CÁCH TRUYỀN GIÁO
Bạn là người Công giáo và sống yêu thương, và bạn muốn chia sẻ Tin Mừng với những người quen biết – chẳng hạn các đồng nghiệp. Đó là sống dồi dào trong Đức Giêsu Kitô nơi Giáo hội Công giáo và là điều tốt lành!
Chúng ta thường nghe nói rằng “người Công giáo và các Kitô hữu gây phiền toái, thúc ép, và cực đoan.” Điều này chỉ đúng trong một số ít trường hợp, còn đa số chúng ta đều là những người thân thiện bình thường.
Tuy nhiên, hành động thân thiện khả dĩ chấp nhận không miễn trừ chúng ta đối với việc chia sẻ Tin Mừng. Thật vậy, đó là một trong số ít điều mà chúng ta thực sự phải làm theo lệnh Chúa Giêsu truyền: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28:19-20)
Có nhiều cách để chia sẻ Tin Mừng mà không thúc ép, gây phiền toái và cực đoan. Mục đích là tạo cơ hội để chia sẻ niềm vui về Đức Giêsu Kitô. Cách tốt nhất là “làm bạn với ai đó và đem người đó đến với Đức Kitô.” Hãy thử thực hiện những cách loan truyền Tin Mừng sau đây:
1. SỐNG HIỀN LÀNH VÀ HÒA ĐỒNG
Người hiền lành vui vẻ sẽ thu hút nhiều người khác. Bạn có thể sống vui vẻ và hòa đồng ở mọi nơi mà không gây phiền toái cho ai. Hãy vui cười và sống tích cực. Hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô để nhìn mọi người và mọi thứ bằng con mắt đức tin.
Điều này không có nghĩa là bạn phải tỏ ra ngây ngô. Điều xấu có thể xảy ra, chẳng hạn như đau khổ. Nhưng đối với những người nhìn bằng con mắt đức tin và hiểu biết giáo huấn của xã hội, đau khổ có thể trở thành vinh quang của Thiên Chúa. Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta. Người ta sẽ “thắc mắc” không hiểu sao bạn lại sống lạc quan trong gian khó như vậy. Đó là tín hiệu tốt!
2. YÊU THƯƠNG THA NHÂN
Đó có thể là điều cũ kỹ gây nhàm chán, nhưng đó lại chính là mệnh lệnh của Đức Kitô: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh emThầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34)
Làm sao chúng ta có thể yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta? Có thể chúng ta cho là khó vì không hợp lý. Điều Chúa Giêsu đã làm trên Thập giá vì chúng ta là điều không thể lý giải theo trí tuệ của nhân loại: Chúa Giêsu chịu chết hoàn toàn vì người khác, tức là chúng ta. Như vậy chúng ta cũng phải sống hết mình vì tha nhân. Tại sao? Chúng ta đã được Chúa thương xót thì chúng ta có trách nhiệm và bổn phận phải thương xót tha nhân. Đó là công lý!
3. PHÁT TRIỂN CÁC MỐI QUAN HỆ
Nhiều người không có những người bạn đúng nghĩa, theo cách nói của người Việt là ít “bạn” mà nhiều “bè.” Đó là một thực tế. Đặc biệt là nam giới, thường chỉ ăn nhậu với nhau vậy thôi, chứ thực sự chưa hẳn là bạn.
Bạn bè với nhau có thể do cùng mục đích, cùng quan điểm, cùng sở thích,... Thực ra ai cũng có thể là bạn của nhau, dù khác nhau về niềm tin tôn giáo, nghề nghiệp, sở thích,… nếu có lòng nhân đạo, tình yêu thương. Tình yêu thương vô điều kiện, mà tình bạn là một dạng yêu thương, thế nên tình bạn không đòi hỏi gì cả.
4. KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI KHÁC SỐNG TỐT
Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng có bản chất tốt. Chúng ta luôn phải cố gắng vươn lên để đạt được điều tốt nhất, và phải nỗ lực tuân theo các giáo huấn của Chúa trong mọi hoàn cảnh, cùng đích là Nước Trời. Lên trời một mình là ích kỷ, nên chúng ta phải kéo người khác cùng lên. Thánh Phaolô nói: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng.” (1 Cr 9:24)
Ryan Eggenberger - https://ignitumtoday.com
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ
CHUYẾN ĐI VỀ VỚI CHÚA
+ ĐGM. GB. BÙI TUẦN
1.
Hôm nay là ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi suy ngẫm và hồi tưởng về hành trình đời mình. Tôi xin được tâm sự về hành trình đó:
Khởi đầu lời tâm sự:
Tôi thấy hành trình đời tôi là một chuyến đi. Một chuyến đi rất loanh quanh, khúc khuỷu và rất nhiều trạm dừng. Nhưng hành trình đó rất lạ lùng, bởi có bàn tay Chúa trong cuộc đời tôi.
2.
Khởi đầu hành trình, tôi chẳng có gì trong tay, chỉ có trái tim rực cháy được Đức Mẹ dẫn đường đến với hành trình ơn gọi.
Năm nay tôi đã xế bóng, kể như là cuối hành trình. Tôi thấy mình vẫn như khi khởi đầu, vẫn có Mẹ dẫn đường.
Và vẫn thế, trong tay Mẹ:
Tôi vẫn chẳng là gì
Tôi vẫn chẳng có gì,
Và tôi vẫn chẳng đáng gì.
3.
Hành trang tôi mang trên chuyến đi của tôi là: niềm vui và hy vọng.
Niềm vui
Tôi mang niềm vui vì có Chúa là cha, tôi được nhận làm con, con Chúa và con Mẹ.
Tôi sống niềm vui vì đơn sơ tôi thấy mình được yêu thương và đơn giản là có Chúa và Mẹ trong đời tôi.
Hy vọng
Tôi có niềm hy vọng vì có Chúa luôn yêu thương tha thứ,
Tôi sống niềm hy vọng vì tôi biết Chúa luôn bảo vệ tôi như con ngươi mắt Chúa.
4.
Tôi không đi một mình, tôi luôn có bạn đồng hành.
Chúa và Mẹ là người dẫn đường và là bạn đồng hành của tôi.
Những người thân xung quanh là bạn đồng hành của tôi.
Tình yêu với đất nước là bạn đồng hành của tôi.
Tôi tạ ơn vì có tình yêu quê hương và đất nước làm động lực và điểm tựa; vì có những người xung quanh luôn luôn bên cạnh trong từng chặng dừng chân, đó là những người giúp đỡ tôi về mọi mặt, nâng đỡ, yêu thương tôi, thậm chí có những người dám sống chết cho tôi; hơn hết vì có Chúa và Mẹ là người bạn đồng hành và dẫn đường.
5.
Sứ vụ trong hành trình của tôi là rao truyền tình yêu. Tôi cảm nhận rằng: tôn giáo chính là tình yêu, một tình yêu không bờ bến chứ không phải những tín điều.
Công cuộc truyền giáo chỉ đơn giản là loan truyền tình yêu không bờ bến ấy.
Tôi nhớ về “trạm dừng Rôma”, nhớ về vị Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II mà hôm nay mừng kính, một vị giáo hoàng của sự gần gũi với con người. Ngài nói với tôi “hãy luôn nói Cảm ơn và Xin lỗi”.
Như thế, Giáo Hội là một giáo hội gần gũi, tiến ra với mọi người chứ không chỉ là một Giáo Hội tín điều, phẩm trật.
6.
Hiện nay, tôi đã 98 tuổi, gần cuối hành trình về với Chúa, tôi vẫn mang lấy hành trang niềm vui và hy vọng để sống mỗi ngày.
Tôi vẫn biết: Tôi vẫn chẳng là gì; Tôi vẫn chẳng có gì; Và tôi vẫn chẳng đáng gì. Vì vậy, tôi chọn sống như trẻ thơ mỗi ngày trong vòng tay Chúa và Đức Mẹ như là một chứng tá tình yêu.
Kết lời tâm sự:
Tôi thấy tình yêu chính là nội dung và công cụ cho việc truyền giáo.
Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ cho tôi được làm con và được yêu thương.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.