Nhận biết Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh

07-04-2025 227 lượt xem

Allocutio:
Lm. Paul Churchill, Linh giám Hội đồng Concilium – Ireland
Học viện Đaminh chuyển ngữ.

I. Thực Tại Của Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh

1. Nhận Biết Ngài Qua Thập Giá

Anh chị Legio Mariæ thân mến,

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, nhận biết Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh (x. 1 Cr 2:2). Đó là cách Thánh Phaolô diễn đạt, chỉ hơn 20 năm sau các biến cố của Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng chúng ta cũng vậy, hơn 2.000 năm sau, cũng cần nhận biết Ngài theo cách ấy mà thôi. Mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, mỗi khi chúng ta cầu nguyện trước Bí tích Thánh Thể, mỗi khi chúng ta đi ngang qua một nhà thờ, hãy nhớ rằng Đấng hiện diện nơi đó chính là Đấng đã chịu đóng đinh và vẫn còn mang trên thân mình những vết thương của cuộc khổ nạn ấy. Không có cách nào khác để nhớ đến Ngài, để ý thức về Ngài.

2. Vết Thương – Dấu Chỉ Vĩnh Cửu

Chúng ta có thể thỉnh thoảng nghĩ về Ngài như Con Một hằng hữu bên Chúa Cha, hay Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ, hay Hài Nhi sinh ra trong máng cỏ tại Bêlem, hay vị giảng thuyết vĩ đại và Đấng làm dấu lạ ở Galilê. Nhưng thực tại lớn lao ngay lúc này, Ngài chính là Đấng đã chịu đóng đinh, đã chết, đã được mai táng và đã sống lại từ cõi chết (x. TB 22,254), vẫn mang trên mình những vết thương của cuộc khổ nạn. Dù là với Thánh Tông đồ Tôma nghi ngờ đòi xem các vết thương trên tay Ngài (x. Ga 20:27), hay với thánh nữ Margaret Mary Alocque thời cận đại mà Ngài đã cho thấy trái tim bị thương tích của mình, thực tại vẫn không thay đổi: Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đã phục sinh nhưng vẫn mang những vết thương ấy. Đó là lý do cây Nến Phục Sinh có 5 đinh tượng trưng.

II. Rao Giảng Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh

1. Lời Rao Giảng Của Thánh Phaolô

Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh!” (1 Cr 1:23). Mỗi khi chúng ta đến trước mặt Ngài để cầu nguyện, dù trong nhà thờ hay trong sự riêng tư nơi gia đình, dù trong Thánh Lễ hay bất kỳ Bí tích nào khác, chúng ta hãy luôn giữ trước mắt thực tại này: đây là Đấng vẫn mang những vết thương của Thập giá. Đó là cách duy nhất để nhận biết Ngài và liên kết với Ngài.

2. Vết Thương Vì Tội Lỗi Chúng Ta

Và chúng ta đừng bao giờ quên rằng lý do Chúa Giêsu Kitô như vậy là vì tội lỗi của chúng ta. Ngài vẫn mang những vết thương của tội lỗi chúng ta. Ngay cả trong cõi vĩnh hằng, chúng ta sẽ thờ lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng mà máu của Ngài đã rửa sạch tất cả chúng ta (x. Kh 7:13-14). Thật vậy, trong Sách Khải Huyền có 28 lần nhắc đến Chiên Thiên Chúa, và nhiều lần trong số đó nói về Ngài bị sát tế hoặc về máu Ngài, qua đó chúng ta được tẩy rửa. Đây là thực tại hiện tại của Ngài và cũng là cách Ngài sẽ hiện hữu trong cõi vĩnh hằng.

3. Điểm Khởi Đầu Của Sự Gặp Gỡ

Khi anh chị Legio Mariæ đến cầu nguyện với Ngài, khi xin Ngài trợ giúp, chúng ta hình dung Ngài thế nào? Hãy nhớ đến những vết thương của Ngài mỗi lần như vậy. Hãy tự nhắc mình rằng chính vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã chịu đựng tất cả những điều ấy. Đây phải là điểm khởi đầu của mọi cuộc gặp gỡ với Ngài.

III. Gánh Nặng Của Thập Giá

1. Tội Lỗi Thế Gian Trên Thập Giá

Khi Chúa Giêsu chấp nhận chịu đóng đinh vào cây gỗ của Thập giá, Ngài đã chấp nhận một điều còn nặng nề hơn. Ngài đã mang lấy tội lỗi của cả thế giới. Như lời được loan báo qua ngôn sứ Isaia: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm” (Is 53:5). Quyết định và ý định chịu đóng đinh của Chúa Giêsu đã bao hàm trong đó mọi tội lỗi của thế giới: lòng hận thù và lòng ganh tỵ từ phía các người thuộc nhóm Sađốc và Pharisêu, sự phản bội chân lý của Philatô, lựa chọn của Philatô và các Tông đồ để tự cứu mình và tìm sự an nhàn của cá nhân, và có lẽ cả đám đông thầm lặng nữa. Chúng ta có thể nhận thấy trong khoảnh khắc của sự từ bỏ nơi họ hoàn toàn không có lòng trắc ẩn. Chúng ta cầu nguyện và suy tư thêm sẽ cho thấy nhiều điều nữa. Đây là gánh nặng của Thập giá Ngài mang vác; đây là giá máu Ngài biết mình phải chịu để quyền lực của tội lỗi chấm dứt.

2. Sức Mạnh Từ Đức Mẹ Và Các Nhân Chứng

Nhưng rồi Chúa Giêsu ngã xuống đất. Sức mạnh thể lý đã rời bỏ Ngài. Có lẽ sức mạnh tinh thần của Ngài cũng đang chịu thử thách. Nhưng Ngài biết mình phải đứng dậy và đi đến cùng. Khi Ngài đứng lên, Mẹ Maria ở đó – người mà Ngài gọi là “Hỡi Bà!” Đó là người trong thụ tạo mà Ngài nương tựa nhất. Ngài tuôn dòng lệ vào Mẹ. Giờ đây hơn bao giờ hết. Bởi Ngài thấy nơi Mẹ, không chỉ là mẹ mình, mà là Đấng đầy ân sủng (x. Lc 1,28), vẻ đẹp, sự đáng yêu, lòng trắc ẩn và tình yêu tinh tuyền nhất. Mẹ Maria cho Ngài thấy rằng nhân loại thật đẹp đẽ và đáng để chiến đấu. Từ Mẹ Maria, Chúa Giêsu nhận được sức mạnh để tiếp tục và hoàn tất sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Ngài. Điều này được củng cố qua ông Simôn, người sẵn lòng vác đỡ Thập giá dù bị ép buộc; bà Veronica bày tỏ một sự tử tế tự phát; và quả thật, khi cuộc khổ nạn của Ngài kéo dài, Ngài thấy mình được đền đáp: Gioan trẻ trung, người môn đệ được Ngài thương mến cũng ở đó cùng Mẹ Ngài, Mađalêna và các phụ nữ khác, người trộm lành bênh vực Ngài và xin Ngài cầu bầu. Và khi Ngài vừa tắt thở, Ngài có nghe viên đại đội trưởng nói: “Người này là Con Thiên Chúa” (x. Mc 15,39).

IV. Chúa Kitô Vĩnh Cửu Với Vết Thương

1. Cuộc Khổ Nạn Trở Thành Vĩnh Cửu

Trong cái chết, Chúa Giêsu Kitô trở về với Chúa Cha trong cõi vĩnh hằng và mang cuộc khổ nạn cùng cái chết Ngài đã chịu lên cùng Cha trên trời. Nó trở thành vĩnh cửu, để mỗi Thánh Lễ chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp với điều ấy. Nhưng như những trải nghiệm phục sinh của Ngài cho thấy, Ngài vẫn mang những vết thương ấy. Đó là cách chúng ta phải nhìn Chúa trên bàn thờ, trong Nhà Tạm, trong không gian riêng tư của chúng ta, mỗi khi chúng ta hướng về Ngài. Ngài là Chúa, Đấng mang những vết thương của tội lỗi chúng ta, mà vì đó Ngài đã hiến mình hoàn toàn.

2. Sự Nương Tựa Vào Đức Mẹ

Trong cuộc sống trần thế, Ngài lệ thuộc vào một người hơn tất cả. Lời “Xin vâng” của Mẹ Maria (x. Lc 1,38) là điều kiện để Ngài bước vào thế giới loài người chúng ta, Ngài nương tựa vào dòng sữa đầu đời từ ngực của Mẹ, vào đôi tay dịu dàng của Mẹ để chập chững những bước đi đầu tiên, vào sự hướng dẫn của Mẹ để tránh xa ánh mắt công chúng trước khi Mẹ cho phép Ngài bắt đầu sứ vụ tại tiệc cưới Cana, biểu tượng của bữa tiệc cưới của Chiên Thiên Chúa, Đấng bị sát tế vì tội lỗi chúng ta.

3. Lời Mời Gọi Tham Dự Khổ Nạn

Anh chị Legio Mariæ thân mến,

Thánh Phaolô nói: “Nhờ những đau khổ của tôi, tôi bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô Giêsu” (Cl 1:24). Đức Mẹ Maria - Nữ Vương của Legio đã sống điều đó. Mẹ mời gọi mỗi người quân binh của Mẹ cũng làm như vậy. Và tôi tự hỏi: liệu Chúa chúng ta có bao giờ được giải thoát khỏi những vết thương của Thập giá không? Có lẽ có, nhưng chỉ khi các hội viên Legio Mariæ và người được cứu chuộc cuối cùng được hội họp trên Nước Thiên Đàng (x. TB 22,256). Nhưng có thể đó sẽ là niềm vui của chúng ta khi mãi mãi chiêm ngắm Ngài mang những vết thương ấy, những vết thương cho chúng ta thấy chiều sâu tình yêu của Ngài và sự kỳ diệu của cuộc khổ nạn Ngài. Nhờ những vết thương của Ngài, mà chúng ta được chữa lành.

“Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa. Vì Chúa đã dùng Thánh giá để cứu chuộc thế gian.” Amen.

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.