SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH 1/11/2024

29-10-2024 360 lượt xem

(Kn 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a)

SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG TRONG ÂN PHÚC và TỘI LỖI

+ ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm.

ĐI VỀ VĨNH CỬU

"Một đoàn người đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ" (Kh 7, 9), chính là đoàn người chiến thắng đang ngày đêm thờ phượng, chúc tụng, ca khen Thiên Chúa, và Đấng Cứu độ chúng ta là Chúa Kitô.

Niềm vui mừng, tâm trí rạng rỡ hân hoan của ngày chiến thắng còn được diễn tả bằng cảnh tượng hùng tráng: "Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế" (Kh 7, 10). 

Để có được hạnh phúc vinh quang tuyệt đối của ngày chiến thắng này, các thánh đã phải đi qua trần thế nhưng không thuộc về trần thế để trở thành bạn hữu của Chúa Kitô dù phải vượt muôn trùng thử thách của cuộc đời, phải chấp nhận gắn bó đời mình với luật pháp Thiên Chúa, suốt một đời noi theo gương Chúa Kitô tuyệt đối trung thành với thánh ý Thiên Chúa, luôn sống trong một tình yêu thủy chung như Chúa Kitô dù đó là thứ tình yêu chấp nhận sinh tử.

Các thánh đã khổ luyện đời mình để những mối Phúc của Chúa Kitô như những con đường dẫn đến chiến thắng trên trời cao. Có người nên thánh:

- Trong sự khó nghèo, quyết không để mình dính bén vật chất, không ham mê những thứ hào nhoáng những phù hoa của trần thế.

- Nhờ sống hiền lành, đào luyện mình thành người từ tâm, chỉ có yêu thương, nhường nhịn, không đáp trả cân xứng những gì là thiệt thòi, mất mát cho bản thân.

- Vì phải chịu đau khổ nhiều, nhưng chấp nhận thánh giá Chúa Kitô, không thất vọng, luôn tin tưởng vào sự giải thoát của Thiên Chúa, hướng về thánh giá Chúa để vượt lên đau khổ, vượt lên mọi thách thức của đời sống.

- Luôn để tâm hồn hướng thiện, khao khát điều công chính, khao khát bản thân chỉ luôn thuộc về Thiên Chúa, thuộc về một mình Chúa Kitô và ơn cứu độ mà chính Chúa Kitô mang đến mà thôi.

- Luôn sẵn lòng yêu thương, nhân từ, quảng đại để cứu vớt bất cứ ai khổ đau, làm chỗ dựa cho những ai muốn nương nhờ, làm bạn đồng hành cùng người cô đơn, lữ thứ, thất vọng, quỵ ngã...

- Nỗ lực từng giây phút trong đời để chỉ hướng thiện, để tâm hồn thanh sạch và không vấn vương những dục vọng của thế gian.

- Nỗ lực sống hiếu hòa và luôn ý thức để trở thành mối dây liên kết, xây dựng cuộc sống xung quanh thuận thảo, an bình. Không gây hấn với ai, không để lòng thù hận, oán ghét ai, nhưng luôn sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng đón nhận những trái ý để xây dựng một môi trường thấm đẫm yêu thương, nhân ái, từ tâm...

- Bởi sống cho những giá trị Tin Mừng như thế, trong số các thánh, có biết bao nhiêu người bị chống đối, bị ghét bỏ, bách hại, thậm chí còn bị giết chết.

Sự thánh thiện không là đặc quyền của riêng ai. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị không được ghi danh trong trần thế, có vị thuở sinh thời chỉ là người bình thường, thậm chí tầm thường, cũng có vị từng sa ngã và phạm tội nhưng biết ăn năn và được Chúa tha thứ, có vị lớn lên trung sự giàu sang, nhưng cũng không thiếu những vị thánh một đời lam lũ, khổ nghèo...

Các thánh có khi xuất thân từ tầng lớp trí thức như những khoa học gia, nhà lý luận, nghiên cứu sinh... Cũng có vị đã từng thuộc giới văn nghệ sĩ, hay học sinh, sinh viên, hoặc tu sĩ, chủng sinh, linh mục, giám mục... 

Nhưng cũng không thiếu vị thánh đã từng sống trong đời sống gia đình, biết thảo hiếu, biết nhường nhịn, biết xả thân lo cho mọi người, biết xây dựng gia đình mình, hay xây dựng môi trường, nơi mà mình hiện diện thành nơi chan chứa tình yêu, chan chứa những hoài bão thánh thiện và giúp nhau vươn lên sự thánh thiện...

Tất cả những đường lối, nhứng cách thức mà các thánh đã chọn sống để nên tánh, được sách Khải huyền dúc kết thành một lời ngắn gọn: "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên". 

Vâng. Tất cả mọi người, dù làm gì, dù chọn cách nên thánh nào, cũng đều phải "giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên". Nghĩa là phải mang thánh giá cùng Chúa Kitô, phải chấp nhận thanh luyện mình để hoàn thành thánh ý Thiên Chúa theo cách Chúa Kitô đã thực hiện, phải chấp nhận hiến thân để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em, chấp nhận từ bỏ những hào nhoáng, những xa hoa trần thế để chỉ sống cho riêng lý tưởng Nước Trời.

Trong ngày tôn vinh bấy nhiêu vị thánh trên thiên đàng, là con cháu, là hậu duệ của các ngài, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường mà các ngài đã đi để đi về vĩnh cửu nhằm tiến đến cùng Thiên Chúa.

Con đường đi về vĩnh cửu của mỗi Kitô hữu phải là sự thánh thiện. Đi về vĩnh cửu mà không mang theo sự thánh thiện, có nghĩa là chính chúng ta đã tự tước bỏ nước trời khỏi tầm tay mình. 

  Chuyến về vĩnh cửu của chúng ta, phải luôn sẵn sàng đáp ứng lời mời gọi của Chúa Kitô: "Hãy nên thánh như Cha trên trời là đấng Thánh" (Mt 5, 43-48).

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

NÊN THÁNH LÀ SỐNG "CÓ" NHƯNG KHÔNG "SỞ HỮU"

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ

Ngày Lễ các Thánh 1/11, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về Tám mối phúc thật (x. Mt 5,1-12a) như những con đường để dẫn chúng ta nên Thánh. Mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu nói với mọi người như một gợi ý giúp nên Thánh: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Hạn từ ‘tâm hồn nghèo khó’ là gì? Hồn không ai thấy cả! Nếu dịch sát nghĩa của mối phúc này, phải là “Phúc thay cho những người nghèo trong tinh thần”.

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO TRONG TINH THẦN

Chúa Giêsu nói về một mối phúc cho những người nghèo trong tinh thần, nghĩa là một ý niệm trừu tượng. Nếu chúng ta cứ quay quắt ở trong cơm áo, gạo tiền, thì không thể biết được người nghèo trong tinh thần là gì, nhưng mà nói ‘người giàu trong của cải vật chất’ có thể hiểu liền. Chúa Giêsu nói đến con đường nên Thánh trong mối phúc đầu tiên nơi Phúc âm thánh Mátthêu (x. Mt 5,1-12a), xem ra ngược với điều chúng ta vừa nói rất dễ hiểu ‘người giàu trong của cải vật chất’.

Chúa nói: ‘Phúc cho anh em là những người nghèo trong tinh thần’. Người giàu trong của cải vật chất có thể sống là người nghèo trong tinh thần được không? Có thể được. Hai vấn đề này không mâu thuẫn nhau. Vấn đề là một người giàu trong của cải vật chất, nhưng đồng thời là người nghèo trong tinh thần, nghĩa là buông bỏ như không có vậy. Cuộc sống của chúng ta không đơn giản chỉ là vật chất, cái có lớn nhất mà mỗi người chúng ta đang có là ‘cuộc đời’. Cái đấy là cái có lớn nhất, những cái khác không có nghĩa lý gì. Không có cuộc đời này thì những cái khác làm gì có mà bám theo. Tất cả là bởi ơn Chúa ban cho.

CHÚA LÀ CHỦ SỞ HỮU CUỘC ĐỜI

Cuộc đời này không phải của ta tất cả, những gì đi theo cuộc đời càng không phải là của ta. Vì Chúa ban cho, nên chúng ta chỉ có thôi, chúng ta không sở hữu. Sống nghèo trong tinh thần là như vậy. Có không sở hữu. Trong đức tin người Công giáo, tôi không sở hữu, Chúa mới là chủ sở hữu cuộc đời này với tất cả những gì mà chúng ta đang có.

Chúng ta không là chủ cuộc đời mình, chúng ta cũng không là chủ của tất cả những gì chúng ta đang có. Nơi cuộc đời của mình, Chúa mới là chủ. Chúng ta chỉ là người quản lý. Nếu chúng ta ngẫm nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy người Công giáo sống Đức tin đàng hoàng, có nhưng mà không sở hữu, không dính bén làm nô lệ cho đồng tiền, và cũng không sử dụng tiền của như là sự khôn ngoan của thế gian.

Chúa mời gọi chúng ta sống nên Thánh, đừng để cho mình bị cám dỗ là chủ sở hữu những cái chúng ta đang có, mà hãy sống thanh thoát với những gì chúng ta đang có.

Tôi nghe có một Đức cha nói như thế này, có những người kia biết Đức cha có dự định xây Trung tâm Mục vụ. Người đó nói Đức cha cứ xây đi, cần xi-măng, gạch cát, sắt thép bao nhiêu tấn, chúng con dâng hết. Ở đây không phải là vì người ta muốn vỗ ngực xưng tên với Đức cha, nhưng mà họ đã biết cách sử dụng của cải Chúa ban cho họ có như Chúa muốn. Vì họ tin rằng, đấy là sở hữu của Chúa, họ dùng những gì Chúa cho họ có theo như Ngài muốn, nên họ thanh thoát, không có dính bén với những cái họ có. Đó chính là con đường nên Thánh, những người nghèo trong tinh thần.

SỐNG TINH THẦN THANH THOÁT ĐỂ NÊN THÁNH

Lời mời gọi nên Thánh cho mỗi người chúng ta hôm nay, dù trong bậc sống gia đình hay tu trì, là một gợi ý để giúp chúng ta biết sống nên Thánh như thế nào. Chúng ta đừng có bám víu vào của cải quá sức, mà hãy sống với một thái độ thanh thoát vì chúng ta không phải là chủ sở hữu. Hãy sống nghèo trong tinh thần.

Chúa Giêsu nói ‘phúc cho những người nghèo trong tinh thần’, là lời mời gọi chúng ta sống để nên Thánh mỗi ngày. Chúa cho chúng ta khả năng, thời gian, sức khỏe để làm ăn. Giàu được bao nhiêu cứ làm, nhưng không có dính bén, không bám víu tiền của, mà hãy sống trong thái độ thanh thoát của một người nghèo trong tinh thần. Sống như thế là chúng ta đang trên lộ trình nên Thánh. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta xác tín điều ấy mỗi ngày, và sống điều ấy để không phải là lên Thiên đàng mới Thánh, mà hôm nay, không phải là khoe khoang, nhưng đặt mình trước mặt Chúa, mình cảm thấy tự tin: ‘Lạy Chúa, con đang nên Thánh, mặc dù con rất giàu có về của cải vật chất, rất đông con nhiều cháu, họ hàng rất lớn, nhưng mà con đang sống nghèo trong tinh thần, và con tin rằng, con đường ấy từng bước một sẽ dẫn con trở thành thánh thiện, tốt lành trước mặt Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được niềm xác tín mạnh mẽ, và sống điều ấy mỗi ngày, để rồi chúng ta trở nên những con người tốt lành, thánh thiện, ngay từ trong trần gian này. Chắc chắn lộ trình nên Thánh sẽ dẫn chúng ta đi vào Nước Trời với các Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đấy là hy vọng của chúng ta. Đấy là đức tin của chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta hạnh phúc khi sống điều ấy mỗi ngày trong hành trình nên Thánh. Amen.

+ ĐGM. Giuse Đỗ Quang Khang.

CHÚA MỜI GỌI TA NÊN THÁNH

Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, từ lời kinh, tiếng hát, đến các bài đọc, thánh ca vang lên thánh thót, lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người đã đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi nên Thánh và Các Ngài đã không ngừng phấn đấu với ơn Chúa để đạt tới mục tiêu tối hậu là Thánh.

Thiên Chúa là Thánh

“Thánh” trong tiếng Do Thái nguyên bản là “kadash”. Từ gốc có nghĩa là "cắt, hoặc tách ra”. Từ “thánh” có nghĩa là “được biệt riêng cho một mục đích cụ thể”.

Mọi sự thánh thiện đều bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ba lần thánh (Is 6,3). Danh Ngài là thánh (Tv 33,21). Ngài tỏ cho ta thấy Ngài là đấng thánh qua những cuộc thần hiển (ở Sinai Xh 19).

Thánh thiện là tách biệt để thuộc về Chúa, điều này áp dụng cho dân Israel: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26).

"Thánh" là phẩm tính đi với những gì dành riêng để thuộc về Thiên Chúa. Nơi chốn: Đất thánh (Xh 3,5), thành thánh Giêrusalem (Is 48,2), cung thánh (Xh 26,33), Đền thánh (Is 64,10). Con người: tư tế (Lv 21,6), ngôn sứ (Kn 11,1), dân thánh (Lv 19,2). Đồ vật: của thánh (Xh 29,33), các đồ trong phụng tự, phẩm phục. Thời gian: ngày Sabbat (Xh 20,11; 31,14), Năm Thánh Toàn Xá (Lv 25,12). Đây là những thực tại dành riêng cho Thiên Chúa, không dùng cho những mục tiêu phàm tục. Chỉ có Chúa là Thánh.

Chúa mời gọi chúng ta nên Thánh

Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta nên Thánh: “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (Lv 11,44); Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các người thuộc về Ta” (Lv 20,26).

Thánh Tông đồ Phêrô lặp lại ý muốn của Chúa trong sách Lêvi và nói với chúng ta: “Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (1 Pr 1,16).

Nên thánh không phải là đặc ân dành cho một số người, nhưng nên thánh thuộc về ơn gọi Kitô hữu (Ep 1,4). Nên thánh không phải là một nỗ lực của con người nhưng là do ơn của Thiên Chúa, Đấng thánh thiện ban cho chúng ta. Đóng góp của con người chỉ là để cho mình được Chúa cuốn hút vào thế giới thần linh của Ngài mà không cưỡng lại.

Chúa Giêsu mời gọi mọi chúng ta nên thánh bằng cách bắt chước chính Thiên Chúa. Thư 1 Phêrô cũng mời kitô hữu “hãy nên thánh trong mọi cách ăn nết ở” (1 Pr 1,15-16). Nên thánh nhờ bắt chước Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, vì “chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối cao” (Kinh Vinh Danh).

Sống các Mối Phúc đên nên thánh

Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các Mối Phúc (số 63-94). Ngài viết: “Từ ‘hạnh phúc' hay ‘được chúc phúc' trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện” (số 64). Nói cách khác, người được chúc phúc là người thánh thiện trước mặt Chúa. Trong phụng vụ lễ Các Thánh, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về các Mối Phúc. Các Mối Phúc là những con đường nên thánh. Đức Giêsu đã sống tận căn các Mối Phúc này trong đời Ngài.

Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta: hãy cố làm thánh! Đức Phanxicô khuyên chúng ta: Đừng sợ nên thánh. Để nên thánh không cần phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một số người. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung. (x. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014).

Các Thánh Nam Nữ của Chúa, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ.

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan