HẠNH CÁC THÁNH THÁNG 06

23-05-2022 1,020 lượt xem

1/6 – THÁNH GIÚTTINÔ, TỬ ĐẠO (+ 165)

Thánh Giúttinô không ngừng đòi hỏi sự thật tôn giáo, ngay cả khi ngài trở lại Kitô giáo sau nhiều năm nghiên cứu các triết học ngoại giáo.

Khi còn trẻ, ngài theo trường phái của Plato. Tuy nhiên, ngài thấy Kitô giáo trả lời được những vấn đề quan trọng về cuộc sống và sự hiện hữu hơn hẳn các triết gia.

Khi trở lại đạo, ngài tiếp tục mặc loại áo choàng dành cho triết gia, và trở thành triết gia Kitô giáo. Ngài kết hợp Kitô giáo với các yếu tố tốt nhất của triết học Hy Lạp. Theo ngài, triết học là nhà mô phạm của Đức Kitô và là nhà giáo dục dẫn người ta đến với Đức Kitô.

Thánh Giúttinô có tiếng là nhà biện giải tôn giáo (apologist), bảo vệ bằng những bài viết về Kitô giáo phản bác những khích bác và hiểu lầm của người ngoại giáo. Hai bài biện giải của ngài còn truyền lại cho chúng ta, hai bài này được gởi cho hoàng đế Rôma và thượng viện. Vì trung thành với Kitô giáo, ngài bị xử trảm tại Rôma năm 165.

2/6 – CÁC THÁNH MARCÊLLINÔ và PHÊRÔ, TỬ ĐẠO (+ 304)

Các Thánh Marcêllinô và Phêrô nổi bật trong giáo hội và được kể trong số các thánh của giáo luật Rôma. Nhắc đến tên các ngài là cách chọn lựa trong Kinh nguyện Thánh Thể I (Eucharistic Prayer I). Thánh Marcêllinô là linh mục, còn Thánh Phêrô là người trừ quỷ (exorcist), tức là người được Giáo Hội trao quyền xử lý các trường hợp bị ma quỷ trói buộc. Các ngài đều bị xử trảm trong thời bách hại của Diocletian (hoàng đế Rôma, 284-301). ĐGH Đamasô viết văn bia (epitaph) dựa vào thông tin của đao phủ, và Constantine cho xây đền thờ ở Rôma ngay trên hầm mộ an táng các ngài. Có nhiều truyền thuyết về cái chết của các ngài.

Tại sao các ngài được nhắc đến trong King nguyện Thánh Thể và có ngày lễ, mặc dù hầu như không biết gì về các ngài? Có thể vì giáo hội tôn trọng ký ức tập thể. Có lần các ngài đã thôi thúc khuyến khích toàn thể giáo hội. Các ngài đã tạo bước quyết định về đức tin: “Giáo hội luôn tin rằng cá thánh tông đồ, và các vị tử đạo của Chúa Kitô đã làm chứng về đức tin và bác ái bằng chính máu mình, kết hiệp mật thiết với chúng ta trong Đức Kitô.” (Hiến chế về Giáo hội, 50)

3/6 – THÁNH CHARLES LWANGA VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO (+ 1886)

Một trong 22 vị tử đạo của Uganda là Thánh Charles Lwanga. Ngài là bổn mạng giới trẻ và hoạt động Công giáo ở hầu hết các nước Phi châu. Ngài bảo vệ các bạn tiểu đồng (từ 13 tới 30 tuổi) khỏi các nhu cầu đồng tính của nhà cầm quyền Baganda là Mwanga, ngài khuyến khích và hướng dẫn họ trong đức tin Công giáo ngay trong nhà tù vì tội từ chối yêu cầu của nhà lãnh đạo.

Vì từ chối hành động vô luân và bảo vệ đức tin cho các bạn, ngài bị thiêu tại Namugongo ngày 3-6-1886 theo lệnh của Mwanga. Ngài biết đến giáo huấn của Chúa Kitô nhờ 2 cận thần của thẩm phán Mawulugungu. Ngài được vào hoàng cung để giúp Joseph Mukaso, trưởng nhóm tiểu đồng.

Vào đêm Mukaso chịu tử đạo vì “tội” khuyến khích giới trẻ Phi châu chống lại Mwanga, Thánh Charles xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Bị tù với các bạn, ngài can đảm và tin Chúa đã linh hứng cho họ giữ đức khiết tịnh và đức tin. Trong lễ phong thánh cho 22 vị tử đạo ngày 18-10-1964, ĐGH Phaolô VI đã nhắc đến các tiểu đồng cũng chịu tử đạo vì cùng lý do đó.

4/6 – THÁNH PHANXICÔ CARAXIOLO, LINH MỤC (1563-1608)

Ngài sinh ngày 13-10-1563 tại Villa Santa Maria, Ý, có tên là Ascanio. Mẹ ngài là thân nhân của Thánh Thomas Aquinas (Tiến sĩ Giáo hội). Ngài sống nhân đức từ hồi còn trẻ và ước muốn đi tu. Lúc 22 tuổi, ngài bị bệnh phong cùi, ngài cầu xin nếu Chúa chữa khỏi thì ngài hứa đi tu làm linh mục. Và ngài được khỏi thật.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài gia nhập Huynh đoàn Áo Trắng Công Lý để giúp các tù nhân giao hòa với Thiên Chúa và được chết lành.

Sau 5 năm tới Naples, ngài nhận được một lá thư từ của Lm Giovanni Agostino Adorno ở Genoa, ngỏ ý muốn cùng ngài lập dòng mới. Đọc thư xong, ngài thấy hợp với ý mình và nhận biết đó là Ý Chúa. Sau đó, dòng mới được thành lập và được ĐGH Sixtô V phê chuẩn ngày 1-7-1588. Dòng này vừa hoạt động vừa chiêm niệm, tôn sùng Thánh Thể là một trong các cột trụ của đời sống tu trì. Dòng này giúp đỡ các bệnh nhân, người nghèo và tù nhân. Ngoài ba lời khấn khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, họ còn lời khấn thứ tư là giữ thanh danh tu sĩ.

Khi tuyên khấn, ngài lấy tên là Phanxicô vì yêu mến Thánh Phanxicô Assisi. Ngài có tiếng về lòng sùng kính Thánh Thể, ngài thường xuất thần và lặp đi lặp lại lời Thánh Vịnh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.” (Tv 69:10) Ngài qua đời vì bị sốt cao tại Agnone, ngày 4-6-1608, chiều hôm trước lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khi hấp hối, ngài vẫn lặp lại lời Thánh Vịnh. Ngài được ĐGH Piô VII tuyên thánh ngày 24-5-1807.

5/6 – THÁNH BONIFACE, GIÁM MỤC (672?-754)

Boniface được biết đến là tông đồ của người Đức. Ngài là tu sĩ Dòng Biển Đức, và được chọn làm tu viện trưởng. Ngài dành cả đời để hoán cải các bộ lạc ở Đức. Ngài có 2 đức tính nổi bật: tuân thủ chính thống Kitô giáo và trung thành với Giáo hoàng Rôma.

Sự chính thống và lòng trung thành này tạo ra các điều kiện mà ngài thành lập trong hành trình sứ vụ đầu tiên năm 719 theo yêu cầu của ĐGH Grêgôriô II.

Có những điều kiện mà Thánh Boniface tường trình năm 722 trong lần đầu tiên đến thăm Rôma. ĐGH hướng dẫn ngài cải cách Giáo hội Đức và gởi thư khuyên răn các tín hữu và các lãnh đạo nhà nước. Về sau ngài nói là công việc của ngài không thành công, theo quan điểm của con người. Rồi ngài được tấn phong giám mục cai quản và tổ chức cả Giáo hội Đức rất thành công.

Tại vương quốc Frank, ngài gặp nhiều rắc rối vì có sự can thiệp của phần đời trong việc bầu chọn giám mục, các giáo sĩ thiếu sự kiểm soát của giáo hoàng. Trong sứ vụ cuối cùng tại Frisian, ngài và 53 người khác bị tàn sát khi ngài chuẩn bị ban bí tích Thêm sức.

Để bảo đảm Giáo hội Đức trung thành với Rôma và hoán cải người ngoại giáo, ngài theo 2 quy luật: Một là duy trì đức vâng lời của các giáo sĩ đối với các giám mục hiệp thông với Rôma, hai là thiết lập nhiều nhà cầu nguyện theo kiểu tu viện Biển Đức. Nhiều nam nữ tu sĩ Anglo-Saxon theo ngài tới lục địa. Ngài giới thiệu cách giáo dục với các nữ tu Biển Đức để làm việc tông đồ.

6/6 – THÁNH NORBERT, GIÁM MỤC (1080?-1134)

khi bạn bè đùa đọc trại tên Premonstratensians thành “Monstrous Pretensions” (kỳ vọng lớn lao) kiểu như Dòng Phanxicô, chữ O.F.M. được đọc đùa là “Out For Money” (ra ngoài kiếm tiền). Tên ngài có nguồn gốc từ Premontre, một vùng ở nước Pháp, nơi ngài lập dòng này hồi thế kỷ XII.

Nhớ lại biệt danh này, ngài thành lập dòng này với nhiệm vụ to lớn: Chống lại các tà thuyết, đặc biệt là quan tâm bí tích Thánh Thể, tái tạo sức sống cho nhiều tín hữu lãnh đạm và phóng đãng, đồng thời tác động hòa bình và hòa giải trong kẻ thù.

Ngài không kỳ vọng hoàn tất nhiệm vụ đa năng này. Được nhiều người giúp đỡ đã gia nhập dòng, ngài nhận thấy không gì có thể trở thành hiệu quả nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa. Tìm được sự giúp đỡ qua lòng sùng kính Thánh Thể, ngài và các tu sĩ của dòng cùng tạ ơn Thiên Chúa về sự thành công trong việc hoán cải những người theo tà thuyết, hòa giải kẻ thù và tái tạo đức tin ở những tín hữu nguội lạnh.

Dù không muốn, nhưng ngài vẫn chấp nhận làm Tổng giám mục GP Magdeburg thuộc miền Trung Đức quốc, có một nửa là Kitô hữu và một nửa là người ngoại. Trên cương vị giám mục, ngài nhiệt thành và can đảm hoàn tất sứ vụ tông đồ đối với giáo hội. Ngài qua đời ngày 6-6-1134.

7/6 – TÔI TỚ CHÚA GIUSE PEREZ, LINH MỤC TỬ DẠO (1890-1928)

Thế kỷ III, Tertullian nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội.” Giuse Perez đã thực hiện truyền thống này.

Ngài sinh tại Coroneo, Mexico, vào Dòng Phanxicô lúc 17 tuổi. Vì tình trạng bất ổn ở Mexico thời đó (sức ép của Pancho Villa lan sang cả New Mexico), ngài phải đi học triết học và thần học tại California.

Sau khi thụ phong linh mục tại Santa Barbara, ngài trở về Mexico và phục vụ tại Jerecuaro từ năm 1922. Cuộc bách hại dưới thời Plutarco Calles (1924-28) khiến ngài phải cải trang nhiều hình thức khi đi thăm giáo dân. Năm 1927, giáo hội trong nước chịu cảnh khốn khó: Các trường Công giáo đều bị đóng cửa, các linh mục và các nữ tu ngoại quốc đều bị trục xuất.

Một hôm, ngài và vài người khác bị bắt khi đang trên đường trở về sau khi bí mật cử hành Thánh lễ. Ngài bị quân lính đâm chết cách Celaya vài dặm vào ngày 2-6-1928. Thi hài ngài được rước về Salvatierra, và được an táng trong tiếng hô vang: “Viva, Cristo Rey!” (Vạn tuế Vua Kitô!)

8/6 – THÁNH WILLIAM YORK, GIÁM MỤC (+ 1154)

Ngài sinh ra trong một gia đình quyền thế tại Anh quốc hồi thế kỷ XII, ngài như được tiền định làm những việc vĩ đại. Người chú bác của ngài sau đó lên ngôi cai trị Anh quốc. Ngài phải đối mặt với sự thù hận trong giáo hội.

Mặc dù khó khăn, ngài vẫn được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận York năm 1140. Các giáo sĩ địa phương ít nhiệt thành, và tổng giám mục GP Canterbury không đồng ý tấn phong giám mục cho ngài. Ba năm sau, ngài được một giám mục khác tấn phong, nhưng không được ĐGH Innocent II chấp thuận, các giáo hoàng kế nhiệm cũng không chấp thuận. Ngài bị truất phế và người khác được chọn thay thế.

Mãi đến năm 1154, 14 năm sau khi ngài được bổ nhiệm, ngài mới chính thức được chấp nhận là giám mục giáo phận York. Lúc này ngài được mọi người đồng tình ủng hộ. Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, ngài qua đời, có thể do bị đánh thuốc độc. Người bị tình nghi là giám mục phụ tá, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Dù mọi thứ bất công và oan uổng xảy ra, ngài vẫn không tỏ ra thù ghét những người ghét ngài. Sau khi ngài qua đời, nhiều phép lạ được coi là có sự can thiệp của ngài. Sau 73 năm, ngài được Giáo hội phong thánh.

9/6 – THÁNH EPHREM, PHÓ TẾ (306?-373)

Là thi sĩ, giáo viên, nhà giảng thuyết và người bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem còn là Tiến sĩ Giáo hội. Ngài tự nhận trách nhiệm đặc biệt là chống lại nhiều thuyết sai lầm “nổi cộm” thời đó, và luôn bảo vệ Giáo hội Công giáo một cách trung thực và mạnh mẽ.

Ngài sinh tại Nisibis, Mesopotamia, lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy khi còn trẻ và nổi tiếng là thầy dạy ở thành phố quê hương ngài. Khi hoàng đế là Kitô hữu phải nhượng Nisibis cho người Ba Tư, ngài cùng nhiều Kitô hữu khác lánh nạn sang Edessa. Ngài có uy tín trong việc tạo danh tiếng cho trường Kinh Thánh ở đó. Ngài được phong chức phó tế nhưng từ chối làm linh mục, người ta còn nói rằng ngài đã giả điên để từ chối làm giám mục.

Ngòi bút của ngài phong phú và các bài viết của ngài chứng tỏ sự thánh thiện của ngài. Dù ngài không là một học giả vĩ đại, các tác phẩm của ngài vẫn phản ánh sự hiểu biết sâu sắc và kiến thức rộng về Kinh Thánh. Trong các bài viết về các mầu nhiệm của ơn cứu độ, ngài thể hiện sự cảm thông nhân bản và thực tế, ngài còn rất sùng kính nhân tính của Chúa Giêsu. Người ta nói rằng bài thơ Phán Xét Cuối Cùng (Last Judgment) của ngài đã gợi hứng cho thi sĩ Dante (thi sĩ rất nổi tiếng).

Ngài viết những bài thánh ca (hymns) chống lại các tà thuyết hồi đó. Ngài còn lấy giai điệu của các ca khúc phổ thông, viết lời thể hiện giáo lý chính thống. Ngài là một trong những người đầu tiên đưa ca khúc vào việc thờ phượng chung của Giáo hội. Nhiều bài thánh ca của ngài làm cho ngài có biệt danh là “Cây Đàn của Thánh Linh” (Harp of the Holy Spirit). Ngài sống giản dị và khắc khổ tại một hang động nhìn ra thành phố Edessa. Ngài qua đời tại đây khoảng năm 373.

10/6 – CHÂN PHƯỚC JOACHIMA (1783-1854)

Joachima (Gioakima) sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Barcelona, Tây Ban Nha. Lúc 12 tuổi, thánh nữ ước muốn đi tu Dòng Camêlô. Nhưng cuộc đời bà có bước ngoặt khác lúc 16 tuổi, đó là bà kết hôn với một luật sư trẻ Theodore de Mas. Cả hai vợ chồng đều sùng đạo, cùng vào Dòng Ba Phanxicô. Trong 17 năm hôn nhân, họ có 8 người con.

Đời sống gia đình bị ngắt quãng khi Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha. Joachima phải đưa các con đi trốn. Theodore không kịp trốn và bị chết. Dù bà vẫn muốn vào dòng tu, bà chú tâm vào nhiệm vụ làm mẹ. Cùng lúc đó, bà sống khắc khổ và chọn tu phục của Dòng Ba Phanxicô làm trang phục thường ngày. Bà dành nhiều thời gian cầu nguyện và thăm viếng bệnh nhân.

Bốn năm sau, vài đứa con đã kết hôn và bà còn phải chăm sóc mấy đứa con nữa, bà nói với một linh mục về ước muốn đi tu của bà. Được khuyến khích, bà lập dòng Tỷ muội Bác ái Camêlô (Carmelite Sisters of Charity). Chiến tranh đang xảy ra lúc đó, bà bị tù một thời gian ngắn, rồi bị đày sang Pháp vài năm. Bệnh tật khiến bà phải từ chức Mẹ bề trên. Qua 4 năm kế tiếp, bà bị bại liệt. Năm 1854, bà qua đời ở tuổi 71. Bà nổi tiếng và được khâm phục vì chuyên chăm cầu nguyện, tin Thiên Chúa một cách sâu sắc và sống bác ái.

11/6 – THÁNH BARNABAS, TÔNG ĐỒ

Thánh Barnabas là người Do Thái ở Cyprus, ngài gần gũi với Thánh Phaolô vì ngài giới thiệu Thánh Phaolô với Thánh Phêrô và các tông đồ khác. Ngài là người trung gian giữa người bắt đạo và các Kitô hữu người Do Thái còn hoài nghi. Khi cộng đồng Kitô giáo phát triển tại Antiokia, Thánh Barnabas được sai đến với tư cách là đại diện chính thức của giáo hội Giêrusalem để kết hợp họ. Ngài và Thánh Phaolô hướng dẫn tại Antiokia một năm, sau đó đến Giêrusalem.

Lúc này, Thánh Barnabas và Thánh Phaolô được coi là những người lãnh đạo uy tín, được các vị hữu trách ở Antiokia cử đi giảng đạo cho dân ngoại. Công sức của các ngài gặt hái nhiều thành công. Sau một phép lạ tại Lystra, dân chúng muốn coi các ngài là các vị thần – Barnabas là thần Zeus, Phaolô là thần Hermes. Nhưng các ngài nói: “Chúng tôi cũng chỉ là phàm nhân như quý vị. Chúng tôi loan báo cho quý vị biết Tin Mừng để quý vị từ bỏ các ngẫu tượng mà tôn thờ Thiên Chúa hằng sống.” (x. Cv 14:8-18)

Nhưng mọi chuyện bất ổn. Các ngài bị trục xuất khỏi thành phố, rồi phải đi Giêrusalem. Khi Thánh Phaolô muốn thăm lại các nơi cũ các ngài đã giảng đạo, Thánh Barnabas muốn đưa Gioan Máccô theo, nhưng Thánh Phaolô cứ khăng khăng cho rằng, vì Máccô đã có lần bỏ trốn họ, không nên đưa theo lúc đó. Sự bất đồng ý kiến sau đó trở nên căng thẳng đến nỗi Thánh Barnabas và Thánh Phaolô “chia tay,” Barnabas đưa Máccô tới Cyprus, Phaolô đưa Silas tới Syria. Sau đó, cả Phaolô, Barnabas và Máccô cùng giải hòa với nhau. Khi Thánh Phaolô ủng hộ Thánh Phêrô về việc không ăn uống với dân ngoại vì sợ người Do Thái, thì “ngay cả Barnabas cũng bị lôi cuốn vì sự giả hình của họ.” (x. Gl 2:1-13)

Chân Dung Thánh Barnabas Tông Đồ

Ngày 11 tháng 6 là lễ Thánh Banaba. Ngài được tôn kính là Tông đồ trong Kinh Thánh và trong Giáo Hội. Mặc dù ngài không thuộc Nhóm Mười Hai, ngài vẫn được gọi là Tông đồ (cùng với Thánh Phaolô) trong Cv 14:14 – hai Tông đồ Banaba và Phaolô. Vả lại, trước đó chính Chúa Thánh Thần đã nói: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” (Cv 13:2)

Trong Phụng Vụ, Giáo Hội kính nhớ Thánh Banaba là Tông đồ, mặc dù không là lễ trọng tương đương mà Giáo Hội tôn kính Thánh Phaolô và Thánh Mátthia hoặc một vị nào đó trong Nhóm Mười Hai.

Chúng ta có thể nói Thánh Banaba thực sự là một Tông đồ? Nếu vậy, có bao nhiêu Tông đồ? Thánh Banaba có là Tông đồ như Thánh Phêrô hoặc Thánh Phaolô?

MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ VÀ HAI TÔNG ĐỒ KHÁC

Thánh Mátthêu đặc biệt dùng câu “mười hai tông đồ” khi liệt kê tên các Tông đồ trong trình thuật Mt 10:2-4. Thánh Gioan cũng nói tương tự trong Kh 21:14. Còn Thánh Luca nói về cách Đấng Cứu Thế chọn 12 môn đệ và gọi họ là Tông đồ: “Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6:13) Không có đoạn văn nào khác sử dụng cách nói “Nhóm Mười Hai.”

Tuy nhiên, mặc dù cả Thánh Mátthêu và Thánh Gioan đều đề cập khái niệm về Nhóm Mười Hai, và dù cho khái niệm này khá quen với ý nghĩ của chúng ta, vẫn khá rõ ràng là có hơn 12 vị mà chúng ta tôn kính là Tông đồ.

Thật vậy, chúng ta phải công nhận rằng có ít nhất 14 hoặc 15 vị được gọi là Tông đồ. Chắc chắn rằng Thánh Mátthia, người được chọn để thay thế Giuđa Ítcariốt, được kể là thuộc nhóm mười hai Tông đồ. Hơn nữa, ngay cả Thánh Phaolô (không thuộc Nhóm Mười Hai) cũng được gọi là Tông đồ – như chúng ta vẫn thường gọi là Thánh Tông đồ Phaolô.

Chắc chắn chúng ta đúng khi nói rằng có Nhóm Mười Hai, như Chúa Giêsu đã gọi 12 người đó gia nhập Tông đồ đoàn trong khi Ngài sống trên thế gian này. Tuy nhiên, chắc chắn các Thánh Mátthia và Phaolô cũng là “Tông đồ” đồng đẳng với Nhóm Mười Hai. Mặc dù Thánh Mátthia không được Chúa Giêsu chọn khi Ngài còn tại thế, mà Thánh Mátthia được Chúa Thánh Thần chọn để thay thế Giuđa trong khoảng thời gian từ khi Chúa Giêsu về trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Mặt khác, Thánh Phaolô được chính Đấng Cứu Thế tuyển chọn và đặt làm Tông đồ. Đó là điều làm cho cuộc hiện ra của Chúa Giêsu với Thánh Phaolô là điều độc nhất vô nhị – khác với mọi cuộc hiện ra hoặc thị kiến từ khi Chúa Giêsu đã về trời, Ngài đã hiện ra với Thánh Phaolô theo cách riêng với hình hài tự nhiên. Còn khi Chúa Giêsu hiện ra với một nhà thần bí nào đó, Ngài không hiện ra với hình thể tự nhiên, mà bằng dạng thị kiến (hoặc bằng cách khác, như các thiên thần hiện ra ở dạng hình người). Tuy nhiên, Thánh Phaolô thấy Chúa Giêsu trong chính thân xác vinh quang của Ngài, giống như Thánh Phêrô và các tông đồ khác đã thấy.

ĐIỀU KIỆN LÀM TÔNG ĐỒ

So sánh Thánh Mátthia và Thánh Phaolô, chúng ta có thể nhận biết các điều kiện trở thành Tông đồ theo đúng nghĩa. Rõ ràng là một Tông đồ phải thấy Chúa phục sinh. Đây là điều kiện quan trọng để chọn người thay thế Giuđa.

Cv 1:21-22 cho biết: “Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gi-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.”

Thánh Mátthia là người đã ở bên Chúa Giêsu từ đầu, qua cuộc khổ nạn, và làm chứng về Chúa Giêsu phục sinh và về trời. Đó là điều cần thiết để ông hiện diện đối với các sự kiện này, ông có thể làm chứng sự thật về việc Chúa phục sinh. Những người không chứng kiến thì không thể được kể vào Nhóm Mười Hai.

Mặt khác, Thánh Phaolô không biết Chúa Giêsu khi Ngài còn sống trên thế gian. Tuy nhiên, vì ông chứng kiến sự phục sinh của Chúa Giêsu qua cuộc hiện ra đặc biệt mà Chúa Giêsu dành cho Thánh Phaolô (điều này sẽ không tái hiện cho tới Ngày Phán Xét), Thánh Phaolô thực sự được coi là một Tông đồ.

Đúng là Thánh Phaolô không ở bên Chúa Giêsu trong hành trình sứ vụ của Ngài, nhưng chúng ta chắc rằng ông Phaolô đã đón nhận Tin Mừng trực tiếp từ Chúa Giêsu – cũng như các Tông đồ khác. Và chính Thánh Phaolô đã xác định: “Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải.” (Gl 1:11-12)

Vì thế, chúng ta có thể chắc chắn hai điều kiện quan trọng để trở thành Tông đồ: Ông là nhân chứng đối với việc Chúa Giêsu phục sinh bằng cách là ông đã gặp chính Chúa Giêsu phục sinh, và ông đón nhận Tin Mừng trực tiếp từ Chúa Giêsu chứ không qua bất cứ trung gian nào. Chúng ta xác định rằng chỉ có những người được kể vào số các Tông đồ thì mới có thể giữ chức vụ tông đồ là cai quản, dạy dỗ, và thánh hóa.

THÁNH BANABA CÓ THỰC SỰ LÀ TÔNG ĐỒ?

Có người thắc mắc: “Thánh Banaba có thực sự là Tông đồ như Thánh Phêrô, Thánh Mátthia và Thánh Phaolô?” Thánh Banaba thực sự được Giáo Hội tôn kính là Tông đồ, ngài chắc chắn có chức vụ Tông đồ, và chúng ta có thể coi Thánh Banaba là Tông đồ như Thánh Phaolô hoặc Thánh Phêrô.

Tác giả Clement ở Alexandria nói rằng Thánh Banaba thuộc nhóm 72 môn đệ được Chúa Giêsu sai đi, điều này có vẻ trái ngược với sách Công Vụ Tông Đồ, vì sách Công Vụ Tông Đồ nói Banaba là một người mới lãnh nhận đức tin sau Lễ Ngũ Tuần.

Cv 4:36-37 cho biết: “Ông Giôxếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Banaba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lêvi quê quán ở đảo Sýp. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.”

Sách Công Vụ cũng không xác định. Có thể là Thánh Banaba ở trong số 72 nên đã làm chứng Chúa Giêsu phục sinh như Thánh Mátthia vậy. Tuy nhiên, đáng lưu ý là Kinh Thánh không bao giờ nói về ngài như vậy.

Có điều là Giáo Hội tôn kính ngài là Tông đồ. Như vậy, chúng ta nói rằng Giáo Hội thực sự gọi ngài là Tông đồ, theo cách của Kinh Thánh. Tuy nhiên, lễ Thánh Banaba không được cử hành long trọng như lễ các Tông đồ khác. Thậm chí lễ Thánh Mátthia là lễ kính, còn lễ Thánh Banaba chỉ là lễ nhớ.

Như vậy, khi Giáo Hội tôn kính Thánh Banaba là Tông đồ, thực sự Giáo Hội cho biết điều khác biệt giữa Thánh Banaba và các vị khác.

TẠI SAO GỌI THÁNH BANABA LÀ TÔNG ĐỒ?

Mặc dù rất có thể là Thánh Banaba không là một Tông đồ đúng nghĩa, nhưng ngài vẫn được tôn kính là Tông đồ bởi vì ngài là người thuộc nhóm các nhà trần gian nổi trội trong thời gian đầu của Giáo Hội.

Hơn nữa, chúng ta phải nhớ lại rằng chính Thánh Banaba đã được chứng nhận nhân danh Thánh Phaolô và bảo vệ tính xác thực của ơn gọi làm tông đồ. Chính Thánh Banaba đã động viên Thánh Máccô (hoặc Gioan Máccô) khi Thánh Phaolô đã loại bỏ Máccô vì không thi hành sứ vụ.

Như vậy, bởi vì Thánh Banaba liên kết chặt chẽ với các Tông đồ, và nhất là ngài bảo đảm được Thánh Phaolô chấp nhận là một Tông đồ, nên ngài được tôn kính với tước vị Tông đồ – mặc dù ngài không thi hành chức vụ này.

Lạy Thánh Tông đồ Banaba, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con!

SOURCE: https://newtheologicalmovement.blogspot.com

 

12/6 – CHÂN PHƯỚC JOLENTA (YOLANDA), NGƯỜI BA LAN (+ 1298)

Jolenta là nữ tử của vua Bela IV (Hungary). Chị của bà là Thánh Kunigunde kết hôn với công tước Ba Lan. Jolenta được gởi tới Ba Lan, nơi chị của bà giám sát việc học hành của bà.

Jolenta kết hôn với Boleslaus, cũng là một công tước. Bà dùng chính vật chất của mình để giúp người nghèo, người bệnh, người góa bụa và trẻ mồ côi. Chồng bà cùng bà xây các bệnh viện, các nhà thờ và các tu viện, và chồng bà được người ta gọi là “người ngoan đạo.” Sau khi chồng qua đời và lo gia thất cho hai người con gái, Jolenta và người con gái thứ ba vào Dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Bà chuyển sang nhà dòng khác và được bầu làm Mẹ bề trên, dù thật lòng bà không muốn.

Bà rất sùng kính Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã hiện ra với bà và cho bà biết bà sắp từ giã thế gian. Cho tới ngày nay, nhiều phép lạ vẫn xảy ra ngay tại mộ của bà, được coi là nhờ sự can thiệp của bà.

13/6 – THÁNH ANTÔN PADUA, LINH MỤC (1195-1231)

Việc Chúa Giêsu kêu gọi từ bỏ mọi sự mà theo Ngài là điều hợp với cuộc đời Thánh Antôn. Thiên Chúa kêu gọi ngài theo kế hoạch riêng của Thiên Chúa. Ngài đáp lại bằng lòng nhiệt thành và hoàn toàn tận hiến phục vụ Thiên Chúa. Khi còn rất trẻ, ngài vào Dòng Thánh Augustinô, từ bỏ mọi sự để phục vụ Thiên Chúa. Sau đó, khi hài cốt các vị tử đạo của Dòng Phanxicô được đưa đến một thành phố của Bồ Đào Nha, nơi ngài đang ở, ngài rất muốn là người được gần gũi nhất với Chúa Giêsu: Hiến mạng sống vì Phúc âm.

Ngài vào Dòng Phanxicô và bắt đầu giảng đạo cho người Ma-rốc (Moors). Nhưng một cơn bệnh đã ngăn bước ngài. Ngài đến Ý và ở tại một nơi ẩn dật để chuyên cầu nguyện, đọc Kinh thánh và làm những việc hèn mọn.

Thánh Antôn được chọn làm linh mục, ngài khiêm nhường và vâng lời chấp nhận trọng trách đó. Nhiều năm tìm kiếm Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và và phục vụ Chúa trong sự nghèo khó, vâng lời và khiết tịnh, ngài để Chúa Thánh Thần toàn quyền sử dụng tài năng của ngài. Bài giảng của ngài làm ngạc nhiên người nghe, họ không thể biết đó là do Chúa Thánh Thần linh ứng.

Được nhận biết là một học giả thần học và Kinh Thánh, Thánh Antôn trở thành tu sĩ đầu tiên dạy thần học cho các tu sĩ khác. Khi được gọi đi rao giảng cho những người theo tà thuyết, ngài dùng kiến thức uyên bác của ngài về Kinh Thánh và Thần Học để hoán cải họ.

14/6 – THÁNH ALBERT CHMIELOWSKI, TU SĨ (1845-1916)

Thánh Albert Chmielowski sinh tại Igolomia, gần Kraków, Ba Lan. Ngài là anh cả trong 4 người con của một gia đình giàu có, tên “cúng cơm” của ngài là Adam. Năm 1864, trong cuộc khởi nghĩa chống lại hoàng đế Nga hoàng Alexander III, ngài bị mất chân trái và phải lắp chân giả.

Ngài có khiếu hội họa nên được đi học ở Warsaw, Munich và Paris. Ngài trở về Kraków và vào Dòng Ba Phanxicô. Năm 1888, ngài lấy tên Albert khi thành lập Dòng Ba Anh Em Phanxicô (Brothers of the Third Order of Saint Francis), còn gọi là Dòng Phục vụ Người nghèo (Servants to the Poor). Mới đầu các tu sĩ không có nhà cửa, sống nhờ vào của bố thí khi phục vụ nhu cầu của người nghèo, bất kể tuổi tác, tôn giáo hoặc chính trị. Cộng đoàn Nữ tu Albertine được thành lập sau đó. ĐGH Gioan Phaolô II phong chân phước cho ngài năm 1983, và phong thánh cho ngài năm 1989.

15/6 – TÔI TỚ CHÚA ORLANDO CATANII (1213-1226)

Bất ngờ gặp Thánh Phanxicô Assisi năm 1213, cuộc đời của chàng Orlando (còn gọi là Roland) hoàn toàn thay đổi.

Thánh Phanxicô đã nghe nói về sự thánh thiện của Orlando. Chàng Orlando được những lời giáo huấn của Thánh Phanxicô lay động nên tìm đến xin lời khuyên về cách sống tốt nhất làm đẹp lòng Chúa.

Không lâu sau, Thánh Phanxicô đến thăm một vùng dưới chân núi La Verna. Thánh Phanxicô nói về những mối nguy hiểm của đời sống giàu có và thoải mái. Lời của Thánh Phanxicô đã thức tỉnh lòng chàng trai Orlando. Ngài quyết định phân phát của cải cho người nghèo cho dân vùng La Verna theo ý của Thánh Phanxicô. Theo gợi ý của Thánh Phanxicô, Orlando liền cho xây một tu viện và một nhà thờ ở đó. Về sau, nhiều nhà nguyện được xây dựng thêm. Năm 1224, hai năm trước khi qua đời, Thánh Phanxicô chịu 5 vết thương của Chúa Giêsu tại núi La Verna.

Orlando chỉ muốn được nhận vào Dòng Ba, nhưng theo hướng dẫn của Thánh Phanxicô, Orlando đã tách mình ra khỏi thế gian. Ngài nhiệt tâm làm việc bác ái. Sau khi qua đời, ngài được an táng tại nhà nguyện của tu viện trên núi La Verna.

16/6 – THÁNH GIOAN PHANXICÔ REGIS, LINH MỤC (1597-1640)

Sinh trong một gia đình khá giả, nhưng Gioan Phanxicô ảnh hưởng giáo dục của các tu sĩ Dòng Tên nên khao khát vào tu dòng này. Ngài đã thực hiện ý nguyện này lúc 18 tuổi. Sau khi thụ phong linh mục, ngài đi truyền giáo tại nhiều thành phố ở Pháp quốc. Lm Regis đặc biệt thương giúp người nghèo. Ngài dành buổi sáng để cử hành thánh lễ và giải tội, buổi chiều ngài đi thăm những người tù và các bệnh nhân.

Nội chiến Pháp kéo dài, thiếu vắng giáo sĩ, giáo dân không được nhận lãnh các bí tích, Tin Lành thịnh hành ở nhiều nơi. Lm Regis đi khắp giáo phận, hướng dẫn mục vụ trước khi Đức giám mục đến. Ngài hoán cải được nhiều người và đem nhiều người trở lại với lòng đạo đức.

Linh mục Regis ước muốn đi truyền giáo cho những người Ấn Độ gốc Bắc Mỹ ở Canada. Bốn năm cuối đời, ngài giảng đạo và tổ chức các dịch vụ xã hội, đặc biệt cho các tù nhân, bệnh nhân và người nghèo. Mùa Thu năm 1640, ngài cảm thấy cuộc đời ngài sắp hết. Ngài ổn định một số công việc và chuẩn bị từ giã thế gian bằng cách nói với người ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Cả ngày 31-12, ngài luôn ngước mắt nhìn lên Thánh Giá và qua đời vào chiều tối. Lời cuối của ngài: “Con xin phó thác hồn con trong tay Chúa.” Ngài được phong thánh năm 1737.

17/6 – THÁNH GIUSE CAFASSO, LINH MỤC (1811-1860)

Khi còn trẻ, Giuse Cafasso đã thích tham dự thánh lễ, sống khiêm nhường và cầu nguyện nhiều. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm về chủng viện tại Turin. Tại đây, ngài cố gắng chống lại tà thuyết Gian-sen [*], vì thuyết này quan tâm thái quá tới tội lỗi và sự nguyền rủa. Ngài dùng các tác phẩm của Thánh Phanxicô Salê và Thánh Anphong Liguori để chấn chỉnh sự nghiêm túc trong chủng viện.

Ngài giới thiệu các thành viên Dòng Ba Phanxicô với các linh mục, thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, ngài còn là người giảng phòng và giảng thuyết tài ba. Nhiều tù nhân được ngài giúp đỡ và ra đi an bình trong Chúa.

Thánh Gioan Bosco là học trò của Thánh Giuse Cafasso. Chính Thánh Giuse Cafasso đã thúc giục Thánh Gioan Bosco thành lập Dòng Salediêng để làm việc với giới trẻ ở Turin. Ngài được phong thánh năm 1947.

--------------------------------------------------

[*] JANSENISM: Thuyết Gian-sen của thần học gia Công giáo Cornelis Jansen (1585–1638), phủ nhận ý tự do và cho rằng bản chất con người hư hỏng, còn Chúa Kitô chỉ chết cho những người được chọn chứ không chết cho mọi người. Giáo hội Công giáo kết án thuyết này là lạc giáo [1650-60].

18/6 – BẬC ĐÁNG KÍNH MATT TALBOT, THỢ XÂY (1856-1925)

Matt có thể được coi là bổn mạng những người cai nghiện rượu. Ngài sinh tại Dublin, cha ngài phải lao động cực nhọc để nuôi gia đình. Theo học vài năm, Matt có việc làm là người đưa tin cho các thương gia buôn rượu thuốc. Rồi ngài bắt đầu uống rượu nhiều suốt 15 năm, đến khi 30 tuổi thì ngài đã nghiện rượu nặng.

Một hôm, ngài quyết định xưng tội và đi lễ hàng ngày. Trong 7 năm đầu, từ khi cương quyết bỏ rượu, thật khổ sở vì thèm rượu. Để tránh tái nghiện, ngài bắt đầu cầu nguyện nhiều, cố gắng trả nợ những người mà ngài đã vay hoặc ăn cắp tiền khi còn mê rượu.

Ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô và bắt đầu sống đền tội nghiêm ngặt. Mỗi năm ngài kiêng thịt 9 tháng. Mỗi đêm ngài dùng nhiều thời gian để đọc Kinh Thánh và hạnh các thánh. Ngài cũng lần Chuỗi Mân Côi nhiều.

Cả đời ngài là thợ xây dựng. Dù công việc ngài làm không được nhiều tiền nhưng ngài rất siêng năng cần mẫn. Sau năm 1923, sức khỏe ngài yếu kém nên phải nghỉ làm việc. Ngài qua đời khi đang trên đường tới nhà thờ dự lễ Chúa Ba Ngôi. Và 50 năm sau, ĐGH Phaolô VI tôn phong ngài là bậc đáng kính.

19/6 – THÁNH ROMUALD, LINH MỤC (950?-1027)

Sau khi phung phí tuổi trẻ, Romuald chứng kiến cha mình giết một người thân vì cảnh nghèo túng. Sợ quá, ngài trốn vào tu viện gần Ravenna ở Italy. Sau 3 năm, vài tu sĩ phát hiện ngài và giúp đỡ ngài.

30 năm kế tiếp, ngài đi khắp nước Ý, mở nhiều tu viện và nhà ẩn tu. Ngài ao ước hiến mình cho Chúa bằng cách tử đạo. Ngài được phép của ĐGH đi truyền giáo ở Hungary. Nhưng vừa đến nơi thì ngài bị bệnh, và cứ tái phát nhiều lần. Có một thời gian ngài phải khổ sở chịu đựng sự khô khan về lòng đạo hạnh. Một hôm, khi ngài cầu nguyện bằng Thánh Vịnh: “Ta sẽ ban cho con sự hiểu biết và sẽ dạy dỗ con.” Ngài cảm thấy một luồng ánh sáng kỳ lạ.

Nơi tu viện ngài ở, ngài bị kết tội xấu xa nhục nhã vì một phụ nữ quý tộc trẻ và bị khiển trách vì sống phóng đãng. Lạ thay, người bạn tu sĩ của ngài lại tin lời cáo buộc đó. Ngài bị phạt nặng, bị cấm làm lễ (treo chén) và dứt phép thông công. Ngài chịu oan ức như vậy 6 tháng thì mọi chuyện “hai năm rõ mười.”

Tu viện nổi tiếng nhất mà ngài thành lập là Tu viện Camaldoli ở Tuscany. Tại đây, ngài thành lập Dòng Thánh Biển Đức Camaldoli (Order of the Camaldolese Benedictines), kết hợp với đời sống đan tu và ẩn tu. Về sau, chính cha ngài cũng là tu sĩ, nhờ ngài lay động và khuyến khích giữ đức tin.

20/6 – THÁNH PAULINÔ NOLA, GIÁM MỤC (354?-431)

Thánh Paulinô Nola là bạn của các Thánh Augustinô, Giêrônimô, Melania, Martin, Gregoriô và Ambrôsiô. Ngài sinh ở gần Bordeaux, là con của quận công Gaul. Ngài là luật sư có tiếng, giữ vài chức vụ trong đế quốc Rôma. Vợ ngài là Therasia, người Tây Ban Nha. Ngài nghỉ hưu non và sống thanh thản.

Hai vợ chồng ngài được ĐGM thánh thiện của giáo phận Bordeaux rửa tội. Ngài cùng vợ chuyển sang quê vợ ở Tây Ban Nha. Sau nhiều năm họ mới có một con trai nhưng lại chết khi mới được một tuần tuổi. Ngài bắt đầu sống khắc khổ và bác ái, phân phát của cải cho người nghèo. Có thể vì vậy mà Paulinô bất ngờ được ĐGM GP Barcelona phong chức linh mục vào dịp lễ Giáng Sinh.

Lúc đó ngài và vợ chuyển đến Nola, gần Naples. Ngài rất sùng kính Thánh Felix Nola nên cố gắng truyền bá lòng sung kính vị thánh này. Ngài chia đa số phần tài sản còn lại của mình cho người nghèo, trước sự ngạc nhiên của những người thân, ngài tiếp tục phục vụ người nghèo và hỗ trợ những con nợ, rồi sống ẩn dật. Vì nhiều người yêu cầu, ngài chấp nhận làm giám mục GP Nola và điều hành giáo phận 21 năm.

Những năm cuối đời ngài sống trong cảnh u buồn vì người Huns xâm lăng. Trong số các tác phẩm của ngài có một ca khúc về đám cưới Kitô giáo mà ngày nay còn lưu hành.

21/6 – THÁNH LUY GONZAGA, TU SĨ (1568-1591)

Bất kỳ ở đâu Thiên Chúa cũng có thể tạo nên các thánh, thậm chí ngay giữa thời Phục Hưng. Florence là người mẹ sùng đạo của Luy Gonzaga dù phải tiếp xúc với một xã hội lọc lừa, hung dữ, độc ác và dâm ô. Là con một gia đình quý tộc, Luy Gonzaga lớn lên trong cung đình và doanh trại quân đội. Cha ngài muốn ngài trở nên anh hùng quân đội.

Lúc 7 tuổi, Luy Gonzaga đã cảm nghiệm sâu sắc về tâm linh. Ngài cầu nguyện với Đức Mẹ, cầu nguyện bằng Thánh Vịnh và sống thánh thiện. Lúc 9 tuổi, ngài đến Florence để học tập. Lúc 11 tuổi, ngài dạy giáo lý cho trẻ em nghèo, mỗi tuần ăn chay 3 ngày và tập sống khổ hạnh. Lúc 13 tuổi, ngài theo cha mẹ và Nữ hoàng Áo đến Tây Ban Nha, làm gia nhân trong cung đình của Vua Philip II. Càng biết đời sống trong triều, ngài càng hiểu nhiều điều, rồi ngài tìm hiểu đời sống các thánh. Cuốn sách về các nhà truyền giáo ở Ấn Độ giúp ngài muốn gia nhập Dòng Tên tại Tây Ban Nha.

Ngài sống rất khắc khổ dù phải học hành nhiều. Ngài được học triết học và được Thánh Robert Bellarmine linh hướng. Năm 1591, đại dịch hoành hành Rôma. Các tu sĩ Dòng Tên mở một bệnh viện trong thành phố. Chính ngài cũng bị lây bệnh và qua đời trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi) lúc mới 23 tuổi.

22/6 – THÁNH THOMAS MORE, TỬ ĐẠO (1478-1535)

Ngài bị chém đầu trên Đồi Tower, Luân Đôn, ngày 6-7-1535, vì cương quyết phản đối việc ly dị và tái hôn của Vua Henry VIII, đồng thời chống lại việc thành lập Anh giáo.

Ngài mệnh danh là “người của mọi lý lẽ” vì ngài là một học giả văn chương, một luật sư nổi trội, một người hiền từ. Ngài là cha của 4 người con và là Đại pháp quan của Anh quốc. Ngài là người mạnh về tâm linh, không ủng hộ nhà vua ly hôn với Catherine để kết hôn với Anne Boleyn. Ngài cũng không nhận vua Henry là người tối thượng của Anh giáo, vì Anh giáo ly khai với Công giáo Rôma và phủ nhận ĐGH là người đứng đầu Giáo hội.

23/6 – THÁNH GIOAN FISHER, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (1469-1535)

Gioan Fisher thường kết hợp với Thánh Erasmô, Thánh Thomas More và các nhà nhân văn thời Phục Hưng. Ngài là người có học thức, biết cả về chính trị. Ngài thích văn hóa đương đại và làm hiệu trưởng ĐH Cambridge. Ngài được bổ nhiệm giám mục lúc 35 tuổi, một trong các mối quan tâm của ngài là tiêu chuẩn giảng đạo tại Anh quốc. Ngài không chỉ giảng thuyết mà còn viết sách. Các bài giảng của ngài về các Thánh Vịnh được tái bản tới 7 lần khi ngài còn sống. Khi giáo phái Tin Lành Lutherô xuất hiện, ngài đã phản đối. Ngài viết 8 cuốn sách phản đối Tin Lành, và ngài trở thành thần học gia nổi tiếng ở Âu châu.

Năm 1521, người ta yêu cầu ngài nghiên cứu vấn đề hôn nhân của vua Henry VIII. Ngài chịu đựng cơn tức giận của vua Henry bằng cách bênh vực tính hợp lệ hôn nhân của nhà vua với Catherine nên bị vua Henry phản đối.

Vua Henry kết án ngài không tường trình các “phát hiện” về nữ tu Elizabeth Barton ở Kent. Ngài bị triệu đến, trong tình trạng sức khỏe yếu kém, để thề theo luật kế vị mới. Ngài và Thánh Thomas More từ chối vì luật này chấp nhận tính hợp pháp hôn nhân của vua Henry và là trưởng Anh giáo. Ngài bị đưa lên Đồi Tower sau khi bị tù 14 tháng mà không xét xử.

Khi ngài và Thánh Thomas More bị thẩm vấn thêm, các ngài im lặng. Nhà vua bực tức vì ĐGH đã bổ nhiệm Gioan Fisher làm hồng y, thế là ngài bị kết tội và bị xử tử. Thi hài ngài bị bỏ nằm đó suốt ngày, còn đầu ngài bị treo trên cầu Luân Đôn. Còn Thánh Thomas More bị hành quyết 2 tuần sau.

24/6 – SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Chúa Giêsu gọi Thánh Gioan là người cao trọng nhất: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.” (Lc 7:28)

Ngài sống khổ hạnh trong hoang địa, bắt đầu rao giảng Nước Trời và kêu gọi mọi người canh tân đời sống. Ngài là người dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Ngài nói rằng Phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối, nhưng Đấng đến sau ngài sẽ làm Phép Rửa bằng Lửa và Thánh Thần. Ngài tự nhận không đáng xách dép cho Đấng đó. Thái độ của ngài đối với Chúa Giêsu rất khiêm nhường: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.” (Ga 3:30)

Thánh Gioan đã biết ai là Đấng Thiên Sai: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:14b) Nhưng Chúa Giêsu nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3:15b)

Thánh Gioan đã thu hút vô số người đến bờ sông Giođan, nhưng ngài luôn làm theo ý Chúa Giêsu, ngay cả việc sai một số người theo ngài trở thành các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Khi ở trong tù, ngài đã sai một số môn đệ của ngài đến hỏi Chúa Giêsu xem có phải là Đấng Thiên Sai hay không. Chúa Giêsu không trả lời mà chỉ nói rằng Đấng Thiên Sai là Người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan đã thông phần đau khổ, chịu chém đầu vì bà Hêrôđia, người phụ nữ thông dâm với Hêrôđê.

25/6 – CHÂN PHƯỚC JUTTA THURINGIA (+ 1264?)

Nhân đức và lòng sùng kính là điều quan trọng đối với CP Jutta và người chồng. Hai vợ chồng đều là giới quý tộc, cùng đi hành hương đến nhiều nơi tại Thánh địa Giêrusalem, nhưng chồng bà qua đời trên đường một lần đi hành hương. Sau khi lo cho các con xong, góa phụ Jutta quyết định phân phát của cải để sống cho Chúa bằng cách vào Dòng Ba Phanxicô.

Bà quan tâm người nghèo, săn sóc người mù và các bệnh nhân, đặc biệt là người phong cùi. Nhiều người trong thành phố Thuringia thấy vậy thì cười nhạo bà. Tuy nhiên, bà vẫn thấy khuôn mặt Chúa nơi dân nghèo.

Khoảng năm 1260, không lâu trước khi qua đời, Jutta đã sống gần những người ngoại giáo ở Đông Đức. Tại đó bà xây dựng một nhà ẩn tu và không ngừng cầu nguyện cho họ trở lại. Bà được tôn phong là vị bảo trợ đặc biệt của Prussia.

26/6 – CHÂN PHƯỚC RAYMOND LULL, NHÀ TRUYỀN GIÁO (1235-1315)

Chân phước Raymond Lull sinh tại Palma, trên đảo Mallorca, thuộc Địa Trung Hải. Ngài có một vị trí trong triều đình ở đó. Một hôm, một bài giảng đã đánh động ngài tận hiến cuộc đời hoạt động để hoán cải các tín đồ Hồi giáo ở Bắc Phi. Ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô và thành lập trường đại học để các nhà truyền giáo học tiếng Ả Rập cần thiết cho việc truyền giáo. Khi nghỉ hưu, ngài sống ẩn dật 9 năm. Trong thời gian đó, ngài viết đủ loại sách, nên người ta gọi ngài là “Tiến Sĩ Được Khai Sáng” (Enlightened Doctor).

Ngài có nhiều chuyến đi khắp Âu châu làm cho các giáo hoàng, các vua chúa và các hoàng tử bằng lòng thành lập các trường đại học để chuẩn bị tương lai cho các nhà truyền giáo. Ngài đạt được mục đích năm 1311 khi công đồng Vienne ra lệnh thành lập các khoa tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập và tiếng Chaldean tại các trường đại học Bologna, Oxford, Paris và Salamanca. Năm 1314, lúc 79 tuổi, ngài đi truyền giáo ở Bắc Phi. Ngài bị một đám người Hồi giáo quá khích ném đá ở thành phố Bougie. Các thương gia Genoa đưa ngài về đảo Mallorca và ngài qua đời. Ngài được phong chân phước năm 1514.

27/6 – THÁNH CYRILÔ ALEXANDRIA, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (376?-444)

Ngài phá và đóng cửa các nhà thờ dị giáo theo thuyết cải cách, tham gia vào việc truất phế Thánh Gioan Chrysostom và xung công quỹ tài sản của người Do Thái, bắt đi đày những người Do Thái ở Alexandria để trả đũa việc họ tấn công vào người Kitô giáo.

Tầm quan trọng của ngài về thần học và lịch sử giáo hội là ngài bênh vực nguyên nhân của tính chính thống chống lại tà thuyết của Nestorius. Sự tranh luận tập trung vào 2 bản tính nơi Chúa Kitô. Nestorius không đồng ý danh hiệu “người mang Thiên Chúa” (God-bearer) dành cho Đức Maria. Ngài lại thích cách gọi “người mang Chúa Kitô” (Christ-bearer), ngài nói rằng có hai con người riêng biệt nơi Đức Kitô (Thiên Chúa và con người) chỉ được kết hợp bằng sư liên kết luân lý. Ngài nói rằng Đức Mẹ không là Mẹ của Thiên Chúa mà là Mẹ của Đức-Kitô-làm-người, nhân tính của Chúa Giêsu chỉ là đền thờ của Thiên Chúa. Thuyết của Nestorius (Nestorianism) cho rằng nhân tính của Chúa Kitô chỉ là sự cải trang.

Khi làm đại diện của Đức giáo hoàng tại Công đồng Ephêsô (năm 431), Thánh Cyrilô đã kết án thuyết của Nestorius và tuyên bố Đức Maria thực sự là “người mang Thiên Chúa” (Theotokos – Mẹ của một người thực sự là Thiên Chúa và thực sự là con người). Theo sau sự lầm lẫn, Cyrilô bị truất phế và bị tù 3 tháng, sau đó ngài lại được tiếp đón về Alexandria như một Athanasiô đệ nhị. Thánh Athanasiô vô địch về chống tà thuyết Arian. [*]

Tới khi ngài qua đời, phương cách hiện đại hóa của ngài vẫn có nhiều người ủng hộ.

-----------------------

[*] ARIANISM: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Công đồng Nicê (năm 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha.” Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân Chứng của Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

28/6 – THÁNH IRÊNÊ, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (130?-220)

Giáo hội may mắn có Thánh Irênê liên quan nhiều cuộc tranh luận của Giáo hội hồi thế kỷ II. Chắc chắn ngài là người có học thức, rất kiên nhẫn nghiên cứu, bảo vệ các giáo huấn tông truyền, nhưng thúc đẩy nhiều bằng ước muốn thắng các đối thủ hơn là chứng tỏ cho họ thấy những cái sai.

Là giám mục giáo phận Lyons, ngài đặc biệt quan tâm về “bí truyền tâm linh” (Gnostics, theo tiếng Hy Lạp nghĩa là “kiến thức,” tức là “ngộ đạo”). Để biết kiến thức bí mật được Chúa Giêsu truyền lại cho một số ít các môn đệ, giáo huấn của họ vừa thu hút vừa làm nhiều tín hữu hiểu lầm. Sau khi tham khảo nhiều giáo phái bí truyền và “bí mật” của họ, ngài có kết luận hợp lý theo giáo lý của họ. Ngài làm tương phản với các giáo huấn của các tông đồ và văn bản Kinh Thánh, ngài đã để lại 5 cuốn sách hệ thống thần học về tầm quan trọng đối với các thời đại sau. Hơn nữa, tác phẩm của ngài được dùng rộng rãi và được dịch sang tiếng Latin và tiếng Armenia, dần dần có ảnh hưởng tới bí truyền.

Chi tiết về cái chết của ngài, kể cả ngày tháng năm sinh và thời trẻ của ngài ở Tiểu Á, đều không biết rõ.

29/6 – CÁC THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ (+ 64 & 67)

Thánh Phêrô: Ngài đã tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô.” (Mc 8:29b) Đó là một trong những khoảnh khắc vinh quang trong đời ngài, bắt đầu từ ngày ngài được Chúa Giêsu gọi bỏ lưới ở biển Galilê tới lúc trở thành kẻ chài lưới người ta.

Tân ước cho thấy thánh Phêrô là tông đồ trưởng, được Chúa Giêsu chọn để có quan hệ đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Thánh Phêrô được ưu tiên chứng kiến giây phút Chúa biến hình, làm cho đứa trẻ hồi sinh và giây phút hấp hối trong vườn Gếtsimani. Nhạc mẫu của ngài được Chúa Giêsu chữa lành. (Mt 8:14-15; Mc 1:30-31; Lc 4:38-39) Ngài được sai đi cùng Thánh Gioan chuẩn bị lễ Vượt qua trước khi Chúa Giêsu chịu chết.

Chúa Giêsu đã nói với ngài: “Anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16:17-19)

Thánh Phêrô bỏ tất cả mà theo Chúa, ngài hỏi Chúa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27) Ngài được ưu tiên, nhưng ngài cũng bị Chúa Giêsu trách mắng nặng nhất: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16:23)

Ngài sẵn sàng chấp nhận giáo lý về sự tha thứ của Chúa Giêsu, nhưng chỉ giới hạn là 7 lần, còn Chúa Giêsu bảo phải tha thứ 70 lần 7. (Mt 18:21-22) Ngài tin và đi trên mặt biển đến với Chúa, nhưng ngài lại sợ và chìm dần. Ngài từ chối cho Chúa rửa chân, nhưng rồi lại muốn Chúa rửa cả đầu và mình nữa. Tại Bữa Tiệc Ly, ngài thề không bỏ Chúa, nhưng ông đã chối Chúa ngay trước mặt người tớ gái. Ngài thể hiện lòng trung thành và thẳng tính nên chém đứt tai của Mankhô (Malchus), nhưng cuối cùng cũng bỏ chạy với những người khác. Trong sâu thẳm nỗi ân hận, thánh Phêrô được Chúa Giêsu nhìn lại và được tha thứ, ông liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết vì ăn năn.

Thánh Phaolô: Sức thuyết phục của Thánh Phaolô đơn giản và tuyệt đối: Chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ cứu độ nhân loại. Không nỗ lực nào của con người có thể tạo nên người tốt. Để được cứu độ, con người phải hoàn toàn mở lòng mình ra với ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

Ngài luôn yêu quý gia đình Do Thái của mình, dù ngài tranh luận cả đời với họ về sự vô ích của Lề luật nếu không có Chúa Giêsu. Ngài tự thú: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm.” (Rm 7:19) Ngài căn dặn chúng ta: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” (Dt 12:3-4)

30/6 – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI RÔMA (năm 68)

Có những Kitô hữu ở Rôma trong khoảng hơn 10 năm sau khi Chúa Giêsu bị giết chết, dù họ không là những người trở lại đạo nhờ “vị tông đồ dân ngoại.” (Rm 15:20) Thánh Phaolô chưa hề đến thăm họ khi ngài viết thư gởi giáo đoàn Rôma khoảng năm 57-58.

Có nhiều người Do Thái ở Rôma. Có thể là kết quả tranh luận giữa người Do Thái và các Kitô hữu người Do Thái, hoàng đế Claudius trục xuất hết người Do Thái ở Rôma năm 49-50. Sử gia Suetonius nói rằng sự trục xuất là do náo động trong thành phố “gây ra bởi một ông Kitô nào đó.” Có thể nhiều người trở lại sau khi Claudius băng hà năm 54. Thư của Thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn có các thành viên là người Do Thái và dân ngoại.

Tháng 7 năm 64, hơn một nửa Rôma bị thiêu cháy. Người ta đổ lỗi cho Nero, người muốn mở rộng bờ cõi của mình và luôn nguyền rủa các Kitô hữu. Theo sử gia Tacitus, nhiều Kitô hữu bị sát hại vì nòi giống. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có thể cũng là nạn nhân trong số này. Bị kết án tử, Nero đã tự sát năm 68 lúc 31 tuổi.

TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ từ  BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan