo đem lại, ngài có thể giúp hoán cải hầu như cả một quận “báo động đỏ” ở Dublin, vùng này khét tiếng về mại dâm. Ngài Frank Duff rất tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài sống tới 91 tuổi và qua đời vào một ngày Thứ Sáu đầu tháng.
TÔN SÙNG ĐỨC MẸ
Năm 1917, cùng năm Đức Mẹ hiện ra tại Fátima và Thánh Maximilian thành lập Đội Quân Vô Nhiễm (Militia Immaculatæ), ngài Frank Duff đọc cuốn “True Devotion to the Blessed Virgin” (Lòng Sùng Kính Đức Mẹ) của Thánh Louis de Montfort – một vị thánh đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ. Ngài nghe nói có vài người bàn luận về cuốn sách đó và muốn có được một cuốn. Khi thấy có bản tiếng Anh ở tiệm sách, ngài mua ngay. Trước tiên, ngài không hiểu vì sách nói sâu xa và cao siêu về lòng sùng kính Đức Mẹ, nhưng sau khi đọc vài lần, ngài đã hiểu.
Lòng sùng kính Đức Mẹ đã nhóm lửa trong linh hồn ngài Frank Duff. Ngài biết rằng Đức Mẹ không chỉ là một thánh nhân và một thành viên của Giáo hội, mà Đức Mẹ còn là vị đại thánh trong số các thánh và là trái tim của mầu nhiệm Kitô giáo. Từ đó, ngài bắt đầu khuyên dạy mọi người rằng nếu họ không hiểu biết Đức Mẹ thì không thể hiểu được Kitô giáo.
Với nhiệt huyết sùng kính Đức Mẹ, ngài Frank Duff đã sáng lập Legio MarIæ - Đạo Binh Đức Mẹ vào ngày 7/9/1921. Ảnh hưởng các tác phẩm của Thánh Louis de Montfort, ngài Frank Duff xác định rằng Đạo Binh Đức Mẹ sống theo tinh thần của Thánh Montfort về việc sùng kính Đức Mẹ. Mục đích của Đạo Binh Đức Mẹ là phụ giúp Đức Mẹ, Đấng trung chuyển các ân sủng, trong cuộc chiến tâm linh giữa Giáo hội và quyền lực của bóng tối. Ngài đặt tên cho tổ chức này là Đạo Binh Đức Mẹ bởi vì ngài coi tổ chức này như quân đội của Thánh Mẫu Thiên Chúa, đấu tranh vì Thánh Tử Giêsu. Qua lời cầu nguyện và việc tông đồ, ngài muốn Đạo Binh Đức Mẹ giúp Giáo hội giành lại các linh hồn cho Chúa Giêsu qua Đức Mẹ. Điều này chứng tỏ rất hiệu quả trong thế kỷ XX, với số hội viên hầu hết có mặt ở các giáo phận trên toàn thế giới.
Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã mô tả Đạo Binh Đức Mẹ là phong trào lớn nhất giúp đỡ các linh hồn từ khi thành lập các Dòng hành khất lớn hồi thế kỷ XVI. Rất hiệu quả khi có những cuộc hoán cải trở về với Đức Kitô và phát triển mau chóng tới các nơi trên thế giới đến nỗi Mao Trạch Đông (Mao Tse-tung, người lãnh đạo cộng sản và là người khai sinh nước cộng hòa Nhân dân Trung hoa) đã phải coi Đạo Binh Đức Mẹ là “Kẻ Thù Chung Số Một” (Public Enemy Number One).
NHÀ VÔ ĐỊCH MÂN CÔI
Là người con mộ đạo của Giáo hội, mỗi ngày ngài Frank Duff cầu nguyện ít là bốn giờ. Hầu như hằng ngày ngài đều dành một giờ vào nửa buổi sáng để cầu nguyện. Chuỗi Mân Côi luôn là phần kinh nguyện hằng ngày của ngài. Ngài rất thích khuyên người khác đọc kinh Mân Côi. Ngài hiểu biết về kinh Mân Côi, và nói rằng kinh Mân Côi là “lòng sùng kính ưu tiên dành cho Chúa Thánh Thần”. Điều ngài muốn nói là khi người ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, người ta được Chúa Thánh Thần che bóng, vì Đức Mẹ là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần và không bao giờ có thể tách rời. Chiều kích tư tưởng này của ngài khá thu hút, vì người ta ít khi kết hợp lòng sùng kính Chúa Thánh Thần với việc đọc kinh Mân Côi. Trong ý nghĩ của ngài Frank Duff, kinh Mân Côi mở rộng tâm hồn ra cho công việc của Chúa Thánh Thần, bởi vì khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta nhớ tới sự can thiệp của Chúa Thánh Thần và mầu nhiệm cứu độ.
Là tổ chức lớn nhất thế giới, Đạo Binh Đức Mẹ được thành lập từ các nhóm nhỏ địa phương gọi là “Præsidium” (nghĩa đen là “văn phòng”). Thuật ngữ này xuất xứ từ kỹ thuật La-mã trong việc bảo vệ một khu vực bằng cách duy trì đồn lũy vững mạnh hoặc quân đội. Một Præsidium hướng dẫn việc tông đồ và cùng nhau cầu nguyện hằng tuần. Ngài Frank Duff chỉ định rằng mỗi Præsidium phải đọc kinh Mân Côi khi họp nhau cầu nguyện hằng tuần. Ngài cũng khuyến khích mỗi hội viên nên gia nhập Hội Mân Côi.
Ngài Frank Duff luôn nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi là phần cốt lõi trong tinh thần của Đạo Binh Đức Mẹ. Như vậy, ngài muốn rằng Kinh Mân Côi phải được đọc với với lòng tôn kính xứng đáng. Ngài không muốn người ta đọc nhanh quá hoặc lộn xộn, mà phải nhịp nhàng chiêm niệm. Đặc biệt ngài nhấn mạnh rằng những người đọc phần hai của kinh Kính Mừng thì đừng đọc trước khi xong phần một của kinh Kính Mừng (lỗi này nhiều người mắc phải). Ngài Frank Duff coi kinh Mân Côi là phần chủ yếu đối với Đạo Binh Đức Mẹ khi ngài viết Thủ Bản Legio Mariæ: “Hơi thở cần cho thân xác thế nào, chuỗi Mân Côi cần cho buổi họp Legio như thế.” (TB 19 sl.229).
CHUỖI NGỌC MÂN CÔI
Tôi Tớ Chúa Frank Duff nhận định: “Kinh Mân Côi có vào khoảng năm 1200 và được sử dụng từ giây phút đầu tiên. Kinh Mân Côi được đề xuất với mọi người, và khuyến khích họ đọc. Kinh Mân Côi chứng tỏ có sức hấp dẫn đối với mọi người. Từ đó, kinh Mân Côi hòa quyện vào đời sống Công giáo. Kinh Mân Côi nổi bật về lòng sùng kính; một yếu tố trong đời sống các thánh nhân của Giáo hội; chủ đề trong các giáo huấn của các thánh giáo hoàng và các thánh tiến sĩ. Chuỗi Mân Côi được Đức Mẹ cầm trên tay trong nhiều lần hiện ra. Kinh Mân Côi được ghi nhận trong nhiều sự kiện kỳ lạ, trong số đó có việc cưu thế giới. Người ta tin rằng Kinh Mân Côi có uy tín trong vô số lần cứu giúp. Từ thế kỷ XIII, tôi thắc mắc không biết có vị thánh nào không đọc Kinh Mân Côi hay không?”.
Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX, Người Tôi Tớ của Kinh Mân Côi
Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX cai quản Giáo hội trong suốt 31 năm. Đây là triều Giáo hoàng dài nhất trong lịch sử Giáo hội. Suốt cuộc đời, Đức Piô IX bị chứng bệnh động kinh. Khi còn là chủng sinh, ngài đã phải chịu đựng một cơn động kinh dữ dội đến nỗi ngài buộc phải rời khỏi chủng viện lẫn Đội vệ binh tinh nhuệ của Giáo hoàng. Chỉ sau khi ngài sấp mình dưới chân Người tôi tớ của Chúa là Đức Giáo hoàng Piô VII, và khẩn cầu để được trở lại; Đức giáo hoàng đã cho phép ngài trở lại chủng viện và Đội vệ binh.
Trong những năm đầu đời linh mục, vì các cơn động kinh không thể dự đoán trước, nên Đức Piô IX cần đến sự trợ giúp của các linh mục khác trong khi cử hành Thánh lễ. Dù bị bệnh động kinh, ngài vẫn được bổ nhiệm làm Giám mục ở tuổi 35 và được Đức giáo hoàng sai đến Chilê và Pêru để hỗ trợ cho Sứ thần Tòa Thánh. Nhờ công tác phục vụ ở Nam Mỹ, ngài trở thành Giám mục đầu tiên nắm giữ chức vụ Đại diện Chúa Kitô đặt chân lên châu Mỹ.
Khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 1846, ngài đã chọn danh hiệu “Piô” để tôn vinh Người tôi tớ của Chúa, Đức giáo hoàng Piô VII, bởi vì chính Đức Piô VII đã khích lệ ơn gọi của ngài dù ngài bị bệnh động kinh. Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX đã viết 38 thông điệp, là Giáo hoàng đầu tiên được chụp ảnh, và tại Công đồng Vatican I, ngài đã giúp hình thành tín điều về ơn bất khả ngộ của Giáo hoàng.
LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA
Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX được biết đến như là “Giáo hoàng của Đức Mẹ Vô Nhiễm”. Ngày 08/12/1854, ngài đã dùng đặc quyền Giáo hoàng xác định tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong khi thông báo chính thức về tín điều mới, đúng lúc Đức Piô IX bắt đầu đọc công thức quyền Giáo hoàng “Declaramus” (“chúng tôi tuyên bố”) thì có một chùm ánh sáng tỏa xuống Đền thờ Thánh Phêrô và chiếu trực tiếp vào ngài. Nhận thấy vinh dự của người công bố tín điều này, Đức Piô IX bật khóc ngay lập tức và ngài xúc động đến nỗi phải ngừng đọc lời tuyên bố cho đến khi những giọt nước mắt bớt dần. Ngài thực sự yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm vô cùng và thậm chí trước khi công bố tín điều vào năm 1854, ngài đã cho phép các Giám mục Hoa Kỳ nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng của đất nước này vào năm 1847.
Trong các tác phẩm của Đức Chân phước Piô IX, Đức Mẹ Maria được mô tả là thánh thiện hơn các Thiên thần Cherubim và Seraphim; mọi ngôn ngữ trên trời cũng như dưới đất không đủ để ca ngợi Mẹ bởi vì Mẹ thực sự xứng đáng. Bởi Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ tinh thần của chúng ta nên lời cầu nguyện của Mẹ có sức mạnh phi thường. Thiên Chúa vui thích đón nhận những lời cầu nguyện của Mẹ vì Mẹ phục vụ như là Đấng Trung Gian của tất cả mọi ân sủng. Để giúp các tín hữu nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của lời cầu bầu mà Đức Maria dâng lên Thiên Chúa, Đức Piô IX đã thiết lập ngày lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào năm 1876.
CHIẾN SĨ KINH MÂN CÔI
Năm 1858, trong suốt triều Giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Piô IX, Giáo hội đã lãnh nhận một món quà tuyệt vời từ trời khi các cuộc hiện ra ở Lộ Đức diễn ra. Xảy ra chỉ bốn năm sau khi tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được tuyên bố, các cuộc hiện ra ở Lộ Đức đã khiến cho sự quan tâm tới kinh Mân Côi được khơi gợi lại. Đức Chân phước Piô IX đã quảng bá kinh Mân Côi như chống lại thói vô đạo đức và lạc giáo, thậm chí mọi người nói rằng nếu ngài có một đội quân cầu nguyện bằng kinh Mân Côi thì ngài sẽ chinh phục cả thế giới! Ngày 07/05/1867, Đức Piô IX tuyên Chân phước cho 205 vị tử đạo ở Nhật Bản, rất nhiều trong số đó là các tu sĩ Dòng Đaminh và những hội viên Hội Mân Côi.
Khởi đi từ kết quả của việc khơi gợi sự quan tâm tới kinh Mân Côi nổi lên sau các cuộc hiện ra ở Lộ Đức, Đức Giáo hoàng Piô IX thường xuyên rao giảng về kinh Mân Côi, viết về kinh Mân Côi và phê chuẩn ơn đại xá cho các tín hữu đọc kinh Mân Côi ngày Chúa nhật. Năm 1868, thể theo lời thỉnh cầu của cha Joseph Moran, một tu sĩ Đaminh người Tây Ban Nha, Đức Piô IX đã ban ơn xá cho những ai tham dự các buổi lễ tôn kính kinh Mân Côi trong tháng Mười. Chuỗi Mân Côi luôn ở trong tay vị Giáo hoàng thánh thiện này cho đến cuối cuộc đời. Ở tuổi 85, trong khi đọc kinh Mân Côi cùng người giúp việc, Đức Piô IX đã an nghỉ trong Chúa qua một cơn đau tim là hậu quả của cơn co giật động kinh.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.