ĐỨC MẸ SẦU BI CỨU NHỮNG AI KHIÊM NHƯỜNG

14-09-2021 831 lượt xem

+ ĐGM. GB. Bùi Tuần

1. Nhân dịp lễ kính Đức Mẹ sầu bi, tôi tha thiết cầu xin Mẹ thương cứu tôi, Hội Thánh của tôi, Tổ quốc của tôi, khỏi cơn gian nan khốn khó hiện giờ.

Đức Mẹ trả lời: “Mẹ cứu những ai khiêm nhường.”

2. Đức Mẹ nhắc cho tôi kinh Mân côi có câu: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.”

Hãy nhận mình là kẻ có tội, đó là thái độ khiêm nhường rất cần cho tu đức và mục vụ lúc này.

3. Đức Mẹ là đấng rất khiêm nhường. Nên Mẹ dạy dỗ một cách khiêm nhường.

4. Tức là Mẹ không làm áp lực, không bắt ép. Mẹ chỉ khiêm tốn nhắc bảo.

5. Riêng đối với tôi, Đức Mẹ nhắc cho tôi những gương sáng về khiêm nhường của Chúa Giêsu, của Mẹ, của thánh Giuse.

6. Có một thời gian tôi vấp ngã, thì Mẹ nhắc cho tôi gương khiêm nhường của thánh Phêrô và thánh Phaolô.

7. Mẹ dạy tôi: Kiêu ngạo là thứ nọc độc nguy hiểm nhất, xưa đã làm cho thiên thần Luciphe từ trời phải lao xuống hỏa ngục. Theo Luciphe, kiêu ngạo vẫn là thứ nọc độc đã phá nhiều người suốt lịch sử nhân loại từng mấy ngàn năm.

8. Riêng lúc này, Luciphe càng phá Nước Chúa bằng nọc độc kiêu căng một cách đều khắp và khủng khiếp.

9. Hãy xin Mẹ sầu bi ban cho chúng ta ơn khiêm nhường.

Khiêm nhường là một ơn rất cần. Thế mà rất nhiều người trong chúng ta đã không quan tâm đủ và đúng đến khiêm nhường.

10. Khiêm nhường sẽ cứu Hội Thánh, sẽ cứu nhân loại, sẽ cứu chúng ta.

11. Do vậy, ác quỷ đang ra sức quấy phá khiêm nhường bằng nhiều cách, kể cả cách tạo nên những hình thức khiêm nhường giả.

12. Vì thế, nhân lễ Đức Mẹ sầu bi, chúng ta xin Mẹ thương điều chỉnh lại tình hình khiêm nhường nơi chúng ta.

13. Có khiêm nhường, chúng ta mới biết đón nhận và biết cho đi, để cùng với Mẹ đi vào cõi phúc trường sinh.

14. Hiện giờ, tôi đang thấy khắp nơi tại Việt Nam yêu dấu của tôi, chỗ nào cũng thắp hương khói, cũng có bái lạy, chứng tỏ tinh thần khiêm tốn trước thế giới thiêng liêng.

Tôi có cảm tưởng là thời điểm cứu rỗi đang tới gần. Xin Mẹ sầu bi thương ban cho chúng ta ơn khiêm nhường để được cứu rỗi.

ĐỨC MẸ KHÓC

+ ĐGM. GB. Bùi Tuần

1. Đã từ rất lâu rồi, Đức Mẹ hay đến với tôi. Mẹ đến dưới nhiều hình dạng khác nhau. Nhưng lúc này, Mẹ hay đến với tôi dưới hình dạng “Mẹ khóc”.

2. Đọc Phúc Âm, tôi thấy xưa Đức Mẹ đã khóc trên đường theo Chúa Giêsu vác thánh giá lên Núi Sọ, và nhất là Mẹ đã khóc dưới chân thánh giá Chúa chịu đóng đinh.

3. Đọc lịch sử Giáo Hội, tôi thấy Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra dưới hình dạng người mẹ ôm mặt khóc. Như tại La Salette.

4. Từ mấy ngày nay, Đức Mẹ hay đến với tôi cũng dưới hình dạng “người Mẹ khóc”.

Với hình dạng “người Mẹ khóc”, Đức Mẹ đi vào hồn tôi một cách âu yếm và rất sâu.

5. Mẹ báo cho tôi nhiều biến cố thê thảm sẽ xảy ra cho nhân loại, nếu nhân loại không sám hối.

6. Mẹ báo cho tôi nhiều biến cố thê thảm sẽ xảy ra cho những người trong Hội Thánh, nếu họ không thực sự trở về với Chúa.

7. Mẹ báo cho tôi nhiều biến cố thê thảm sẽ xảy ra cho chính tôi, nếu tôi không vâng phục thánh ý Chúa.

8. Vâng phục thánh ý Chúa là điều không dễ chút nào, nên tôi nài van Mẹ hãy dạy tôi lời “Xin Vâng” mà Mẹ xưa đã thưa với sứ thần của Chúa.

9. Đức Mẹ luôn dạy tôi Xin Vâng. Tôi học mãi, mà vẫn chưa đạt. Đức Mẹ lại khóc. Nước mắt của Mẹ đang thấm vào tôi.

10. Bây giờ thì tôi cảm nhận Đức Mẹ khóc, đang là trường học cao quí Chúa dành cho tôi và nhiều môn đệ Chúa.

11. Hằng ngày, tôi vẫn được nghe tiếng khóc của cộng đồng dân Chúa, khi họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.” Đó là tiếng khóc. Đó là nước mắt.

12. Nếu khóc mà được cứu rỗi, thì đừng ngại khóc.

Tới đây, tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc thay ai sầu khổ khóc lóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5,4) Chúa nói về những ai khóc lóc vì sám hối.

13. Riêng tôi, tôi khóc mà không thành tiếng. Nhưng Đức Mẹ hiểu tôi. Đức Mẹ an ủi tôi, Đức Mẹ cứu tôi.

14. Hiện giờ, ảnh Đức Mẹ sầu bi đang được nhiều người tại Việt Nam ái mộ.

Thiết tưởng, đó cũng là cách Đức Mẹ khóc đến với Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay.

BIỂN KHỔ

Biển lúc nào cũng động
Chẳng yên lặng bao giờ
Biển đêm ngày vỗ sóng
Tình sâu thẳm, bao la

Biển muôn đời vẫn mặn
Tình Mẹ mãi thiết tha
Biển chẳng bao giờ cạn
Dạt dào Ma-ri-a [*]

Chúa quan phòng, tiền định
Mãi từ trước muôn đời
Con Chúa là Đấng Thánh
Phải có Mẹ tuyệt vời

Cây to vẫn đứng lặng
Dẫu bão táp, phong ba
Lòng Mẹ luôn trĩu nặng
Những nỗi khổ cay chua

Nếu không có đau khổ
Hạnh phúc chẳng ngọt ngào
Đau khổ là mầu nhiệm
Đường dẫn tới trời cao

Biển đời nổi sóng dịch
Thuyền nhân loại ngả nghiêng
Xin Mẹ thương trợ giúp
Ban xuống nhiều ơn thiêng

Xin Mẹ thương nâng đỡ
Khi lướt sóng biển đời
Dẫn đưa về bên Chúa
Bình an cặp Bến Trời


TRẦM THIÊN THU

[*] Chữ MARIA theo tiếng Do Thái là MIRYAM – gồm chữ MAR (cay đắng, đau khổ) và YAM (biển). Ý nghĩa này liên quan sự đau khổ của Đức Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá với suối lệ sầu.

ĐỨC MẸ SẦU BI

Mẹ Vua Cứu Thế: Mẹ Sầu Bi.
Đau khổ vì Con, cũng chỉ vì:
Ý Chúa vâng theo: không nản chí, 
Đồng công cứu chuộc: chẳng hoài nghi.
 
Ba điều, bốn cảnh: Mẹ kinh qua, 
Thầm chịu khổ đau: quá xót xa…
Cho tới khi Con Bà sống lại,
Đón đưa Mẹ Thánh ngự Thiên Toà.
 
Hôm nay mừng lễ Mẹ sầu bi,
Dân Chúa nguyện xin Mẹ độ trì,
Vững bước nương theo đường Thánh Giá
Ngày về gần Mẹ hưởng vinh quy.

Thế Kiên Dominic

MẸ SẦU BI

 Thước nào đo được chiều sâu
Của lòng sầu thảm mượt màu bi ai
Một đời dài, phận nhân loài
Chấm nầy nối tiếp chấm hoài sầu bi
“Xin vâng” từ ấy khởi đi
Từ ly theo cả từ ly một đời
Bỏ qua cái nét xuân thời
Nhận chân làm Mẹ, bỏ lời ước duyên
 
Chịu từng lưu bước truân chuyên
Ôm từng tiếng nói muộn phiền quê hương
Cam lòng gánh nỗi thê lương
Gót chân Thánh Giá, chung đường Mẫu Tâm
 
Thước nào đo được lặng thầm
Từng lằn máu tứa ở tầm lằn roi
Chén nào đắng tựa thiệt thòi
Con yêu lủng lẳng giữa trời hạ trong
 
Mẹ nào không xót tình nồng
Lệ trôi kín kẻ với lòng cây tin
Xin vâng với cả khối tình
Tin yêu phó thác, hiến mình hiệp thông
………………………………..
Suy tôn Thánh giá duyên hồng
Chứa chan ơn Cứu Chuộc, Lòng Xót Thương
Suy tôn Mẹ, Đức Nữ Vương
Nhiệm mầu kết hiệp trên Đường Sầu Bi
 
Dạy con từng bước chân đi
Tín trung, phó thác, kiên trì tin yêu.

Lê Tín Hữu

CẦU MẸ SẦU BI

Tôi đã mất năm đứa con vì sẩy thai. Sự đau buồn đó không thể trở nên đơn giản bởi vì tôi đã trải qua năm lần. Nếu bất cứ lý do gì mà trở nên khó khăn hơn thì rất khó hiểu. Câu trả lời duy nhất khi đối mặt với đau thương và mất mát là Thập Giá. Đau khổ là điều bí ẩn mà chúng ta phải sống và chịu đựng. Chúng ta không được biết câu trả lời về việc chúng ta mất con cái. Sự đau buồn này được kết hợp bởi nền văn hóa phá thai cho chúng ta biết rằng chúng ta không có quyền đau buồn.

Sảy thai là một trong những lĩnh vực Giáo Hội vẫn đang thiếu các nguồn lực. Trong khi nhiều người viết đã chia sẻ hành trình sẩy thai của họ thì vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người mất con hoặc bị sẩy thai. Người giúp đem lại sự thay đổi này rất có thể chính là bạn. Người đã phải chịu đựng nỗi thống khổ này và người biết rõ độ sâu thẳm của nó.

Nhờ chịu sầu khổ mà chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Thập Giá. Đức Kitô mời gọi chúng ta đi vào nỗi đau khổ của Ngài để Ngài có thể an ủi chúng ta trong nỗi buồn của mình. Chính vì thế nên tôi cập nhật Mầu Nhiệm Thương của Kinh Mân Côi về việc sảy thai mà tôi đã viết cách đây tám năm sau khi trải qua ba lần sẩy thai.

Tôi đã mất năm đứa con, trái tim tôi tan nát theo cách mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi hy vọng một ngày nào đó, sự mất mát quá lớn sẽ khiến tôi có khả năng yêu thương người khác trong Đức Kitô nhiều hơn nữa, vì chính qua đau khổ mà chúng ta học được cách yêu thương nhiều hơn. Tôi cũng hy vọng cho bạn như vậy.

1. CHÚA GIÊSU HẤP HỐI TRONG VƯỜN DẦU

Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:36-39)

Chúa của chúng ta chịu tràn ngập nỗi buồn. Nó bẻ cong Ngài xuống đất, và Ngài đổ mồ hôi máu. Theo cách nào đó, đây chẳng phải là cảm giác mất con sao? Đau đớn không chịu được. Đó là chén mà chúng ta không muốn uống. Chúng ta muốn ôm con trong tay, nhưng thay vào đó chúng ta phải uống chén rượu đau buồn này. Chúng ta không đổ mồ hôi máu và thay vào đó phải đổ máu cho chính đứa con của mình. Đó là nỗi thống khổ không giống bất kỳ nỗi đau khổ nào khác.

Hãy kết hiệp nỗi sầu khổ của bạn với Đức Kitô. Ngài biết bạn cảm thấy thế nào. Ngài muốn an ủi và chờ đợi bên cạnh bạn khi bạn cần. Ngài ở với bạn ngay cả khi bạn không “cảm thấy” sự hiện diện của Ngài và chỉ nhìn thấy bóng tối của đêm đen. Hãy dâng nỗi đau đớn cho Ngài, tuân phục Thánh Ý Chúa Cha và giao phó con của bạn cho Ngài.

2. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN

Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ, còn Đức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá. (Mt 27:26)

Chúa của chúng ta đã bị tra tấn dã man trước khi bị đem đi đóng đinh. Ngài chịu đánh liên tục trên khắp cơ thể. Máu của Ngài ướt đất. Sảy thai gây tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm hồn. Sẩy thai là nỗi đau khi chúng ta chịu tổn thương. Chính trong những khoảnh khắc đó, chúng ta phải kết hiệp chính mình với Đức Kitô bị trói ở cột. Ngài biết rõ nỗi đau đớn tột cùng về thể xác và tình cảm.

Sẽ có những lúc sầu khổ một mình và cảm thấy như bị tra tấn. Hãy dâng điều đó cho Đức Kitô. Hãy chia sẻ gánh nặng của bạn với Ngài. Bạn không đau khổ một mình, hãy kết hiệp sâu sắc với Ngài qua từng cơn đau của bạn.

3. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI VÒNG GAI

Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (Mt 27:27-29)

Trong lúc rất nhục nhã và đau khổ, quân lính La Mã đội vương miện cho Chúa bằng một vòng gai. Ngài phải “đăng quang” khi thua trận. Về mặt trí tuệ, chúng ta có thể biết rằng đau khổ là một phần của cuộc hành trình này, nhưng không ai trong chúng ta chuẩn bị cho gánh nặng của sự mất mát, đặc biệt là mất một đứa con. Đó là chiếc vương miện không ai muốn đội, nhưng khi chúng ta sẩy thai mất một đứa con, chúng ta lại phải đội chiếc vương miện gai của chính mình. Hãy kết hiệp sự mất mát đó với Đức Kitô.

Khi ai đó nói điều gì đó thiếu tế nhị với bạn về việc sẩy thai, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã bị sỉ nhục khi Ngài chịu chết vì chúng ta. Khi bạn cảm thấy bị người khác hiểu lầm hoặc xấu hổ vì nỗi buồn của mình, hãy nhìn lên Ngài vẫn đang đội trên đầu chiếc vòng gai. Hãy xin Ngài giúp bạn chịu đựng sự mất mát và sự thiếu hiểu biết của người khác mà bạn có thể gặp phải.

Hãy nhớ rằng một ngày nào đó, vương miện gai của bạn sẽ được thay thế bằng vương miện vinh quang và hy vọng về ngày gặp lại con cái trên Thiên Đàng.

4. CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ

Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha. (Ga 19:17)

Chúa Kitô mời gọi chúng ta bước đi trên Đường Thập Giá với Ngài trong cuộc sống này để đạt được lời hứa về sự sống đời đời. Chúng ta phải chịu đựng nỗi đau khổ trong tình yêu, hy vọng rằng nó sẽ đem lại những điều tốt đẹp hơn. Chúng ta không được biết lý do, nhưng chúng ta luôn hy vọng rằng nỗi đau của chúng ta sẽ được biến đổi qua Thập Giá. Qua cơn hấp hối này, Đức Kitô sẽ mở rộng trái tim chúng ta để chúng ta có thể yêu Ngài và những người khác sâu sắc hơn. Xin con cái của bạn trên Thiên Đàng cầu nguyện cho bạn khi bạn vác thập giá này.

Hãy để Đức Kitô giúp bạn vác gánh nặng hơn là dựa vào chính mình. Hãy nhớ Ngài yêu bạn như thế nào. Trong những lúc tuyệt vọng, hãy cầu xin Ngài nâng đỡ. Ngài luôn ở đó, đặc biệt là trong những thời khắc đen tối nhất. Ngài ở đó giúp chúng ta đặt chân này trước chân kia. Ngài thì thầm với chúng ta rằng chúng ta có thể đi tiếp và Ngài giúp chúng ta vác thập giá. Hãy nhìn lên Người Mẹ Đau Khổ của chúng ta, Đức Mẹ biết nỗi đau khôn tả khi mất con và Mẹ sẽ đồng hành trong nỗi mất mát của chúng ta.

5. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lêma xabácthani,” nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:45-46)

Chúa của chúng ta đã chết trên Thập Giá để đem lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Ngài đã trải qua sự tra tấn và cái chết để cứu chuộc chúng ta, để chúng ta được sống đời đời trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh. Sảy thai đi kèm với sự đóng đinh qua cái chết của một đứa trẻ. Đối với một số người có những mất mát lặp đi lặp lại, đối với những người khác có khi chỉ một lần. Khi chúng ta đau buồn về cái chết của con mình, chúng ta phải từ bỏ sự kìm kẹp của chúng ta và phó thác chúng cho Đức Kitô chịu đóng đinh trong niềm tin cậy, giống như Đức Mẹ đã tin cậy vào Chúa khi đứng dưới chân Thập Giá.

Chúng ta phải kết hiệp nỗi mất mát và đau khổ của mình với sức mạnh biến đổi và sự thống khổ của Thập Giá. Chúng ta hy vọng nơi Ngài, Đấng sẽ dẫn dắt chúng ta từ nỗi đau đớn và mất mát này đến niềm vui phục sinh.

Trong lúc đau buồn và mất mát, hãy kết hiệp với Đức Kitô trên Đường Thập Giá. Hãy suy gẫm về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Hãy hướng về Người Mẹ Đau Khổ của chúng ta trong nỗi đau buồn của bạn. Lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày 15 tháng 9, ngày sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9. Tháng Chín là tháng dành riêng cho Thánh Giá, trong đó chúng ta có thể hướng về Chúa Kitô chịu đóng đinh trong nỗi đau khổ của chúng ta. Hãy nâng cao Thánh Giá vì đó là phương tiện mà chúng ta được cứu độ.

Qua nỗi đau khổ này, Ngài đang kéo bạn vào mầu nhiệm của sự đau khổ và làm cho nó có thể trở thành ống dẫn tình yêu thiêng liêng. Nhờ tâm hồn chúng ta rộng mở mà Chúa Giêsu Kitô có thể làm công việc vĩ đại nhất và tốt đẹp nhất trong cuộc đời chúng ta. Điều tốt đẹp hơn sẽ đến từ sự đau khổ của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy hoặc không hiểu gì cho đến lúc vào đời sau.

Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con. Amen.

CONSTANCE T. HULL - https://catholicexchange.com

TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan