"ĐỨC MARIA ĐƯỢC THIÊN CHÚA ĐƯA VỀ TRỜI"
Ngày lễ 15 tháng 8: "ĐỨC MARIA ĐƯỢC THIÊN CHÚA ĐƯA VỀ TRỜI"
* Phân định "Chúa Giêsu LÊN TRỜI" (The Ascension of Jesus) với "Mẹ Maria VỀ TRỜI" (The Assumption of Mary). Ở đây, dùng hai định ngữ khác nhau: "the Ascension" (Chúa Giêsu) - "the Assumption" (Mẹ Maria);
* "Đức Mẹ Maria đã TRẢI QUA CÁI CHẾT tự nhiên về thể xác, sau đó Mẹ mới được ĐƯA VỀ NƯỚC TRỜI (cả xác lẫn hồn)" - lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
&1&
"PHYSICAL BODY" (thân xác vật lý / Thân thể) - "SPIRITUAL BODY" (thân xác thuộc linh / Linh thể):
1a) Khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài mặc lấy xác phàm (physical body) như hết thảy nhân loại. Cũng đói thì ăn, khát thì uống, theo nhu cầu tự nhiên của xác phàm; cũng đi lại bình thường, không "thoắt ẩn, thoắt hiện" vùn vụt.
1b) Khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài xuất hiện trước các môn đệ trong hình dạng (shape) như trước đây. NHƯNG, không còn là "xác phàm" (Physical body) mà đã mang lấy "thân xác thiêng liêng" (Spiritual body, "Linh thể"): Chúa Giêsu hiện ra, trò chuyện rồi biến mất; giữa hai lần hiện ra là một chặng đường dài, trong khi các môn đệ phải cuốc bộ rất lâu.
Chúa Giêsu, trong "Spiritual body", cũng ngồi ăn ngồi uống nhưng chỉ như một biểu tượng chia sẻ sự yêu thương.
Đặc biệt, mầu nhiệm Chúa thăng thiên (lên trời): nếu là "xác phàm" (physical body) ắt phải chịu trọng lực (dĩ nhiên); nhưng đây chỉ mang "hình dạng xác phàm" nhưng đã trở thành "thân xác thiêng liêng" (spiritual body).
1c) Trong Kinh Tin Kính, "tin xác loài người ngày sau (ngày tận thế, Chúa tái lâm) sẽ sống lại". Vẫn hình hài như lúc còn sống ở trần gian, để nhận ra họ hàng, thân thuộc, bằng hữu...; NHƯNG không còn chịu những cám dỗ tự nhiên bởi những nhu cầu của "physical body" nữa.
Cũng "xác", cũng "body", mà được sống lại, chuyển hóa thành những "spiritual body" nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa.
&2&
Chúa Giêsu sống lại, gặp gỡ các môn đệ hết nơi này đến nơi kia - đều được ghi lại trong Tân Ước.
Chúa Giêsu rời khỏi mặt đất, bay lên cao, trước mắt các môn đệ: mầu nhiệm Thăng thiên ("the Ascension of Jesus") này, được ghi lại trong Tân Ước.
Tuy nhiên, trong các sách Phúc âm, sách Công vụ, trong các bức thư của Thánh Phaolô..., không có dòng nào ghi về "sự thăng thiên" của Đức Mẹ Maria ("thăng thiên": "lên trời", như mầu nhiệm mà Chúa Giêsu thực hiện trước mắt mọi người).
&3&
Ngày lễ 15 tháng 8 trong nhiều, rất nhiều thế kỷ xưa kia được dâng lên Mẹ, gọi là ngày "DORMITION of Mary" - nghĩa là "Đức Mẹ Maria an miên" ("Ngủ giấc bình yên").
Thuật ngữ “Dormition” dùng để chỉ việc ra đi của Đức Maria trong trạng thái bình yên thánh thiêng.
Sử gia Hippolytus, trong tác phẩm "Biên niên sử" (Chronicle) ghi chép về Thánh gia (Holy Family), cho biết: Đức Maria đã sống hơn mười năm sau cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, qua đời vào năm 41.
Ngày Đức Maria tạ thế, nhiều Tông đồ đã quần tụ trở về. Chỉ duy có Thánh Thomas (Tô-ma) không kịp có mặt. Thi hài Đức Mẹ được đặt vào trong ngôi mộ ở vườn Gethsemane.
Ba ngày sau khi Đức Maria tạ thế, Thánh Thomas trở về.
Trước đó, Thánh Thomas được thị kiến: Mẹ Maria, trong hình hài thân thể thiêng liêng (spiritual body), ở trên Thiên quốc.
Khi Thánh Thomas cùng mọi người đến viếng ngôi mộ, bước vào trong, thi hài của Đức Mẹ đã biến mất, để lại mùi thơm ngào ngạt.
&4&
Lễ dâng kính Đức Mẹ, được gọi "DORMITON", là như vậy.
Thiên Chúa đã cho hồn (SOUL) lẫn xác ("spiritual BODY") của Đức Mẹ lên trời, về Thiên quốc.
Là một đặc ân dành cho Mẹ Maria, trong khi muôn người chỉ có thể được "xác sống lại" vào ngày Chúa tái lâm mà thôi.
* Năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII công bố tín điều "Cả hồn lẫn xác Đức Mẹ Maria được VỀ TRỜI" ("The Assumption of Mary").
Ngày lễ "Dormition of Mary" vào 15 tháng 8, giờ đây được gọi "The Assumption of Mary".
&5&
Đức Mẹ Maria đã trải qua cái chết tự nhiên, trước khi được đưa về Thiên quốc (đưa về trời).
Như lời Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên giảng, vào ngày 25 tháng 6 năm 1997 (*):
"Chính Con của Mẹ, Chúa Giê-su Ki-tô (Jesus Christ), cũng đã phải trải qua cái chết trên cây Thập giá. Nếu không có sự chết xảy ra, làm sao có sự Phục sinh được?
Để được thông phần vào sự Phục sinh của Chúa Ki-tô, trước tiên Đức Maria phải chia sẻ cái chết của Người.
Thánh Phanxicô Salê cho rằng cái chết của Đức Maria là cái chết “trong tình yêu, vì tình yêu và nhờ tình yêu”. Mẹ đã chết vì tình yêu dành cho Con của mình là Chúa Giêsu.
Đối với Mẹ Maria, việc chuyển từ đời này sang đời tới - là sự phát triển trọn vẹn của ân sủng trong vinh quang, đến nỗi không cái chết nào có thể được mô tả một cách phù hợp như là "dormition" của Mẹ".
"MÔNG TRIỆU"?
(1) Ngày 15 tháng 8 là lễ "Đức Mẹ mông triệu". Ồ, "mông triệu" nghĩa là gì? "Mông" 夢, còn có cách đọc là "mộng", là giấc mộng, giấc ngủ; "triệu" 召 là gọi về, đưa về. Hiểu sát nghĩa là "được gọi về, đưa về trong khi ngủ yên (an giấc)".
Nếu đọc "mộng triệu", hẳn nhiều tín hữu thời nay dễ mường tượng hơn - "mộng" là giấc ngủ, còn đọc "mông" bây giờ nhiều người không hiểu (vài thế kỷ trước, còn xài chữ Hán, chữ Nôm, tín hữu còn biết đến mà hiểu).
(2) "Đức Mẹ mông triệu", "Dormition of Mary":
“Dormition” dùng để chỉ việc an giấc ngàn thu (qua đời) của Đức Maria trong trạng thái bình yên thánh thiêng.
Sử gia Hippolytus, trong tác phẩm "Biên niên sử" (Chronicle) ghi chép về Thánh Gia (Holy Family), cho biết:
Ngày Đức Maria tạ thế, nhiều Tông đồ đã quần tụ trở về. Chỉ duy có thánh Thomas (Tô-ma) không kịp có mặt. Thi hài Đức Mẹ được đặt vào trong ngôi mộ ở vườn Gethsemane.
Ba ngày sau khi Đức Maria tạ thế, Thánh Thomas trở về.
Trước đó, Thánh Thomas được thị kiến: Mẹ Maria, hồn và xác (trong hình hài thân thể thiêng liêng, "spiritual body"), ở trên Nước Trời!
Khi Thánh Thomas cùng mọi người đến viếng ngôi mộ, bước vào trong, thi hài của Đức Mẹ đã biến mất, ngôi mộ tỏa mùi thơm.
Theo đó, Đức Maria an giấc ngàn thu ("mông") và đã được Thiên Chúa đưa về trời ("triệu").
(3) Tại Jerusalem hiện nay có Nhà thờ Mông triệu (Church of Dormition) tọa lạc trên núi Zion (Si-on).
Phía trên bàn thờ chính, trong nhà thờ, là bức tranh khảm Đức Mẹ Maria và Chúa Jesus hài đồng. Dòng chữ Latin bên dưới, được trích từ Isaiah 7:14: “Này, một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ gọi tên là Immanuel.”
Ở giữa, bên dưới một mái vòm, là một chiếc quan tài đơn giản, trên đó đặt một bức tượng Đức Mẹ Maria với kích thước lớn bằng người thật, đang ngủ say (an giấc ngàn thu). Bức tượng được làm bằng gỗ anh đào và ngà voi.
(4) Ngày lễ 15 tháng 8 hằng năm được Giáo hội Công giáo, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, và một số Hội thánh - không phải tất cả - thuộc Kháng cách (Protestant, ở VN quen gọi là "Tin Lành") cử hành lễ "ĐỨC MẸ MÔNG TRIỆU".
4a/ Ngày nay, chúng ta quen gọi là lễ "Hồn và xác Đức Mẹ lên trời". Cách nói này cần ghi là "Hồn và xác Đức Mẹ ĐƯỢC VỀ TRỜI".
Trong các sách Phúc âm, sách Công vụ, trong các bức thư của Thánh Phao-lô..., không có dòng nào ghi về "sự thăng thiên" ("lên trời") của Đức Mẹ Maria. Chỉ có mầu nhiệm THĂNG THIÊN (LÊN TRỜI) của Chúa Giêsu mà thôi, bởi Ngài là Thiên Chúa quyền năng, diễn ra trước mắt các Tông đồ.
4b) Cách gọi "Đức Mẹ MÔNG TRIỆU" hoặc "MỘNG TRIỆU" (Dormition of Mary) là thích đáng. Tuy nhiên, từ ngữ "mông triệu" hiện nay khiến cho nhiều người không còn hiểu rõ nghĩa.
Thành thử, 15 tháng 8: lễ "Hồn xác Đức Mẹ VỀ TRỜI" - bởi quyền năng của Thiên Chúa.
Nguyễn Chương-Mt
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.