VỊ GIÁO HOÀNG CỦA KINH MÂN CÔI

19-09-2019 1,622 lượt xem

“Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất và là phương cách hiệu quả nhất để đạt tới sự sống đời đời. Đó là phương thuốc cho tội lỗi của chúng ta, là nguồn gốc phúc lành của chúng ta. Không có cách cầu nguyện nào tuyệt vời hơn.” Đó là lời minh định của ĐGH Leo XIII, vị giáo hoàng thứ 256, triều đại từ 1878 tới 1903.

Ngài là vị giáo hoàng đại thọ nhất trong lịch sử Giáo Hội – qua đời lúc 93 tuổi. Ngài là ngòi bút sắc bén, thi sĩ thông minh, thần học gia nổi trội, và người sáng lập Viện Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquino năm 1879 – nay là Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquino, hoặc Angelicum.

Là mục tử và nhà thần bí, ĐGH Leo XIII rất quan tâm các vấn đề xã hội và luân lý, làm cho Giáo Hội có nhiều vũ khí tâm linh để chống lại các vấn đề đó. Một hôm, khi đang dâng lễ, ngài thị kiến cuộc chiến tâm linh dữ dội và được gợi hứng viết Kinh TLTT Michael. Ngài cũng thúc đẩy việc sùng kính Đức Thánh Giuse, tận hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, thúc đẩy lòng sùng kính Ngày Thứ Sáu, và ấn định Tháng Sáu là Tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài là vị giáo hoàng mà Cô Bé Teresa 15 tuổi đã xin phép chuẩn vào Dòng Kín khi ngài tới Lisieux. Ngài là giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên phim ảnh và tuyên chân phước cho Lm Louis de Montfort năm 1888, và ĐGH Piô XII tuyên thánh cho Lm Louis de Montfort năm 1947.

1. LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

Từ hồi trẻ, ĐGH Leo XIII đã rất sùng kính Đức Mẹ. Phát hiện các bài viết về Đức Mẹ của Thánh Louis de Montfort năm 1846, và điều tra các bài viết này vào án phong thánh cho Lm Montfort, ĐGH Leo XIII đã ảnh hưởng nhiều với tư tưởng của Thánh Montfort về Đức Mẹ. Ngài rất sùng kính Đức Mẹ, ban ân xá cho những người tận hiến cho Đức Mẹ theo cách của Thánh Montfort. Một nguồn gợi hứng khác về Đức Mẹ đối với ĐGH Leo XIII là công việc của Chân Phước Bartolo Longo ở Pompeii.

ĐGH Leo XIII cởi mở với các mặc khải tư. Ngài thúc đẩy việc sùng kính Áo Đức Bà, thiết lập lễ Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ (Our Lady of the Miraculous Medal), viết tông thư thức đẩy việc hành hương các Đền Đức Mẹ, đặc biệt là Đức Mẹ Lộ Đức, và công nhận thị kiến Đức Mẹ hiện ra tại La Salette, với hai trẻ Maximin Giraud và Mélanie Calvat. Ngài yêu mến Đức Mẹ Lộ Đức đến nỗi cho xây dựng một Hang Lộ Đức tại Vườn Vatican. Theo ý tưởng của Thánh Bernard Clairvaux, ngài nói rằng các Kitô hữu cố gắng sống đức tin mà không có Đức Mẹ cũng như con chim cố gắng bay mà không có đôi cánh. Trong nhiều bài viết về Đức Mẹ, ngài nhấn mạnh rằng Đức Mẹ có thể làm cho các tín hữu vâng lời Đức Giáo Hoàng. Ngài là giáo hoàng đầu tiên được ghi âm tiếng nói, và khi ghi âm, ngài hát Kinh Kính Mừng.

2. VÔ ĐỊCH KINH MÂN CÔI

ĐGH Leo XIII là nhà vô địch về Kinh Mân Côi. Ngài viết 11 tông thư về Kinh Mân Côi, và rất nhiều sứ điệp về Kinh Mân Côi. Các tông thư về Kinh Mân Côi có phần tóm lược các câu của các vị tiền nhiệm về vai trò của Thánh Đa Minh là người khởi xướng Kinh Mân Côi và sáng lập Hội Mân Côi. Ngài nói rằng Đức Mẹ đã giao phó Chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh, so sánh Hội Mân Côi của Thánh Đa Minh với đạo binh cầu nguyện và cuộc chiến thiêng liêng giành lại các linh hồn cho Đức Kitô.

ĐGH Leo XIII nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo huấn xã hội Công giáo qua Tông thư Rerum Novarum (Tân Sự – nói về đời sống của giới lao động nghèo), và nói rằng Kinh Mân Côi là một phần giải quyết các vấn đề xã hội thời đó. Ngài không ngừng nói rằng Kinh Mân Côi là phương cách hữu hiệu để mở rộng Vương Quốc của Chúa Giêsu Kitô trên thế gian này, đồng thời hữu ích cho cà cá nhân và xã hội. Ngài khuyến khích mọi người đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, đặc biệt khuyến khích các linh mục và các nhà truyền giáo nói về Kinh Mân Côi, vì đó là sức mạnh đẩy lui sự ác và chữa lành các vết thương lòng.

ĐGH Leo XIII ấn định Tháng Mười là Tháng Mân Côi, ban nhiều ân xá cho người đọc Kinh Mân Côi, ủng hộ việc xây dựng Thánh Đường Mân Côi tại Lộ Đức, thêm danh xưng “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” vào Kinh Cầu Đức Bà, viết hiến chương cho Hội Mân Côi, khuyến khích các tu sĩ Đa Minh truyền bá Kinh Mân Côi, và ủng hộ Hội Tông Đồ Mân Côi của Chân Phước Bartolo Longo tại Nhà Thờ Mân Côi ở Pompeii. Ngài còn rút gọn Kinh TLTT Michael mà ngày nay thường đọc khi lần chuỗi xong. Các bài viết của ĐGH Leo XIII đề cao ơn lành của Kinh Mân Côi: Đọc Kinh Mân Côi là cầu nguyện với các thánh thiên thần, vì chính sứ thần Gabriel là người đầu tiên nói lời kính chào Đức Mẹ. Mãi mãi ĐGH Leo XIII là vị giáo hoàng của Kinh Mân Côi.

Lm. Donald Calloway (mic)

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ https://catholicexchange.com/pope-leo-xiii-pope-rosary)

ĐỔI ĐỜI VỚI KINH MÂN CÔI

Những lần hiện ra tại Lộ Đức, Fatima, và các nơi khác, Đức Mẹ luôn khuyên chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chứ Đức Mẹ không mời gọi chúng ta đọc Kinh Nhật Tụng, đọc sách thiêng liêng, chầu Thánh Thể, cầu nguyện thầm thĩ,...

Các dạng cầu nguyện đều tốt, được Giáo Hội và các thánh thi hành. Vậy tại sao lại đọc Kinh Mân Côi? Chúng ta có thể thấy câu trả lời bằng cách nhìn vào các thị nhân tại Lộ Đức và Fatima. Chính Đức Mẹ hướng dẫn cho họ không chỉ đọc hoặc viết đúng.

Đối với các thị nhân, Kinh Mân Côi là trường học thích hợp để học cầu nguyện. Từ hạt này tới hạt khác, Chuỗi Mân Côi dẫn chúng ta từ việc cầu nguyện bằng lời tới việc suy niệm, và cuối cùng là chiêm niệm. Với Chuỗi Mân Côi, mọi người để cho Đức Mẹ dẫn dắt vào cách cầu nguyện nội tâm mà không cần bất cứ kỹ thuật nào.

Như vậy không có nghĩa là việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi chỉ dành cho những người bình thường. Giới trí thức cũng vẫn phải đến trước Tôn Nhan Thiên Chúa giống như những đứa trẻ cầu nguyện đơn giản và chân thành, luôn tin tưởng và cầu nguyện tự đáy lòng.

Tất cả các Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện từ nội tâm để trải nghiệm sự mật thiết với Thiên Chúa và nhận biết hành động của mình trong cuộc sống. Chúng ta có thể so sánh Chuỗi Mân Côi với việc chơi đàn ghi-ta. Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, và Kinh Sáng Danh là ba kinh quan trọng của Kitô giáo, có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Các kinh đó như ba nốt trong một hợp âm và nhịp điệu trong một bài hát.

Tuy nhiên, việc chơi đàn ghi-ta không là một bài hát, và việc lặp đi lặp lại những câu chữ cũng không là lời cầu nguyện nội tâm. Ngoài nhịp điệu, cần có “khóa”. Các Mầu Nhiệm Mân Côi như các hợp âm trên đàn ghi-ta. Lời cầu nguyện bằng tiếng nói hình thành cái khung để suy niệm về các Mầu Nhiệm.

Luôn có 5 hợp âm theo nhịp điệu của sự lặp đi lặp lại lời kinh, làm cho cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ đi ngang qua trước mắt chúng ta. Với việc suy niệm, chúng ta tiếp tục suy nghĩ về điều xảy ra trong mỗi Mầu Nhiệm và điều có ý nghĩa đối với cuộc sống của chúng ta: Tại Nadarét, Con Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Maria. Khi rước lễ, Chúa Giêsu ngự vào lòng chúng ta. Tại Gếtsimani, Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu.

Chúa Giêsu đau khổ, lo buồn, nhưng các môn đệ vẫn ngủ. Chúng ta thức với Ngài hay mắt nhắm chặt vì mỏi mệt? Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu sống lại và ra khỏi mộ đá. Ngày thứ nhất của sự tạo dựng đem lại ánh sáng. Ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu chiến thắng tử thần và trao ban sự sống cho chúng ta. Ngài biến đổi bóng tối trong cuộc đời chúng ta thành ánh sáng.

Do đó, kinh nguyện của chúng ta bắt đầu chuyển thành nhạc. Nghĩa là không đơn điệu hoặc nhàm chán, mà đầy các hình ảnh và ý tưởng. Khi ân sủng của Thiên Chúa cho phép, lúc đó đầy sự soi sáng và gợi hứng siêu nhiên.

Có một điều nữa là nên có thánh ca hoặc lời cầu nguyện sâu lắng: giai điệu và tâm hồn hòa điệu với nhau. Khi chơi đàn ghi-ta, ca từ cần có để hiểu bài hát. Đọc Kinh Mân Côi là hát bài ca của tâm hồn mình, bởi vì chúng ta đặt cuộc đời mình trước mặt Thiên Chúa, theo tiết tấu của kinh nguyện và suy niệm. Chính bài tâm ca này cho phép chúng ta đi vào các Mầu Nhiệm Mân Côi: Ôi, lạy Chúa, con như được lên trời. Con khao khát Ngài, mơ ước Vương Quốc Ngài, quê hương đích thực của con.

Khi chiêm niệm, người cầu nguyện thấy các mầu nhiệm diễn ra trước mắt, đồng thời sống trong khoảng cảm xúc của tâm hồn đang ở trước mặt Thiên Chúa. Người cầu nguyện là người hát bài ca của cuộc đời mình, và tự nhiên có ước muốn đặc biệt: Con muốn là con của người mẹ trần gian, xin giúp người mẹ bị bệnh của con! Ngài phải đội vòng gai, xin giúp con đang gặp khó khăn về tài chính mà con không thể xoay xở. Ngài sai Chúa Thánh Thần đến giúp con, vì con không đủ sức quyết định.

Với cách hiểu như vậy, các gợi ý dưới đây có thể giúp ích cho những người cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi đi từ việc cầu nguyện bằng lời nói tới việc suy niệm và chiêm niệm:

1. DÀNH THỜI GIAN

Thới khóa biểu của chúng ta đầy cuộc hẹn. Dù sao chúng ta cũng phải hoạch định thời gian cho mỗi công việc. Đôi khi cần dành 20–30 phút để lần Chuỗi Mân Côi và rồi tính công việc khác. Đây là cuộc hẹn với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng rất quan trọng đối với cuộc đời chúng ta.

Đối với tất cả chúng ta, có thể dành thời gian để đọc Kinh Mân Côi mỗi tuần một lần, hai lần, hoặc vài lần. Qua thời gian, đó là mục đích này đạt được thì chúng ta sẽ dành thời gian đọc Kinh Mân Côi hằng ngày.

2. ĐỪNG VỘI VÀNG

Chúng ta có thể biết cầu nguyện bằng cách nhìn hai người yêu nhau. Khi ngọn nến lãng mạn được thắp sáng trong bữa ăn tối, không ai nhìn đồng hồ xem mấy giờ, cũng chẳng chú ý xem món ăn thế nào, hoặc muốn ăn cho xong bữa. Họ muốn bữa ăn kéo dài, có thể hằng giờ ngồi bên nhau nhâm nhi ly cocktail, và tận hưởng khoảnh khắc ngồi bên nhau. Việc đọc Kinh Mân Côi cũng thế.

Không nên đọc như đuổi nhau, cuối câu bên này “chồm lên” đầu câu bên kia. Đọc kinh cầu nguyện chứ không như cử tạ, nâng càng nhanh càng tốt. Hãy đọc chậm vừa phải, nhịp nhàng và bình an. Dành 20 phút cho Chúa và Mẹ mà tính toán chi li gì chứ?

3. TẬN HƯỞNG TIN YÊU

Thánh Y-nhã khuyên đọc Kinh Mân Côi theo nhịp thở. Nên im lặng một chút giữa các mầu nhiệm để nhận biết Chúa và Mẹ đang nhìn mình với niềm vui mừng và tình yêu thương, nhận biết như vậy để giống như trẻ nhỏ bập bẹ rằng “con yêu Chúa, con yêu Mẹ” với trọn niềm tin yêu và biết ơn.

4. ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG

Đọc Kinh Mân Côi có nhịp điệu của lời cầu nguyện. Chúng ta có thể theo nhịp điệu khoan thai mà suy niệm. Mỗi mầu nhiệm được đọc trước mỗi chục kinh. Khi đó, với ánh mắt yêu thương, chúng ta ngắm nhìn Chúa và Chúa nhìn lại chúng ta. Đức Mẹ cũng thế.

5. HẠNH PHÚC NGẠC NHIÊN

Một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc cầu nguyện nội tâm là nghĩ và suy để thấy điều ngạc nhiên. Hãy nghĩ về cuộc gặp gỡ của những người yêu nhau, họ không tính trước tặng nhau cái gì hoặc làm gì trong kỳ nghỉ lần sau, nhưng họ tận hưởng thời gian ở bên nhau và cứ vui với nhau.

Nhìn vào album hình gia đình thì thấy khác hẳn với cuốn sách lịch sử. Album gia đình có những người quan trọng đối với chúng ta, những người mình yêu thương và họ cũng yêu thương chúng ta. Đó là cách chúng ta ngắm nhìn Chúa Giêsu và Mẹ Maria qua Chuỗi Mân Côi.

6. CHI TIẾT CẬN CẢNH

Một số người thường nhắm mắt khi cầu nguyện để tập trung. Một số người lại thấy hữu ích khi tập trung ánh mắt vào một điểm nào đó (chẳng hạn như Thánh Giá hoặc Nhà Tạm). Cách nào cũng được, vấn đề quan trọng là ánh mắt của tâm hồn mình có mở ra hay không. Đọc Kinh Mân Côi cũng giống như xem phim vậy: Thấy nhiều hình ảnh. Thật hữu ích khi tự hỏi: “Trong khi chiêm niệm Chúa Giêsu giáng sinh, chịu đóng đinh, hoặc lên trời – tôi nhìn ai, nhìn cái gì, và tôi là ai?”

Trong một số trường hợp, giống như người quay phim hoặc chụp hình, phải đến gần để thấy chi tiết: Nghĩ tới hơi ấm của con bò thở cho Chúa Giêsu ấm, bàn tay bị đinh đâm thâu gang rộng ra vì yêu thương chúng ta, nước mắt của tông đồ Gioan khi nhìn theo hướng Chúa Giêsu lên trời.

7. CẦU NGUYỆN BẰNG LỜI NÓI, TRÍ ÓC VÀ TÂM HỒN

Lời đọc, trí suy, nhưng tâm hồn hướng dẫn trong khi cầu nguyện. Các tác giả viết về tâm linh đều đồng ý rằng lời cầu nguyện nội tâm ở trong cảm xúc, nghĩa là tình cảm trong lòng và chuyển động. Thánh Teresa Avila khuyên: “Đừng suy nghĩ nhiều, hãy yêu mến nhiều!”

Một bà già than phiền rằng bà không thể suy niệm khi lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày, nên bà chỉ nói: “Giêsu, Maria, con yêu Chúa và Mẹ. Con Kính mừng Mẹ.” Thế thôi, không cần nhiều. Và đó chính là điều mà chúng ta muốn được dẫn tới khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ https://www.thecatholicherald.net/new-way-praying-rosary-can-change-life-instantly-try-now-2/)

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan