SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI TN_B (30/9)

27-09-2018 1,914 lượt xem

Mục Lục

BAO DUNG VÀ QUẢNG ĐẠI

TIN MỪNG DỮ DỘI

ĐỪNG BAO GIỜ LÀ CỚ VẤP PHẠM

GIẢ THUYẾT

KHÔNG CHỐNG ĐỐI LÀ ỦNG HỘ

NẾU, NẾU MỘT NGÀY KHÔNG CÓ EM 

BAO DUNG VÀ QUẢNG ĐẠI

Trong cuộc sống đời thường, do tham lam ích kỷ, chúng ta thường bưng tai bịt mắt trước nỗi đau của đồng loại. Chúng ta cũng thường chủ quan đánh giá một người hoặc một sự việc với nhiều thiên kiến. Việc nhận định vội vàng về một con người sẽ gây nên biết bao hậu quả khôn lường. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy có cái nhìn bao dung thông cảm đối với tha nhân và tấm lòng quảng đại với người nghèo khó.

Trên thế giới hiện nay, có một khoảng cách rất lớn giữa các nước bắc bán cầu và nam bán cầu. Các nước phía bắc giàu có và văn minh hơn. Các nước phía nam nghèo nàn và lạc hậu hơn. Chẳng phải tìm đâu xa, xung quanh chúng ta vẫn còn những cách biệt ấy. Trong xã hội Việt Nam, hiện có rất nhiều người giàu có và cũng rất nhiều người nghèo nàn. Ngoại trừ một số ít người giàu có lòng quảng đại quan tâm đến người nghèo, phần lớn những người kinh tế khá giả đều dửng dưng trước nỗi khổ của những người kém may mắn. Không ít những người giàu có phất lên là do gian lận, tham ô và làm ăn bất chính. Thực ra, nếu người ta biết quảng đại chia sẻ và biết phân chia công bằng, thì của cải vật chất trên thế gian này luôn luôn đủ để nuôi sống tất cả mọi người. Nạn đói, chiến tranh, di dân, khủng bố… đều có nguyên nhân là sự ích kỷ và thù hằn. Thánh tông đồ Giacôbê trong Bài đọc II hôm nay đã phê phán một số người giàu có mà dửng dưng đối với người nghèo. Vị tông đồ còn vạch trần những hành động khuất tất của họ, như gian lận, lèo lái bất công để chiếm đoạt tài sản của người nghèo. Ông kết luận: những người gian ác sẽ chẳng tránh khỏi tội. Họ không có tội vì họ giàu, nhưng vì họ gian lận áp bức những người cô thế cô thân.

Giáo huấn của Chúa luôn mang nội dung bênh vực những người nghèo khổ về tinh thần cũng như thể xác. Chúa Giêsu quả quyết với chúng ta, sự giúp đỡ cho người nghèo, dù đơn sơ như bát nước lã, cũng được ghi nhận và thưởng công trong ngày sau hết. Giá trị của bát nước lã rất nhỏ mọn, nhưng khi nó được trao ban với tâm tình quý mến, nó có thể đem lại cho chúng ta phần thưởng từ chính Thiên Chúa. Tình yêu mến đồng loại dựa trên nền tảng Đức tin vào Chúa sẽ tạo nên sức mạnh giúp con người có thể làm được những điều phi thường. Tác giả Michel Quoist đã viết: “Chỉ có hai giải pháp cho đời sống: yêu mình đến hoàn toàn quên lãng tha nhân, hay yêu tha nhân đến hoàn toàn quên lãng bản thân”. Sự hiện diện âm thầm hy sinh của các nữ tu trong các trại phong, hay tấm gương hy sinh của thánh Maximilien Kolbe sẵn sàng chết cho người khác, đã chứng minh điều này. Những tấm gương hy sinh này đã hoàn toàn quên lãng bản thân và đã đạt tới những nhân đức anh hùng.

Quảng đại trong nghĩa cử chia sẻ tinh thần và vật chất, chúng ta cũng được mời gọi bao dung trong nhận định đối với những người xung quanh. Ông Gioan được nhắc tới trong Tin Mừng đã thể hiện sự ghen tương theo lẽ tự nhiên của con người. Ông thưa với Chúa Giêsu: “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Cách lập luận “người ấy không theo chúng ta” cho thấy tính cục bộ, phe cánh và tư tưởng muốn loại trừ người khác. Chúa dạy chúng ta hãy có cái nhìn công bằng hơn. Bất cứ ai làm điều tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đều đáng trân trọng. Thiên Chúa là nguồn gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang hướng về Chúa và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài. Bài đọc I trích từ sách Dân Số cũng kể lại một trường hợp tương tự, vào thời ông Môisen làm thủ lãnh dẫn đưa người Do Thái ra khỏi Ai Cập. Một chàng thanh niên đã ghen tỵ khi thấy hai người khác phát ngôn (tức là rao giảng và truyền đạt thánh ý của Chúa).  Ông Môisen đã trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Ngài, để họ đều là ngôn sứ!”.

Điều ông Môise ao ước ngày xưa, nay đã được thực hiện. Quả vậy, mỗi Kitô hữu đều được lãnh nhận Thần Khí của Chúa trong ngày họ chịu phép Thanh tẩy, đặc biệt khi họ  lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Giáo Hội có sứ mạng Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế, và mỗi thành viên của Giáo Hội được san sẻ ba chức vụ này. Người Kitô hữu có bổn phận loan truyền Lời Chúa, góp phần thánh hóa xã hội và tham gia xây dựng Giáo Hội ngày một lớn mạnh giữa trần gian.

Một tác giả đã viết: Người quân tử khắt khe với bản thân và rộng rãi với người khác. Ý tưởng này được nhấn mạnh trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Cách nói tạo hình ảnh gây ấn tượng như chặt chân, chặt tay, móc mắt… diễn tả sự chọn lựa cương quyết giữa hạnh phúc đời này với hạnh phúc đời sau, giữa sự thanh thản nội tâm với những bổng lộc trần thế. Đây cũng là cách khẳng định mạnh mẽ về sự dứt khoát từ bỏ những nguyên nhân gây nên tội ác, để trung tín với Đấng đã hy sinh mạng sống vì yêu thương chúng ta. Về mục lục.

+ ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên

TIN MỪNG DỮ DỘI

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, đọc giả có lúc cười lúc khóc, có khi cảm nhận được sự xoa dịu ủi an hay thôi thúc tỉnh thức, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú…Tin Mừng luôn nói lên những chân lý và dạy những bài học thích đáng. Suy niệm trang Tin Mừng (Mc 9,42-48), Lm. Nguyễn Hồng Giáo (+) dùng cụm từ “Tin Mừng dữ dội”. 

Đầu đề “Tin Mừng dữ dội” chắc sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên thắc mắc. Tin Mừng của Chúa Giêsu mà dữ dội sao? Chẳng phải là Tin Mừng toát ra một bầu khí yêu thương, hiền hoà, bao dung, yêu chuộng hoà bình và bất bạo động bao trùm đó sao? Tôi đồng ý như thế, tôi vẫn biết là có vố số những người đã tìm thấy trong lời dạy về tình thương và thái độ bất bạo động nguyên lý cho sự dấn thân xã hội, chính trị của họ, ví dụ như ba khuôn mặt còn khá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta là Mẹ Têrêxa Calcutta, mục sư Tin Lành Martin Luther King và nhà anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi. Dầu vậy, tôi cứ vẫn thấy Tin Mừng của Chúa là dữ dội, ngay cả hay đúng hơn nhất là Bài giảng trên núi (Mt các chương 5, 6, 7) mà Gandhi lấy làm một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh hoà bình của mình chống lại thực dân Anh, dành độc lập cho đất nước. Tin Mừng dữ dội với các đòi hỏi gắt gao: "Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt 18, 8-9; x. Mt 5, 19-20). Cần hy sinh những gì đưa chúng ta tới tội trọng và phải biết dám liều mình, hy sinh đến cả mạng sống mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa (x. nguoitinhuu.com).

Lời Chúa hôm nay cho thấy tính chất “dữ dội” của Tin Mừng. 

Phải tránh gương mù gương xấu “Nếu ai làm cớ cho người khác phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn”. 

Phải quyết liệt và dứt khoát với dịp tội “chặt tay, chặt chân, móc mắt” khi những chi thể này là nguyên nhân phạm tội. ĐGM Arthur Tonne gọi đó là những lời đẫm máu và rùng rợn. Noel Quesson nói: dù là những kiểu nói vùng Sêmít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó. 

M. Quesnel tự hỏi: Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu (Mc 7,21-22). Chúa Giêsu bảo là hãy dứt khoát "chặt đi" bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể là dịp tội cho ta. Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là "từ bỏ chính mình" (x. Mc 8,34). Tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe (Fiches Dominicales). Tay mắt và chân tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. “Chặt bỏ" một tật xấu một thói quen, "cắt đứt" một mối liên hệ nguy hiểm. Tính dữ dội biểu lộ nơi thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt với tội lỗi.

Cũng như người bệnh, phải phẫu thuật, phải cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo chúng ta phải quyết liệt với tội lỗi cho dù phải “chặt tay, chặt chân, móc mắt”. Chúa muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người. Biết bao nhiêu người đã chịu thiệt thòi, thậm chí dám chấp nhận cái chết vì trung thành với tất cả các đòi hỏi “dữ dội” của Tin Mừng.

Đời sống Kitô hữu cần được cắt xén, gột rửa, từ bỏ để tăng trưởng, sinh nhiều hoa trái “Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt bỏ, còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn” (Ga 15,1-2).

Có những lời dạy của Tin Mừng, mới nghe qua thì rất "nhẹ nhàng", nhưng gẫm sâu hơn lại thấy vô cùng dữ dội, ví dụ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,26). "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được" (Mt 6,24); "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: 'Chớ giết người'; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5,21-22); "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5,27-28); "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: 'Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'" (Mt 18,21-22); "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Mắt đền mắt răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài..." (Mt 5,38-40). Hoặc: "Anh em đã nghe Luật dạy: 'Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù'. Con Thầy. Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em..." (Mt 5,43-44).

Tin Mừng dữ dội là do sự đòi hỏi vô cùng của sự hoàn thiện và tình thương của Cha trên trời mà các môn đệ Chúa Giêsu, vốn là những con người yếu đuối và tội lỗi, phải noi theo (x. Mt 5,48 và Lc 6,36). Giáo lý Tin Mừng không hề kêu gọi bạo lực nhưng nó đòi hỏi người tín hữu phải quyết liệt với mình, làm mạnh với mình, dám dùng "bạo lực" với mình, nếu nói được như thế, bởi lẽ nó bắt ta đi ngược với xu hướng tội lỗi vốn ăn sâu trong ta, đi ngược với sự khôn ngoan thế gian nữa [Lm. Nguyễn Hồng Giáo (+)].

Trước những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, người ta sẵn sàng chấp nhận cắt bỏ một phần chi thể để cứu cả mạng sống. Khi nói “thà cụt một tay, thà mất một mắt” mà được vào cõi sống, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tính quyết liệt, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, sự ác. Quả vậy, hoả ngục, điểm đến của tội lỗi, là tình trạng còn tồi tệ hơn cả cái chết. Vì thế, để được vào cõi sống muôn đời, Chúa dạy chúng ta không chỉ tránh tội, những điều tự bản chất là xấu, mà ngay cả những gì thiết thân nhất với mình, những gì tự chúng vốn không xấu, nhưng một khi chúng trở thành dịp tội, chúng ta cũng phải dứt khoát loại bỏ. Gương xấu và làm dịp tội cho người khác gây tai hại và nguy hiểm vô cùng. Các nhà tu đức đã đúc kết thành câu châm ngôn: “Càng tránh dịp tội càng ít phạm tội”.

Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây. Hễ búa đi đến đâu là là cây cối đều ngã rạp đến đó.

Một hôm cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa. Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự Đại hội này.

Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả. Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này. Dù một khúc gỗ cũng không cho!

Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!

Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm. Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại. Kết qủa là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán. Nhưng hỡi ôi! Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.

Bạn chỉ cần cho tội ác một cơ hội thôi là bạn sẽ hối tiếc cả cuộc đời ! Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa. Tội lỗi tàn phá cơ thể như bệnh ung thư. Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!

Bạn đừng cho tội ác một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một một sự dễ dàng cỏn con. Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó ! “Đừng để ma quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).

Cái xấu có khả năng lây lan rất nhanh. Tiếp cận với lời “dữ dội” của Tin Mừng sẽ giúp bạn tránh xa dịp tội và gương xấu. Nhờ đó, bạn sẽ làm chủ những đam mê như vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn trong mọi mối tương quan.Cái đẹp, cái tốt, cái chân thật thường loan truyền theo chiều rộng và chiều xa. Sống Tin Mừng giúp bạn đem đến cho cuộc đời những nét đẹp, cuộc sống thêm ý nhị đậm đà và nhiều niềm vui hạnh phúc hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô khi suy niệm về việc Đavít phạm tội đã nói: “Điều nghiêm trọng nhất là… Đavít đã mất cảm thức tội lỗi” mà chỉ coi đó là “một sự cố phải giải quyết” (Bài giảng 31/01/2014). Con người ngày nay đang đánh mất cảm thức tội lỗi: người ta không gọi tội lỗi là tội lỗi, mà khoác cho chúng những mỹ từ, thậm chí coi đó là những việc chính đáng, được phép làm (như hợp pháp hoá mại dâm, phá thai…). Để tân phúc âm hoá đời sống xã hội, người Kitô hữu phải có cảm thức nhạy bén trước tội lỗi và loại trừ chúng ngay khi chúng mới xuất hiện dưới dạng một cơn cám dỗ hay một dịp tội.

Chúng ta hãy noi gương thánh Đaminh Saviô trung thành suốt đời với quyết tâm khi rước lễ lần đầu: “Thà chết chứ không phạm tội”. Về mục lục.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Con người sống trên đời thường có khuynh hướng sống khép kín, cục bộ, phe nhóm và độc quyền. Đó là khuynh hướng đã ăn sâu vào lối sống của nhiều cá nhân cũng như nhiều tập thể. Bài đọc 1 hôm nay (Ds 11,25-49) trình thuật câu chuyện xảy ra trong thời Cựu Ước: Khi dân Do Thái mới xuất hành khỏi Ai-cập, “ĐỨC CHÚA ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê.” Người lấy Thần Khí từ ông Mô-sê và cho đậu trên 70 kỳ mục. Trong số đó, có hai người ở lại trong trại không đến Lều, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát, cũng được Thần Khí đến ngự trên đầu, các ông liền phát ngôn trong trại. Thấy vậy, một thanh niên tới báo tin cho ông Mô-sê. Chứng kiến sự việc, ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!" Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!"

Đến thời Tân Ước, khuynh hướng phe nhóm lại biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giê-su (cụ thể là thánh Gio-an). Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 9,38-43.45.47-48) trình thuật: Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Thầy mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Các ông quan niệm chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới được quyền làm việc đó. Nếu có ai khác làm được điều ấy, thì ngay lập tức các ông cảm thấy bực bội vì đặc quyền của mình bị xâm phạm và tìm mọi cách ra tay ngăn cản, đồng thời báo cáo với Thầy: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." (Mc 9,38). Điều đó khiến Đức Giê-su không hài lòng và dạy bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta." (Mc 9,39-40).

Đối với người ngoài nhóm, không thuộc "phe ta", mà như thế thì còn có thể hiểu đuợc; nhưng đến như cùng trong một nhóm với nhau, mà cũng tức tối, ấy mới là có vấn đề. Vẫn còn đó câu chuyện hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến xin được một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu Đức Giê-su khi Người được vinh quang. Hành động đó khiến cho "Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó" (Mt 20,20-24). Trước tình hình không được đẹp ấy của cả 2 phe (một bên thì muốn làm lớn, một bên thì tức tối, ghen tị), khiến Đức Giê-su phải gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."(Mt 20,25-28).

Sở dĩ có chuyện phe nhóm cũng chỉ vì lòng đố kỵ, ghen ghét phát sinh, "Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. " (Gc 3,16). Mà cũng chẳng cần phải chờ đến Tân Ước mới có chuyện ấy (Mt 20,15; Mc 15, 10; Cv 5,17; 1 Cr 5,3; 2 Cr 12,20 ... ), ngay từ thời Cựu Ước cũng không thiếu chuyện ghen tương đố kỵ: Ngoài câu chuyện Giô-suê ghen tức khiến ngôn sứ Mô-sê phải nói thẳng: "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!" (Ds 11,26-29); còn biết bao chuyện đố kỵ khác (St 30, 2; Xh 20,5; Sm 18,1-9; Cn 26,26; Hc 40,4; Is 11,13...). Thật đúng là "Ai công hầu, ai khanh tướng, cuộc trần ai, ai dễ kém ai! – Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gâp thời thế, thế thời phải thế!” (Câu chuyện đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời  Nhiệm, cuối đời hậu Lê + Chúa Trịnh, đầu đời Tây Sơn). Ôi chao! Đời mà! Đời là thế! (C’est la vie! That’s life!).

Sự đố kỵ, ghen ghét biểu lộ tính ích kỷ, mà tính ích kỷ tạo nên óc bè phái. Rõ ràng óc bè phái bộc lộ khi con người sống với nhau thiếu tình thương yêu, và từ đó đi đến chỗ thù hằn, chém giết lẫn nhau cũng chẳng bao xa. Chiến tranh, khủng bố xảy ra vì óc bè phái, lòng đố kỵ, tính ích kỷ, là điều tất yếu. Với tôn giáo thì cũng đã có những cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, thậm chỉ giữa hệ phái này với hệ phái khác trong cùng một tôn giáo (hệ phái nào cũng cho mình là đúng và muốn hành xử như một thứ độc quyền về đức tin), chẳng khác nào cảnh "huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt" vì thiếu vắng tình thương. Nếu không thế, thì ca dao VN đã chẳng có câu: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Vì thế, nên ngay sau chuyện các môn đệ tức tối vì có kẻ không cùng "phe ta" mà dám nhân danh Thầy làm được phép lạ trừ quỷ, chữa bệnh; Đức Giê-su liền giảng dạy về đề tài "Bác ái đối với môn đệ" và "Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã" (Mc 9, 40-48). Cũng vậy, ngay sau chuyện hai người con ông Dê-bê-đê đòi làm lớn, Đức Giê-su cũng giảng dạy đề tài "Ai làm lớn phải phục vụ" (Mt 20,24-28).

Chung quy, Đức Giê-su dư biết lòng dạ con người thường "trâu cột ghét trâu ăn", "lươn ngắn lại chê trạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm" (ca dao, tục ngữ VN)... Vì thế, Người mới dạy "Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã", hoặc "Ai làm lớn phải phục vụ", mọi người phải sống với nhau trong tình tương thân tương ái, yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình, tất cả phải coi đức Mến là nhân đức hàng đầu ("Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" – 1 Cr 13,13). Khoan thử nói tới lãnh vực thần linh siêu hình; chỉ cần nhìn vào đời sống con người nơi xã hội trần thế cũng đã thấy nổi bật một chân lý "có yêu thì mới tin và càng tin thì càng yêu gấp bội". Rõ ràng đức tin phải đi đôi với đức mến hoặc dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thực. Đến như tin vào Chúa, thực hành Lời Chúa mà thiếu đức mến (tức là thực hành vì bổn phận, theo luật, thực hành cách miễn cưỡng, chiếu lệ) thì cũng vô dụng ("Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” – 1 Cr 13,3).

Trong Tông thư Cánh Cửa Đức Tin “Porta Fidei” (số 14), ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI cũng dạy: “Ðức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Ðức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình.” Từ đó, ĐTC kêu gọi cộng đồng tín hữu: “Năm Ðức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái.” Đức tin và đức mến là 2 nhân đức quấn quít lấy nhau, vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau như lời dạy của Thánh Phao-lô: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.” (Gl 5, 6); “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Ðức Ki-tô.” (Ep 3,17-19). Chính vì thế, vào ngày chung thẩm, Thiên Chúa chỉ căn cứ trên những "chứng tá bác ái" mà con người có thực hiện được hay không nơi cuộc sống trần thế, để từ đó thẩm định công tội (xc. Mt 25,31-46).

Vâng, có Mến yêu thì mới Tin và có thực sự Tin thì mới Cậy nhờ giúp đỡ. Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban cho con một đức Mến hoàn hảo như Chúa đã từng dạy con ("Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu anh em như yêu chính mình"). Con biết rằng chỉ khi nào con sống Lời Chúa một cách chân thật, chỉ khi nào con thực hành Lời Chúa bằng cả tâm trí và hành động trong cuộc sống rẫy đầy những đố kỵ, ghen ghét, bè phái, cục bộ, con mới đúng là môn đệ, là bạn hữu đích thực của Chúa (Ki-tô hữu), để được cùng với Chúa xứng đáng là con cái của Chúa Cha toàn năng hằng hữu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. Về mục lục.

JM. Lam Thy ĐVD.

ĐỪNG BAO GIỜ LÀ CỚ VẤP PHẠM

Sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (x. Mc 8, 31-33) rồi lần thứ hai (x. Mc 9, 30-32), là bài học về tư cách của người đứng đầu Chúa dành cho các môn đệ (x. Mc 9, 35-37). Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn các ông về cách sử dụng danh Chúa trong cộng đoàn tín hữu dù là môn đệ hay không (x. Mc 9, 38-40); phần thưởng dành cho những ai sống xứng với danh Kitô hữu của mình (x. Mc 9,41); và đương nhiên kẻ làm cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em sẽ bị trừng phạt thích đáng (9,42); đồng thời Chúa nhấn mạnh đến sự cần phải khước từ những gì gây lên tội lỗi khiến chúng ta mất chỗ trên Nước Trời (x. Mc 9, 43-48).

Chớ ghen ghét

Ghen ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu. Lần giở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra thói ghen ghét. Vì không bằng lòng với những gì mình có, muốn bằng và thậm trí hơn Thiên Chúa nữa, nên Adong và Evà ghen tuông với Thiên Chúa hái trái cấm để ăn. Thế nhưng, ăn xong rồi thì mọi sự được sáng tỏ. Con người mãi mãi là thụ tạo trong lòng bàn tay của Thiên Chúa là Đấng  Tạo Hóa.

Ghen ghét nảy sinh khi so sánh mình với người khác. Sở dĩ có ghen ghét vì người ta người khác hơn mình, mình bị nép vế, bị mất ảnh hưởng, Giôsuê là một bằng chứng. Khi ông Môsê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông Enđát và ông Mêđát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (x. Ds 11,27). Ðiều đó làm ông Giôsuê thắc mắc. Ông Môsê khuyên ông Giôsuê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.

Thánh Giacôbê có kinh nghiệm xương máu về tôi ghen ghét, ngài viết : Vậy “ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ơ đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoa... Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (x. Gc 3, 16-4,3).

Thánh Gioan tông đồ cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ông quan ngại về việc Ðức Giêsu ban quyền năng cho người nghe. Ông ghen tị vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông : “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).

Quảng đại, hy sinh vì Nước Trời

Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).

Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Chúng ta thấy đó đây có người tháo chân, móc mắt, cắt ruột để kéo dài sự sống tạm bợ, xem ra nhẹ nhàng. Để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.

Đừng là cớ vấp phạm

Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói : “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”

Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.

Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết : “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.

Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm : “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen. Về mục lục.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

GIẢ THUYẾT

Giả thuyết khác giả thiết. Giả thuyết là sự giải thích về một hiện tượng nào đó. Để giả thuyết đó có tính khoa học, nó cần được kiểm chứng. Các giả thuyết khoa học thường được các nhà khoa học dựa vào những quan sát trước đó mà không thể giải thích được với các lý thuyết khoa học hiện có. Giả thuyết cũng được gọi là thuyết, học thuyết, có khi là chủ nghĩa, còn giả thiết chỉ là sự giả định, ví dụ.

Thuyết đa nguyên, thuyết nhị nguyên, thuyết vô ngã, thuyết duy ngã, thuyết duy vật, thuyết duy tâm, thuyết định mệnh, thuyết biện minh, thuyết hư vô, thuyết tiến hóa,… Chuyên gia vẽ bản đồ Andreas Cellarius (1595-1665) nổi tiếng với thuyết Harmonia Macrocosmica, được Johannes Janssonius xuất bản năm 1660 tại Amsterdam. Thuyết này mô tả chuyển động của trái đất theo quỹ đạo ngoại luân.

Giả thuyết có thể đúng, cũng có thể sai. Không sờ được nhưng có giả thuyết đáng tin và có giả thuyết không đáng tin. Thật và giả khó phân định – nhất là trong xã hội ngày nay. Có những sự giả dối mà người ta tin lắm, nhưng có những sự thật minh nhiên mà người ta lại không muốn tin. Người ta nói: “Lời thật mất lòng”. Thật vậy, thuận ngôn gây nghịch nhĩ. Thế nên ít có người muốn nghe lời thật – lời của sự thật, lời của chân lý.

Thạt chí lý khi tiền nhân nói: “Mật ngọt nên mới chết ruồi – Những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Đúng vậy, người NỊNH ta là kẻ thù của ta, người KHEN ta mà khen đúng là bạn của ta, người CHÊ ta mới là thầy của ta. Khó nghe quá! Khó chịu lắm! Thế nhưng đó lại là sự thật. Sự phục thiện rất quan trọng – vì ai cũng sai lầm đầy mình. Phải tâm niệm “mất lòng trước, được lòng sau” thì mới là người chính trực công minh – loại người được Thiên Chúa yêu quý (x. G 36:7; Tv 34:16; Cn 2:8; Cn 3:33).

Thiên Chúa không tạo nên sự ác, mà sinh ra do thói kiêu ngạo của con người. Do đó, ác nhân càng ngày càng hoành hành, tự tung tự tác, tại ra điều xấu khắp nơi, như Thánh Phaolô đã nói: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Thậm chí chỉ nhìn thấy “ngứa mắt” mà kẻ thủ ác không ngại rút dao lụi cho một cú, dù người bị hại không hề có lỗi gì. Đúng như tiền nhân nói: “Nhân dục thắng, thiên lý vong” [Ham muốn của con người thắng thì lẽ công (trời) sẽ bị mất]. Tương tự, ngạn ngữ Trung quốc nói: “Con cưng chiều khó giữ cơ nghiệp, vợ quay quắt khó giữ cửa nhà”. Luôn có tính liên đới, và cái gì cũng có hệ lụy tất yếu: Gia luật bất minh, con cái hư hỏng; quốc pháp bất nghiêm, đất nước suy vong. Hệ lụy đó không chỉ ở đời thường, mà cả trong Giáo Hội hữu hình trên thế gian này.

Ý NGHĨ TRỰC CHỈ LỜI NÓI

Như một phản ứng hóa học – A tác dụng với B sinh ra C. Tư tưởng, lời nói và hành động cũng “phản ứng” lẫn nhau. Về sinh học, vì các phản ứng não quá nhanh, nhanh như chớp, chúng ta không thể nhận ra điều đó, nhưng quả thật có phản ứng như vậy!

Kể lại chuyện xưa, sách Dân Số cho biết: Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Môsê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa. Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.

Khi đó có một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Môsê: “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!” (Ds 11:27). Ông Giôsuê, con ông Nun, từng theo hầu ông Môsê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” (Ds 11:28). Nhưng ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11:29). Ái chà, sự đời mệt dữ nghen!

Lời nói xuất ra từ lối suy nghĩ, nó có thể cho biết tính cách một con người, thậm chí có thể tạo nên số phận: “VINH hay NHỤC đều ở LỜI NÓI cả, và CÁI LƯỠI chính là MỐI HOẠ cho con người” (Hc 5:13). Lời nói có thể chỉ như “gió bay”, nhưng lời nói vẫn quan trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Một lời nói ra, bốn ngựa cũng không đuổi kịp. Thế mà người ta không thích “uốn lưỡi 7 lần” nên mới “nói nhịu” hoặc “lỡ lời”. Và rồi phải ân hận và thở dài não nuột!

Sự thật là chính Thần Khí mới tạo nên sự sống, vì có sống thì mới nói được. Mọi người đều được Thiên Chúa trao trách nhiệm làm ngôn sứ cho Ngài, nghĩa là ai cũng phải dùng lời nói mà tuyên xưng và loan báo Đấng nhân lành và thương xót.

Xã hội đời hay đạo cũng có luật. Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Tại sao? Luật có sau con người nên luật phải vì con người, chứ con người không lệ thuộc luật. Bởi con người không còn “nhân chi sơ tính bổn thiện” nên phải có luật – ví như hàm thiếc tra vào mõm con ngựa chứng, nếu không thì mọi tôn ti trật tự đều bị đảo lộn. Thật vậy: “Ở đâu KHÔNG có Lề Luật thì cũng KHÔNG có vi phạm” (Rm 4:15). Có nhiều thứ luật: Luật giao tế, luật kinh tế, luật kinh doanh, luật quốc gia, luật quốc tế, luật xã hội, luật tôn giáo, luật đoàn thể, luật gia đình,… Ngay cả chuyện giản dị như ăn và nói cũng có luật. Nhưng tất cả đều phải dựa vào Luật Chúa, gọi là Thánh Luật, vì Chúa Giêsu xác định: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).

Ý Chúa là Thánh Luật, Ý Chúa luôn tốt lành. Thánh Lm Arnold Janssen (1837-1909, sáng lập Dòng Ngôi Lời – SVD, Societas Verbi Divini) xác định: “Mặc dù ý Chúa KHÔNG PHÙ HỢP với bạn thì vẫn LUÔN ÍCH LỢI cho bạn”. Thật vậy, Thánh Vịnh gia cho biết: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh Ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8). Luật đời có thể khiến người ta khổ sở, nhưng Luật Chúa luôn làm người ta hạnh phúc. Ai yêu mến Chúa thì chuyên chăm thi hành Thánh Luật, luôn miệt mài tìm kiếm Ý Chúa để tuân phục: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh” (Tv 19:10).

Đại diện chúng ta, Thánh Vịnh gia thân thưa: “Tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích. Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn không còn vương trọng tội” (Tv 19:12-14). Chúng ta chỉ là những tội nhân, thế nên rất cần Luật Chúa để cải thiện cách sống, và đó mới là hạnh phúc đích thực mà các tôi trung của Chúa hằng mơ ước: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời” (Tv 119:1).

Thánh Faustina phân tích: “Bản chất của nhân đức là Ý Chúa. Ai trung tín thực hiện Ý Chúa thì cũng thực hành các nhân đức” (Nhật Ký, số 678). Thánh Phaolô khuyên “đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5:17), và quan trọng là luôn “xin cho ý Chúa được thể hiện!” (Cv 21:14), chứ không thỏa ý mình.

LỜI NÓI ĐÒI HỎI HÀNH ĐỘNG

Chắc hẳn ai cũng có kinh nghiệm về hệ lụy của lời nói và hành động. Đó là thứ “kinh nghiệm xương máu” khiến người ta nên khôn. Không ngã làm sau biết đau? Đó là tất yếu. Kinh nghiệm không bao giờ có giá rẻ!

Cơ thể con người có những cơ phận gồm hai phần, chúng ta gọi là bên PHẢI và bên TRÁI (não, mắt, mũi, tai, tay, chân, thận). Thật thú vị! Cuộc sống cũng luôn có cái này và cái kia – ĐÚNG và SAI. Thánh Giacôbê khuyên một lèo: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người” (Gc 5:4a). Vì thế, “tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5:4b).

Ôi chao, thánh nhân phân tích quá tỉ mỉ, quá rõ ràng, không hề bóng gió. Những lời đó hẳn chúng ta cảm thấy “chói tai” khi nghe, hoặc “xốn mắt” khi đọc. Sự thật mất lòng là thế đấy! Và ngài còn nói thêm: “Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:5-6). Nhức nhối! Càng đọc/nghe, chúng ta càng thấy hổ thẹn với lương tâm của chính mình. Dù cho chúng ta có đấm ngực bao nhiêu lần mà không thay đổi cách sống, không bớt hung ác mà thêm tốt lành, không bớt ngu mà thêm khôn, thì cũng chỉ vô ích mà thôi!

Trình thuật Mc 9:38-48 cho biết rằng… Một hôm, ông Gioan tâm sự với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9:38). Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39-40). Ôi chao, Sư Phụ Giêsu dễ ghét quá đi thôi! “Không chống lại là ủng hộ”, hay quá là hay, thích ơi là thích, bởi vì như vậy là Ngài chẳng đòi hỏi chi quá “trình độ” của chúng ta.

Thật vậy, Ngài không đòi hỏi điều chi lớn lao, thậm chí chỉ một hành động nhỏ cũng được Ngài ghi công: “Ai cho anh em uống MỘT CHÉN NƯỚC vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ KHÔNG MẤT PHẦN THƯỞNG đâu” (Mc 9:41). Ôi, quá đã! Cái giả thuyết Ngài đưa ra thật độc đáo, và dù là một giả thuyết nhưng hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, Ngài cũng thẳng thắn cảnh báo: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Cách so sánh rất thật, tất nhiên cũng rất… “chói tai”. Và chắc là có nhiều người cảm thấy… khó chịu!

Cũng chưa hết, chưa xong, Ngài còn tiếp tục so sánh cụ thể hơn: “Nếu tay anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48). Nghe mà giật thót mình như sét đánh: LÀM CỚ. Nhưng đó là nghiêm luật của Chúa, không bao giờ lay chuyển. Ngài là Đấng trung tín và công minh, hễ NÓI là LÀM. Chúng ta không thể biện minh bằng bất kỳ lý do gì – dù chúng ta cho là chính đáng!

Ấy thế mà khi cảm thấy (nghĩa là chưa xác đáng) ai không “hợp ý” mình hoặc không theo phe mình, chúng ta liền tìm mọi cách gièm pha, lườm nguýt, “hạ bệ”, hoặc trù dập. Tất nhiên Thiên Chúa biết rõ chúng ta là gì và thế nào – chỉ là cát bụi và tội lỗi, ích kỷ và kiêu ngạo, thế mà “chảnh” lắm. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội thất vọng, mà hãy luôn nhớ rằng lòng thương xót của Ngài còn lớn hơn mọi tội lỗi của cả thế gian này, như Thánh Giám mục Phanxicô Salê nói: “Đừng bao giờ lo buồn vì sự bất toàn của mình, nhưng phải luôn luôn can đảm đứng dậy sau khi vấp ngã”. Vế thứ hai trong câu nói của thánh nhân rất quan trọng. Có thể có lúc chúng ta cảm thấy rất thất vọng về chính mình, nhưng tuyệt đối là ĐỪNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG, tức là CỨ VỮNG TIN vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa!

Hãy luôn ghi nhớ lời minh định của Thiên Chúa: “Tôi muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Chúa Giêsu đến thế gian là để TÌM và CỨU những gì đã mất (Lc 19:10). Đó là niềm hy vọng và niềm an ủi đối với chúng ta. Ngài không chỉ muốn chúng ta sống mà còn phải được sống dồi dào (Ga 10:10). Nhưng Ngài cũng bắt chúng ta tự vấn lương tâm: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12:7).

KIÊU NGẠO là nền tảng của Tòa-Nhà-Cố-Chấp. Đó là tội “siêu trọng”, tội nặng nhất, tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:31-32).

Ôi, thật đáng sợ, bởi vì bụng cứ bảo dạ: “Nếu con có tội thì khốn cho con! Mà nếu có công chính, con cũng chẳng dám ngẩng đầu: Tủi hổ đầy tràn, lỗi lầm chồng chất” (G 10:15).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con đủ thông minh để có thể tự đặt vấn đề với chính mình, luôn biết cẩn trọng đối với mọi thứ ngay từ trong ý nghĩ, để chúng con miệt mài tìm kiếm Thánh Ý Ngài và hết dạ thi hành Thánh Luật. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen. Về mục lục.

Trầm Thiên Thu

KHÔNG CHỐNG ĐỐI LÀ ỦNG HỘ

(Cảm nhận và suy niệm Mc 9,38-42,44,46-47)

Cộng đoàn Dân Chúa hôm nay

Nghe Lời Chúa dạy điều này phải lo

Rằng khi Gioan Tông đồ

Lạy trình lên Chúa dạy cho thế nào:

“Kẻ kia quê quán nơi nao

Dám nhân Danh Chúa đẩy nhào quỷ ra?”

Chúng con đã cấm người ta

Chúa rằng: “Điều đó cũng là đáng tin

Các con cứ để họ yên

Phận mình, mình giữ, chẳng phiền việc ai.

Các con hãy nhớ điều này

Không ai chống đối ta nay an lành

Đó là ủng hộ chân thành…”

Chặt tay bỏ đi

Nhớ câu gần mực thì đen

Gần nơi tội lỗi chớ nên coi thường

Đây Lời Chúa dạy rõ ràng

Tay nên dịp tội sẵn sàng chặt đi

Nhớ rằng dịp tội bất kỳ

Sa vào vùng nó ắt thì buông xuôi

Cụt tay mà giữ trọn đời

Xác hồn trong sạch ắt thời Chúa thương

Khi nào tới nước Thiên Đường

Đôi tay nguyên vẹn đường đường con Cha.

Thế Kiên Dominic - Về mục lục.

NẾU, NẾU MỘT NGÀY KHÔNG CÓ EM 

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 26 Thường niên năm B 30/9/2018

“Nếu, nếu một ngày không có em”
Thì niềm cô đơn dài như năm tháng
Như mùa thu chết như lá thu rơi.”

(Khánh Băng – Nếu Một Ngày)

(1 Cr 13,3-8)

Cứ coi là thế đi. Một ngày mà không có Em hoặc có Anh, thì ngày ấy sẽ chẳng là gì hết. Huống hồ, là tình yêu. Một ngày như thế, há nào như “mùa thu chết” hoặc cũng chỉ như ”lá thu rơi”, thôi. Lá thu rơi ngày ấy, như tác giả nhạc bản “nếu một ngày” lại diễn tả thêm chữ “nếu” đầy tiếc nuối, mà rằng:

“Nếu, nếu ngày ấy mình đừng quen nhau
Thì ngày nay có đâu buồn đau
Những khi mình xa nhau có đâu buồn đau

Nhớ, nhớ một chiều em đến thăm
Ngoài trời mưa trời mưa không dứt
Con đường trơn ướt em đến thăm tôi
Nhớ, nhớ ngày ấy mình cầm tay nhau
Nhìn hạt mưa ướt mi
Ngày sau sẽ không còn mưa rơi, sẽ không còn mưa rơi

Thôi kỷ niệm ấy xin trả cho người
Vì ngày mai tôi sẽ xa rời kỷ niệm, đành xa rời mãi.
Trên, trên con đường sóng gió ra đi.
Vì làm trai tôi đành lỗi hẹn.
Những niềm tin sẽ không xa rời, sẽ không xa rời.

Nếu, nếu một ngày không có tôi.
Thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé.
Xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi.
Nếu, nếu ngày ấy mình đừng yêu nhau
Thì ngày nay có đâu buồn đau
Những khi mình xa nhau có đâu buồn đau.”

(Khánh Băng – bđd)

“Có đâu buồn đau”, lại cũng giống như trường-hợp của đấng bậc vị vọng nọ ở trời Tây, rất Nam Mỹ, từng thổ lộ về chuyện riêng tư của “ngài”, rằng:

Ngài linh mục người Brazil, Lm. Antoine Teixeira đã có thư gửi Đức Phanxicô những lời sau đây:

15 Tháng Chín, 2018

Kính gửi Đức Giáo hoàng Phanxicô,

Quả thật, ngài có lỗi!

Đức Thánh cha có lỗi vì là một con người và không phải là một thiên thần! Đức Thánh Cha có lỗi vì khiêm tốn chấp nhận rằng mình đã sai lầm và cầu xin sự tha thứ cho chính mình và cho cả chúng con nữa. Trong khi điều này đối với nhiều người lại không thể chấp nhận được.

Đức Thánh Cha có lỗi bởi vì ngài không muốn làm một vị thẩm phán, một con người của luật lệ, nhưng là một mẫu gương và nhân chứng của lòng thương xót.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã từ bỏ truyền thống sống trong cung điện và chọn cuộc sống như những người bình thường.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã khước từ sự xa hoa của [Vương cung Thánh đường] Thánh Gioan Latêranô và ưa thích viếng thăm sự nghèo khổ nơi những nhà tù, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, vv.

Đức Thánh Cha thật có lỗi! Đức Thánh cha ngừng hôn những đôi chân thơm tho của các vị hồng y, nhưng lại hôn bàn chân “bẩn thỉu” của những phạm nhân, phụ nữ, bệnh nhân, những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, và những người “khác biệt”!

Đức Thánh Cha đáng bị lên án vì đã mở cửa đón nhận những người tị nạn, và bởi trước những vấn đề đau buồn cần được giải đáp, ngài chỉ trả lời một cách đơn giản: “Tôi là ai mà dám phán xét?”

Đức Thánh Cha đáng bị đày đọa vì thừa nhận sự yếu đuối của mình bằng cách xin chúng con cầu nguyện cho ngài, trong khi nhiều người yêu cầu Đức Thánh Cha phải giáo điều, bất khoan dung, và quan liêu.

Kính thưa Đức Thánh Cha, ngài bị quy kết cho thật nhiều thứ tội, như “những phường phản bội,” “hạng bị dứt phép thông công,” và “kẻ lai căng,” những người nhờ Đức Thánh Cha đã tái khám phá khuôn mặt xinh đẹp của Chúa Kitô đầy dịu dàng và thương xót.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã chỉ ra bản chất thực của sự việc và không ngừng nhắc nhở các giám mục rằng họ không phải là những mục tử ở sân bay, nhưng phải mang lấy “mùi chiên của họ.”

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã xé toạc những trang sử bất khoan dung và thứ luân lý khô khan, tàn nhẫn, và ban tặng chúng con vẻ đẹp của lòng từ bi, nhân hậu và sự chân thành.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã mở mắt chúng con, những người [tự cho mình] thông minh và lý lẽ, nhất là con mắt của trái tim.

Đức Thánh Cha có lỗi vì muốn mang lấy thập giá của Giáo Hội thay vì mua vui cho những ánh mắt, bàng quan trước những nỗi đau và nước mắt của nhân loại thời đại chúng ta.

Đức Thánh Cha có lỗi vì không chịu đựng những tội ác ghê tởm nhân danh Thiên Chúa và những người rao giảng về Chúa nhưng lại sống đối địch với Ngài.

Đức Thánh Cha có lỗi vì do lòng thương xót, dám tìm kiếm sự thật và công lý, thay vì thinh lặng, giấu giếm, giảm thiểu hoặc bỏ qua.

Đức Thánh Cha có lỗi vì không muốn một Giáo Hội của đặc quyền, lợi ích, và vinh quang, và dạy cho chúng con sức mạnh của việc phục vụ, sự giàu có của việc rửa chân, và sự vĩ đại của tinh thần đơn sơ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, hãy để người ta đổ lỗi cho ngài những “tội ác” này. Đức Thánh Cha biết rằng bên cạnh ngài là vô số những anh chị em nam nữ không phải là thiên thần như ngài, nhưng là những người yếu đuối, những tội nhân, những người hy vọng Chúa Kitô gìn giữ chúng ta và cho chúng ta.

Đức Thánh Cha nên nhớ rằng có một làn sóng rất lớn của những tâm hồn luôn cầu nguyện cho Ngài mọi giây phút; vì Đức Thánh Cha, họ sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống mình. Họ bước theo Đức Thánh Cha như đoàn chiên tin tưởng vào mục tử của họ.

Chính Đức Kitô đã ủy thác nơi Đức Thánh Cha sứ mệnh chèo lái “con thuyền” Hội Thánh. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh cho Đức Thánh Cha theo đuổi con đường “tội lỗi” này, con đường đã được thực hiện thật tốt trên thế giới và trong Giáo Hội.

Kính thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài đã trở nên “tội lỗi” để làm cho Hội Thánh nên xinh đẹp như mong ước của Chúa Giêsu” (Lm. GB. Cao Xuân Hưng, Gp. Vinh biên dịch từ bản tiếng Anh, Nguồn: http://www.cbcplaiko.org/2018/09/13/from-a-priest-in-brazil-to-the-pope/).

Chuyện đời thường hoặc riêng tư nhà Đạo của một linh mục, cũng na ná hơi bị giống chuyện của người ngoài, ở đời thường. Nói na ná, là bởi nó chỉ giống đôi chút khía cạnh nào đó, rất nho nhỏ. Na ná, như câu truyện kể cũng rất nhẹ như bên dưới:

“Truyện rằng:

Anh nọ có lần được dịp nói khoác:

–Tôi được thấy có nhiều cái lạ lắm, nhưng lạ nhất là có một chiếc thuyền, dài không lấy gì mà đo cho xiết, có người thuở hai mươi tuổi đứng ở đằng mũi bắt đầu đi ra đằng lái, đi đến giữa cột buồm thì đã già, râu tóc bạc phơ, cứ thế đi, đến chết vẫn chưa tới lái. Trong làng cũng có một anh nói khoác nổi tiếng, nghe vậy liền kể ngay một câu chuyện:

–Như thế đã lấy gì làm lạ! Tôi đi rừng thấy có một cây cao ghê gớm. Có một con chim đậu trên cành cây ấy, đánh rơi một hạt đa. Hạt đa rơi xuống lưng chừng gặp mưa, gặp bụi rồi nảy mầm, đâm rễ thành cây đa. Cây đa lớn lên, sinh hoa, kết quả, hạt đa ở cây đa đó lại rơi vãi ra, đâm chồi, nẩy lộc thành nhiều cây đa con, đa con cũng như cây đa mẹ lớn lên, sinh hoa kết quả, lại nẩy ra hàng đàn cây đa cháu. Cứ thế mãi cho đến khi rơi tới đất thì đã bảy đời tất cả.

Anh đi xa về, nghe thế gân cổ lên cãi:

–Làm gì có cây cao thế! Chả ai tin được.

Anh kia cười ranh mãnh:

–Ấy không có cây cao như thế thì lấy đâu ra gỗ mà đóng chiếc thuyền của anh? (Truyện kể rút từ điện thư vi tính, mới đây thôi.)

Truyện vui vi tính, thật ra, nhiều lúc cũng chẳng ăn nhập đề tài được bàn luận hoặc kể lể. Thế nhưng, đã gọi là truyện kể để minh-họa đề tài mình đang nói hoặc sắp nói, thì “giữa hai hàng chữ” vẫn có ý-tưởng sao đó, có thể xảy ra ngay ở đây vào một lúc, giống thế thôi. Thật ra thì, có kể truyện vui, cũng chỉ cốt để đề tài triết-lý/thần-học được dễ chịu khi người kể cứ bỏ thì giờ ra mà tìm kiếm.

Thế đó, còn là tâm-trạng của bần đạo bầy tôi đây, hôm nay, những muốn đề-cập đến một thứ phiếm luận đạo đời, rất khô khan, thôi. Kể rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta trở về với  ca-từ nhạc-bản làm nền ở trên mà đi vào đoạn kết, cho bớt phiền. Ca-từ lại cứ hát những lời rằng:

“Nếu, nếu một ngày không có tôi
Thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé
Xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi

Nếu, nếu ngày ấy mình đừng yêu nhau
Thì ngày nay có đâu buồn đau
Những khi mình xa nhau có đâu buồn đau.”

(Khánh Băng – bđd)

“Một ngày, không có tôi”, và cả những người anh, người chị ở thế-trần này, lại sẽ giống như tình-huống rất đạo/đời, mà thôi. Tình-huống những một ngày như thế ấy, còn là và vẫn là những tình và huống rất căn-cơ như lời lẽ bậc thánh hiền từng thổ-lộ hôm trước, nay ta nghe lại mà rằng:

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp ra mà bố thí, hay nộp cả thân xác mình để chịu thiêu đốt, mà không có tình mến thương, thì cũng chẳng ích lợi gì cho tôi. Thương yêu, mến mộ luôn nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Thương yêu, mến mộ tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Thương yêu, mến mộ như thế không bao giờ lại mất đi” (1 Cr 13,3-8)

“Không thể mất được”, đó là lời quả quyết như “đinh đóng cột”. Thứ quả quyết mà cả tôi lẫn bạn, cũng như mọi người vẫn cứ đưa ra cho mọi người biết, để còn tin. Và, khi đã tin rồi, sẽ không còn gì để thắc mắc nữa.

Thế đó, là lời thề của tôi và của bạn, của hất mọi người trong tương-quan đằm thắm rất yêu thương. Như thói thường cuộc đời người, xưa nay vẫn hoàn thế.

Thế đó, còn là ước hẹn của muôn người. Trên đường đời.

Trần Ngọc Mười Hai  

Và những ước hẹn

Có tự bao giờ

Và bây giờ. Về mục lục.

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan