10 lợi ích của việc mỗi ngày dành ít phút cho Chúa

06-08-2020 1,869 lượt xem

Chúng ta đã được dạy rất nhiều về việc phải dành giờ cầu nguyện. Các vị thánh đã xác nhận rằng cầu nguyện là hơi thở của đời sống thiêng liêng, giúp chúng ta hướng về Chúa.

Tuy vậy, cuộc sống hối hả và vụ lợi thời nay đã khiến người ta nghi ngờ về điều này. Phần vì không có thời gian, phần vì thấy cầu nguyện chẳng mang lại lợi ích gì, người ta đã bỏ đi thói quen tốt lành ấy. Cũng có rất nhiều người cho rằng cầu nguyện là việc của những người đi tu hoặc những ai rảnh rỗi.

Có thật là việc cầu nguyện mỗi ngày hoàn toàn vô ích không? Hẳn nhiên không phải vậy, ít ra, chúng ta có thể thấy được 10 lợi ích “tức thì” của cầu nguyện, như sau:

Sống giây phút hiện tại

Guồng quay của mưu sinh có khi làm người ta quên mất mình đang sống. Họ hay nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, mà ít khi biết rằng hiện tại mới là cuộc sống. Dành ít phút lắng đọng mỗi ngày giúp người ta thưởng ngoạn sự sống của mình. Lúc đó, họ thật sự ý thức về sự sống đang tuôn chảy trong mình, cả linh hồn và thân xác được nghỉ ngơi, tách mình ra khỏi tất cả những bận tâm lo lắng. Họ đặt mình trước Đấng là Sự Sống và tiếp tục thụ hưởng sự sống nơi Ngài.

Nhìn lại những gì đã qua để tạ ơn

Cuộc sống trôi qua với biết bao biến cố vui buồn nối tiếp nhau. Tất cả đều có những ý nghĩa và tác động nhất định đến cuộc sống của mình. Dưới cái nhìn đức tin, chúng đều là những hồng ân của Chúa. Một vài phút lặng đọng trong ngày để nhìn lại những chuỗi biến cố đó với tâm tình biết ơn là điều vô cùng tuyệt vời, vì nó giúp ta ngày càng chìm sâu trong tương quan thân quen với Chúa và sống sự hiện diện của Chúa trong từng phút giây của đời mình.

Kiểm duyệt cuộc sống

Cũng không trách khỏi nhiều lúc chúng ta đã có những lời nói, hành vi, tư tưởng sai lạc, làm ảnh hưởng đến chính cuộc sống của mình và người khác. Với những sai sót lớn, ta dễ dàng nhận ra. Nhưng với những sai sót nhỏ, ta dễ dàng bỏ qua hoặc không để ý. Từ từ, chúng sẽ tích tụ lại và làm chúng ta sa lầy hơn. Thường xuyên nhìn lại với cái nhìn suy xét xem mình đã sống cuộc sống của mình thế nào, có gì cần chỉnh sửa lại cho tốt hơn sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn thiện hơn và đáng yêu hơn với mọi người.

Giúp hãm dẹp cơn nóng giận

Cơn nóng giận thường là nguyên cớ cho rất nhiều những lời nói và quyết định sai lầm của chúng ta. Lúc đó, ta bị cảm xúc chi phối nặng nề và không làm chủ được bản thân mình. Kinh nghiệm cho thấy, ta thường hối hận sau đó vì những gì mình đã làm. Trầm tĩnh lại là cách ta làm nguôi cơn nóng giận và khống chế nó. Khi đó cơn nóng giận sẽ từ từ tan đi. Điều này chỉ có được với một người có thói quen trở về với lòng mình mà họ thực tập hàng ngày trong những giây phút thinh lặng.

Suy tính kỹ càng cho vấn đề của mình

Ai cũng có vấn đề của riêng mình và luôn nỗ lực để tìm cách giải quyết. Nhiều khi vì có quá nhiều giải pháp, người ta không biết chọn cái nào cho tốt. Cũng có khi phía trước chỉ là một màn đêm tăm tối, khiến mình chẳng biết phải làm sao. Đôi khi người ta hỏi ý kiến những bậc khôn ngoan. Nhưng bao giờ cũng cần đôi chút tĩnh lặng để suy xét. Các bậc trí giả thường cho rằng mọi giải pháp đều đã được phú bẩm trong lòng mình, chỉ cần thinh lặng là có thể lắng nghe được. Đó chẳng phải là những phút giây ta ở một mình và suy nghĩ đó sao? Những ồn ào bên ngoài sẽ làm cho chúng ta bị rối. Còn thinh lặng sẽ giúp ta sáng ra.

Giúp xua tan nỗi sợ

Nỗi sợ là một trong những kẻ thù lớn nhất của con người. Nó cho thấy sự nhỏ bé, thấp hèn và bất lực của chúng ta. Mỗi khi sợ, ta thường cầu cứu sự trợ giúp của người khác. Khi nó vượt quá sức con người, ta thường chạy đến các bậc thần linh. Trong thinh lặng của cầu nguyện, ta được đưa vào đối diện với một vị Thiên Chúa vừa yêu thương ta và quyền năng vô hạn. Bỗng dưng, ta sẽ thấy mình được Ngài che chở bao bọc, hứa hẹn sẽ luôn ở bên và giúp ta vượt thắng mọi gian nguy thử thách. Người nào càng sống tinh thần cầu nguyện, người ấy càng bình tĩnh trước những giông tố của cuộc đời vì họ kín múc được sức mạnh từ Chúa.

Những lời kinh giúp ý thức và loại trừ những tư tưởng xấu

Nhiều lúc chúng ta cũng muốn cầu nguyện nhưng chẳng biết cầu nguyện thế nào. Các phương pháp cầu nguyện dường như cao siêu và khó thực hành. Khi ấy, chỉ đơn giản là ta thầm thĩ những câu kinh đã được soạn sẵn. Những lời kinh tưởng chừng khô khan nhưng lại có tác dụng rất lớn. Nếu chúng ta vừa đọc vừa chú tâm đến từng lời kinh, nó sẽ trở thành những tâm tình của chúng ta dâng cho Chúa. Ngoài ra, khi chúng ta tập trung vào nó, nó sẽ giúp xua tan những tà ý đang có trong đầu mình. Nhờ đó, trái tim của chúng ta sẽ được thanh lọc và trở nên tinh tuyền hơn.

Tiếp xúc với Lời Chúa, nghe Chúa nói với mình

Nếu chúng ta chọn cầu nguyện với Lời Chúa, mỗi ngày suy niệm một đoạn ngắn, ta sẽ có cơ hội chìm sâu trong những mặc khải của Chúa cho chúng ta. Những lời ấy sẽ ban cho chúng ta sức mạnh, giải thoát chúng ta khỏi mọi bận tâm lo lắng. Sâu hơn, ta sẽ nghe được điều Chúa muốn nhắn gửi riêng cho mình. Dần dần, ta sẽ hiểu biết hơn về Chúa, có mối tương quan thân thiết với Chúa, sẽ yêu Chúa hơn và được Chúa biến đổi để nên giống Đức Giêsu Kitô hơn. Lời Chúa không phải là lời bình thường. Lời ấy có sức cứu độ chúng ta và đưa chúng ta về Nước Trời.

Đưa tâm hồn hướng về trời cao

Sự thinh lặng trong cầu nguyện sẽ giúp tâm trí chúng ta được giải thoát khỏi mọi thứ tầm thường của đời này. Ta sẽ dần dần được hấp dẫn bởi nét tuyệt đẹp của các nhân đức và bắt đầu kinh tởm những sự xấu xa vẫn đang vây hãm và quyến rũ chúng ta. Bản chất lương thiện trong ta sẽ trỗi dậy và ta biết mình không thuộc về chốn đời tạm này. Ta khám phá ra rằng quê thật của chúng ta là Thiên Đàng, là cõi vinh phúc đời đời, mà muốn trở về nơi ấy, ta phải dứt bỏ những thứ đang mê hoặc chúng ta ở đây, đang khiến chúng ta lầm đường lạc lối. Khi ấy, ta sẽ được nhấc bổng lên tận trời cao, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Lãnh nhận ơn lành từ Chúa

Đây là một lợi ích thiết thực hơn bao giờ hết. Trong cầu nguyện, ta có thể xin Chúa những ơn lành cần thiết cho chính mình hay cho người khác. Cuộc sống tại thế này luôn khiến chúng ta sống trong tình trạng thiếu thốn trăm bề, nếu không phải là những thiếu thốn vật chất, thì cũng là tinh thần. Chẳng nơi đâu ta có thể “xin xỏ” một cách thoải mái như trong cầu nguyện vì ta biết rằng mình đang đối diện với một Đấng hằng yêu thương mình và luôn sẵn sàng ban ơn cho mình bất cứ lúc nào hay nơi nào, bao nhiêu cũng được.

Với 10 lợi ích như thế, tại sao chúng ta vẫn còn chần chừ, ngại ngùng, tiếc thời gian mà không dành giờ cho Chúa, phải không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

GIA TĂNG KIÊN NHẪN

Không ai trong chúng ta có thể tuyên bố đã hoàn toàn làm chủ đức tính kiên nhẫn. Chúng ta nghĩ mình đã đạt được một chiến thắng lớn trong việc đạt được tính kiên nhẫn, và rồi hoàn toàn bất ngờ, chúng ta ngạc nhiên thấy mình chỉ “nổ” mà thôi. Chúng ta ảo tưởng trở thành người kiên nhẫn nhất thế giới đã tan thành mây khói!

Sự kiên nhẫn quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu Kitô, mẫu mực của chúng ta trong tất cả các đức tính, đã nói: “Bằng sự kiên nhẫn, các con sẽ cứu được linh hồn mình.” Một linh hồn đạo đức đã cầu nguyện trong tuyệt vọng: “Lạy Chúa, xin ban cho con sự kiên nhẫn và ban ngay bây giờ!” Có lẽ đây cũng là lời cầu nguyện của bạn trong vài năm qua.

Sự kiên nhẫn của chúng ta có thể được kiểm tra bởi nhiều thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Sự thất bại về sức khỏe, bối cảnh kinh tế, các thành viên trong gia đình có thể đưa Thánh Gióp vào cơn thử thách, thời tiết khắc nghiệt, các mối quan hệ thất bại và tan vỡ, thậm chí cả Thiên Chúa. Đôi khi dường như Chúa vô cùng xa cách, dường như Ngài không nghe thấy lời cầu nguyện của tôi, hoặc ít nhất là dường như không quan tâm hoặc thờ ơ với lời cầu xin của tôi. Tất cả những điều đó có thể thử thách tính kiên nhẫn của tôi.

Vậy thì những cách mà chúng ta có thể đạt được đức tính kiên nhẫn hết sức quan trọng, như Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, là cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn bất tử của chúng ta? Đây là năm cách cụ thể để chúng ta có thể đạt được sự kiên nhẫn.

1. CẦU NGUYỆN

Thánh Inhaxiô khẳng định rằng chúng ta phải cầu xin ân sủng. Thánh Augustinô khiêm tốn nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn xin trước mặt Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng trao ban nếu chúng ta kiên trì cầu xin Ngài. Hãy nhớ đến bà góa kiên nhẫn, đã nhận được sự ưu ái của vị thẩm phán nhẫn tâm và lạnh lùng chỉ vì bà cứ xin ông ta giúp đỡ. Chúa Giêsu nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Mt 7:7)

2. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU

Chúa Giêsu minh định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Có câu nói thế này: “Hãy nói cho tôi biết bạn làm bạn với ai rồi tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.” Nếu chúng ta dành thời gian để suy niệm Tin Mừng, những lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được tẩy sạch. Chúng ta sẽ bắt đầu noi gương Chúa Giêsu càng ngày càng nhiều, đặc biệt là về đức tính kiên nhẫn.

3. CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KITÔ

Nhiều vị thánh đã bị cuốn hút vào việc đọc và suy ngẫm câu chuyện tình yêu vĩ đại nhất thế giới của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Việc suy niệm liên tục về Cuộc Khổ Nạn, nỗi thống khổ, sự đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu có thể chứng tỏ là nguồn phúc lành vô tận và là chìa khóa để mở cánh cửa kiên nhẫn cho những trái tim chai sạn nhất.

4. THỬ THÁCH VÀ CƠ HỘI

Khi các thử thách giáng xuống chúng ta như một cuộc trốn chạy ồ ạt, hãy nhớ tới Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, từ các Tin Mừng, hoặc các tác phẩm của các nhà văn như Anne Catherine Emmerick. Thử thách sẽ được xem xét dưới góc nhìn phổ quát và siêu nhiên hơn.

Thử thách đến với tôi thực sự rất đau khổ, nhưng, so với những gì Chúa Cứu thế Giêsu Kitô đã trải qua thì chỉ là điều nhỏ mọn. Tôi cũng chịu đựng thử thách một phần là hậu quả của quá khứ tội lỗi của mình, nhưng Chúa Giêsu phải chịu đựng những nỗi đau đớn tột cùng là sự cô đọng và bản chất của sự vô tội. Tất cả chúng ta đều có thể chọn một yếu tố hoặc chi tiết về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô dường như đã đánh động chúng ta nhiều nhất và khơi gợi cảnh này khi sự kiên nhẫn được đặt vào sự thử thách cay đắng!

Tình yêu của Chúa Giêsu có thể thúc đẩy tôi kiên nhẫn vác thập giá nặng nề nhất, như Thánh Phaolô nói: “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.” (2 Cr 5:14)

5. ĐỨC MẸ SẦU BI

Trong bộ phim “The Passion of the Christ” của Mel Gibson, một yếu tố thiết yếu là sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria xuyên suốt bộ phim. Đức Mẹ chỉ sau Chúa Giêsu về cường độ đau khổ. Bộ phim miêu tả Đức Mẹ Sầu Bi dọc đường lên Can-vê khi đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc thử thách khắc nghiệt nhất.

Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, kiên nhẫn tới mức độ anh hùng. Đức Mẹ đã thực hành tính kiên nhẫn cả đời: đi đến Bêlem, trốn sang Ai Cập, tìm kiếm Con thất lạc ba ngày, mất người chồng yêu dấu Giuse, và đi cùng Con yêu dấu Giêsu, chứng kiến Con bị đóng đinh và ở bên Con cho đến khi Con trút hơi thở cuối cùng. Khi sự kiên nhẫn của chúng ta được thử thách, chúng ta nên ngước mắt lên, nâng tâm trí và linh hồn mình lên với Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ giành lấy lòng kiên nhẫn anh hùng cho chúng ta.

Hằng ngày tất cả chúng ta đấu tranh để kiên nhẫn với người khác, với chính mình, với hoàn cảnh, và đôi khi kiên nhẫn cả với Chúa. Sự kiên nhẫn rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta đến nỗi Chúa Giêsu thậm chí đã nói: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:22) Chúng ta hãy sử dụng vũ khí chúng ta có trong kho vũ khí của mình để đạt được lòng kiên nhẫn, đức tính vô cùng quan trọng. Hãy cầu nguyện như những người ăn xin với người ban phát rộng lượng nhất là Thiên Chúa. Hãy đến gần Chúa Giêsu – Đấng Thánh của mọi thần thánh. Hãy suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô và khi có cơ hội thực hành sự kiên nhẫn, nhớ tới những gì Chúa Giêsu đã chịu vì thế giới và vì chúng ta.

Cuối cùng, xin Đức Mẹ Sầu Bi giành lấy cho con một trái tim nhu mì, khiêm nhường và kiên nhẫn!

LM. ED EDOM, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ https://catholicexchange.com)

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.