SUY NIỆM CHÚA NHẬT 15 TN_C

11-07-2019 1,993 lượt xem

(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

HÃY ĐI VÀ HÃY LÀM NHƯ VẬY

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Ngày Chúa Nhật 10/07/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin cho những tín hữu đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: Chúng ta đừng hỏi người khác: “Ai là người thân cận của tôi ?”, nhưng hãy tự hỏi chính bản thân mình: “Tôi là người thân cận của ai ?”, khi đó Chúa Giêsu sẽ trả lời cho chúng ta: “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”, tức là hãy thực thi lòng thương xót đối với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng những lời nói suông; vì chưng,“bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn”.

Vào ngày thứ Hai 09/10/2017, trong bài giảng Lễ sáng tại Nguyện Đường Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy tư về thái độ của nhiều nhân vật trong dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu”.

Vị tư tế vốn là “một người của Thiên Chúa”, Thầy Lêvi một người “gần gũi với lề luật”, tất cả những người này đã đi qua người bị thương đang dở sống dở chết. Đức Giáo Hoàng nói đây là một thói quen rất phổ biến ở nơi chúng ta. Chúng ta thấy một thảm họa tồi tệ và đi qua và sau đó đọc tin về nó, đau đớn với một chút “cớ vấp phạp và tình cảm”, trong các tờ báo.

Người Samari, một người dân ngoại “đã thấy và đã không đi qua”, “ông chạnh lòng thương”. Làm cho người bị thương thành người thân cận của mình, người Samari đã đến gần nạn nhân, đã băng bó vết thương cho người ấy và đổ dầu và rượu vào vết thương. Ông đã mang theo người bị thương trên con lừa của mình đến quán trọ, rồi trả tiền cho chủ quán trọ để chăm sóc người bị thương và hứa sẽ trả thêm khoản phí thêm khi ông trở lại.

Đức Giáo Hoàng nói: Đây là mầu nhiệm về Đức Kitô là Đấng đã trở nên tôi tớ, khiêm nhường và tự hạ, chính Ngài và chết vì chúng ta. Chúa Giêsu là Người Samari Nhân Hậu, là Đấng đã mời gọi vị tiến sĩ luật hãy làm như vậy. Dụ ngôn cho thấy chiều sâu và chiều rộng của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samari nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Họ “tránh qua” một bên để đi, thật lạnh lùng, thờ ơ!

Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn, chạnh lòng thương liền băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Người Samari “tới gần” nạn nhân nửa sống nửa chết. Ông “chạnh lòng thương” nên đã đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng “bị tước đoạt, bị cướp bóc” như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực “nửa sống nửa chết” của người ấy. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn.

Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa họ còn là kẻ rao giảng về đạo. Họ ở trong đạo nhưng không sống đạo. Người Samari, kẻ sống đạo lại là người không có đạo.

Như thế kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa trên con đường dài với những bước chân xiêu té cuối đời là người ngoại đạo. Kẻ tỏ lòng biết ơn khi được Chúa chữa lành là người ngoại đạo. Kẻ thể hiện lòng bác ái xót thương không phải là Tư Tế, là Lêvi, các chức sắc trong đạo mà là người Samari, người ngoại đạo.

Khi băn khoăn tự hỏi: thế nào là người bên ngoài, thế nào là người bên trong? Thế nào là có đạo, thế nào ngoại đạo?, tôi thấy trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu nói: Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ từ Phương Đông, Phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời, còn chính con dân trong nước lại sẽ bị đuổi ra ngoài tối tăm.

Vậy thì có một khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết về đạo và sống đạo. Đạo thì mênh mông vô bờ bến như đất trời, làm sao có thể đem đạo vào một định nghĩa chật hẹp được? Làm sao có thể nhốt đạo vào nhà thờ? Làm sao vẽ chân dung đạo bằng tờ giấy rửa tội được? Bởi lẽ “Đạo khả đạo phi thường Đạo” ( Lão Tử).

Hiểu biết về đạo được thể hiện qua đời sống đạo. Có người nói rằng: tôi tin đạo chứ tôi không tin người có đạo. Đạo thì tốt, nhưng nhiều người có đạo lại xấu. Có nhiều người ngoại đạo lại tốt hơn người có đạo. Họ nói như thế vì họ thấy nhiều người có đạo mà lại không sống đạo của mình. Quả thật, con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm, giữa hiểu biết và cuộc sống có một khoảng cách thật lớn.

Đức Khổng Tử đã nói chí lý: Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là đạo.

Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người. Ai không biết thương người khác là kẻ không xứng danh là người. Nhân bản và nhân ái có quan hệ mật thiết với nhau.

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật (Lv 21) ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết. Người Samari lựa chọn bác ái. Ông không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Ông chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.

Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?”. Người ấy đáp: “Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân”. Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy”. Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.

Tiêu chuẩn để đánh giá một tôn giáo đích thực: lòng xót thương dành cho người thân cận. Tiêu chuẩn này đảo lộn lối suy nghĩ “tránh xa”. Bởi vì khi “tránh xa” con người, thì cùng lúc cũng “tránh xa” Thiên Chúa. Hóa ra, các Lêvi và Tư tế chỉ thực thi Lề Luật theo mặt chữ, tức là chỉ dừng lại ở những gì quy định của Lề Luật chứ chưa đi tới hồn của Lề Luật; họ chưa gặp gỡ Tác Giả của Lề Luật, Đấng “chạnh lòng thương”. Cách thực hành đạo như thế có nguy cơ đóng Thiên Chúa vào trong khung chật hẹp suy nghĩ của con người. Để phá tan cơn cám dỗ muốn mọi thứ phải được hệ thống hóa, kể cả Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ví mình như người Samari. Chúa Giêsu cũng ví mình như người thân cận, Đấng chạnh lòng thương tới gần con người, khi con người bị tước đoạt đến độ “dở sống dở chết” và Ngài mời gọi chúng ta “Hãy đi và cũng hãy làm” cho mình trở thành người thân cận của Thiên Chúa và con người.

Càng hiểu biết về đạo càng phải sống đạo. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy”. Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối”. Đối với Thánh Phaolô: “Yêu thương là giữ trọn lề luật”. Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con rằng: “không phải những người cứ kêu lên Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào mà thôi”. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời sống đạo hàng ngày. Amen.Top of Form

NGƯỜI TRONG BỐN BỂ THẬT LÀ ANH EM

JM. Lam Thy ĐVD

Các bài đọc hôm nay (CN XV/TN-C) nói đến luật Bác Ái là kính mến Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân, đặc biệt trong việc giúp đỡ những người lâm cảnh khó khăn. Bài Đọc I (Đnl 30, 10-14) phân giải: Lề luật của Chúa đã được ghi khắc vào lòng chúng ta (lương tâm) để hướng dẫn chúng ta sống cho xứng đáng những con người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh Chúa, chúng ta cần đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Bài đọc II (Cl 1, 15-20) khẳng định: Chúa Giê-su cũng chính là Thiên Chúa thật, Người mặc lấy thân xác con người, đổ máu ra trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại và trở nên “trưởng tử mọi loài thọ sinh và là Đầu Giáo Hội.” Bài Tin Mừng (Lc 10, 25-37) kêu gọi người tín hữu phải thực hành Đức Bác Ái để được sống đời đời. Đó là yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương phục vụ tha nhân. Người Sa-ma-ri tốt lành là hình ảnh của những người biết thương cảm và hy sinh giúp đỡ mọi người, nhất là những người gặp hoạn nạn, dù người đó là ai. 

Bài Tin Mừng (Lc 10, 25-37) trình thuật câu chuyện một người thông luật “hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Lại thêm một trường hợp những luật sĩ, kinh sư Pha-ri-sêu đến “thử” Đức Giê-su. Thay vì trả lời, Đức Giê-su lại hỏi ngược lại để xem thử ông ta “thông luật” đến cỡ nào: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ta đành tự trả lời câu hỏi của mình: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." (Lc 10, 28). Tới đó, Đức Giê-su mới trả lời thẳng váo thắc mắc lúc đầu của “nhà thông luật”: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Cứ tưởng như thế thì “nhà thông luật” sẽ câm miệng, không ngờ ông ta lại “muốn chứng tỏ là mình có lý” để tiếp tục “thử” Đức Giê-su: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Hỏi câu này, ông ta đã dựa theo lẽ thường tình thế sự vẫn quan niệm “người thân cận” là những người gần gũi, thân thiết như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn bè … (như trong từ “thân” vẫn thường dùng; vd : “thân nhân: người thân”, “thân phụ: cha”, “thân mẫu: mẹ”, “thân thích: họ hàng nội ngoại” v.v…). Và vì thế, Đức Giê-su phải kể một dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” và từ dụ ngôn ấy, Người lại đặt câu hỏi để chính người thông luật tự tìm ra định nghĩa trả lời cho câu hỏi của mình. 

Như vậy, “người thân cận” trong dụ ngôn của Đức Ki-tô không phải là họ hàng máu mủ ruột thịt, mà lại là một người xa lạ, một người bất chợt gặp trên đường đời. Nghe ra có vẻ nghịch lý, bất bình thường (một người chưa hề quen biết, bất chợt gặp trên đường mà lại được coi là “thân cận” ư?). Tuy nhiên, nếu suy cho cùng, thì sẽ thấy là mặc dù sống gần gũi nhau nhưng chưa chắc cha mẹ, anh em bè bạn đã thật sự thân thiết với nhau, nếu chưa thật sự yêu thương nhau. Đến ngay như vợ chồng đầu gối tay ấp, cũng không thiếu những trường hợp “đồng sàng, dị mộng” (chung giường, khác mộng), huống hồ. Chính Đức Giê-su cũng nói : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." (Mt 13, 57 ), “Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 36). 

Đức Ki-tô rất hay dùng cách nói mà ngày nay thường coi là biện pháp nghệ thuật đắc dụng, đó là biện pháp “tương phản” (nói trái với ý chính để làm nổi bật ý chính – vd : "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” – Mt 10, 34-36); hoặc “ám tỉ” (so sánh ngầm, vd: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men." – Mt 12, 33) ; hoặc “ẩn dụ” (ví ngầm, vd : "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được." – Mt 13, 31-32). 

Và trong dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” cũng vậy, Đức Ki-tô đã dùng biện pháp “tương phản”: Sự gần gũi (thân cận), nếu xét theo quan niệm "tĩnh", thì thầy Tư tế và thầy Lê-vi là người đồng hương (cùng ở Giê-ru-sa-lem) và đồng đạo (Do Thái giáo) với người bị nạn, hẳn nhiên phải gần gũi hơn người Sa-ma-ri (là một dân ngoại) chỉ tình cờ đi ngang qua chỗ người bị nạn. Gần gũi như vậy nhưng thấy người bị nạn "nửa sống nửa chết" thì "lánh qua một bên mà đi". Còn người xa lạ Sa-ma-ri thoạt trông thấy đã "chạnh lòng thương" và ở lại hết lòng cứu chữa người bị nạn. Vậy thì phải hiểu như thế nào về từ "thân cận"? Rõ ràng ở đây phải hiểu theo quan niệm "động": nghĩa là thân cận hay không thân cận là do cách đối xử yêu thương hay không yêu thương đối với nhau. Tình yêu làm con người trở nên gần gũi nhau, còn sự thờ ơ, lãnh đạm tạo nên khoảng cách là điều tất yếu vậy.

Cũng chính vì người đời quan niệm chỉ có cha mẹ, anh em, họ hàng mới là người thân cận, nên Đức Giê-su Ki-tô mới dạy: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." (Mt 12, 48-50). Thi hành ý muốn của Chúa Cha là ý muốn gì? Không cần hỏi thì cũng đã sẵn câu trả lời: Đó là ý muốn "Đem Tin Mừng Cứu  Độ đến cho mọi người – nhất là những người nghèo khó, bệnh tật, tù tội... – bằng tình yêu, như Thiên Chúa Tình Yêu đã thực hiện cho nhân loại, thông qua chính Con Một của Người là Đức Giê-su Ki-tô." Người Sa-ma-ri trong dụ ngôn tuy không thông luật, nhưng đã "làm theo ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời" vậy. Và người thông luật cuối cùng cũng đã thông hiểu vấn đề, nên Đức Ki-tô liền bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10, 37).

Lời Đức Giê-su nói với người thông luật cũng tương tự như lệnh truyền cho 72 môn đệ đi rao giảng: “Anh em hãy ra đi” (Lc 10, 3). Chính ở điểm này cho thấy câu chuyện người thông luật cùng với dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành có liên hệ với việc các môn đệ được Đức Giê-su sai đi rao giảng Tin Mừng. Người bảo người thông luật hãy ra đi và làm như người Sa-ma-ri (yêu thuơng tất cả mọi người, coi họ như người thân cận của mình). Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Người cũng truyền: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà It-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh  em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh  em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10, 6-8)

Người Ki-tô hữu chính là những môn đệ đã hơn một lần được Thầy Chí Thánh Giê-su truyền: “Anh em hãy ra đi và cũng hãy làm như vậy”. Khi được sai đi như thế, điều tiên quyết là phải từ bỏ chính mình và coi tất cả mọi người trên khắp năm châu bốn biển đều là người thân cận như anh em trong một gia đình (“tứ hải giai huynh đệ”). Một cách cụ thể: "Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa... Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc... Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người." (Rm 12, 9-18). 

Tóm lại, “Ki-tô hữu có thể nhìn bằng con mắt của Chúa Giê-su và chia sẻ tâm trí của Người, thiên hướng con thảo của Người, vì họ chia sẻ tình yêu của Người, vốn là Thần Khí của Người.” (Thông điệp “ÁNH SÁNG ĐỨC TIN – LUMEN FIDEI”, số 21). Vâng, hãy nhìn bằng “con mắt của Chúa Giê-su” – Con-Mắt-Tình-Yêu – như trong dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành”, mọi việc sẽ sáng tỏ. Đúng vậy, “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Ấy cũng bởi vì “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 20-21). Ước được như vậy. Amen.

CÓ XÓT THƯƠNG MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Ts. Jos. Vinct. Ngọc Biển, S.S.P.

"Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Đây là câu hỏi của nhà thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay và cũng là tiếng vọng được vang lên từ trong sâu thẳm của con người ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên, muốn có sự sống đời đời cần phải có ý ngay lành và phải thực thi đức ái trong lòng mến thì mới hy vọng đạt được.

Hôm nay, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đưa tới sự sống ấy qua dụ ngôn người Samari nhân hậu. Qua đó, Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy xót thương  như thế thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Bối cảnh câu chuyện

Khởi đi từ câu chuyện giữa Đức Giêsu và người thông luật: ông này lên tiếng hỏi: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Dựa trên những hiềm khích sẵn có, nên câu hỏi này không phải xuất phát từ ý hướng ngay lành, nhưng nó là một sự gài bẫy để như một cái cớ nhằm cơ hội đánh bại Đức Giêsu nếu Ngài bị lỡ lời! Điều mà ông ta mong mỏi, đó là hy vọng Đức Giêsu sẽ đưa ra một mớ lý thuyết, một lô nghi lễ và dày đặc những nguyên tắc để trả lời!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tước lấy vũ khí ngay trong tay đối phương khi Ngài hỏi ngược lại vấn đề: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (Lc 10, 26). Người thông luật đã trả lời cách chính xác: “Yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình” (x. Lc 10,27). Nghe xong, Đức Giêsu đã dạy cho ông ta một bài học sống động ngay trên chính câu trả lời của ông, Ngài nói: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống" (Lc 10, 28).

Chính câu hồi đáp này đã làm cho người thông luật chưng hửng và thất bại. Bởi lẽ, câu hỏi của Đức Giêsu đã làm đảo lộn tình thế. Từ chỗ Ngài là đối tượng để gài bẫy, đến chỗ chính cái bẫy ấy đã tố cáo và vạch trần những điều ám muội bởi lương tâm đê tiện của nhóm thông luật mà ông là người đại diện.

Thấy được lối sống hình thức của nhà thông luật, nên Đức Giêsu mới kể cho ông nghe dụ ngôn về người Samari nhân hậu.

Câu chuyện ấy là: một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Bất ngờ anh bị bọn cướp tấn công. Khiến anh ta nửa sống nửa chết. Có một thầy Lêvi đi qua, ông trông thấy rồi bỏ đi. Một Tư tế cũng lựa chọn như vậy. Nhưng người Samari trông thấy, ông đã chạnh lòng thương và ra tay cứu giúp.

Tưởng cũng nên biết thêm: Giêrusalem cao cách mặt nước biển 766 mét. Trong khoảng 32 km, con đường này đã đổ dốc tới 1.200 mét. Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô có rất nhiều đèo và đường xá chật hẹp, quanh co, khúc khửu. Đây là điều kiện thuận lợi cho bọn cướp hoành hành. Vì thế, người ta thường gọi đoạn đường này là “con đường máu”, ai muốn được an toàn khi đi trên con đường này thì hoặc là đi thành từng đoàn hay phải tính giờ để về nhà lúc mặt trời chưa lặn.

Ý nghĩa câu chuyện

Khi kể cho nhà thông luật câu chuyện trên, Đức Giêsu muốn vận dụng nó vào trong bối cảnh cụ thể, nhằm dạy cho ông ta một bài học sống động về việc thi hành luật.

Để hiểu sâu sắc ý nghĩa của nó, chúng ta cùng phân tích ý nghĩa của từng nhân vật.

Trước tiên là khách bộ hành: vị khách này không được Đức Giêsu nói rõ là ai, hình dạng ra sao hay thuộc dân tộc nào, mà chỉ nói là người lữ khách lâm nạn. Nhưng cứ theo sự thường thì có lẽ là người Dothái và ông ta phải là một người rất liều lĩnh. Bởi vì chỉ đi có một mình mà lại mang nhiều tư trang hành lý. Vì thế, ông ta bị cướp và bị đánh đập là lẽ đương nhiên trên con đường đầy nguy hiểm này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hình ảnh của những người đi đường khi trông thấy người lâm nạn.

Trước tiên là thầy Tư tế: ông ta trông thấy nạn nhân nằm quằn quại bên lề đường. Nhanh tay, nhanh mắt, thầy Tư tế đã tránh sang một bên và bỏ qua. Có lẽ vị tư tế này không dám đụng vào nạn nhân vì sợ bị ô uế bởi Luật. Vì trong Luật có chép rằng: nếu ai đụng vào người đã chết thì bị ô uế đến 7 ngày (x. Ds 19,11). Vì thế, có thể ông ta suy diễn: nếu giúp đỡ người bị nạn, ông sẽ không còn thanh sạch để xứng đáng tế lễ, và đương nhiên ông bị mất phiên phục vụ trong đền thờ! Như vậy, thầy Tư tế này đã có lựa chọn: ông ta đặt lễ nghi trên tình thương. Đền thờ và nghi lễ đã làm cho lòng trắc ẩn của ông bị đóng khung bởi luật.

Thứ đến là thầy Lêvi: cũng cùng một lựa chọn như thầy Tư tế, nên ông đã ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người gặp nạn. Tuy chỉ là người giúp việc cho thầy Tư tế. Bổn phận của ông cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, ông không dám đụng vì sợ liên lụy, nên đã “đào vi thượng sách” cho an thân.

Cuối cùng là người Samari: ông cũng thấy người gặp nạn như thầy Tư tế và Lêvi. Nhưng, thay vì tránh né, phủi tay, ông đã chạnh lòng thương và đến để cứu giúp người lâm nạn. 

Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Ai là người thân cận của người gặp nạn?” (x. Lc 10, 36). Nhà thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10, 37).

Sứ điệp Lời Chúa

Có lẽ khi đọc qua câu chuyện trên, nhiều người trong chúng ta không khỏi bức xúc và buông những lời chỉ trích nặng nề đến những người đã vô tâm và lạnh lùng không giúp đỡ người lâm nạn. Đồng thời không ngớt trầm trồ khen ngợi người Samari nhân hậu. 

Tuy nhiên, nếu suy niệm dưới ánh sáng đức tin và dưới cái nhìn liên đới, hẳn chúng ta thật bỡ ngỡ vì những hình ảnh và lựa chọn của thầy Tư tế và Lêvi trong câu chuyện trên lại đang tiếp diễn nơi những hành vi và lựa chọn của chúng ta. Còn tấm lòng và nghĩa cử nhân ái của người Samari lại quá xa vời trong đời sống đạo của mỗi người!

Vì thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn thấy đây đó sự dửng dưng, vô cảm và thiếu vắng lòng thương xót ngay tại những trung tâm tôn giáo với nhiều lễ nghi tối ngày... Hay vẫn còn đó biết bao người đói khát, rét mướt, không nhà cửa ngay tại những trung tâm thành phố sầm uất, tráng lệ. Hoặc biết bao trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa đang ngày đên cầu cứu tại các chợ trời, gầm cầu!!! 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: dù là ai, làm việc gì, trong đạo hay ngoài đời, ngôn hành phải đồng nhất. Nếu chỉ tập trung lo tổ chức lễ nghi hay sự kiện nhằm mục đích “võ sĩ dương oai” mà quên đi việc thăng tiến con người, nhất là người nghèo, khổ đau, bị gạt ra bên lề xã hội, thì tất cả mọi chuyện chúng ta làm chẳng khác gì một tay hề trên sân khấu tôn giáo! Điều đáng nói, đó là: chúng ta sẽ phải trả lời trước Vị Thẩm Phán chí công, giàu lòng thương xót trong ngày chung thẩm về đức ái mà mình có với tha nhân chứ không phải là những thành công nơi những công trình hay lễ nghi bề ngoài. Mặt khác, nếu vì kiêu ngạo mà bám víu vào một mớ kiến thức rồi đưa ra những khái niệm, định nghĩa để phân tích phải - trái, nhưng không hề có lòng xót thương như người Samari, thì chắc chắn ơn cứu độ sẽ vuột mất ngay trong tay chúng ta. Hãy nhớ lại lối sống giả nhân giả nghĩa và kết cục bi đát của Giuđa để làm bài học cho chính mình! 

TRÁI KHOÁN

Trầm Thiên Thu

Trái khoán là trái phiếu, tức là “giấy ghi nợ”. Món nợ là thứ đáng quan ngại, chẳng ai ham, dù nó to hay nhỏ, vì phiền toái lắm, đôi khi vì nó mà mối quan hệ bị sứt mẻ. Thật vậy, mặc dù món nợ nhỏ mà mối lo vẫn to. Có vay ắt có trả!

Ngày xưa, cứ bảy năm thì lại có năm sabát, và các khoản nợ đều được tha: “Bảy năm một lần, anh em hãy tha nợ. Đây là cách thức tha nợ: mỗi chủ nợ sẽ tha món nợ đã cho người đồng loại vay mượn, không thúc người đồng loại và người anh em trả nợ, vì người ta đã công bố việc tha nợ để kính Đức Chúa” (Đnl 15:1-2; Lv 25:1-7).

Đời thường thật phiền phức với trái khoán. Nhưng về tâm linh, trái khoán không hề trái khoáy, không là thứ trái ngược, mà là thứ xuôi xắn, tốt lành, vì đó là món “nợ tình” – nợ yêu thương. Nợ to mà không lo, nợ lớn mà không ớn, không hề kỳ cục mà lại kỳ diệu. Không thể định nghĩa chính xác và giải thích ý nghĩa đầy đủ nhất về tình yêu, nhưng chắc chắn ai cũng hiểu và biết phải làm gì cho phù hợp. Thế nhưng không dễ để có đủ can đảm mà thực hiện cho đúng mức và trọn vẹn.

Nói đơn giản, người có lòng yêu thương là người biết chạnh lòng thương xót, biết động lòng trắc ẩn, biết cảm thông, biết chia sẻ,… như Chúa Giêsu đã hành động, và Ngài cũng muốn mọi người làm như Ngài. Nhưng yêu thương không thể chỉ là lời nói suông, mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, vì Thánh Giacôbê đã so sánh: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” (Gc 2:17 và 26). Rất rõ ràng và cụ thể. Chuyện yêu thương thật đơn giản, thế mà lại thực sự khá nhiêu khê!

Yêu thương tưởng chừng là “chuyện dĩ nhiên”, nhưng thực ra đó là món nợ mà ai cũng mắc – như phần cài đặt mặc định, mặc dù có thể không hề vay, và là món nợ lớn nhất mà cả đời chúng ta cũng chẳng ai trả hết. Bất cứ món nợ gì cũng không nên mắc, dù vật chất hoặc tinh thần, nhưng món nợ yêu thương thì nên “vay” lắm, như Thánh Phaolô khuyên: “Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8). Đó là ý tốt lành của Thiên Chúa để chúng ta khả dĩ “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).

Rất chí lý với lời khuyên của Thánh Phanxicô Xaviê: “Cần đốt lên lửa yêu thương, bởi vì có yêu thương thì tự nhiên sẽ đối đãi tốt với mọi người, luôn nói những lời yêu thương, và tâm hồn sẽ tự nhiên thu hoạch được rất nhiều kết quả”. Một chuỗi liên kết rất lô-gích.

SUỐT KIẾP MẮC NỢ

Văn hào Victor Hugo nhận định: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay. Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa; chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Đã đành mỗi chúng ta đều mắc nợ yêu thương đối với Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn mắc món nợ đó với tha nhân – bất cứ ai ở xung quanh chúng ta, dù người đó không hề quen tên, quen mặt. Điều đó hoàn toàn là chuyện bình thường chứ không hề bị “triệt buộc” hoặc “chơi ép” gì cả. Của cho không bằng cách cho: “Ân huệ không bởi việc cho thật nhiều mà là cho đúng lúc” (La Bruyère).

Kinh Thánh cho biết rằng sau cuộc lưu đày Babilon, dân chúng được Thiên Chúa xót thương cho hồi hương. Đó là món nợ tình quá lớn. Tuy nhiên, Ngài cũng đưa ra điều kiện, nhưng đó là mệnh lệnh không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay của họ. Lại một món nợ tình nữa. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, nên dân chúng không cần đặt vấn đề rằng: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” (Ðnl 30:12). Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến dân chúng phải thắc mắc: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” (Ðnl 30:13). Và rồi chính Thiên Chúa xác định: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Ðnl 30:14). Không cần tìm đâu xa, không cần loanh quanh bất cứ nơi nào. Lời đó sống động trong mọi người.

Chắc chắn rằng khi mắc nợ thì phải biết ơn – đặc biệt là món nợ thương xót, chứ không thể nghĩ đó chỉ là sự công bằng, cứ có vay thì có trả. Vì thế, bắt chước Thánh Vịnh gia là điều cần thiết: “Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến. Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng” (Tv 69:14, 17 và 30). Kinh Thánh đã nhiều lần xác định: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sb 16:34 và 41; 2 Sb 5:13; 2 Sb 7:3 và 6; Er 3:11; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4 và 29; Tv 136:1-26).

Thiên Chúa là Đấng trọn lành, và chỉ có Ngài là Đấng nhân lành. Ngài không muốn bất cứ điều xấu nào xảy ra, dù là điều nhỏ nhoi. Ngài là Đấng chí minh, chí công, và chí thiện, luôn đặc biệt quan tâm những kẻ khốn cùng: “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm” (Tv 69:33-34). Từ xưa, sự công bình đã được khuyến cáo: “Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ” (Cn 31:9). Thế nhưng ngày nay những kẻ có chức quyền lại biến dân nghèo thành dân oan ức, kêu chẳng ai nghe!

Thiên Chúa chí thánh, Luật Chúa hoàn thiện, nhưng đơn giản và ngắn gọn – gọi là “yêu thương”, có thể rút gọn chỉ còn một chữ YÊU theo Việt ngữ. Nói về Luật Chúa, Thánh Gioan tông đồ nói: “Điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1 Ga 5:3). Vậy mà chúng ta vẫn chẳng thi hành đúng ý Chúa. Luật Ngài rất đặc biệt, khác hẳn luật của phàm nhân: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19:8-9).

Như hai vế cân bằng chứ không đối lập: thế này thì thế kia – và ngược lại. Thật vậy, ai thực sự thuộc về Chúa thì mới thực sự yêu mến Thánh Luật và thực sự quyết tâm thi hành Thánh Luật. Trạng từ “thực sự” ở đây rất quan trọng. Vì nếu không “thật lòng” thì chỉ là giả hình, là cái “mác” hoặc cái vỏ bên ngoài, nói hay mà làm dở. Những người thực sự yêu mến Chúa thì cũng có thể nhận định như Thánh Vịnh gia: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh, thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất” (Tv 19:10-11). Phàm ngôn chỉ có thể so sánh như vậy, không còn cách nào hơn.

Giải thích về Đức Giêsu Kitô, “chủ nợ” của chúng ta, Thánh Phaolô cho biết: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1:15-16). Phàm nhân chỉ là “số không” to lớn, rỗng tuếch, chẳng có gì mà tự mãn. Thế nên không thể có bất cứ lý do gì mà dám kiêu căng, tự đắc, hoặc tự mãn. Hợm mình mà chê trách người khác thì tồi tệ thật. Vậy mà đôi khi chúng ta vẫn tìm mọi cách để biện hộ cho những hành vi bỉ ổi của mình. Thế thì khốn nạn vô cùng!

Cũng chẳng hề oan trái gì đâu, vì chúng ta là “người một nhà” mà. Thánh Phaolô cho biết: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1:17-18). Tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, đều là những “con nợ” không thể nào thanh toán hết số nợ chúng ta đã mắc, nếu không được “chủ nợ” Giêsu trả dùm và thậm chí còn xóa nợ hoặc tha bổng. Vì thế, tất cả phàm nhân chúng ta đều là những “kẻ ăn mày”. Thật vậy ư? Đúng vậy, mỗi khi chúng ta xưng tội là chúng ta hạ mình xuống để ăn mày Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Tại sao Chúa Giêsu là người đứng đầu? Thánh Phaolô giải thích: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:19-20). Chúng ta mắc nợ Chúa Giêsu không phải là món nợ bình thường mà là NỢ MÁU. Trái khoán này quá lớn. Biết thân biết phận và nài xin Ngài thương xót thì được tha, nếu không thì “không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26). Làn ranh quá mong manh giữa sự sống và sự chết. Ôi, rất đáng quan ngại! Nhưng đó là sự thật bất biến: “Mọi xác phàm như chiếc áo, thảy đều mòn hao, vì quy luật muôn đời là: chắc chắn con sẽ phải chết” (Hc 14:17).

Không chỉ lo mà còn sợ, vì biết sợ mà lo trả nợ. Và phải nhớ điều quan trọng này: “Thiên Chúa không thiên vị ai” (Gl 2:6; Cv 10:34). Không thể lấy lý do này hoặc viện cớ nọ. Trái khoán nào cũng cần phải thanh toán cho xong, món nợ nào cũng cần được tha, như chiếc áo bẩn phải giặt sạch – giặt bằng Bửu Huyết Cứu Độ của Đức Kitô.

CẢ ĐỜI PHẢI TRẢ

Liên quan Luật Chúa không chỉ có hành động, mà mọi lời nói cũng “phải quy về Luật của Đấng Tối Cao” (Hc 9:15). Nói về Chúa cũng là một phần trong quá trình trả nợ tình – đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Trình thuật Lc 10:25-37 đề cập “điều răn lớn” liên quan sự sống đời đời: AI LÀ ANH EM? Thánh sử Luca cho biết: Một hôm, có người thông luật kia hỏi Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Đây cũng là dạng chúng ta vẫn thường thấy có những người “chảnh”, tỏ ra mình hơn người, không muốn người khác hơn mình nên tìm cách “gài bẫy” và “trù dập” người khác bằng nhiều chiêu thức ranh mãnh rất tinh vi. Có lẽ họ không biết, không nhớ hoặc không muốn nhớ lời cảnh báo của Chúa: “Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” (1 Cr 1:19). Trèo cao thì lao sâu, té đau. Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn.

Sau khi nghe nhà thông luật hỏi vậy, Chúa Giêsu không trả lời thẳng, mà dùng cách hỏi lại ông ta: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. Ông ấy thản nhiên: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đúng là nhà thông luật có khác, trả lời ngay và rất hay. Thế nên Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Ôi chao, cái vụ này “hơi bị căng” chứ chẳng chơi! Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ mình có lý, nên ngang nhiên hỏi vặn lại Đức Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. Lý sự quá, “chảnh” quá, ra vẻ “ta đây” quá. Đó là kiểu của những kẻ hợm mình, tưởng thế gian có ba bồ chữ thì bụng mình chứa hai bồ rồi. Thấy gớm!

Có lẽ lúc đó Chúa Giêsu “cười thầm”, và rồi Ngài trả lời ông ta bằng một câu chuyện rất thực tế đời thường: Có người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp, bị đánh nhừ tử. Chúng bỏ mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Ông ta thấy nạn nhân nhưng tránh qua bên kia mà đi. Sau đó, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy cũng thấy và cũng bỏ đi. Nhưng một người Samari đi tới và thấy nạn nhân thì chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, sơ cứu và băng bó vết thương cho nạn nhân, rồi đặt nạn nhân lên lưng lừa đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Thật đáng khâm phục!

Rồi Chúa Giêsu ôn tồn: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Lại trả lời đúng và hay lắm. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng HÃY LÀM như vậy”. Đó cũng chính là lời Chúa Giêsu vẫn “nhắc nhở” mỗi chúng ta không ngừng. Trong Nhật Ký, Thánh Faustina ghi lại lời Chúa Giêsu: “Linh hồn nào truyền bá Lòng Thương Xót của Ta sẽ được Ta bảo bọc suốt đời” (số 1075). Nhưng nếu chỉ “truyền bá” mà không thể hiện thì liệu có “ổn” không? Chắc ai cũng tự trả lời được. Liên quan vấn đề đức ái – từ thiện, thiết tưởng nên lưu ý điều này: làm thì ngại mà khoái được khen!

Tình huynh nghĩa đệ là gì? Ai là người lân cận? Thầy tư tế và thầy Lêvi là ai? Liệu chúng ta có dám “nói thẳng” và có dám “đấm ngực” hay là cứ “vỗ ngực” đây? Dạy và khuyên người khác yêu thương mà mình lại vô cảm, bảo người ta thương xót mà mình lại chẳng xót thương ai – thậm chí còn mưu mô thâm độc! Về dạng người này, Chúa Giêsu thẳng thắn nói thế này: “Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27). Lời Chúa làm đau nhói và nhức buốt quá! Người Việt chúng ta gọi loại người như vậy là “nói phét” (xạo là dạng còn nhẹ). Chúa Giêsu rất thẳng thắn, không hề úp mở, cũng chẳng rào trước đón sau hoặc tránh né. ĐGH Phanxicô làm được điều này khi dám thẳng thắn công kích những thói hư tật xấu của hàng giáo sĩ. Vậy mà một số người (cả giáo sĩ và giáo dân) vẫn cố ý “giả đò ngó lơ”, thậm chí còn cho rằng Chúa nói người khác chứ không hề chỉ trích mình. Có đáng “tội nghiệp” hay không?

Không ái dám cả gan “bới bèo ra bọ” hoặc “vạch lá tìm sâu”, nhưng nếu chỉ đề cập cái tốt thì đôi khi có thể tạo ảo giác, cũng phải dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh với cái tiêu cực để giúp nhau thăng tiến và hoàn thiện, như vậy mới thực sự can đảm – dám chấp nhận là dám từ bỏ mình. Xưa nay ít người dám xin lỗi trước thiên hạ về những sai lầm của Giáo Hội trước đó, thế mà lúc sinh thời, Thánh GH Gioan Phaolô II đã dám công khai xin lỗi thế giới thì quả là tuyệt vời, can đảm, thảo nào ngay khi mới nhận sứ vụ kế vị Thánh Phêrô, ngài đã xác định: “Đừng sợ!”. Mắc sai lầm là mắc nợ, dám xin lỗi là trả nợ. Thiên Chúa rất vui lòng tha thứ, và loài người cũng sẵn sàng bỏ qua. Hẹp hòi thì được gì? Chẳng được gì. Không tha thứ là tự đày đọa mình mà thôi.

Cái gì cũng có mức độ riêng. Bố thí, công bình và bác ái là ba mức độ khác nhau nhưng cùng thể hiện lòng yêu thương: Bố thí là “cho” để tránh bị làm phiền, công bình là chia sẻ vì có dư, bác ái mới thực sự là yêu thương – vì người khác chứ không vì thứ gì khác. Thánh TS Thomas Aquino (1225-1274) nói: “Nếu KHÔNG có đức ái thì KHÔNG có bất kỳ đức hạnh nào, giống như nếu KHÔNG có mặt trời thì cũng KHÔNG có một tinh tú nào cả”. Một cách so sánh thú vị và cụ thể, rất dễ hiểu. Theo thánh nhân, có ba loại công bằng: công bằng giao hoán (có vay có trả, có qua có lại), công bằng phân phối (người lãnh đạo có trách nhiệm phân phối cho thuộc hạ những gì cần thiết để sống), công bằng pháp lý (trách nhiệm chung của mọi người là lo cho công ích, phúc lợi xã hội).

Đối với xã hội ngày nay, rất có thể có người cho rằng những người tốt như người Samari nhân hậu kia là những người rảnh rỗi, vô công rỗi nghề, lăng xăng bao đồng, thích “vác tù và hàng tổng”. Mà thật, có những người thấy người khác bị tai nạn rồi đưa nạn nhân vô bệnh viện, cuối cùng lại bị bắt oan, thậm chí có trường hợp còn bị đánh đập tàn nhẫn.

Tuy nhiên, chính những người đó lại là những người được Chúa yêu quý vì họ sống theo “luật yêu thương” mà Ngài đã truyền, và Ngài luôn khuyến khích mọi người phải cố gắng thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Thiên Chúa không thiên vị ai, ai làm đúng thì thành môn đệ của Ngài, là con cái của Ngài, và được Ngài chúc lành – dù họ không được người khác chấp nhận, dù họ là người ngoại, người khố rách áo ôm, người cùng đinh, người bị xã hội ruồng bỏ, người không theo phe mình, người không đồng đạo với mình,...

Có lẽ chúng ta cần nghiêm túc xem lại chính mình để có thể học cách cầu nguyện, ăn chay, bố thí nơi người theo Hồi giáo; học suy niệm và chiêm niệm nơi người theo Ấn giáo; học từ bỏ của cải và quý trọng sự sống nơi người theo Phật giáo; học động thái thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi người theo Khổng giáo; học sự đơn sơ và khiêm tốn nơi người theo Lão giáo. Cái gì dở của mình thì dứt bỏ, cái gì hay của người khác thì học hỏi, đừng câu nệ bất cứ điều chi!

Lạy Chúa Cha nhân lành và thương xót, xin giúp các tín nhân biết noi gương Thánh Phanxicô Assisi để có thể “mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Lạy Chúa Kitô, Ngài đã làm vui lòng Chúa Cha bằng cách sống hòa đồng, chia sẻ phận người với chúng con, xin giúp mọi người biết sống tình huynh đệ tương thân tương ái, cùng giúp nhau sống tốt và cùng nhau xây dựng Giáo Hội hiệp nhất và yêu thương. Xin ban cho con trí thông minh tâm linh để con có thể quyết định đúng đắn, nói điều cần nói, và làm việc nên làm cho đúng ý Ngài. Con xin tín thác vào Ngài, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG
[Niệm ý Lc 10:25-37]

Chúa ơi, con phải làm gì
Để con được sống nơi Quê Nước Trời?
Chư huynh, chư đệ là ai
Mà con lại phải cả đời yêu thương?

Có một người trên đường đi bị cướp
Chúng đánh đòn rồi bỏ đi mất tiêu
Để người này quằn quại trong nỗi đau
Thân đơn độc mà sống dở, chết dở

Một tư tế tình cờ đi qua đó
Thấy nạn nhân khốn khổ giữa mê man
Là tư tế mà lại quá nhẫn tâm
Đành làm ngơ, mặc nạn nhân nằm đó

Tiếp theo sau có thầy Lêvi nữa
Thấy nạn nhân cũng ngoảnh mặt, bỏ đi
Thản nhiên bước như chẳng có chuyện gì
Ôi cái “mác” là những-người-của-Chúa!

Nhưng lạ thay người ngoại đạo qua đó
Dừng xe lại và vội vã ghé vào
Lòng trắc ẩn dâng cao và dạt dào
Băng vết thương, đưa nạn nhân vào viện

Tình huynh đệ là thế, thật đơn giản
Dẫu người dưng nhưng họ ở cận kề
Gặp đau khổ, họ rất cần chúng ta
Giúp thực tế chứ không nói bằng miệng

Biết bao người hằng ngày vai trĩu nặng
Nỗi tân toan chật chội cả tháng ngày
Thiếu nụ cười vì mang kiếp đọa đày
Sao đành lòng làm ngơ mà vui sống?

Tim chai lì không thể nào rung động
Lệnh Chúa truyền nghe cho biết vậy thôi
Cớ bận rộn với biết bao chuyện đời
Đâu có rảnh vác tù và hàng tổng!

Mỗi cuộc đời đều có một cách sống
Chuyện yêu thương, bác ái chẳng riêng ai
Tuân lệnh Chúa phải từng phút, từng giây
Không thể nào mà cân, đo, đong, đếm!

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện
Xin cho con biết sống lòng xót thương
Mở đôi tay và mở cả tấm lòng
Không nói suông mà hành động thực tế.

Trầm Thiên Thu

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI

(Suy niệm từ Lc 10,29-35) 

Nhiều trường hợp không làm mà mắc tội

Điển hình như dụ ngôn Chúa dạy xưa

Giêrusalem xuống Giêricô

Người lữ khách sa vào tay bọn cướp

Chúng đánh đập tàn nhẫn và bóc lột

Để nạn nhân bên đường rồi bỏ đi

Tình cờ thầy tư tế tới tức thì

Ông vừa thấy, vội rẽ sang lề trái

Sau một lát thầy Lê vi cũng tới 

Thầy nhận ra nhưng cũng lại bước qua

Nhân hậu thay! Người xứ Samaria

Vừa trông thấy liền ra tay cứu chữa

Ráp băng thuốc sau khi đã tẩy rửa

Quán trọ kia ông gửi gắm đàng hoàng

Đưa số tiền, ông tạm gởi tương đương

Với phí tổn quán trọ kia đề nghị…

Tình đồng loại,ôi! Vô cùng cao quí

Cứu giúp nhau như anh em một nhà

Nguyện xin:  con luôn biết sống vị tha

Như huấn dụ Chúa dạy trong Kinh Thánh. Amen.

(Thế Kiên Dominic)

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan