NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG

25-04-2024 78 lượt xem

Ngày Lao Động là ngày nghỉ của Hoa Kỳ được tổ chức vào Thứ Hai đầu tiên trong tháng Chín, đề cao việc đóng góp của các công nhân về kinh tế và xã hội. Ngày Lao Động bắt nguồn từ phong trào nghiệp đoàn lao động, đặc biệt là phong trào làm 8 giờ/ngày – ủng hộ 8 giờ để làm việc, 8 giờ để giải trí, và 8 giờ để nghỉ ngơi.

LỊCH SỬ

Năm 1882, thợ máy Matthew Maguire đề nghị ngày nghỉ này khi ông làm thư ký CLU (Central Labor Union – Nghiệp đoàn Lao động Trung tâm) của TP New York. Một số người lại cho rằng đây là đề nghị của Peter J. McGuire, thuộc Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ, đưa ra hồi tháng 05-1882, sau khi chứng kiến lễ hội lao động thường niên được tổ chức tại Toronto (Canada).

Thứ Ba ngày 05-09-1882 là Ngày Lao Động đầu tiên trở thành ngày nghỉ ở TP New York, theo kế hoạch của Nghiệp đoàn Lao động Trung tâm. Nghiệp đoàn này tổ chức Ngày Lao Đông lần thứ nhì vào ngày 05-09-1883.

Năm 1884, ngày Thứ Hai đầu tiên trong tháng 09 được chọn là ngày nghỉ, như đề nghị ban đầu, và Ngiệp đoàn Lao động Trung tâm thúc đẩy các tổ chức tương tự ở các thành phố khác để noi gương TP New York và mừng “Ngày nghỉ của Giới lao động” vào ngày này. Tư tưởng này lan truyền theo sự phát triển của các tổ chức lao động, và năm 1885, Ngày Lao Động được tổ chức tại nhiều trung tâm cộng nghệp ở Hoa Kỳ.

Ngày 21-02-1887, Oregon là tiểu bang đầu tiên công nhận Ngày Lao Động là ngày nghỉ. Năm 1894, Ngày Lao Động được chính thức tổ chức tại 30 tiểu bang. Sau nhiều cái chết của một số công nhân dưới tay của quân đội Hoa Kỳ và các thống đốc Hoa Kỳ trong cuộc đình công Pullman Strike – cuộc xung đột toàn quốc Hoa Kỳ vào mùa Hè năm 1894, giữa Nghiệp đoàn Đường sắt Hoa Kỳ (ARU – American Railway Union) và ngành đường sắt, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận Ngày Lao Động là ngày nghỉ toàn quốc; Tổng thống Grover Cleveland đã ký luật này sau 6 ngày chấm dứt cuộc đình công. Ngày này được nhiều nghiệp đoàn khác trong nước làm theo trong vài thập niên qua hơn cả Ngày Công nhân Quốc tế (International Workers' Day) vì Cleveland quan ngại rằng Ngày Công nhân Quốc tế sẽ kết hợp với các phong trào cộng sản, phong trào nghiệp đoàn và chủ nghĩa vô chính phủ, mặc dù mỗi phong trào đều khác nhau, đã kỷ niệm Haymarket Affair trong Ngày Công nhân Quốc tế. Tất cả các tiểu bang ở Hoa Kỳ, quận Columbia, và các vùng miền cũng coi ngày này là ngày nghỉ theo luật pháp.

Tận dụng nhiều khách hàng mua sắm, Ngày Lao Động trở thành việc mua sắm cuối tuần quan trọng đối với nhiều người bán lẻ tại Hoa Kỳ. Một số khách hàng mua lẻ cho đó là ngày mua sắm nhiều nhất trong năm, sau đó là ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) trong mùa Giáng Sinh.

Mỉa mai thay, vì tầm quan trọng của việc mua sắm cuối tuần, một số người được thuê ở khu bán lẻ không chỉ làm việc vào Ngày Lao Động mà còn làm nhiều giờ hơn. Càng ngày càng có nhiều người bán lẻ ở khu cộng nghiệp hơn, tăng 24% việc làm tại Hoa Kỳ. Văn phòng Thống kê Lao động cho biết rằng những người được thuê bán hàng chỉ chiếm 3% số thành viên của Nghiệp đoàn Lao động.

HÀNH ĐỘNG

Ngày Lao Động là ngày nghỉ ngơi hoặc là cơ hội cuối cùng để nhiều người đi chơi trước khi mùa Hè kết thúc. Đối với sinh viên, đó là dịp cuối cùng để tổ chức tiệc tùng trước khi vào học tiếp. Tại những vùng lân cận, người ta tổ chức đốt pháo bông, liên hoan ngoài trời và các sự kiện thể thao. Mùa bóng đá bắt đầu khoảng gần Ngày Lao Động và nhiều đội bóng chơi trận đầu tiên trong năm vào Ngày Lao Động.

Theo truyền thống, người ta không mặc quần áo trắng, đặc biệt là giày trắng, sau Ngày Lao Động. Tuy nhiên, thói quen này dần dần không còn. Ngày nay càng ngày càng có nhiều người mặc đồ trắng quanh năm, nhất là mùa Hè. Cũng vậy, thói quen đội mũ rơm từ Ngày Chiến sĩ Trận vong (Memorial Day) tới Ngày Lao Động.

Ngày 01 tháng Năm là Ngày Lao Động ở Hawaii, có cả những cuộc thi, hòa nhạc, cho và nhận tiền của bạn bè hoặc gia đình. Nghi lễ ngày 01-05 có truyền thống lâu đời ở khắp thế giới. Tại Hawaii, ngày 01-05 gọi là Lei Day, lễ hội văn hóa của đảo quốc này.

Tại Anh quốc, ngày 1 tháng Năm vẫn được tổ chức tại nhiều thành phố với việc đội vương miện của “Nữ Hoàng Tháng Năm.” Các cây nêu ngày 01-05 (May Poles) có thể vẫn thấy ở một số thành phố và các truyền thống ngày này có thể gồm các chú ngựa cưng và dân địa phương mặc lễ phục. Tại Oxford, truyền thống được ủng hộ, bắt đầu với dàn đồng ca của ĐH Magdalen hát từ tháp nhà thờ.

Ngày 01-05 được coi là Ngày Lao Động ở nhiều quốc gia, và cũng là ngày nghỉ toàn quốc. Tại Mexico, ngày này gọi là Primero de Mayo, nghỉ toàn quốc. Khoảng thời gian này trong năm, các sinh viên có thể thảo luận về sự phát triển hiện đại của ngày nghỉ này và hệ quả của chính trị đối với ngày này.

ĐỜI SỐNG

Ngày Lao Động là ngày nghỉ. Các văn phòng chính phủ, trường học, các tổ chức và nhiều công ty đều đóng cửa. Một số điều phổ biến như đốt (hoặc bắn) pháo bông và dã ngoại được thổ chức thường xuyên, nhưng chúng vẫn chỉ là “chuyện nhỏ.”

Ngày 01-05 là ngày nghỉ toàn quốc ở Âu châu, kể cả các qg như: Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Ngày này cũng được tổ chức tại các nước Trung Mỹ như Costa Rica và Panama, một số nơi thuộc Caribbean, kể cả Cuba. Tại Nam Mỹ như Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Ecuador, Guyana, Peru, Uruguay, Venezuela, kể cả Nga và ột số nước Á châu như Trung quốc, Thái Lan, và Việt Nam.

Ngày Lao Động được cử hành tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhưng vào thời điểm khác trong năm, chẳng hạn tại Úc và Canada.

NỀN TẢNG

Ngày Lao Động đầu tiên được tổ chức vào năm 1882. Nguồn gốc ngày này bắt nguồn từ ước muốn của Nghiệp đoàn Lao động Trung tâm là có một ngày nghỉ cho công nhân. Ngày Lao Động là ngày nghỉ từ năm 1894. Mới đầu người ta muốn ngày này có đoàn người diễu hành ngoài đường phố để cộng đồng đánh giá cao công việc và sức lao động. Sau cuộc diễu hành, lễ hội được tổ chức để làm vui các công nhân và gia đình họ. Những năm sau đó, những người uy tín tổ chức các buổi hội thảo và phát biểu.

Ngày nay, điều này ít phổ biến hơn, nhưng đôi khi còn thấy ở những năm bầu cử. Một trong các lý do người ta chọn kỷ niệm ngày này vào Thứ Hai thứ nhất trong tháng Chín là thêm một ngày nghỉ trong thời gian dài giữa Ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ (04-07) và Lễ Tạ Ơn (Thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một).

Nguồn gốc là mừng mùa Xuân và sự tái sinh trong thiên nhiên, ngày 01 tháng Năm có nguồn gốc từ văn hóa của các giáo phái thờ cây cối và các biểu tượng khác của thiên nhiên. Theo truyền thống, Ngày Lao Động có đặc tính là thu gom hoa và nghi lễ múa xung quanh cây nêu tháng Năm. Trong những năm mới đây, nhất là ở các nước xã hội chủ nghĩa và cộng sản, Ngày Lao Động trở thành lễ hội lao động tôn vinh nỗ lực của quân đội và công nghiệp của đất nước họ.

“Phong trào tám giờ” đã làm giảm số ngày làm việc, từ 10 giờ còn 8 giờ, kể từ sau cuộc nội chiến. Đó là mục đích chính của Nghiệp đoàn Lao động Quốc gia, công nghị đầu tiên họp năm 1866. Năm 1868, công nghị và 6 tiểu bang đã thông qua “luật tám giờ.” Năm 1884, Nghiệp đoàn Liên bang Quốc gia và Hội đồng Lao động quyết định kêu gọi tổng đình công vào ngày 01-05-1886 để đòi các nhà tuyển dụng phải theo luật lao động tám giờ mỗi ngày. Năm 1947, trong sự cuồng nhiệt chiến tranh lạnh chống cộng (anti-Communist Cold War hysteria), Hội Cựu binh Chiến tranh Hải ngoại (Veterans of Foreign Wars) đổi tên ngày 01 tháng Năm là “Ngày Trung Thành” (Loyalty Day) và công nghị của Quốc hội sau đó đã tuyên bố chính thức.

Tại nhiều quốc gia, ngày 1 tháng Năm được nghiệp đoàn và các đảng phái xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, tại Đức cũng có chuyển biến tốt, và Ngày Lao Động được thành lập năm 1933 như món quà của Hitler vậy, được áp dụng bằng cách bãi bỏ nghiệp đoàn. Tại Anh, Ngày nghỉ Ngân hàng Một tháng Năm được thành lập năm 1978, nhưng được tổ chức vào Thứ Hai đầu tiên trong tháng Năm để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Tại Trung Hoa, Ngày Lao Động được kéo dài 3 ngày hồi thập niên 1990. Chính phủ Trung Hoa đã làm ngày này thành “ngày nghỉ bảy ngày” (seven-day holiday) bằng cách kết hợp kỳ nghỉ cuối tuần với 3 ngày này. Ngày nghỉ này cho phép hàng triệu người Trung Hoa đi chơi dịp này. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giảm kỷ nghỉ này xuống còn 1 ngày từ năm 2008, đồng thời phục hồi 3 ngày nghỉ truyền thống của Trung Hoa là Lễ hội Thuyền Rồng, Ngày Tảo Mộ và lễ hội Trung Thu.

BIỂU TƯỢNG và MÊ TÍN

Nhiều thói quen liên quan Ngày Lao Động bắt nguồn từ lễ hội hoa Rôma xưa. Các thói quen này gồm việc thu gom cành cây và hoa, đội vương miện Nữ Hoàng Tháng Năm và múa xung quanh bụi cây, hoặc cây nêu tháng Năm được trang trí sặc sỡ. Các môn thể thao và các lễ hội được tổ chức vào ngày này là biểu tượng của việc thiên nhiên tái sinh và khả năng sinh sản của con người. Tại Tây Ban Nha, một cây thông cao được dùng làm cây nêu tháng Năm. Nó được trang trí bằng những dải băng, các loại hạt và trứng khi người ta múa xung quanh cột và hát những bài ca về tháng Năm.

Có sự mê tín ở Na Uy, có nguồn gốc từ thời kỳ tiền Kitô giáo, khi nghe tiếng chim cu đầu tiên vào mùa Xuân. Nếu tiếng gáy đến từ phía Nam, năm đó sẽ tốt; nếu tiếng gáy đến từ phía Bắc, năm đó sẽ xấu; nếu tiếng gáy đến từ phía Tây, năm đó sẽ thành công; nếu tiếng gáy đến từ phía Đông, năm đó sẽ may mắn về tình yêu. Vì thế, lịch truyền thống của Na Uy có in hình con chim đậu trên cây tại chỗ ghi ngày 01-05.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TimeAndDate.com)

GIÁ TRỊ LAO ĐỘNG

Vào một ngày sabát, Chúa Giêsu chữa bệnh tật cho người bại liệt bên hồ Bếtdatha, gần Cửa Chiên tại Giêrusalem. Thấy vậy, người Do Thái cự nự, bắt bẻ, nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên nói: “Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17)

Làm việc là lao động. Lao động là điều cần thiết, dù là lao động chân tay hoặc lao động trí óc. Trước tiên, lao động là để sinh tồn.

Truyện ngụ ngôn “Con Châu Chấu và Con Kiến” kể rằng...

Trên cánh đồng nọ, vào một ngày mùa Hạ, có một con Châu Chấu đang nhảy nhót, miệng và ca hát cho thoả lòng. Đi ngang qua là một con Kiến mệt nhọc kéo lê một mẩu bắp về tổ.

Châu Chấu nói với Kiến: “Lại đây nói chuyện với tớ cho vui. Sao mà cứ phải lao động cật lực vất vả như vậy.” Kiến trả lời: “Tôi đang cố gắng tìm và tích trữ lương thực cho mùa Đông sắp đến. Tôi nghĩ anh cũng nên làm như vậy.”

Châu Chấu cười khẩy: “Sao lại phải bận tâm đến mùa Đông làm gì? Bây giờ chúng ta đang có thừa mứa thức ăn kia mà.” Nghe Châu Chấu nói vậy nhưng Kiến vẫn đi và tiếp tục làm việc.

Rồi mùa Đông đến, Châu Chấu chẳng còn gì để ăn và cảm thấy sắp chết vì đói. Nó nhìn thấy Kiến đang đứng bán bắp và ngũ cốc mà Kiến vẫn thu nhặt được trong những ngày mùa Hạ. Bấy giờ Châu Chấu mới biết điều cần thiết: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày mình sẽ cần sử dụng. Nước đến chân mới nhảy thì đã muộn!

I. LÝ THUYẾT

Học thuyết “Giá Trị Lao Động” (LTV – labor theory of value) là một học thuyết giá trị, kinh tế không chính thống, cho rằng giá trị kinh tế của sản phẩm hoặc dịch vụ được xác định bởi tổng số sức lao động cần thiết trong xã hội cần có để sản xuất, hơn là bởi việc sử dụng chủ nhân của nó để có nó. Khái niệm này thường kết hợp với kinh tế học Mác-xít, mặc dù nó cũng được dùng trong các lý thuyết của các nhà kinh tế kinh điển như Adam Smith và David Ricardo, về sau cũng được dùng trong khoa kinh tế chủ trương vô chính phủ.

Khi nói theo thuật ngữ của học thuyết “Giá Trị Lao Động,” không có tính từ định phẩm nào đề cập số lượng lao động cần có để sản xuất hàng hóa có thể tiêu thụ, bao gồm sức lao động cần có để phát triển loại vốn thực tế nào được dùng trong quá trình sản xuất.

Cả David Ricardo và Karl Marx đều cố gắng định phẩm và biểu hiện mọi thành phần lao động để phát triển lý thuyết về giá thực tế, hoặc giá tự nhiên của hàng hóa. Tuy nhiên, theo Adam Smith giới thiệu, học thuyết “Giá Trị Lao Động” không đòi hỏi số lượng của sự lao động trong quá khứ, cũng không giải quyết sự lao động cần có để tạo ra dụng cụ (chất liệu) có thể được dùng trong quá trình sản xuất. Lý thuyết giá trị của Smith rất giống các lý thuyết vị lợi mà Smith tuyên bố rằng hàng hóa xứng đáng với sức lao động cần có trong các giá trị khác (giá trị về kinh doanh) hoặc bất cứ loại lao động nào “tiết kiệm” chính nó (giá trị về sử dụng), hoặc cả hai. Nhưng “giá trị” này tùy thuộc nguồn cung và cầu vào một thời điểm nào đó.

Giá thực tế của mọi vật, bất cứ vật gì đáng giá với những người muốn có nó, là sự cực nhọc cần thiết để có nó. Mọi thứ xứng đáng với những người cần nó, muốn có nó hoặc để trao đổi. Lý thuyết về giá của Smith không có gì xử lý về sức lao động trong quá khứ, khi sản xuất hàng hóa. Lý thuyết này chỉ nói về sức lao động có thể “được yêu cầu” hoặc “được tiết kiệm” vào lúc đó.

II. THỰC TẾ XÃ HỘI

Lao động đề làm gì? Có nhiều mục đích khác nhau: Để thực hành kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm, muốn có trải nghiệm mới, mở rộng giao tiếp, xác định bản lĩnh, xác định vị trí xã hội, ổn định cuộc sống,... Đơn giản là để kiếm tiền. Tiền không là gì, nhưng có nó rồi thì người ta dễ an tâm làm những việc khác. Chắc chắn điều quan trọng nhất: Lao động là để sinh tồn – vì chính mình và vì người khác.

Lao động liên quan tiền bạc. Tiền bạc “dính líu” chuyện sinh – tử. KHÔNG mà CÓ, CÓ mà KHÔNG. Nói về chuyện tiền bạc, người Pháp có câu nói khiến chúng ta phải suy tư và cảnh giác: “Tiền là đầy tớ TỐT, nhưng là ông chủ XẤU.” Thánh Phaolô cũng đã cảnh báo: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10)

Thomas Alva Edison (nhà phát minh và thương gia người Mỹ, 1847–1931): “Tôi chưa bao giờ vô tình làm điều gì, cũng như không phát minh nào của tôi đến từ sự vô tình; chúng đến từ lao động.” Voltaire (tác giả, nhà văn học, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp, tên thật là François-Marie Arouet, 1694–1778): “Lao động xua đuổi ba sự xấu xa kinh khủng: nỗi buồn chán, thói trụy lạc và sự nghèo đói.” Đúng như người ta vẫn thường nói: “Nhàn cư vi bất thiện.” (sách Lễ Ký)

Louisa May Alcott (nữ tiểu thuyết gia người Mỹ, 1832–1888) nhận định: “Hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng thụ; khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái, và chứng tỏ rằng bạn hiểu giá trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. Và rồi tuổi trẻ sẽ tươi vui, và tuổi già không có nhiều hối tiếc, và cuộc đời sẽ là một thành công tươi đẹp.”

Đề làm việc hiệu quả, người ta có đưa ra hệ thống như sau:

     1. Lập danh sách công việc (theo thời gian – sáng, chiều, ngày, tháng, năm).

     2. Việc thực sự cần làm trước.

     3. Tập trung vào công việc.

     4. Đừng trì hoãn, lần lữa bắt đầu.

     5. Cố gắng tạo phấn khởi để làm việc.

     6. Làm nhanh, gọn, để tiết kiệm thời giờ.

     7. Duy trì thể lực để đủ sức khỏe làm việc.

Sự lao động cần thiết và kỳ diệu lắm. John Adams nhận xét: “Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao động là phương cách để trở nên người hữu dụng, nhờ vậy mà có được hạnh phúc.” Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ lý luận: “Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu.”

III. THỰC TẾ TÂM LINH

Có sự lao động thể lý và sự lao động tâm trí, cũng có sự lao động tâm linh. Ai cũng có sự lao động tâm linh, kể cả người tự nhận là vô thần, nhưng đặc biệt là những người mang danh Kitô hữu – đặc biệt là người Công giáo.

Trong ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến), đức mến (đức ái) là quan trọng nhất – vì tồn tại cả đời này và đời sau (không còn đức tin và đức cậy ở đời sau). Đức ái quan trọng nhưng cũng dễ ảo tưởng, nếu không khéo thực hành. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1)

Nghe thì nghe vậy, biết thì biết vậy, nhưng người ta vẫn ảo tưởng. Rất ngạc nhiên khi thấy một anh bạn treo tấm bằng “Phép Lành Tòa Thánh.” Anh bạn này cho biết rằng anh tình cờ thấy trên một website Công giáo (xin được giấu tên) có mục “Quà Tặng Tin Mừng,” anh vô thử và làm theo hướng dẫn. Cuối cùng, anh bạn này có được tấm bằng “Phép Lành Tòa Thánh.” Tuy nhiên, có điều lạ là tấm bằng này không do ĐGH Phanxicô ấn ký, mà do một Tổng giám mục ấn ký (mộc nổi).

Loại “Phép Lành Tòa Thánh” này có thật hay không? Chắc hẳn là không. “Phép Lành Tòa Thánh” gì mà dễ dàng quá. Ai muốn là có ngay, chẳng phải làm điều gì lớn lao, không phải lao động tâm linh. Thấy kỳ quặc quá xá! Những người muốn có loại vi bằng này phải chăng chỉ là để “chứng tỏ bản lĩnh” của mình? Nói theo ngôn ngữ “hiện đại” ngày nay thì đó là “nổ.” Vâng, ngay cả việc đạo đức mà người ta cũng mua chuộc và lợi dụng. Thiết tưởng, việc làm này cần được chấn chỉnh ngay! Hãy ghi nhớ điều này: “Đừng tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa.” (Cv 8:20)

Thiên Chúa công minh, chính trực, Ngài “thấu suốt mọi sự,” (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) Ngài “không thiên vị ai,” (Gl 2:6) “hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận.” (Cv 10:34-35) Ai gieo gì thì gặt nấy: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ.” (Rm 2:6-8)

Chắc chắn rằng Thiên Chúa không làm điều xấu/ác, Ngài chỉ làm điều tốt/thiện: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7:37) Ngài làm việc không ngừng, Ngài cũng muốn chúng ta phải lao động miệt mài, nhưng phải làm với lòng khiêm nhường: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17:10)

Một dụ ngôn nói về “sự lao động và sự công bằng của Thiên Chúa” là dụ ngôn “thợ làm vườn nho,” trong chương 20 (câu 1-16) theo Tin Mừng của Thánh sử Mátthêu. Câu chuyện như sau:

Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết.” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức.” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.

Một dụ ngôn khác cũng nói về sự lao động là dụ ngôn “Những Nén Bạc.” (Mt 25:14-30; Lc 19:11-27) Ai cần mẫn thì được thưởng công, ai lười biết thì đành cam chịu số phẩn hẩm hiu. Hoàn toàn công bằng, không hề thiên vị ai. Đặc biệt nhất là “Cuộc Phán Xét Chung,” (Mt 25:31-46) chiên và dê được phân biệt rạch ròi, ai lành được thưởng, ai dữ bị phạt, đúng theo công sức mà họ đã lao động khi còn sinh thời.

Để tạm kết, hãy nghe lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: “Hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3:13)

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót! Xin cho những người lao động chân chính nhận được phần thưởng xứng đáng do công sức lao động quý giá của họ; xin cho các Kitô hữu tại Phi châu biết làm chứng cho niềm tin và lòng yêu mến dành cho Đức Giêsu Kitô giữa những xung đột về chính trị và tôn giáo; xin cho dân Việt thoát khỏi sự bất công xã hội, được hưởng nền hòa bình đích thực theo chân lý và công lý của Thiên Chúa. Chúng con cậy nhờ công nghiệp vô giá của Đức Kitô Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.