SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - C

05-04-2025 264 lượt xem

Lời Chúa: Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11

Mục Lục

“TỪ NÉM ĐÁ ĐẾN THA THỨ” – + ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI – + ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỪNG NÉM ĐÁ. XIN ĐỪNG. HÃY BỎ ĐÁ XUỐNG – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

CÔNG LÝ HAY LÒNG THƯƠNG XÓT – Phêrô Phạm Văn Trung

HÃY RA VỀ VÀ VUI SỐNG – Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

ĐỂ CHÚA XÓT THƯƠNG – Bông hồng nhỏ

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐỐI DIỆN VỚI PHI-TÌNH-YÊU LOÀI NGƯỜI – Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

HOÁN CẢI VÀ YÊU THƯƠNG – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Trọng

"TỪ NÉM ĐÁ ĐẾN THA THỨ'

+ ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI

Năm Thánh 2025 mở ra cho chúng ta một con đường tương lai, đó là con đường hy vọng. Giữa bối cảnh thế giới đầy lo âu và xáo trộn, người tin Chúa vẫn vững vàng trông cậy vào Ngài. Hơn thế nữa, như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mời gọi, những ai tin vào Đức Giê-su còn được mời gọi trở nên sứ giả đem niềm hy vọng vào cuộc sống hôm nay.

Đức cậy trông của Ki-tô giáo không phải là những mơ ước viển vông hão huyền. Trái lại, đây là niềm xác tín làm nên cốt lõi của đức tin. Ki-tô hữu tuyên xưng Đức Giê-su đang sống, đang hiện diện giữa chúng ta. Người là niềm hy vọng cho thế giới, bất kể ở nền văn hóa và chủng tộc ngôn ngữ nào.

Ngôn sứ I-sa-i-a được truyền thống Do Thái gọi là vị ngôn sứ của niềm hy vọng, hay niềm an ủi đối của dân tộc Ít-ra-en. Không là niềm an ủi sao được, khi mà dân chúng đang sống cảnh nô lệ lưu đày, mà có người thông báo chắc chắn rằng: Thiên Chúa sẽ can thiệp và dẫn đưa dân lưu đày trở về nơi quê cha đất tổ? Trong Bài đọc I của Phụng vụ thánh lễ hôm nay, vị ngôn sứ mời gọi hãy vui mừng lên, vì Chúa không nhớ đến quá khứ tội lỗi của chúng ta nữa. Thời của trừng phạt và đau buồn đã hết. Nay đã đến thời của ân sủng và niềm vui. Ngôn sứ I-sa-i-a loan báo con đường tương lai của dân tộc Do Thái. Đó là con đường hồi hương. Con đường ấy sẽ ngập tràn tiếng cười, rộn rã niềm hân hoan, như sau này tác giả Thánh vịnh diễn tả: “Khi Chúa dẫn tù nhân Si-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 125, 1-2). Những gì tác giả Thánh vịnh diễn tả giúp chúng ta liên tưởng tới một đoàn người đông đảo, háo hức trở về quê hương, nơi có Đền thờ đã bị phá bình địa và có mồ mả của cha ông nhiều thế hệ. Thiên Chúa nhân hậu đã làm những điều kỳ diệu đó. Ngài đã quên quá khứ, và mở ra cho họ một con đường tương lai.

Chúa Giê-su là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Người đến trần gian không phải để luận phạt kết án, nhưng để tha thứ. Sứ mạng thiên sai của Người là “công bố Năm Hồng ân và ngày khen thưởng của Thiên Chúa”. Thánh Gio-an kể lại với chúng ta sự kiện người phụ nữ bị bắt quả tang vì phạm tội ngoại tình. Chúa Giê-su đã có một cách giải quyết khác với lề luật Do Thái. Người muốn cứu sống chứ không phải giết chết tội nhân. Người muốn mở cho người phụ nữ đáng thương một con đường tương lai. Trước một đám đông bừng bừng giận dữ, mà trong đó có nhiều người thuộc bậc “đáng kính” của người Do Thái, như các kỳ lão, kinh sư và người Pha-ri-siêu. Diễn biến của câu chuyện vừa hấp dẫn hồi hộp, vừa gây ngạc nhiên ở hồi kết. Cần điều chỉnh lại quan niệm về Thiên Chúa nơi một số người: Thiên Chúa không oán hờn và luận tội, nhưng yêu thương và bao dung tha thứ. Ở đây, Chúa Giê-su tiếp nối giáo huấn của Cựu ước hàm chứa trong lời ngôn sứ I-sa-i-a:
“Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước”.

Lời nói và hành động của Chúa Giê-su trong trình thuật Tin Mừng gợi nhớ những người đang tố cáo người phụ nữ hãy nhớ đến thân phận bất toàn của mình. Tâm lý thông thường của chúng ta là phê bình chỉ trích người khác. Thánh Gia-cô-bê viết: “Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,11-12). Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền xét đoán, vậy mà trong trình thuật Tin Mừng, Chúa Giê-su không dùng quyền ấy. Người nói với người phụ nữ đang run rẩy sợ hãi: “Tôi không lên án chị đâu! thôi chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11)

Mùa Chay là mùa trở về. Mùa Chay cũng khơi lên nơi cuộc đời chúng ta niềm hy vọng vào lòng nhân hậu của Chúa. Những thực hành đạo đức và bác ái của Mùa Chay mở ra cho chúng ta một con đường tương lai, giúp chúng ta bước sang một chương mới của cuộc đời. Thánh Phao-lô coi cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su là một bước ngoặt quan trọng của đời mình. Từ nay, ông coi việc được biết Đức Giê-su là một mối lợi tuyệt vời. Ông quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh của một vận động viên trong trường đua để diễn tả sự dứt khoát và cố gắng của mình trên con đường theo Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã quên quá khứ của Phao-lô. Hơn thế nữa. Ngài còn chọn ông là vị Tông đồ cho các dân ngoại. Hôm nay, Thiên Chúa cũng sẵn sàng quên quá khứ của chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta hãy trở nên sứ giả của lòng thương xót, để đem niềm hy vọng cho cuộc sống hôm nay.

“Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị. Người là Cánh cửa ơn cứu độ » (Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong Sắc Chỉ công bố Năm Thánh thường lệ 2025, số 1). mục lục

+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỪNG NÉM ĐÁ. XIN ĐỪNG. HÃY BỎ ĐÁ XUỐNG

Đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an (Ga 8,1-11) kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giê-su một thiếu phụ, chị này không có tên, cũng chẳng có danh tính nào khác: chỉ biết chị là một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, có vậy thôi. Chị bị mắc kẹt trong một tình huống đặc biệt gây tò mò (x.Ga 7,53-8,11). Tuy nhiên, trên hết cô ấy là một tội nhân được tha thứ.

Đối với một kẻ ngoại tình, cần có ba người, nghĩa là có vợ, chồng và nhân tình. Nhưng ở đây chỉ có một mình thiếu phu được các luật sĩ và biệt phái đưa đến trước mặt Chúa Giê-su. Ban đầu, người ta không quan tâm đến chị mấy: điều quan trọng nhất là các nhà thông luật đã thử Chúa Giê-su, nên đặt Người vào một tình huống tế nhị. Liệu Chúa có minh oan cho người phụ nữ này, đi ngược lại luật Mô-sê không? Hay Chúa quyết định lên án chị?

Mọi người có mặt đều hồi hộp đợi Chúa trả lời. Nhưng Chúa Giê-su thay vì từ chối trả lời câu hỏi một cách trực tiếp của các luật sĩ và biệt phái, Người đã xoay chuyển tình thế: từ câu hỏi của các ông về việc áp dụng Luật Mô-sê, sang việc yêu cầu các ông tự chất vấn lương tâm của chính mình với câu:  “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7).

Chúng ta không biết gì về thái độ của người thiếu phụ trong vụ án này, vì chị không có tên. Chị từ đâu đến chúng ta cũng chẳng hay, ngoại trừ lỗi lầm của chị, một lỗi lầm công khai không thể nghi ngờ, một lỗi lầm mà bất cứ người phụ nữ nào cũng không tự bảo vệ được mình. Chúng ta hình dung ra chị đứng trước đám đông với cáo trạng, chắc chị đang sợ hãi, xấu hổ, có lẽ nhếch nhác, đầu tóc, quần áo, “bị bắt quả tang” mà.

Câu nói của Chúa Giê-su với chị: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” ( Ga 8,11). Nghĩa là chỉ sau khi những người buộc tội chị ra đi hết, chị mới có thể mở miệng và nói được mấy từ để đáp lại Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, không ai cả” (Ga 8, 11). Từ “Thầy” ở đây không phải là một lời tuyên xưng đức tin, mà là một cách xưng hô tôn trọng cùng người đối thoại với chị. Cuộc đối thoại ngắn gọn, nhưng những lời cuối cùng của Chúa Giê-su nói lên điều cốt yếu. Cũng một câu: “Ai trong các ông sạch tội hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8.7), khiến các thẩm phán con người đã tự xét xử mình, và vị thẩm phán thiêng liêng, ban sự tha thứ cho thiếu phụ phạm tội ngoại tình, đồng thời khuyến khích mọi người đừng phạm tội nữa.

Qua câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7), Chúa Giêsu muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh chị em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh chị em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.

Khi bàn về câu truyện này, thánh Au-gút-ti-nô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và misericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17).

“Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10-11).

Đoạn Tin Mừng này có thể được gọi với tiêu đề là: “Tội nhân được tha thứ“. Khi đọc đoạn này, nhiều người đã tập trung vào chiều kích tội lỗi và lời buộc tội chị được các biệt phái và luật sĩ đưa ra. Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả của câu chuyện liên quan đến sự tha thứ mà Chúa Ki-tô ban cho một người phụ nữ bị những người đàn ông sẵn sàng lên án tử. Một người phụ nữ vô danh, đại diện cho những nạn nhân, hay những người yếu đuối nhất, đến nỗi bị coi như một đồ vật, nhưng lại là những người mà Chúa Ki-tô dành cho họ cái nhìn với sự chú ý, nhất là sự tha thứ yêu thương và giải phóng của Người.

Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gio-an 7, 53 – 8,11 . Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pha-ri-sêu. Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Au-gút-ti-nô hỏi liệu những người chồng ghen tuông, lo lắng về sự tự do mà Chúa Giê-su ban cho những người vợ, có xé trang này ra khỏi Kinh thánh của họ không! Trên thực tế, đoạn văn này không được tìm thấy trong hầu hết các bản viết tay tiếng Hy Lạp trước thế kỷ 12, và cũng không có trong một số bản viết tay tiếng Latinh.

“Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình/Tôi đứng đằng sau chuyện đó!” (Georges Brassens, “Dưới bóng những người chồng”). Đoạn văn này là một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng, và câu nói “đừng ném đá” bắt nguồn trực tiếp từ đó.

Thông điệp của Chúa Giê-su rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô ngần vô hạn, vượt quá mọi mức độ. Ngài là như vậy, Ngài hành động vì tình yêu và sự nhưng không. Chúng ta không thể trả ơn Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta tha thứ cho anh chị em của mình, chúng ta bắt chước Thiên Chúa. Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình. Xin đừng ném đá. Hãy bỏ đá xuống khỏi tay. mục lục

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

CÔNG LÝ HAY LÒNG THƯƠNG XÓT

Theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, “Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình” (Ga 8:3). Họ làm như thế là “nhằm thử Ngài, để có bằng cớ tố cáo Ngài” (Ga 8: 6).

1. Bối cảnh câu chuyện

Đây là cái bẫy ‘tiến thoái lưỡng nan” mà nhóm kinh sư và Pharisêu giăng ra một cách tinh quái nhằm buộc tội và triệt hạ Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu bảo không được ném đá người phụ nữ, Ngài sẽ bị buộc tội là vi phạm Luật Môsê: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14 ) và như thế Ngài sẽ mất uy thế trước mặt dân chúng, bị dân Israel coi là nghịch đạo. Còn nếu Chúa Giêsu đồng ý việc ném đá, Ngài làm ngược với những gì Ngài giảng dạy. Vì Ngài đã từng tuyên bố: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngai, mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,15). Như thế, Ngài không đáng tin vì ngôn hành bất nhất. Những kẻ đem người phụ nữ ngoại tình đến cho Chúa Giêsu là những kẻ có quyền thế: các Kinh sư tinh thông Lề luật, và các Pharisêu nổi tiếng là những người tuân giữ Lề luật cách tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày. Thực ra, họ không tốt lành gì, ít là trong việc này. Nếu họ thực sự quan tâm đến việc thực thi công lý thì hẳn họ đã đem người phụ nữ này đến những kỳ mục địa phương, chứ không đem đến Chúa Giêsu, vì Ngài không phải là thẩm quyền chính thức giải quyết các vấn đề về Luật Môsê. Hơn nữa, họ đã tự ý thao túng Lề luật theo ý đồ riêng của họ, bởi vì trong trường hợp ngoại tình, Luật Môsê qui định cả người đàn ông và người phụ nữ phải chết: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10), và “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà” (Đnl 22,22). Vậy mà, họ chỉ đem người phụ nữ đến, không nói gì tới người đàn ông kia. Họ hẳn biết người đàn ông đó là ai chứ? Có gì mờ ám ở đây không? “Bị bắt gặp đang ngoại tình” mà sao không bắt luôn người đàn ông?

2. Người phụ nữ ngoại tình là ai?  

Tác giả sách Tin Mừng Gioan mô tả rõ ràng “Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8: 3-5).

Tuy nhiên, theo trình thuật này của Gioan, người ta không biết gì về người phụ nữ này. Bà ấy quê ở đâu? Bà ấy tên là gì? Bà ấy không van xin Chúa Giêsu bất cứ điều gì. Người ta có thể khẳng định rằng lúc này bà là một người bất hạnh. Nhưng cuộc sống trước đó của bà như thế nào? Không lẽ bà ấy không biết đến rủi ro to lớn mà bà sẽ phải chịu khi gần gũi một người đàn ông không phải là chồng mình? Bà ấy hẳn phải biết rõ cái giá phải trả nếu bị phát hiện. Nhưng bà ấy vẫn chấp nhận rủi ro này. Để làm gì? Dường như không ai quan tâm đến hoàn cảnh sống riêng của bà. Nếu có ai đó để ý đến bà thì chỉ là mấy ông kinh sư và Pharisêu; họ hẳn đã bàn tán lên kế hoạch theo dõi, rình mò nhiều ngày đêm hòng bắt quả tang bà. Lúc này, gia đình bà đâu rồi, cả người chồng của bà nữa? Vì nếu chồng của bà thực sự yêu bà, bà đã không cần phải đi tìm kiếm tình yêu nơi người đàn ông khác. Người đàn ông đã quyến rũ bà giờ ở đâu? Anh ta không chung tình, không đủ dũng cảm, nên đã bỏ trốn và bỏ rơi bà. Hẳn bà tuyệt vọng khi đối mặt với phán quyết không thể tránh khỏi của Luật Môsê, biết rằng mình không có cơ hội thoát khỏi việc bị ném đá. Sẽ không có ai dám bảo vệ bà. Tất cả dường như chống lại bà. Bà thấy mình đang ở ngõ cụt, không có lối thoát. Chỉ trong vài phút nữa thôi, những viên đá sẽ chấm dứt cuộc sống của bà, một cuộc sống không có tình yêu đích thực.

Người phụ nữ ngoại tình vô danh tính đó là ai? Câu hỏi này có thể dẫn đến một câu hỏi khác: người ngoại tình có thể là ai khác nữa không, kể cả tôi, người đang đọc bài Tin Mừng này? Trong Cựu Ước, lòng chung thủy trong hôn nhân bắt nguồn từ Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, một mối tương giao trung tín mãi mãi. Do đó, lệnh cấm ngoại tình được nêu rõ trong Mười Điều Răn: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14). Lệnh này nhấn mạnh đến sự thánh thiện của hôn nhân và tầm quan trọng của lòng chung thủy hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã tái khẳng định lệnh này, mở rộng ý nghĩa ngoại tình không chỉ là hành vi thể xác mà còn cả những suy nghĩ dâm ô dẫn đến hành động: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28). Điều này chỉ ra rằng, theo quan điểm của Kitô giáo, ngoại tình bắt đầu từ trong cõi lòng và tâm trí, không chỉ là một lỗi phạm về thể xác mà còn là một lỗi phạm về đạo đức và tâm linh. Một trong những hậu quả tâm linh của việc ngoại tình là xa rời Thiên Chúa. Tự bản chất, tội lỗi đã tách con người ra khỏi Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện. Khi một người phạm tội ngoại tình, họ chủ động chống lại lề luật của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài dành cho các mối tương quan giữa con người. Sự bất tuân này tạo ra một rào cản tâm linh trong mối tương quan giữa mỗi người và Thiên Chúa. Bài thánh vịnh ăn năn của Đavít sau khi ông phạm tội với Bétsabê đã cho thấy rõ sự xa rời này và nỗi khao khát được Thiên Chúa phục hồi: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv 51:10-11). Như thế, ngoại tình là từ bỏ Thiên Chúa, đi thờ ngẫu tượng, bất trung không chỉ với chồng/vợ của mình mà trước hết là bất trung với Thiên Chúa. 

Đối với chúng ta ngày nay, bất trung với Thiên Chúa không nhất thiết phải là ngoại tình thể xác hay tư tưởng, hoặc thờ ngẫu tượng gỗ đá, nhưng là dành thời gian và sức lực của mình cho những thứ khiến người ta từ bỏ Thiên Chúa. Những ngẫu tượng đó chiếm vị trí số một trong cuộc sống của chúng ta và cuối cùng thống trị chúng ta. Những ngẫu tượng đó có thể là tiền bạc, giầu sang, danh tiếng, khao khát người khác biết về mình, khao khát cảm giác mới lạ, thú vui, thèm muốn một người cụ thể nào đó, v.v. Mỗi người chúng ta đều bận tâm đến một điều gì đó trong trần thế này mà chúng ta không muốn bỏ qua, dù điều đó buộc chúng ta phải để lại mọi thứ khác phía sau, kể cả Thiên Chúa.

Ngẫu tượng của chúng ta là gì? Điều gì khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa? Điều gì thu hút chúng ta đến mức chúng ta mạo hiểm sức khỏe, mạng sống và nhất là không cần lắng nghe Lời Thiên Chúa trong tiếng lương tâm cảnh báo?

3. “Ai trong các ông sạch tội?”

Đã hơn một lần các kinh sư và người Pharisêu muốn thử thách Chúa Giêsu để gài bẫy buộc tội Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy, chúng tôi có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Lc 20: 21-22). Nhưng điều khác biệt và xảo quyệt ở đây là họ sử dụng con người, một người phụ nữ cô thân cô thế, như một kế sách, không chỉ trước mắt là đẩy bà vào cái chết, mà còn đẩy chính Chúa Giêsu vào chung một số phận, loại trừ kẻ mà họ coi là nguy hiểm cho uy thế và quyền lực của họ. 

Ở đây, Chúa Giêsu giữ im lặng, giống như trước mặt Philatô sau này (Ga 19: 9). Ngài không chấp nhận việc sử dụng con người cho mưu kế gian trá này, cũng như kiểu ăn nói gây hấn và qui kết tội lỗi. Ngài phát biểu bằng cách dùng ngón tay viết trên mặt đất: ngôn ngữ Ngài viết trong trường hợp này không phải là ngôn ngữ của các kinh sư và người Pharisêu. Ở đây, việc Chúa Giêsu dùng ngón tay để viết xuất hiện lần đầu trong sách Tin mừng theo thánh Gioan. Cử chỉ này nhắc tới “Hai tấm bia đá do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18) và câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11: 20). Chúa Giêsu, với “ngón tay của Thiên Chúa,” đã viết lên một điều luật mới, thiết lập Triều Đại Thiên Chúa, nơi nguồn gốc mọi tội lỗi là quỷ dữ bị trừ khử, và con người tội lỗi được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. Chúa Giêsu sắp thực thi luật mới này cho người phụ nữ ngoại tình đang câm lặng và cam chịu giữa vòng vây của những người vin vào lề luật nhưng không biết tinh thần tối thượng của lề luật: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”  (Ga 15: 17). Sự im lặng của Chúa Giêsu như muốn nói với mọi người hãy bỏ đi những qui kết ầm ĩ bên ngoài để có thể im lặng bước vào bên trong đáy sâu tăm tối lòng mình và nhận ra rằng không ai không là người ngoại tình, không là tội nhân đáng chết. 

“Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8: 7). Lời của Chúa Giêsu “Ai trong các ông sạch tội,…” khiến các kinh sư và người Pharisêu phải có một lối nhìn nhận khác. Thay vì chỉ kêu gọi người ta đứng ra làm chứng về tội ngoại tình của người phụ nữ, Chúa Giêsu kêu gọi bất cứ ai vô tội hãy bắt đầu thi hành án. Như thế, Ngài chỉ ra tình trạng tội lỗi những người buộc tội người phụ nữ và vạch trần sự giả hình của họ: cứ vin vào luật lệ, quy tắc, nhất là chuẩn mực của riêng mình, để bắt lỗi người khác, mà không biết tự xem xét lại lòng dạ, lương tâm và đời sống riêng tư của mình. 

Khi không biết xét lại bản thân mình cách trung thực thì người ta rất dễ thấy người khác là kẻ tội lỗi mà quên mất rằng bản thân mình cũng tội lỗi không kém. Chúa Giêsu soi sáng cõi lòng của mỗi người chúng ta và vạch trần những tội lỗi ẩn kín nơi đó. Chúa Giêsu thúc giục mỗi người chúng ta, vốn hay phán xét và kết tội những người khác với thái độ tự cho mình là đúng, hãy xem xét lại cuộc sống của chính mình. Chúng ta hãy bỏ những viên đá xuống và trở về nhà mình, vì biết rằng chính mình cũng đáng bị ném đá như vậy.

Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian để cứu chúng ta khỏi sự lên án mà chúng ta đáng phải chịu: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Sự thật này được diễn tả một cách hoàn hảo trong cung cách Chúa Giêsu thấu hiểu, xót thương và mở ra con đường sự sống mới cho người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.

Chúng ta cần nhớ rằng không ai trong chúng ta có quyền ném đá người khác vì chính chúng ta đã được Chúa Giêsu tha thứ và mong mỏi chúng ta được sống kết hợp với Ngài nhiều như thế nào. Như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ nhất, Chúa Giêsu muốn chúng ta “được kết hợp với Ngài… cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết… chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Chúa Kitô Giêsu” (Philípphê 3:8-14). mục lục

Phêrô Phạm Văn Trung

HÃY RA VỀ VÀ VUI SỐNG

Anh chị em thân mến,

Tiếp theo dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu’, câu chuyện người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nhằm đề cao lòng nhân hậu hay thương xót và luôn tha thứ của Thiên Chúa dành cho mọi người, đặc biệt đối với những người tội lỗi.

Câu chuyện này rất quen thuộc. Chúng ta đã nghe nhiều lần. Nhưng bài học và ý tưởng của câu chuyện có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

Truyện kể vào lúc Đức Giê-su ở trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Trong khi dân chúng tuôn đến nghe Người giảng dậy thì mấy ông kinh sư và những người thuộc phái Pha-ri-sêu lại đến kiếm chuyện. Họ dắt một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình đến để chất vấn về lối sống và giáo huấn của Đức Giê-su.

Họ dùng tội của bà như một cái cớ để buộc tội Chúa. Bởi vì họ biết rằng Đức Giê-su luôn bênh vực và đứng về phía kẻ tội lỗi. Nếu Chúa tha cho bà thì Người không tuân theo luật lệ của tiền nhân. Theo luật thì bà phải bị ném đá cho đến chết. Còn giả như Đức Giê-su lên án tội của bà thì Người đi ngược lại với giáo huấn của Người.

Chính vì thế, mục tiêu mà họ đến gặp Chúa không phải để xin chỉ dậy, nhưng họ đến để gài bẫy và tìm bằng chứng để tố cáo Người. Chúng ta hãy nghe họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.”

Trước những lời cáo buộc của họ, Đức Giê-su đã im lặng, cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Sự im lặng mà Đức Giê-su thể hiện ở đây không có ý coi thường họ, cho bằng tạo một khoảng trống để họ nhìn lại những việc họ đã làm. Họ chỉ biết dán mắt vào luật mà không để ý đến hoàn cảnh cũng như các nguyên nhân, sâu thẳm bên trong cũng như bên ngoài, khiến bà có thể không còn tự chủ mà phải vi phạm vào điều mà chính bà biết rõ là sẽ dẫn bà đến cái chết! Có ai trong nhóm họ đã tự hỏi là họ có cần hy sinh một khoản luật để cứu bà ta hay là hy sinh người phụ nữ để giữ luật! Căn bản là họ thiếu lòng thuơng xót.

Đức Giê-su không nói bà này vô tội, nhưng bằng cái nhìn xót thương và tấm lòng nhân hậu, Người đã nhìn vào cả con người của bà. Bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đó là chứng cớ hiển nhiên mà họ đưa ra trước mắt Người. Hãy để bà đứng yên đấy. Bà không đến nỗi hư hỏng như các ông nhìn thấy. Các ông hãy nhìn lại đời sống của các ông; có ai trong các ông thấy mình sạch tội thì đá ở đây, hãy cầm lấy mà ném vào bà này trước đi.

Khi phán như thế, Đức Giê-su tạo cơ hội giúp họ hồi tâm và nhận ra con người yếu đuối và tội lỗi của họ. Những câu hỏi có thể liệt kê như sau: Người phụ nữ có tội vì bị các ông bắt đang phạm tội ngoại tình, còn các ông thì sao? Người đàn ông đồng phạm với bà ấy đâu? Phải chăng các ông để cho ông ta chạy thoát? Hay đây là cái bẫy mà các ông đã cùng với người đàn ông đó giăng ra để làm cớ mà buộc tội bà ta? Lòng dạ các ông có ngay thẳng và chính trực như các ông thường tự phụ hay không?

Hay là các ông ác ý, bàn mưu tính kế, để loại trừ những người mà các ông không ưa và để đạt được mục tiêu các ông có thể hy sinh những ai làm cản buớc đường danh vọng và vị trí mà các ông đang nắm giữ… Nếu các ông sạch tội thì ném đá bà ấy trước đi. Kết quả là kẻ trước người sau, trước tiên là những người lớn tuổi và sau cùng là mọi người đi hết bởi vì không ai là không có tội. Đó là một sự thật hiển nhiên mà nhiều khi chính chúng ta cũng hay bị quên.

Đối với người phụ nữ. Đức Giê-su khéo léo và tế nhị khi không đề cập đến quá khứ và hoàn cảnh hiện tại của chị. Họ đem chị đến trong lúc chị đang ngoại tình. Đó là chứng cớ mà họ tố cáo. Đức Giê-su không muốn tạo thêm áp lực làm tăng mặc cảm tội lỗi mà bà đang phải gánh chịu. Người khuyên bà đừng sống mãi với quá khứ. Quá khứ đã qua rồi. Hiện tại, Chúa Giê-su cũng không lên án bà và Người nói với bà hãy đi và kể từ nay đừng phạm tội nữa.

Theo Đức Giê-su thì tội lỗi và thánh thiện không là kết quả hay thước đo dựa trên lối sống và việc làm của con người. Con người chỉ khám phá ra sự thật của bản thân mình trong mối dây tương quan với Thiên Chúa. Sự Thánh Thiện của con nguời hoàn toàn dựa vào nguồn Thánh Thiện của Thiên Chúa. Và tội lỗi là việc cắt đứt hay gián đoạn mối tương quan giữa Thiên Chúa và mình.

Như vậy, qua bản văn Tin Mừng hôm nay chúng ta khám phá một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với kẻ có tội và những người tự nhận mình là người công chính… Tất cả đều nhận đuợc ơn. Những ai tự nhận mình là công chính, đang nắm giữ vai trò lãnh đạo cộng đoàn nhận được ơn là khám phá ra sự giới hạn của bản thân để thông cảm, bớt lên án và dễ dàng đến với tha nhân hơn. Còn ai có tội thì nhận đuợc tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,

 Đó là bài học cho tất cả chúng ta, những ai đang nghe Lời Người hôm nay. Bài học về Lòng Thương Xót, về lòng khoan dung và hay tha thứ của Thiên Chúa đã xuất hiện từ khi tạo dựng. Cho dù con người có bất trung với Thiên Chúa và bất nghĩa đối với nhau như thế nào thì cũng không làm cản trở nguồn ơn tái tạo và đổi mới của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động trong con người.

Hãy quên đi các lỗi lầm của nhau. Chúa hiện diện để tái tạo một thế giới mới. Phán quyết của Chúa là sự tha thứ, không giam cầm tội nhân, không giữ họ bị mặc cảm qua các sai phạm của quá khứ mà giúp họ vững tin và vươn lên với niềm hy vọng, tin tưởng bước đi trong Chúa, tin nhau và tin vào chính khả năng đã được trao ban để tha thứ và nâng đỡ nhau mỗi khi bị té ngã. Và, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa đang chờ ta, nâng ta dậy chứ Người không kết án chúng ta đâu.

Thật vậy, Đức Giê-su hiện diện để nâng và vực chúng ta dậy mỗi khi bị vấp ngã. Hãy đi và làm cho người khác được chỗi dậy như chúng ta đã được chỗi dậy bởi Chúa. Hãy thương xót, bộc lộ lòng nhân từ và luôn tha thứ nhau.

Đó là cách thức duy nhất mà Chúa mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng trời mời đất mới ngay trong hoàn cảnh sống của chúng ta, không chỉ trong Mùa Chay này, mà là mọi ngày trong cuộc sống. Đó cũng là điều mà thế giới ngày nay đang thiếu hụt và trông chờ. Hãy bước đi và vui sống trong hồng ân, lòng thương xót và hay tha thứ của Chúa. Amen! mục lục

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

ĐỂ CHÚA XÓT THƯƠNG

Vừa tảng sáng, dân chúng đến với Thầy Giêsu để nghe Người giảng dạy. Biết Thầy Giêsu đang ở Đền Thờ, các Kinh sư và những người Pharisêu dẫn đến trước mặt Người một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Áo quần chị xộc xệch, tóc tai rối bù, mặt tím bầm, chị cúi gầm mặt né tránh những ánh mắt dò xét, run sợ trước những hòn đá vô tình đang nằm sẵn trong tay các Kinh sư và người Pharisêu. Chị hồi hộp chờ đợi phản ứng của Thầy Giêsu, người đang trở thành một điểm tựa cuối cùng cho chị.

Đứng trước mặt Thầy Giêsu, chị trộm nhìn thấy độ của Thầy. Ánh mắt Thầy nhân từ khiến chị xấu hổ. Chị đang đứng ở giữa, xung quanh toàn là các bậc thầy đang tố giác chị với Thầy Giêsu: Thưa Thầy, luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Đám đông dân chúng cũng xì xầm, mỉa mai chị. Người ta sẵn sàng ném đá chị rồi nhưng họ lại kéo chị đến trước mặt Thầy Giêsu, không phải để tìm dịp tha cho chị nhưng để có cớ tố cáo Thầy. Một cái bẫy đầy nhan hiểm. Chị chắc chắn phải chết vì luật Môsê truyền như vậy. Còn Thầy Giêsu, Đấng luôn dạy người ta phải yêu thương nhau, Người sẽ làm gì đây? Bầu khí đầy căng thẳng, mọi ánh mắt đổ dồn về phía Thầy, tất cả đều chờ đợi câu trả lời. Thầy Giêsu chỉ cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Thầy không muốn can dự đến hay Thầy đang can dự vào thế bí? Thầy hoàn toàn im lặng. Đứng trước một người có tội nhưng đáng thương và khao khát được cứu vớt, nếu là ta, ta sẽ làm gì? Xử vô tội là trái luật Môsê, nhưng đồng tình ném đá là đẩy người có tội vào chỗ chết.

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Lời của Thầy vang lên khiến cho tất cả mọi người rơi vào thinh lặng. Nếu như những câu hỏi dồn dập họ vừa hỏi dường như làm Thầy Giêsu im lặng. Thì chỉ một câu nói của Thầy đã đẩy họ đến tận cõi lòng mình. Chẳng ai dám nhận mình vô tội. Ta cũng là tội nhân đó thôi nhưng đã bao lần ta xét đoán người khác. Chị phụ nữ giật mình trước lời của Thầy. Chị biết mình có tội. Ta có biết mình có tội không? Chị bị bắt quả tang đang khi có tội. Còn ta, ta có đang phạm tội cách kín đáo, lương tâm của ta có đang tố cáo ta không? Chị run sợ trước cái chết, trước sức ép của đám đông, trước sự giận dữ của người kết án chị. Chỉ có Thầy Giêsu vẫn điềm tĩnh, chẳng tỏ ra khinh miệt hay giận dữ nhưng Thầy khiến chị nhìn vào chính mình, Thầy cũng làm cho cả các Kinh sư khiêm tốn nhìn vào chính mình.

“ Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Chị được cứu thoát và được sống lại một cuộc đời mới. Thầy Giêsu đã tin tưởng đã hy vọng nơi chị và cho chị thấy chị có thể trở thành một người tốt. Thầy Giêsu cũng nói với ta điều đó.

Lạy Chúa! Chúa biết thân con tội lỗi nhưng Chúa vẫn thương con. Chúa không chê ghét con nhưng Chúa cho con được tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa. Này con xin đến cùng Chúa để sám hối và để Chúa làm cho nên tươi mới, đầy sức sống của Chúa. mục lục

Bông hồng nhỏ

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐỐI DIỆN VỚI PHI-TÌNH-YÊU LOÀI NGƯỜI

Trong những năm 1944-1945, dân thành Rô-ma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức Quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin người tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành. Ðức giáo hoàng đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển tới anh sự tha thứ của người, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt Mân Côi. Ðến nhà giam, sau khi làm theo lời căn dặn của đức giáo hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý! Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình! Ðức giáo hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao quý! Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này.” Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của đức giáo hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con.” Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...

Câu chuyện tha thứ trên đây cảm động quá phải không bạn? Nhưng trang Tin Mừng đang đọc dạy cho ta bài học tha thứ còn Cảm động và ý nghĩa gấp bội.

Trước hết, cần nhớ rằng chuyện Đức Giê-su rời núi Ô-liu (Cây dầu) để đến Đền thờ “cứu một người đàn bà ngoại tình”, một nữ tội nhân, là một trong những hạt ngọc của Tin Mừng. Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng trước cuộc Khổ nạn... lúc chúng ta cũng được kêu mời lãnh nhận ơn tha thứ của Người vì những tội mình đã phạm. Hãy coi chừng đừng hạ giá trang tuyệt vời này, bằng cách giản lược nó thành một loại bài học về sự khoan dung đối với các yếu đuối của con người... sự khoan dung mà các hiền nhân, bậc khôn ngoan thuộc mọi nền văn minh đều đã tán dương ca tụng. Nếu Đức Giê-su đã đến để chỉ nói lại với chúng ta điều ấy, thì rốt cuộc chúng ta chẳng cần Người.

Nhưng trên thực tế, trang Tin Mừng này là một mạc khải rất sâu xa về bản chất của tội lỗi và bản chất của ơn tha thứ.... từ quan điểm của Thiên Chúa.

Ý Niệm Ki-Tô Giáo Về Tội Lỗi

Tiên vàn, tội lỗi đúng là một thực tại của con người, nhưng nhất là một thực tại của đức tin. Khi các nhà xã hội học nghiên cứu về thái độ của con người, họ khám phá ra rằng:

Trước hết, đó là một sự vi phạm... Xã hội của loài người nam nữ, của các gia đình và của các thành thị đúng nghĩa chỉ có thể hoạt động theo một số điều kiện với một số luật lệ, một số lệnh cấm. Chớ trộm cắp. Chớ nói dối. Chớ ngoại tình. Tôn trọng vợ chồng người ta! Đừng có hiểu trang Tin Mừng này theo nghĩa ngược lại. Rõ ràng Đức Giê-su kết án tội ngoại tình: “Từ nay chị đừng phạm tội nữa.”

Rồi đến ý niệm lỗi lầm... Nếu trẻ thơ chỉ dừng lại ở chỗ các lệnh cấm – và khổ thay, một số người lớn vẫn là con nít trong chuyện này – thì thanh niên, khi ra khỏi thói coi trọng sơ đẳng cái được phép và cái cấm làm, thường khám phá ra rằng cái người ta đã cấm mình “gây thiệt hại cho chính bản thân mình.” Khi tôi nói láo, trộm cắp, hay ngoại tình, tôi phá hủy trong tôi một cái gì đó của nhân tính mình. Lỗi lầm là như một con sâu gặm nhấm trong một trái cây... một khiếm khuyết trong hữu thể, trong ý chí tôi.

Nhưng ý niệm tội lỗi còn một mức độ thứ ba. Tội lỗi, theo nghĩa chặt, tác động đến mối “quan hệ với Thiên Chúa.” Chúa nhật mới rồi, Đức Giê-su đã nhắc ta nhớ đến tội lỗi như một sự gãy đổ tình yêu với Cha trên trời: người ta cắt đứt liên hệ, người ta bỏ đi thật xa. Hôm nay, Tin Mừng gợi cho ta một mối quan hệ khác: tất cả Thánh Kinh từng so sánh tội lỗi của dân Ít-ra-en như một sự ngoại tình, một sự “phá vỡ Giao Ước” giữa Thiên Chúa với tuyển dân yêu quý của Người. Các ngôn sứ cũng từng so sánh nhân loại như một hôn thê bất trung với hôn phu của mình. Phá vỡ một giao ước tình yêu! Làm điều dữ cho một Đấng yêu thương chúng ta không ngừng! Đấy chính là mạc khải đích thực và sâu xa về cái gọi là tội lỗi.

Như thế, đối với Đức Giê-su, người ta chỉ có “cảm thức về tội lỗi” khi có “cảm thức về Thiên Chúa,” Cuối cùng, chính các vị thánh là sáng suốt nhất vì họ cảm nhận được vết thương tình yêu mà những vi phạm và lầm lỗi gây ra cho Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta và thương yêu chúng ta biết chừng nào! Đấng bị chúng ta tàn phá “khuôn mặt”... trong chúng ta, những kẻ đã được tạo dựng theo “hình ảnh” của Người!

Ý Niệm Ki-Tô Giáo Về Ơn Tha Thứ

Điều tuyệt diệu của Thánh Kinh, đó là tội lỗi được mạc khải thật sự cho chúng ta chỉ qua việc nó được tha thứ: “Tôi tin phép tha tội”... Lòng thương xót của Thiên Chúa đi trước các cuộc thống hối của chúng ta. Đấy là khám phá đích thực cần phải thực hiện, trong đức tin. Không chắc người đàn bà ngoại tình đã ăn năn tội khi người ta dẫn thị đến trước Đức Giê-su. Nhưng chắc chắn Đức Giê-su đã thương xót thị và đã cứu thoát thị: “Tôi không lên án chị đâu!”

Vâng, tình thương Thiên Chúa là vô điều kiện: Người vẫn tiếp tục thương yêu những kẻ không yêu thương mình. Thiên Chúa chẳng phải như ông chồng vụ lợi đầy tình âu yếm đối với bà vợ yêu say, nhưng bắt đầu ghét bà khi bà không còn dễ thương, hay bất trung, hay lừa phỉnh mình... dù phải tha thứ cho bà nếu bà trở lui lại. Không, Thiên Chúa – Thánh Kinh bảo chúng ta – tiếp tục yêu quý hôn thê ngoại tình của mình. Người luôn trong tình trạng tha thứ, ngay cả khi cô nàng bướng bỉnh. Thiên Chúa chẳng bao giờ hủy bỏ Giao Ước (Hôn ước) của Người.

Thành thử cần điều chỉnh khái niệm thông thường vốn khẳng định cách quá đơn giản rằng: “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta hối cải.” Chuyện tha tội không tiếp sau việc hối cải nhưng là đi trước, đi đầu. Đứa con hoang đàng được tha thứ hoàn toàn, yêu mến hoàn toàn trước. Con chiên lạc được mục tử thương mến, kiếm tìm ngay cả trong những lần đi lạc. Chị phụ nữ ngoại tình, với tội lỗi dĩ nhiên bị kết án, đã được Đức Giê-su yêu mến cách đặc biệt, vì Người thương xót chị: tội lỗi đã làm hư hỏng và gây tổn hại cho chị.

Tình thương Thiên Chúa là vô điều kiện. Để tha thứ, Thiên Chúa không chờ chúng ta. Người đi trước chúng ta. Nhưng để hòa giải, phải cần cả hai. Hôn phu thần linh sẽ chỉ có thể ôm lấy hôn thê ngoại tình của mình nếu cô nàng trở về với Người cách tự do. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả chúng ta đều được mời lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa: đây là một vấn đề tình yêu!

(Viết theo Noël Quesson, Les entretiens du dimanche). mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

HOÁN CẢI VÀ YÊU THƯƠNG.

Kính thưa quý bà con, anh chị em,

Hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về một câu chuyện đau lòng mà báo Tuổi Trẻ đã đăng tải: một đám cưới lẽ ra là niềm vui lại trở thành đám tang đầy bi kịch. Gia đình chú rể đến rước dâu, nhưng một cô gái bất ngờ cầm dao lao tới tấn công. Chú rể may mắn tránh được, nhưng mẹ của chú rể không thoát khỏi lưỡi dao ấy. Bà được đưa đi cấp cứu, nhưng đã qua đời trên đường đến bệnh viện. Qua câu chuyện này, chúng ta được mời gọi suy tư về bài Tin Mừng hôm nay qua hai từ khóa: Thù hận và lòng thương xót.

Sự thù hận và hậu quả

Câu chuyện đám cưới cho thấy một sự thù hận. Cô gái trong câu chuyện dường như nhắm đến chú rể, nhưng cuối cùng lại gây ra cái chết cho mẹ của anh. Sự thù hận này dẫn đến hậu quả đau thương, gợi lên bài học về sự thù hận và những hành động thiếu suy nghĩ. Từ đây, chúng ta liên hệ đến bài Tin Mừng hôm nay, nơi Chúa Giêsu đối diện với những kẻ mang ý định thù hận để hãm hại Ngài.

Người phụ nữ ngoại tình

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan (x. Ga 8:1-11), các kinh sư và người Pharisêu dẫn một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu. Họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền phải ném đá hạng người như thế. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8:4-5).

Họ không thực sự quan tâm đến người phụ nữ, mà ẩn ý của họ là gài bẫy Chúa Giêsu. Nếu Ngài bảo cứ làm theo Luật Môsê, Ngài sẽ mâu thuẫn với lời dạy về lòng thương xót và tha thứ. Nếu Ngài bảo tha thứ, họ sẽ cáo buộc Ngài vi phạm Luật Môsê. Nhưng Chúa Giêsu, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, cúi xuống viết trên đất, rồi ngẩng lên nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7).

Câu nói này đánh thức lương tâm của họ. Một lần nữa, Ngài cúi xuống viết trên đất, và từng người lặng lẽ rút lui. Cuối cùng, Ngài hỏi người phụ nữ: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị đáp: “Thưa Thầy, không ai cả.” Chúa Giêsu phán: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8:10-11).

Chúa Giêsu đã biến sự kết án thành tình yêu, sự thù hận thành lòng thương xót. Ngài không chỉ cứu người phụ nữ khỏi cái chết thể lý, mà còn đánh thức lương tâm của những kẻ cáo buộc, mời gọi họ nhìn lại chính mình.

Tình yêu của Thiên Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay hòa quyện với các bài đọc khác trong Thánh Lễ Chúa Nhật V Mùa Chay_C. Trong sách Isaia (Is 43:16-21), Thiên Chúa hứa làm điều mới mẻ cho dân Ngài: “Ta sắp làm một việc mới, việc đó đang thành sự trước mắt các ngươi” (Is 43:19). Đây là lời tiên báo về ơn cứu độ qua Đức Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Philípphê (x. Pl 3:8-14), cũng khẳng định: “Tôi coi tất cả như thua lỗ, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3:8). Ngài sẵn sàng cùng chết với Chúa để sống lại trong vinh quang, cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Đừng vội phán xét

Một vị linh mục kể rằng ngài giữ một quyển sổ lớn với tựa đề: “Những lời phàn nàn về người khác.” Mỗi khi ai đến phàn nàn, ngài mời họ ghi vào sổ và ký tên. Sau 40 năm, quyển sổ có gần một ngàn ghi chép, nhưng chưa ai dám ký tên. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta: con người dễ phán xét người khác, nhưng hiếm ai dám đối diện với lỗi lầm của chính mình. Điều này phản ánh lời Chúa Giêsu: “Sao anh thấy cái rác trong mắt người khác, mà không thấy cái xà trong mắt mình?” (Mt 7:3).

Thánh Phaolô cũng khuyên: “Đừng làm gì trong lúc nóng giận,” vì sự giận dữ dễ dẫn đến những hành động sai lầm, như cô gái trong câu chuyện đám cưới hay những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình.

Đón nhận và thể hiện tình yêu của Chúa

Qua bài Tin Mừng và các bài đọc hôm nay, chúng ta được mời gọi đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài là Đấng nhân từ, sẵn sàng tha thứ cho kẻ có tội để họ được sống. Mỗi người chúng ta đều là tội nhân, nhưng Chúa không kết án, mà mời gọi chúng ta hoán cải và yêu thương.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để biết nhìn lại chính mình, tránh phán xét người khác, và thể hiện tình yêu của Ngài trong đời sống hằng ngày. Như Thánh Phaolô, chúng ta hãy sống trong Đức Giêsu Kitô, để cùng chết với Ngài và sống lại trong vinh quang của Ngài.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Trọng

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tin liên quan